Dị ứng là một đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch cơ thể, phản ứng lại với các dị nguyên từ môi trường. Các dị nguyên này là không giống nhau với mỗi cá thể: Có người dị ứng phấn hoa, bụi, có người lại dị ứng thức ăn như trứng hay hải sản, có người dị ứng hóa chất công nghiệp, và rất quan trọng trong ngành dược, đó là dị ứng với thuốc. Dị ứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, môi trường làm việc và rất quan trọng, đó là di truyền (hay cơ địa).
Dị ứng thực chất chỉ là một phản ứng quá mẫn xảy ra tức thì (quá mẫn type I). Ở đa số các trường hợp trong cộng đồng thì nó thường chỉ là vấn đề nhỏ và hoàn toàn có thể giải quyết được, hay ít nhất là có thể kiểm soát nó, như ngứa, phát ban, mày đay, hay viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dị ứng nặng mà nếu không được can thiệp y tế kịp thời, bạn có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong, đó là các trường hợp gặp phải phản ứng phản vệ điển hình.
Dị ứng có liên quan đến phản ứng quá mức của tế bào lympho B, cùng với sự tham gia của kháng thể IgE. Tuy nhiên, sinh lý bệnh của dị ứng chúng ta sẽ không bàn nhiều trong bài viết này.
Phản ứng dị ứng nhẹ như ban đỏ, mày đay, ngứa, viêm mũi dị ứng,… thường gây ra triệu chứng khó chịu, giảm khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống.
Phản ứng dị ứng nặng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Nguy hiểm nhất là các phản ứng phản vệ, sốc phản vệ có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng khác như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng Lyell. Tuy rằng mức độ nguy hiểm tính mạng chưa như phản ứng phản vệ, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Như vậy, chúng ta thấy rằng dị ứng trong đa số các trường hợp đều cần thiết phải điều trị.
Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn đọc 2 nhóm thuốc chống dị ứng chính hay dùng trên lâm sàng, đó là các thuốc kháng Histamine H1 và các thuốc glucocorticoid.
Có 2 nhóm thuốc chính được các bác sĩ sử dụng trong lâm sàng để điều trị dị ứng là thuốc kháng histamin và glucocorticoid. Hai thuốc này có các đặc tính dược lực và dược động hoàn toàn khác nhau nên các chỉ định cũng tương đối khác nhau. Nếu như ở trẻ em mắc các bệnh liên quan đến dị ứng thì ưu tiên dùng kháng histamin hơn là dùng các glucocorticoid. Ngược lại, trong trường hợp nặng thì bệnh nhân cần phả được sử dụng glucocorticoid trước để duy trì sự sống. Mỗi trường hợp có một cách lựa chọn thuốc khác nhau. Dưới đây Heal Central sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 2 nhóm thuốc này.
Thuốc kháng Histamine H1 là các thuốc chống dị ứng được sử dụng phổ biến tại cộng đồng. Nhiều thuốc trong số các thuốc này bệnh nhân có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Do vậy, các thuốc nhóm này cũng rất dễ bị lạm dụng.
Trước khi tìm hiểu về thuốc kháng Histamine H1, chúng ta cần tìm hiểu một chút về Histamine.
Histamine là một chất trung gian hóa học có nguồn gốc từ L-histidine, được decarboxyl hóa dưới sự xúc tác của histidine decarboxylase. Enzyme này có trong nhiều mô của động vật có vú. Một khi đã hình thành, Histamine sẽ nhanh chóng được dự trữ, hoặc bị bất hoạt ngay. Có rất ít Histamine được thải trừ dưới dạng không đổi. Các chất chuyển hóa chính của Histamine là N-methylHistamine, methylimidazoleacetic acid và imidazoleacetic acid (IAA).
Hầu hết Histamine được tổng hợp ở mô được dự trữ trong các hạt nằm trong bạch cầu ái kiềm và tế bào mast. Khi bị kích thích, các tế bào này có thể giải phóng một lượng lớn Histamine và gây ra đáp ứng trên các mô xung quanh. Các tế bào mast đặc biệt tập trung nhiều ở các vị trí có tổn thương mô tiềm tàng, như mũi, miệng, bàn chân, các bề mặt trong cơ thể và mạch máu, đặc biệt tại các điểm áp lực và phân nhánh.
