Xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá hay xuất huyết dưới da đã không còn là hiện tượng quá xa lạ. Tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết cũng khá cao. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt vitamin K. Thuốc Vinphyton là một loại thuốc điều trị xuất huyết do thiếu vitamin K đang được sử dụng rất phổ biến. Bài viết này Healcentral (healcentral.org)sẽ giúp bạn biết thêm thông tin hữu ích về loại thuốc này.
1, Thuốc Vinphyton là thuốc gì?
Thuốc Vinphyton là một loại thuốc thuộc nhóm khoáng chất và vitamin. Thuốc được biết đến với công dụng cầm máu và chống lại tình trạng tiêu sợi huyết. Chính vì thế, thuốc Vinphyton thường được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân bị mắc các chứng xuất huyết từ nhẹ đến nặng.
Thuốc Vinphyton được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Thuốc có 2 hàm lượng khác nhau là Vinphyton 10mg/ml và Vinphyton 1mg/ml. Quy cách đóng gói của thuốc Vinphyton là ở dạng ống tiêm: hộp 2 vỉ x 5 ống x 1ml; hộp 5 vỉ x 10 ống x 1ml.
Thuốc Vinphyton là sản phẩm được Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc (VINPHACO) – VIỆT NAM sản xuất trên hệ thống dây chuyền chất lượng cao, hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thuốc tiêm. Thuốc có 2 chế phẩm với số đăng ký là: VD-28704-18 và VD-16307-12.
Các thành phần có trong 1 ống tiêm dung dịch Vinphyton bao gồm:
- Hoạt chất chính: Phytomenadione 10mg hoặc 1mg.
- Tá dược: Polyoxyl 35 Castor Oil, glucose, dinatri edetat, nước cất pha tiêm
Ngày sản xuất và hạn sử dụng của thuốc xem trên bao bì sản phẩm.
Khi bảo quản thuốc Vinphyton cần tránh để thuốc tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ bảo quản dưới 30oC, không được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh.
2, Thuốc Vinphyton 10mg có công dụng gì?
Thuốc Vinphyton có tác dụng bổ sung vitamin K cho cơ thể, giúp cầm máu, chống lại tình trạng tiêu các sợi huyết khối, làm giảm phòng ngừa nguy cơ xuất huyết.
Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng làm tăng khả năng hình thành các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K, hỗ trợ điều trị xuất huyết.
3, Thuốc Vinphyton có chỉ định trong những trường hợp nào?
Thuốc Vinphyton được sử dụng cho một số trường hợp như:
- Người đang mắc bệnh lý xuất huyết như xuất huyết dạ dày, xuất huyết dưới da.
- Người bị xuất huyết do điều trị thuốc loại coumarin.
- Người có nguy cơ bị xuất huyết tăng do nguyên nhân giảm prothrombin trong máu.
- Người bị thiếu hụt vitamin K bẩm sinh hoặc do nguyên nhân gặp các bệnh lý về gan mật, người gặp các bệnh lý ở ruột.
- Bệnh nhân sau quá trình điều trị bằng các kháng sinh phổ rộng trong thời gian kéo dài như kháng sinh nhóm sulfamid.
- Người bệnh gặp tình trạng xuất huyết tiêu hoá do sử dụng các thuốc giảm đau nhóm NSAID như aspirin hoặc sử dụng các dẫn chất của acid salicylic.
4, Thành phần Phytomenadione trong thuốc Vinphyton 1mg có tác dụng gì?
Thuốc Vinphyton có thành phần chính là Phytomenadione (hay còn gọi là vitamin K). Bình thường, vi khuẩn có lợi trong đường ruột có khả năng tự tổng hợp đủ vitamin K – một thành phần quan trọng góp phần cấu tạo nên hệ enzym gan, giúp tổng hợp nên các yếu tố đông máu như các yếu tố VII, yếu tố IX, yếu tố X, prothrombin (yếu tố II) và các protein khác như protein C hay protein S. Trong trường hợp cơ thể bệnh nhân xuất hiện một số rối loạn thì sẽ không thể sản xuất đủ vitamin K. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin này, dễ gây nên hiện tượng xuất huyết. Vì vậy, cơ thể cần được bổ sung đầy đủ vitamin K cần thiết cho sự sản sinh ra các yếu tố đông máu
Ngoài ra, thuốc Vinphyton cũng có chứa một số thành phần tá dược khác như polyoxyl 35 castor oil, glucose, dinatri edetat, nước cất pha tiêm. Những thành phần này với tác dụng làm tăng khả năng hòa tan của dược chất, bảo quản dược chất, giảm độ nhớt, giảm đau khi dùng theo đường tiêm và đảm bảo thể tích cho chế phẩm.
5, Cách dùng, liều dùng của thuốc Vinphyton là gì?
Cách dùng thuốc Vinphyton: thuốc thường được sử dụng theo đường tiêm, tiêm bắp tay theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thuốc Vinphyton để tiêm tĩnh mạch và cần pha loãng trước khi tiêm.
Liều dùng của thuốc Vinphyton: Tùy theo từng trường hợp bệnh, lứa tuổi và thể trạng khác nhau, liều lượng thuốc cũng khác nhau. Dưới đây là liều dùng tham khảo cho một số trường hợp cụ thể.
- Trường hợp xuất huyết sơ sinh, dọa xuất huyết sơ sinh hoặc đẻ non: cần sử dụng Vinphyton để phòng bệnh với liều từ 0,5 – 1 mg, dùng đường tiêm bắp ngay sau khi sinh. Duy trì điều trị cho trẻ với liều 1 mg/kg mỗi ngày, sử dụng theo đường tiêm bắp trong vòng 1 – 3 ngày.
- Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nhẹ hoặc có nguy cơ bị xuất huyết: Tiêm bắp với liều từ 10 – 20 mg. Dùng thêm liều thứ hai cao hơn liều thứ nhất nếu không thấy thuốc có hiệu quả trong vòng từ 8 – 12 giờ.
- Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc cấp tính với thuốc chống đông đường uống như coumarin, warfarin, xử trí bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch chậm với liều khoảng từ 10 – 20 mg Vinphyton. Theo dõi chỉ số prothrombin hồng cầu đến khi tình trạng đông cầm máu trở về mức bình thường. Không được tiêm truyền tĩnh mạch với liều quá 40mg Vinphyton trong vòng 24 giờ.
- Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, hoặc bị các loại xuất huyết gây đe dọa tính mạng: Kết hợp biện pháp truyền máu hoặc truyền huyết tương tươi đồng thời với khoảng 20 mg Vinphyton.
- Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết thể nặng (do các bệnh lý về gan, ứ mật hoặc một số nguyên nhân khác): sử dụng đường truyền tĩnh mạch chậm với liều lượng từ 10 – 20 mg Vinphyton.
6, Thuốc Vinphyton có dùng được cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú không?
Đối với bệnh nhân là phụ nữ đang trong thời kỳ có thai: Do khả năng hoạt chất Phytomenadion đi qua nhau thai không cao nên bệnh nhân có thể sử dụng Vinphyton với liều lượng khoảng 20mg mà không ảnh hưởng đến thai nhi. Phytomenadion cũng là một trong những loại thuốc đầu tay được lựa chọn để điều trị bệnh lý giảm prothrombin trong máu ở phụ nữ có thai. Điều này không những giúp giảm mất máu, giảm thiểu nguy hiểm cho bà mẹ trong quá trình sinh nở mà còn giúp phòng ngừa được bệnh lý xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Các mẹ cũng có thể bổ sung vitamin K hàng ngày trong khẩu phần ăn, phòng tránh các bệnh lý do thiếu vitamin K.
Đối với bệnh nhân là phụ nữ cho con bú: Khả năng hoạt chất phytomenadion đi vào trong sữa mẹ là rất thấp. Do đó, Sử dụng thuốc Vinphyton cho phụ nữ cho con bú cũng tương đối an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị thiếu vitamin K, việc bổ sung vitamin qua đường sữa mẹ là không đủ và không ngừa được sự giảm sút vitamin k dự trữ. Lượng vitamin K vận chuyển qua nhau thai cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể trẻ, gây ra bệnh lý xuất huyết. Ngoài ra, việc các bà mẹ sử dụng các thuốc chống đông hoặc chống co giật, chống lao cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết. Chính vì thế, chúng ta có thể tiêm cho trẻ sơ sinh liều lượng khoảng từ 0.5 – 1 mg Vinphyton để phòng ngừa xuất huyết.
7, Thuốc Vinphyton có giá bao nhiêu?
Giá của thuốc Vinphyton phụ thuộc vào nồng độ của thuốc.
Thông thường, thuốc Vinphyton có giá khoảng 6.000 vnđ 1 ống tiêm liều lượng 1mg/1ml.
Với thuốc tiêm Vinphyton liều lượng 10mg, giá bán trên thị trường hiện tại là khoảng 10.000 vnđ 1 ống tiêm 10mg/1ml.
Giá bán theo hộp là khoảng 95.000 – 110.000 vnđ 1 hộp gồm 10 ống thủy tinh thuốc tiêm 10mg/1ml, khoảng 400.000 – 500.000 vnđ 1 hộp 5 vỉ, mỗi vỉ gồm 10 ống thuỷ tinh thuốc tiêm.
Trên thực tế, giá bán lẻ của thuốc có thể cao hơn do một số chi phí phát sinh. Ngoài ra, giá thuốc cũng có thể dao động tuỳ từng khu vực và thời điểm khác nhau.
8, Bạn có thể mua thuốc Vinphyton ở đâu?
Thuốc Vinphyton có bán rộng rãi tại khắp các quầy thuốc và các cơ sở, các chuỗi nhà thuốc trên toàn quốc.Thuốc được sử dụng theo đường tiêm, do đó khách hàng không nên tự ý sử dụng mà cần có sự hướng dẫn của dược sĩ và chỉ định của bác sĩ.
Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin và nhận sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ chuyên môn tại các website nhà thuốc online.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhà thuốc uy tín là vô cùng quan trọng do vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Vì thế, bạn nên tìm mua thuốc tại các cơ sở như nhà thuốc bệnh viện hoặc các nhà thuốc chất lượng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
9, Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi bệnh nhân sử dụng thuốc Vinphyton:
- Tác dụng phụ hay gặp: bệnh nhân sử dụng các thuốc Vinphyton thường sẽ xuất hiện một số phản ứng phụ như ngứa tại chỗ tiêm, kích ứng da, ban da nhẹ và vừa.
- Tác dụng phụ ít gặp: Dung dịch thuốc có thể gây kích ứng đường hô hấp và một số phản ứng da tại chỗ như: sưng viêm, rộp da. Sử dụng liều lớn hơn 25mg với trẻ sơ sinh hoặc trẻ đẻ non có thể gây ra tình trạng tăng bilirubin máu.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Sử dụng thuốc theo đường tiêm có thể gây ra các phản ứng không mong muốn rất nhanh, nguy hiểm như dị ứng hoặc sốc phản vệ. Phản ứng này được biểu hiện ra với một số triệu chứng điển hình như toát mồ hôi, vị giác thay đổi, hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng, huyết áp hạ, mạch nhanh nhỏ khó bắt, da tím tái, niêm mạc nhợt. Sử dụng thuốc đường tiêm tĩnh mạch cũng có thể gây ra các phản ứng phản vệ như trên. Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm, sốc, ngừng hô hấp ngừng tim và dẫn đến tử vong.
Liên hệ ngay cho bác sĩ điều trị nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường khi sử dụng thuốc Vinphyton.
10, Thuốc Vinphyton chống chỉ định trong những trường hợp nào?
Những trường hợp dưới đây không nên sử dụng thuốc Vinphyton:
- Người quá mẫn với Phytomenadione hoặc mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Các trường hợp có nguy cơ bị xuất huyết cao không nên sử dụng thuốc theo đường tiêm bắp, chỉ nên tiêm tĩnh mạch chậm.
- Người đang phải điều trị bằng các thuốc chống đông hoặc bị mắc các hội chứng như tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ thiếu máu não, người mắc các bệnh lý về tim mạch như tắc động mạch vành, người đã thay van tim cơ học.
- Thận trọng khi dùng cho người bị suy gan thận nặng vì thuốc có khả năng làm tình trạng bệnh nặng thêm.
11, Dược động học
Dược động học của thuốc Vinphyton:
- Hấp thu: Khả năng hấp thu của thuốc Vinphyton qua đường tiêm bắp là tương đối ổn định với người khoẻ mạnh. Sinh khả dụng của thuốc khi dùng theo đường tiêm bắp là khoảng 50%. Đối với những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao hoặc sử dụng thuốc với mục đích là giả độc thì nên sử dụng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch.
- Phân bố: Thuốc Vinphyton được gắn nhiều vào albumin huyết tương. Thể tích phân bố của thuốc trong cơ thể là khoảng 5 lít. Thời gian để thuốc phát huy tác dụng là sau khoảng 6 – 10 giờ tiêm bắp và sau khoảng 1 – 2 giờ tiêm tĩnh mạch.
- Chuyển hoá: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu qua gan thành dạng không còn hoạt tính và liên kết với acid glucuronic.
- Thải trừ: Thuốc Vinphyton thải trừ một phần qua phân và một phần qua nước tiểu dưới dạng hết hoạt tính.
12, Khi sử dụng thuốc Vinphyton 10mg/ml cần lưu ý những gì?
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Vinphyton:
- Không sử dụng thuốc khi đã quá hạn và không dùng thuốc nếu đã bị tách pha hoặc dung dịch xuất hiện các giọt dầu.
- Để xa tầm tay trẻ em.
- Không nên dùng liều lớn hơn 5mg cho trẻ sơ sinh mới chào đời do hệ enzym gan của các bé chưa hoàn thiện.
- Không được sử dụng thuốc theo đường tiêm bắp nếu bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao.
- Với trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt và tình trạng xuất huyết không quá nặng thì nên sử dụng thuốc theo đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nặng hoặc cần điều trị ngộ độc các thuốc chống đông thì cần dùng đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch chậm. Khi đó, cần pha loãng thuốc Vinphyton bằng dung dịch muối natri clorid 0,9% hoặc sử dụng dung dịch dextrose 5% rồi truyền tĩnh mạch chậm (không được quá 1 mg/phút). Cũng có thể tiêm thuốc trực tiếp vào đoạn dưới của bộ dung dịch tiêm truyền sử dụng natri clorid 0,9% hoặc dung dịch dextrose 5%.
- Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch quá nhanh có thể gây ra hiện tượng toát mồ hôi, nóng bừng, co thắt phế quản, tim nhịp nhanh và huyết áp hạ gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc Vinphyton bị sốc phản vệ cần sử dụng ngay epinephrin 0,1% tiêm bắp 0,5 – 1 ml và tiến hành tiêm tĩnh mạch glucocorticoid. Có thể tiến hành lọc máu nếu cần thiết.
- Trong quá trình điều trị bằng thuốc Vinphyton, cần theo dõi nồng độ prothrombin máu thường xuyên để điều hiệu chỉnh liều và thời gian điều trị một cách phù hợp nhất.
- Thuốc có thể gây thiếu máu tan huyết khi sử dụng cho người bị thiếu hụt G6PD bẩm sinh.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết quá nặng, cần tiến hành xét nghiệm công thức máu rồi truyền từng thành phần máu bị thiếu hoặc có thể truyền máu toàn phần.
- Chất bảo quản alcol benzylic có trong thuốc có thể gây độc cho trẻ sơ sinh. Do đó, chỉ nên dùng thuốc ngay sau khi được pha loãng bằng natri clorid 0.9% hoặc dextrose 5% làm giảm nồng độ và giảm tác dụng của alcol benzylic. Không nên sử dụng thuốc tiêm dư thừa sau khi đã bẻ lắp.
13, Tương tác của thuốc
Tương tác của thuốc Vinphyton với thức ăn, đồ uống: chưa có bằng chứng rõ ràng về sự tương tác của thuốc Vinphyton với đồ ăn và thức uống.
Tương tác của thuốc Vinphyton với các thuốc khác:
- Thuốc có khả năng tương tác với một số thuốc chống đông như Coumarin, Warfarin, đối kháng tác dụng và làm giảm, thậm chí là gây mất tác dụng của những loại thuốc này. Do đó, người ta thường ứng dụng trong việc giải độc khi sử dụng thuốc chống đông quá liều.
- Bệnh nhân có khả năng không đáp ứng với thuốc kể cả đường tiêm truyền tĩnh mạch nếu bị suy giảm prothrombin máu do nguyên nhân dùng các loại kháng sinh như gentamycin, clindamycin.
14, Quá liều, quên liều và cách xử trí khi sử dụng thuốc Vinphyton là gì?
Trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc Vinphyton quá liều: bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng như xuất hiện các cục máu đông. Khi đó, cần tiến hành xử trí bằng cách sử dụng các thuốc chống đông máu có tác dụng đối kháng cạnh tranh, làm mất tác dụng của thuốc. Cần theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình dùng thuốc để tránh xảy ra các tác hại không đáng có.
Trường hợp bệnh nhân quên liều: Để hạn chế tình trạng quên liều, bệnh nhân nên sử dụng thuốc Vinphyton vào các khung giờ cố định trong ngày. Bệnh nhân cần sử dụng liều đã quên vào thời điểm gần nhất.
Xem thêm:
Thuốc chống đông pha cấp Heparin: cơ chế tác dụng, phân loại