Hồi đồng biên soạn bài viết về Hướng dẫn lựa chọn và cách sử dụng sữa công thức hiệu quả cho bé:
- Trưởng dự án: Bác sĩ Trần Lê Kim Ngọc.
- Hiệu đính: Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Ngọc Liệu, Hoàng Thị Phương Thảo.
- Đinh Thị Nữ, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Liên Phương, Phạm Duy an, Nguyễn Hương, Trần Ái Phúc Nguyên.
- Biên tập – Thiết kế: Huỳnh Trường Giang, Hoàng Thị Mỹ Hạnh.
I. Lựa chọn sữa công thức
1. Tôi muốn con tôi dùng sữa công thức, nhưng mọi người đều nói tôi nên cho con bú. Tại sao?
Chúng ta không thể nói hết về những lợi ích sức khỏe của việc cho con bú bằng sữa mẹ. Sữa mẹ cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tốt nhất có thể, bảo vệ phòng chống nhiễm trùng, và thậm chí có thể thay đổi theo nhu cầu của bé (một cái gì đó mà sữa công thức không thể làm được). Cho con bú cũng có lợi cho bạn: Cho con bú giúp bạn gắn bó với bé và làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Nếu bạn và bé đều khỏe mạnh và có khả năng, bạn có thể muốn cho bé bú thử một lần, ít nhất là trong tháng đầu tiên, vì miễn dịch tự nhiên của bạn có thể được truyền cho con bạn. Hoặc xem xét việc vừa cho con bú vừa cho dùng sữa công thức.
Nhiều phụ nữ kết hợp cho con bú và cho dùng sữa công thức. Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể cho bé dùng sữa công thức mỗi ngày một lần miễn là sữa của bạn hoạt động tốt, thường là trong vòng một tháng sau sinh. Một số phụ nữ bổ sung theo cách này vì sữa công thức mang lại cho họ sự nghỉ ngơi (đặc biệt là lúc nửa đêm) và cho phép người chồng giúp đỡ việc cho em bé bú sữa. Điều đó nói rằng, sữa công thức cũng có giá trị, cũng là một sự lựa chọn lành mạnh cho trẻ sơ sinh – hoặc là ngay từ đầu hoặc sau một thời gian cho con bú. Sữa công thức thậm chí còn có một số vitamin và chất dinh dưỡng khác mà những em bé bú mẹ hoàn toàn phải được bổ sung, như là vitamin D.
Nếu bạn lo ngại về sự lựa chọn của bạn, hãy cố gắng phân biệt các thông tin y tế với những hùng biện chính trị và văn hóa. Hãy nhớ rằng, bác sĩ của bé sẽ làm việc với bạn để đảm bảo bé nhận được tất cả các chất dinh dưỡng bé cần bằng biểu đồ tăng trưởng của bé. Cuối cùng, điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho bé là yêu thương và chăm sóc bé – bao gồm việc cho bé ăn theo cách mà bạn chọn. Trong thực tế, có rất nhiều lý do phụ nữ lựa chọn sữa công thức.
Trong số đó là những bà mẹ có bé có phản xạ mút kém (thường gặp ở trẻ sinh non), việc mẹ và bé tách nhau kéo dài, việc cho bú gây đau, nỗi sợ rằng bé không bú đủ sữa, việc phải trở lại làm việc, vấn đề về sức khỏe đòi hỏi thuốc mà không an toàn cho bé bú mẹ, và mong muốn để cho các thành viên khác trong gia đình giúp đỡ việc cho bé bú.
2. Những thương hiệu sữa công thức tôi nên sử dụng?
Hầu hết các loại sữa công thức đều dựa trên sữa đậu nành hoặc sữa bò. Ngoài ra còn có sữa công thức chuyên biệt cho trẻ sơ sinh mà bị dị ứng với protein sữa hoặc protein đậu nành và cho trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Bất kỳ sữa công thức nào mà bạn chọn nên có tăng cường chất sắt để phòng ngừa thiếu máu.
3. Tại sao tôi không thể cho bé dùng sữa bò?
Trong mọi trường hợp bạn đều không nên cho trẻ sơ sinh dùng sữa bò. Sữa thông thường không được khuyến cáo cho đến sinh nhật đầu tiên của bé vì nó không có các chất dinh dưỡng thích hợp ở tỷ lệ thích hợp mà trẻ sơ sinh cần. Nó cũng có thể gây rắc rối về tiêu hóa. Tìm hiểu thêm về việc chuyển bé sang dùng sữa bò thông thường và làm thế nào để thực hiện việc chuyển đổi trong bài viết “Hướng dẫn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ” của chúng tôi.
4. Sữa công thức follow-up là gì và tôi nên chuyển sang loại nào?
Sữa công thức follow-up được thiết kế đặc biệt cho trẻ sơ sinh từ 4-12 tháng tuổi, khi mà trẻ đã ăn được một ít thức ăn rắn. Sữa công thức follow-up chứa nhiều canxi, sắt, protein và calo hơn so với sữa công thức cho trẻ sơ sinh (dưới 4 tháng tuổi). Chúng cũng thường rẻ hơn một chút.
Hầu hết các bé không cần dùng sữa công thức follow-up. Các bác sĩ khuyến khích các bậc cha mẹ bắt đầu cho bé ăn thực phẩm rắn (ngũ cốc cho trẻ, trái cây và rau xay nhuyễn) vào khoảng 6 tháng thay vì hoàn toàn dùng sữa công thức.
Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào từng trẻ. Trẻ bị dị ứng thực phẩm, những trẻ rất nhạy cảm với các loại thực phẩm khác nhau, và những trẻ có tiền sử tăng trưởng kém có thể có lợi khi dùng sữa công thức follow-up. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về những gì tốt nhất cho bé của bạn.
5. Tôi muốn bổ sung sữa mẹ bằng sữa công thức. Tôi nên làm điều đó như thế nào?
Các chuyên gia tư vấn về vấn đề cho con bú đề nghị rằng hãy đợi đến khi em bé được 4 tuần tuổi rồi hãy cho bú bình. Đến lúc đó, sự tiết sữa thường đã ổn định nhưng em bé của bạn vẫn chưa có kháng cự lại một loại núm vú mới. (Núm vú và bình sữa đòi hỏi cách mút khác nhau.) Cách tốt nhất là để ai đó đưa bình sữa đầu tiên bởi vì bé có thể ngửi thấy bạn và sữa của bạn nếu bạn ở gần đó và có thể từ chối bất cứ thứ gì ngoại trừ bạn.
Nếu bạn có kế hoạch sử dụng sữa công thức để thỉnh thoảng cho con bú, không nên sử dụng nhiều hơn một bình sữa mỗi 24 giờ – nếu không việc tạo sữa của bạn có thể bị chậm lại. Nếu bạn sắp trở lại làm việc và có kế hoạch để người giữ trẻ cho bé bú sữa công thức trong khi bạn vắng mặt và cho bú sữa mẹ khi bạn đang ở nhà, hãy thay thế một cữ bú mẹ bằng bú bình mỗi 3-4 ngày.
II. 5 điều bạn chưa biết về việc dùng sữa công thức
Có nhiều vấn đề liên quan đến việc dùng sữa công thức chứ không phải đơn giản chỉ là lựa chọn thương hiệu sữa công thức yêu thích của bạn. Từ việc nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến phân của bé đến việc bé của bạn sẽ dùng bao nhiêu, chúng tôi sẽ tiết lộ một số bất ngờ mà bạn có thể gặp phải khi nuôi bé.
1. Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức có phân khác biệt Các thành phần trong tã của bé bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những gì bạn cho bé ăn. Và không phải chỉ là “phân” khác nhau, mà còn có những thứ có thể gây sốc một chút – đặc biệt đối với các bậc cha mẹ chuyển từ cho bú sữa mẹ sang sữa công thức.
“Em bé của chúng tôi bắt đầu dùng sữa công thức lúc 5 tuần tuổi, và đã có sự thay đổi rất lớn trong phân của bé”, một bà mẹ nói. “Mùi, cấu trúc, độ chặt, số lượng, màu sắc và số lần, tất cả đều thay đổi!”.
Tại sao có sự khác biệt đó? Như bác sĩ nhi khoa Margaret Morris giải thích, đó đơn giản là vấn đề của cơ thể thích nghi với những gì nó ăn. “Vi sinh vật của hệ tiêu hóa thay đổi phụ thuộc vào những loại thực phẩm đang chạy qua nó – và sữa công thức là một loại thực phẩm khác với sữa mẹ” cô nói. Nhiều bậc cha mẹ thuật lại rằng phân từ sữa công thức có mùi hơi mạnh hơn, màu sắc đậm hơn và đặc hơn so với phân từ sữa mẹ.
2. Trẻ không tiêu hóa sữa mẹ và sữa công thức ở mức độ giống nhau
Có phải là trẻ dùng sữa công thức thực sự kéo dài thời gian giữa các lần ăn hơn so với trẻ bú sữa mẹ không? Vâng, đúng là thế. Dưới đây là lý do: Sữa mẹ và hầu hết sữa công thức có chứa các protein là whey và casein. Sữa mẹ chứa nhiều whey hơn, chúng dễ tiêu hóa hơn (và do đó trẻ tiêu hóa nó nhanh hơn) so với casein. Sữa công thức chứa nhiều casein, trẻ tiêu hóa chậm hơn.
Tuy nhiên, trước khi bạn hy vọng tỉnh dậy với một đêm ngon giấc, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là khác nhau. Jatinder Bhatia, Giám đốc của Ngành Trẻ sơ sinh tại trường Đại học Khoa học Sức khỏe Georgia và là phát ngôn viên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, giải thích rằng mỗi bé có nhu cầu calo, tính cách và phương thức ngủ riêng biệt. Kết quả là, một số bé dùng sữa công thức – và thức giấc – cũng thường xuyên như trẻ bú sữa mẹ.
“Con trai lớn của tôi chỉ dùng sữa công thức và bé tỉnh dậy với thời gian biểu giống hệt với đứa con hiện tại của tôi chỉ bú sữa mẹ”, một bà mẹ của trang BabyCenter nói.
Tuy nhiên, không có nghi ngờ rằng sữa công thức mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn sữa mẹ. Vì vậy, nếu bạn dường như đang cho bé bú sữa công thức ít thường xuyên hơn một chút so với bạn của bạn đang cho con bú bằng sữa mẹ, thì cũng đừng quá lo lắng.
3. Em bé có thể bị dị ứng với sữa công thức
Hầu hết các bé đều tiêu hóa sữa công thức dễ dàng với nụ cười tươi sáng và một vài cái ợ mãn nguyện. Nhưng một số có thể có phản ứng dị ứng với protein sữa bò trong sữa công thức, tạo ra những trải nghiệm ít sáng sủa. (Lưu ý: Chứng không dung nạp protein sữa khác với chứng không dung nạp lactose, chứng không dung nạp lactose thường không xảy ra cho đến cuối thời thơ ấu hay giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên.) Việc đi tiêu của bé có thể dùng như là một đầu mối quan trọng để biết sự tiêu hóa đang diễn ra như thế nào, vì vậy nếu bạn đang tự hỏi liệu con bạn có bị dị ứng với sữa công thức hay không, kiểm tra những điều dưới đây. “Máu hoặc chất nhầy trong phân thường có nghĩa là ruột bị viêm, đó là một dấu hiệu có thể của dị ứng” Morris nói.
Dấu hiệu quan trọng khác bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, quấy khóc khi bú hoặc da phát ban. Việc liên tục khó chịu cũng có thể là một triệu chứng. Tất nhiên, như bất cứ phụ huynh của một bé bị đau bụng nào đều sẽ cho bạn biết, liên tục khóc không có nghĩa là bị dị ứng với sữa công thức. Tuy nhiên, như Morris nói: “Nếu một em bé liên tục không vui, có lẽ là lo một nguyên nhân nào đó, và dị ứng cũng rất có thể là một nguyên do. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra nó.” Nếu em bé của bạn bị dị ứng với sữa công thức, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chuyển sang dùng sữa làm từ đậu nành để thay thế. Nếu em bé của bạn cũng bị dị ứng với protein đậu nành, bác sĩ có thể đề nghị dùng sữa công thức thủy phân, trong đó các protein đã được chia nhỏ thành dạng dễ tiêu hóa hơn.
“Em bé của tôi bắt đầu biểu lộ phát ban chủ yếu trên mặt và cổ của bé”, một người mẹ nói. “Tôi đã đưa bé đến gặp bác sĩ và đã được hướng dẫn để chuyển sang sữa công thức từ đậu nành. Trong vòng 24 giờ, phát ban của bé đã biến mất.”
4. Trẻ sơ sinh khác nhau sẽ bú ở một liều lượng khác nhau
Trong khi trao đổi những câu chuyện về việc thiếu ngủ và những cơn ói sữa với nhóm các bà mẹ của bạn, bạn nhận thấy em bé của bạn bè bạn bú từ từ 3 ounce (khoảng 90 ml) sữa. Trước khi đứa bé ấy bú được một nửa, con của bạn đã ngốn được 7 ounce (khoảng 200 ml)! Bạn đã sinh một bé háu ăn?
Không. Đó chỉ là một trường hợp điển hình cho sự khác biệt cá nhân, Morris nói “Khẩu phần của sữa công thức không phải là một kích thước phù hợp với tất cả,” cô giải thích. “Một số trẻ cần nhiều calo hơn những trẻ khác, và những gì là đủ cho sự phát triển của một đứa trẻ này có thể không đủ cho một đứa trẻ khác.”
Ngoài ra, lượng sữa bột của con bạn sẽ thay đổi trong từng bữa ăn – cũng giống như bạn có thể muốn có một món salad nhẹ cho bữa trưa nhưng thèm một bữa ăn tối nhiều hơn đáng kể. “Đừng sốc nếu em bé của bạn bú 4 ounce (khoảng 120 ml) tại một lần bú và 6 ounce (180 ml) ở lần tiếp theo.” Morris nói. Hãy để những tín hiệu của bé hướng dẫn bạn (xem ở bài viết “Lượng sữa mà trẻ cần”).
Mặc dù có sự khác biệt giữa các bé, tuy nhiên vẫn cần phải theo một số hướng dẫn cơ bản. Nói chung, những em bé chưa ăn đồ rắn nên dùng khoảng 160 ml sữa cho mỗi kilogram trọng lượng cơ thể trong mỗi 24 giờ. Vì vậy, nếu bé nặng 2,7 kg, bạn sẽ cho bé bú khoảng 430 ml sữa. Nếu bé nặng khoảng 4,3 kg, bé nên bú khoảng 670 ml một ngày. Và đừng quên lên lịch khám đều đặn với bác sĩ của bé để theo dõi sự phát triển của bé và đảm bảo rằng mọi thứ đều bình thường.
5. Hầu hết các loại sữa công thức về cơ bản là giống nhau
Thật dễ bị choáng ngợp bởi sự đa dạng của các loại sữa công thức trên kệ của cửa hàng tạp hóa. Sự lựa chọn của bạn như thế nào là tốt nhất? Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng khi nói đến các chất dinh dưỡng quan trọng nhất, tất cả các loại sữa công thức đều giống nhau.
Điều này là bởi vì sữa công thức được quy định bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trong đó yêu cầu các nhà sản xuất phải có đủ 29 chất dinh dưỡng cụ thể trong mỗi khẩu phần. Mặc dù các thương hiệu khác nhau có tên gọi, bao bì và giá cả khác nhau, không ai trong số họ được phép thay đổi các thành phần cần thiết.
Một thành phần không phải có trong tất cả các sữa công thức là axit béo DHA, một số nghiên cứu đã cho thấy DHA có thể cải thiện khả năng nhận thức và xử lý hình ảnh. Nó có trong nhiều loại sữa công thức hiện nay, nhưng không phải tất cả, vì vậy bạn có thể muốn tìm kiếm những thương hiệu có nó.
Tuy nhiên, có nhiều loại sữa công thức đặc biệt cho các tình huống cụ thể. Các loại sữa công thức được thiết kế cho trẻ sinh non và sinh thiếu cân, ví dụ, có chứa nhiều calo hơn so với các loại tiêu chuẩn. Các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh bị trào ngược có chứa chất làm đặc từ gạo hoặc chất khác được thêm vào. Ngoài ra còn có các loại sữa công thức từ đậu nành hoặc protein thủy phân dành cho trẻ có khả năng bị dị ứng hoặc không dung nạp protein sữa. Bậc cha mẹ nào muốn đi theo con đường hữu cơ có thể tìm thấy sữa công thức làm từ nguyên liệu hữu cơ. Sữa công thức hữu cơ cũng phải tuân theo quy định của FDA giống như các sữa công thức khác. Ngoài ra, chúng phải được chứng nhận hữu cơ bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ. Bạn vẫn cảm thấy lưỡng lự? Bác sĩ của bé có thể giúp bạn lựa chọn sữa công thức phù hợp nhất với nhu cầu của bé. Ngoài ra, trong phần V của bài viết này, bạn sẽ biết thêm chi tiết về việc lựa chọn sữa công thức phù hợp nhất.
III. Lượng sữa công thức mà bé cần
Có thể khó tìm ra chính xác lượng sữa công thức mà em bé của bạn cần. Có phải bé uống quá nhiều hoặc quá ít? Bao nhiêu là đủ? Câu trả lời phụ thuộc chủ yếu vào cân nặng và tốc độ tăng trưởng của bé.
1. Bé cần bao nhiêu sữa công thức?
Nhìn chung, trẻ bú khi đói và dừng lại khi đã no. Tuy nhiên, những em bé sử dụng sữa công thức có xu hướng nặng hơn so với những trẻ bú sữa mẹ, khẩu vị thay đổi tùy vào từng bé và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bé thay đổi từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng nếu bạn làm theo các hướng dẫn cơ bản dưới đây và kiểm tra thường xuyên với bác sĩ của bé, em bé của bạn sẽ phát triển một cách hợp lý.
Hướng dẫn này là dành cho những em bé bú sữa công thức hoàn toàn trong 4 – 6 tháng đầu tiên và sau đó kết hợp sữa công thức với ăn dặm cho tới khi 1 tuổi. Đừng cho bé bú hơn 32 oz (khoảng 950 ml) sữa công thức trong một ngày và một khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn có thể sẽ cần phải cắt giảm số lượng sữa công thức mà bé uống. Bác sĩ của bé có thể cho bạn biết bé của bạn đang ở điểm nào trên biểu đồ tăng trưởng và giúp đảm bảo rằng bé đang phát triển đều đặn và nhận được một số lượng vừa đủ sữa công thức.
2. Tính lượng sữa công thức theo trọng lượng của em bé
Trong 4 – 6 tháng đầu tiên khi em bé của bạn chưa ăn dặm, có một nguyên tắc chung đó là: Cho uống 2,5 oz (74 ml) sữa công thức cho mỗi pound (454 g) trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ, nếu bé nặng 6 pound (khoảng 2,7 kg), bạn sẽ cho bé bú khoảng 15 oz (440 ml) sữa trong thời gian 24 giờ. Nếu bé nặng 10 pound (khoảng 4,5 kg), bạn sẽ cho bé bú khoảng 25 oz (740 ml) sữa trong một khoảng thời gian 24 giờ.
Những con số này không phải là quy tắc cứng nhắc. Nó cung cấp cho bạn một giá trị trung bình hầu hết các bé cần. Việc cho bú hàng ngày của bé sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu cá nhân của bé, nói cách khác, bé có thể muốn bú nhiều hơn một chút trong một số ngày và ít hơn một chút trong những ngày khác.
3. Tính lượng sữa công thức dựa theo dấu hiệu đói của bé
Việc tìm hiểu dấu hiệu đói của bé sẽ giúp bạn biết khi nào và bao nhiêu sữa công thức mà bé cần.
Bé mới sinh: Nếu bé đói, bé cuối cùng sẽ khóc. Nhưng khóc là dấu hiệu đã trễ của cơn đói. Dấu hiệu trước đó bao gồm chép môi hoặc mút, reo hò (quay đầu về phía bàn tay của bạn khi bạn chạm vào má bé) và đưa tay lên miệng.
Thay đổi khẩu vị: em bé của bạn có thể đói hơn bình thường trong thời kỳ tăng trưởng, thường xảy ra từ 10 đến 14 ngày sau khi sinh và ở độ tuổi 3 tuần, 6 tuần, 3 tháng và 6 tháng. Và em bé của bạn có thể ít đói hơn bình thường nếu bé cảm thấy không khỏe.
Muốn bú nhiều hơn: Bạn sẽ biết rằng bé muốn bú nhiều hơn khi bé bú một cách nhanh chóng và nhìn xung quanh để tìm thêm sữa. Nếu bé vẫn có vẻ đói sau khi bú xong chai đầu tiên, hãy thử pha thêm một hoặc hai oz (30-60 ml) sữa từng lần một. Nếu bạn pha một số lượng lớn hơn, bé có thể không dùng hết và bạn phải bỏ phần thừa đi.
Bú quá nhiều cho một cữ bú: Nôn mửa sau khi bú có thể là một dấu hiệu cho thấy bé của bạn đã bú quá nhiều. (Nhổ nước bọt là dấu hiệu bình thường, nôn mửa thì không). Đau bụng sau khi bú cũng có thể là một dấu hiệu của bú quá nhiều. Nếu em bé của bạn cong chân, hoặc bụng của bé có vẻ căng, bé có thể bị đau.
Không phải lúc nào khóc cũng là do đói: Không phải lúc nào bé khóc cũng là do bé đói. Hãy xem xét các khả năng khác – đặc biệt là nếu bạn vừa mới cho bé bú xong – bé khóc có thể vì tã ướt, bé cảm thấy lạnh hay nóng, bé cần được ợ, hoặc đơn giản là bé muốn được gần gũi với bạn.
4. Tính lượng sữa công thức theo độ tuổi của bé
Trong tuần đầu tiên, cho bé bú sữa công thức theo yêu cầu của bé. Sau đó, cần chú ý không cho bé bú quá nhiều để bé có thể đạt được một trọng lượng khỏe mạnh. Hầu hết trẻ mới sinh muốn bú sau mỗi vài giờ. Bắt đầu với 1,5 – 2 oz (45 – 60 ml) sữa cho tuần đầu tiên và cho bú 2 – 3 oz (60 – 90 ml) mỗi 3 – 4 giờ. Khi bé lớn hơn – và bụng của bé to hơn – bé sẽ uống ít lần hơn trong một ngày nhưng mỗi lần sẽ uống lượng nhiều hơn. Chẳng hạn, lúc khoảng 1 tháng tuổi, bé có thể giảm xuống bú còn 5 – 6 chai sữa, mỗi chai 4 oz (120 ml) mỗi 24 giờ. Và lúc 6 tháng tuổi, bé sẽ giảm xuống còn 4-5 chai, mỗi chai 6 – 8 oz (180 – 240 ml) mỗi ngày. Bé hầu như sẽ duy trì mức độ này (4 – 5 chai) cho đến sinh nhật đầu tiên của mình, lúc đó bé có thể chuyển sang dùng sữa bò, cùng với 3 bữa ăn dặm và 2 bữa ăn nhẹ mỗi ngày.
5. Dấu hiệu cho thấy bé bú một lượng sữa công thức vừa phải
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bé bú một lượng sữa công thức vừa phải:
- Tăng cân đều đặn:
- Bé tiếp tục tăng cân sau hai tuần đầu tiên và duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong năm đầu tiên. (Hầu hết các bé bị mất lên đến 10% trọng lượng lúc mới sinh và sau đó lấy lại trọng lượng đó lúc được khoảng 2 tuần tuổi.)
- Bé vui vẻ: Bé có vẻ thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú.
- Tã ướt: Bé làm ướt 5-6 tã một ngày nếu bạn đang sử dụng tã dùng một lần, hoặc 6 – 8 tã nếu bạn đang sử dụng tã vải. (Loại tã dùng một lần có thể giữ nhiều chất lỏng hơn.)
6. Những lo lắng liệu bé của bạn bú quá nhiều hoặc quá ít
Nếu bạn đang lo lắng rằng em bé của bạn bú quá ít hoặc quá nhiều sữa công thức, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Các bác sĩ có thể kiểm tra trọng lượng và tăng trưởng của bé, bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu lượng sữa bạn cho bé bú có phù hợp với kích thước và độ tuổi của bé không và tư vấn cho bạn về bất kỳ điều chỉnh nào bạn có thể cần phải thực hiện.
IV. Cách sử dụng sữa công thức an toàn cho trẻ
Chuẩn bị sữa công thức cho trẻ không khó, nhưng điều quan trọng là bạn phải pha với nước theo tỉ lệ chính xác để em bé của bạn nhận được đủ số lượng chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bởi vì bé không có nhiều khả năng miễn dịch đối với vi trùng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, do đó cần thận trọng khi pha sữa để tránh các loại mầm bệnh trong thực phẩm. Dưới đây là những gì bạn cần biết.
1. Kiểm tra ngày hết hạn
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu các nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh phải phân tích từng lô sản phẩm để xác định mức độ dinh dưỡng và mức độ an toàn, cũng như phải đánh dấu mỗi thùng sản phẩm với ngày sử dụng tối đa – giống như hạn sử dụng thường tìm thấy trên sản phẩm sữa, trứng và các sản phẩm dễ hư hỏng khác.
Khi bạn đang đi mua sắm với một em bé nhăng nhít, bạn có thể phải vội vàng lấy một lon sữa và đi ngay, nhưng vẫn hãy dành một vài giây để kiểm tra ngày hết hạn để bảo đảm an toàn và chất lượng. Nếu bạn mua với số lượng lớn, hãy kiểm tra ngày hết hạn mỗi khi bạn mở một lon mới.
Nếu bạn mới vừa sinh xong, bạn có thể nên đợi một vài tháng để thiết lập một thói quen bú sữa của bé trước khi bạn dự trữ sữa công thức với số lượng lớn. Bằng cách đó, bạn có thể tính toán lượng sữa công thức mà con bạn có thể sử dụng trước khi nó hết hạn.
Ngoài ra hãy chắc chắn rằng lon sữa không bị sứt mẻ bởi vì điều này có nghĩa là lớp thiếc bên trong đã bị nứt. Vết nứt này làm cho chất lỏng bên trong tiếp xúc với thép, có khả năng gây rỉ sét và thậm chí là tạo ra một lỗ hổng làm hỏng sữa chứa bên trong. Nếu bạn vô tình mua sữa công thức đã hết hạn, hãy trả lại những hộp chưa mở và đổi nó với hộp mới. Hầu hết những nhà sản xuất sữa công thức cho phép đại lý bán lẻ trả lại hộp còn nguyên nhưng đã quá hạn (ở Mỹ).
2. Bảo quản sữa công thức ở nơi mát nhưng không lạnh đông
Nóng và lạnh có thể làm suy giảm chất dinh dưỡng trong sữa công thức, vì vậy giữ các hộp chưa mở ở nơi mát. Mặc dù nhiệt độ bảo quản tối ưu là từ 55 đến 75F (12 đến 24oC), nhưng bạn chỉ cần chắc là nhiệt độ bảo quản dưới 95F (35oC) và trên nhiệt độ lạnh đông là 32F (0oC) là được. Chọn một tủ hoặc kệ đặt cách xa bếp lò, lò nướng, ống dẫn nhiệt, hoặc đường ống nước nóng. Đừng để hộp sữa dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp và đừng trữ chúng trong tủ đông (hay ngăn đông của tủ lạnh).
Sau khi bạn mở một lon sữa nước, hãy làm theo các hướng dẫn bảo quản trên hộp. Hầu hết các nhà sản xuất khuyên bạn nên lưu trữ sữa công thức trong chai, có đậy nắp, trong 24 đến 48 giờ. Tốt nhất là không nên bảo quản sữa bột trong tủ lạnh hoặc một nơi ẩm ướt vì độ ẩm có thể gây ra vón cục sữa, làm cho sữa công thức bị đặc hơn khi pha. Hãy cố gắng sử dụng hết lon sữa bột trong vòng một tháng sau khi mở hộp.
3. Sử dụng danh sách kiểm tra 5 bước sau đây để chuẩn bị sữa công thức
3.1. Rửa thật sạch các dụng cụ sử dụng
Chà rửa bình và núm vú với nước xà phòng ấm, sau đó sửa sạch lại với nước ấm có thể diệt hầu hết mầm bệnh. Một số chuyên gia khuyên bạn nên khử trùng tất cả các chai, núm vú, cốc đong, thìa và các vòng nhựa. Một số chuyên gia khác thì nói không cần, trừ khi an toàn nước trong khu vực của bạn có vấn đề. Còn những chuyên gia khác vẫn khuyên bạn nên khử trùng các dụng cụ chuẩn bị nếu bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi.
Hãy hỏi bác sĩ của con bạn có nên tiệt trùng bình sữa và các dụng cụ mới mua trước khi sử dụng lần đầu tiên không và xin lời khuyên về cách thức làm sạch dụng cụ tốt nhất.
Hãy nhớ rằng nhiệt độ có thể làm giải phóng chất hóa học bisphenol A (BPA) có hại từ một số loại nhựa. Nếu bạn sử dụng loại chai polycarbonate hoặc chai có đánh dấu số tái chế 7 hoặc “PC”, đừng đun sôi chúng cũng đừng cho chúng vào máy rửa bát hoặc lò vi sóng. Tốt hơn là, nếu bạn có thể, hãy thay thế chai polycarbonate của bạn bằng những loại làm bằng một vật liệu khác, chẳng hạn như nhựa không chứa BPA, thủy tinh hoặc thép không gỉ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ(AAP) nói rằng chai có nhãn “BPA-free” và chai làm bằng nhựa polyethylene (PE) và polypropylene (PP) là an toàn cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng dù bất kỳ loại nhựa nào thì đều có khả năng gây ra sự rò rỉ hóa chất.
Nếu bạn lo lắng thì đừng nên cho chai nhựa của bất kỳ loại nhựa nào vào nước sôi, máy rửa chén, lò vi sóng, hoặc bất kỳ thiết bị nào có sử dụng nhiệt bởi vì nhiệt độ cao có thể giải phóng nhiều hóa chất từ nhựa. Hãy rửa bằng tay những chai nhựa với nước xà phòng ấm, rồi rửa sạch. Hoặc sử dụng chai làm bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ là an toàn khi rửa bằng máy rửa chén. Bạn nên rửa dụng cụ ngay sau mỗi lần cho bé bú để sữa công thức không bị dính khô vào bề mặt bên trong chai. Tháo rời tất cả các phần chai để các khu vực bề mặt được làm sạch tốt.
Nếu bạn muốn tiệt trùng chai, chỉ cần đặt các dụng cụ trong nước sôi khoảng 5 phút. Bạn cũng có thể sử dụng nồi tiệt trùng thương mại. Ngoài ra, rửa núm vú với một hỗn hợp nước và giấm theo tỉ lệ 1:1 cũng có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm. Hãy để chai và các dụng cụ khô tự nhiên trên giá đỡ, hoặc sử dụng khăn giấy nếu bạn cần dùng ngay lập tức. (Không sử dụng khăn lau bát đĩa vì chúng có thể chứa vi khuẩn.) Nếu bạn đang sử dụng núm vú mẫu mà bạn đã được cho ở bệnh viện hoặc phòng khám, loại núm vú này thường được đóng gói trong gói tiệt trùng và có thể được sử dụng trực tiếp ngay sau khi lấy ra khỏi gói. Nhưng nó chỉ được sử dụng 1 lần, bạn nên vứt đi sau khi sử dụng chúng.
3.2. Rửa và lau khô nắp hộp sữa công thức trước khi mở nó
Cách này giúp loại bỏ bụi và chất lỏng có trên nắp hộp. Sử dụng một dụng cụ mở hộp sạch, và rửa sạch nó trước khi sử dụng.
3.3. Rửa sạch tay của bạn
Trước khi pha sữa, rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Lau khô tay bằng khăn giấy.
3.4. Thực hiện theo các hướng dẫn chuẩn bị trên thùng một cách chính xác
Hướng dẫn pha trộn sữa khác nhau tùy theo nhà sản xuất, và tỷ lệ nước để pha sữa công thức phụ thuộc vào việc nó là dạng bột hoặc dạng lỏng, vì vậy hãy đọc nhãn cẩn thận. Thêm quá ít nước có thể gây hại thận của bé và gây ra tình trạng mất nước. Thêm quá nhiều nước làm loãng các chất dinh dưỡng và calo trong công thức và có thể gây ra sự tăng trưởng còi cọc và chậm lớn nếu việc này xảy ra thường xuyên. Để chính xác hơn, sử dụng một cup đo lường tiêu chuẩn thay vì căn cứ vào những vạch đo lường trên chai của bé.
3.5. Sử dụng nước sạch, an toàn
Nếu bạn đang sử dụng sữa cô đặc dạng bột hoặc dạng lỏng, hãy trộn sữa với nước sạch và an toàn. AAP cho biết sử dụng nước máy vẫn tốt miễn là sở y tế địa phương của bạn tuyên bố rằng uống nước máy là an toàn. Để nước máy chảy trong một hoặc hai phút để làm giảm hàm lượng chì hoặc các chất ô nhiễm khác. Nếu bạn xài giếng khoan, hãy kiểm tra chất lượng nước trước khi sử dụng nó để pha sữa công thức cho bé.
Để khử trùng nước, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến cáo đun nước sôi lăn tăn trong một phút sau đó để cho nguội trong thời gian không quá 30 phút trước khi trộn với sữa công thức. (Đun sôi nước trong một thời gian dài có thể làm cô đặc khoáng chất và các tạp chất.) Lưu ý rằng nước đóng chai không nhất thiết là nước đã vô trùng, cũng như nước lọc tại nhà. Bộ lọc (trong bình đựng nước hoặc vòi nước) mà không được thay thường xuyên vẫn có thể chứa vi khuẩn. Bạn có thể mua nước đóng chai tiệt trùng, nhưng phải kiểm tra nhãn để chắc chắn nó là nước đã tiệt trùng. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về chất lượng nước trong khu vực của bạn. Hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có nên đun sôi nước để pha sữa công thức cho bé hay không.
Các chuyên gia y tế nói rằng sử dụng nước có chứa flo (fluoride) để pha sữa công thức cũng không sao. Nhưng hãy nhớ rằng những em bé uống sữa pha với nước có chứa flo có nguy cơ bị nhiễm flo. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, nhưng nó có thể gây ra các đốm nhỏ màu trắng trên răng của bé, vấn đề này chỉ liên quan đến tính thẩm mỹ. Nếu bạn lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nha sĩ của bé.
4. Pha sữa dùng trong vòng 24 giờ và bỏ đi những phần sữa thừa
Dựa vào lượng sữa mà bé cần, pha vừa đủ dùng trong vòng 24 giờ tới. Một khi bạn đã pha sữa thì hãy bảo quản nó trong tủ lạnh ngay lập tức. Đừng chờ cho tới khi nó nguội bên ngoài tủ lạnh và sử dụng nó trong vòng 24 giờ.
Nếu em bé của bạn không thể uống hết một chai sữa trong vòng một giờ, hãy bỏ đi phần còn lại. Vi khuẩn từ miệng của bé có thể nhiễm vào chai, gây nhiễm cho sữa và làm cho bé bị bệnh nếu bé tiếp tục uống nó lần nữa.
Mẹo vặt: Để tránh lãng phí và tiết kiệm thời gian, hãy pha một lượng lớn sữa công thức vào buổi sáng và chia nó thành những chai 3-4 oz (90- 120 ml), cất trong tủ lạnh và dùng cho cả ngày.
5. Đừng để sữa ở nhiệt độ phòng
Nhiệt độ phòng là điều kiện hoàn hảo cho mầm bệnh trong sữa phát triển, vì vậy hãy cho bé uống sữa lúc còn ấm ngay lập tức. Đừng hâm nóng sữa quá sớm, và bỏ đi bất kỳ chai sữa nào để ở nhiệt độ phòng trong một giờ hoặc lâu hơn. Nếu bạn chuẩn bị pha sữa cho bé mang đi, hãy trữ nó trong hộp cách nhiệt, lý tưởng là có cho thêm một túi nước đá. Nếu không thể chuẩn bị chu đáo như vậy thì hãy sử dụng các loại sữa dùng liền (không pha).
6. Tìm hiểu các triệu chứng của bệnh từ thực phẩm
Các triệu chứng phổ biến nhất của một căn bệnh do thực phẩm là nôn mửa và tiêu chảy. Nếu em bé của bạn có những triệu chứng này, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. Các bệnh do thực phẩm có thể rất nghiêm trọng ở trẻ, dẫn đến mất nước, suy thận và đôi khi có thể gây tử vong.
7. Báo cáo các vấn đề ngay lập tức
Đôi khi sữa công thức cho trẻ sơ sinh bị thu hồi vì sản phẩm sữa đó có thể gây nhiễm bệnh, vì vậy bạn nên để ý tới những sự kiện thu hồi sản phẩm. Ở Hoa Kỳ, nếu bạn có khiếu nại hoặc quan ngại về sữa công thức cho trẻ em, đặc biệt là nếu bạn nghi ngờ sữa công thức đã làm cho em bé của bạn bị bệnh, bạn có thể báo cáo vấn đề trực tuyến cho Chương trình báo cáo tác dụng phụ MedWatch của FDA. Khi báo cáo, hãy cầm hộp sữa trên tay để bạn có thể báo cáo các thông tin cần thiết như tên của nhà sản xuất và ngày hết hạn của sản phẩm. Cũng thông báo cho các nhà sản xuất sữa công thức về bất kỳ vấn đề nào. Hãy tìm số điện thoại dịch vụ khách hàng miễn phí trên nhãn.
V. Lựa chọn sữa công thức như thế nào?
1. Tôi đang cho con bú bình. Sữa công thức nào là tốt nhất?
Thật dễ dàng để cảm thấy choáng ngợp trong vô số các loại sữa công thức. Lựa chọn dinh dưỡng phù hợp cho bé của bạn là một quyết định khá quan trọng và có rất nhiều lựa chọn. Khi mua một loại sữa công thức, hãy xem xét các thành phần của nó, các loại protein và carbohydrate nó sử dụng cũng như các thành phần khác. Cuối cùng, bạn sẽ chọn loại sữa công thức tốt nhất cho em bé của bạn và phù hợp với gia đình bạn.
2. Sữa công thức gồm những loại nào?
Sữa công thức có ba loại cơ bản: sữa uống liền được, sữa dạng lỏng đặc và sữa bột. Sữa uống liền được chắc chắn là thuận tiện nhất – không cần pha trộn hoặc đo hàm lượng yêu cầu, chỉ cần mở ra và dùng ngay. Đó là loại sữa công thức mà các bệnh viện thường sử dụng cho trẻ mới sinh. Sữa này có độ an toàn vệ sinh cao và đặc biệt hữu ích khi bạn không biết liệu nguồn nước bạn đang sử dụng có an toàn hay không. Sự tiện lợi của sữa công thức uống liền đi kèm với giá cả đắt – sữa công thức uống liền có chi phí cao hơn khoảng 20% mỗi ounce (28 gram) so với sữa bột. Các bình chứa cũng mất nhiều không gian lưu trữ trong tủ của bạn và nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp, trừ khi bạn có thể tái chế bình chứa.
Khi mở ra, sữa công thức uống liền có thời hạn sử dụng ngắn – nó phải được sử dụng trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, bởi vì nó thường có màu đậm hơn so với sữa bột, nhiều bà mẹ phàn nàn rằng nó có nhiều khả năng gây nhuộm màu quần áo.
Sữa nước đặc cần trộn một lượng nước tương đương với lượng sữa (mặc dù phải luôn luôn đọc hướng dẫn cụ thể trên thùng cẩn thận). So với sữa công thức uống liền, sữa nước đặc ít đắt tiền hơn và mất ít không gian lưu trữ hơn. So với sữa bột, sữa nước đặc dễ chuẩn bị hơn nhưng đắt tiền hơn.
Sữa bột là kinh tế nhất và là lựa chọn thân thiện với môi trường nhất. Nó chiếm ít không gian vận tải, phòng chứa thức ăn của bạn và thùng rác của bạn. Sữa bột mất nhiều thời gian để chuẩn bị hơn so với các loại sữa công thức khác, và bạn phải làm theo các hướng dẫn một cách chính xác, nhưng nó có hạn sử dụng là một tháng sau khi mở hộp. Tương tự với sữa công thức dạng lỏng đặc, bạn có thể pha sữa chỉ đúng lượng vừa đủ bất cứ khi nào bạn cần – nhiều hay ít như mức mà bạn muốn –điều này rất thuận tiện đặc biệt là nếu bạn cho con bú bằng sữa mẹ và chỉ thỉnh thoảng muốn cho em bé bú thêm sữa công thức. Lưu ý: Bạn có thể quan tâm đến hóa chất bisphenol A (BPA) có mặt trong lớp tráng của lon sữa. Sữa nước đóng lon có chứa một lượng nhỏ BPA. Sữa bột đóng lon được coi là một lựa chọn an toàn hơn vì nó thường chứa ít BPA hơn.
3. Các loại sữa công thức khác nhau?
Có một loại sữa công thức phù hợp cho mọi nhu cầu của bé. Nhưng tốt nhất chỉ nên sử dụng một loại và không nên thay đổi, ngay cả khi lúc đầu bé có vẻ như là không tiêu hóa tốt được loại sữa đó.
Các vấn đề thường gặp như phun ra, đầy hơi và đau bụng thường không liên quan đến chế độ ăn uống của bé. Hầu hết những vấn đề này là do đường tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển – chứ không phải là do những gì mà bé ăn.
Vì vậy, cố gắng sử dụng một loại sữa công thức cụ thể trong ít nhất hai tuần. Sau đó, nếu em bé của bạn vẫn còn gặp vấn đề, hãy nói với bác sĩ của bé về việc chuyển sang xài sữa khác.
Sữa công thức dựa trên sữa bò: Hầu hết các loại sữa công thức hiện nay có sữa bò là thành phần chính. Các protein của sữa đã được thay đổi đáng kể để dễ tiêu hóa hơn. (Em bé của bạn sẽ không thể tiêu hóa sữa bò thông thường được cho đến khi sau một tuổi.) Đa số các bé uống sữa công thức hoặc có bổ sung sữa công thức đề uống với loại sữa công thức này, vì nó có sự cân bằng hợp lý về protein, carbohydrate và chất béo, và đó là tất cả những gì cần thiết.
Sữa công thức không chứa lactose: Trường hợp không dung nạp lactose hoặc không có khả năng tiêu hóa lactose – một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong sữa – là hiếm gặp. Nếu em bé của bạn không dung nạp lactose, bác sĩ sẽ đề nghị một loại sữa công thức có đường lactose được thay thế bằng một loại đường khác, chẳng hạn như xi-rô bắp.
Sữa công thức từ đậu nành: Những công thức này được tạo thành từ một loại protein thực vật, giống như các protein trong sữa bò, protein này cũng được thay đổi để em bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu bạn là một người ăn chay trường, hoặc nếu em bé của bạn có vấn đề trong việc tiêu hóa protein đã biến đổi của sữa bò, các bác sĩ có thể đề nghị một loại sữa công thức từ đậu nành. Ngoài ra, các bác sĩ thường khuyến nghị loại sữa công thức này cho trẻ sơ sinh có bệnh chảy máu trực tràng nhẹ, thường là dấu hiệu cho phản ứng dị ứng với protein sữa bò. Nếu em bé của bạn không dung nạp lactose, sữa công thức từ đậu nành có thể là một lựa chọn tốt để thay thế cho sữa công thức từ sữa bò bởi vì các carbohydrate trong đậu nành là sucrose hoặc glucose, chứ không phải lactose. Bạn có thể muốn nói chuyện với bác sĩ của bé về việc thử sử dụng sữa công thức từ đậu nành nếu em bé của bạn bị đau bụng. Vẫn chưa có đủ bằng chứng để đi đến kết luận sau cùng và hầu hết trẻ em bị đau bụng có thể cải thiện tình trạng mà không cần có sự thay đổi trong chế độ ăn của chúng, nhưng một số nghiên cứu cho thấy đáng để thử. Hãy nhớ rằng khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với đậu nành – vì vậy nếu đó là lý do mà bạn đang xem xét chuyển sang sữa công thức từ đậu nành, hãy tính tới việc có lẽ bé cũng không chịu được loại sữa này.
Sữa công thức thủy phân hoàn toàn: Trong loại sữa này, các protein được cắt thành các phần nhỏ hơn để cho bé tiêu hóa dễ dàng hơn so với các phân tử protein có kích thước lớn. Bé có thể cần sữa công thức thủy phân nếu bé có dấu hiệu bị nhiều loại dị ứng hoặc khó hấp thụ các chất dinh dưỡng (một vấn đề phổ biến đối với trẻ sinh non). Các bác sĩ cũng có thể đề nghị thử sử dụng sữa công thức thủy phân nếu bé có bệnh về da chẳng hạn như chàm.
Sữa công thức dành cho trẻ sinh non và sinh thiếu cân: Sữa công thức này thường chứa nhiều calo và protein hơn, cũng như chứa một loại chất béo dễ hấp thụ hơn được gọi là triglyceride chuỗi trung bình. Hàm lượng chất béo này trong các loại sữa công thức là khác nhau tùy theo thương hiệu. Bác sĩ của bé sẽ giúp bạn chọn một loại sữa thích hợp có thể giúp bé lấy lại trọng lượng cơ thể hợp lý. Sữa bổ sung cho sữa mẹ: Sản phẩm này được sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho những bé bú sữa mẹ có nhu cầu đặc biệt. Một số được thiết kế để pha trộn với sữa mẹ, và một số được dùng để cho bé bú xen kẽ với sữa mẹ.
Sữa công thức chuyển hóa: Nếu em bé mắc một bệnh nào đó mà đòi hỏi dinh dưỡng rất đặc biệt, bé có thể cần một trong những loại sữa có công thức đặc biệt.
Sữa công thức khác: Nhiều loại sữa công thức mới được tung ra thị trường mọi lúc và được tiếp thị đến các bà mẹ để giúp bé tiêu hóa tốt hơn, giảm các vấn đề như đau bụng hoặc trào ngược axit. Loại sữa công thức này có tỷ lệ protein tương tự như sữa mẹ và thay đổi chút ít trong thành phần so với sữa công thức thông thường – nhưng một số chuyên gia nói rằng chúng có thể chẳng tốt hơn chút nào cả. “Nói chung, sữa công thức đặc biệt thường sẽ đắt hơn đáng kể và không có sự khác biệt đáng kể về các giá trị dinh dưỡng cốt lõi” KT Park, một chuyên gia tiêu hóa của khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Lucille Packard của Stanford nói. “Trẻ phải trải qua sự thích ứng rất lớn trong đường tiêu hóa của chúng trong 6 tháng đầu tiên trong đời, điều đó là bình thường. Rất ít trường hợp bé phải cần các loại sữa công thức đắt tiền hơn.” Nếu bạn nghĩ rằng con của bạn có thể tốt hơn từ một loại sữa công thức đặc biệt nào đó, hãy hỏi bác sĩ của bé trước khi bạn thử sử dụng.
4. Sữa công thức khác nhau ở chỗ nào?
Có 6 thành phần chính trong sữa công thức: carbohydrate, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Điều làm cho sữa công thức của thương hiệu này khác với sữa công thức của thương hiệu khác là thành phần carbohydrate và protein cụ thể mà thương hiệu đó sử dụng, cũng như bất kỳ thành phần bổ sung nào mà nó sử dụng. Ví dụ, casein và whey là hai loại protein sữa bò được tìm thấy với tỷ lệ khác nhau trong các thương hiệu khác nhau của loại sữa công thức dựa trên sữa bò.
Rất dễ bị rối bởi tất cả các thành phần được liệt kê trên nhãn thành phần của sản phẩm. Dưới đây, chúng tôi hướng dẫn bạn thông qua nhiều loại thành phần khác nhau và so sánh chúng với những thành phần được tìm thấy trong sữa mẹ.
Carbohydrate: Lactose là carbohydrate chính trong cả sữa mẹ và sữa công thức dựa trên sữa bò. Maltodextrin từ bắp/ngô đôi khi cũng được sử dụng như một nguồn carbohydrate phụ trong sữa công thức. Các loại sữa công thức không chứa lactose, sữa công thức từ đậu nành và sữa công thức đặc biệt có chứa một hoặc nhiều loại carbohydrate sau: sucrose, maltodextrin từ bắp, tinh bột bắp biến đổi hoặc xi-rô bắp dạng rắn.
Protein: Sữa mẹ chứa khoảng 60% whey và 40% casein. Hầu hết các loại sữa công thức có hàm lượng protein tương tự. Các loại sữa khác có thể chứa 100% whey. Sữa công thức từ đậu nành có chứa protein isolate từ đậu nành. Một số thương hiệu sử dụng protein đậu nành thủy phân một phần để dễ tiêu hóa hơn. Đôi khi các protein trong các loại sữa công thức được thủy phân một phần, hoặc được cắt ngắn mạch. Các loại sữa công thức thủy phân một phần không phải là không gây dị ứng, đừng sử dụng loại sữa này nếu em bé của bạn bị dị ứng protein, hoặc thậm chí nếu bạn nghi ngờ bé có thể bị dị ứng. Tuy nhiên, so với sữa công thức tiêu chuẩn từ sữa bò, sữa công thức thủy phân một phần đã được chứng minh trong các nghiên cứu là có thể làm giảm viêm da dị ứng. Sữa công thức thủy phân hoàn toàn có chứa các protein được bẻ gãy hoàn toàn thành các khối cơ bản (axit amin), do đó cho phép bé hấp thụ được dễ dàng. Các loại sữa công thức này được coi là hầu như không gây dị ứng và được sử dụng cho những bé bị dị ứng protein.
Chất béo: Sữa mẹ có chứa một sự pha trộn giữa chất béo không bão hòa đơn, không bão hòa đa và chất béo bão hòa. Sữa công thức sử dụng nhiều loại dầu khác nhau để bắt chước chất béo trong sữa mẹ. Chúng bao gồm dầu đậu nành, dầu dừa, dầu cọ hoặc dầu olein từ cọ, dầu hướng dương có hàm lượng oleic cao. Mặc dù dầu cọ và dầu olein từ cọ được sử dụng rộng rãi, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chất béo này có thể làm giảm sự hấp thu của chất béo và canxi. Điều này có nghĩa là bé sẽ không hấp thụ nhiều chất béo và canxi từ sữa công thức chứa dầu này như là trường hợp bé hấp thụ từ những loại sữa công thức khác không chứa dầu này. Các triglyceride chuỗi trung bình dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ hơn. Chúng được sử dụng trong các loại sữa công thức đặc biệt cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có các vấn đề về tiêu hóa hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng. FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã phê chuẩn việc bổ sung hai loại axit béo chuỗi dài vào sữa công thức: DHA (axit docosahexaenoic) và ARA (axit arachidonic) và bây giờ chúng đã trở thành thành phần tiêu chuẩn trong sữa công thức. Cả hai chất này được tìm thấy trong sữa mẹ khi chế độ ăn uống của người mẹ đầy đủ, và cả hai đều quan trọng đối với sự phát triển của não và mắt. Trẻ nhận được DHA và ARA từ mẹ trong 3 tháng thai kỳ thứ ba, nhưng quá trình này bị cắt ngắn nếu bé bị sinh non. Tất cả các bé cần một nguồn cung cấp ổn định của cả hai chất này trong suốt năm đầu tiên của chúng. Nhiều nghiên cứu củng cố ủng hộ cho việc bổ sung sữa công thức với DHA và ARA. Một trong số đó là một báo cáo được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, báo cáo cho thấy những bé sinh đủ tháng được cho bú sữa công thức có bổ sung DHA và ARA có thị lực tốt hơn đáng kể hơn so với những bé không nhận được hai chất này. Và một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nhi khoa chỉ ra rằng DHA và ARA tăng cường sự tăng trưởng cả về nhận thức và thể chất ở trẻ sinh non. Chưa có nghiên cứu dài hạn nào khẳng định sự an toàn của hai chất này, mặc dù cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng chúng có hại cho trẻ sơ sinh. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics – AAP) không nghiên về việc đánh giá xem liệu các axit béo này có nên được bổ sung vào sữa công thức hay không, nhưng tổ chức này có chỉ ra rằng các axit béo này được tin là quan trọng cho sự phát triển của não và mắt.
Vitamin và khoáng chất: Hầu hết các chữ trên nhãn thành phần là mô tả các thành phần vitamin và khoáng chất. Những từ này có thể gây khó hình dung – chẳng hạn như ferrous sulfate là sắt, natri ascorbate là vitamin C và canxipantothenate là vitamin B5. AAP khuyến cáo rằng tất cả các em bé khỏe mạnh không bú sữa mẹ hoàn toàn nên dùng loại sữa công thức có tăng cường chất sắt cho đến khi chúng được một tuổi. Điều quan trọng là trẻ sơ sinh phải nhận được lượng sắt tối thiểu được đề nghị (0,27 mg hàng ngày cho trẻ 0-6 tháng; 11 mg hàng ngày cho trẻ 7-12 tháng) để phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Sắt rất quan trọng để giúp cho máu tuần hoàn oxy, là chất mà tất cả các tế bào của cơ thể đều cần để hoạt động bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhận được đủ chất sắt trong năm đầu tiên của bé rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ. Hàm lượng sắt dự trữ của bé được thiết lập trong ba tháng thai kỳ thứ ba, vì vậy trẻ sinh non cần được hỗ trợ thêm từ nguồn bên ngoài để nhận được nhiều chất sắt. Hầu hết các loại sữa công thức có chứa ít nhất là 4 mg sắt mỗi lít, mặc dù các loại sữa công thức có hàm lượng “sắt thấp” cũng được bày bán trong siêu thị. Những loại sữa công thức đó được xây dựng từ nhiều năm trước vì có những quan niệm sai lầm rằng chất sắt có thể gây ra táo bón. AAP mong muốn các loại sữa công thức có chứa ít sắt phải được ngừng sản xuất hoặc có dán nhãn là dinh dưỡng không đầy đủ.
Các thành phần khác: Dưới đây là các thành phần mà các thương hiệu khác nhau đã tinh chỉnh công thức của họ để làm cho chúng khác với các thương hiệu khác.
Nucleotide: Đây là những khối cơ bản của DNA và RNA, thành phần tự nhiên có trong sữa mẹ. Chúng có một số chức năng và có thể hỗ trợ trong sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Các nhãn hiệu sữa công thức khác nhau có hàm lượng các nucleotide bổ sung khác nhau.
Tinh bột gạo: tinh bột gạo được bổ sung vào loại sữa công thức “chống trào ngược”. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên chọn loại công thức này để giảm bớt hiện tượng trào ngược axit của bé.
Chất xơ: chất xơ đậu nành được bổ sung vào sữa công thức từ đậu nành để điều trị tạm thời bệnh tiêu chảy. Loại sữa công thức duy nhất có chứa chất xơ là Similac dành cho bệnh tiêu chảy, được chứng minh lâm sàng có thể làm giảm thời gian tiêu chảy.
Amino axit: axit amin như taurine, methionine và carnitine được thêm vào sữa công thức từ đậu nành và đôi khi là sữa công thức từ sữa bò để phù hợp với các axit amin trong sữa mẹ.
5. Sữa công thức của các nhà sản xuất không có thương hiệu thì có đầy đủ dinh dưỡng không?
Sữa công thức của các nhà sản xuất nhỏ cũng phải đáp ứng các yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho các chất dinh dưỡng có trong sữa công thức, vì vậy trong nhiều trường hợp, sự khác biệt duy nhất giữa các loại sữa công thức từ các công ty nhỏ và các công ty có thương hiệu chỉ là giá cả.
Tuy nhiên, cho dù bạn đang mua sữa công thức của nhà sản xuất nào, hãy dành chút thời gian đọc nhãn mác trước khi bạn quyết định mua loại sữa công thức đó. Các thành phần cụ thể có thể thay đổi từ thương hiệu này đến thương hiệu khác, và điều này có thể tạo nên một sự khác biệt cho em bé của bạn.
6. Tôi có thể tự pha chế sữa công thức không?
Bạn có thể, nhưng thật khó có thể bao gồm tất cả các thành phần ở một hàm lượng phù hợp cho cơ thể của bé. Công thức tự chế có thể dẫn đến sự thất bại trong sự tăng cân, gây suy dinh dưỡng, thậm chí là tử vong. Các bác sĩ không khuyên bạn làm điều đó.
7. Có nên bổ sung ngũ cốc hay sữa vào sữa công thức không?
Không bao giờ thêm bất kỳ thành phần nào – bao gồm vitamin, ngũ cốc, các axit béo, dầu ô liu, sữa bò, hoặc bất cứ thành phần nào khác – vào sữa công thức của bé, trừ khi bác sĩ khuyên thêm vào. Sữa công thức là một chất được xây dựng một cách cẩn thận với hàm lượng chính xác của hàng tá các chất dinh dưỡng. Thêm bất cứ thành phần nào khác vào sữa công thức có thể gây nguy hại cho sức khỏe của bé. Ví dụ dầu ô liu có thể dẫn đến tổn thương phổi vĩnh viễn và thậm chí là tử vong do nguy cơ hít phải dầu vào phổi khi bé ợ sữa. Bởi vì sữa bò rất khó tiêu hóa đối với bé, không bao giờ trộn sữa bò với sữa công thức hoặc cho bé uống trực tiếp sữa bò cho đến khi bé được ít nhất 1 tuổi. Và thêm sữa mẹ vào sữa công thức là một sự lãng phí sữa mẹ nếu bé không uống hết cả bình.
8. Nếu tôi vẫn không chắc chắn?
Nếu bạn đã quyết định cho bé dùng sữa công thức và bạn vẫn bối rối bởi nhiều lựa chọn có sẵn, hoặc bạn đang xem xét chuyển đổi giữa các loại sữa công thức, hãy nói chuyện với bác sĩ của bé. Bác sĩ sẽ xem xét sức khỏe, tuổi và nhu cầu dinh dưỡng của bé và cho một lời khuyên thích hợp. Bác sĩ cũng có thể theo dõi phản ứng của bé và điều tra bất kỳ triệu chứng nào. Đừng cố gắng tự chẩn đoán dị ứng hoặc sự nhạy cảm của bé theo cảm tính của riêng bạn. Bạn có thể bỏ lỡ không phát hiện được một tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc làm bé không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.
9. Sữa nguyên chất có phải là tốt nhất cho tôi và con trong thời kỳ cho con bú?
Sữa và các sản phẩm khác từ sữa bò là nguồn canxi tốt. Nhưng thực ra bạn không cần phải uống sữa nếu bạn không thích hoặc không chịu được các sản phẩm từ sữa. Và chắc chắn bạn không cần phải uống sữa nguyên chất trong giai đoạn cho con bú. Trừ khi bạn là một người mẹ suy dinh dưỡng và có rất ít chất béo trong chế độ ăn của mình, tiêu thụ thêm chất béo dường như ít có tác động đến hàm lượng chất béo trong sữa mẹ. Một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và cho con bú sẽ đảm bảo rằng em bé của bạn nhận được đủ sữa mẹ – và chất béo. Bạn có thể tìm đọc thêm bài viết “Hướng dẫn dinh dưỡng cho mẹ trong thời kỳ cho con bú” để biết thêm chi tiết.
10. Có nên cho trộn sữa công thức với sữa nguyên chất (sữa bò)?
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên rằng nên đợi đến khi trẻ được ít nhất một tuổi mới cho trẻ uống sữa bò. Sau đó, nếu trẻ có khoảng thời gian khó chuyển đổi từ sữa công thức sang sữa nguyên chất, các mẹ hãy thử dùng phương pháp tiếp cận dần sau đây: Theo thời gian, hãy thêm một ít sữa nguyên chất vào ly sữa công thức của trẻ đã chuẩn bị, tăng dần tỉ lệ của sữa nguyên chất trên sữa công thức cho đến khi trẻ hoàn toàn chuyển sang sữa nguyên chất. (Hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyên các bà mẹ nên cho bé sử dụng sữa nguyên chất cho đến khi bé được 2 tuổi bởi vì chất béo bơ trong sữa nguyên chất giúp bé phát triển. Sau đó, AAP khuyến cáo nên sử dụng sữa ít béo.) Nếu bạn đang phân vân về việc chuyển đổi từ sữa công thức sang sữa nguyên chất, hãy tham khảo ý kiến với bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia y tế để được tư vấn và cung cấp dịch vụ gia đình tốt nhất.
VI. Tài liệu tham khảo
1. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. Choosing & Using Baby Formula.
2. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. 5 things you didn’t know about formula feeding.
3. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. Breastfeeding and supplementing with formula.
4. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. How much formula your baby needs.
5. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. How to buy baby formula.
6. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. How to use baby formula safely.
7. BabyCenter, L.L.C. 1997-2016. Should I drink whole milk while I’m breastfeeding?.