Thuốc Salbutamol: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

3/5 - (2 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Salbutamol tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Salbutamol là gì? Salbutamol có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Salbutamol là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Salbutamol, còn có tên khác là albuterol, là 1 chất chủ vận β2-adrenergic, thường được sử dụng trong bệnh hen phế quản. Thuốc có đồng phân quang học, tuy nhiên dạng dược dụng là hỗn hợp racemic (tỉ lệ 2 đồng phân cấu hình R và S là 50:50).

Cấu trúc hóa học 2 đồng phân quang học của salbutamol.
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học 2 đồng phân quang học của salbutamol.

Salbutamol được phát hiện năm 1966 bởi 1 nhóm được dẫn dắt bởi David Jack tại phòng thí nghiệm Allen and Hanburys (1 công ty con của Glaxo) ở Ware, Hertfordshire, Anh. Nó được ra mắt dưới tên thương mại Ventolin năm 1969.
Thuốc Ventolin
Hình ảnh: Thuốc Ventolin

Thế vận hội Munich năm 1972 là Thế vận hội đầu tiên các biện pháp chống doping được triển khai, và tại thời điểm đó chất chủ vận β2-adrenergic được coi là chất kích thích có nguy cơ lạm dụng cao. Salbutamol dạng hít đã bị cấm, nhưng đến năm 1986 nó lại được cho phép sử dụng (mặc dù đường uống thì không). Khi số lượng vận động viên dùng thuốc chủ vận β2-adrenergic tăng mạnh trong những năm 1990, các vận động viên được yêu cầu cung cấp bằng chứng họ bị hen phế quản để được phép sử dụng những thuốc này dạng hít.

Dược lực học

Salbutamol là 1 thuốc chủ vận chọn lọc trên receptor β2-adrenergic. Receptor này có nhiều trên cơ trơn khí phế quản (ngoài ra còn ở các nơi khác nữa nhưng ta chỉ xét đến cơ trơn này do salbutamol thường được sử dụng cho bệnh nhên hen phế quản).
Khi kích thích vào receptor này, thông qua hệ thống truyền tin nội bào, adenylate cyclase (AC) được hoạt hóa. Điều này giúp tăng cường chuyển ATP về cAMP (AMP vòng). cAMP giảm hoạt tính của myosin-LC-kinase (LC: light chain) và tăng cường hoạt hóa phosphatse, do đó tăng cường thủy phân, giảm phosphoryl hóa myosin. Myosin không được phosphoryl hóa sẽ không thể trượt trên sợi actin để gây co cơ, do đó dẫn đến kết quả là cơ trơn giãn. Cơ trơn khí phế quản giãn sẽ giúp bệnh nhân dễ thở hơn.

Cơ chế tác dụng của salbutamol.
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng của salbutamol.

Thuốc chọn lọc trên receptor β2-adrenergic, tuy nhiên ở liều cao nó vẫn có thể gây chủ vận trên các receptor β khác, đặc biệt là β1 gây tác dụng phụ trên tim, làm nhịp tim nhanh
Salbutamol khi dùng đơn độc trong thời gian dài sẽ có hiện tượng dung nạp thuốc, tức là cần liều cao hơn ở những lần dùng về sau để tạo ra tác dụng như dùng lần đầu. Để hạn chế hiện tượng này, thuốc thường được dùng phối hợp với các corticoid.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm ngẫu nhiên về salbutamol trong viêm tiểu phế quản cấp tính.
Các tác giả: Klassen TP, Rowe PC, Sutcliffe T, Ropp LJ, McDowell IW và Li MM từ Khoa Nhi, Đại học Y Ottawa, Ontario, Canada.

Viêm tiểu phế quản
Hình ảnh: Viêm tiểu phế quản

Mục đích: Kiểm tra xem liệu salbutamol (albuterol) khí dung có an toàn và hiệu quả ở trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp tính hay không.
Phương pháp: 83 trẻ được đăng kí (1-21 tháng tuổi, trung bình 6 tháng tuổi) trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi này. Các trẻ đã được nhận 2 phương pháp điều trị trong khoảng thời gian 30 phút với salbutamol khí dung (0.10 mg/kg trong 2 ml dung dịch nước muối sinh lý 0.9%) hoặc giả dược (thể tích nước muối sinh lý tương đương 0.9%). Các thước đo kết quả là tần số hô hấp, độ bão hòa oxy và điểm số lâm sàng dựa trên mức độ khò khè và co rút.
Kết quả: Bệnh nhân ở nhóm dùng salbutamol có sự cải thiện đáng kể về điểm số lâm sàng sau lần điều trị đầu tiên (P = 0.04). Không có sự khác biệt giữa các nhóm về độ bão hòa oxy (P = 0.74). Bệnh nhân dùng salbutamol có nhịp tim tăng nhẹ sau 2 lần điều trị (159 +/- 16 so với 151 +/- 16, P = 0.03).
Kết luận: Salbutamol là an toàn và hiệu quả trong điều trị lần đầu cho trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản cấp tính.

Dược động học

Hấp thu: Thời gian khởi phát tác dụng 25 phút (Ventolin HFA), 0.5-2 giờ với khí dung và 2-3 giờ với đường uống. Thời gian tác dụng 4-6 giờ với đường uống. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 2-5 giờ với dạng hít và 2-2.5 giờ với dạng uống.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 10%.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa tại gan.
Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) là 3-8 giờ với dạng hít và 3.7-5 giờ với đường uống. Bài xuất qua nước tiểu.

Chỉ định và liều dùng

Co thắt phế quản:
Điều trị hoặc dự phòng co thắt phế quản trong bệnh phổi tắc nghẽn thuận nghịch.

Viêm phế quản co thắt
Hình ảnh: Viêm phế quản co thắt

  • Dung dịch khí dung:

2.5 mg 2 hoặc 3 lần/ngày khi cần thiết.
1.25-5 mg mỗi 4-8 giờ khi cần thiết để giảm nhanh triệu chứng.

  • Bình xịt định liều aerosol:

180 µg (2 lần xịt) hít PO mỗi 4-6 giờ, không hít quá 12 lần/24 giờ.

  • Bình xịt định liều bột:

180 µg (2 lần xịt) hít PO mỗi 4-6 giờ, không hít quá 12 lần/24 giờ. Một số bệnh nhân chỉ cần 1 lần xịt (90 µg) mỗi 4 giờ là đủ.

Bình xịt định liều
Hình ảnh: Bình xịt định liều

Khí dung
Hình ảnh: Khí dung

  • Siro và viên nén:

2-4 mg PO mỗi 6-8 giờ. Không quá 32 mg/ngày.

  • Viên nén giải phóng kéo dài:

8 mg PO mỗi 12 giờ. Một số bệnh nhân chỉ cần 4 mg PO mỗi 12 giờ là đủ. Không quá 32 mg.ngày.
Co thắt phế quản cấp hoặc nặng:

  • Dung dịch khí dung:

2.5-5 mg mỗi 20 phút trong 3 liều, sau đó 2.5-10 mg mỗi 1-4 giờ khi cần thiết hoặc 10-15 phút khi dung liên tục.

  • Bình xịt định liều:

Xịt 4-8 lần mỗi 20 phút tối đa 4 giờ, sau đó 1-4 giờ nếu cần.
Phòng co thắt phế quản do tập thể dục:

  • Bình xịt định liều aerosol hoặc bột:

180 µg (2 lần xịt) 15-30 phút trước khi tập thể dục.
Tổn thương tủy sống (Chỉ định mồ côi):
Phòng tê liệt do tổn thương tủy sống.

Tổn thương tủy sống
Hình ảnh: Tổn thương tủy sống

Tác dụng phụ

Rất thường gặp (> 10%):

  • Run (20%).
  • Lo âu (20%) ở trẻ 2-6 tuổi.
  • Mất ngủ ở trẻ em 6-12 tuổi nhận 4-12 mg mỗi 12 giờ (11%).

Thường gặp (1-10%):

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn (10%), nôn (7%), tăng thèm ăn (3%), khô miệng (< 3%), ợ hơi hoặc đầy hơi (< 3%), khó tiêu (1-2%)
  • Sốt (1.6-9%), tăng tiết mồ hôi (< 3%), đổ mồ hôi (< 2%), ớn lạnh (< 2%), đau (2.7%)
  • Rối loạn hệ hô hấp: Co thắt phế quản (8%), ho (5%), chảy máu cam ở trẻ em (3%), khó phát âm (> 1%).
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu (4-7%), chóng mặt (1-7%), tăng động (1-2%)
  • Phản ứng dị ứng (4%), ngứa mắt (< 2%)
  • Viêm tai giữa (3.3%), viêm kết mạc ở trẻ em 2-6 tuổi (1%)
  • Nhiễm trùng tiết niệu (3%)
  • Bệnh hạch bạch huyết (< 2%)

Tác dụng < 1%:
Đau thượng vị, chảy máu cam ở người lớn.
Tỉ lệ không xác định:

  • Tăng huyết áp, đau thắt ngực, chóng mặt, kích thích hệ thần kinh trung ương, mất ngủ, đau đầu, nhiễm toan chuyển hóa và khô hoặc kích thích hầu họng.
  • Hạ kali máu.
  • Tăng đường huyết.
  • Khoảng QT kéo dài và ST ngắn lại trên điện tâm đồ (ECG).
  • Khó ngủ.
  • Nhịp tim nhanh (phụ thuộc vào công thức bào chế).
  • Mày đay, phù mạch, phát ban, co thắt phế quản, phù nề miệng – hầu.

Lưu ý và thận trọng

Một số bình xịt sử dụng hydrofluoroalkane (HFA) làm chất đẩy thay vì chlorofluorocarbons (CFC), các thiết bị là tương đương.
Co thắt phế quản nghịch lý có thể xảy ra.
Phản ứng quá mẫn ngay lập tức có thể xảy ra sau khi dùng salbutamol (mày đay, phù mạch, phát ban, co thắt phế quản, sốc phản vệ và phù nề miệng – hầu).
Thận trọng ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hen phế quản, glaucom, đái tháo đường, hạ kali máu, cường giáp hoặc động kinh.
Dùng mặt nạ cho trẻ dưới 4 tuổi.
Tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra khi dùng liều quá khuyến cáo, có thể tử vong.
Làm trầm trọng thêm suy tim ở những bệnh nhân có phân suất tống máu (EF) giảm.
Sử dụng thuốc chủ vận β-adrenergic có thể không đủ để kiểm soát cơn hen, xem xét sử dụng thêm các chất chống viêm (đặc biệt hay dùng là các corticoid).
Có thể gây hạ kali máu đáng kể, hoạt động có thể thông qua shunt nội bào, có khả năng gây ra tác dụng phụ tim mạch.
Phụ nữ có thai: Không có nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên về sử dụng thuốc trong khi mang thai. Sử dụng thận trọng.
Phụ nữ đang cho con bú: Không có dữ liệu về sự hiện diện của salbutamol trong sữa mẹ, ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ hoặc ảnh hưởng đến sản xuất sữa ở người mẹ.

Tương tác thuốc

Dùng cùng saquinavir: Tăng độc tính của từng thuốc do hiệp đồng tác dụng dược lực.

Tương tác thuốcsalbutamol và invirase (saquinavir)
Hình ảnh: Tương tác thuốcsalbutamol và invirase (saquinavir)

Dùng cùng thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, amoxapine, clomipramine, desipramine…): Có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của các thuốc kích thích giao cảm bằng cách ức chế tái hấp thu noradrenaline, hoặc ức chế sự hấp thu của thuốc kích thích giao cảm gián tiếp vào neuron adrenergic.
Dùng cùng các thuốc kích thích giao cảm khác: Thận trọng để tránh tác dụng nghiêm trọng trên tim mạch.
Dùng cùng linezolid, isocarboxazid, phenelzine, tranylcypromine, các IMAO (thuốc ức chế monoamin oxydase) khác hoặc dừng các IMAO chưa đủ 14 ngày: Làm tăng tác dụng của salbutamol do tương tác dược lực học. Nguy cơ tăng huyết áp cấp.
Dùng cùng các thuốc gây hạ kali huyết thanh (lợi tiểu thải kali…): Có thể gây hiệp đồng tác dụng hạ kali huyết thanh.
Dùng cùng digoxin: Giảm 16% và 22% nồng độ digoxin huyết thanh khi dùng cùng với sabutamol đường tĩnh mạch và đường uống tương ứng.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với salbutamol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4707606/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1884617/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4551658/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2564312/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2658979/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây