Hiện nay tỉ lệ người mắc các bệnh lý dạ dày và xuất huyết dạ dày ngày càng gia tăng. Việc nhận thức không đúng, không nắm bắt được rõ các triệu chứng ban đầu để điều trị kịp thời sẽ khiến gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì thế trong bài viết này, Heal central sẽ cung cấp kiến thức đầy đủ về hội chứng xuất huyết dạ dày hay còn gọi là xuất huyết bao tử trong việc điều trị cũng như phòng ngừa các diễn biến phức tạp.
Xuất huyết dạ dày là gì?
Xuất huyết dạ dày hay còn gọi là xuất huyết bao tử là triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa thường thấy trên nền bệnh nhân loét dạ dày tá tràng. Xuất huyết dạ dày có thể dễ dàng thấy máu xuất hiện trong phân hoặc các dịch nôn. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể quan sát được máu bị tống ra ngoài mà thay vào đó có thể là biểu hiện phân đen và có màu hắc ín.
Triệu chứng xuất huyết ở mỗi người không giống nhau và thường nặng trên trên các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền và đang sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Mức độ chảy máu có thể từ nhẹ có thể tự cầm đến xuất huyết nặng và có thể tử vong.
Triệu chứng xuất huyết dạ dày
Triệu chứng cơ năng
Xuất huyết bao tử nôn ra máu: Có thể nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu màu đỏ sẫm như bã cà phê.
Xuất huyết dạ dày đi ngoài ra máu: Việc đi ngoài ra máu thường kèm theo hiện tượng máu kèm theo phân hoặc nhỏ giọt ra ngoài.
Đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn: Hiện tượng đau bụng có thể báo hiệu vài ngày trước khi xuất huyết. Hiếm khi có triệu chứng đau bụng dữ dội thường là đau âm ỉ, đau nhói vùng thượng vị có thể lan xuống vùng rốn và 2 bên mạn sườn.
Đi ngoài phân đen có mùi thối khắm: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi bị chảy máu dạ dày. Bệnh nhân đi ngoài phân đen màu hắc ín và có mùi thối khắm trầm trọng.
Triệu chứng toàn thân
Cơ thể mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao.
Các triệu chứng chảy máu trong dẫn tới hiện tượng sợ ánh sáng, đau ngực, đau bụng âm ỉ và khó thở
Sốc do chảy máu dạ dày
Nếu hiện tượng chảy máu diễn ra quá nhanh và đột ngột khiến người bệnh mất nhiều máu sẽ dẫn tới tình trạng sốc với các biểu hiện như huyết áp tụt, mạch nhanh, đầu óc choáng váng, ù tai 2 bên, háo khát, vã mồ hôi và vô thức.
Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
- Đang mắc hoặc có tiền sử mắc viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa chiếm tới 35 đến 50% nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu đường tiêu hóa trên. Đối với những bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng đi kèm theo các yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc chống đông, thuốc NSAID, người già, người nhóm máu O hay người có tiền sử loét dạ dày nhiều lần trước đó sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày tiến triển.
- Sử dụng thuốc nguy cơ cao trên tiêu hóa
Khi sử dụng các thuốc như NSAID, phối hợp NSAID và corticoid, thuốc chống đông trên những bệnh nhân có nguy cơ cao chảy máu tiêu hóa thì có thể gây nên tình trạng chảy máu tiêu hóa trong và sau liệu trình sử dụng.
- Hội chứng Mallory Weiss
Hội chứng này thường xảy ra khi có vết rách ở đường nối giữa cổ họng và dạ dày( thực quản). Lớp rách niêm mạc này thường gây chảy máu rất nhiều và biểu hiện là triệu chứng nôn ra máu. Nguyên nhân thường gặp là do uống rượu quá nhiều và thường xuyên nôn mửa.
- Stress kéo dài, căng thẳng, lo âu: Stress là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng gia tăng tiết acid dịch vị dạ dày và làm nặng thêm tình trạng viêm loét.
- Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết.Tình trạng này nguyên nhân thường do các bệnh lý gan nặng chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch cửa dẫn tới nôn ra máu dữ dội, có biểu hiện có sốc do mất máu.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng nhiều chất kích thích: Các chất kích thích điển hình là rượu bia làm gia tăng nguy cơ chảy máu thậm chí là thủng dạ dày.
- Các bệnh lý về sinh lý mạch máu
Xuất huyết bao tử có nguy hiểm không?
Xuất huyết dạ dày nôn ra máu có nguy hiểm?
Xuất huyết dạ dày có thể có những tổn thương tại nhiều vị trí khác nhau nhưng phần lớn nằm ở đường cong bé nơi mà dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm sau này có thể là ung thư dạ dày. Ngoài ra các vị trí như tâm vị, gần môn vị, mặt sau dạ dày,..
Xuất huyết dạ dày sau khi nôn ra máu sẽ được đưa đi chẩn đoán với các chẩn đoán ban đầu, khai thác tiền sử và xét nghiệm cận lâm sàng. Các trường hợp nhẹ có thể tiến hành nội soi kết hợp với phương pháp đốt điện, laser là có thể cầm được vị trí chảy máu mà không gây nguy hiểm gì.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân nôn ra nhiều máu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng sốc nguy cấp.
Xuất huyết dạ dày có tử vong không?
Tỉ lệ tử vong do xuất huyết dạ dày ở mức 3% đến 10%. Tỉ lệ này thường tập trung ở các nhóm đối tượng người cao tuổi, sử dụng thuốc chống viêm không dự phòng bao loét, người nhóm máu O, người có tiền sử chảy máu nhiều lần trước đó,..
Ở các bệnh nhân có nguy cơ cao cần phải được phòng ngừa và kiểm soát các triệu chứng bất thường để có thể điều trị kịp thời.
Cách chữa xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày có chữa được không?
Chảy máu dạ dày hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị khỏi được với tỉ lệ tái phát là từ 5 đến 20%. Một số tình trạng xuất huyết nhỏ có thể tự cầm được hoặc nhờ các can thiệp như đốt vết loét thông qua nội soi, laser hay các phương pháp điều trị hồi sức khác.
Một số trường hợp loét âm thầm tiến triển nhưng bệnh nhân lại bỏ qua hoặc triệu chứng cấp tính không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tình trạng mất máu quá nhiều và các biến chứng nguy hiểm khác lên tính mạng.
Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày
Phác đồ điều trị xuất huyết tiêu hóa cần tuân theo 4 nguyên tắc căn bản sau đây:
- Đánh giá chung về tình trạng chảy máu của bệnh nhân.
- Hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân và theo dõi tiến triển.
- Đánh giá toàn diện phân lập tình trạng chảy máu của bệnh nhân.
- Chỉ định các phương pháp điều trị.
Đánh giá chung về tình trạng chảy máu của bệnh nhân
Bất kể bệnh nhân nào khi nhập viện với các triệu chứng điển hình của chảy máu dạ dày các bác sĩ phải tiến hành bắt mạch, đo huyết áp động mạch và tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá một số chỉ số như lượng hồng cầu, huyết sắc tố, hematocrit và xác định ngay nhóm máu cho bệnh nhân.
Việc tiến hành chẩn đoán nhanh để xem xét tình trạng mất máu của bệnh nhân để được điều trị hồi sức bằng phương pháp truyền máu bổ sung.
Hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân và theo dõi tiến triển:
- Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng cần phải tiến hành hồi sức tích cực ICU, hồi sức ngay cho bệnh nhân trước khi tiến hành các phương pháp điều trị tiếp theo.
- 2 đường truyền tĩnh mạch qua catheter cần phải được thiết lập nhanh chóng và tiến hành thử xét nghiệm huyết học cross-match chuẩn bị 4 đơn vị hồng cầu lắng.
Sau khi đánh giá tình trạng mất máu thì phải truyền máu để hồi sức cho bệnh nhân vừa đủ lượng máu đã mất. Thực hiện đúng nguyên tắc truyền cùng nhóm máu, đối với bệnh nhân không có nhóm máu trong ngân hàng máu có thể truyền nhóm máu O dưới 500ml. Tốc độ truyền được hiệu chỉnh theo huyết áp động mạch, tĩnh mạch và huyết áp trung ương.
Mục đích của việc truyền máu là để nâng mức Hct lên 30% và đảm bảo Hemoglobin ở mức 10g/dL trước khi tiến hành nội soi để đảm bảo an toàn trên tim mạch.
- Điều chỉnh các rối loạn đông máu cho INR xuống dưới 1,5 và tiểu cầu phải lớn hơn 50*10^9/L.
- Trong trường hợp bệnh nhân mất máu nhiều phải tiến hành đặt một Sonde niệu đạo theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân để phát hiện nhanh chóng tình trạng suy thận cấp do mất máu quá nhiều.
- Đặt Sonde dạ dày để kiểm soát tình trạng chảy máu trong dạ dày.
- Bệnh nhân liên tục được đo huyết áp tĩnh mạch trung ương, huyết áp động mạch và mạch đập mỗi 15 phút 1 lần.
Đánh giá toàn diện phân lập tình trạng chảy máu của bệnh nhân
Sau khi tiến hành hồi sức và điều trị bước đầu cho bệnh nhân cần đánh giá lại mức độ tiến triển của bệnh nhân và tiến hành các phương pháp điều trị tiếp theo.
Đánh giá tình trạng chảy máu và mất máu của bệnh nhân thông qua các chỉ số huyết học, huyết áp, mạch và lượng máu bệnh nhân nôn ra.
Chỉ định các phương pháp điều trị
Hiện nay trên thị trường có 3 phương pháp điều trị căn bản được chỉ định cho người xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào vị trí, tình trạng vết loét và tiến triển sau khi được điều trị bước đầu.
- Điều trị bằng nội soi
Điều trị bằng nội soi là phương pháp được áp dụng để kết hợp chẩn đoán và điều trị.
Các trường hợp được chỉ định điều trị bằng phương pháp nội soi:
Bệnh nhanh thuộc F1a hoặc 1b theo phân loại Forrest( tức là ổ loét đang còn chảy máu, máu chảy thành tia).
Các trường hợp bệnh nhân thuộc phân loại F2 theo phân loại Forrest cục máu đã cầm tuy nhiên mảng bám bị bong ra và tiếp tục chảy máu.
Bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, phụ nữ mang thai xuất huyết dạ dày.
Khi đưa thiết bị nội soi vào sẽ được lấy ra ngoài các cục máu đông và tiêm ephedrine để cầm máu. Sau đó nhận diện vết chảy máu và tiến hành cầm máu. Trong quá trình điều trị bằng phương pháp nội soi có thể phối hợp thêm các phương pháp để làm lành vết loét và cầm máu nhanh chóng hơn như phương pháp kẹp clip và nhiệt đông.
Trên các đối tượng bệnh nhân đang rơi vào triệu chứng mất nhận thức cần phải tiến hành đặt nội khí thở để khai thông đường thở cho bệnh nhân.
- Điều trị nội khoa
Bệnh nhân thuộc các đối tượng sau sẽ được chỉ định điều trị nội khoa
Đối với bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng gây chảy máu xác định được là tình trạng loét chưa có các biến chứng nguy hiểm và xuất huyết xảy ra lần đầu được ưu tiên sử dụng phương pháp này.
Sau khi tiến hành nội soi xác định ổ loét lành tính, ổ loét non có thể điều trị bằng nội khoa mà không cần can thiệp ngoại khoa.
Phương pháp điều trị nội khoa được sử dụng:
Rửa dạ dày bằng nước lạnh để cầm máu.
Sử dụng các thuốc bao vết loét và thuốc chống co thắt cơ dạ dày như atropin, baralgin.
Truyền tĩnh mạch bằng cimetidine hoặc omeprazole.
Sau khi điều trị có kết quả tích cực sử dụng thuốc PPI đại diện là Esomeprazole để phòng tránh tái xuất huyết gây nguy hiểm.
- Điều trị ngoại khoa
Các trường hợp dưới đây sẽ được chẩn đoán và cho phép điều trị ngoại khoa ngay lập tức:
Bệnh nhân bị xuất huyết nặng, ổ loét xuất huyết nhiều, loét tiến triển và đã kéo dài nhiều ngày.
Chảy máu dạ dày trên nền bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị thoái hóa ổ loét thành ác tính, bệnh nhân mắc chứng hẹp môn vị hay thủng môn vị.
Bệnh nhân đã điều trị bằng nội soi can thiệp, nội khoa nhưng ổ loét vẫn tiếp tục chảy máu và gây nguy hiểm.
Các phương pháp phẫu thuật hiện nay đều tuân thủ nguyên tắc tấn công ở mức thấp nhất nhưng phải đảm bảo hiệu quả cầm máu sau phẫu thuật ở mức cao nhất.
Các phương pháp phẫu thuật được thực hiện:
Loại bỏ ổ loét thông qua cắt hang vị kèm theo dây thần kinh X ở thân.
Phương pháp Weinberg: Mở môn vị để khâu vết loét đang xuất huyết kèm theo cắt dây X sau đó tiến hành tạo hình lại môn vị theo kỹ thuật Finney hoặc Mikulict.
Cắt 2/ 3 dạ dày để loại bỏ vết loét.
Đối với bệnh nhân thể trạng và bệnh lý mắc kèm không cho phép tiến hành cắt bỏ 1 phần dạ dày thì bệnh nhân sẽ được khâu cầm máu ổ loét.
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ để đảm bảo an toàn trên người bệnh, giảm tỷ lệ tái phát sau này tuy nhiên có thể dẫn đến thiếu máu do cắt ⅔ dạ dày.
Tham khảo thêm: [Review] Dạ Dày An Dạ Kingphar có hiệu quả không? Giá bao nhiêu?
Xuất huyết dạ dày có phải mổ không?
Xuất huyết dạ dày được điều trị theo nhiều phác đồ khác nhau. Như đã trình bày ở trên đối với một số bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết nặng và tái phát nhiều lần thì việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật là lựa chọn tối ưu. Các đối tượng cần phải ưu tiên mổ dạ dày( can thiệp ngoại khoa).
Bệnh nhân gặp tình trạng xuất huyết kéo dài, tiến triển nặng và chảy máu nhiều.
Bệnh nhân bị chảy máu dạ dày tái phát nhiều lần không khỏi, có nguy cơ cao chuyển biến ác tính trên ổ loét.
Bệnh nhân đã điều trị nội khoa và các phương pháp khác nhưng không cầm được máu.
Thuốc chữa xuất huyết bao tử
Khi xảy ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa thì bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế để được khám và chữa bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Dưới đây là các thuốc tham khảo trong các phác đồ điều trị xuất huyết do loét dạ dày tá tràng.
Nhóm thuốc trung hòa acid dịch vị dạ dày như bismuth, antacid,.. Nhóm thuốc này sẽ bao loét nhanh chóng làm ngừng quá trình chảy máu dạ dày.
Nhóm thuốc ức chế bơm proton: Nhóm thuốc như Omeprazole, Esomeprazole. Nhóm thuốc này sẽ giúp giảm tiết acid dịch vị dạ dày. Nhóm thuốc này không được khuyến cáo sử dụng thường quy trước khi tiến hành nội soi. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc sau khi điều trị có thể giúp ngăn ngừa tình trạng xuất huyết trở lại.
Rửa dạ dày bằng adrenalin hòa trong nước muối sinh lý lạnh.
Thuốc chống co thắt cơ trơn thành dạ dày như atropin sẽ giúp làm giảm co thắt cơ trơn thành dạ dày. Việc dạ dày co bóp quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có ung thư dạ dày.
Cấp cứu xuất huyết dạ dày như thế nào
Xuất huyết dạ dày từ khi nhận biết các dấu hiệu sớm nhất bệnh nhân cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân từng có tiền sử xuất huyết trước đó, những bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý nền, người già cần phải được đưa đến bệnh viện gần nhất để có thời gian thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Cách chữa xuất huyết dạ dày tại nhà
Khi xảy ra tình trạng xuất huyết dạ dày bác sĩ khuyến cáo bạn nên được đưa đến bệnh viện chẩn đoán và điều trị. Không nên sử dụng thuốc không kê đơn tự điều trị hay tham khảo các phương pháp điều trị tại nhà mà không được khuyến cáo từ bác sĩ.
Phương pháp bệnh nhân có thể lựa chọn tại nhà là các biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của xuất huyết tiêu hóa. Đồng thời phải tuân thủ phác đồ điều trị ngoại trú sau khi xuất viện.
Xuất huyết dạ dày nên ăn gì kiêng gì?
Người bị xuất huyết dạ dày nên ăn hoa quả gì?
Quả bơ: Bơ là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung nhiều carbohydrate và chất chống oxy hóa vừa giúp bồi bổ cơ thể vừa làm lành vết loét một cách nhanh chóng.
Củ rau dền: Sau khi xuất huyết tiêu hóa bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng các loại thực phẩm bổ sung hàm lượng sắt cao. Trong củ rau dền theo nhiều chuyên gia nó không chỉ bổ sắt để hình thành nhân hem cho việc tái tạo hồng cầu nó còn bổ sung lượng lớn vitamin E, các khoáng chất tự nhiên khác.
Rau mồng tơi: Rau mồng tơi là thần dược giúp tăng cường chất nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong thành phần của rau mồng tơi có chứa pectin giúp bao phủ dạ dày như một lớp bảo vệ Việc bổ sung thành phần giúp tăng cường yếu tố bảo vệ giúp phòng tránh tình trạng xuất huyết tái phát. Bên cạnh đó trong thành phần của rau mồng tơi các chất dinh dưỡng như vitamin A và sắt.
Đạm cá hồi: Đạm cá hồi giàu chất dinh dưỡng để phục hồi tình trạng của người bệnh trong quá trình điều trị. Đồng thời bổ sung omega 3 giúp nhanh chóng làm lành vết loét.
Các loại trái cây được khuyên dùng có tác dụng nhuận tràng, tăng cường tiêu hóa cũng được khuyến cáo cho bệnh nhân như táo đỏ, chuối, việt quất, đu đủ chín.
Ngoài ra người sau khi xuất huyết có thể sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để phục hồi thể trạng sau khi điều trị xuất huyết. Lưu ý không nên ăn quá no, ăn vào đêm để tránh thức ăn tồn dư trong dạ dày quá lâu làm ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết loét.
Chảy máu dạ dày nên kiêng ăn uống gì?
Thực phẩm giàu chất béo: Lý do không được sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu chất béo trước hoặc sau khi điều trị xuất huyết tiêu hóa bởi thực phẩm giàu chất béo sẽ rất khó tiêu hóa dẫn đến tình trạng dạ dày phải co bóp nhiều hơn và lâu lành vết loét. Các thực phẩm khó tiêu tồn dư lâu trong dạ dày khiến dịch vị tiết ra nhiều hơn làm chậm quá trình liền sẹo.
Các chất kích thích như rượu, bia, cafe: Các thực phẩm này không chỉ không được khuyến cáo cho bệnh nhân bị loét dạ dày mà những người khỏe mạnh cũng nên hạn chế sử dụng bởi nó làm mở rộng ổ loét, tăng xung huyết và dễ xuất huyết. Ngoài ra còn các bệnh lý liên quan đến gan mật và đường tiêu hóa.
Nước ngọt có gas cũng không được đưa vào thực đơn của người đang có dấu hiệu xuất hiện hoặc đã điều trị khỏi. Trong nước ngọt có gas khi đi vào cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng lớn CO2, đường và các chất chuyển hóa khác làm tăng nguy cơ loét tiến triển và xuất huyết trở lại.
Thực phẩm khó tiêu: Các loại thực phẩm này sẽ làm tăng thời gian lưu trên dạ dày vì thế làm tăng nguy cơ táo bón.
Các loại trái cây không được sử dụng cho người bị xuất huyết dạ dày: hồng, nhãn, sầu riêng và các trái cây thuộc họ cam chanh.
Ngoài ra các thực phẩm như đồ chiên, thực phẩm khô cứng, thực phẩm gây táo bón cũng nên kiêng kỵ trên các đối tượng này.
Làm sao để phòng ngừa xuất huyết dạ dày?
Các bệnh lý dạ dày đang có xu hướng gia tăng ở tỷ lệ cao.Có nhiều vết loét và ổ xuất huyết diễn ra âm thầm bên trong cơ thể bệnh nhân rất khó phát hiện. Kể cả khi điều trị khâu bao vết loét thì tỷ lệ tái phát vẫn nằm ở mức 5 đến 20%. Vì thế việc phòng ngừa từ ban đầu có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm sau này.
Các cách phòng ngừa xuất huyết dạ dày:
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Không thức khuya, chăm tập luyện thể dục thể thao, đời sống lạc quan tránh tình trạng stress, căng thẳng, áp lực.
- Chế độ ăn uống: Hạn chế ăn uống các chất kích thích. Không nên ăn quá no, không ăn quá 8 giờ tối. Thực hiện đúng ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn đồ ăn dầu mỡ, giàu chất béo, nước ngọt có gas,..
- Không được lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống đông,.. mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Đối với bệnh nhân đang bị các bệnh lý nguy cơ cao dẫn tới xuất huyết tiêu hóa cần phải được theo dõi thường xuyên và đến cơ sở y tế nếu phát hiện ra các triệu chứng ban đầu của xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dạ dày.
Tham khảo thêm: [REVIEW] Dạ dày Nhất Nhất có các dụng gì? có tốt không? Giá bao nhiêu?
Xuất huyết dạ dày phải nằm viện bao lâu
Xuất huyết dạ dày có nhiều mức độ và phác đồ điều trị khác nhau. Thời gian nằm viện sẽ khác nhau cho từng cá thể bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nhẹ sau khi can điều trị nội khoa có thể xuất viện trong ngày hoặc 1 đến 2 ngày sau.
Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày phải can thiệp ngoại khoa như mở môn vị hay cắt đoạn dạ dày phải nằm điều trị nội trú từ 1 đến 2 tuần đến khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển có thể xuất viện và điều trị ngoại trú theo phác đồ được hướng dẫn.
Bệnh xuất huyết dạ dày có lây không?
Theo nhiều chuyên gia y tế thì xuất huyết dạ dày không lây trực tiếp qua máu hay các con đường nào khác. Tuy nhiên đối với người bị viêm loét dạ dày do H.pylori gây nên thì việc sử dụng chung đồ dùng ăn uống hay tình trạng mớm cơm cho trẻ nhỏ sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa làm căn nguyên cho xuất huyết tiêu hóa cho người khác.