Ù tai là một triệu chứng nguy hiểm, nếu chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Vậy ù tai là gì? Bệnh ù tai có nguy hiểm không? Nguyên nhân và chữa trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn về “Ù tai”, bạn đừng bỏ qua nhé!
Ù tai là bệnh gì?
Ù tai là tình trạng cảm nhận được âm thanh không có thật hoặc tiếng ù ù, không rõ ràng trong đầu. Âm thanh này có thể êm dịu hay dữ dội, cao hoặc thấp, kéo dài hay ngắt quãng.
Triệu chứng ù tai khá phổ biến, có thể xảy ra ở tai trái, tai phải hay cả hai tai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.
Xem thêm: Kinh nghiệm chọn máy trợ thính: Loại nào tốt, Có nên đeo không, Giá bán?
Bệnh ù tai có nguy hiểm không?
Theo y học, ù tai là triệu chứng của một số bệnh lý hay tổn thương thính giác, thần kinh hay sự lão hóa theo thời gian. Do đó, “ù tai” gây ra những tác hại nguy hiểm cho người bệnh:
Ù tai ban đầu khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bứt rứt, dẫn đến mất ngủ, lo lắng, suy nhược cơ thể.
Khi ù tai kéo dài kèm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nghe kém chứng tỏ tai bạn đang gặp bệnh lý. Lúc này cần đến kiểm tra ngay tại các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.
Đặc biệt, khi có triệu chứng nghe kém đột ngột, tức là tai bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Trường hợp này, bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt, đề phòng các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ù tai
Ù tai có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
Tác nhân từ môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với những âm thanh, tiếng ồn lớn từ môi trường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ù tai. Những tiếng ồn lớn tác động xấu đến thần kinh thính giác, nghiêm trọng nhất có thể gây thủng màng nhĩ, hay điếc đột ngột nếu tiếng ồn quá lớn.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Một số thói quen ảnh hưởng không tốt đến thính giác như đeo tai nghe liên tục, nghe âm lượng lớn, thường xuyên tiếp xúc với người la hét, nói to. Ngoài ra, thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng ù tai.
Tình trạng sức khỏe: Ù tai còn gặp ở những người có sức đề kháng kém, hay mắc phải các bệnh lý tai, mũi, họng sẽ làm giảm đi chức năng của tai, gây ù tai. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là một nguyên nhân làm tai giảm nhạy cảm với âm thanh.
Vệ sinh tai không sạch sẽ: Tai không được vệ sinh thường xuyên, lấy ráy tai hay có dị vật cản trở âm thanh truyền đến tai, lâu ngày dẫn đến giảm khả năng cảm nhận âm thanh, dẫn đến chứng ù tai.
Một số bệnh lý:
Bệnh lý về tai làm ảnh hưởng chức năng của tai.
Bệnh lý về mạch máu như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, bệnh tim có thể làm ảnh hưởng đến mạch máu ở tai, dẫn đến bệnh lý ở tai, gây ù tai.
Những chấn thương vùng đầu và cổ ảnh hưởng đến thần kinh, có thần kinh thính giác cũng có thể dẫn đến tình trạng ù tai.
Sử dụng thuốc: Một số thuốc gây tác dụng không mong muốn cho tai, độc với thính giác, khiến tai bị ù. Có thể kể đến các loại thuốc trị cao huyết áp, thuốc tim mạch.
Xem thêm: Kinh nghiệm chọn máy trợ thính: Loại nào tốt, Có nên đeo không, Giá bán?
Đối tượng nguy cơ của bệnh ù tai
Những đối tượng có nguy cơ cao ù tai:
- Người làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn như công nhân làm việc tại công trường xây dựng, nhà máy, phi công, ca sĩ, thợ mộc.
- Người cao tuổi: chức năng tai giảm do tuổi tác.
- Giới tính: Tỉ lệ nam giới mắc chứng ù tai cao hơn nữ giới.
- Người thường xuyên sử dụng chất kích thích như uống rượu, bia, hút thuốc,
- Người mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp.
Biểu hiện của ù tai
Người bị ù tai thường có những biểu hiện sau:
- Nghe thấy những âm thanh không có thật, thường như tiếng gió thổi, tiếng ve kêu, tiếng gầm, tiếng rít hay tiếng ù ù.
- Cường độ âm thanh ù tai thay đổi cao thấp tùy lúc, khiến người bênh khó tập trung, không nghe được âm thanh thật một cách rõ ràng.
- Ù tai có thể đột ngột xuất hiện một thời gian rồi tự khỏi, hoặc kéo dài hàng ngày.
- Có thể kèm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt hoa mắt.
Chẩn đoán ù tai
Các yếu tố của người bệnh có tác dụng trong chẩn đoán ù tai:
Triệu chứng: Thời gian khởi phát mới xuất hiện hay xuất hiện đã lâu, nghe rõ hay nghe kém, có kèm theo hoa mắt, chóng mặt hay đau đầu không.
Tính chất ù tai: vị trí tai ù (tai trái, phải hay cả hai tai, ở ngoài hay sâu bên trong), cường độ tiếng ù, kiểu tiếng ù (đều đều hay theo nhịp), tần suất gặp phải.
Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc các bệnh lý về tai có nguy cơ cao mắc bệnh lý về tai, là nguyên nhân gây ù tai.
Tuổi: tuổi càng cao, khả năng ù tai cũng cao hơn.
Yếu tố môi trường: môi trường làm việc, sinh hoạt có tiếng ồn hay không.
Các thói quen hàng ngày: có sử dụng chất kích thích không, có thường xuyên đeo tai nghe không, có tiếp xúc với tiếng ồn lớn không.
Có đang mắc các bệnh lý nào không, có sử dụng thuốc gì không.
Qua thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định khám lâm sàng, cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Khám lâm sàng: đánh giá chức năng tai, kiểm tra tai – thần kinh.
Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp sọ não, chụp mạch não đồ, chụp cộng hưởng từ.
Cách chữa trị ù tai
Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh, tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ù tai nội khoa hay phẫu thuật ngoại khoa.
Nội khoa
Ù tai được điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc loại bỏ nguyên nhân hoặc điều trị triệu chứng:
Thuốc giãn cơ trơn mạch máu, thuốc tăng tuần hoàn máu nhằm lưu thông máu tại ốc tai và hệ thống thần kinh.
Thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc an thần, barbiturate, meprobamate, magie sulfat.
Trị rối loạn chức năng vòi bằng các thuốc kháng histamin và thuốc giảm phù nề.
Sử dụng procain, lidocain đường tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch) giảm dẫn truyền thần kinh.
Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin, nortriptyline), lưu ý tác dụng không mong muốn.
Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đúng giờ, không tự ý sử dụng thuốc ngoài để đạt hiệu quả cao nhất. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường nên ngưng thuốc và hỏi lại ý kiến bác sĩ.
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cần:
- Hạn chế tối đa các chất kích thích.
- Tránh tiếng ồn.
- Vệ sinh tai sạch sẽ.
- Nếu sử dụng thuốc gây ù tai nên dừng sử dụng thuốc.
Phẫu thuật ngoại khoa
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khác nhau:
- Phẫu thuật trực tiếp loại bỏ nguyên nhân gây ù tai (các khối, u).
- Phẫu thuật giảm áp tai túi nội dịch.
- Phẫu thuật cắt hạch sao.
- Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình trong trường hợp đau đầu, hoa mắt chóng mặt kéo dài.
- Phẫu thuật khoét mê nhĩ.
Các biện pháp khác
Bên cạnh điều trị ngoại khoa và nội khoa, một số biện pháp khác cũng được sử dụng trong điều trị ù tai:
- Tạo môi trường có mô phỏng âm thanh.
- Dùng trợ thính.
- Sử dụng máy phát âm thanh (tabletop, wearable).
- Châm cứu.
- Điều trị thần kinh (nếu nguyên nhân do hệ thần kinh)
Phòng tránh ù tai
Ù tai có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm về tai, có thể tác động xấu đến cả hệ thần kinh. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên phòng tránh ù tai.
Bạn nên áp dụng các biện pháp dưới đây trong phòng tránh ù tai:
- Sử dụng bịt tai hoặc dùng thiết bị bảo vệ tai trong môi trường có tiếng ồn lớn để giảm tiếng ồn.
- Hạn chế sử dụng tai nghe kéo dài, không nghe tai nghe ở mức âm lượng lớn.
- Không sử dụng các chất kích thích.
- Rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng nhằm giảm mắc các bệnh lý về tai, tim mạch, giảm nguy cơ ù tai.
- Tránh làm việc quá sức, căng thẳng mệt mỏi sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh.
Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn một số câu hỏi thường được bạn đọc quan tâm:
Ù tai khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi xuất hiện triệu chứng ù tai đột ngột, nghe kém hay ù tai kèm các triệu chứng tiền đình như hoa mắt, chóng mặt, bạn nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Không tự ý sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng về tai mà phải nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ đến khi tình trạng ù tai được cải thiện.
Trong quá trình điều trị, nếu có bất thường, nên đi khám lại ngay phòng tránh biến chứng cho tai.
Khám ù tai ở đâu tốt?
Bạn nên tìm đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán bởi các chuyên gia hàng đầu cả nước, bằng trang thiết bị hiện đại và giá cả hợp lý nhất.
Các bệnh viện bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương (Hà Nội).
- Bệnh viện Bạch Mai – Khoa Tai – Mũi – Họng (Hà Nội).
- Bệnh viện Trung ương quân đội 108 – Khoa Tai – Mũi – Họng (Hà Nội)
- Bệnh viện Tai – Mũi – Họng (Tp. HCM)
- Bệnh viện Đại học Y dược Tp. HCM.
Ù tai nên ăn gì?
Chế độ ăn không giúp chữa khỏi ù tai nhưng phần nào cải thiện được triệu chứng này. Bạn tham khảo các loại thực phẩm:
- Chuối: chứa nhiều Kali, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, giúp lưu thông máu, cải thiện ù tai.
- Tỏi: tăng tuần hoàn máu, giảm viêm, ngăn ngừa cao huyết áp.
- Thực phẩm giàu Kẽm và Vitamin B12 (cá hồi, thịt đỏ, hải sản): kiểm soát tình trạng ù tai.
Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế:
- Ăn mặn: hàm lượng muối cao dẫn đến tăng huyết áp, co mạch, giảm lưu thông máu.
- Ăn ngọt: nguy cơ cao bị tiểu đường, dẫn đến cách bệnh lý về mạch.
- Ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên xào: Nguy cơ cao xơ vữa động mạch, tổn thương mạch máu, lâu ngày tổn thương đến tai.
- Sử dụng chất kích thích – yếu tố nguy cơ của chứng ù tai.
Ù tai có tự khỏi được không?
Trong trường hợp ù tai mức độ nhẹ, ù tai có thể tự khỏi mà không cần can thiệp gì, nhưng tỉ lệ này rất ít.
Chủ yếu ù tai do bệnh lý, cần phải đến điều trị của bác sĩ, bạn không nên chủ quan mà phải kiểm tra ngay để không gặp biến chứng nguy hiểm.
Nếu bạn còn thắc mắc gì về chứng ù tai, hãy để lại bình luận phía dưới để được chúng tôi giải đáp nhé!