Tiểu khó: Nguyên nhân gây bệnh, Triệu chứng lâm sàng, Cách xử trí

Đánh giá post

Cơ thể muốn phát triển cần thu nạp dinh dưỡng từ bên ngoài, đồng thời thải trừ các chất thừa, chất chuyển hóa, chất độc khỏi cơ thể. Hệ tiết niệu đóng vai trò quan trọng trong các quá trình ấy. Trong bài viết này, hãy cùng Heal Central tìm hiểu những vấn đề liên quan đến hội chứng Tiểu khó.

Tiểu khó là gì?

Tiểu khó (hay còn được gọi là khó tiểu hay bí tiểu) là hiện tượng người mắc bệnh đi tiểu gặp nhiều khó khăn như khi đi tiểu phải rặn mạnh, rặn lâu thì nước tiểu mới đi ra ngoài cơ thể với một lượng ít. Hiện tượng tiểu khó, đi tiểu khó khăn chính là do các lớp cơ thắt đã kháng cự lại đường đi của nước tiểu bằng cách gây bít tắc ở cổ bàng quang.

Thời gian đi vệ sinh lâu hơn so với bình thường rất nhiều khiến người bệnh cảm giác khó chịu mỗi lần đi tiểu. Điều tồi tệ hơn là người mắc bệnh tiểu khó lại thường xuyên trong tình trạng buồn đi tiểu, khoảng 15-30 phút thì lại có cảm giác buồn đi tiểu một lần. Tình trạng này làm người bệnh bứt rứt, đau bụng dưới và còn có thể gây viêm nếu không chữa trị kịp thời.

Tiểu khó gây ra không ít phiền toái, bất tiện trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bệnh này có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng nhưng phổ biến nhất là nam giới độ tuổi từ 40 trở lên.

Tiểu khó gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Tiểu khó gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Phân loại tiểu khó

  • Tiểu khó cấp tính: Là tình trạng bí tiểu xảy ra một cách đột ngột, phải dùng nhiều sức để cố rặn nhưng chỉ ra vài giọt nước tiểu trong khi đó bàng quang lại chứa đầy nước tiểu gây tức bụng và có thể xảy ra những cơn co thắt.
  • Tiểu khó mãn tính: Là tình trạng tiểu khó đã xảy ra trong thời gian dài. Lượng nước tiểu ngày càng tích tụ ở bàng quang và theo thời gian bàng quang ngày càng lớn, có thể to như quả bóng. Hiện tượng này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây suy thận và nguy hiểm đến tính mạng.

Dấu hiệu của bệnh tiểu khó

  • Tiểu không hết: Người bệnh sẽ trong tình trạng vừa đi tiểu xong nhưng lại không có  cảm giác nhẹ bụng như người bình thường mà lại thấy vùng bụng dưới vẫn nặng và đau tức. Tiểu không hết gây ra trạng thái khó chịu, phiền toái cho người bệnh.
  • Tiểu nhiều lần: Trong một ngày, người bệnh đi tiểu nhiều hơn so với người bình thường rất nhiều. Bình thường trong bàng quang chứa từ 250ml-280ml thì gây kích thích buồn tiểu. Người khỏe mạnh sẽ đi khoảng 6-9 lần/ngày còn ở người mắc bệnh tiểu khó thì lượng nước tiểu đã đầy nhưng khó đi tiểu, không đi tiểu được nên sự kích thích buồn tiểu đã làm người bệnh thường xuyên đi tiểu.
  • Tia nước tiểu nhỏ, yếu, hay bị rớt xuống chân và rặn mạnh thì nước tiểu mới ra.: Do khi đi tiểu bệnh nhân phải rặn, huy động thêm các cơ thành bụng làm tăng áp lực ổ bụng hỗ trợ cho sức co bóp của bàng quang làm cho người bệnh cảm giác mệt mỏi.
  • Cảm thấy đau khi đi tiểu: Do hiện tượng này mà người bệnh rất sợ đi tiểu, một số người còn nín nhịn đi tiểu để tránh gây đau nhưng việc làm này vô tình ảnh hưởng nhiều hơn đến bàng quang.
Bệnh nhân cảm thấy đau khi đi tiểu
Bệnh nhân cảm thấy đau khi đi tiểu

Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu khó?

Trong cơ thể người bình thường, bàng quang, cổ bàng quang, ống niệu đạo và lỗ tiểu được phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng giúp bài xuất nước tiểu ra khỏi cơ thể một cách hợp lý. Nhưng khi một trong các cơ quan tham gia vào bài xuất nước tiểu trên hoạt động bất  thường có thể gây ra tình trạng bệnh lý tiểu khó. Một số nguyên nhân gây gặp trong bệnh nguyên của tiểu khó là:

  • Phì đại tuyến tiền liệt: Từ 20-25 tuổi thì tuyến tiền liệt có kích thước ổn định, rộng khoảng 4cm, cao khoảng 3cm, dày khoảng 2,5cm, nặng khoảng 20 gr và nằm sát dưới cơ bàng quang bao quanh niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang. Chức năng chính của tiền liệt tuyến là sản xuất chất nhờn tham gia tạo nên tinh dịch. Cơ quan này chỉ có ở nam giới và càng ngày càng lớn dần theo tuổi. Khi đi tiểu, dòng nước tiểu sẽ đi xuyên qua nơi tiền liệt tuyến bao quanh cổ bàng quang. Điều này sẽ gây nguy hiểm nếu tuyến tiền liệt có kích thước lớn vì bộ phận này sẽ gây cản trở dòng nước tiểu làm người bệnh có biểu hiện như tiểu khó, đi tiểu nhiều lần, tia nước tiểu yếu hơn rất nhiều so với người bình thường. Nếu người bệnh để lâu, không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng dẫn đến tình trạng tồi tệ như viêm bàng quang, viêm thận, nguy hiểm hơn là suy thận. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường thấy xuất hiện ở nam giới lớn tuổi do tình trạng tăng sinh quá mức của tế bào biểu mô và tế bào trong vùng mô chuyển tiếp của tuyến tiền liệt. Ở đất nước ta tỉ lệ đàn ông từ độ tuổi trung niên trở đi mắc bệnh này chiếm khoảng 45-70%. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có tỉ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng thường gia tăng theo độ tuổi. Khảo sát cho thấy ung thư tuyến tiền liệt chính là loại ung thư chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao thứ 2 sau ung thư phổi ở nam giới, đặc biệt nam giới ở độ tuổi trên 50 trở lên.
  • Bàng quang co bóp không tốt: Tình trạng này trên lâm sàng thường thấy ở người bị chấn thương cột sống, cơ quan bàng quang bị liệt, người mắc bệnh đái tháo đường hoặc ở những người có tiền xử tai biến mạch máu não.
  • Cổ bàng quang giãn nở không tốt: Căn nguyên có thể do hẹp cổ bàng quang, chai xơ cổ bàng quang. Trong đó hẹp cổ bàng quang do phì đại tuyến tiền liệt  được cho là nguyên nhân xảy ra phổ biến nhất trên người bệnh và thường xuất hiện ở nam giới từ độ tuổi trung niên trở đi. Điều này được lý giải rằng tuyến tiền liệt nằm sâu trong bàng quang, bao quang cổ bàng quang, trong khi ở nam giới tuyến tiền liệt sẽ tăng kích thước theo thời gian. Vì vậy khi dòng nước tiểu chảy ra ngoài tuyến tiền liệt (đã có sự tăng kích thước lớn) sẽ cản trở dòng nước tiểu và gây ra tình trạng tiểu khó.
  • Tắc nghẽn niệu đạo: Tình trạng này có thể do có sự xuất hiện của sỏi niệu đạo, cũng có thể do hẹp niệu đạo.
  • Do thần kinh bị tổn thương: Gặp ở những người có hệ thần kinh thương tổn như người mắc bệnh nhũn não hay parkinson.
  • Do dị tật bẩm sinh thần kinh cơ bàng quang (mất cường tính bẩm sinh cơ bàng quang).
Phì đại tuyến tiền liệt gây ra khó tiểu
Phì đại tuyến tiền liệt gây ra khó tiểu

Triệu chứng lâm sàng đi kèm với chứng tiểu khó

Tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đi kèm vs tiểu khó, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới: Người bệnh có những biểu hiện điển hình như tiểu nhiều lần, đau hạ vị (ở phần bụng dưới, gần bàng quang), quan sát thấy nước tiểu đục và mùi nồng, đôi khi xuất hiện máu trong nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu trên: Thường hay gặp những tình trạng như sốt cao kèm run rẩy, đi tiểu thường xuyên.
  • Viêm niệu đạo: Hiện tượng điển hình, phổ biến nhất gặp ở người bệnh là có dịch chảy ra từ niệu đạo.
  • Viêm âm đạo: Bệnh nhân cảm thấy đau rát hoặc ngứa ở âm đạo, dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi hôi, đặc biệt khi quan hệ tình dục sẽ rất đau và khó chịu.

Tiểu khó có những cách điều trị như thế nào?

Tiểu khó gây ra cho người bệnh cảm giác khó chịu, đau đớn vì vậy cần được điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh sẽ diễn biến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, lượng nước tiểu ứ đọng thời gian dài trong bàng quang có thể gây ra viêm nhiễm, căng trướng hệ tiết niệu dẫn đến suy thận và nghiêm trọng hơn khi đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Sử dụng phương pháp điều trị nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

  • Bàng quang co bóp kém: Khi cơ quan này hoạt động bất thường về co bóp, bác sĩ phụ trách sẽ sử dụng thuốc kích thích co bóp bàng quang, điều trị bệnh gây yếu và liệt bàng quang.
  • Sỏi ở niệu đạo: Trường hợp này sẽ được chỉ định dùng máy tán sỏi, gắp sỏi để loại bỏ căn nguyên bệnh
  • Hẹp niệu đạo: Gặp tình trạng này bác sĩ phụ trách chỉ định dùng máy xé rộng, làm rộng niệu đạo.
  • Phì đại tuyến tiền liệt: Hiện tượng này sẽ được điều trị bằng thuốc (điều trị nội khoa) hoặc phẫu thuật tùy theo giai đoạn.
Viêm âm đạo gây ra tình trạng khó tiểu
Viêm âm đạo gây ra tình trạng khó tiểu

Chẩn đoán tiểu khó

Do tiểu khó có nhiều nguyên nhân và biểu hiện triệu chứng nên bệnh nhân cần chú trọng đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các xét nghiệm, kiểm tra, chuẩn đoán bệnh một cách hợp lý nhất như:

  • Siêu âm: Đây là phương pháp giúp kiểm tra kích thước tuyến tiền liệt (phương pháp siêu âm ngã trực tràng giúp xác định một cách chính xác kích thước tuyến tiền liệt), xác định có sự ứ nước trong thận hay không.
  • Xét nghiệm máu: Phương pháp này dùng để xác định xem trong máu hàm lượng PSA của tiền liệt tuyến trong máu cao hay không (nếu lượng PSA cao thì có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt).
  • Chụp X-quang: Nhờ phương pháp này mà có thể xác định nguyên nhân sỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên, chụp CT hoặc MBI sẽ làm cho việc chẩn đoán nguyên nhân được chính xác hơn.
Xét nghiệm chẩn đoán tiểu khó
Xét nghiệm chẩn đoán tiểu khó

Biện pháp phòng ngừa tiểu khó hiệu quả

Dựa vào nguyên nhân gây tiểu khó có thể chia ra những phương pháp phòng ngừa sau:

  • Ngăn ngừa tiểu khó do viêm bàng quang hoặc viêm bể thận: Bạn cần chú trọng uống đầy đủ nước mỗi ngày để tránh hiện tượng ứ dịch trong cơ thể. Phụ nữ nên vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và đi tiểu sau khi quan hệ để có thể loại vi khuẩn gây bệnh ra khỏi niệu đạo, ngăn không cho vi khuẩn không do chuyển vào bàng quang được.
  • Ngăn ngừa tiểu khó do kích thích: Phụ nữ nên lưu ý biện pháp này, cần giữ gìn cho khu vực sinh dục được sạch sẽ và khô ráo để tránh tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Khi đến chu kỳ kinh nguyệt nên thay băng vệ sinh thường xuyên, đặc biệt lưu ý tránh sử dụng xà phòng kích thích khu vực sinh dục, thuốc xịt âm đạo và thụt rửa.
  • Đối với trẻ nhỏ là nữ giới: Các bậc phụ huynh, người chăm sóc nên hạn chế sử dụng sữa tắm tạo bọt, đồng thời nên rửa nhẹ nhàng khu vực âm hộ của bé để tránh làm đau và kích ứng tại nơi này của trẻ em nữ.
  • Để giúp ngăn ngừa một cách hiệu quả chứng tiểu khó do các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì hãy trang bị cho mình những biện pháp quan hệ tình dục an toàn như dùng bao cao su.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây