Viêm hang vị dạ dày là bệnh gì?
Về cấu tạo giải phẫu, hang vị là một phần của dạ dày, nằm ở vị trí từ góc của bờ cong nhỏ đến môn vị (môn vị là nơi tiếp xúc giữa dạ dày và tá tràng). Về chức năng sinh lý, hang vị đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn nhưng đồng thời lại là nơi dễ gặp viêm nhiễm.
Viêm hang vị dạ dày là tình trạng hang vị bị viêm sưng, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày từ đó gây ra các cơn đau âm ỉ và dữ dội. Đây là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỉ lệ mắc ở người lớn (đặc biệt là người cao tuổi) cao hơn ở trẻ em. Bệnh cần được điều trị đúng cách, nếu không có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa bệnh đau dạ dày đơn giản, hiệu quả
Hình ảnh về viêm hang vị dạ dày
Phân loại viêm hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng viêm loét xuất hiện ở niêm mạc hang vị dạ dày, dẫn đến giãn nở các mạch máu xung quanh gây xung huyết và phù nề, kết quả quan sát được trên nội soi là xuất hiện các đốm đỏ đậm trên phần bề mặt niêm mạc
Dựa vào triệu chứng lâm sàng chia ra làm 2 mức độ xung huyết:
- Viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ: biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường như khó tiêu, đau bụng, ợ hơi, ợ chua…với tần suất thưa thớt. Mức độ đau của các cơn đau bụng là nhẹ, có thể chịu được.
- Viêm xung huyết hang vị mức độ vừa và mạn tính: biểu hiện bằng các triệu chứng tiêu hóa ở mức độ nặng hơn như buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị. Thậm chí còn có thể có các biểu hiện nặng hơn như nôn ra máu hay đi ngoài ra phân đen và tanh hôi (khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa
Viêm trợt hang vị dạ dày
Viêm trợt hang vị dạ dày hay (hay viêm xước hang vị dạ dày) là tình trạng trầy xước ở lớp niêm mạc hang vị dẫn đến xuất hiện những vết viêm loét nhỏ. Bệnh có thể tiến triển đến xuất hiện các cơn đau thượng vị khó chịu và dữ dội. Nếu để bệnh tiến triển đến mức độ này thì sẽ khó chữa, bệnh cần được chữa trị kịp thời và đúng cách để hạn chế tình trạng viêm loét nặng thêm.
Biểu hiện của viêm hang vị dạ dày
Đa số các loại viêm niêm mạc hang vị dạ dày có thể xuất hiện mà không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
Triệu chứng viêm niêm mạc hang vị dạ dày có thể bao gồm:
- Khó tiêu: là triệu chứng phổ biến nhất.
Khi tình trạng viêm phát triển trong niêm mạc hang vị dạ dày, quá trình co bóp thức ăn ở dạ dày trước khi xuống ruột non sẽ bị ảnh hưởng, làm chậm tiêu hóa thức ăn, gây nên tình trạng khó tiêu.
- Buồn nôn: thường đi kèm với chứng khó tiêu.
Buồn nôn là phản ứng thường gặp của cơ thể khi có tình trạng viêm xuất hiện tại niêm mạc dạ dày, bất kể khi đó dạ dày rỗng hay có thức ăn. Mức độ buồn nôn dao động từ nhẹ đến nặng và có thể gây nôn ói ở một số bệnh nhân, thậm chí nặng hơn nữa là nôn ra máu.
- Đau bụng vùng thượng vị
Về mức độ đau, cơn đau có thể chỉ âm ỉ nhưng cũng có thể đau dữ dội. Về thời gian của cơn đau, có thể từ vài giờ đến vài ngày không dứt hoặc thậm chí là lâu hơn.
Khi tình trạng viêm mới xuất hiện, người bệnh cảm thấy đau bụng nhiều khi ăn vào. Đau kéo dài cả ngày nhưng ban đêm đau nhiều hơn do dịch vị tiết ra nhiều kích thích niêm mạc đã bị tổn thương. Khi niêm mạc hang vị dạ dày đã bị loét, người bệnh cảm thấy đau nhiều hơn khi đói và khi bệnh đã tiến triển nặng, người bệnh cảm thấy đau thường xuyên bất kể no hay đói.
- Ăn mất ngon
- Đầy hơi, chướng bụng: Quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày bị ảnh hưởng nên lượng thức ăn xuống ruột non bị giảm dẫn đến một phần thức ăn không được tiêu hóa hết. Lượng thức ăn chưa được tiêu hóa này có thể lên men và sinh khí gây tình trạng đầy hơi cũng như chướng bụng. Tình trạng viêm cũng góp phần làm dư thừa lượng khí trong dạ dày, gây nên ợ hơi.
- Thay đổi tính chất phân: phân lúc lỏng, lúc đặc, đôi khi phân rắn thành cục như phân dê hoặc phân có màu đen (không phổ biến
- Thể trạng gầy, xanh xao, mệt mỏi, mất ngủ: do giảm hấp thu chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Yếu tố nguy cơ viêm hang vị dạ dày
Bệnh lý viêm niêm mạc hang vị dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh có thể bao gồm:
- Uống nhiều rượu, bia
- Hút thuốc lá
- Trên 60 tuổi
Nguyên nhân dẫn đến viêm hang vị dạ dày
- Viêm hang vị dạ dày do vi khuẩn HP: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày. Xoắn khuẩn Helicobacter pylori là 1 trong số ít vi khuẩn có thể bám và sinh sống trong môi trường pH acid dịch vị dạ dày. Khi gặp điều kiện thuận lợi (pH dịch vị dạ dày tăng lên), vi khuẩn sẽ nhân lên và tấn công vào dạ dày. Chúng có khả năng tiết ra men urease làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm, loét. Vi khuẩn có thể lây khi dùng chung đồ hoặc ăn chung với người nhiễm HP.
- Viêm hang vị dạ dày do sử dụng thuốc tân dược: Cho tới nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng kéo dài các thuốc giảm đau chống viêm phi steroid sẽ làm giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng yếu tố tấn công là acid dịch vị, dẫn đến tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày. Vì vậy người bệnh không nên lạm dụng các thuốc này mà cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sỹ hay dược sỹ.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Thường xuyên có những bữa ăn mất cân bằng dinh dưỡng, ăn thực phẩm kém chất lượng, thức ăn chế biến sẵn, ăn nhiều đồ chưa cay hay uống nhiều bia rượu mạnh, hút thuốc lá.
- Ngoài ra, stress căng thẳng kéo dài trong cuộc sống cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh, bác sỹ lâm sàng cần khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng cho người bệnh. Bên cạnh đó, còn có các xét nghiệm cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định:
Phương pháp nội soi
Được coi là phương pháp có giá trị nhất trong chẩn đoán xác định viêm loét dạ dày do có độ chính xác cao, nhanh và thuận tiện. Ngoài ra, nội soi còn cung cấp được các thông tin như: vị trí, số lượng, kích thước, tính chất của ổ viêm loét.
Test hơi thở
Test thở C13, C14: đây là 1 kĩ thuật không xâm lấn hay được sử dụng để tìm vi khuẩn HP.
Nguyên tắc: người thử sẽ được uống 1 viên thuốc hoặc 1 dung dịch có chứa Urea gắn phân tử Carbon đồng vị phóng xạ C13. Nếu trong dạ dày người thử có HP đang hoạt động thì chúng sẽ sinh ra men urease làm thủy phân Urea trong thuốc uống vào tạo thành ammoniac NH3 và khí CO2. Khí CO2 chứa nguyên tử C13 hoặc C14 sinh ra được hấp thu vào máu và đào thải qua quá trình hô hấp ở phổi. Máy sẽ đo lượng C13 hoặc C14 thải ra trong hơi thở của người thử, qua đó xác định được vi khuẩn Hp có hoạt động (sinh ra urease) trong dạ dày không.
Test (+) có ý nghĩa là vi khuẩn HP đang hoạt động.
Tìm vi khuẩn trong phân
Vi khuẩn Hp có thể xuất hiện trong phân của những bệnh nhân nhiễm Hp và được phát hiện bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang. Ngày nay phương pháp này đã được tiến hành, cho kết quả chính xác trong các trường hợp chẩn đoán nhiễm Hp. Tuy nhiên phương pháp cho kết quả chậm và gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân cũng như kĩ thuật viên nên hiện nay ít dùng.
Tìm kháng thể vi khuẩn trong máu
Khi cơ thể nhiễm Hp, trong máu sẽ sản sinh ra các kháng thể kháng vi khuẩn Hp. Kháng thể này có thể được phát hiện bằng phương pháp miễn dịch hiện đại. Tuy nhiên vi khuẩn Hp có thể không nằm ở dạ dày mà nằm ở các khu vực khác trong cơ thể, do đó có thể xuất hiện dương tính giả trong trường hợp không có Hp tại dạ dày.
Chụp X-quang
Chỉ áp dụng cho một số trường hợp như cần đánh giá độ lan rộng của tổn thương ở dạ dày tá tràng, hay những trường hợp không nội soi được, hoặc những trường hợp người bệnh không hợp tác nội soi.
Hậu quả, biến chứng của viêm hang vị dạ dày
Nếu viêm niêm mạc hang vị dạ dày không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, không kịp thời sẽ dẫn đến loét niêm mạc hang vị dạ dày, lúc này bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, thậm chí gây một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Xuất huyết dạ dày: là biến chứng thường gặp nhất với các biểu hiện rõ ràng như nôn ra máu hay đi ngoài phân đen mùi tanh hôi.
- Thủng dạ dày gây ra viêm phúc mạc dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn: biểu hiện là đau bụng dữ dội và co cứng thành bụng.
- Hẹp môn vị: biểu hiện là nôn ra thức ăn cũ, bụng óc ách buổi sáng, đau bụng nhiều, ăn không tiêu.
- Ung thư dạ dày.
Cách điều trị viêm hang vị dạ dày
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị chung là làm liền ổ loét, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng do loét bao gồm loại trừ các yếu tố nguy cơ gây loét và tăng cường các yếu tố bảo vệ dạ dày.
Phương pháp Tây Y
Dùng thuốc chống loét
Không dùng phối hợp các thuốc cùng cơ chế, không dùng nhóm kháng acid cùng lúc với các thuốc khác. Điều trị nội khoa (chống loét, điều trị triệu chứng) là chủ yếu. Hiện tại, chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa mà không có kết quả.
- Nhóm thuốc kháng acid: Là các thuốc có chứa nhôm hoặc calci, magnesl hydroxit, nhóm này có tác dụng trung hoà acid không ảnh hường đến bài tiết dịch vị cũng như pepsin, 1-3 giờ sau bữa ăn và đi ngủ.
Ưu điểm là pH dịch vị được nâng lên rất nhanh nên làm giảm đau rất nhanh. Phần lớn trong số này nếu uống đúng cách còn có tác dụng bảo vệ tế bào.
Nhược điểm là tác dụng ngắn, phải dùng nhiều lần trong ngày (thường là 7 lần), dùng lâu thì không có lợi. Vì vậy hiện ít được sử dụng đơn độc trong điều viêm loét dạ dày tá tràng.
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể Histamin H2: Thuốc tranh chấp với Histamin dẫn đến ức chế thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày. Thuốc làm giảm cả bài tiết dịch vị cơ bản và dịch vị kích thích. Giảm 90% bài tiết dịch vị cơ bản và 50-70% bài tiết dịch vị 24h.
- Thuốc ức chế thụ thể H2: hiện nay thường dùng các loại:
Cimetidin 800mg – uống/tiêm tĩnh mạch.
Ranitidin 300mg – uống/tiêm tĩnh mạch.
Famotidin 40mg – uống/tiêm tĩnh mạch.
Nizatadin 300mg – uống.
Ưu điểm của thuốc nhóm này: tác dụng nhanh, pH tăng rất rõ sau 1h và đạt tác dụng tối đa ngay từ ngày đầu tiên, kiểm soát dịch vị ban đêm tốt ngoài ra giá thành rẻ tiền, an toàn nhưng các thuốc này khả năng ức chế acid dịch vị yếu hơn so với nhóm ức chế bơm proton H+.
Tuy nhiên nhược điểm là có thể gây ra một số tác dụng phụ, gây ra các tương tác bất lợi với thức ăn hoặc thuốc khác
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI-Proton pump inhibitors): Do ức chế enzyme K+/H+-ATPase nên chúng tác động vào khâu cuối của quá trình bài tiết acid dịch vị nên được coi là nhóm thuốc có khả năng cao nhất trong kiểm soát bài tiết dịch vị.
Đây là nhóm thuốc ức chế acid dịch vị mạnh nhất hiện nay thường dùng các nhóm sau:
Omeprazl viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg.
Lansoprazol viên 30mg.
Pantoprazol viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg.
Rabeprazol viên 10mg hoặc 20mg, ống 20mg
Esomeprazol viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg.
Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Sucrafat: bảo vệ tế bào bao bọc ổ loét, ngăn sự khuyếch tán ngược của ion H+, ức chế pepsin và hấp phụ muối mật: có tác dụng phòng loét cấp tính và làm lành loét mạn tính mà không ảnh hưởng tới bài tiết dịch vị và pepsin. Nên uống từ 30 phút đến 60 phút trước ăn.
- Bismuth: vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng vừa có tác dụng diệt H.pylori.
- Misoprostol: là đồng đẳng với prostaglandin E, có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày vì làm tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat đồng thời làm tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày – tá tràng. Hàm lượng viên 200mcg. Liều dùng thường 400mcg – 800mcg/ngày, uống. Hiện ít dùng do tác dụng phụ.
Các kháng sinh diệt HP
- Amoxicillin 500mg: kháng thuốc ít.
- Metronidazol/tinidazol 500mg, hiện nay thuốc này bị kháng rất nhiều, sau khi uống bệnh nhân thường mệt.
- Clarithromycin 250mg, 500mg. Tỷ lệ kháng thuốc hiện nay ở Việt Nam cao.
- Furazolidon: nitrofuran thuốc này ít dùng ở nước ta.
- Fluoroquinolones: Levofloxacin 500mg.
Các thuốc Tây y cần được sử dụng đúng theo như đơn kê của bác sỹ.
Các bài thuốc dân gian
Các bài thuốc dân gian chữa viêm hang vị dạ dày có nguồn gốc từ các loại thảo dược tự nhiên, được cha ông áp dụng và truyền lại, mang đến những hiệu quả tích cực trong việc điều trị. Các bài thuốc dân gian thường có khả năng bổ khí huyết, kiện tỳ, tán hàn, sinh tân dịch,… nên có tác dụng cải thiện các triệu chứng viêm hang vị dạ dày, đồng thời hỗ trợ chức năng tiêu hóa làm việc tốt hơn. Công dụng của các bài thuốc là giảm nhẹ các cơn đau thượng vị, hỗ trợ tái tạo các mô viêm tổn thương ở niêm mạc dạ dày, hạn chế tình trạng co thắt dạ dày và trung hòa acid dịch vị.
- Ưu điểm của các bài thuốc dân gian là an toàn, lành tính, tiết kiệm chi chí và hạn chế phát sinh các rủi ro.
- Hạn chế của các bài thuốc dân gian là chỉ áp dụng với các triệu chứng viêm hang vị dạ dày ở mức độ nhẹ, chưa xuất hiện các ổ loét, viêm ở niêm mạc dạ dày. Hơn nữa, tác dụng của thuốc chữa cũng sẽ tùy thuộc vào cơ địa, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng người bệnh. Trong trường hợp bệnh lý có dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp.
Sau đây là 1 số bài thuốc dân gian hay được sử dụng:
Gừng tươi
Theo y học cổ truyền, gừng là dược liệu có vị cay và tính ấm. Về mặt hóa học, trong gừng có thành phần gingerol và bisabolene có vai trò như một loại kháng sinh tự nhiên giúp chống viêm, sát khuẩn và giảm co thắt rất tốt, từ đó cải thiện các cơn đau do bệnh gây ra.
- Cách dùng: Gừng tươi đem rửa sạch bụi bẩn, đất bên ngoài, rồi dùng dao thái thành lát mỏng. Cho khoảng 5 – 6 lát gừng vào cốc, đổ nước sôi vào hãm trong khoảng 5 phút. Uống trà gừng khi còn nóng giúp làm ấm dạ dày, từ đó cơn đau thượng vị sẽ dần biến mất. Để đạt hiệu quả cải thiện cơn đau, bạn nên uống trà gừng 2 lần/ ngày vào buổi sáng và buổi tối.
- Lưu ý: Không sử dụng gừng tươi để điều trị bệnh viêm hang vị cho những người bị nóng trong, ho ra máu, bị trĩ, người bị bệnh về gan, xuất huyết, …
Mật ong nguyên chất
Từ xưa đến nay, mật ong luôn được đánh giá là 1 loại dược liệu quý trong Đông y, với vai trò trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong đó có viêm hang vị dạ dày. Về mặt hóa học, mật ong có chứa các chất chống oxy hóa và các thành phần có khả năng kháng khuẩn, như một loại kháng sinh tự nhiên. Do đó, mật ong có khả năng khắc phục các triệu chứng của viêm hang vị dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày trước các yếu tố tấn công.
- Cách dùng: Lấy khoảng 2 thìa mật ong nguyên chất cho vào 100ml nước ấm, dùng thìa khuấy đều cho mật ong tan hết rồi sử dụng để uống. Người bệnh nên uống mật ong pha nước ấm vào trước mỗi bữa ăn tầm 30ph, áp dụng cách này từ 2 – 3 lần để nhanh đạt hiệu quả điều trị.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể kết hợp uống gừng với mật ong. Cách dùng: pha 1 cốc nước gừng như trên và thêm 2 thìa mật ong, uống ngay khi còn ấm sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Vỏ bưởi
Nghiên cứu y học cổ truyền và y học hiện đại đã chỉ ra rằng vỏ bưởi có hiệu quả trong điều trị viêm hang vị dạ dày thông qua tác dụng giảm tiết dịch vị dạ dày, ngăn ngừa bệnh tiến triển thành viêm loét nghiêm trọng.
Cách dùng:
- Lấy khoảng 30g vỏ bưởi khô cùng với vài lát gừng tươi cho vào nồi, đổ thêm vào một lít nước rồi bắc lên bếp đun sôi.
- Đun trên lửa to đến khi nước sôi bùng lên thì vặn nhỏ lửa lại, đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút thì tắt bếp.
- Chắt lấy lượng nước thu được để cho nguội bớt rồi chia thành 3 phần để sử dụng vào trước bữa ăn sáng, trưa và tối.
- Người bệnh cần kiên trì áp dụng phương pháp này trong thời gian dài (vì hiệu quả xuất hiện từ từ) để đạt được hiệu quả điều trị viêm hang vị.
Hạt đậu rồng
Về mặt hóa học, hạt đậu rồng chứa hàm lượng vitamin và chất xơ cao, có tác dụng kích thích, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, đồng thời tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, trong hạt đậu rồng còn chứa các chất có khả năng làm giảm tình trạng tăng tiết acid dạ dày, nhờ đó ngăn ngừa tình trạng viêm loét do dịch vị dạ dày gây ra. Bên cạnh đó, dược liệu này còn giúp tạo ra lớp màng bao bọc niêm mạc dạ dày, hạn chế tiến triển nặng thêm tình trạng loét dạ dày.
Cách dùng:
- Nhai hạt đậu rồng rang: Hạt đậu rồng sau khi thu hái, rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo sao đến khi có mùi thơm thì tắt bếp. Đợi hạt nguội cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy kín, bảo quản nơi khô ráo thoáng mát. Trước khi ăn sáng và tối, lấy khoảng 10 hạt đậu rồng đã rang ra nhai nát và nuốt từ từ.
- Dùng hỗn hợp bột đậu rồng với mật ong: Chuẩn bị số lượng lớn hạt đậu rồng, đem tất cả đi sao vàng rồi nghiền thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. Trước khi ăn sáng và ăn tối, lấy khoảng 2 thìa bột hạt đậu rồng trộn đều với 1 thìa mật ong nguyên chất rồi dùng để ăn.
Người bệnh cần kiên trì áp dụng phương pháp này trong thời gian dài (vì hiệu quả xuất hiện từ từ) để đạt được hiệu quả điều trị viêm hang vị.
Viêm hang vị dạ dày nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Nên ăn
- Nên chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày: người bệnh không nên ăn quá no, hoặc cũng không nên để quá đói rồi mới ăn. Bởi vì khi ăn quá no sẽ làm cho dạ dày phồng căng, và làm tăng tiết acid dạ dày dễ gây đau.
- Thực phẩm chứa men vi sinh như sữa chua để hỗ trợ tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn giảm áp lực cho dạ dày.
- Rau xanh: cung cấp chất xơ và các nhóm vitamin giúp cơ thể dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giúp giảm áp lực và tránh kích thích dạ dày.
- Thực phẩm giàu omega -3 như dầu oliu, cá hồi, quả bơ, … do có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ dạ dày cùng các cơ quan tiêu hóa khỏi sự tấn công của các gốc tự do
- Thực phẩm giàu tinh bột: có vai trò thấm hút dịch dạ dày để cải thiện tình trạng tăng tiết acid; giúp dạ dày tiêu hóa dễ hơn, bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể mà còn có thể giúp giảm dịch dạ dày từ đó cải thiện các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn…
- Ngũ cốc nguyên cám: Loại ngũ cốc này vẫn giữ nguyên các chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin (đặc biệt vitamin nhóm B), khoáng chất rất tốt cho cơ thể và có tác dụng cải thiện triệu chứng của các bệnh như viêm dạ dày, viêm đại tràng.
- Mật ong: có chứa các chất chống oxy hóa và các thành phần có khả năng kháng khuẩn, như một loại kháng sinh tự nhiên giúp khắc phục các triệu chứng của viêm hang vị dạ dày.
Kiêng ăn
- Thực phẩm cay nóng như tỏi, tiêu, ớt, tương ớt… sẽ kích thích khiến niêm mạc dạ dày dễ tổn thương, làm vết loét lan rộng, sưng tấy và khó lành hơn.
- Hoa quả chứa nhiều acid như cam, quýt, bưởi, chanh, khế chua… làm nặng thêm tình trạng tăng tiết acid dịch vị khiến tình trạng viêm loét dạ dày thêm nghiêm trọng hơn.
- Rau nhiều chất xơ không tan như rau hẹ, đậu khô, khoai môn, củ cải già… do làm nặng thêm tình trạng khó tiêu.
- Thức ăn cứng hay các loại hạt cứng như hạt điều, đậu phộng khiến dạ dày mất nhiều thời gian co bóp nghiền nát làm nặng thêm tình trạng viêm. Người bệnh nên ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để giảm gánh nặng cho dạ dày.
- Thức ăn chế biến sẵn, khó tiêu, và có chứa nhiều muối như là: Chả lụa, hay lạp xưởng, hoặc các loại thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích…
- Thịt đỏ thường giàu protein động vật với hàm lượng acid cao, do vậy để tiêu hóa được dạ dày cần tăng tiết acid làm nặng thêm tình trạng viêm dạ dày.
- Rượu bia, cà phê do gây kích ứng và nặng thêm tình trạng viêm dạ dày.
- Nước uống có ga
- Không nên hút thuốc lá
Tìm hiểu thêm: [Độc quyền] Nên ăn gì? Kiêng ăn gì? Để đánh bay viêm hang vị dạ dày
Một số lưu ý khi bị viêm hang vị dạ dày
- Chia nhỏ các bữa ăn, ăn uống thường xuyên, đủ bữa đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tránh các thực phẩm gây kích ứng, đặc biệt là những loại thực phẩm cay, chua, chiên hoặc béo
- Sau khi ăn xong cần nghỉ ngơi thoải mái để thức ăn được nhào trộn kỹ ở dạ dày trước khi xuống ruột non, không nên làm việc ngay và đặc biệt không được hoạt động thể lực mạnh như tập gym hay chạy nhảy.
- Trao đổi với bác sỹ, dược sỹ cân nhắc việc thay đổi thuốc giảm đau, tránh sử dụng các thuốc có thể gây ra viêm niêm mạc hang vị dạ dày.
- Nhanh chóng từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thường xuyên thức khuya hay làm việc quá sức.
- Ngủ đúng giờ và chú ý đảm bảo giấc ngủ kéo dài khoảng 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
- Giảm căng thẳng bằng cách tập yoga hoặc thiền.
Một số câu hỏi thường gặp
Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Viêm hang vị dạ dày nếu được phát hiện và điều trị kịp thời đúng cách, bệnh sẽ thuyên giảm và ngăn chặn tình trạng xuất hiện biến chứng.
Viêm hang vị dạ dày có chữa khỏi được không?
Nếu được chẩn đoán đúng và chữa trị đúng cách cùng với sự tuân thủ điều trị và thực hiện các biện pháp không dùng thuốc của người bệnh thì bệnh sẽ thuyên giảm dần và có thể khỏi hẳn. Tuy nhiên nếu không thực hiện kiêng ăn và phòng ngừa như hướng dẫn thì bệnh có thể tái lại.
Có chữa viêm hang vị dạ dày bằng thuốc nam được không?
Bệnh có thể chữa bằng thuốc nam với trường hợp viêm hang vị mức độ nhẹ, chưa hình thành nên các vết loét nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nam có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào sự kiên trì dùng thuốc (vì hiệu quả xuất hiện từ từ), cơ địa và đáp ứng khác nhau của mỗi cá thể người bệnh.
Với trẻ em và bà bầu bị viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Với bà bầu
Viêm hang vị dạ dày có thể có ảnh hưởng đến bà bầu như:
- Cảm giác khó chịu khi ăn và ăn không ngon miệng do quá trình tiêu hóa thức ăn có vấn đề dẫn đến tình trạng khó tiêu, buồn nôn.
- Các cơn đau thượng vị nóng rát, âm ỉ làm mẹ bầu vô cùng khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
- Các biến đổi trong cơ thể khi mang thai kèm với tình trạng đau dạ dày thường làm cho nhiều mẹ cảm thấy khó chịu, căng thẳng, buồn bực, kém tập trung, điều đó càng làm nặng thêm tình trạng viêm dạ dày.
- Đặc biệt nghiêm trọng khi việc tiêu hóa thức ăn kém làm cho giảm hấp thu các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé khiến sức khỏe của mẹ và bé không tốt. Vì vậy nên mẹ bầu không được chủ quan mà phải đến gặp bác sỹ để có các biện pháp điều trị khoa học khi có dấu hiệu đau dạ dày.
Với trẻ em
Viêm hang vị dạ dày ở trẻ em gây nên những cơn đau bụng khó chịu, cảm giác nóng rát, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu làm cho trẻ thường xuyên quấy khóc, chán ăn, người mệt mỏi, xanh xao. Nó không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ngăn cản sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không được chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám bác sỹ để phát hiện và điều trị sớm.
Viêm hang vị dạ dày có lây không?
Nếu như nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn H.pylori thì bệnh sẽ dễ lây lan khi sử dụng chung đồ sinh hoạt hay ăn chung với người nhiễm vi khuẩn HP. Trong phân mà các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP thải ra ngoài có chứa một lượng lớn loại xoắn khuẩn này. Thậm chí, trong phân của người bệnh dương tính với vi khuẩn HP thải ra ngoài cũng có chứa một lượng lớn loại xoắn khuẩn này.
Viêm hang vị dạ dày có đau không?
Viêm hang vị dạ dày sẽ có những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị: đau từ mức độ nhẹ âm ỉ đến đau dữ dội với thời gian mỗi cơn đau từ vài giờ đến vài ngày thậm chí kéo dài hơn.
Có tự chữa viêm hang vị dạ dày tại nhà không?
Với những trường hợp mắc viêm hang vị dạ dày ở mức độ nhẹ, niêm mạc chỉ trợt xước thì người bệnh có thể điều trị bằng thuốc nam tại nhà.
Với những trường hợp đi khám ở bệnh viện hay phòng khám mà không phải mức độ nặng chưa xuất hiện biến chứng cấp tính, bác sỹ có thể kê đơn cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại nhà.
Tìm hiểu thêm: [CHIA SẺ] Phác đồ điều trị viêm dạ dày HP của Bộ Y Tế mới nhất 2020