Trẻ sơ sinh nhiễm HIV sống được bao lâu? Có thuốc điều trị không?

5/5 - (2 bình chọn)

HIV/AIDS được biết đến như là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm – một căn bệnh thế kỷ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, HIV sẽ gây ra những biến chứng, hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Và thật không may, có những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỳ này. Liệu những đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV có chữa được không, có còn hy vọng nào không? Hãy cùng tìm hiểu thêm thông qua bài viết sau.

Những nguyên nào dẫn đến trẻ sơ sinh nhiễm HIV

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm HIV do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đây là các con đường chủ yếu mà HIV có thể lây truyền sang một đứa trẻ đang ở giai đoạn sơ sinh:

Lây truyền từ mẹ sang con

Đây được xem như là con đường lây nhiễm chính chiếm phần lớn trong các trường hợp trẻ sơ sinh bị HIV. Theo các báo cáo khoa học, có đến 90% trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ bị HIV trong quá trình mang thai, trong khi sinh và sau khi sinh.

  • Trong quá trình mang thai: Người mẹ bị nhiễm HIV khi mang thai thì đứa trẻ sinh ra cũng có nguy cơ rất lớn bị mắc loại virus này. Trong thời kỳ mang thai, virus HIV sẽ đi từ máu của người mẹ sẽ qua nhau thai và xâm nhập vào cơ thể của thai nhi. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn này có thể xảy ra rất sớm ngay khi thai nhi mới được 6 đến 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.
  • Giai đoạn trong khi sinh: Virus HIV cũng có thể được lây truyền từ mẹ sang con trong suốt quá trình người mẹ chuyển dạ. Bởi trong quá trình này, đứa trẻ có thể tiếp xúc với dịch âm đạo khi đi qua đường sinh dục của người mẹ để chui ra ngoài hoặc là do sự tiếp xúc giữa máu của mẹ và máu thai nhi. Lúc này, virus HIV từ nước ối hoặc dịch âm đạo sẽ đi vào cơ thể của trẻ sơ sinh hoặc qua các cơn co bóp của tử cung mà HIV từ máu của người mẹ được bơm vào hệ tuần hoàn của đứa bé hoặc từ máu của người mẹ dính vào niêm mạc của trẻ. Theo thống kê, có khoảng 50 đến 60 % các trường hợp trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ mẹ ở trong giai đoạn này.

Đồng thời, tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con càng cao ở những trường hợp đẻ khó, các case chuyển dạ kéo dài hoặc phần mềm của mẹ bị tổn thương dập nát, thai nhi bị xây xước. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ càng cao nếu khoảng thời gian tính từ thời điểm vỡ nước ối cho đến khi đứa trẻ được chào đời bị kéo dài. Nguy cơ lây truyền sẽ tăng thêm 2 % cứ sau mỗi một giờ kể từ khi vỡ nước ối.

Đường lây truyền của HIV
HIV lây từ mẹ sang con

Với các trường hợp sinh con đôi, sinh con ba thì những đứa trẻ chào đời trước so với những đứa trẻ sinh sau sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, do những trẻ sinh ra trước thường tiếp xúc với dịch âm đạo của người mẹ nhiều hơn.

Trong khi cho con bú: Mặc dù, virus HIV có nồng độ tương đối thấp trong sữa mẹ nhưng nếu như trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn là rất lớn. Trong khi mẹ cho con bú, virus HIV có trong sữa mẹ có thể xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh qua các lớp niêm mạc lưỡi, lợi của trẻ, đặc biệt là những trường hợp mà đứa trẻ có các vết hoặc ổ viêm loét trong khoang miệng. Bên cạnh đó, virus HIV cũng có thể lây truyền sang cơ thể của trẻ trong trường hợp núm của người mẹ có các vết nứt, các vết viêm loét hoặc từ máu của người mẹ khi trẻ cắn vào núm vú gây chảy máu.

Qua đường truyền máu

Trong trường hợp trẻ sơ sinh mắc phải các bệnh lý hoặc vì một lý do nào đó mà phải phẫu thuật, cần truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu thì đứa trẻ vẫn có nguy cơ được truyền máu có nhiễm virus HIV. Mặc dù hầu hết các bệnh viện khi lấy máu và truyền máu đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhưng vẫn có thể xảy ra sơ suất trong quá trình kiểm tra người hiến máu. Do đó, đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh mà chúng ta cần để ý tới.

Các nguyên nhân khác

Một trẻ sơ sinh phải tiếp xúc nhiều với các vật liệu y tế mà không được đảm bảo vô trùng hoàn toàn cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV. Những sơ xuất như việc dùng chung bơm kim tiêm mặc dù là hy hữu nhưng cũng có thể làm cho đứa trẻ bị nhiễm HIV.

Triệu chứng của trẻ sơ sinh mắc HIV

Triệu chứng trẻ sơ sinh nhiễm HIV
TRiệu chứng

HIV là một loại virus mà khi xâm nhập vào cơ thể có thể làm suy giảm các chức năng của hệ miễn dịch và các cơ quan có chức năng chống nhiễm trùng khác. Do đó, nếu mắc phải HIV mà không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người mang virus có thể diễn biến đến giai đoạn AIDS và bị các bệnh nhiễm trùng cũng như các bệnh ung thư không mong muốn. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV có thể tiến triển đến giai đoạn AIDS nhanh hơn gấp nhiều lần so với người lớn. Theo nghiên cứu, có đến 50 % trẻ sơ sinh được chẩn đoán là bị AIDS trong năm đầu tiên từ khi chào đời.

Khi bị nhiễm HIV, mỗi đứa trẻ sơ sinh có thể có các biểu hiện triệu chứng khác nhau, có thể có một, nhiều hoặc tất cả các biểu hiện sau:

  • Viêm, sưng hạch bạch huyết.
  • Bụng có kích thước lớn bất thường do các cơ quan nội tạng bên trong bị sưng phù.
  • Trẻ có dấu hiệu của nhiễm nấm, nhiễm trùng cơ hội như: xuất hiện các mảng trắng, các vết loang lổ trên da, má và lưỡi.
  • Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi sút cân, xuất hiện các cơn tiêu chảy ngẫu nhiên kéo dài.
  • Trẻ có thể gặp các triệu chứng giống như cảm cúm, sốt nhẹ và thường kéo dài đồng thời xuất hiện một số bệnh lý ở phổi như viêm phổi, viêm phế quản.

Tuy nhiên, ở một số trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV cũng có thể không xuất hiện các triệu chứng kể trên và các xét nghiệm kiểm tra thông thường cũng có thể không cho kết quả dương tính. Do đó, cần phải quan tâm chú ý nhiều hơn đối với những trẻ có nguy cơ cao ngay cả khi trẻ không xuất hiện các triệu chứng nhiễm HIV và các sàng lọc thông thường không cho kết quả.

Chẩn đoán trẻ sơ sinh nhiễm HIV

Có thể chẩn đoán HIV cho trẻ sơ sinh dựa theo triệu chứng của trẻ từ khi sinh ra. Với các bà mẹ nhiễm HIV, sau khi sinh con, các mẹ phải theo dõi sát sao các triệu chứng lâm sàng của đứa trẻ. Nếu có các triệu chứng ở trên, đặc biệt là một số triệu chứng như sút cân, tiêu chảy hoặc sốt cảm cúm kéo dài trên 1 tháng, phát triển chậm hơn so với trẻ bình thường thì có khả năng cao đứa trẻ đã bị lây nhiễm HIV.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau dùng để chẩn đoán trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV một cách chính xác và nhanh chóng. Thông thường, có thể làm xét nghiệm HIV cho trẻ sơ sinh từ 4 đến 6 tuần tuổi. Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ không sử dụng máu của đứa trẻ mới sinh ra từ mẹ nhiễm HIV để kiểm tra bởi vì lúc này kết quả thường sẽ không có độ chính xác cao. Đối với những trẻ làm xét nghiệm từ lúc mới sinh ra thì đến lúc 4 đến 6 tuần tuổi vẫn nên cho làm xét nghiệm chẩn đoán HIV lại vì ban đầu có thể đứa trẻ chưa nhiễm HIV nhưng sau đó trong quá trình sinh hoặc bú mẹ, đứa trẻ mới bị lây nhiễm. Tuy nhiên, kể cả khi những xét nghiệm được làm trong giai đoạn từ 4 đến 6 tuần tuổi cho kết quả âm tính mà trẻ có nguy cơ cao thì trẻ cũng cần phải xét nghiệm lại lúc 6 tháng tuổi bởi kết quả xét nghiệm lúc này cho độ chính xác rất cao.

Các xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn để kiểm tra nhiễm HIV được thực hiện trên người lớn không cho kết quả ở trẻ sơ sinh. Điều này được cho là do các kháng thể HIV có thể đã được truyền thụ động vào cơ thể của đứa trẻ từ dòng máu của người mẹ. Do đó, với đối tượng là trẻ sơ sinh cần phải thực hiện xét nghiệm PCR – phản ứng khuếch đại chuỗi để phát hiện ADN và ARN của virus HIV nhằm khẳng định đứa trẻ bị nhiễm HIV. Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh bằng phản ứng PCR được thực hiện khi trẻ được từ 4 đến 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán đưa ra cũng không hoàn toàn chính xác. Trẻ sơ sinh cần được làm xét nghiệm lại khi đủ 6 tháng tuổi bởi tỷ lệ chính xác lúc này hầu như là 100%.

Trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, các xét nghiệm chẩn đoán lây nhiễm HIV dương tính được thực hiện giống như các xét nghiệm trên người lớn. Việc phát hiện sớm trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV bằng các xét nghiệm chẩn đoán sau sinh, có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra hướng điều trị cũng như việc tiêm phòng cho đứa trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vaccin BCG. Điều này sẽ mang lại những hi vọng mới cho đứa trẻ có mẹ nhiễm HIV.

Phác đồ điều trị HIV cho trẻ bằng thuốc kháng ARV

Phác đồ điều trị
Phác đồ điều tị hiv bằng ARV

Hiện nay, chưa có bất kỳ một phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn HIV. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng virus HIV hay các thuốc kháng ARV. Các loại thuốc này được sử dụng với mục đích ngăn chặn tối đa và lâu dài sự nhân lên của virus HIV; phục hồi chức năng miễn dịch, giữ cho số lượng tế bào CD4 trong cơ thể trẻ sơ sinh luôn ở mức ổn định; đồng thời duy trì sự phát triển về trí tuệ và thể lực của trẻ một cách bình thường.

Nếu trẻ được điều trị sớm bằng phác đồ phù hợp thì sẽ giảm được nguy cơ tiến triển thành AIDS và tử vong do nhiễm HIV. Thuốc ARV được chỉ định điều trị ở những trẻ nhiễm HIV:

  • Đã có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng.
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng vừa và nặng (tùy thuộc vào số lượng tế bào CD4 mà chẩn đoán xem mức độ suy giảm miễn dịch của trẻ).
  • Có số lượng RNA copies > 5.000 – 10.000 trên 1 ml.
  • Hoặc dự phòng cho trẻ được sinh ra từ mẹ có nhiễm HIV trong 6 tuần đầu.

Các phác đồ điều trị HIV cho trẻ sơ sinh được lựa chọn tùy thuộc vào thể trạng, mức độ bệnh của mỗi bé; tính an toàn cũng như kinh nghiệm chăm sóc và phối hợp sử dụng các loại thuốc ở trẻ; các loại bệnh có thể mắc phải trong giai đoạn nhiễm bệnh; các loại thuốc khác dùng điều trị các triệu chứng được sử dụng đồng thời và nguy cơ kháng thuốc có liên quan đến các loại thuốc đã được sử dụng trước đó của người mẹ và đứa trẻ. Tùy theo tình trạng của mỗi trẻ sơ sinh mà các bác sĩ sẽ đưa ra và thay đổi phương án điều trị và chỉ định dùng thuốc phù hợp. Thuốc ARV thường dùng kết hợp ít nhất 3 loại thuốc khác nhau để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra. Ngày càng có nhiều nghiên cứu và các cuộc thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở trẻ sơ sinh, do đó số lượng các thuốc sử dụng được cho trẻ ngày càng được tăng lên.

Các loại thuốc ARV thường được các bác sĩ chọn lựa trong phác đồ điều trị là từ các nhóm NRTI, NNRTI và PI, tuy nhiên một số trẻ cũng có thể phải dùng đến các thuốc ức chế xâm nhập và ức chế tích hợp. Trong đó, các loại thuốc thường được sử dụng ở nhóm thuốc NRTI bao gồm các loại như AZT, 3TC, FTC, ABC; nhóm thuốc NNRTI bao gồm NVP và EFV; các thuốc PI như LPV/r,… Các loại thuốc này thường được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc dạng bột pha uống nên có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh được.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi kể cả trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV phác đồ điều trị thường được ưu tiên sử dụng là ABC + 3TC + LPV/r. Trong một số trường hợp, nếu trẻ có các biểu hiện của kháng thuốc hoặc có xuất hiện các triệu chứng của tương tác thuốc các phác đồ khác được lựa chọn thay thế sẽ là AZT + 3TC + LPV/r hoặc ABC + 3TC + NVP hoặc AZT + 3TC + NVP. Nếu trong trường hợp trẻ sau sinh có nguy cơ lây nhiễm cao (được sinh từ mẹ có nhiễm HIV) mà chưa thể xác định được có nhiễm virus hay không thì nên điều trị dự phòng bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt.

Dược động học của các thuốc ARV ở trẻ sơ sinh thay đổi theo quá trình phát triển và hoàn thiện của các hệ cơ quan trong một năm đầu đời, đặc biệt là các cơ quan tham gia trong quá trình chuyển hóa và thải trừ thuốc. Liều dùng ARV cho trẻ tùy thuộc vào cân nặng hoặc sự phát triển về chiều dài cơ thể và chức năng gan, thận của đứa trẻ. Do đó, nhiều loại thuốc ARV được sử dụng với liều lượng rất khác so với liều sử dụng ở người lớn. Trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc ARV phải được theo dõi liên tục các chỉ số cơ thể để có thể thay đổi điều chỉnh liều dùng hoặc các loại thuốc ARV kết hợp, tránh dùng liều thấp gây kháng thuốc hoặc tương tác thuốc không tốt dẫn đến thất bại điều trị.

Trẻ sơ sinh trong năm đầu đời, có sự nhạy cảm của các cơ quan trong cơ thể đối với các thuốc sử dụng có khác biệt rất lớn so với các độ tuổi lớn hơn. Do đó, trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi dược tính của thuốc dẫn đến có các tác dụng không mong muốn hoặc các độc tính khi sử dụng các thuốc kháng virus ARV. Người tham gia điều trị và chăm sóc cho trẻ cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của trẻ để có thể có hướng xử trí kịp thời.

Vì là trẻ sơ sinh nên quá trình sử dụng thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn; đứa trẻ không thể nuốt được cả viên thuốc giống như người lớn được. Do đó, người chăm sóc trẻ cũng cần lưu ý hơn về quá trình cho trẻ sử dụng thuốc. Lựa chọn điều trị ARV ở trẻ sơ sinh cũng cần phải tính đến các vấn đề có thể ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị như dạng thuốc có thể dùng được cho trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh chỉ có thể dùng được các loại thuốc có dạng dung dịch hoặc bột pha uống; vị của thuốc bởi nếu quá đắng đứa trẻ có thể trớ ra hoặc thậm chí là nôn ra thuốc; và tần suất mà trẻ sử dụng trong ngày.

Chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV

Cách chăm sóc trẻ
Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV

Quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc chăm sóc những đứa trẻ bình thường khác. Theo thống kê, có khoảng 50 % những đứa trẻ bị nhiễm HIV sẽ tử vong trong khoảng 2 năm đầu đời. Do đó, để giúp hạn chế khả năng nhân lên của virus HIV và sự tiến triển sang giai đoạn AIDS trong cơ thể của trẻ trong năm đầu đời, nhiều vấn đề cần được quan tâm và được định hướng rõ ràng trong quá trình nuôi dưỡng.

Vì virus HIV được tìm thấy trong sữa mẹ do đó cần phải thay sữa mẹ bằng các loại sữa thay thế khác. Đây là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV, điều này giúp giảm tối đa số lượng mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể của đứa trẻ. Mặt khác tuyệt đối không cho trẻ vừa ăn sữa mẹ và vừa ăn sữa công thức bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển đến giai đoạn AIDS của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa thay thế chỉ được thực hiện khi trẻ chịu chấp nhận hoặc có thể đáp ứng được; và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các sữa ăn thay thế lâu dài, ít nhất là hoàn toàn trong 6 tháng đầu; đồng thời các sữa ăn thay thế này phải đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh cho trẻ.

Nếu việc dừng bú hoặc sử dụng sữa thay thế gặp khó khăn và bắt buộc phải cho trẻ bú mẹ thì người mẹ cần phải được điều trị bằng thuốc ARV và tuần thủ đầy đủ liều lượng điều trị để hạn chế tối đa số lượng HIV có thể có trong sữa.

Đối với trẻ sơ sinh đã biết rõ là bị nhiễm HIV hoặc có nguy cơ cao mà chưa làm được xét nghiệm hoặc xét nghiệm cho kết quả chưa chắc chắn đều được chỉ định điều trị và dự phòng bằng phác đồ các thuốc kháng ARV. Do đó, cần đảm bảo dinh dưỡng cũng như sức khỏe cho trẻ để trẻ có thể tham gia điều trị phòng ngừa bệnh tốt nhất có thể. Việc chăm sóc vệ sinh cơ thể, da, mũi họng, răng miệng thường xuyên cho trẻ cũng là điều cần thiết để làm giảm nguy cơ mắc phải các căn bệnh nhiễm trùng cơ hội.Trẻ cũng cần phải được quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên. Các bác sĩ và người chăm sóc nên cho trẻ làm các kiểm tra định kỳ để có thể nắm bắt và biết được tiến triển của bệnh.

Tìm hiểu thêm: PHƠI NHIỄM HIV LÀ GÌ? CẦN XỬ LÍ THẾ NÀO ĐỂ GIẢM NGUY HIỂM?

Một số câu hỏi thường gặp về trẻ sơ sinh nhiễm HIV

Trẻ sơ sinh nhiễm HIV sống được bao lâu?

Đối với trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV thì nguy cơ nhiễm khuẩn và mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn nhiều so với các lứa tuổi khác. Do trong năm đầu tiên của cuộc đời, các cơ quan trong cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch chưa được hoàn chỉnh. Bình thường, nguy cơ mắc các bệnh lý ở trẻ sơ sinh thường cao hơn các lứa tuổi khác, khi có thêm ảnh hưởng của virus HIV, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nguy cơ tử vong ở một đứa trẻ sơ sinh nhiễm HIV là rất lớn. Theo các nghiên cứu, nếu không được điều trị kháng virus HIV, tỷ lệ tử vong trên nhóm trẻ sơ sinh lây nhiễm trực tiếp từ mẹ là khoảng 35,2 % và tỷ lệ này có thể tăng đến 50 % khi trẻ đạt thời điểm 2 tuổi.

Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tùy thuộc vào từng đất nước, từng khu vực địa lý, điều kiện kinh tế của gia đình và chế độ chăm sóc cũng như điều trị cho trẻ trong suốt một năm đầu đời giai đoạn sơ sinh. Có những trẻ sơ sinh nếu được dự phòng và điều trị tốt thì vẫn có thể sống trong một thời gian dài rồi mới biểu hiện triệu chứng. Do đó, nếu phát hiện sớm và được tiến hành điều trị tốt thì trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể kéo dài thời sống của mình.

Lựa chọn thức ăn thay thế cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV

Thức ăn cho trẻ bị HIV
Thức ăn cho trẻ

Mặc dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và rất cần thiết đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên sử dụng thức ăn thay thế là điều cần làm khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV. Tùy thuốc vào tình trạng và sự phát triển của trẻ mà lựa chọn những loại thức ăn thay thế phù hợp. Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, chưa ăn được và còn phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng từ sữa mẹ thì sữa thay thế là thức ăn duy nhất. Thay vì cho trẻ bú sữa mẹ, có thể dùng sữa bò đã được chế biến thành bột có bổ sung các chất dinh dưỡng khác gần giống với thành phần trong sữa mẹ để pha cho trẻ sử dụng. Hoặc có thể sử dụng các loại sữa khác được chế biến tương tự như sữa tươi, các vi chất dinh dưỡng cần cho quá trình phát triển của trẻ để cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng, nên chọn sử dụng bột sữa bò đã bổ sung các chất dinh dưỡng hơn là sử dụng các loại khác, vì nó có thể cung cấp đầy đủ hơn cho trẻ sơ sinh các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển một cách bình thường và đảm bảo sức khỏe để tiến hành các phương pháp điều trị HIV.

Khi trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên, đã có khả năng ăn bổ sung, trẻ có thể được cho ăn dặm bổ sung và kết hợp uống sữa thay thế như giai đoạn 6 tháng tuổi. Lưu ý rất quan trọng ở đây là tuyệt đối không được cho trẻ vừa bú sữa mẹ vừa uống sữa thay thế vì có thể làm tăng nguy cơ và khiến tình trạng bệnh của trẻ trầm trọng hơn.

Ngoài ra, nếu có người quen cũng sinh em bé cùng thời điểm thì cũng có thể cho trẻ bú nhờ. Việc làm này có thể giúp giảm khả năng nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh và giúp trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ. Tuy nhiên, cách này ít được áp dụng vì cần phải đảm bảo cho người cho sữa hoàn toàn không bị lây nhiễm HIV.

HIV dễ lây truyền sang con vào tuần thai nào?

Quá trình lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra từ rất sớm, ngay khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Quá trình xảy ra ngay khi thai nhi vừa được 8 tuần tuổi và kéo dài trong suốt thời kỳ thai nghén. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền cao nhất là khi thai nhi từ 18 tuần tuổi trở lên với con đường chủ yếu là qua rau thai. Nguyên nhân là do lúc này rau thai bị nhiễm HIV, màng ngăn của rau thai giúp ngăn cách cơ thể thai nhi và cơ thể mẹ bị tổn thương, điều này tạo điều kiện cho virus HIV từ cơ thể mẹ dễ dàng xâm nhập vào thai nhi.

Tìm hiểu thêm: Quan hệ với người nhiễm HIV cần có những biện pháp gì để phòng tránh?

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây