Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Terpin tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Terpin là gì? Terpin có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Terpin là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Terpin là 1 thuốc được sử dụng để làm long đờm ở những bệnh nhân viêm phế quản cấp hoặc mạn tính, đợt cấp của viêm phế quản mạn… Thuốc thường được sử dụng dưới dạng terpin hydrate. Nó có nguồn gốc từ dầu nhựa thông, kinh giới cay, cỏ xạ hương và bạch đàn. Nó đã phố biến tại Hoa Kỳ từ cuối thế kỉ XIX, tuy nhiên đến những năm 1990, nó đã bị loại khỏi các thuốc bán trên thi trường do Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thấy nó thiếu những bằng chứng về độ an toàn và hiệu quả. Terpin có thể được điều chế từ các tinh dầu dễ bay hơi khác như geraniol, linalol và neurol bằng cách thêm acid loãng (acid sulfuric 5%) vào chúng.
Terpin hydrate được nghiên cứu về mặt sinh lý đầu tiên bởi Lépine năm 1855. Ông đã báo cáo rằng nó tác động lên màng nhầy và cả hệ thần kinh theo cách tương tự như dầu nhựa thông. Ngay từ năm 1907, đã có các chế phẩm sau chứa terpin hydrate tại Hòa Kỳ:
- Dạng elixir chứa terpin hydrate.
- Dạng elixir chứa terpin hydrate và codeine.
- Dạng elixir chứa terpin hydrate và heroine.
Dược lực học
Terpin giúp loại bỏ đờm nhầy đường hô hấp. Terpin tác động trực tiếp lên các tế bào tiết ở phế quản đường hô hấp dưới để tăng thể tích dịch nhầy tiết ra và tạo điều kiện cho việc loại bỏ chúng dễ dàng hơn, đồng thời terpin còn có tác dụng khử trùng yếu trên nhu mô phổi. Nó được cho là làm tăng lưu lượng dịch nhầy trong đường hô hấp, tăng dòng chảy và thanh thải các chất kích thích cục bộ, và đồng thời giảm độ nhớt của đờm. Sau đó, phản xạ ho của cơ thể sẽ đẩy đờm ra ngoài.
Chỉ định và liều dùng
Các bệnh lý đường hô hấp có đờm như viêm phế quản cấp và mạn tính, giãn phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các bệnh hô hấp truyền nhiễm và viêm đường hô hấp trên:
Thường dùng phối hợp với thuốc khác.
Người lớn: 85-130 mg/ngày chia 3-4 lần.
Ở trẻ em có thể cần chỉnh liều theo cân nặng. Tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ.
Tác dụng phụ
Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn và đau bụng thường xảy ra khi quá liều. Các tác dụng phụ khác là khô miệng, chán ăn, ăn không ngon.
Rối loạn thần kinh trung ương: Buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn, tính tình thất thường, cáu gắt, khó chịu.
Phản ứng dị ứng: Ngứa, phát ban da…
Khác: Mạch chậm, hô hấp khó, da xanh xao…
Lưu ý và thận trọng
Thận trọng trên bệnh nhân mà phản xạ ho suy giảm (trung tâm ho không còn nhạy cảm): Người sức khỏe yếu, mới ốm dậy, người suy nhược, người cao tuổi.
Thận trọng với bệnh nhân có đường dẫn khí hẹp (như trong hen phế quản): Việc tăng tiết dịch nhầy đường hô hấp có thể gây hẹp hoặc tắc đường thông khí ở những bệnh nhân này, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Thận trọng với những người làm những công việc yêu cầu độ tập trung cao như lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao do thuốc có thể gây buồn ngủ.
Thuốc thường dùng phối hợp với các thuốc khác chứ hiếm khi dùng đơn độc: Xem xét thành phần phối hợp kĩ càng và cẩn thận.
Phụ nữ mang thai: Không có thông tin cho thấy thuốc có ảnh hưởng trên thai nhi, gây dị tật bẩm sinh lớn hoặc các tác dụng phụ có hại khác… Sử dụng thận trọng và chỉ khi thật sự cần thiết.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc xuất hiện với lượng nhỏ trong sữa mẹ. Không rõ tác dụng của thuốc với trẻ bú mẹ hoặc ảnh hưởng trên sự sản xuất sữa. Sử dụng thận trọng.
Tương tác thuốc
Dùng cùng các thuốc hủy đối giao cảm (kháng cholinergic) như atropin: Hủy phó giao cảm gây giảm tiết dịch hô hấp, đối lập với tác dụng của terpin nên làm giảm tác dụng long đờm của thuốc.
Dùng cùng thuốc giảm ho: Thường không nên do thuốc ho úc chế phản xạ ho của cơ thể, trong khi với các thuốc long đờm như terpin, phản xạ ho là cần thiết để đẩy đờm ra khỏi đường hô hấp. Phối hợp này có thể gây ứ đọng đờm lại trong đường hô hấp.
Dùng cùng các thuốc an thần (thuốc kháng histamine H1, thuốc an thần gây ngủ như các benzodiazepine…) bao gồm cả rượu bia (ethanol): Có thể gia tăng tác dụng phụ gây buồn ngủ của terpin do hiệp đồng dược lực học. Tránh phối hợp này.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với terpin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Cơn hen phế quản cấp tính.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC247402/