Ở một số mô khác không có tế bào mast, Histamine vẫn có thể tồn tại. Ở não, nó thường đóng vai trò như một chất dẫn truyền thần kinh, điều hòa nhiều chức năng não bộ. Ở dạ dày, các tế bào ECL (enterochromaffin-like) đáy vị có chức năng bài tiết Histamine, Histamine tác động lên thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày và kích thích bài tiết acid.
Quay trở lại với Histamine tồn tại trong các tế bào mast. Đây là tác nhân chính dẫn đến dị ứng. Có nhiều cơ chế có thể dẫn đến giải phóng Histamine mà ta sẽ không bàn đến ở đây, vì sự giải phóng quá mức Histamine dù theo cơ chế nào đều dẫn đến một kết cục chung mà chúng ta đều đã biết.
Histamine có 4 thụ thể tương ứng với nó đã được tìm thấy là H1, H2, H3 và H4. Trong đó các thụ thể H1 và H2 là được nghiên cứu nhiều nhất. Các thuốc kháng Histamine H2 chính là các thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày được sử dụng trong các bệnh lý liên quan đến viêm loét dạ dày – tá tràng. Còn các thụ thể H1 lại đóng vai trò quan trọng trong dị ứng, đó là lý do vì sao các thuốc kháng Histamine H1 mà chúng ta tìm hiểu trong bài viết này còn gọi là thuốc chống dị ứng.
Một số tác dụng của Histamine trên các hệ cơ quan có thể kể ra như sau:
Các thuốc ức chế cạnh tranh Histamine hoặc các thuốc chủ vận ngược trên thụ thể H1 đã được sử dụng để điều trị dị ứng trong nhiều năm.
Phân loại
Các thuốc kháng Histamine H1 được phân chia thành 2 thế hệ: Thế hệ 1 và thế hệ 2. Chúng được phân biệt bởi tác dụng an thần tương đối mạnh của hầu hết các thế hệ đầu tiên. Nhiều thuốc thế hệ đầu tiên cũng có khả năng ức chế thụ thể thần kinh thực vật. Các thuốc thế hệ 2 có tác dụng an thần ít hơn, một phần là do ít được phân bố vào hệ thần kinh trung ương hơn. Cấu trúc của tất cả các thuốc kháng Histamine H1 được nêu ra cụ thể trong hình dưới.
Dược động học
Các thuốc nhóm này thường được hấp thu nhanh theo đường uống, thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương thường là 1-2 giờ. Thuốc được phân bố rộng tới các mô, thế hệ 1 dễ dàng đi qua hệ thần kinh trung ương. Một vài trong số chúng được chuyển hóa rộng, chủ yếu qua hệ thống microsome ở gan. Một vài thuốc thế hệ 2 được chuyển hóa qua hệ thống CYP3A4 và do đó có nguy cơ tương tác thuốc với một số thuốc khác. Hầu hết thuốc có thời gian tác dụng 4-6 giờ, trừ Meclizine và vài thuốc thế hệ 2 có thời gian tác dụng lâu hơn, lên tới 12-24 giờ. Nguyên nhân các thuốc thế hệ 2 ít vào hệ thần kinh trung ương hơn thế hệ 1 là chúng liên kết với protein huyết tương nhiều hơn, ít tan trong lipid hơn và là cơ chất của hệ vận chuyển P-gp trong hàng rào máu não. Nhiều thuốc kháng Histamine H1 có chất chuyển hóa còn hoạt tính. Chất chuyển hóa còn hoạt tính của Hydroxyzine, Terfenadine và Loratadine cũng có sẵn dưới dạng thuốc (Cetirizine, Fexofenadine và Desloratadine tương ứng).
Dược lực học
Các thuốc kháng Histamine H1 đều liên kết thuận nghịch với thụ thể H1. Hiệu lực ở thụ thể H2 và H3 là không đáng kể. Các thuốc kháng Histamine H1 thế hệ 1 ngoài tác dụng chống dị ứng do tác động trên thụ thể H1, chúng còn có nhiều tác dụng khác do tác động lên cả các thụ thể khác. Một vài trong số chúng được ứng dụng trong điều trị, một số khác lại là tác dụng không mong muốn.
Chỉ định lâm sàng
Phù mạch thường không đáp ứng với các thuốc kháng Histamine H1. Với viêm da dị ứng, Diphenhydramine thường được sử dụng với tác dụng an thần và giảm ngứa. Các thuốc kháng Histamine thế hệ 2 thường được sử dụng chủ yếu cho viêm mũi dị ứng và mày đay mạn tính.
Tác dụng không mong muốn
Nhìn chung thì các thuốc kháng Histamine H1 là an toàn khi sử dụng. Các thuốc kháng Histamine H1 thế hệ 1 thường có nhiều tác dụng cùng một lúc và người ta đôi khi có thể ứng dụng nó trong một số trường hợp khác ngoài dị ứng. Một số tác dụng được ứng dụng trong chỉ định này nhưng có thể là tác dụng không mong muốn trong chỉ định khác. Các thuốc kháng Histamine H1 thế hệ 2 hầu như chỉ có tác dụng chống dị ứng, các tác dụng còn lại không đáng kể.
Các thuốc này tuy là thuốc chống dị ứng, nhưng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, đặc biệt khi dùng tại chỗ.
Astemizole và Terfenadine có thể gây loạn nhịp tim, nên đã bị rút số đăng ký khỏi thị trường Việt Nam.
Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh trung ương làm gia tăng nguy cơ ức chế tâm thần (hiệp đồng dược lực học), chống chỉ định khi lái xe và vận hành máy móc.
Tương tự, tác dụng ức chế thần kinh thực vật của một số thuốc kháng Histamine H1 thế hệ 1 có thể hiệp đồng tác dụng với các thuốc chẹn α giao cảm hoặc thuốc kháng muscarinic.
Glucocorticoid là một nhóm thuốc lớn và nổi tiếng. Chúng nổi tiếng không chỉ vì có nhiều tác dụng siêu việt (đặc biệt là kháng viêm cực tốt), mà chúng còn nổi tiếng vì số lượng và mức độ các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc. Đây là một nhóm thuốc được yêu cầu sử dụng rất thận trọng trên lâm sàng. Việc lạm dụng glucocorticoid trong cộng đồng, đặc biệt có thể dễ thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe của bệnh nhân.
Glucocorticoid là một nhóm thuốc có cực kỳ nhiều tác dụng: Chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Trong bài viết này, chúng ta sẽ quan tâm chủ yếu đến tác dụng chống dị ứng của glucocorticoid. Nhưng trước tiên, chúng ta cần hiểu nguồn gốc của glucocorticoid trong cơ thể.
Glucocorticoid nội sinh được cơ thể tổng hợp, sản xuất ở lớp bó (lớp giữa) của vỏ thượng thận. Đây là nhóm hormon chuyển hóa đường, có cấu trúc khung steroid (do đó mới có tên là glucocorticoid). Các hormone này còn được gọi là hormone chống stress, nó đóng vai trò cực kỳ to lớn trong việc giúp cơ thể chúng ta vượt qua được stress.
Các glucocorticoid nội sinh là hormone sinh mạng mà nếu thiếu chúng, chúng ta sẽ không thể sống được.
Glucocorticoid nội sinh chính trong cơ thể chúng ta đó là Cortisol (hay Hydrocortisone). Hormone này có nhiều tác dụng sinh lý trên các quá trình chuyển hóa cũng như hệ cơ quan của con người, và bản thân các glucocorticoid ngoại sinh cũng có những tác dụng tương tự. Hormone này được tiết ra nhiều nhất vào thời điểm 8 giờ sáng, điều này cũng là cơ sở cho việc dùng glucocorticoid ngoại sinh với chế độ liều dùng 1 lần/ngày vào lúc 8 giờ sáng sẽ được nói ở sau.
Trên chuyển hóa, đây là hormone dị hóa, tức là nó làm dị hóa tất cả các thành phần sau: glycogen, protein và lipid. Dị hóa glycogen tăng tạo ra glucose cung cấp năng lượng cho cơ thể và làm tăng đường huyết. Dị hóa lipid làm tăng lượng acid béo tự do và triglyceride trong máu. Có xảy ra sự phân bố lại mỡ, mỡ tập trung nhiều ở vùng trung tâm, mặt và giảm ở các chi nếu hormone này tăng tiết kéo dài. Dị hóa protein làm tăng nồng độ acid amin tự do trong máu. Nếu hormone này tăng tiết kéo dài sẽ gây ra teo vùng tay chân. Điều này lý giải cho vẻ bề ngoài của những bệnh nhân mắc hội chứng Cushing (có tình trạng tăng tiết Cortisol nội sinh).
Trên chuyển hóa muối nước, Cortisol gây giữ natri và nước, đồng thời tăng thải kali. Tiết quá nhiều hormone này có thể gây phù, tăng huyết áp và hạ kali máu. Trên chuyển hóa calci, nó ức chế hấp thu calci tại ruột, tăng đào thải calci qua nước tiểu và tăng cường chuyển calci từ xương vào máu (gián tiếp qua cường cận giáp thứ phát do hạ calci máu). Hiệu ứng này có thể gây loãng xương nếu Cortisol được tiết quá nhiều. Trên hệ tiêu hóa, nó làm tăng tiết acid và giảm bài tiết bicarbonate và chất nhầy, làm giảm yếu tố bảo vệ và tăng yếu tố tấn công niêm mạc dạ dày, dễ gây loét dạ dày – tá tràng.
Trên hệ thần kinh, Cortisol tăng tiết gây kích thích thần kinh, gây bồn chồn, khó ngủ, ảo giác, rối loạn tâm thần. Đây cũng là cơ chế chống stress của cơ thể.
Trên hệ tạo máu, Cortisol làm giảm số lượng bạch cầu lympho và bạch cầu ái kiềm cũng như ái toan; bạch cầu trung tính, hồng cầu và tiểu cầu tăng. Cortisol nếu tiết quá nhiều sẽ gây ức chế miễn dịch.
Glucocorticoid tiết ra quá nhiều cũng gây ra một số tình trạng khác như rậm lông, da mỏng, vết thương lâu liền sẹo, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA)….
Cơ chế tác dụng chính của glucocorticoid nội sinh là thông qua receptor nhân. Các glucocorticoid nội sinh (cũng như ngoại sinh) đều không tan trong nước và cần có protein vận chuyển trong máu. Tuy nhiên khi đến tế bào đích, hormone này không liên kết với thụ thể trên bề mặt tế bào như nhiều hormone peptide khác, mà nó đi qua lớp phospholipid kép màng tế bào, sau đó mới liên kết với thụ thể trong bào tương. Tại đây, phức hợp liên kết hormone – thụ thể được hoạt hóa (dạng homodimer) và đi tới nhân tế bào, tích hợp vào nhiễm sắc thể. Khi đã liên kết với các vùng cụ thể xác định trên bộ gen, nó mới hoạt hóa hoặc ức chế các quá trình phiên mã, mà từ đó ảnh hưởng đến biểu hiện protein. Cơ chế này cần mất nhiều thời gian. Tuy vậy, các glucocorticoid cũng có cơ chế hoạt động trực tiếp không thông qua bộ gen (non-genomic). Điều này lý giải tại sao sử dụng các thuốc glucocorticoid vẫn đem lại tác dụng rất nhanh.
Các thuốc glucocorticoid về bản chất bắt chước cấu trúc của Cortisol nội sinh nhưng đã có những điều chỉnh thích hợp để tạo ra các tác dụng mong muốn.
Các thuốc glucocorticoid mà chúng ta thường sử dụng hiện nay thường được tổng hợp từ cholic acid hoặc các sapogenin trong thực vật.
Các tác dụng điển hình của thuốc glucocorticoid là: Chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Chúng ta sẽ quan tâm đến cơ chế chống dị ứng là chủ yếu.
Bình thường, khi dị nguyên đi vào cơ thể, nó sẽ liên kết (gắn) với kháng thể IgE. Phức hợp kháng nguyên – kháng thể sẽ liên kết với bề mặt tế bào mast, hoạt hóa một enzyme có tên là phospholipase C. Đây là một enzyme đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng, bởi nó xúc tác cho sự chuyển đổi phosphatidylinositol diphosphate thành diacylglycerol và inositol triphosphate. Hai chất này làm thay đổi tính thấm màng tế bào mast, gây vỡ tế bào và giải phóng hàng loạt các chất trung gian hóa học như Histamine, serotonin… Điều này gây ra phản ứng dị ứng.
Các thuốc glucocorticoid ngoại sinh cũng như glucocorticoid nội sinh ức chế enzyme phospholipase C, từ đó ngăn chặn sự giải phóng các chất trung gian hóa học ở giai đoạn sớm hơn nhiều so với các thuốc kháng Histamine H1, đồng thời tác dụng chống dị ứng của glucocorticoid cũng mạnh hơn nhiều do nó ức chế giải phóng tất cả các chất trung gian hóa học, còn thuốc kháng Histamine H1 chỉ làm giảm tác dụng của Histamine mà thôi.
Chỉ định lâm sàng
Glucocorticoid có nhiều chỉ định, nhưng chúng ta chỉ quan tâm đến các chỉ định liên quan đến chống dị ứng là chủ yếu.
Thuốc có tác dụng trên nhiều loại dị ứng. Với viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô), glucocorticoid xịt mũi là lựa chọn ưu tiên. Glucocorticoid không ưu tiên lựa chọn cho các trường hợp dị ứng nhẹ như mày đay, ngứa, phát ban… có liên quan đến vai trò chủ yếu của Histamine, thay vào đó, trong các trường hợp như thế thì thuốc khác Histamine H1 sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Các glucocorticoid dạng hít cũng được ưu tiên sử dụng nhiều trong hen phế quản và các bệnh lý phổi mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD]). Trong các trường hợp này, chúng ta không chỉ tận dụng tác dụng chống dị ứng mà còn sử dụng cả tác dụng chống viêm của chúng.
Trong phản ứng phản vệ, mặc dù Adrenaline (Epinephrine) là thuốc đầu tay trong cấp cứu phản ứng phản vệ, nhưng các glucocorticoid cũng đóng một vai trò quan trọng không kém, đó là dự phòng sốc pha 2 trong phản ứng phản vệ.
Các trường hợp dị ứng nặng khác không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các thuốc chống dị ứng thông thường (như thuốc kháng Histamine H1), thì glucocorticoid chính là một lựa chọn thay thế tốt.
Sử dụng các glucocorticoid cần chú ý đến khái niệm liều tương đương được trình bày ở bảng dưới.
1 Hoạt tính tương đối so với Hydrocortisone.
2 Không còn được sử dụng trên thị trường Hoa Kỳ.
3 Triamcinolone acetonide: Tối đa 100.
Tác dụng không mong muốn
Đa phần các tác dụng của glucocorticoid ngoại sinh giống như Cortisol nội sinh, chỉ khác nhau ở mức độ. Vậy nên glucocorticoid cũng có gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cực kỳ. Tuy nhiên, đa phần các tác dụng không mong muốn thường xảy ra khi dùng thuốc kéo dài và có sự lạm dụng thuốc. Dùng thuốc theo đúng chỉ định và dùng trong thời gian ngắn (nếu có thể) thường không gây ra tác dụng phụ gì đáng kể. Một số tác dụng không mong muốn có thể kể đến liên quan đến chính dược lực học của thuốc là:
Nguyên tắc chung khi sử dụng các glucocorticoid
Nhìn chung, có thể tổng hợp lại một số nguyên tắc chung liên quan đến glucocorticoid như sau: