Ngày nay, hội chứng nghiện điện thoại (smartphone) đang ngày càng phổ biến và xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đem lại những tác hại khôn lường. Việc tìm hiểu về thực trạng này và các tác hại mà nó gây ra sẽ là một cách để mọi người nâng cao ý thức, tránh để bản thân mắc phải hội chứng này.
Nghiện điện thoại (Smartphone) là gì?
Nghiện điện thoại, hay còn có các tên gọi khác là lạm dụng điện thoại thông minh, lệ thuộc vào điện thoại di động được định nghĩa là hiện tượng phụ thuộc về mặt tâm lý hoặc hành vi vào chiếc Smartphone. Một người được xem là mắc chứng nghiện điện thoại di động khi có các biểu hiện:
Không rời được điện thoại di động, luôn giữ điện thoại bên mình
Luôn có thói quen kiểm tra điện thoại, có thể kiểm tra liên tục, vài phút một lần dù không có nhu cầu sử dụng
Trong thời gian nghỉ ngơi hoặc rảnh rỗi chỉ chăm chú vào điện thoại mà không quan tâm đến những thú vui nào khác
So với việc gặp gỡ trò chuyện với bạn bè ngoài thực tế thì những người này có xu hướng thích nhắn tin, xem những bài đăng trên mạng từ bạn bè và chia sẻ cuộc sống của bản thân lên các trang mạng xã hội hơn.
Thực trạng nghiện điện thoại hiện nay
Ngày nay, nghiện điện thoại di động đang là một tình trạng đáng báo động và ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở những người trẻ.
Các nhà nghiên cứu, khi tìm hiểu về thực trạng nghiện điện thoại đã đưa ra một kết quả đáng kinh ngạc: trung bình một người kiểm tra điện thoại di động của mình 110 lần trong một ngày. Một nghiên cứu khác còn đưa ra con số đáng ngạc nhiên hơn: số lần một người kiểm tra điện thoại trong 1 ngày trung bình vào khoảng 150 lần.
Theo một cuộc thăm dò của tổ chức Common Sense Media, có khoảng trên 50% những thanh thiếu niên khi được hỏi thừa nhận rằng bản thân bị nghiện điện thoại di động, luôn dán mắt vào màn hình điện thoại và xảy ra tranh cãi với bố mẹ về việc sử dụng thiết bị này
Không chỉ ở thanh thiếu niên mà tình trạng này đang dần phổ biến hơn ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Một khảo sát ở Anh cho hay rằng có 53% người trưởng thành cảm thấy khó chịu và lo lắng khi để điện thoại ở nhà hay không mang điện thoại bên người. Còn khi quan hệ tình dục, trung bình trong 5 người thì có ít nhất 1 người sử dụng điện thoại thông minh.
Nguyên nhân nghiện điện thoại
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hiện tượng nghiện Smartphone, trong đó các nhà khoa học đã đưa ra 3 nguyên nhân chính và khái quát nhất, đó chính là: do nghiện internet, sợ bỏ lỡ thông tin và thiếu tự chủ
- Nghiện điện thoại do nghiện internet: đây là nguyên nhân quan trọng và phổ biến nhất. Nghiện internet chủ yếu có 2 loại là nghiện trò chơi (những người bị thu hút với các loại game online, chơi game bất kể ngày đêm) và nghiện mạng xã hội (những người dành hàng giờ để lướt facebook, instagram, tik tok, chỉ trò chuyện và tiếp xúc với mọi người thông qua các mạng xã hội này). Bất kể là trường hợp nào cũng khiến mọi người luôn không thể rời điện thoại, dần dần dẫn đến chứng nghiện sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi
- Nghiện điện thoại do sợ bỏ lỡ thông tin: với sự phổ biến của internet, các mạng xã hội và các trang báo mang, có thể nói rằng trong chiếc điện thoại thông minh có chứa một kho thông tin khổng lồ. Nhiều người luôn có tâm lý phải cập nhật được các thông tin mới nhất để “theo kịp trào lưu”. Ngoài ra, việc sợ bỏ lỡ các tin nhắn, các cuộc gọi từ người thân, các email công việc quan trọng khiến họ lúc nào cũng giữ điện thoại bên mình và liên tục kiểm tra điện thoại dù không có nhu cầu sử dụng chúng
- Nghiện điện thoại do thiếu tự chủ: những người thiếu tính tự chủ thường dễ có nguy cơ nghiện điện thoại hơn. Khi không kiên định và làm chủ được bản thân, họ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào một trò game online, học nhiều thói quen xấu của người xung quanh, lâu dần sẽ dẫn đến nghiện điện thoại di động.
Tác hại của hội chứng nghiện điện thoại
Mất thời gian
Với lượng thời gian được sử dụng chỉ để lướt điện thoại, bạn có thể hoàn thành rất nhiều công việc có ích hơn đối với cuộc sống. Việc nghiện điện thoại và sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi chiếm rất nhiều quỹ thời gian của bạn, khiến bạn không còn đủ thời gian để làm những công việc khác như: tập thể dục nâng cao sức khỏe, dành thời gian cho gia đình, chơi với con cái, đôi khi còn không có thời gian để ngủ. Khi chứng nghiện điện thoại này càng nặng, bạn còn có thể bỏ bê công việc, bỏ bê việc học hành, chỉ dùng thời gian để sử dụng điện thoại
Ảnh hưởng sức khỏe
Nghiện điện thoại gây ra những ảnh hưởng vô cùng xấu đến sức khỏe, từ mắt, các tổn thương hệ cơ xương khớp, các vấn đề về da, ảnh hưởng cả đến sức khỏe tinh thần của những người mắc hội chứng này
- Nghiện điện thoại gây hại đến mắt: việc nhìn quá lâu vào màn hình hoặc nằm xem điện thoại, sử dụng điện thoại vào ban đêm có thể gây suy giảm thị lực, khô mắt, mỏi mắt, mắc các tật cận thị hoặc loạn thị. Điều này đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em, trong một số trường hợp, sử dụng điện thoại quá nhiều và trong thời gian dài có thể dẫn đến giảm và mất dần thị lực
- Gây tổn thương đến hệ cơ xương khớp
Đối với cổ: khi sử dụng điện thoại, người dùng thường phải cúi xuống và cúi cổ về phía trước. Điều này tạo nên gánh nặng cho đốt sống cổ, từ đó gây nên các triệu chứng: đau mỏi cổ, vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ và chèn ép lên các dây thần kinh quan trọng
Đối với cột sống: nhiều người khi sử dụng điện thoại thường ngồi sai tư thế, ngồi cong lưng, vẹo lưng, khi nằm để sử dụng điện thoại thì thường có thói quen nằm ghé, người không thẳng. Điều này lặp đi lăp lại có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về cột sống như: cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống và đặc biệt dễ xảy ra hơn ở trẻ em – khi xương đang trong thời kì phát triển hoàn thiện
Đối với các khớp cổ tay và ngón tay: các khớp ngón tay thường phải chuyển động lặp đi lặp lại khi sử dụng điện thoại, lâu ngày có thể xuất hiện cảm giác mỏi, đau nhức, sau sẽ phát triển thành các cơn đau mãn tính, giảm chức năng vận động của ngón tay và viêm bao gân ngón tay. Ngoài ra, việc giữ điện thoại lâu trong một tư thế cũng khiến khớp cổ tay của bạn dễ bị tổn thương hơn.
Tham khảo thêm: Đau khớp gối ở người trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nghiện điện thoại gây nên tình trạng trầm cảm, lo âu: do các bức xạ phát ra từ điện thoại ảnh hưởng lên hệ thần kinh, khiến người dùng bị căng thẳng, hồi hộp khi sử dụng lâu. Ngoài ra, mạng xã hội có nhiều mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến bản thân người sử dụng, khiến bạn cảm thấy bị cô lập hay bị tổn thương, rất dễ mắc phải bệnh lý trầm cảm.
- Gây béo phì: Nghiện điện thoại khiến bạn giảm vận động, thường chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ trong khoảng thời gian dài nên có nguy cơ cao dẫn đến béo phì. Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác: các bệnh lý về tim mạch, tăng cholesterol máu dẫn đến xơ vữa động mạch, đái tháo đường và ảnh hưởng đến cả các khớp
Tham khảo thêm: Tổng hợp thuốc giảm cân và cơ chế thuốc trị béo phì thế hệ mới
Nam giới nghiện điện thoại có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, do các bức xạ của điện thoại có thể làm chết những tinh trùng khỏe mạnh, dẫn đến hiện tượng vô sinh.
Nghiện điện thoại gây mất tập trung
Việc dành mọi sự chú ý vào chiếc điện thoại có thể khiến bạn mất tập trung trong những việc quan trọng. Học sinh thường không tập trung nghe giảng, không chý ý làm bài tập do luôn nghĩ đến chiếc điện thoại, người trưởng thành có thể không hoàn thành được công việc vì mải mê với những thông tin từ Smartphone. Tác hại này đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông. Việc chăm chú theo dõi vào điện thoại khi đang lái xe hay đi bộ khiến bạn không chú ý đến đường đi, gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Một thống kê cho thấy rằng việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe khiến nguy cơ tai nạn tăng lên 23 lần – là một con số đáng báo động
Trí nhớ giảm sút
Các loại sóng điện từ (trong đó điển hình là bức xạ RG – EMF) phát ra từ chiếc điện thoại trong một thời gian dài có ảnh hưởng lên não bộ và thần kinh của người sử dụng, đặc biệt phần não hấp thu RF – EMF là phần có chức năng tổng hợp các hình ảnh mà mắt quan sát được. Do vậy, việc sử dụng điện thoại có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ghi nhớ của người dùng và dẫn đến hiện tượng trí nhớ dần dần giảm sút. Điều này xảy ra ngay cả ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tham khảo thêm: Bệnh mất trí nhớ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị & Phòng ngừa
Tiếp xúc với các văn hóa đồi trụy
Không gian mạng là một kho thông tin khổng lồ và đa dạng, tuy nhiên chất lượng thông tin lại không được kiểm soát một cách chặt chẽ, nên việc tiếp xúc với các văn hóa đồi trụy và các nguồn tin sai lệch là điều có thể xảy ra. Đặc biệt với việc dành nhiều thời gian vào mạng xã hội sẽ khiến nguy cơ này tăng cao hơn rất nhiều. Đối với thanh thiếu niên – những người chưa hoàn toàn trưởng thành, việc tiếp xúc với các loại văn hóa đồi trụy này có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ và sự phát triển hoàn thiện nhân cách, từ đó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc
Nên làm gì khi bị nghiện điện thoại?
Đối với người lớn, khi nhận ra bản thân mình có các biểu hiện của hội chứng nghiện điện thoại, cần bắt đầu “cai nghiện” bằng cách: hạn chế tối đa thời gian sử dụng điện thoại, chỉ sử dụng khi có việc cần thiết. Khi có thời gian rảnh, hãy ra ngoài tụ tập bạn bè, luyện tập thể thao hay dành thời gian đó để quan tâm gia đình, chơi với con để quên đi “nỗi nhớ” điện thoại và dần dần bớt lệ thuộc vào nó. Chỉ sử dụng điện thoại khi cần thiết, hiểu rõ các tác hại của nó để có thêm quyết tâm từ bỏ thói quen này
Đối với trẻ em, khi trẻ có biểu hiện nghiện điện thoại, cha mẹ cần:
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, nhất là ở những trẻ còn rất nhỏ. Ba mẹ nên đặt ra những quy định về thời gian được chơi điện thoại và giảm dần sau đó, quy định về nơi không được chơi điện thoại như: phòng ăn, phòng ngủ…, tránh việc đột ngột không cho trẻ sử dụng điện thoại. Ngoài ra có thể đưa ra các hình phạt nếu trẻ lén chơi điện thoại hoặc vi phạm các quy định đã đề ra
- Ba mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm và chơi với con để con quên đi sự thích thú khi sử dụng điện thoại. Đưa trẻ đi chơi vào mỗi cuối tuần, cùng con tập thể dục thể thao hoặc dạy bé làm các công việc nhà là một cách làm giảm ảnh hưởng của chiếc điện thoại đối với trẻ.