Stress đã không còn là một vấn đề xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, để hiểu rõ, hiểu đúng về stress cũng như những cách giúp bản thân tránh khỏi tình trạng stress thì chưa nhiều người hiểu rõ. Vì vậy, bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những kiến thức cần biết về stress.
Stress là gì?
Stress là một vấn đề sức khỏe phổ biến đối với con người. Mỗi khi cơ thể bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, mệt mỏi thì bạn thường nói stress quá. Vậy thì, định nghĩa chính xác về stress là gì?
Định nghĩa stress theo WHO
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, stress được định nghĩa là những phản ứng của cơ thể con người đối với các tác nhân từ bên ngoài. Các phản ứng của cơ thể có thể là các phản ứng về thể chất hay tinh thần, tình cảm. Các tác nhân từ bên ngoài chủ yếu là các tác nhân gây ra căng thẳng.
Stress có nguy hiểm không?
Stress rất phổ biến đến nỗi nó dần trở thành những điều bình thường, tất nhiên phải có trong cuộc sống hiện nay. Cũng vì vậy, nhiều người thường xem nhẹ và bỏ qua stress. Vậy thì thực chất stress có nguy hiểm không, nó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sức khỏe của chúng ta?
Trong cuộc sống khi nhắc tới stress chúng ta thường nghĩ nó là xấu, không có lợi ích gì. Tuy nhiên, nếu như stress ở mức độ nhẹ hay căng thẳng chỉ ở mức độ nhẹ thì nó có tác dụng làm kích thích thần kinh, giúp chúng ta có thể tập trung hơn vào công việc của mình.
Nhưng nếu stress, căng thẳng diễn ra trong một thời gian dài thì nó thật sự sẽ nguy hại tới sức khỏe của bạn. Stress kéo dài gây ra nhiều tác hại tùy theo thời gian và mức độ stress.
Ở giai đoạn đầu của stress, stress có những tác động tới nhiều cơ quan trong cơ thể do nó chi phối hoạt động của não bộ, đặc biệt là tạo ra những cảm giác khó chịu.
Stress, căng thẳng kéo dài sẽ làm cho bạn thường xuyên đau đầu, nhức mỏi, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung vào các công việc từ đó dẫn tới giảm hiệu suất công việc, bạn sẽ thường hay quên, trí nhớ giảm sút gây khó khăn trong việc học tập cũng như trong các công việc thường ngày.
Stress kéo dài cũng dẫn tới những rối loạn giấc ngủ làm cho bạn bị mất ngủ, ngủ không sâu, không ngon giấc, không ngủ đủ thời gian cần thiết làm cơ thể càng uể oải mệt mỏi và còn dẫn tới các rối loạn ở các cơ quan khác khi cơ thể không được nghỉ ngơi.
Stress kéo dài cũng dẫn tới các rối loạn cảm xúc. Người bị stress kéo dài hay cáu gắt, nóng nảy, dễ tức giận, không giữ được bình tĩnh ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt thường ngày. Thậm chí, họ còn khó kiểm soát được các hành vi của bản thân.
Nếu như bạn không chú ý chăm sóc cho bản thân, để tình trạng stress kéo dài, stress sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Stress kéo dài sẽ dẫn tới các bệnh của nhiều cơ quan trong cơ thể. Do trong quá trình stress, những hormon xấu với cơ thể sẽ bài tiết nhiều hơn, giảm bài tiết các hormon có tác dụng tốt với cơ thể dẫn tới các rối loạn về các hoạt động của các cơ quan. Dần dần, các cơ quan sẽ bị suy yếu và tổn thương trong đó có nhiều cơ quan quan trọng, có tính chất sống còn với cơ thể.
Stress kéo dài ảnh hưởng tới bộ não, làm cho não bị teo nhỏ lại, trí nhớ sụt giảm nặng nề; tác dụng không tốt lên tim mạch, có thể dẫn tới suy tim, đột quỵ, tắc mạch máu; ảnh hưởng tới xấu tới đường tiêu hóa, đặc biệt là nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
Chính vì vậy, stress dù chỉ là cảm xúc nhưng nếu kéo dài quá lâu nó sẽ là căn nguyên của vô số căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe chúng ta.
Nguyên nhân gây stress
Có rất nhiều những nguyên nhân gây ra stress, bao gồm tất cả những tác động từ bên ngoài gây ra cảm giác căng thẳng cho cơ thể.
Stress do gặp những sự việc chấn động mạnh tới tâm lý
Trong cuộc sống, hầu như tất cả mọi người đều gặp phải nhiều những sự kiện gây chấn động mạnh tới tâm lý. Tuy nhiên, tác động nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào tính cách, khí chất cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Song, nói chung những sự việc có thể gây chấn động mạnh tâm lý thường hay gặp là mất đi người thân yêu như bố, mẹ, bị đuổi việc, thất nghiệp, chia tay người yêu, ly hôn, mang thai, chuyển nhà, chuyển trường, thay đổi môi trường sống, bị lừa đảo một số tiền lớn, bị cưỡng bức, hiếp dâm,…
Stress do những thói quen xấu trong chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống hằng ngày.
Đôi khi bạn cảm thấy mình vẫn đang sinh hoạt bình thường nhưng lúc nào cơ thể cũng mệt mỏi, chán nản, căng thẳng khi học tập làm việc. Tuy nhiên có thể stress do những thói quen không tốt làm ảnh hưởng tới cơ thể.
Chế độ ăn không lành mạnh, ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, ăn nhiều dầu mỡ, đạm, ít ăn rau, hoa quả sẽ làm cho bạn thiếu những chất vi lượng cần thiết, từ đó dẫn tới cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng làm cơ thể mệt mỏi, não bộ cũng không được hoạt động tốt, rối loạn các hoạt động của các cơ quan khác cũng như rối loạn hệ nội tiết.
Sử dụng thường xuyên rượu, bia, thuốc lá, cafe và các chất kích khác là một trong những căn nguyên dẫn tới stress.
Chế độ sinh hoạt không điều độ, thức khuya, ngủ không đủ giấc, ít hoạt động thể dục thể thao, thường xuyên sử dụng các loại thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính sẽ làm cho não và mắt của bạn phải liên tục hoạt động, không được nghỉ ngơi từ đó dẫn tới stress.
Stress do môi trường sống xung quanh, áp lực của cuộc sống
Stress thường thấy ở lứa tuổi sinh viên, học sinh là do áp lực từ bố mẹ người thân đặt nặng lên việc học, do bị bố mẹ bắt ép học quá nhiều, bố mẹ đặt quá nhiều hi vọng, mong muốn lên con cái làm cho con cái không được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.
Stress ở lứa tuổi trưởng thành thường do áp lực từ công việc, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình. Khi công việc cũng như cuộc sống gia đình không thuận lợi, thường xảy ra nhiều mâu thuẫn với những người xung quanh, làm gia tăng những cuộc cãi vã và tạo thành một vòng xoắn luẩn quẩn, khiến stress nặng và kéo dài.
Khi những người xung quanh bạn có thái độ sống không tốt, thường có những thói quen xấu như bạo lực, hút thuốc, hay cáu gắt nóng giận,… sẽ có thể tác động lên tâm lý của bạn làm cho bạn cảm thấy khó chịu , nếu sống lâu với họ bạn còn có thể lây những tính xấu đó và trở thành người hay cáu gắt, nóng giận.
Sống trong môi trường ô nhiễm hay làm việc ở những nơi độc hại cũng làm cho bạn có thể stress.
Môi trường làm việc căng thẳng, phải làm việc với cường độ cao cũng khiến cho bạn dễ rơi vào trạng thái stress.
Phụ nữ sau khi sinh, phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là đối tượng thường gặp stress do sự thay đổi đột ngột các hormone trong cơ thể dẫn đến sự mất cân bằng nội môi, kết hợp với các yếu tố khác như gia đình môi trường càng làm tăng cảm giác căng thẳng, mệt mỏi.
Stress từ những áp lực từ cộng đồng mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phổ biến, nó là nơi trao đổi cũng như chia sẻ nhiều thông tin, tuy nhiên do chưa được kiểm soát tốt nên bạn có thể gặp phải những sự công kích, hay bàn tán của đông đảo những người sử dụng mạng xã hội. Những người có thể chịu ảnh hưởng từ nó thường gồm những người nổi tiếng, tham gia các hoạt động được nhiều người biết đến, thậm chí ngay cả những đứa trẻ cũng là nạn nhân. Dù là vô tình hay cố ý thì chúng cũng làm cho những nạn nhân rơi vào tình trạng stress nhanh chóng và nặng nề.
Dấu hiệu của stress
Dấu hiệu biểu hiện stress rất phong phú, đa dạng. Nó có biểu hiện trên nhiều phương diện từ nhận thức, cảm xúc, thể chất cho đến hành vi.
Về nhận thức và tinh thần
Bạn có thể có các biểu hiện như thường nhìn mặt tiêu cực của các sự việc xảy ra xung quanh, ít nhận ra mặt tích cực của vấn đề; Khả năng nhận thức giảm, chậm đi, xử lý kém nhanh nhạy. Trí nhớ giảm sút, chậm nhớ và mau quên. Khả năng nhận xét, phán đoán giảm; giảm khả năng tập trung vào học tập cũng như mọi công việc; có những cảm giác tội lỗi, thường hay gặp ác mộng.
Tham khảo thêm: Rối loạn ý thức: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng dẫn điều trị
Biểu hiện về mặt cảm xúc
Bạn thường lo âu, căng thẳng, dễ nổi giận, cáu gắt, nóng nảy, không giữ được bình tĩnh trong mọi việc. Bạn ít quan tâm, thờ ơ với những sự việc, sự vật xung quanh. Bạn dễ bật khóc hoặc cảm xúc tâm trạng thường xuyên thay đổi, lúc nóng, lúc lạnh. Nghiêm trọng hơn nữa bạn cảm thấy chán nản, không muốn sống, có ý nghĩ tự tử.
Biểu hiện của các rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể
Bạn thường xuyên bị đau đầu kéo dài, cơ thể mệt mỏi mất sức, không muốn làm việc gì. Các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, nôn; thở nhanh, thở gấp, tim đập nhanh, khó thở, đau tức ngực.
Khô miệng, hay rụng tóc, móng yếu nhạt màu.
Đổ nhiều mồ hôi, dễ bị dị ứng.
Mặt phờ phạc, nhợt nhạt.
Nhiều rối loạn tiêu hóa như hay đau bụng, táo bón hay tiêu chảy.
Tăng hay giảm quá nhiều cân.
Biểu hiện qua các hành vi hàng ngày, cách ứng xử
Bạn thường bị mất ngủ, trằn trọc không ngủ được, khó vào giấc, hay tỉnh giấc bất chợt, ngủ không sâu giấc, hay gặp ác mộng. Thời gian ngủ quá ngắn hoặc quá dài.
Không quan tâm, chỉnh chu đến vẻ ngoài, thường có hành động như cắn móng tay, bứt tóc.
Nói không rõ ràng, hay nói lắp, nói nhỏ.
Không muốn tiếp xúc với nhiều người, ít nói chuyện, ít dùng mạng xã hội, tự cô lập.
Hay nổi nóng, cáu gắt, nóng nảy, có xu hướng bạo lực.
Tìm đến và sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Hậu quả thường gặp của stress
Stress kéo dài để lại những hậu quả khó lường.
Không chỉ làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày, làm bạn gặp nhiều vấn đề trong công việc mà còn làm suy mòn cơ thể, gây ra các bệnh nguy hiểm.
Như đã nói ở trên, stress dẫn tới nhiều những biến đổi về tâm lý cũng như thể trạng một cách âm thầm mà bạn không hề hay biết. Nó làm thay đổi tính cách của bạn. Làm cho bạn trở nên cáu gắt, nóng nảy vì vậy sẽ dẫn đến những bất đồng, cãi vã trong nhiều mối quan hệ như quan hệ vợ chồng, các mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp. Các mối quan hệ đó dần dần bị rạn nứt và mất dần, gây cho bạn càng thêm nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình, gia đình không hạnh phúc hòa thuận, gây khó khăn trong công việc ở nơi làm việc.
Stress kéo dài làm rối loạn hoạt động của các cơ quan, dần dần dẫn tới các tổn thương, các bệnh lý không thể hồi phục.
Làm giảm kích thước não, teo não, sụt giảm trí nhớ nghiêm trọng
Khi stress cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol một cách quá mức. Bình thường hormon này kích thích ACTH là một hormon tăng trí nhớ, nhưng khi trong máu có quá nhiều cortisol thì sự tiết ACTH sẽ bị ức chế khiến bạn suy giảm trí nhớ. Đồng thời, Stress cũng làm tăng tiết adrenalin có tác dụng làm co các mạch máu, vì vậy dẫn tới kém lưu thông máu trong cơ thể đặc biệt là lên não. Thiếu máu lên não làm cho não rơi vào tình trạng thiếu O2 làm não kém hoạt động, các tế bào não dễ bị tổn thương và chết đi và não dần dần teo nhỏ lại.
Stress kéo dài là nguyên nhân dẫn tới các bệnh tâm thần như alzheimer, trầm cảm.
Tham khảo thêm: Bệnh trầm cảm là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách chữa bệnh trầm cảm
Stress kéo dài dẫn đến nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh loét dạ dày tá tràng.
Stress làm tăng hormone cortisol có tác dụng kích thích dịch vị dạ dày tăng tiết acid, tăng tiết hormon adrenalin có tác dụng co mạch làm kém nuôi dưỡng các tế bào đường ruột. Stress cũng làm giảm miễn dịch của cơ thể. Điều đó đã làm tăng những yếu tố gây hại và giảm những yếu tố bảo vệ đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày, vì dạ dày là nơi có nồng độ acid cao, nơi tiếp xúc với các loại thức ăn mới vào nên dễ xảy ra viêm loét.
Stress kéo dài dễ dẫn tới các bệnh lý về tim mạch
Stress làm tim đập nhanh hơn, đồng thời co mạch ngoại vi làm tăng huyết áp, co mạch vành dẫn tới thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim làm tim vừa phải tăng hoạt động lại không được nuôi dưỡng. Vì vậy dễ dẫn tới bệnh suy tim, tăng huyết áp.
Co các mạch máu làm tuần hoàn máu kém lưu thông, đặc biệt là mạch máu não vì vậy dễ dẫn tới đột quỵ.
Tham khảo thêm: Bệnh tăng huyết áp: Nguyên nhân, Triệu chứng, Điều trị và Phòng tránh
Làm giảm thẩm mỹ
Stress làm mặt xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống, môi khô, móng yếu, tóc dễ rụng. Ngoài ra, stress cũng làm cho mụn nổi nhiều hơn.
Các phương pháp xả stress
Có rất nhiều phương pháp giúp bạn nhanh chóng xả stress, giảm căng thẳng tức thì.
Khi căng thẳng bạn nên hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ. Bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn nhiều. Đồng thời, nó sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh và trở nên sáng suốt hơn để giải quyết các công việc.
Nếu bạn là con gái, bạn có thể rủ bạn bè đi chơi, dạo phố và shopping sẽ giúp bạn quên đi căng thẳng và thư giãn hơn nhiều.
Thường xuyên tập thể dục thể thao, bạn có thể tham gia các bộ môn như bơi lội, cầu lông,…
Vận động giúp bạn tăng các hormon làm cơ thể thoải mái, sảng khoái, giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh, não bộ được kích thích hoạt động tốt hơn.
Xem các video hài hước, giải trí sẽ làm bạn cảm thấy vui vẻ, sảng khoái. Nụ cười sẽ giúp bạn thư giãn và giải tỏa stress rất tốt. Hoặc bạn có thể xem một bộ phim cảm động làm cho bạn khóc hết nước mắt, như vậy cũng là một cách giải tỏa stress.
Đi bộ, leo núi, chơi các trò chơi tốc độ cao, các trò chơi mạo hiểm và hét thật to sẽ giúp bạn rũ bỏ hết những bực tức, khó chịu trong lòng.
Đi ăn những món ăn mà bạn thích.
Nghe nhạc cũng giúp bạn thư giãn, thoải mái đầu óc.
Ngoài ra, bạn cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hợp lý, dành thời gian chăm sóc cho bản thân sẽ giúp bạn nhanh chóng xả stress.
Một số câu hỏi thường gặp
Các loại đồ chơi giảm stress có hiệu quả không?
Hiện nay, trên thị trường có bán một số loại đồ chơi giúp giảm stress như spinner, magic cube, begleri, mokuru,…
Các loại đồ chơi này có cơ chế giảm stress là giúp người chơi tập trung vào trò chơi làm tăng khả năng tập trung, đồng thời nó cũng giúp tay của bạn bận bịu hạn chế những hành động xấu như cắn tay trong khi bị stress.
Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng một phần làm giảm stress, hạn chế một số hành vi khi stress nhưng không làm mất đi nguyên nhân của stress được.
Nếu thích, bạn hoàn toàn có thể mua chúng về chơi cho vui nhưng cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì stress mới có thể nhanh chóng biến mất, đem lại cho bạn cơ thể khỏe mạnh.
Stress nên nghe nhạc gì?
Nghe nhạc là một phương pháp giúp thư giãn đầu óc, giúp não bạn được nghỉ ngơi, kích thích cơ thể sinh các hormone giảm stress. Tuy nhiên, nghe loại nhạc nào để giảm stress hiệu quả?
Bạn nên chọn các thể loại nhạc nhẹ nhàng hoặc là thể loại nhạc mà bạn thích. Những thể loại nhạc đó sẽ phù hợp và có tác dụng tốt với bạn.
Qua bài viết trên, chúng tôi hi vọng bạn có một cái nhìn đúng hơn về stress. Nếu bạn đang bị stress hay chú ý chăm sóc bản thân mình nhiều hơn và áp dụng các phương pháp trên để giảm stress một cách nhanh chóng nhé. Đừng để stress kéo dài vì nó hoàn toàn không có tác dụng tốt mà còn cực kỳ nguy hại.