Rôm sảy là bệnh dị ứng ngoài da thường gặp ở trẻ. Trẻ bị rôm sảy thường xuyên quấy khóc về đêm. Đấy cũng chính là nỗi ám ảnh đối với nhiều chị em khi phải chăm sóc con nhỏ. Bài viết giới đây sẽ cung cấp cho chị em những phương pháp trị rôm cho bé đơn giản, hiệu quả mà tuyệt đối an toàn cho thiên thần bé nhỏ của bạn.
Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy
Rôm sảy là hiện tượng dưới da xuất hiện các mụn nước, biểu hiện ra bên ngoài là các nốt mụn đỏ thường gây ra hiện tượng ngứa ngáy và khó chịu cho trẻ. Rôm sảy hay gặp vào mùa hè. Các vị trí thường xuyên xuất hiện rôm sảy như bẹn nách, háng, da đầu, vùng ngực, cổ, lưng…
Các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị rôm sảy có thể kể đến như sau:
- Quần áo, bỉm, tã mà mẹ mặc cho trẻ có chất liệu không thoáng mát, gây bí, nóng không thoát được mồ hôi.
- Tuyến mồ hôi của trẻ hoạt động kém nên không thoát được mồ hôi ra bên ngoài.
- Sốt cao hay với những trẻ phải chăm sóc trong điều kiện lồng kính quá lâu cũng làm cho tuyến mồ hôi của trẻ không thoát được mồ hôi như bình thường.
- Trẻ em có sức đề kháng yếu nên dễ bị các loại vi khuẩn trên da bám lên và tiết ra các loại chất nhờn gây bít tắc, cản trở hoạt động của tuyến mồ hôi.
- Thời tiết là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị rôm sảy. Trẻ thường bị rôm sảy vào mùa hè. Vào mùa lạnh, các nốt rôm sảy sẽ tự biến mất không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, khi trẻ ngứa gãi nếu làm xây xước da thì sẽ dễ bị nhiễm khuẩn từ đó xuất hiện các nốt mụn mủ, tệ hơn có thể gây viêm da ở các mức độ khác nhau.
Mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Rôm sảy là bệnh dị ứng ngoài da thường xuyên gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Đây không phải là bệnh nguy hiểm, có thể tự lành. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phải điều trị mới có thể khỏi được. Nếu bạn đang đau đầu vì đã thử rất nhiều cách nhưng tình trạng rôm sảy của bé vẫn không mấy cải thiện thì có thể tham khảo một số mẹo chữa rôm sảy rất hiệu quả dưới đây nhé.
Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Quần áo quá chật, chất liệu bí nóng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng trẻ bị rôm sảy. Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát là một mẹo rất đơn giản. Nhưng vì trẻ sơ sinh lớn lên theo từng ngày nên quần áo rất dễ bị nhỏ so với cơ thể, nếu mẹ không chú ý thì bé sẽ rất dễ bị rôm sảy và diễn biến nặng. Thực hiện mẹo này không chỉ giúp trẻ ngăn ngừa và điều trị tốt rôm sảy mà còn tạo điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện.
Tắm rửa vệ sinh hằng ngày cho trẻ
- Tắm rửa, vệ sinh hằng ngày cho trẻ giúp loại bỏ các loại vi khuẩn gây hại và các tế bào chết trên da. Tuyến mồ hôi trên da thông thoáng vì không còn tình trạng bít tắc do bã nhờn vi khuẩn tiết ra.
- Đặc biệt vào những ngày thời tiết nóng, tuyến mồ hôi của trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn bình thường, mẹ nên tắm cho trẻ hơn 1 lần trong ngày để đảm bảo thông thoáng cho trẻ.
Cho bé nằm trong phòng mát
Ở trong phòng mát có quạt hay điều hòa giúp trẻ tiết ít mồ hôi hơn và mồ hôi khi thoát ra bay hơi nhanh nên lỗ chân lông của trẻ không còn cơ hội bị bít tắc nữa.
Cho trẻ tắm bằng các nguyên liệu thảo dược
Các loại thảo dược luôn được các chuyên gia khuyên dùng trong chăm sóc cho trẻ, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Lý do đơn giản vì những loài thảo dược thường có những tác dụng tốt mà lại lành tính, dịu nhẹ phù hợp cho trẻ. Với những trường hợp bị bệnh dị ứng ngoài da, đặc biệt là rôm sảy thì dược liệu là luôn là lựa chọn hàng dầu dành cho các bà mẹ.
