Thuốc kháng sinh Zithromax 200mg/5ml dùng cho trẻ em có được không?

2.7/5 - (3 bình chọn)

Như chúng ta đều biết, các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra luôn là một vấn đề đau đầu mà các nhà khoa học phải tìm câu trả lời cho bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, đối diện với những loại sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường này thì rất khó, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay – khi mà rất nhiều loại thuốc kháng sinh đều đã bị vi khuẩn chống lại và không còn tác dụng chữa bệnh – hậu quả của việc sử dụng kháng sinh không hợp lý.
Trong những nhóm kháng sinh phổ rộng vẫn còn hiệu lực điều trị thì Macrolid hiện nay là một loại kháng sinh được xem như là loại thuốc được sử dụng sau cùng, khi mà các nhóm thuốc kháng sinh beta – lactam như penicillin, cephalosporin, cephamycin, carbapenem… đều đã bị vi khuẩn kháng thuốc hết.
Trong số các thuốc này thì một dòng thuốc nổi bật đang được các bác sĩ kê đơn cho nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau, trong đó có trẻ em – thuốc kháng sinh Zithromax. Loại thuốc này có cơ chế tác dụng ra sao, nhóm thuốc này có tác dụng như thế nào? Heal Central sẽ cùng các bạn tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Zithromax là thuốc gì?

Lọ thuốc Zithromax
Hình ảnh: Lọ thuốc Zithromax

Như đã giới thiệu ở trên, Zithromax là một thuốc thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn. Thuốc này thường được kê đơn trong một số trường hợp nhất định như: Khi bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh nhóm Beta – lactam hoặc bệnh nhân đang bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là khuẩn Hp) gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Thành phần chính của Zithromax là Azithromycin – một kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, nhóm thuốc mới được phát hiện ra gần đây và có phổ tác dụng khá rộng so với các thuốc được phát hiện ra trước đó. Do mới được phát hiện ra nên gần như thuốc này ít bị vi khuẩn kháng lại.
Hàm lượng của thuốc cũng như dạng bào chế của thuốc là tùy thuộc vào các loại Zithromax khác nhau, mặc dù các thuốc Zithromax đều cùng hoạt chất và cùng thuộc một nhà sản xuất là Pfizer Italia S.R.L – một công ty dược phẩm nổi tiếng tại Italia.
Tham khảo: Kháng sinh Metronidazole: Tác dụng, cơ chế diệt khuẩn, thận trọng khi sử dụng

Các loại thuốc Zithromax trên thị trường

Zithromax 200mg/5ml

Thuốc Zithromax 200mg/5ml được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống. Tuy nhiên hàm lượng của Zithromax 200mg/5ml, giống như tên thuốc, là 200mg Azithromycin khi pha trong 5ml hỗn dịch. Dạng thuốc pha này phù hợp cho những đối tượng là trẻ em, người già và những người gặp khó khăn trong việc nuốt cả viên thuốc.
Thuốc này lại được đóng gói dưới dạng mỗi hộp gồm có 1 chai thuốc, mỗi chai thuốc này có chứa 600mg hoạt chất Azithromycin.
Số đăng kí của dạng thuốc này trên thị trường là VN-10300-05

Zithromax 250mg

Thuốc Zithromax 250mg
Hình ảnh: Thuốc Zithromax 250mg

Dạng bào chế của thuốc Zithromax 250mg là dạng viên nang uống, mỗi hộp sẽ có 1 vỉ 6 viên nang dạng này. Mỗi viên nang có hàm lượng Azithromycin là 250mg.
Thuốc này dùng phù hợp hơn cho người lớn mắc nhiễm trùng nặng đường hô hấp hoặc tiết niệu, da, sinh dục. Thuốc này được Bộ Y tế Việt Nam cấp số đăng kí là VN-18403-14.

Zithromax 500mg

Thuốc Zithromax 500mg
Hình ảnh: Thuốc Zithromax 500mg

 
Một sản phẩm khác của hãng Pfizer đến từ Ý. Thành phần dược chất vẫn là Azithromycin nhưng được bào chế dưới dạng viên nén có hàm lượng là 500mg/viên.
Thường được dùng trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn da, một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục,…
Thuốc được Bộ Y tế cấp số đăng kí là VN-9351-05.
Tham khảo: Thuốc Kháng sinh Klacid 125mg/5ml: Cách pha thuốc, tác dụng & liều dùng

Thuốc Zithromax có tác dụng gì?

Tác dụng và cơ chế tác dụng
Tác dụng của thuốc Zithromax phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt chất chính trong thuốc:
Azithromycin có cơ chế tác dụng tương tự như các kháng sinh khác thuộc nhóm Macrolid. Hoạt chất này thực chất là một kháng sinh bán tổng hợp, nằm trong phân nhóm kháng sinh azalide của nhóm kháng sinh Macrolid. Công thức cấu tạo của phân tử Azithromycin rất cồng kềnh, với 2 thành phần chính là phần genin (là một vòng lacton rất lớn có khoảng 12 đến 17 nguyên tử) gắn với phần đường amin qua cầu nối oxi (gọi là cầu osid).

Công thức hóa học của Azithromycin
Công thức hóa học của Azithromycin

Cơ chế tác dụng của Azithromycin khá đơn giản: Hoạt chất này có thể tích phân bố khá lớn nên có thể phân bố vào sâu trong các tế bào và mô cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả các tế bào của vi khuẩn. Sự phân bố này giúp Azithromycin có thể thực hiện được khả năng gắn kết vào các tiểu đơn vị lớn (50S) của vi khuẩn. Sự gắn này ức chế quá trình dịch mã để tạo ra protein mới cho vi khuẩn. Nhờ vậy vi khuẩn không thể sinh trưởng hay sinh sản được.
Khác với kháng sinh Erythromycin – kháng sinh đầu tiên được tìm ra trong nhóm macrolid, Azithromycin có vòng lacton 15 cạnh, đồng thời tại một số vị trí trên công thức phân tử của Azithromycin có thay thế Cacbon bằng Nito và có thay thế nhóm -OH bằng nhóm -OCH3. Các điểm khác này tạo nên ưu điểm của Azithromycin so với Erythromycin sau:

  • Thứ nhất: Azithromycin bền hợn Erythromycin với acid dịch vị. Nhờ vậy, nếu cùng sử dụng đường uống thì Azithromycin có sinh khả dụng cao hơn Erythromycin.
  • Thứ hai: Thời gian tác dụng và thời gian bán thải của Azithromycin dài hơn Erythromycin, do đó bệnh nhân sẽ chỉ cần dùng ít lần hơn mà vẫn có tác dụng lâu dài.
  • Thứ ba: Khác với các Macrolid 14C, Azithromycin không ức chế hệ enzyme gan CYP 450, do đó các tác dụng phụ trên gan và các tương tác của thuốc này với các thuốc khác có chuyển hóa tại gan là hạn chế hơn rất nhiều.
  • Thứ tư: Phổ tác dụng của các kháng sinh nhóm Macrolid vốn đã rộng thì nay đối với Azithromycin, tác dụng của nó còn rộng hơn, có tác dụng trên cả vi khuẩn đường ruột và các vi khuẩn Gram âm.

Phổ tác dụng
Phổ tác dụng của Azithromycin là rất rộng, trải dài từ các vi khuẩn Gram âm đến các vi khuẩn Gram dương, thậm chí là trên một số vi khuẩn khác không phân loại theo phương pháp nhuộm Gram như vi khuẩn Mycoplasma, Chlamydia, Spirochetes,… Cụ thể như sau:

  • Các vi khuẩn Gram dương: Họ vi khuẩn Liên cầu Streptococcus, vi khuẩn Tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Phế cầu khuẩn Pneumococcus,… Tuy nhiên các chủng vi khuẩn nào đã kháng Erythromycin thì cũng có khả năng kháng chéo rất cao với Azithromycin. Ngoài ra các vi khuẩn kháng methicillin cũng được ghi nhận là đã kháng gần như hoàn toàn với Azithromycin. Bác sĩ kê đơn cần lưu ý những điều này.
  • Các vi khuẩn Gram âm: Haemophilus influenzae (vi khuẩn thường gây viêm nhiễm đường hô hấp), Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn), Moraxella catarrrhalis (vi khuẩn thường gây ra bệnh viêm tai giữa), Bordetella pertussis, và parapertussis (thường gây bệnh ho gà ở trẻ em) Mycobacterium avium (Vi khuẩn gây bệnh viêm mạn tính ở phổi tiến triển chậm),…

Nói tóm lại, so với Erythromycin, do có cấu trúc phân tử ưu việt hơn nên Azithromycin tác dụng trên vi khuẩn Gram (+)  yếu hơn một chút, tuy nhiên tác dụng của nó lại mạnh hơn trên một số vi khuẩn Gram (-) trong đó có một loài rất hay gây bệnh ở đường hô hấp ở trẻ em là Haemophilus.
Dược động học
Azithromycin có sự hấp thu nhanh và có sinh khả dụng đường uống khá cao so với các thuốc kháng sinh Macrolid dùng đường uống khác. Nồng độ thuốc khi phân bố trong các mô cơ quan trong cơ thể khá cao nên tác dụng của thuốc rất mạnh lên vi khuẩn nhưng lại an toàn với người dùng.
Thậm chí thuốc có thể dùng được cho cả trẻ em và phụ nữ có thai.
Nồng độ của thuốc đạt trong huyết tương cao nhất là sau khoảng 3 đến 5 giờ. Tuy nhiên hoạt chất này có phân tử lượng lớn, không qua được hàng rào máu não nên không điều trị được nhiễm trùng tại hệ thần kinh trung ương này và thuốc vẫn bị ảnh hưởng sinh khả dụng nếu dùng chung với các thức ăn khác.
Tham khảo: FDA chấp thuận kháng sinh đầu tay Lefamulin (Xenleta) cho viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Chỉ định của thuốc Zithromax

Các đối tượng có thể sử dụng thuốc Zithromax bao gồm:

  • Bệnh nhân bị nhiễm các vi khuẩn vẫn còn nhạy cảm với Azithromycin và các kháng sinh nhóm Macrolid khác.
  • Bệnh nhân bị viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản cấp do các vi khuẩn như Haemophilus influenzae, phế cầu khuẩn Pneumococcus, các liên cầu khuẩn Streptococcus,…
  • Bệnh nhân bị viêm đường mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan
  • Bệnh nhân bị viêm nhiễm đường sinh dục và đường tiết niệu do vi khuẩn chưa kháng kháng sinh nhóm Macrolid (bao gồm cả Erythromycin, Clarythromycin) gây ra.

Chú ý: Chỉ những bệnh nhân đã kháng kháng sinh nhóm beta – lactam hoặc dị ứng với những kháng sinh loại khác. Cách dùng như vậy để giảm tối đa nguy cơ kháng thuốc và đa kháng thuốc cho bệnh nhân.

Cách sử dụng thuốc Zithromax

Cách pha thuốc Zithromax cho trẻ em

Cách sử dụng Zithromax
Cách sử dụng Zithromax

Với Zithromax dạng hỗn dịch uống này thì cách pha thuốc được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị một cốc nước chứa khoảng 15ml nước đun sôi để nguội ấm (nếu bạn có cốc pha có vạch thì càng tốt).
  • Bước 2: Mở nắp hộp thuốc bột rồi đổ nhẹ nhàng hết tất cả thuốc trong lọ vào cốc nước trên. Sau đó dùng thìa khuấy đều để cốc nước trở thành dạng hỗn dịch.
  • Bước 3: Lấy cho bé uống hoàn toàn 1 lượng 5ml thuốc trên. Có thể tráng lại bằng nước ấm và cho bé uống đến khi hết thuốc trong cốc.

Với Zithromax dạng viên uống: Bạn chỉ cần uống cả viên thuốc với một cốc nước sôi để nguội hoặc nước lọc là được.

Liều dùng thuốc Zithromax

  • Với người lớn liều dùng như sau:

Bệnh nhân bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp và các mô mềm khác:
Ngày đầu tiên bệnh nhân uống 1 liều duy nhất 500mg Azithromycin.
Trong 4 ngày tiếp theo bệnh nhân duy trì dùng liều duy nhất 250mg Azithromycin.
Bệnh nhân bị viêm nhiễm đường sinh dục và viêm đường tiết niệu: Mỗi ngày dùng liều duy nhất 1000mg (hay 1 gam) Azithromycin.

  • Vơi trẻ em dưới 12 tuổi ( lớn hơn 6 tháng tuổi) dùng liều như sau:

Liều duy nhất cho mỗi bệnh nhân là 10 mg trên mỗi kg thể trọng mỗi ngày, duy trì trong 3 ngày, hoặc sử dụng theo liều sau
Ngày đầu tiên dùng 10 mg trên mỗi kg thể trọng, trong 4 ngày tiếp theo bệnh nhân dùng 5 mg trên mỗi kg thể trọng mỗi ngày.

Chống chỉ định của thuốc Zithromax

Các bệnh nhân sau không được sử dụng thuốc Zithromax:

  • Bệnh nhân có phản ứng dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc, kể cả các tá dược.
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các kháng sinh thuộc nhóm Macrolid khác ( gồm Erythromycin, Clarythromycin, Roxithromycin…).
  • Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc có thành phần là ergotamine và bromocriptine.

Tác dụng phụ của thuốc Zithromax

Các ghi nhận sau được thu được sau quá trình điều trị trên nhiều bệnh nhân ở các độ tuổi và tình trạng khác nhau. Tuy nhiên các tác dụng này đều ở thể nhẹ hoặc vừa, có thể hồi phục sau một thời gian ngừng sử dụng thuốc.

  • Trên hệ tiêu hóa: Cứ 10 bệnh nhân sẽ có một bệnh nhân gặp một trong số các tình trạng khó tiêu, đầy hơi hoặc tiêu chảy, buồn nôn. Về cơ bản các tác dụng phụ này hiếm gặp hơn so với sử dụng Erythromycin.
  • Trên thình giác: Một số bệnh nhân bị giảm thính lực khi dùng thuốc trong thời gian dài với liều cao, tuy nhiên thính lực có thể phục hồi hoàn toàn sau một thời gian ngưng thuốc.
  • Các tác dụng phụ như rối loạn vị giác, viêm nhiễm tại thận hay các tác dụng trên thần kinh như nhức đầu, buồn ngủ hay mệt mỏi hoa mắt là có ghi nhận nhưng không quá nghiêm trọng và rất hiếm khi xảy ra.
  • Ghi nhận có bệnh nhân bị tăng men gan khi sử dụng thuốc nhưng cũng phục hồi về chỉ số bình thường nhanh chóng sau khi không sử dụng thuốc nữa. Số hiếm bệnh nhân bị vàng da hoặc viêm mật ở thể nhẹ nhưng cũng cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên môn.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Zithromax

Như đã nói ở trên, bệnh nhân mà nhiễm vi khuẩn đã kháng với Erythromycin hay methicillin đều có thể bị kháng chéo với Azithromycin trong Zithromax. Bác sĩ cần chú ý điểm này khi hỏi bệnh và kê đơn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân bị suy gan thận hay đang trong đợt viêm gan thận cấp thì cần được điều chỉnh liều cho phù hợp.
Tuy rất hiếm nhưng đã có ghi nhận bệnh nhân bị sốc phản vệ khi dùng Azithromycin, do vây bệnh nhân cần thận trọng để có biện pháp cấp cứu kịp thời nếu xảy ra dị ứng nặng như trên.

Ảnh hưởng của thuốc Zithromax lên phụ nữ có thai và đang cho con bú

Hiện tại các nghiên cứu đã có chưa chứng minh được thuốc có đi qua máu nhau thai hay sữa mẹ hay không. Thực chất các đối tượng này cũng thuộc diện khá nhạy cảm nên chỉ sử dụng thuốc khi bệnh nhân đã được tư vấn hết các lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc và không có bất kì thuốc nào khác có thể thay thế Azithromycin trong Zithromax.

Tương tác của thuốc Zithromax với các thuốc khác

Các thuốc có thể làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc bao gồm:

  • Các thuốc kháng acid dùng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Các thuốc trợ tim nhóm digoxin, các thuốc điều trị cho bệnh nhân bị bệnh miễn dịch bao gồm vảy nến, viêm da dị ứng, viêm khớp dạng thấp có bản chất là cyclosporin. Nếu dùng đồng thời 2 thuốc trên với Zithromax cần chú ý điều chỉnh liều của 2 thuốc trên.
  • Các thức ăn thông thường đều có khả năng giảm sinh khả dụng của thuốc từ 40% chỉ còn lại 20%.
  • Dùng phối hợp Azithromycin trong Zithromax và các thuốc bản chất Rifabutin có thể làm giảm bạch cầu trung tính trong huyết tương.

Cách xử trí quá liều thuốc Zithromax

Thuốc Zithromax với thành phần Azithromycin có sinh khả dụng khá tốt và có thể đạt nồng độ đỉnh trong máu khá nhanh sau khi dùng thuốc, do vậy các phản ứng quá liều của thuốc cũng xảy ra khá nhanh. Triệu chứng điển hình của quá liều này là giảm thính lực tạm thời, buồn nôn và nôn thậm chí kèm theo tiêu chảy.
Hiện tại chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho Azithromycin, do vậy chỉ có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng nếu thuốc đã hấp thụ hết. Nếu chưa hấp thụ vào cơ thể có thể áp dụng biện pháp rửa dạ dày hoặc cho bệnh nhân dùng than hoạt tính.

Thuốc Zithromax có dùng được cho trẻ sơ sinh không?

Đối tượng trẻ sơ sinh có hệ thống tuần hoàn, tiêu hóa cũng như các cơ quan khác trong cơ thể chưa hoàn thiện và không giống như người trưởng thành. Cơ thể của các bé còn nhỏ và nhạy cảm với nhiều loại thuốc khác nhau, do vậy đối tượng này không nằm trong nhóm đối tượng được thử nghiệm lâm sàng của thuốc Zithromax. Chính vì vậy mà thuốc này hiện nay vẫn chưa đủ độ an toàn để có thể  được sử dụng cho nhóm đối tượng này.
Các ông bố bà mẹ tuyệt đối không được cho bé sử dụng loại thuốc này vì có thể quá liều hoặc gây ra nhiều tác dụng phụ cho bé.

Thuốc Zithromax uống trước hay sau ăn?

Hộp thuốc Zithromax
Hình ảnh: Hộp thuốc Zithromax

Để tránh gặp phải các tương tác không mong muốn của hoạt chất Azithromycin có trong thuốc với các thực phẩm khác, bạn nên uống thuốc khi bụng đói vì thức ăn có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc. 2 giờ sau ăn hoặc 1 giờ trước khi ăn là những thời điểm tốt nhất để dùng thuốc.

Thuốc Zithromax uống trong mấy ngày?

Bạn tham khảo mục Liều dùng thuốc Zithromax bên trên để được giải đáp.
Tuy nhiên, thời gian sử dụng ở mỗi bệnh nhân khác nhau có thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian phục hồi bệnh và đáp ứng của mỗi bệnh nhân với thuốc.

Thuốc Zithromax giá bao nhiêu?

Zithromax pos sus 200mg/5ml

Thuốc này đang được bán tại nhiều hiệu thuốc với giá khoảng 100.000 đến 110.000 đồng cho 1 hộp 600mg hoạt chất.

Zithromax 250mg

Với dạng viên uống này, thuốc Zithromax đang được bán với giá là 350.000 đồng.

Zithromax 500mg

Với hàm lượng 500mg, thuốc được bán với giá dao động khoảng 315.000 đồng tùy nhà thuốc.

Thuốc Zithromax mua ở đâu Hà Nội, Tp HCM?

Hiện tại, do là thuốc kháng sinh phổ rộng, khá ít tác dụng phụ so với các kháng sinh cùng nhóm và thậm chí có thể so sánh là an toàn hơn các kháng sinh thuộc các nhóm khác, lại được dùng cho những bệnh nhân đã kháng nhiều loại kháng sinh khác nên thuốc Zithromax đang được nhiều bệnh nhân tin tưởng và khuyên dùng.
Dưới đây là một số nhà thuốc uy tín bạn có thể tin tưởng mua hàng:

  • Tại Hà Nội, bạn có thể tìm đến các hiệu thuốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các quầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Nhà thuốc An Khang, Ngọc Anh…
  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số cơ sở kinh doanh thuốc uy tín gồm: Nhà thuốc Long Châu, nhà thuốc Pharmacity, nhà thuốc bệnh viện Chợ Rẫy,…
Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây