Nhóm thuốc Corticoid: Công dụng, Cách dùng, Tác dụng phụ, Lưu ý khi sử dụng

4.5/5 - (2 bình chọn)

Giới thiệu chung

Lịch sử ra đời

Corticoid, có tên gọi đầy đủ là Corticosteroid, là các hormon steroid tự nhiên hoặc chất tương tự hormon steroid tự nhiên (được sản xuất bởi vỏ tuyến thượng thận trong cơ thể con người). Kể từ khi được phát hiện cho đến nay, Corticoid đã được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực của y học. Corticoid bao gồm hai loại là Glucocorticoid (Corticoid chuyển hóa đường) và Mineralocorticoid (Corticoid chuyển hóa muối nước). Mỗi một Corticoid sẽ có mức độ ưu tiên các đặc tính Glucocorticoid và Mineralocorticoid khác nhau. Hiện nay, thuật ngữ Corticoid thường được hiểu là Glucocorticoid.

Năm 1950, lần đầu tiên Cortisone (một hormon vỏ tuyến thượng thận) được phân lập, sau sự kiện giải Nobel về Sinh lý và Y khoa cho công trình về các hormon tuyến thượng thận của các nhà khoa học Tadeusz Reichstein, Edward Calvin Kendall và Philip Showalter Hench. Điều trị ban đầu bằng steroid đã được ca ngợi là một phương pháp “kỳ diệu”, chúng được kê toa tự do không kiểm soát trong những năm 1950, nhưng rất nhanh sau đó, người ta dần phát hiện ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng của chúng.

Cortisone lần đầu tiên được tổng hợp hóa học hoàn toàn bởi Lewis Sarett của Merck & Co. Chuỗi phản ứng bao gồm 36 bước vô cùng phức tạp, với nguyên liệu đầu vào là deoxycholic acid, một chất được chiết xuất từ mật bò. Do quá trình quá phức tạp, giá 1 gram Cortisone tổng hợp lúc đó lên tới 200 USD. Sau đó, Russell Marker tại Syntex đã tìm ra quy trình tổng hợp đơn giản hơn nhiều, đi từ nguyên liệu ban đầu là Diosgenin, một chất thường được tìm thấy trong các loài thực vật họ Dioscorea. Quy trình 4 phản ứng chuyển Diosgenin thành Progesterone, còn gọi là thoái phân Marker, là một bước quan trọng giúp bán tổng hợp ra tất cả các hormon steroid. Tiếp đó, năm 1952, D.H. Peterson và H.C. Murray của Upjohn đã phát triển một quy trình sử dụng nấm mốc Rhizopus để oxy hóa Progesterone thành một hợp chất có thể dễ dàng chuyển thành Cortisone. Nhờ các thành tựu trên mà giá thành các Corticoid bán tổng hợp hiện nay đã giảm đi rất nhiều.

Theo trục thời gian, các Corticoid được phát hiện lần lượt là: Cortisone năm 1948, Hydrocortisone (Cortisol) năm 1951, Fludrocortisone acetate năm 1954, Prednisone và Prednisolone năm 1955, Methylprednisolone và Triamcinolone năm 1956, Dexamethasone, Betamethasone và Triamcinolone acetonide năm 1958, Fluorometholone năm 1959.

Cấu trúc hóa học

Tất cả các Corticoid đều có cấu trúc khung steroid rất đặc trưng.

Cấu trúc khung chung của các Corticoid và liên quan cấu trúc – tác dụng (SAR)
Hình ảnh: Cấu trúc khung chung của các Corticoid và liên quan cấu trúc – tác dụng (SAR)

Dược lý học

Dược lực học

Các Corticoid có tác dụng tương tự như các hormon steroid nội sinh, tuy nhiên cường độ tác dụng có thể mạnh và chọn lọc hơn nhiều.

Các tác dụng điển hình của một Glucocorticoid:

Chuyển hóa: Glucocorticoid có tác dụng trên chuyển hóa glucid, protid, lipid và muối nước.

  • Glucid: Glucocorticoid làm tăng quá trình tân tạo glucose tại gan từ các acid amin và protein, tăng quá trình tạo glycogen tại gan. Ngoài ra, nó còn kích thích tăng tổng hợp hormon glucagon và giảm tổng hợp hormon insulin của tuyến tụy, từ đó làm tăng đường huyết. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra đái tháo đường.
  • Protid: Glucocorticoid ức chế quá trình tổng hợp và kích thích dị hóa protein thành các acid amin để chuyển chúng vào con đường tân tạo glucose tại gan. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra teo cơ, xốp xương, yếu tổ chức liên kết.
  • Lipid: Glucocorticoid làm thay đổi phân bố mỡ trong cơ thể, mỡ sẽ tập trung nhiều ở thân, mặt (vùng trung tâm) và giảm tổng hợp ở các chi. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra tăng nồng độ các acid béo tự do trong cơ thể, rối loạn lipid máu, hội chứng giả Cushing, khuôn mặt hình trăng tròn (moon face) hay gù trâu (buffalo hump).
  • Muối nước: Thuốc gây tích trữ natri và tăng thải kali ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích nước, phù, tăng huyết áp. Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng ức chế sự tái hấp thu calci tại ruột và tăng thải calci qua thận, từ đó làm giảm calci máu, khi đó tuyến cận giáp sẽ điều hòa nồng độ calci máu bằng cách tăng cường tiết PTH (parathyroid hormon) huy động calci từ xương ra, từ đó làm xốp xương, còi xương, xương dễ gãy.

Cơ quan và tuyến:

  • Tiêu hóa: Glucocorticoid kích thích tăng tiết dịch vị, giảm sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, nguy cơ loét dạ dày – tá tràng không tăng lên khi sử dụng thuốc đơn độc.
  • Thần kinh trung ương: Thuốc có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, gây bồn chồn, mất ngủ, ảo giác…
  • Hệ tạo máu: Glucocorticoid làm tăng quá trình đông máu, tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đa nhân trung tính nhưng làm giảm bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu lympho.
  • Tổ chức hạt: Quá trình tái tạo tổ chức hạt và nguyên bào sợi bị ức chế, dẫn đến chậm lên sẹo và chậm lành vết thương.

Chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch:

  • Chống viêm: Glucocorticoid hoạt hóa lipocortin, từ đó ức chế phospholipase A2, ngăn cản quá trình chuyển phospholipid màng tế bào thành acid arachidonic, từ đó làm giảm sản xuất các chất trung gian hóa học của quá trình viêm như prostaglandin và leucotrien.
Cơ chế tác dụng chống viêm của Corticoid
Cơ chế tác dụng chống viêm của Corticoid
  • Chống dị ứng: Glucocorticoid ức chế phospholipase C, từ đó ngăn cản chuyển phosphatidylinositol diphosphate thành diacylglycerol và inositol triphosphate, giúp cho màng tế bào mast không bị vỡ, từ đó hạn chế giải phóng ra các chất trung gian hóa học của quá trình dị ứng như histamin, serotonin…
  • Ức chế miễn dịch: Thuốc làm giảm số lượng các tế bào lympho, làm teo các cơ quan lympho, ức chế sản xuất kháng thể, ức chế hóa ứng động bạch cầu…, do đó có tác dụng ức chế miễn dịch. Tác dụng này đặc biệt rõ ràng khi sử dụng ở liều cao.

Các tác dụng điển hình của một Mineralocorticoid:

Các thuốc nhóm này chỉ có tác dụng chủ yếu trên chuyển hóa muối nước (thường mạnh hơn Glucocorticoid), tác dụng trên chuyển hóa đường và tác dụng chống viêm thường không mạnh, không có tác dụng ức chế miễn dịch.

Corticoid thể hiện tác dụng của nó thông qua receptor nội bào. Nó không cần receptor trên bề mặt màng tế bào bởi Corticoid có cấu trúc thân dầu cho phép nó có thể đi qua lớp phospholipid kép màng tế bào một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cũng do cấu trúc thân dầu nên để di chuyển được trong lòng mạch máu, nó cần các protein vận chuyển.

Cơ chế phân tử về tác dụng của các Corticoid có hai con đường: Con đường qua hệ gene (genomic) và con đường không qua hệ gene (non-genomic).

Con đường qua hệ gene: Khi không có mặt hormon, thụ thể của Corticoid nằm trong bào tương như một phần của phức hợp đa protein lớn bao gồm các protein chaperone (hsp90, hsp70 và p23) và immunophilin (FKBP51 và FKBP52). Phức hợp đa protein này sẽ phân ly khi liên kết với Corticoid. Điều này dẫn đến tái tổ chức cấu trúc protein (loại bỏ p23 và hsp90) và để phức hợp còn lại đi vào nhân thông qua lỗ trên màng nhân. Khi ở trong nhân, phức hợp thụ thể – Corticoid này (ở dạng dimer) liên kết trực tiếp với vùng GRE (yếu tố đáp ứng Glucocorticoid) và kích thích biểu hiện gene mục tiêu. Việc cảm ứng hay ức chế biểu hiện gene đều thể hiện tác dụng dụng của Corticoid thông qua phiên mã và dịch mã tạo ra protein đáp ứng.

Cơ chế tác dụng theo con đường qua hệ gene cần có thời gian để thể hiện tác dụng.

Cơ chế hoạt động thông qua hệ gene của Corticoid
Hình ảnh: Cơ chế hoạt động thông qua hệ gene của Corticoid

Đây là cơ chế hoạt động thông qua hệ gene của Corticoid. NPC: phức hợp lỗ nhân, BTM: bộ máy phiên mã cơ bản, TBP: protein gắn TATA, nGRE: GRE âm, RE: yếu tố đáp ứng.

Con đường không qua hệ gene: Con đường này diễn ra nhanh hơn so với con đường qua hệ gene và không cần biểu hiện thông qua protein. Thông thường chỉ mất vài giây đến vài phút sau khi hoạt hóa receptor của Corticoid để thể hiện tác dụng của nó. Con đường này sử dụng nhiều kinase khác nhau như phosphoinositide 3-kinase, AKT và các protein kinase được hoạt hóa bởi mitogen (MAPKs). Con đường không qua hệ gene này chính là lời giải thích cho việc sử dụng Glucocorticoid trong cấp cứu phản ứng phản vệ trên thực hành lâm sàng.

Các Corticoid được phân loại chủ yếu dựa vào thời gian tác dụng: ngắn, trung bình hoặc dài.

Bảng phân loại các Corticoid theo thời gian tác dụng
Bảng phân loại các Corticoid theo thời gian tác dụng

Bảng này cũng đồng thời thể hiện khả năng giữ muối nước và tác dụng chống viêm của mỗi thuốc.

Dược động học

  • Hấp thu: Các Corticoid có hấp thu theo đường uống tốt và sinh khả dụng cao.
  • Phân bố: Tỷ lệ liên kết với các protein huyết tương nhìn chung cao. Corticoid chủ yếu được liên kết với globulin hoặc albumin. Thuốc có khả năng qua được hàng rào nhau thai và vào được sữa mẹ. Thể tích phân bố (Vd) rất thay đổi, có thể khá nhỏ (10L) nhưng cũng có thể khá lớn (lớn hơn tổng tổng lượng nước trong cơ thể).
  • Chuyển hóa: Các Corticoid được chuyển hóa chủ yếu ở gan, thông qua hệ enzyme gan CYP450. Sau quá trình chuyển hóa, hoạt tính của Corticoid giảm và độ tan trong nước tăng. Sau khi trải qua phản ứng khử hoặc oxy hóa, chất chuyển hóa trung gian của Corticoid sẽ được liên hợp (glucuronic hoặc sulfate).
  • Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) thường ngắn (thường không quá 2 giờ). Phần lớn Corticoid được thải trừ qua đường nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa liên hợp tan trong nước. Dạng tự do được bài xuất qua nước tiểu rất ít, lý do là bởi dạng này sẽ được tái hấp thu 80-90% ở ống thận.

Tác dụng – Chỉ định

Thuốc có các tác dụng trên chuyển hóa, các cơ quan, tuyến, chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch như đã nói ở trên.

Corticoid được chỉ định trong nhiều trường hợp y khoa. Các chỉ định có thể kể đến của Corticoid bao gồm:

  • Suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, phản ứng phản vệ.
  • Các bệnh lý liên quan đến dị ứng và tự miễn: Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư, bệnh viêm đường ruột, viêm gan tự miễn, viêm da tiếp xúc, mày đay, phù mạch…
  • Phù não, đa xơ cứng.
  • Chống thải ghép ở bệnh nhân ghép tạng.
  • Một số dạng ung thư như bệnh bạch cầu cấp, lymphoma.
  • Thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Suy thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh.
  • Hạ đường huyết bệnh lý.
  • Chẩn đoán hội chứng Cushing.
  • Kích thích trưởng thành phổi ở trẻ có nguy cơ đẻ non.

Ngoài ra còn một số chỉ định khác. Các chỉ định trên hầu hết là của Glucocorticoid.

Cách dùng – Liều dùng

Liều dùng rất đa dạng và tùy thuộc vào từng loại Corticoid cũng như mục đích sử dụng.

Đường dùng thuốc cũng rất đa dạng, có thể sử dụng tại chỗ trên da hoặc niêm mạc, hít, uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm nội nhãn, tiêm trong da… Nhìn chung, nguyên tắc sử dụng thuốc luôn là hạn chế sử dụng thuốc theo đường toàn thân nếu có thể.

Tác dụng không mong muốn

Mặc dù rất hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, Corticoid cũng đem lại rất nhiều tác dụng không mong muốn, một số trong đó rất nghiêm trọng. Do vậy, Corticoid giống như một con dao hai lưỡi, và việc sử dụng thuốc thực sự là một nghệ thuật. Các tác dụng không mong muốn của thuốc thường phụ thuộc vào hai yếu tố rất quan trọng là liều lượng trung bình và thời gian tích lũy. Nhìn chung, liều trung bình càng cao và/hoặc thời gian sử dụng thuốc càng dài thì các tác dụng ngoại ý càng nghiêm trọng.

Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng Corticoid bao gồm:

  • Loãng xương, gãy xương và hoại tử xương: Nguyên nhân của tác dụng không mong muốn này đến từ tác dụng trên chuyển hóa protid và chuyển hóa calci đã nói ở trên. Nguy cơ tăng lên ở người già, phụ nữ đã mãn kinh.

    Corticoid gây loãng xương
    Corticoid gây loãng xương
  • Ức chế tuyến thượng thận: Sự sản xuất các Corticoid nội sinh chịu sự chi phối của hệ thống trục HPA (trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận). Khi sử dụng các Corticoid ngoại sinh, quá trình phản hồi ngược (feedback) âm tính diễn ra khiến cho tuyến thượng thận bị ức chế sản xuất Corticoid nội sinh, nếu sử dụng dài ngày mà dừng thuốc đột ngột, bệnh nhân có thể gặp phải suy thượng thận cấp do tuyến thượng thận không thể sản xuất đủ lượng Corticoid nội sinh được. Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được cho giảm liều Corticoid từ từ.
  • Hội chứng giả Cushing: Bệnh nhân có thể gặp tăng cân và tái phân bố mỡ trên cơ thể do thừa Corticoid.
  • Tăng đường huyết và đái tháo đường: Corticoid là nguyên nhân phổ biến nhất của đái tháo đường do thuốc. Corticoid cũng làm tăng sự đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
  • Bệnh cơ: Corticoid có liên quan đến yếu và teo cơ do tác dụng gây dị hóa protid đã được nói ở trên.
  • Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể: Corticoid có thể gây tổn thương thị giác và mất thị lực vĩnh viễn.
  • Rối loạn tâm thần: Corticoid có thể gây ra rối loạn tâm thần hưng cảm, kích động, mất ngủ, cáu kỉnh, lo lắng… Các liệu trình sử dụng thuốc kéo dài có thể gây ra trầm cảm.
  • Ức chế miễn dịch: Bệnh nhân có thể bị tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Tác dụng ức chế miễn dịch của Corticoid có tương quan với liều sử dụng.
  • Tim mạch: Corticoid có liên quan đến béo phìtăng huyết áp, làm tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch như suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Tiêu hóa: Dù ức chế sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết dịch vị, các bằng chứng lâm sàng cho thấy sử dụng Corticoid đơn độc ít làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên, khi phối hợp với thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nguy cơ này có thể tăng lên tới bốn lần.
  • Tác dụng phụ ngoài da: Corticoid có thể gây ra teo da, mỏng da, rạn da, dễ gặp phải các ban xuất huyết, suy giảm khả năng lành vết thương trên da. Nguyên nhân của điều này là Corticoid làm giảm hóa ứng động bạch cầu, giảm tổng hợp collagen, giảm biểu hiện yếu tố tăng trưởng tế bào sừng…
  • Ức chế tăng trưởng: Sử dụng Corticoid đường toàn thân ở trẻ em có liên quan đến phát triển và dậy thì chậm. Điều này có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ sau này. Ngoài ra, ức chế tăng trưởng cũng có thể là một dấu hiệu của ức chế tuyến thượng thận.

Các tác dụng không mong muốn này gặp nhiều ở Glucocorticoid hơn là Mineralocorticoid.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Đang sử dụng vaccin sống giảm độc lực (đặc biệt khi sử dụng liều cao ức chế miễn dịch), có nhiễm nấm toàn thân, nhiễm trùng khớp, viêm giác mạc do herpes simplex, nhiễm trùng do Varicella (thủy đậu, zona thần kinh).
  • Loãng xương.
  • Tăng đường huyết không được quản lý tốt, đái tháo đường.
  • Glaucoma (tăng nhãn áp).
  • Tăng huyết áp không kiểm soát tốt.
  • Chống chỉ định tương đối cho loét dạ dày – tá tràng, suy tim sung huyết hoặc các nhiễm trùng chưa được kiểm soát.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc của Corticoid
Tương tác thuốc của Corticoid

Phối hợp với vaccin sống giảm độc lực: Do tác dụng ức chế miễn dịch của Glucocorticoid, đặc biệt ở liều cao (liều thấp vẫn có thể biểu hiện tác dụng này), phối hợp này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh do có thể làm tác nhân gây bệnh trong vaccin tái độc trở lại.

Phối hợp với các NSAIDs: Nguy cơ loét dạ dày – tá tràng tăng lên khi sử dụng phối hợp này. Tránh phối hợp này nếu có thể, hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng, cần dự phòng chống loét bằng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và/hoặc thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày. Các thuốc ức chế bơm proton (PPIs) như Omeprazole hay Rabeprazole là lựa chọn phổ biến và hiệu quả.

Phối hợp với các thuốc chống đông máu kháng vitamin K đường uống (ví dụ: Warfarin): Tác dụng chống đông máu có thể tăng lên, có thể cần giảm liều thuốc chống đông. Liều thuốc chống đông nên được hiệu chỉnh theo INR (tỷ số bình thường hóa quốc tế) mục tiêu.

Phối hợp với các thuốc hạ đường huyết (ví dụ: Metformin, các Sulfonylurea): Tác dụng hạ đường huyết có thể giảm đi, có thể cần tăng liều các thuốc hạ đường huyết cho bệnh nhân.

Phối hợp với các thuốc cảm ứng (ví dụ: Efavirenz, Nevirapine) hoặc ức chế (ví dụ: Atazanavir, Indinavir, Ritonavir) mạnh enzyme gan CYP3A4: Tác dụng của Corticoid có thể giảm hoặc tăng lên tương ứng do chuyển hóa của chúng qua gan bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi theo dõi chặt chẽ hơn tác dụng hoặc độc tính của Corticoid khi sử dụng đồng thời.

Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc

Trước khi bệnh nhân được bắt đầu điều trị bằng Corticoid đường toàn thân, họ cần được khám tiền sử cũng như các bệnh lý hiện tại đang mắc phải để đánh giá bất cứ yếu tố nguy cơ hoặc tình trạng hiện tại nào có thể trở nên tồi tệ hơn khi sử dụng Corticoid. Các bệnh lý cần đặc biệt quan tâm là đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim sung huyết, rối loạn lipid máu, rối loạn tâm thần và loãng xương.

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và dậy thì ở trẻ em và thanh thiếu niên trước khi sử dụng Corticoid đường toàn thân trên những đối tượng bệnh nhân này.

Trong tất cả các trường hợp, ưu tiên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể để giảm thiểu tối đa các tác dụng không mong muốn. Luôn cân nhắc chế độ liều dùng thuốc 1 lần/ngày, vào lúc 8 giờ sáng và dùng cách ngày nếu có thể. Nguyên nhân là bởi Corticoid nội sinh được tiết ra mạnh nhất vào khoảng 8 giờ sáng, nếu dùng thuốc vào khoảng thời gian này, quá trình feedback âm ức chế vỏ tuyến thượng thận sẽ có cường độ nhỏ nhất.

Cần đánh giá nguy cơ ức chế trục HPA trước khi cho bệnh nhân ngừng thuốc. Nếu nguy cơ ức chế trục HPA là nghi ngờ hoặc chắc chắn, cần giảm liều thuốc từ từ.

Theo dõi thể tích dịch cơ thể cũng như nồng độ các chất điện giải trong máu, đặc biệt là kali và natri khi đang sử dụng các Corticoid có hoạt tính giữ muối nước mạnh.

Đặc biệt thận trọng khi sử dụng Corticoid trên các vùng da mỏng và nhạy cảm, hoặc vùng da thường xuyên trong tình trạng kín do hấp thu thuốc toàn thân trong các trường hợp này có thể tăng lên đáng kể. Các Corticoid sử dụng tại chỗ chỉ được sử dụng trên các vùng da không có vết thương hở nhằm hạn chế hấp thu thuốc theo đường toàn thân.

Sử dụng thuốc trên đối tượng đặc biệt

Phụ nữ có thai: Sử dụng Corticoid trên phụ nữ có thai, đặc biệt là Corticoid đường toàn thân, cần cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và nguy cơ mà bệnh nhân có thể gặp phải. Một số trường hợp phụ nữ có thai bắt buộc phải sử dụng Corticoid, ví dụ như kích thích trưởng thành phổi ở trẻ có nguy cơ đẻ non, hay thiểu năng thượng thận.

Phụ nữ đang cho con bú: Để tránh những tác dụng bất lợi của Corticoid có thể gây ra cho trẻ bú mẹ, tốt nhất nên cho trẻ dùng sữa ngoài khi người mẹ đang sử dụng Corticoid đường toàn thân.

Một số nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng

Một nghiên cứu về Corticoid
Một nghiên cứu về Corticoid

Thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu lực của Hydrocortisone kết hợp với Fludrocortisone trong sốc nhiễm trùng cho kết quả: Ở những bệnh nhân này, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sau 90 ngày ở nhóm sử dụng Hydrocortisone kết hợp với Fludrocortisone thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược.

Đánh giá hệ thống các bằng chứng về việc sử dụng Corticoid trong phản ứng phản vệ đưa ra kết luận: Không có bằng chứng cụ thể để ủng hộ hay phản đối sử dụng Corticoid trong cấp cứu phản ứng phản vệ, đặc biệt khi sử dụng Glucocorticoid trong thời gian ngắn hiếm khi liên quan đến các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Việc sử dụng Glucocorticoid cùng với Epinephrine (Adrenaline) trong xử trí cấp cứu phản ứng phản vệ là hợp lý và có thể có lợi.

Đánh giá hệ thống các thử nghiệm lâm sàng đã đăng ký về vai trò điều trị của Corticoid trong COVID-19 cho kết luận: Corticoid có thể điều hòa tổn thương phổi qua trung gian miễn dịch và làm giảm tiến triển thành suy hô hấp và tử vong. Dexamethasone đã được báo cáo là làm giảm thời gian thở máy. Sử dụng Glucocorticoid dài hạn cho thấy sự cải thiện đáng kể các chỉ số về màng phế nang – mao mạch, các chất trung gian của quá trình viêm và sửa chữa mô. Một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy kết quả đầy hứa hẹn và khuyến nghị sử dụng Methylprednisolone và Dexamethasone ở bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Một số nghiên cứu đã báo cáo sử dụng Dexamethasone sớm có thể làm giảm thời gian thở máy và tỷ lệ tử vong tổng ở những bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, không có đủ dữ liệu để chứng minh lợi ích là vượt trội so với rủi ro.

Tài liệu tham khảo

Ramamoorthy S, Cidlowski JA. Corticosteroids: Mechanisms of Action in Health and Disease. Rheum Dis Clin North Am. 2016;42(1):15-vii. doi: 10.1016/j.rdc.2015.08.002.

Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4662771/

McKay LI, Cidlowski JA. Pharmacokinetics of Corticosteroids. In: Kufe DW, Pollock RE, Weichselbaum RR, et al., editors. Holland-Frei Cancer Medicine. 6th edition. Hamilton (ON): BC Decker; 2003.

Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK13300/

Hodgens A, Sharman T. Corticosteroids. [Updated 2020 Oct 1]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2021 Jan-.

Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554612/

Annane D, Renault A, Brun-Buisson C, Megarbane B, Quenot JP, Siami S, Cariou A, Forceville X, Schwebel C, Martin C, Timsit JF, Misset B, Ali Benali M, Colin G, Souweine B, Asehnoune K, Mercier E, Chimot L, Charpentier C, François B, Boulain T, Petitpas F, Constantin JM, Dhonneur G, Baudin F, Combes A, Bohé J, Loriferne JF, Amathieu R, Cook F, Slama M, Leroy O, Capellier G, Dargent A, Hissem T, Maxime V, Bellissant E; CRICS-TRIGGERSEP Network. Hydrocortisone plus Fludrocortisone for Adults with Septic Shock. N Engl J Med. 2018 Mar 1;378(9):809-818. doi: 10.1056/NEJMoa1705716.

Available at https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa1705716

Liyanage CK, Galappatthy P, Seneviratne SL. Corticosteroids in management of anaphylaxis; a systematic review of evidence. Eur Ann Allergy Clin Immunol. 2017 Sep;49(5):196-207. doi: 10.23822/EurAnnACI.1764-1489.15.

Available at https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28884986/

Raju R, V P, Biatris PS, J SJUC. Therapeutic role of corticosteroids in COVID-19: a systematic review of registered clinical trials. Futur J Pharm Sci. 2021;7(1):67. doi: 10.1186/s43094-021-00217-3.

Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7968560/

Xem thêm: Nguyên tắc sử dụng các thuốc corticoid trong điều trị

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây