Thuốc Pitavastatin: Tác dụng, chỉ định, liều dùng, lưu ý tác dụng phụ

5/5 - (2 bình chọn)

Thuốc Pitavastatin làm một trong những thuốc thuộc nhóm statin có tác dụng điều trị rối lọan lipid máu. Một số chế phẩm trên thị trường như Livalo, Nikita, Zypitamag. Trong bài này Heal central xin chia sẻ tới các bạn các thông tin liên quan đến Thuốc Pitavastatin.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển của Pitavastatin

Pitavastatin là một thuốc điều trị rối loạn lipid máu thuốc nhóm statin, phân loại theo cơ chế tác dụng là thuốc ức chế HMG-CoA reductase ( hay còn gọi là nhóm thuốc statin).
Pitavastatin được cấp bằng sáng chế vào năm 1987 và được chấp thuận cho sử dụng trong y tế vào năm 2003. Tuy nhiên, phải mất tới 6 năm sau, vào năm 2009, pitavastatin mới được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiếp thị trên thị trường Hoa Kỳ. Chủ sở hữu bằng sáng chế của pitavastatin tại Hoa Kỳ là Kowa Pharmaceuticals.

Ảnh: Cấu trúc hóa học của pitavastatin.
Ảnh: Cấu trúc hóa học của pitavastatin.

Tên gọi trước đây của pitavastatin là itavastatin, itabavastin, nisvastatin, NK-104 hoặc NKS-104. Nó được khám phá bởi Nissan Chemical Industries tại Nhật Bản và sau đó được phát triển hơn nữa nhờ Kowa Pharmaceuticals, Tokyo. Ngày 8/3/2009, FDA đã phê duyệt cho biệt dược pitavastatin dưới tên thương mại Livalo. Pitavastatin cũng đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Vương quốc Anh phê duyệt ngày 17/8/2010. Ở châu Âu và Liên bang Nga, pitavastatin được tiếp thị dưới tên thương mại Livazo.
Pitavastatin được bào chế dưới dạng muối của natri, calci hoặc magie.
Tham khảo thêm thuốc cùng nhóm: Thuốc Simvastatin: Tác dụng, chỉ định, liều dùng, lưu ý tác dụng phụ

Dược lực học

Pitavastatin có cơ chế hoạt động tương tự như các thuốc cùng nhóm với nó. Thuốc này ức chế enzyme giới hạn tốc độ trong quá trình sinh tổng hợp cholesterol tại gan có tên là HMG-CoA reductase, từ đó làm giảm cholesterol máu. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời bạn đọc xem bài viết nhóm thuốc statin.

Thử nghiệm lâm sàng

So sánh sự giảm cholesterol máu giữa pitavastatin và các statin khác

So sánh pitavastatin và các statin khác
So sánh pitavastatin và các statin khác

Nghiên cứu của Saito và các cộng sự

Đây là một nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng. Thử nghiệm đã được tiến hành tại Nhật Bản để so sánh hiệu lực và độ an toàn của 12 tuần điều trị với pitavastatin so với pravastatin (Pravachol, Bristol-Myers Squibb). Điểm kết thúc sơ cấp của thử nghiệm là sự giảm nồng độ cholesterol toàn phần (TC), triglyceride (TG) và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C). Điểm kết thúc độ ăn toàn bao gồm các biến cố bất lợi (AEs) liên quan đến thuốc và các thông số xét nghiệm.
Bệnh nhân được tham gia thử nghiệm nếu họ ở độ tuổi từ 20 đến 75 và bị tăng lipid máu nguyên phát (TC 220 mg/dL hoặc cao hơn; TG dưới 400 mg/dL). Bệnh nhân được loại trừ nếu họ là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, đã dùng pitavastatin hoặc đã tham gia vào các nghiên cứu khác trong vòng 4 tháng. Bệnh nhân cũng không đủ điều kiện tham gia nếu bị đái tháo đường không kiểm soát được, tăng huyết áp nặng, rối loạn mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim (MI) trong vòng 3 tháng kể từ khi đăng ký nghiên cứu, suy tim, rối loạn chức năng gan thận hoặc dị ứng thuốc.
Sau khi đăng ký, bệnh nhân được chỉ định dùng pitavastatin 2 mg và giả dược ghép cặp với pravastatin hoặc pravastatin 10 mg và giả dược ghép cặp với pitavastatin. Họ được hướng dẫn uống cả 2 viên nén vào buổi tối trong 12 tuần.
Thử nghiệm cũng bao gồm khoảng thời gian run-in 4 tuần. Sau 12 tuần điều trị, giả dược được dùng thêm 4 tuần nữa. Các mẫu máu lúc đói được thu thập khi kiểm tra cơ bản (tuần -4 và tuần 0), ở các tuần điều trị 4, 8, 12 và trong suốt thời gian theo dõi (tuần +4) (Tuần -4 là thời điểm bắt đầu của giai đoạn run-in, tuần 0 là kết thúc giai đoạn run-in, ngay trước khi bắt đầu điều trị và tuần +4 là tuần thứ 4 của giả dược khi kết thúc thử nghiệm).
Nghiên cứu được thiết kế để đánh giá tính ưu việt của pitavastatin trong giảm TC và LDL-C và sự không thua kém của pitavastatin trong giảm nồng độ TG ở bệnh nhân tăng triglyceride máu. Độ an toàn được đánh giá dựa trên tỷ lệ mới mắc các AEs, các bất thường trong xét nghiệm và thay đổi về huyết áp, nhịp mạch và cân nặng.
Vào cuối thử nghiệm, 281 bệnh nhân đã được sàng lọc và 240 bệnh nhân được chỉ định như sau: 127 nhận pitavastatin và 113 nhận pravastatin. 15 trong số 240 bệnh nhân đã bị loại khỏi phân tích hiệu lực vì nhiều lý do (7 trong nhóm pitavastatin và 8 trong nhóm pravastatin). 2 nhóm điều trị được cân bằng tốt về các đặc điểm cơ bản, ngoại trừ giá trị HDL-C trung bình thấp hơn ở nhóm pravastatin (52.9 mg/dL vs. 56.8 mg/dL tương ứng, P = 0.031).
Với điểm kết thúc, phần trăm trung bình của giảm TC và LDL-C từ mức cơ bản cao hơn đáng kể ở nhóm pitavastatin so với nhóm pravastatin (28.2%. vs. 14% với TC và 37.6% vs. 18,4% với LDL-C tương ứng, P < 0.001 cho cả hai so sánh).
Với những bệnh nhân có mức TG cơ bản từ 150 mg/dL trở lên, phần trăm giảm trung bình của TG trong nhóm pitavastatin không thua kém so với nhóm pravastatin (tương ứng 23.3% vs. 20.2%, P = 0.024).
Trong phân tích an toàn, 3 bệnh nhân nhóm dùng pitavastatin đã rút lui vì các AEs liên quan đến thuốc (đau đầu, đau bụng, làm trầm trọng thêm viêm gan C mạn tính và buồn ngủ). 2 bệnh nhân trong nhóm dùng pravastatin đã rút lui vì các AEs liên quan đến thuốc (co giật cơ và chóng mặt). Không có báo cáo các AEs liên quan đến thuốc nghiêm trọng và hầu hết các AEs là bất thường các xét nghiệm lâm sàng từ nhẹ đến trung bình. 2 bệnh nhân dùng pitavastatin và 1 bệnh nhân dùng pravastatin đã có tăng alanine aminotransferase (ALT) cao hơn 3 lần giới hạn trên bình thường (ULN). Không bệnh nhân nào có tăng creatine kinase (CK) kết hợp với đau cơ, và chỉ có 1 bệnh nhân trong nhóm dùng pravastatin có mức tăng CK hơn 1.000 đơn vị/L.
Trong thử nghiệm này, pitavastatin 2 mg/ngày cho thấy mức độ giảm LDL-C nhiều hơn so với pravastatin 10 mg/ngày ở bệnh nhân tăng lipid máu. Phân tích độ an toàn cũng chỉ ra rằng liều pitavastatin này được dung nạp tốt.

Nghiên cứu của Park và các cộng sự

Ngoài việc đánh giá pitavastatin và pravastatin của Saito và các cộng sự, pitavastatin cũng được so sánh với simvastatin (Zocor, Merck). Park và các cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm nhãn mở, ngẫu nhiên, tiến cứu để so sánh hiệu lực và độ an toàn của 2 thuốc này ở bệnh nhân Hàn Quốc có tăng lipid máu.
Điểm kết thúc sơ cấp là sự thay đổi trung bình về nồng độ LDL-C sau 8 tuần so với mức cơ bản (được đánh giá là không thua kém). Điểm kết thúc thứ cấp bao gồm thay đổi trung bình từ mức cơ bản các giá trị TC, TG và cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) và tốc độ đạt được cholesterol mục tiêu, được định nghĩa theo hướng dẫn của ATP III.
Bệnh nhân đủ điều kiện bao gồm cả nam và nữ từ 20 đến 75 tuổi, có mức TG lúc đói dưới 600 mg/dL và LDL-C trên 130 mg/dL sau 4 tuần đầu ăn kiêng tương tự như chế độ ăn Therapeutic Lifetime Changes (TLC).
Các tiêu chí loại trừ đáng kể bao gồm phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, đã tham gia vào các nghiên cứu khác 3 tháng trước khi đăng ký, hiện tại đang điều trị hạ lipid máu, nồng độ CK lớn hơn 2 lần so với ULN, nồng độ aspartate transaminase (AST) hoặc ALT cao hơn 2.5 lần so với ULN và nồng độ creatinine huyết thanh lớn hơn 2.5 lần so với ULN.
Bệnh nhân bị đái tháo đường không kiểm soát được, rối loạn chức năng tuyến giáp, tăng huyết áp không kiểm soát được, bệnh mạch máu não có triệu chứng hoặc MI trong vòng 3 tháng sau khi đăng ký cũng không đủ điều kiện tham gia nghiên cứu.
Khi kết thúc giai đoạn ăn kiêng (run-in), bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên dùng pitavastatin 2 mg uống 1 lần mỗi ngày hoặc simvastatin 20 mg uống 1 lần mỗi ngày trong 8 tuần. Bệnh nhân đã tham gia vào các lần tái khám vào tuần thứ tư và thứ tám của điều trị. Mỗi lần khám, một tiền sử y tế đầy đủ, kiểm tra thể chất, phân tích xét nghiệm và đánh giá sự tuân thủ thuốc (được xác định bằng số lượng thuốc) đều được thực hiện.
Kết thúc thử nghiệm, 104 bệnh nhân đã được ghi danh và 95 bệnh nhân đã hoàn thành nghiên cứu (49 nhận pitavastatin, 46 nhận simvastatin). Không có sự khác biệt đáng kể về các đặc điểm cơ bản giữa các nhóm điều trị.
Với điểm kết thúc sơ cấp, không có sự khác biệt đáng kể về phần trăm giảm nồng độ LDL-C: trung bình (độ lệch chuẩn [SD]), 38.2% (11.6%) với pitavastatin và 39.4% (12.9%) với simvastatin (P = 0.648). Khoảng tin cậy (CI) 95% cho chênh lệch điều trị là -6.1 đến 3.8, nằm trong các thông số được định trước cho mức độ không thua kém.
Không có sự khác biệt đáng kể có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm về sự thay đổi nồng độ TC, TG hoặc HDL-C từ mức cơ bản đến khi kết thúc nghiên cứu, và không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận trong tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị ATP III.
Về phần độ an toàn, 103 bệnh nhân được đánh giá theo phân tích chủ đích điều trị. Một tỷ suất các AEs lớn hơn đáng kể đã được ghi nhận trong nhóm dùng simvastatin (37.3%) so với nhóm dùng pitavastatin (15.4%) (P = 0.015). Ít nhất một AE lâm sàng đã được quan sát thấy ở 25% bệnh nhân dùng pitavastatin và 37.3% bệnh nhân dùng simvastatin.
Trong số 2 nhóm này, 11.5% bệnh nhân trong nhóm dùng pitavastatin và 23.5% trong nhóm dùng simvastatin đã gặp một AE có liên quan đến thuốc. Số lượng bệnh nhân gặp ít nhất một AE hoặc một AE liên quan đến thuốc không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm.
1 bệnh nhân được điều trị bằng pitavastatin đã ngừng thuốc vì khó chịu ở dạ dày và 4 bệnh nhân dùng simvastatin đã ngừng điều trị vì đau mắt, phù, nôn mửa, lo lắng, đau cơ và chóng mặt.
Kết quả của thử nghiệm này chỉ ra rằng pitavastatin 2 mg/ngày không thua kém simvastatin 20 mg/ngày trong giảm nồng độ LDL-C và đạt được cholesterol mục tiêu, như định nghĩa trong ATP III. Ngoài ra, thử nghiệm này không chứng minh được sự khác biệt đáng kể giữa 2 phương pháp điều trị trong việc giảm nồng độ TC và TG hoặc tăng nồng độ HDL-C.

Pitavastatin trên bệnh nhân đái tháo đường

So sánh hiệu qủa tác dụng của Pitavastatin và các statin
So sánh hiệu qủa tác dụng của Pitavastatin và các statin

Nghiên cứu của Sasaki và các cộng sự

Ngoài các nghiên cứu về tăng lipid máu trên bệnh nhân không có bệnh đi kèm cụ thể, tác dụng của pitavastatin trong kiểm soát lipid và glucose đã được đánh giá ở bệnh nhân có tăng lipid máu và đồng thời không dung nạp glucose. Sasaki và các cộng sự đã thực hiện một thử nghiệm đa trung tâm, nhãn mở, nhóm song song so sánh hiệu lực và độ an toàn của pitavastatin và atorvastatin (Lipitor, Pfizer) về sự thay đổi lipid mục tiêu và khả năng dung nạp glucose.
Nam giới hoặc nữ giới sau mãn kinh phải có nồng độ LDL-C từ 140 mg/dL trở lên, nồng độ HDL-C dưới 80 mg/dL, nồng độ TG dưới 500 mg/dL và không dung nạp glucose. Trong thử nghiệm này, không dung nạp glucose được định nghĩa là đã nhận được một thuốc chống đái tháo đường (không bao gồm insulin) hoặc định lượng glucose trong 3 tháng vừa qua cho thấy không dung nạp glucose.
Các bệnh nhân bị loại trừ khỏi thử nghiệm nếu:

  • Chống chỉ định sử dụng statin hoặc có tiền sử quá mẫn với statin.
  • Nồng độ creatinine huyết thanh từ 2 mg/dL trở lên.
  • Tăng lipid máu thứ phát.
  • Bệnh tim mạch, như tăng huyết áp nặng, MI gần đây, tiến hành các thủ tục động mạch vành gần đây hoặc suy tim độ 3 hoặc cao hơn theo phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA).
  • Bệnh mạch máu não gần đây.
  • Đái tháo đường type kiểm soát kém.
  • Đái tháo đường type 1.
  • Hiện tại sử dụng bất kỳ steroid nào (bao gồm cả các chế phẩm tại chỗ và nhỏ mũi).

Bệnh nhân bị cấm sử dụng các loại thuốc hạ lipid khác, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng nấm azole, erythromycin và insulin trong suốt quá trình nghiên cứu. Những người tham gia được phép tiếp tục dùng thuốc trị đái tháo đường đường uống, nhưng họ phải duy trì cùng một mức liều trong toàn bộ thời gian nghiên cứu.
Sau khi vào nghiên cứu, bệnh nhân đã trải qua 2 đến 4 tuần không dùng thuốc (giai đoạn run-in). Bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ lipid máu trước khi tham gia vào nghiên cứu đã trải qua khoảng thời gian wash-out 4 tuần không dùng thuốc trước khi vào giai đoạn run-in. Vào cuối giai đoạn run-in, bệnh nhân được dùng pitavastatin 2 mg uống hàng ngày hoặc atorvastatin 10 mg uống hàng ngày trong 52 tuần.
Trong quá trình nghiên cứu, các mẫu máu lúc đói được lấy ra vào lúc bắt đầu và ở tuần điều trị thứ 8, 26 và 52 để định lượng lipid, nồng độ insulin huyết tương, glucose và HbA1c. Mô hình cân bằng nội môi (HOMA-IR) sau đó đã được sử dụng để tính toán sự đề kháng insulin trên tất cả các mẫu khi nồng độ glucose trong máu không quá 140 mg/dL. Ngoài các phân xét nghiệm, các bệnh nhân đã trải qua các cuộc kiểm tra thể chất, được đánh giá cho các AEs và tuân thủ sử dụng thuốc nghiên cứu.
Kết thúc thời gian nghiên cứu, có 207 bệnh nhân được ghi danh vào thử nghiệm, 18 bệnh nhân không bao giờ quay lại phòng khám và do đó 189 bệnh nhân còn lại được đưa vào phân tích độ an toàn. 16 bệnh nhân đã ngừng điều trị trước 6 tháng và hiệu lực được đánh giá ở 173 bệnh nhân (88 nhận pitavastatin, 85 nhận atorvastatin). Nữ giới chiếm 62% quần thể đánh giá, với tuổi trung bình là 63.3 và cân nặng trung bình là 63 kg (khoảng 139 pounds), 89% bị đái tháo đường. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị về các đặc điểm cơ bản hoặc tuân thủ thuốc nghiên cứu trong thử nghiệm.
Có một phần trăm tăng đáng kể nồng độ HDL-C ở nhóm dùng pitavastatin (8.2%) so với atorvastatin (2.9%) (P = 0.031). Một sự gia tăng lớn hơn đáng kể cũng được quan sát thấy ở Apo A-I, một thành phần của HDL-C (5.1 ở nhóm dùng pitavastatin so với 0.6 ở nhóm dùng atorvastatin, P = 0.009).
Phần trăm thay đổi nồng độ LDL-C lớn hơn đáng kể ở nhóm dùng atorvastatin (-40.1%) so với nhóm dùng pitavastatin (-33.0%) (P = 0.002), cũng như phần trăm thay đổi trong non–HDL-C (-37.4 vs. -31.1, P = 0.004), Apo B, một thành phần của LDL-C (-35.1% vs. -28.2%; P < 0.001) và Apo E (-28.1% vs. -17.8%, P < 0.001). Apo E là một protein liên kết với thụ thể LDL, nó là thành phần của một số lipoproteins. Tầm quan trọng của những kết quả này là không thay đổi khi tất cả 189 đối tượng được nhận một hoặc nhiều liều thuốc nghiên cứu được đưa vào phân tích.
Với chuyển hóa glucose, không quan sát được có sự khác biệt đáng kể giữa các phương pháp điều trị về insulin huyết tương lúc đói, glucose huyết tương lúc đói, HbA1c hoặc HOMA-IR. Cũng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về sự suy giảm chuyển hóa glucose (tổng hợp số bệnh nhân cần bắt đầu điều trị chống đái tháo đường, tăng liều thuốc chống đái tháo đường hoặc tăng HbA1c).
Các AEs đã xảy ra ở 9% bệnh nhân dùng pitavastatin (9/96) và 14% bệnh nhân dùng atorvastatin (13/93), giá trị P không có ý nghĩa thống kê. 2 bệnh nhân trong nhóm dùng pitavastatin và không có ai trong nhóm dùng atorvastatin có giá trị ALT cao hơn 3 lần so với ULN, giá trị P không có ý nghĩa thống kê.
Trong thử nghiệm này, 52 tuần điều trị bằng pitavastatin 2 mg/ngày có liên quan đến sự gia tăng đáng kể nồng độ HDL-C và Apo A-I khi so sánh với atorvastatin 10 mg/ngày. Tuy nhiên, tác dụng của pitavastatin trong hạ nồng độ LDL-C kém hơn so với atorvastatin. Cả 2 phương pháp điều trị đều được dung nạp tốt, dẫn đến tỷ suất các AEs tương tự nhau, bao gồm cả suy giảm kiểm soát glucose.

Nghiên cứu của Yamakawa và các cộng sự

Một nghiên cứu hồi cứu đã được thực hiện để đánh giá tác dụng của pravastatin, atorvastatin và pitavastatin với bệnh nhân Nhật Bản mắc bệnh đái tháo đường type 2 biến chứng do tăng lipid máu. Các bệnh nhân được chọn vào thử nghiệm nếu họ đang điều trị bằng statin.
Những người tham gia được chia thành 3 nhóm theo statin mà bác sĩ đã chọn cho họ: atorvastatin (nhóm A), pravastatin (nhóm Pr) và pitavastatin (nhóm Pi). Bệnh nhân không đủ điều kiện đăng ký nếu thuốc điều trị đái tháo đường (insulin hoặc thuốc uống) đã được hiệu chỉnh liều trong 3 tháng trước đó hoặc sau khi bắt đầu điều trị bằng statin. Những bệnh nhân đã trải qua các biến cố được dự kiến ​​sẽ thay đổi kiểm soát đường huyết của họ, bao gồm thay đổi thuốc hoặc đăng ký vào một chương trình giáo dục đái tháo đường, cũng bị loại trừ.
Có 99 bệnh nhân trong nhóm dùng atorvastatin (45 nam và 54 nữ, tuổi trung bình 59.4), 85 bệnh nhân trong nhóm dùng pravastatin (38 nam và 47 nữ, tuổi trung bình 65.9) và 95 bệnh nhân trong nhóm dùng pitavastatin (46 nam và 49 nữ, tuổi trung bình 63). Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về tuổi, trọng lượng cơ thể, tiền sử bệnh động mạch vành hoặc hiệu chỉnh liều thuốc điều trị đái tháo đường. Đáng chú ý, điều trị trước đó bằng các thuốc hạ lipid máu khác phổ biến hơn ở những bệnh nhân dùng atorvastatin và pitavastatin, và điều trị bằng insulin phổ biến hơn đáng kể ở nhóm pitavastatin (P < 0.01 cho cả hai so sánh).
Không có thay đổi về liều thuốc điều trị đái tháo đường với 75% bệnh nhân trong nhóm dùng atorvastatin, 82% bệnh nhân trong nhóm dùng pravastatin và 80% bệnh nhân trong nhóm dùng pitavastatin. Các giá trị cụ thể cho các thông số glucose và lipid được trình bày chi tiết trong Bảng 1.

Nồng độ Pitavastatin Atorvastatin Pravastatin
Glucose ngẫu nhiên (mg/dL)*
Mức cơ bản 155 ± 53 147 ± 51 136 ± 31
Kết thúc nghiên cứu 154 ± 51 176 ± 69+ 134 ± 32
HbA1c (%)*
Mức cơ bản 7.3 ± 1.0 7.0 ± 1.1 6.9 ± 0.9
Kết thúc nghiên cứu 7.2 ± 1.0 7.4 ± 1.2+ 6.9 ± 1.0
TC (mg/dL)*
Mức cơ bản 225 ± 47 254 ± 40 226 ± 36
Kết thúc nghiên cứu 198 ± 34++ 200 ± 52++ 202 ± 34++
LDL-C (mg/dL)*
Mức cơ bản 137 ± 36 155 ± 33 143 ± 31
Kết thúc nghiên cứu 113 ± 28 111 ± 27++ 120 ± 27++
HDL-C (mg/dL)*
Mức cơ bản 55 ± 14 55 ± 11 56 ± 12
Kết thúc nghiên cứu 56 ± 15 56 ± 18 58 ± 31

Bảng 1. Thay đổi về các thông số glucose và lipid khi sử dụng 3 loại statins.
*   Trừ khi có quy định khác, tất cả các giá trị P không có ý nghĩa thống kê.
+   P < 0.001.
++ P < 0.0001.
Chỉ có nhóm atorvastatin là có mức tăng đáng kể ở cả nồng độ glucose máu tùy ý và HbA1c, và những thay đổi này lớn hơn đáng kể so với những bệnh nhân ở nhóm dùng pravastatin và pitavastatin (P < 0.01). Tất cả các bệnh nhân đều có sự giảm đáng kể nồng độ TC và LDL-C, nhưng nồng độ lipid được cải thiện nhiều hơn ở nhóm dùng atorvastatin so với nhóm dùng pravastatin và pitavastatin. Không có thay đổi đáng kể về nồng độ HDL-C hoặc TG được ghi nhận trong bất kỳ nhóm nào.
Các tác giả của nghiên cứu này đã kết luận rằng pitavastatin cho thấy tác dụng giảm cholesterol mạnh khi so sánh với atorvastatin và các thông số đường huyết chỉ tăng đáng kể ở nhóm atorvastatin. Những phát hiện này cho thấy pitavastatin và pravastatin không có tác dụng phụ trong kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Mặc dù những quan sát này là đúng, các tác giả nghiên cứu đã không phân tích liều của từng thuốc được sử dụng. Ngoài ra, nồng độ glucose tùy ý đã được sử dụng thay vì nồng độ tiêu chuẩn và các nhóm nghiên cứu có mức độ điều trị trước bằng thuốc hạ lipid máu khác nhau.

Tác dụng của pitavastatin trên vữa xơ động mạch.

Nghiên cứu của Hiro và các cộng sự.

Hiro và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu không thua kém, JAPANTHER ACS (Đánh giá Nhật Bản về pitavastatin và atorvastatin trong Hội chứng vành cấp) để so sánh hiệu quả của pitavastatin và atorvastatin trong việc giảm thể tích mảng vữa xơ mạch vành sau ACS. Bệnh nhân được tham gia nếu họ bị ACS, được định nghĩa là đau thắt ngực không ổn định hoặc MI.
Điều trị bao gồm atorvastatin 20 mg uống hàng ngày hoặc pitavastatin 4 mg uống hàng ngày bên cạnh liệu pháp chống kết tập tiểu cầu tiêu chuẩn và liệu pháp điều trị ACS khác. Bệnh nhân được phân tầng theo sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường, giới tính và nồng độ TC. Các bảng lipid, xét nghiệm dấu ấn gây viêm và siêu âm nội mạch (Intravascular Ultrasound – IVUS) đã được thực hiện khi đánh giá cơ bản và sau 8 và 12 tháng để đo thể tích mảng vữa xơ mạch vành. Những người đánh giá bị làm mù đã thực hiện IVUS ở một vị trí tập trung.
Vào cuối thời gian nghiên cứu, 307 bệnh nhân (153 nhận pitavastatin và 154 nhận atorvastatin) đã được ghi danh tại 33 trung tâm. Trong số những bệnh nhân này, 82% của mỗi nhóm hoàn thành tất cả các nghiên cứu IVUS. Các nhóm điều trị được kết hợp tốt tại mức cơ bản.
Sau 8 đến 12 tháng theo dõi, không có sự khác biệt đáng kể giữa các phương pháp điều trị được ghi nhận trong bảng lipid hoặc trong các dấu ấn gây viêm. Cả hai nhóm đều cho thấy sự hồi quy đáng kể về thể tích mảng vữa xơ, nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm: phần trăm giảm trung bình ± SD, −16.9 ± 13.9 với nhóm dùng pitavastatin và −18.1 ± 14.2 với nhóm dùng atorvastatin (P < 0.001 khi so sánh mỗi nhóm với mức cơ bản và P = 0.5 khi so sánh giữa các nhóm).
Sự chênh lệch trung bình về tác dụng của thuốc là 1.11% (95% CI −2.27% đến 4.48%), đáp ứng được yêu cầu định trước là không thua kém. Kết quả bổ sung từ thử nghiệm bao gồm giảm đáng kể phần trăm thể tích mảng vữa xơ và thể tích mảng vữa xơ bình thường, so với mức cơ bản, không có sự khác biệt được ghi nhận giữa các nhóm. Hơn nữa, không quan sát thấy có sự khác biệt đáng kể về các AEs giữa các nhóm nghiên cứu.
Các tác giả kết luận rằng bất kỳ sự chênh lệch trong giảm thể tích mảng vữa xơ với pitavastatin 4 mg mỗi ngày hoặc atorvastatin 20 mg mỗi ngày là không đáng kể. Các dữ liệu đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi biện giải các kết quả vì liều atorvastatin đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong trong ACS là 80 mg mỗi ngày.

Dược động học

Hấp thu

Sinh khả dụng tuyệt đối của thuốc là 51%. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1 giờ. Nồng độ tối đa trong huyết tương (Cmax) và diện tích dưới đường cong (AUC) đều tăng tỷ lệ với liều 1-4 mg. Dùng thuốc cùng thức ăn giàu chất béo (trên 50% chất béo) làm giảm Cmax 43% nhưng không làm thay đổi AUC. Nồng độ thuốc không có sự khác nhau cho dù uống và buổi sáng hay tối. Tuy nhiên, có một đánh giá trên các tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy sau khi sử dụng liều pitavastatin 4 mg, phần trăm LDL giảm đi so với ban đầu khi uống buổi tối gấp 2 lần so với uống buổi sáng. Hấp thu thuốc xảy ra chủ yếu ở ruột non.

Phân bố

Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương là trên 99%, chủ yếu gắn với albumin và α-1 glycoprotein acid. Thể tích phân bố (V­d) khoảng 148 L.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa chủ yếu tại gan nhờ hệ enzyme cytochrome P450, chủ yếu là qua CYP2C9 và một phần qua CYP2C8. Thuốc được liên hợp glucuronide tại gan nhờ các enzyme uridine 5′-diphospho glucuronosyl transferase (UGT1A3 và UGT2B7), chất chuyển hóa chính là pitavastatin lactone.

Thải trừ

Thời gian bán hủy (t1/2) của thuốc là 12 giờ. Các chất chuyển hóa của pitavastatin được thải trừ qua phân (79%) và nước tiểu (15%).

Tác dụng của thuốc Pitavastatin

Tương tự như các thuốc cùng nhóm statin, pitavastatin làm giảm mạnh LDL-C huyết thanh, giảm TG và VLDL-C (cholesterol lipoprotein tỷ trọng rất thấp) huyết thanh yếu hơn và làm tăng nhẹ HDL-C huyết thanh.

Chỉ định của thuốc Pitavastatin

Pitavastatin được chỉ định bổ trợ cho chế độ ăn kiêng trong điều trị tăng lipid máu nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp để giảm TC, LDL-C, apolipoprotein B (Apo B), TG và tăng HDL-C.
Chỉ định khác: Bệnh nhi từ 8 tuổi trở lên bị tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (HeFH) để giảm TC, LDL-C và Apo B.
Hiệu quả của thuốc trên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do tim mạch chưa được xác định.

Cách dùng và liều dùng của Pitavastatin

Cách dùng

Thuốc được dùng 1 lần/ngày vào cùng một thời điểm, có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn đều được. Nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Liều dùng

Liều khởi đầu được khuyến nghị là 2 mg/ngày.
Liều tối đa được khuyến cáo là 4 mg/ngày.

Chỉnh liều trên bệnh nhân suy gan thận

  • Suy giảm chức năng thận: Liều khuyến cáo cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận mức độ từ trung bình đến nặng (mức lọc cầu thận ước tính eGFR tương ứng lần lượt là 30-59 và 15-29 mL/phút/1.73m2) cũng như bệnh thận giai đoạn cuối phải thẩm phân máu là 1 mg/ngày và liều tối đa là 2 mg/ngày.
  • Suy giảm chức năng gan: Chống chỉ định trong bệnh gan hoạt động hoặc tăng men gan dai dẳng không rõ nguyên nhân.
  • Phối hợp với erythromycin: Liều không vượt quá 1 mg/ngày.
  • Phối hợp với rifampin: Liều không vượt quá 2 mg/ngày.

Tác dụng không mong muốn của thuốc Pitavastatin

Thường gặp (1-10%):

  • Đay lưng, đau cơ, đau chi.
  • Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy.

Báo cáo hậu mãi

  • Rối loạn tiêu hóa: Khó chịu ở bụng, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn.
  • Rối loạn chung: Suy nhược, mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt.
  • Rối loạn gan mật: Viêm gan, vàng da, suy gan tử vong và không tử vong.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Bệnh cơ hoại tử qua trung gian miễn dịch, phù mạch.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng HbA1c, tăng nồng độ glucose huyết thanh lúc đói.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Co thắt cơ, bệnh cơ, tiêu cơ vân.
  • Rối loạn hệ thần kinh: Giảm cảm giác, bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Rối loạn tâm thần: Mất ngủ, trầm cảm. Có báo cáo hiếm về suy giảm nhận thức (ví dụ: mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ, hay quên, nhầm lẫn). Suy giảm nhận thức nhìn chung không nghiêm trọng và có thể hồi phục khi ngừng thuốc, với thời gian khởi phát triệu chứng thay đổi (1 ngày đến vài năm) và thời gian giải quyết triệu chứng trung bình là 3 tuần.
  • Rối loạn hệ sinh sản: Rối loạn cương dương.
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Bệnh phổi kẽ.

Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Pitavastatin

Cần phải dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để đạt hiệu quả cao: ăn kiêng, hoạt động thể lực, bỏ rượu bia, thuốc lá…
Cá nhân hóa liều cho từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm, mục tiêu điều trị và đáp ứng của từng bệnh nhân. Định lượng nồng độ lipid máu trước khi bắt đầu điều trị và sau mỗi 4 tuần để có sự hiệu chỉnh liều cho phù hợp.

Cảnh báo về bệnh cơ và tiêu cơ vân

Nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn này tăng lên ở người từ 65 tuổi trở lên, suy giảm chức năng thận, suy giáp được điều trị không đầy đủ và liều pitavastatin cao hơn. Nếu creatine kinase (CK) tăng cao rõ rệt hoặc có dấu hiệu bệnh cơ, ngừng sử dụng ngay lập tức. Tạm thời ngừng thuốc ở những đối tượng có những tình trạng cấp tính hoặc nghiêm trọng mà có nguy cơ cao bị suy thận thứ phát sau tiêu cơ vân như nhiễm khuẩn huyết, sốc, giảm thể tích tuần hoàn nặng, phẫu thuật lớn, chấn thương, rối loạn chuyển hóa, nội tiết hoặc điện giải nặng hoặc động kinh chưa được kiểm soát. Cần thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ này khi bắt đầu sử dụng thuốc hoặc tăng liều.

Bệnh cơ hoại tử qua trung gian miễn dịch (IMNM)

Đã có những báo cáo hiếm về IMNM, một bệnh cơ tự miễn, liên quan đến việc sử dụng statin. IMNM được đặc trưng bởi: Yếu cơ gần gốc và tăng CK huyết thanh, nó vẫn tồn tại mặc dù đã ngừng dùng thuốc. Sinh thiết cơ cho thấy hoại tử cơ mà không có viêm đáng kể, bệnh cải thiện đáng kể khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.

Rối loạn chức năng gan

Tăng transaminase huyết thanh có thể xảy ra. Các báo cáo hậu mãi hiếm về suy gan tử vong và không tử vong đã xảy ra. Cân nhắc xét nghiệm men gan trước khi bắt đầu điều trị và khi có chỉ định lâm sàng sau đó. Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng với các triệu chứng lâm sàng và / hoặc xảy ra tăng bilirubin máu hoặc vàng da, ngừng thuốc ngay lập tức.

Tăng nồng độ HbA1c và glucose huyết thanh lúc đói

Đây là cảnh báo của FDA về các statin. Tối ưu hóa lối sống, bao gồm tập thể dục thường xuyên, duy trì khối lượng cơ thể vừa phải và lựa chọn những thực phẩm lành mạnh.

Ảnh hưởng lên đối tượng lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có tác dụng không mong muốn trên thần kinh (đau đầu, chóng mặt) và cơ (đau cơ), có thể ảnh hưởng đến các công việc này.

Ảnh hưởng lên phụ nữ mang thai và cho con bú

Phụ nữ có thai

Độ an toàn ở phụ nữ có thai chưa được thiết lập và không có lợi ích rõ ràng khi điều trị bằng pitavastatin cho phụ nữ có thai. Thuốc có thể gây hại cho phụ nữ có thai nên nó bị chống chỉ định ở quần thể bệnh nhân này.

Phụ nữ đang cho con bú

Không có thông tin về ảnh hưởng của pitavastatin trên sự sản xuất sữa mẹ hoặc với trẻ bú mẹ. Do có khả năng gây ra những phản ứng bất lợi nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ, thuốc bị chống chỉ định trên quần thể bệnh nhân này.

Tương tác thuốc

Phối hợp pitavastatin với một fibrate khác: Tăng nguy cơ bệnh cơ và tiêu cơ vân do hiệp đồng dược lực học. Cần cân nhắc nếu lợi ích của việc phối hợp vượt xa nguy cơ mắc bệnh cơ và tiêu cơ vân. Riêng với gemfibrozil: Tránh phối hợp này.
Phối hợp pitavastatin với colchicine: Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi phối hợp do phối hợp này làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ và tiêu cơ vân cấp.
Phối hợp pitavastatin với niacin: Phối hợp với niacin ở liều điều trị rối loạn lipid máu (> 1 g/ngày) có thể được cân nhắc giữa lợi ích của việc điều trị với nguy cơ của bệnh cơ xương khớp.
Phối hợp pitavastatin với cyclosporine: Chống chỉ định. Cyclosporine làm tăng đáng kể tác dụng không mong muốn của pitavastatin.
Phối hợp pitavastatin với erythromycin: Tác dụng không mong muốn của pitavastatin tăng lên đáng kể với phối hợp này. Nếu phối hợp, liều pitavastatin không được vượt quá 1 mg/ngày.
Phối hợp pitavastatin với rifampin: Tác dụng không mong muốn của pitavastatin sẽ tăng lên đáng kể. Nếu phối hợp, liều pitavastatin không được vượt quá 2 mg/ngày.
Phối hợp pitavastatin với thuốc chống đông kháng vitamin K đường uống (warfarin): Pitavastatin tương tác không đáng kể với các thuốc loại này. Thời gian prothrombin (PT) và tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR) không thay đổi nhiều khi phối hợp. Tuy nhiên, ở bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông này, nếu có phối hợp với pitavastatin thì vẫn nên theo dõi PT và INR trong giai đoạn đầu của phối hợp.
Phối hợp pitavastatin với thuốc ức chế protease của HIV (PIs) và viêm gan C: Nguy cơ bệnh cơ, tiêu cơ vân cấp, dẫn đến hội chứng thận hư, suy thận cấp và tử vong tăng lên. Cơ chế chính xác chưa được xác định rõ. Không nên sử dụng phối hợp này.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với pitavastatin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Phối hợp với cyclosporine.
Bệnh gan hoạt động, có thể bao gồm tăng transaminase gan dai dẳng không lý giải được.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Một số chế phẩm trên thị trường – Giá bán

Livalo

Nhà sản xuất: Kowa Pharmaceuticals.
Các dạng hàm lượng: 1, 2 và 4 mg.

Livazo

Nhà sản xuất: RECORDATI.
Các dạng hàm lượng: 1, 2 và 4 mg.

Zypitamag

Zypitamag
Thuốc Zypitamag

Nhà sản xuất: MEDICURE.
Các dạng hàm lượng: 1,2 và 4 mg.

Pitaterol 2mg

Pitaterol 2mg
Thuốc Pitaterol 2mg

Nhà sản xuất: Medica Korea Co., Ltd.
Các dạng hàm lượng: 2 mg.
SĐK: VN-20483-17.
Giá bán Pitaterol 2mg: 570,000 VNĐ/hộp 30 viên.

Hố 2mg

Hố 2mg
Thuốc Pitator 2mg

Nhà sản xuất: Orient Pharma Co., Ltd.
Các dạng hàm lượng: 2 mg.
SĐK: VN-20588-17.
Giá bán Pitator 2mg: 540,000 VNĐ/hộp 28 viên.

Londalop

Thuốc Londalop
Thuốc Londalop

Nhà sản xuất: Ultra Medica Pharmaceutical Industries.
Các dạng hàm lượng: 1, 2 và 4 mg.

Pivasta

Nhà sản xuất: Zydus Cardiva.
Các dạng hàm lượng: 1, 2 và 4 mg.

Tài liệu tham khảo

Pitavastatin (Livalo) cho bệnh mỡ máu cao và rối loạn mỡ máu hỗn hợp,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2873721/
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây