Mới đây, ngày 1/4/2020 cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đăng tải bài viết “FDA Requests Removal of All Ranitidine Products (Zantac) from the Market”. Theo đó FDA yêu cầu thu hồi tất cả các sản phẩm có chứa Ranitidine đang lưu hành trên thị trường (thường được biết đến là thuốc Zantac). Bài viết dưới đây Heal Central sẽ cung cấp cho các bạn đọc thông tin liên quan đến thuốc Zantac.
Maximum Strength Zantac 150mg là thuốc gì?
Maximum Strength Zantac 150mg là một thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn, được dùng để điều trị các bệnh đường tiêu hóa, cụ thể là điều trị trào ngược dạ dày thực quản và loét dạ dày tá tràng.
Thuốc Maximum Strength Zantac 150mg là một thuốc ngoại nhập, có nguồn gốc từ Công ty Glaxo Wellcome Australia Pty., Ltd của Australia.
Mỗi viên thuốc Zantac 150mg có thành phần hoạt chất chính là Randitidin (dưới dạng Randitidin Hydroclorid) với hàm lượng là 150mg.
Mỗi hộp thuốc Zantac 150mg gồm có 60 viên nén bao phim được đóng gói thành 4 vỉ, mỗi vỉ 15 viên thuốc.
Số đăng kí của thuốc Zantac 150mg tại Việt Nam là VN-5476-01 và thuộc danh mục thuốc được quản lý bởi Bộ Y tế.
Một số dạng thuốc Zantac đang lưu hành ngoài thị trường
Thuốc Zantac 300mg
Zantac 300mg cũng là một nhóm thuốc thuộc nhóm thuốc tương tự với Zantac 150mg bên trên bởi:
Thứ nhất: Cả 2 loại thuốc này đều thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có công dụng ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản.
Thứ 2: Cả 2 loại thuốc này đều có thành phần là Randitidin, do vậy cơ chế tác dụng của chúng với cơ thể bệnh nhân là như nhau.
Tuy nhiên, 2 loại thuốc trên khác nhau ở điểm: Zantac 300mg có hàm lượng Randitidin gấp đôi so với Zantac 150mg. Thêm nữa, Zantac 300mg là một sản phẩm của Công ty GSK (Glaxo Smith Kline) chứ không phải Công ty Glaxo Wellcome Australia Pty., Ltd như của Zantac 150mg.
Thuốc này được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và mỗi hộp thuốc thường chỉ có 10 viên.
Thuốc Zantac Injection 50mg / 2ml
Cũng là một loại thuốc có tên Zantac, cũng chứa thành phần Randitidin nhưng Zantac Injection lại được bào chế dưới dạng thuốc tiêm để dùng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc khi bệnh nhân không thể uống nổi thuốc viên.
Zantac Injection 50mg / 2ml được đóng gói dưới dạng ống thuốc, mỗi ống có 2ml. Trong mỗi ống 2ml này có chứa 50mg Randitidin, do vậy thuốc này còn có tên gọi khác là Zantac Injection 25mg/ml.
Nhà sản xuất của Zantac Injection 50mg / 2ml cũng tương tự như Zantac 300mg, đều là Công ty Glaxo Smith Kline (một công ty của Anh).
Mỗi hộp Zantac Injection 50mg / 2ml có 5 ống và được đóng kín.
Thuốc Regular Strength Zantac 75mg
Thuốc Regular Strength Zantac 75mg là một chế phẩm tương tự với thuốc Maximum Strength Zantac 150mg nhưng hàm lượng chỉ bằng 1 nửa.
Thuốc do Công ty Glaxo Wellcome Australia Pty., Ltd của Australia sản xuất.
Thuốc được đóng gói với 1 hộp gồm 60 viên nén.
Thuốc Zantac Tablets 150mg
Thuốc do công ty Dược Phẩm TW2 đăng ký.
SĐK: VN 20764 17
Hộp 6 vỉ mỗi vỉ 10 viên nén bao phim
Hoạt chất chính là Ranitidine dưới dạng Ranitidine hydrochloride
Thông tin Zantac 150mg bị rút khỏi thị trường
Thông tin Zantac 150mg bị thu hồi được đưa ra đầu tiên bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và MHRA (Cơ quan Quản lý Y Dược Anh). Cụ thể FDA đã đề nghị công ty Glaxo Smith Kine thu hồi ngay các sản phẩm Zantac chứa thành phần Randitidin do một thành phần có tên N-nitrosodimethylamine (viết tắt là NDMA). Các sản phẩm bị thu hồi bao gồm: có Thuốc tiêm Zantac 50 mg/2ml, Siro Zantac 150 mg/10ml, viên nén Zantac 150 mg, viên nén Zantac 300 mg, Zantac 75mg.
Khi bào chế các thuốc Zantac thì trong thành phần thuốc này không chứa lượng đáng kể NDMA, tuy nhiên theo thời gian, Randitidin được chuyển hóa và tạo ra NDMA.
Theo nghiên cứu của FDA, NDMA tăng lên theo thời gian dưới tác động của nhiệt độ bảo quản thuốc không đảm bảo (trên 25 độ C), điều kiện độ ẩm, ánh sáng và một số tác động cơ học, hóa học khác. Nồng độ chất này tăng lên có thể vượt quá nồng độ cho phép, dẫn đến nguy cơ người bệnh phơi nhiễm NDMA – điều mà có thể dẫn đến nguy cơ bệnh nhân bị ngộ độc gen, ung thư dạ dày và một số ung thư đường tiêu hóa khác.
Theo thông báo được đưa ra vào cuối tháng 9/2019 thì Zantac bị áp các lệnh thu hồi bởi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh như sau:
Với các cán bộ y tế:
Ngưng phân phối các sản phẩm Zantac bao gồm cả dạng uống và dạng tiêm đến người tiêu dùng.
Kiểm tra lại các dạng sản phẩm Zantac trong kho thuốc, kiểm kê, thu hồi và trả lại nhà sản xuất đúng hẹn.
Nếu bệnh nhân hỏi mua thuốc hoặc xin tư vấn sử dụng thuốc này thì khuyến cáo bệnh nhân nên ngưng sử dụng ngay, đổi sang phương pháp điều trị khác,hướng dẫn bệnh nhân xử lý thuốc tồn và giải thích các nguy cơ có thể xảy ra cho các bệnh nhân nếu tiếp tục sử dụng thuốc này.
Đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc này, chúng tôi cũng xin đưa ra một số lời khuyên như sau:
Trước đại dịch COVID-19 hiện nay, FDA khuyến cáo bệnh nhân và người tiêu dùng không nên mang thuốc đến địa điểm nhận thuốc để đổi trả mà tuân theo các hướng dẫn xử lý cụ thể trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc gói thuốc hoặc làm theo các bước được khuyến nghị của cơ quan , bao gồm các cách để vứt bỏ một cách an toàn các loại thuốc này ở nhà.
Thuốc Zantac 150mg có tác dụng gì?
Trước hết chúng tôi xin cung cấp tới các bạn một số thông tin về căn bệnh loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản như sau:
Về nguyên nhân gây bệnh: người ta đã xác định được một số nguyên nhân chính có liên quan gây ra loét dạ dày tá tràng như sau:
Thứ nhất: Do vi khuẩn Helicobacter pylori: (Có liên quan đến gần 70% ca bệnh loét dạ dày tá tràng hiện nay). Cụ thể, các nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh được rằng Heicobacter pylori làm tổn thương niêm mạc tại chỗ bằng cách: thoái hóa lớp nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày và sản xuất các men làm tổn thương tế bào niêm mạc.
Helicobacter pylori tiết urease thủy phân ure thành amoniac gây độc vs tế bào và niêm mạc Đồng thời ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhày bao phủ niêm mạc dạ dày, khi đó lớp chất nhày suy giảm và tổn thương tế bào biểu mô trở thành yếu tố tấn công tác động trực tiếp làm viêm loét.
Do các thuốc kháng viêm không steroid NSAIDS: Các thuốc này được chứng minh là có thể trực tiếp gây tổn thương niêm mạc dạ dày làm acid dễ thấm qua lớp nhày, tiếp xúc, phá hủy niêm mạc theo 2 cơ chế chính
Cơ chế 1: Các sản phẩm chuyển hóa thuốc NSAIDs được bài tiết theo mật làm tổn thương niêm mạc ruột
Cơ chế 2: Ức chế tổng hợp Prostaglandin, làm giảm lưu lượng vi tuần hoàn niêm mạc và ngăn cản quá trình tái tạo, sửa chữa các tế bào niêm mạc, làm suy giảm hàng rào bảo vệ.
Ngoài các nguyên nhân trên, các nhà khoa học còn xác định được một số nguyên nhân khác liên quan đến thuốc corticoid, yếu tố di truyền, yếu tố nhóm máu, yếu tố ăn uống và tình trạng sức khỏe tinh thần… cũng là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh này.
Dựa vào các yếu tố thuận lợi và nguyên nhân gây bệnh trên, Zantac 150mg đã áp dụng cơ chế tác dụng của Randitidin như sau:
Một trong số các yếu tố chính kích thích làm tăng lượng acid dạ dày là các histamin. Cụ thể histamin này kích thích gắn vào thụ thể histamin H2 và làm tăng lượng acid và pepsin trong dạ dày lên, nặng hơn các triệu chứng viêm loét của bệnh nhân.
Randitidin, cimetidin là các chất có khả năng ức chế histamin H2 một cách đặc hiệu, và khá nhanh chóng. Randitidin có tác dụng ngăn ngừa tiết pepsin, acid dạ dày một cách ổn định, ngay cả khi bệnh nhân bị mắc bất kì nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nào, có bị kích thích tăng acid dạ dày do sinh lý và bệnh lý hay không.
Ngay sau khi uống thuốc 1 đến 3 giờ, thuốc sẽ đạt được nồng độ cao nhất trong huyết tương, có 2 đỉnh nồng độ của thuốc sau khi uống do Randitidin được tái hấp thu lại ở ruột, tác dụng của Randitidin do vậy cũng kéo dài hơn so với một số nhóm thuốc cùng loại – 1 liều 150mg Randitidin có tác dụng trong vòng 12 giờ. Sinh khả dụng của Randitidin là khoảng 50 đến 60%.
Nghiên cứu chứng minh tác dụng của Randitidin được thực hiện như sau:
Phối hợp dùng Randitidin với với amoxicillin và metronidazole trong thời gian 4 tuần có tác dụng diệt khuẩn Helicobacter pylori đến hơn 90%.
Trị liệu Randitidin cũng cho thấy tác dụng giảm đến 95% nguy cơ tái phát loét dạ dày tá tràng ở người không dương tính với khuẩn Helicobactor Pylori và 80% đối với bệnh nhân dương tính với khuẩn Helicobactor Pylori.
Tham khảo thêm: 10 Thuốc chữa dạ dày nhanh và hiệu quả nhất [BÁC SĨ KHUYÊN DÙNG]
Đối tượng sử dụng thuốc Zantac 150mg
Những đối tượng thường được chỉ định dùng Zantac 150mg gồm:
Với người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên dùng trong các trường hợp:
Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng lành tính do các nguyên nhân như dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), sau một đợt phẫu thuật lớn khiến tăng acid dịch vị sinh lý, căng thẳng lâu ngày, dùng thuốc Corticoid…
Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng ở những bệnh nhân đã từng bị loét dạ dày tá tràng.
Bệnh nhân loét tá tràng cấp và mãn tính có dương tính với Helicobacter pylori.
Điều trị triệu chứng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh nhân mắc hội chứng di truyền Zollinger-Ellison (hội chứng u đầu tụy gây tăng tiết acid dịch vị).
Bệnh nhân mắc các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị với tính chất âm ỉ, bỏng rát hoặc đau quặn, đau có tính chất chu kì trong ngày và trong năm hoặc có tính liên quan đến bữa ăn: (nếu loét dạ dày thì đau sau ăn 1-2 giờ, nếu loét tá tràng: đau khi đói sau ăn 2-4h) hoặc đau về đêm, có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua, nôn, táo bón.
Điều trị dự phòng các trường hợp viên loét có thể có ở những bệnh nhân ốm nặng, mới qua phẫu thuật, dự phòng bệnh nhân có thể gặp triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, dự phòng hội chứng Mendelson.
Với trẻ em (từ 3 tuổi đến 11 tuổi) dùng trong các trường hợp sau:
Điều trị nguyên nhân và triệu chứng loét dạ dày tá tràng hoặc viêm xước dạ dày thực quản trong thời gian ngắn.
Cách sử dụng thuốc Zantac 150mg
Cách dùng
Do thuốc Zantac 150 được bào chế dưới dạng viên nén vì vậy mà thuốc được sử dụng theo đường uống, mỗi lần uống thuốc bạn có thể dùng chung với một cốc nước đun sôi để nguội.
Không nên hút thuốc hay dùng rượu bia bởi chúng làm kích thích càng làm các tế bào viền tiết ra nhiều acid dịch vị, làm giảm các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến vết loét lâu lành.
Thời gian sử dụng thuốc có thể trước khi ăn hoặc sau khi ăn do sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Liều dùng
Các đối tượng khác nhau sẽ có liều dùng khác nhau tùy theo mức độ bệnh tật, độ tuổi, nguyên nhân gây loét dạ dày.
Đối với người lớn:
Liều dùng thông thường là mỗi lần 1 viên 150mg, ngày sử dụng 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, thời gian dùng khoảng từ 1-2 tháng.
Các bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng do dùng Nsaids được khuyến cáo mỗi lần dùng 2 viên, ngày uống 2 lần, thời gian sử dụng khoảng 1 tháng.
Những đối tượng dùng Nsaids kéo dài để dự phòng loét dạ dày tá tràng nên dùng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên.
Các bệnh nhân bị chứng trào ngược dạ dày- thực quản có thể dùng mỗi lần 2 viên trong ngày, uống 1 lần duy nhất hoặc chia làm 2 liều dùng vào lúc sáng hoặc tối, thời gian dùng thuốc điều trị khoảng 2-3 tháng.
Những bệnh nhân bị hội chứng trào ngược dạ dày- thực quản mức độ nặng được các chuyên gia khuyến cáo tăng liều gấp đôi tức là mỗi ngày 4 viên nhưng chia làm mỗi lần 2 viên hoặc uống mỗi lần 1 viên cách nhau 6 tiếng, thời gian điều trị cũng sẽ kéo dài hơn khoảng 12 tuần.
Liều duy trì đối với những người bị trào ngược dạ dày- thực quản đã lành loét là mỗi ngày 2 viên, uống mỗi lần 1 viên vào lúc sáng và tối.
Liều khuyến cáo dành cho các bệnh nhân bị khó tiêu mạn tính là mỗi lần 2 viên trong ngày, nhưng cũng có thể chia làm 2 lần uống, thời gian dùng là 6 tuần.
Đối với trẻ em liều dùng cần phải được cân nhắc kỹ hơn cụ thể:
Trẻ từ 1-5 tháng tuổi điều trị loét dạ dày tá tràng tràng lành tính dùng với liều thông thường là 1mg/kg/lần và liều tối đa là 3mg/kg/lần, uống 3 lần mỗi ngày.
Với hội chứng trào ngược dạ dày thực quản:
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi chỉ được dùng liều 2-4mg/kg/lần, mỗi ngày dùng 2 lần
Trẻ từ 3-11 tuổi được khuyến cáo dùng liều 2-4mg/kg/lần, mỗi ngày dùng 2 lần, nhưng một số trường hợp có thể dùng tối đa mỗi lần 1 viên.
Trẻ từ 12-17 tuổi có thể dùng giống với liều người lớn tức là mỗi ngày 2 viên, chia làm 2 lần uống.
Những trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nặng:
Trẻ từ 3-11 tuổi có thể tăng liều lên 5mg/kg/lần, tối đa 300mg mỗi lần, dùng mỗi ngày 2 lần.
Liều của trẻ từ 12-17 tuổi cũng tương tự như của người lớn với 4 viên mỗi ngày, chia làm 4 lần uống trong ngày hoặc 2 lần uống mỗi lần 2 viên, uống thuốc trong vòng 12 tuần.
Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng Zantac 150mg cho những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng sử dụng thuốc trên mà lại dị ứng với Randitidin hoặc các thuốc kháng Histamin H2 khác.
Tác dụng phụ của thuốc Zantac 150mg
Trong quá trình sử dụng Zantac 150 có thể bị một số tác dụng không mong muốn trong đó đau đầu là tác dụng phụ hay được ghi nhận nhiều nhất sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc với tần xuất gặp khoảng 3%.
Trên hệ tiêu hóa nhiều trường hợp sau khi sử dụng thuốc bị đau bụng, nôn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy. Đặc biệt một số bệnh nhân có dấu hiệu bị viêm tụy cấp, tiêu chảy, rối loạn chức năng gan mật.
Trên hệ thần kinh trung ương ngoài tác dụng phụ là đau đầu, các bệnh nhân còn có thể gặp một số phản ứng khác như rối loạn vận động không tự nguyện có thể hồi phục, chóng mặt, lú lẫn, kích thích.
Nhiều bệnh nhân phản ánh sau khi dùng thuốc hay bị rụng tóc, một số bị ban đỏ da, phát ban trên da.
Xét nghiệm máu cho thấy có trường hợp bị giảm bạch cầu, tiểu cầu, đôi khi lại có trường hợp bị mất bạch cầu hạt, bất sản tủy hoặc giảm sản tủy nhưng chúng cũng không quá nghiêm trọng bởi sau khi ngừng sử dụng thuốc các thông số sẽ trở lại mức bình thường.
Ở một số người có cơ địa nhạy cảm sẽ có phản ứng dị ứng, nổi mề đay, phản ứng quá mẫn (sốt, phù mạch, đau ngực, co thắt phế quản…), sốc phản vệ hiếm khi được ghi nhận.
Một số người già có một số bệnh lý nền hay những người đang mắc bệnh thận, bệnh nặng có một số rối loạn về tâm thần như trầm cảm, ảo giác…
Ảnh hưởng của Rantidine trên hệ tim mạch thường là không nhiều, chụp điện não đồ, điện tâm đồ thường không có bất thường, tuy nhiên một số trường hợp sau khi sử dụng thuốc có thể làm chậm nhịp hoặc tăng nhịp tim, khối AV.
Một số tác dụng phụ khác cũng rất hiếm gặp sau khi dùng thuốc như viêm thận kẽ mạn tính, đau khớp, đau cơ, viêm ống dẫn tinh, chứng vu to ở đàn ông.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc bạn gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ cho thêm lời khuyên.
Chú ý và thận trọng
Những bệnh nhân có tiền sử hoặc có nguy cơ mắc các khối u ác tính ở đường tiêu hóa không được dùng Zantac 150mg bởi các khối ung thư này có thể gây các triệu chứng như đợt cấp tính của viêm loét dạ dày tá tràng nhưng nếu dùng Zantac 150mg thì có thể sẽ che mất các triệu chứng đó, gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh.
Thành phần Randitidin được thải trừ qua thận là chủ yếu (khoảng 70%). Nghiên cứu cho thấy tốc độ thanh thải của thuốc này ở những bệnh nhân đặc biệt sẽ khác so với người bình thường, cụ thể:
Với các bệnh nhân trên 50 tuổi: Sinh khả dụng của thuốc sẽ cao hơn bởi tốc độ thanh thải thuốc ở những bệnh nhân này giảm tỉ lệ thuận với tuổi.
Như vậy, các bệnh nhân có chức năng thận suy giảm hoặc người cao tuổi cần chú ý điều chỉnh liều lượng để tối ưu hóa tác dụng của thuốc.
Kết hợp với việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, không sử dụng thuốc lá, các đồ uống có cồn, có ga và các chất kích thích như café… Đồng thời các bệnh nhân này không nên được quá căng thẳng hay lạm dụng các thuốc chống viêm vì nguy cơ loét dạ dày tá tràng sẽ tăng lên nếu lạm dụng như vậy.
Ảnh hưởng của thuốc Zantac 150mg lên phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai và cho con bú cần chú ý đến những thông tin sau:
Thành phần Randitidin có khả năng bài tiết qua sữa và đi qua hàng rào máu nhau thai đến thai nhi.
Tuy nhiên hiện nay các thực nghiệm tiền lâm sàng trên động vật vẫn chưa thấy các tác dụng này có ảnh hưởng gì đến thai nhi và động vật con.
Một số bệnh nhân thuộc nhóm này cũng đã có sử dụng Randitidin nhưng chưa thấy tác dụng không mong muốn nào. Tuy nhiên nhóm bệnh nhân này rất nhỏ và không có ý nghĩa khẳng định là thuốc này có an toàn với mẹ, thai nhi và bé.
Do vậy, bệnh nhân không được sử dụng thuốc Zantac 150mg tự ý nếu không nhận biết và lựa chọn được giữa lợi ích và nguy cơ/
Tương tác của thuốc Zantac 150mg với các thuốc khác
Zantac 150 có thể ảnh hưởng đến một số thuốc thông qua một số quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết qua thận vì vậy nó hoặc một số thuốc có thể bị thay đổi thông số dược động học nên việc chỉnh liều khi dùng chung là điều cần thiết.
Ranitidine có khả năng ức chế enzym cytochrom P450 nên nó có thể ảnh hưởng lên những thuốc được chuyển hóa bởi enzym cytochrom P450 như diazepam, lidocain, propranolol, theophylline, phenytoin nhưng không đáng kể do hoạt lực của chúng lên enzym này là không lớn, chỉ bằng 10% so với Cimetidine. Tuy nhiên sử dụng thuốc với wafarin lại làm thay đổi thời gian prothrombin bởi Wafarin do thuốc này có cửa sổ điều trị hẹp do đó cần phải theo dõi chặt chẽ thời gian đông máu đối với những bệnh nhân sử dụng đồng thời wafarin và Ranitidine.
Một số thuốc đào thải ra khỏi cơ thể qua hệ thống kênh cation sẽ bị ảnh hưởng bởi Ranitidine một phần bị đào thải theo cơ chế này do đó sẽ có hiện tượng cạnh tranh đào thải dẫn tới hiện tượng giảm thanh thải các loại thuốc này. Đặc biệt khi bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger- Ellison thường dùng Ranitidine ở liều cao sẽ làm giảm đào thải một số thuốc (ví dụ như Procainamide và N-acetylprocainamide…) làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương khiến các bệnh nhân rất dễ bị mắc các tác dụng phụ hơn.
Một số thuốc mà sự hấp thu phụ thuộc vào pH dạ dày cũng sẽ bị ảnh hưởng như một số thuốc kháng nấm azol, erlotinib, mesalamine, neratinib, atazanavir, dasatinib, delavirdine, pazopanib, ponatinib sẽ bị giảm hấp thu do đó hiệu quả điều trị của các thuốc này cũng bị giảm. Nhưng một số thuốc sẽ tăng khả năng hấp thu và tăng hiệu quả điều trị như triazolam, midazolam, glipizide…
Hiện nay trên lâm sàng chưa có bằng chứng nào chứng minh được sử dụng Zantac 150 gây ảnh hưởng đến các thuốc như metronidazol hay amoxicillin đây cũng là 2 thuốc có trong phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng do HP gây ra.
Sự hấp thu của Ranitidine sẽ bị giảm nếu dùng chung với thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng khác là sucralfate liều 2g, nhưng sau 2 giờ sử dụng Zantac 150, dùng sucralfate liều 2g thì ảnh hưởng này sẽ bị biến mất.
Nồng độ của Ranitidine trong huyết tương sẽ bị tăng lên nếu kết hợp thuốc với tafenoquine khiến nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc bị tăng lên nguyên nhân là do tafenoquine ức chế OCT-2 và MATE.
Ranitidine sẽ bị giảm nồng độ trong huyết tương nếu dùng chung với một số thuốc gây cảm ứng enzym cytochrom P450 mạnh như rifampin, carbamazepine…Ngược lại dùng chung với một số thuốc ức chế enzym P450 như erdafitinib, ketoconazole, erythromycin…sẽ tăng nồng độ thuốc trong huyết tương khiến nguy cơ gặp tác dụng phụ tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên để an toàn thì trước khi sử dụng thuốc bạn nên cung cấp cho bác sĩ các thuốc bạn đang sử dụng để có thể bác sĩ có thể chỉnh liều cho bạn một cách hợp lý.
Thuốc Zantac 150mg giá bao nhiêu?
Giá của Zantac 150mg trên thị trường lúc còn lưu hành khá cao, khoảng 400.000 đồng 1 hộp 4 vỉ, mỗi vỉ 15 viên, tức là mỗi viên thuốc sẽ có giá là khoảng 6.700 đồng.
Tuy nhiên hiện nay thuốc Zantac 150mg và một số sản phẩm Zantac có thành phần Randitidin khác đã và đang được tiến hành thu hồi do có liên quan đến khả năng gây ung thư, do vậy giá của sản phẩm này gần như không còn quan trọng nữa. Chi tiết các bạn xem dưới mục “ Thông tin Zantac 150mg bị rút khỏi thị trường” dưới đây.
Tài liệu tham khảo
FDA Requests Removal of All Ranitidine Products (Zantac) from the Market
https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-requests-removal-all-ranitidine-products-zantac-market
Class 2 Medicines recall: Zantac Injection 50mg/2ml, Zantac Syrup 150mg/10ml, Zantac Tablets 150mg, Zantac Tablets 300mg (EL (19)A 24)
https://www.gov.uk/drug-device-alerts/class-2-medicines-recall-zantac-injection-50mg-2ml-zantac-syrup-150mg-10ml-zantac-tablets-150mg-zantac-tablets-300mg-el-19-a-24
Toi muon mua thuoc bao tử của mỹ
Bạn vui lòng gọi vào hotline của website để được tư vấn nhé.