Cholestyramine là thuốc có bản chất là nhựa trao đổi ion, được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị tăng cholesterol. Biệt dược gốc của Cholestyramine là Questran.
Bài này Heal Central xin chia sẻ tới các bạn thông tin chi tiết liên quan đến các thuốc có hoạt chất là Cholestyramine.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Cholestyramine là một loại nhựa trao đổi ion mạnh. Nó có khả năng tạo phức hợp không tan với acid mật và giúp loại bỏ nó qua đường tiêu hóa, từ đó làm giảm cholesterol máu.
Cholestyramine là nhựa cô lập acid mật (BAS) đầu tiên, được phát triển bởi Merck vào cuối những năm 1950 (MK-135). Nó là một copolymer styrene-divinyl benzene không hòa tan mang nhóm amoni bậc 4 – nhựa trao đổi anion. Năm 1959, Bergen và các cộng sự báo cáo rằng cholestyramine làm giảm cholesterol toàn phần trong huyết thanh ở người trung bình khoảng 20%. Việc này đánh dấu sự phát hiện ra tác nhân hiệu quả thứ hai với chứng tăng cholesterol máu, sau niacin vào đầu thập kỷ đó.
Tham khảo thêm các nhóm thuốc cùng điều trị rối loạn lipid máu.
Nhóm thuốc Fibrates: Lịch sử phát triển, tác dụng, lưu ý tác dụng phụ
Dược lực học
Cholestyramine là một loại nhựa trao đổi ion mạnh. Nó không tan trong nước.
Acid mật – chất chuyển hóa của cholesterol, được tái hấp thu bình thường tại hỗng tràng và hồi tràng. Sự bài tiết được tăng lên gấp 10 lần khi dùng cholestyramine, dẫn đến sự tăng cường chuyển đổi cholesterol thành acid mật trong gan thông qua 7a-hydroxyl hóa, thông thường được kiểm soát bởi phản hồi ngược âm tính (feedback âm tính) bởi acid mật.
Acid mật tăng cường được gan bài tiết, dẫn đến giảm lượng cholesterol nội sinh trong gan. Điều này dẫn đến điều hòa lên số lượng thụ thể LDL trên bề mặt tế bào gan để tăng cường bắt giữ LDL-C và IDL-C từ máu, điều này dẫn đến LDL-C máu giảm. Do đó cholestyramine không đem lại lợi ích ở những bệnh nhân bị tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử do những bệnh nhân này không có thụ thể chức năng.
Ngoài ra, do sự hấp thu cholesterol từ thức ăn cần sự hỗ trợ của acid mật, do đó sử dụng thuốc cũng là giảm hấp thu cholesterol từ thức ăn.
Giảm hoạt hóa thụ thể farnesoid X (FXR receptor) bởi acid mật có thể dẫn đến sự gia tăng nhẹ nồng độ triglyceride huyết tương nhưng cũng có thể cải thiện chuyển hóa glucose ở bệnh nhân đái tháo đường. Tác dụng thứ hai là do sự tăng bài tiết glucagon-like peptide-1 (GLP-1) từ ruột, từ đó làm tăng bài tiết insulin.
Cholestyramine cũng can thiệp vào quá trình chuyển hóa hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp được chuyển hóa chủ yếu ở gan, ở đó nó được liên hợp với glucuronide và sulfate. Các sản phẩm liên hợp này sau đó đi vào chu kỳ gan – ruột bằng cách bài tiết vào mật. Một phần nhỏ các sản phẩm liên hợp được khử liên hợp ở ruột và các hormone tự do được tái hấp thu. Khi bị nhiễm độc giáp, có sự gia tăng chu kỳ gan – ruột của hormone tuyến giáp. Cholestyramine làm giảm tái hấp thu hormone tuyến giáp từ tuần hoàn gan – ruột.
Tham khảo thêm: Nhóm thuốc Statin: Lịch sử nghiên cứu, cơ chế tác dụng, chỉ định
Thử nghiệm lâm sàng
Hiệu lực của cholestyramine trong tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh: Thử nghiệm mù đôi, đối chứng giả dược trên những trẻ nhập viện và điều trị ngoại trú.
Tác giả: Vesikari T, Isolauri E và Maki M.
Hiệu quả của cholestyramine trong tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh được đánh giá trong 2 thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược tại Bệnh viện Trung tâm Đại học Tampere. Trong thử nghiệm thứ nhất, sử dụng cholestyramine liều 2 g 4 lần/ngày hoặc một lượng tương đương giả dược, ngoài bù dịch cho 52 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp không do vi khuẩn.
Thời gian trung bình của tiêu chảy ra nước là 2.6 +/– 1.4 ngày ở nhóm sử dụng giả dược, có sự khác biệt đáng kể với trung bình 0.8 +/- 0.7 ngày của nhóm dùng cholestyramine (P < 0.001). Những trẻ sơ sinh được điều trị bằng cholestyramine có xu hướng tăng cân tốt hơn. Trong thử nghiệm thứ hai, 40 trẻ sơ sinh bị tiêu chảy cấp trong khoảng thời gian không quá 24 giờ được điều trị như bệnh nhân ngoại trú với cholestyramine (n = 15) 2 g 2 lần/ngày trong 3 ngày, hoặc giả dược (n = 25), ngoài bù nước và điện giải kết hợp với nhanh chóng cho ăn đầy đủ. Thời gian trung bình của tiêu chảy ra nước của những trẻ sơ sinh dùng cholestyramine là 0.9 +/- 1.1 ngày, có sự khác biệt đáng kể với trung bình 2.9 +/- 1.5 ngày của nhóm dùng giả dược (P < 0.001). Tăng cân tương tự nhau ở cả 2 nhóm. Điều trị bằng cholestyramine không liên quan đến nhiễm toan hoặc tăng chloride máu.
Kết luận của các tác giả là cholestyramine với liều 2 g/ngày có hiệu quả trên trẻ sơ sinh trong rút ngắn thời gian tiêu chảy ra nước của rotavirus có nguồn gốc không đặc hiệu.
Tham khảo thêm: Bệnh rối loạn chuyển hóa Lipoprotein: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Dược động học
Hấp thu: Thuốc không được hấp thu. Đạt tác dụng tối đa sau khoảng 21 ngày.
Phân bố: Thuốc không hấp thu nên cũng không có phân bố.
Chuyển hóa: Thuốc không hấp thu nên cũng không có chuyển hóa.
Thải trừ: Thuốc được thải trừ hoàn toàn qua phân (dưới dạng phức không tan gắn với acid mật).
Tác dụng của thuốc Cholestyramine
Khả năng hạ cholesterol phụ thuộc liều. Cholestyramine liều từ 8-12 g/ngày làm giảm LDL-C trong máu từ 12-18%, trong khi đó liều 24 g/ngày (liều tối đa) làm giảm LDL-C đến 25%. Thuốc ít làm thay đổi HDL-C (có tăng nhẹ) nhưng lại làm tăng triglyceride máu nhẹ.
Chỉ định của thuốc Cholestyramine
Nếu phân loại tăng lipoprotein máu theo phân loại của Fredrickson/WHO, cholestyramine chỉ được chỉ định cho các trường hợp tăng lipoprotein máu nguyên phát type IIa (loại lipoprotein tăng là LDL-C, cholesterol tăng nhưng triglyceride không tăng).
Các ứng dụng lâm sàng khác của Cholestyramine
Cholestyramine đã được chứng minh là làm giảm 19% bệnh suất và tử vong do tim mạch so với giả dược ở những bệnh nhân tăng cholesterol máu trong thử nghiệm Lipid Research Clinic Coronary Primary Prevention. Theo thử nghiệm, sự giảm nồng độ cholesterol toàn phần và LDL-C có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Một nghiên cứu bắt chéo ngẫu nhiên, mù đôi với 21 bệnh nhân được thực hiện bởi Garg và các cộng sự, cho thấy cholestyramine có tác dụng hạ glucose khi được sử dụng ở những bệnh nhân bị rối loạn lipid máu và đái tháo đường type 2. Nghiên cứu cho thấy nồng độ glucose huyết tương giảm 13% ở bệnh nhân sau khi sử dụng 8 g cholestyramine 2 lần mỗi ngày trong 6 tuần.
Cholestyramine có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị tiêu chảy do acid mật hoặc bệnh lý đường ruột do mật có nguyên nhân bệnh lý hồi tràng hạn chế hoặc cắt bỏ. Tiêu chảy phát triển ở những bệnh nhân này do sự kích thích bài tiết chloride hoạt động bởi acid mật trong đại tràng. Tuy nhiên, cholestyramine không đem lại lợi ích cho những bệnh nhân mắc bệnh lý hồi tràng mở rộng và / hoặc cắt bỏ với tiêu chảy do acid béo. Trong bệnh lý hồi tràng mở rộng hoặc cắt bỏ, cơ thể không thể sản xuất đủ lượng acid mật để bù đắp cho sự mất mát tăng lên do mất ruột diện rộng, dẫn đến sự hình thành micell bị suy yếu và gây ra chứng phân có mỡ.
Đã có những nghiên cứu và báo cáo trường hợp cho thấy hiệu quả của cholestyramine như một liệu pháp bổ trợ cho thuốc kháng giáp trong điều trị nhiễm độc giáp dai dẳng dẫn đến giảm nhanh hơn nồng độ hormone tuyến giáp trong huyết thanh. Tuy nhiên, hiệu quả của cholestyramine chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn và hiệu quả lâu dài của thuốc vẫn chưa rõ ràng.
Sự ức chế chu kỳ gan – ruột đã giúp cholestyramine trở thành một loại thuốc hiệu quả trong điều trị cường giáp do viêm tuyến giáp và sử dụng hormone tuyến giáp ngoại sinh.
Cách dùng – Liều dùng của thuốc Cholestyramine
Cách dùng
Luôn uống cùng chất lỏng hoặc thực phẩm.
Dùng trước hoặc trong bữa ăn.
Liều dùng
Uống 4 g mỗi 12 đến 24 giờ. Tăng dần liều trong khoảng thời gian không dưới 1 tháng.
Duy trì: Uống 8-16 g/ngày chia ra uống mỗi 12 giờ. Không quá 24 g/ngày.
Với trẻ em: Uống 240 mg/kg/ngày chia ra mỗi 8-12 giờ, không nên dùng quá 8 g/ngày.
Chỉnh liều trên bệnh nhân suy gan thận
Suy giảm chức năng thận: Không cần chỉnh liều trong thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo.
Tác dụng không mong muốn của Cholestyramine
Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của cholestyramine là khó tiêu và đầy hơi. Những triệu chứng này có thể giảm nếu cholestyramine lơ lửng hoàn toàn (huyền phù) trong chất lỏng vài giờ trước khi uống.
Táo bón là một tác dụng không mong muốn phổ biến, có thể được ngăn ngừa bằng lượng uống đủ nước và ăn chất xơ đầy đủ.
Giảm cảm giác ngon miệng do cảm giác sạn khi uống dung dịch bột cholestyramine.
Cholestyramine được coi là một loại thuốc an toàn vì nó không được hấp thu toàn thân. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm gặp như ở bệnh nhân suy thận và bệnh nhân dùng thuốc kháng aldosterone như spironolactone, nó được biết có thể gây nhiễm toan chuyển hóa do tăng chloride máu.
Cholestyramine là một loại nhựa trao đổi ion Cl- với acid mật trong lòng ruột non, dẫn đến bài tiết acid mật trong phân. Kênh đối vận chuyển ion chloride và bicarbonate hiện diện tại diềm bàn chải ruột non tăng hấp thu chloride và bài tiết bicarbonate dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa do tăng chloride máu. Tác dụng này rõ rệt hơn ở những bệnh nhân suy giảm acid hóa nước tiểu do suy giảm chức năng thận và một số thuốc như thuốc kháng aldosterone do không có sự bù đắp thích hợp từ thận.
Quá liều có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Trong trường hợp này nên đến bệnh viện để bác sĩ xử lý.
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc
Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng thận, giảm thể tích tuần hoàn.
Thận trọng khi phối hợp thuốc với spironolactone hoặc các thuốc kháng aldosterone khác.
Không sử dụng cholestyramine khi nồng độ triglyceride cơ bản lúc đói trên 300 mg/dL hoặc tăng lipoprotein máu type III. Định lượng nồng độ các lipid máu sau khi sử dụng thuốc 4-6 tuần. Ngừng sử dụng khi nồng độ triglyceride huyết thanh trên 400 mg/dL.
Loại trừ nguyên nhân của rối loạn lipid máu trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc.
Không được sử dụng như liệu pháp đơn trị liệu trong tăng triglyceride máu.
Khi sử dụng kéo dài, tăng nguy cơ chảy máu do giảm prothrombin máu do thuốc ức chế hấp thu vitamin K.
Có thể cản trở sự hấp thụ chất béo và giảm hấp thu vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Nên bổ sung các vitamin này khi thời gian điều trị dài.
Có thể làm trầm trọng thêm chứng táo bón đã có từ trước (bắt đầu điều trị với liều thấp hơn ở bệnh nhân có tiền sử táo bón).
Phải đặc biệt chú ý để tránh táo bón ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành có triệu chứng.
Luôn luôn pha với nước hoặc chất lỏng, không bao giờ sử dụng bột khô.
Một số công thức có chứa phenylalanine. Thận trọng với bệnh nhân bị phenylketone niệu.
Do một lượng lớn ion chloride được giải phóng từ nhựa (có thể dẫn đến nhiễm toan máu và tăng bài tiết calci trong nước tiểu khi sử dụng kéo dài), có thể nên giảm lượng chloride trong chế độ ăn.
Dùng các thuốc khác ít nhất 1 giờ trước hoặc 4-6 giờ sau khi uống cholestyramine để giảm thiểu sự tương tác thuốc có thể xảy ra.
Phụ nữ có thai: Sử dụng cân nhắc khi lợi ích vượt trội so với rủi ro. Phân loại thai kỳ: C.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc không vào được sữa mẹ, tuy nhiên cần thận trọng vì nguy cơ mất vitamin ở người mẹ.
Tương tác thuốc
Do không chuyển hóa qua gan nên thuốc không có tương tác với các thuốc khác theo cơ chế ức chế hoặc cảm ứng enzyme gan.
Cholestyramine có thể làm giảm sinh khả dụng của nhiều thuốc: glycoside tim từ dương địa hoàng, propranolol, thiazides, warfarin, tetracycline, thyroxine, muối sắt, statin (pravastatin and fluvastatin), ezetimibe, phenobarbital, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) , loperamide là thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Để tránh tương tác thuốc, nên dùng các thuốc khác tối thiểu 1 giờ trước hoặc 4-6 giờ sau khi dùng cholestyramine. Đặc biệt phối hợp cholestyramine với mycophenolate là chống chỉ định.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với cholestyramine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Trường hợp tăng triglyceride máu nặng hoặc tắc nghẽn đường mật hoàn toàn.
Một số chế phẩm trên thị trường có chứa Cholestyramine
Questran 4g
Nhà sản xuất: Bristol-Myers Squibb.
Các dạng hàm lượng: 4 g.
Giá bán (tính theo gói): 16,800 VNĐ/gói.
Olestyr 4g
Nhà sản xuất: PENDOPHARM.
Các dạng hàm lượng: 4 g.
Sequest 4g
Nhà sản xuất: NOVELL.
Các dạng hàm lượng: 4 g.
Prevalite
Nhà sản xuất: UPSHER-SMITH.
Các dạng hàm lượng: 4 g.
Cholestyramine
Nhà sản xuất: SANDOZ.
Các dạng hàm lượng: 4 g.
Tài liệu tham khảo
Sana Riaz, Savio John, Cholestyramine Resin,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534089/
Vesikari T, Isolauri E, Maki M, Efficacy of cholestyramine in acute infantile diarrhoea: placebo-controlled double-blind trial in hospitalized children and in outpatients,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/6392403
Cảm ơn bài viết nhiều.