Tác giả: Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Bệnh viện Nhi Đồng 1
Nên chọn kiểu lưu lượng vuông hay lưu lượng giảm trong Volume Control Ventilation?
Nhiều bạn đang cho bệnh nhân thở máy chế độ kiểm soát thể tích (volume control ventilation, VCV) không biết nên chọn kiểu lưu lượng nào: vuông (square) hay giảm (ramp)?
VCV kiểu lưu lượng vuông, gọi đúng là kiểu lưu lượng hằng định (constant flow), nghĩa là tốc độ dòng khí từ máy thở cung cấp cho bệnh nhân không thay đổi trong suốt thì hít vào. Hình dạng sóng lưu lượng này trong thì hít vào gần giống với hình vuông nên gọi là lưu lượng vuông, nhưng một số sách thì viết là lưu lượng hình chữ nhật (rectangular flow), quả thật trong đa số trường hợp nó giống với hình chữ nhật hơn.
Kiểu lưu lượng hằng định trong VCV là kiểu lưu lượng có ngay từ đầu trong các máy thở cổ điển, như máy Servo 900C chẳng hạn (xem hình 1).
Mối quan hệ giữa lưu lượng (flow), thể tích khí lưu thông (VT) và thời gian hít vào (TI) khá đơn giản: VT = flow x TI, với flow và TI là 2 cạnh của hình chữ nhật, còn VT là diện tích của nó.
Chắc là có một giai đoạn mà người ta đem kiểu lưu lượng hằng định của VCV so sánh với kiểu lưu lượng giảm của PCV, và dĩ nhiên kiểu lưu lượng giảm cũng có một vài ưu điểm hơn so với cái kia.
Sau này một số hãng máy thở thiết kế có cả 2 loại lưu lượng vuông và lưu lượng giảm trong cùng chế độ VCV, cho phép BS chọn lựa 1 trong 2 kiểu đó.
Kiểu lưu lượng giảm (ramp, descending, decelerating) là kiểu lưu lượng mà tốc độ dòng khí từ máy thở cung cấp cho bệnh nhân cao nhất lúc bắt đầu hít vào, sau đó giảm dần và về bằng zero lúc kết thúc thì hít vào (xem hình 2).
Với cùng một VT và TI như nhau, kiểu lưu lượng giảm có lưu lượng đỉnh hít vào (peak inspiratory flow) gấp đôi so với lưu lượng vuông (so sánh cách tính diện tích hình tam giác so với diện tích hình chữ nhật).
Theo một số tác giả, kiểu lưu lượng giảm phân bố khí phù hợp sinh lý hơn. Giả sử chúng ta cài đặt máy thở cung cấp một VT = 400 ml trong thời gian hít vào TI = 1 giây. Máy thở sẽ cung cấp một lưu lượng không đổi là flow = 0,4 (L) x 60/1 (phút) = 24 L/phút. Trong 0,5 giây đầu của thì hít vào, máy bơm vào phổi 200 ml cũng bằng với 0,5 giây sau. Trong khi đó, với kiểu lưu lượng giảm (hình tam giác), dễ thấy 0,5 giây đầu của thì hít vào máy sẽ bơm vào phổi 3⁄4 thể tích VT, tức là 300 ml, còn 0,5 giây còn lại của thì hít vào chỉ cung cấp 100 ml. Điều này là sinh lý vì giai đoạn đầu hít vào phế nang còn trống phù hợp với lưu lượng cao, lúc gần kết thúc thì hít vào phế nang đã gần đầy, phù hợp với lưu lượng khí thấp hơn, giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
Kiểu lưu lượng giảm cũng giúp phân bố khí đồng đều hơn so với kiểu lưu lượng vuông trong các bệnh lý phổi không đồng nhất. Các đơn vị phổi có time constant ngắn sẽ được bơm phồng trước tiên, sau đó các đơn vị phổi có time constant dài cũng được phân bố khí ở giai đoạn sau của thì hít vào.
Một trong những khác biệt rõ ràng có thể đo đạc được là nếu cài đặt cùng VT và TI, kiểu lưu lượng giảm sẽ cho áp lực đỉnh (peak inspiratory pressure, PIP) thấp hơn và áp lực đường thở trung bình (mean airway pressure, MAP) cao hơn so với kiểu lưu lượng vuông (xem hình 3). PIP thấp hơn giúp an toàn hơn, tránh các biến chứng của barotrauma. Còn MAP cao hơn giúp cải thiện oxygen hóa cho bệnh nhân. Trên lâm sàng, nhiều lần chúng tôi đã ghi nhận sự cải thiện oxygen hóa khá ngoạn mục khi thay đổi từ kiểu lưu lượng vuông sang lưu lượng giảm. Tuy nhiên điều này trong các textbook nói là không có gì khác biệt.
Một số máy thở có sẳn 2 kiểu lưu lượng vuông và giảm trong VCV như Puritan-Bennett 840/980, Maquet Servo i/u. Nhưng cũng có một số máy thở chỉ có một kiểu lưu lượng vuông trong VCV, như Drager Evita, GE R860. Theo lý lẽ của các công ty này, có thể sử dụng dạng sóng lưu lượng giảm trong PCV hoặc PRVC nếu muốn.
Một vấn đề nữa là các công ty máy thở, với sự hỗ trợ của các chuyên gia lâm sàng, đã khuyến khích sử dụng dạng sóng lưu lượng giảm hơn so với lưu lượng vuông, bằng cách để dạng sóng giảm ra mặt trước cài đặt sẳn, như ở máy Puritan-Bennett 840/980.