Lá trà xanh
- Từ xa xưa, khi mà các sản phẩm như sữa tắm chưa xuất hiện, ông cha ta đã biết sử dụng lá trà xanh để tắm cho trẻ để điều trị rôm sảy. Ngày nay, khi khoa học đã phát triển, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trong trà xanh có một hàm lượng chất catechin có khả năng kháng khuẩn, loại bỏ nhiều loại vi khuẩn sống ký sinh gây hại trên da của trẻ, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, bảo vệ trẻ trước các tác động tiêu cực từ môi trường mà lại còn rất dịu nhẹ, ít gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé.
- Để đạt hiệu quả tốt nhất thì nên chọn những lá trà xanh còn tươi, không bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Khi dùng phải đun bằng nước sôi để cho hoạt chất có trong lá trà được hòa vào nước và thực hiện chức năng của mình một cách toàn diện.
Mướp đắng
- Mướp đắng còn được biết đến với cái tên khổ qua. Quả mướp đắng được yêu chuộng trong chế biến các món ăn thường ngày. Ngoài ra, đây cũng là một trong những loại thảo dược có công dụng trong việc điều trị các bệnh ngoài da như mụn nhọt hay rôm sảy.
- Mướp đắng có tính hàn, không những không độc mà còn đem lại những lợi ích cho sức khỏe nói chung và làn da nói riêng. Mướp đắng có công dụng thanh nhiệt giải độc, đặc biệt hiệu quả khi dùng để điều trị các bệnh ngoài da. Đối với rôm sảy, khi tắm bằng mướp đắng sẽ làm dịu dần các nốt mụn đỏ, giảm ngứa, và làm chúng biến mất hoàn toàn trên làn da của bé.
- Bên cạnh đó, tắm bằng mướp đắng còn cung cấp cho da nhiều loại vitamin, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, giúp da khỏe mạnh, mềm mại hơn trông thấy.
Một vài cách để điều trị rôm sảy cho trẻ mà mẹ có thể tham khảo như:
- Dùng 1-2 quả mướp đắng xay nhuyễn, lọc lấy nước sau đó hòa với 5-10 lít nước sôi để nguội và trắm cho trẻ.
- Dùng 1-2 quả mướp đắng tươi nấu với nước sôi, để nguội và tắm cho trẻ. Mẹ có thể kết hợp thêm 1 ít muối trắng hòa tan vào nước vừa diệt khuẩn tốt hơn, vừa giúp da bé mát hơn. Chú ý chỉ cho 1 lượng rất nhỏ để không gây mất cân bằng cho da của trẻ.
- Dùng 1 quả mướp đắng tươi và 1 ít lá kinh giới xay nhuyễn, lọc lấy nước pha với nước sôi để nguội đến nhiệt độ vừa phải tắm cho trẻ để trị rôm sảy tận gốc.
Lá khế
- Chữa rôm sảy bằng lá khế là một bài thuốc dân gian phổ biến được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lá khế được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, mát da. Chỉ cần duy trì việc tắm cho trẻ bằng lá khế đều đặn thì tình trạng rôm sảy sẽ được đánh bay một cách nhanh chóng.
- Cách thực hiện vô cùng đơn giản, mẹ chỉ cần rửa sạch lá khế và nấu với nước sau đó để nguội, bỏ phần bã, lấy nước này tắm cho trẻ.
- Tuy nhiên phương pháp này chỉ khuyên dùng cho những trẻ bị rôm sảy vì việc tắm với lá khế có thể làm da của bé tối màu do lượng nhựa chứa trong lá. Và trái ngược với mướp đắng, đối với lá khế, mẹ không nên hòa tan muối vào nước vì nó không làm tăng hiệu quả điều trị mà thậm chí còn có thể làm cho bé có cảm giác khó chịu vì nhớp dính.
Lá tía tô
Chắc hẳn các mẹ không xa lạ gì khi nhắc đến lá tía tô vì đây là một loại rau thơm được dùng phổ biến trong các bữa ăn thường ngày. Nhưng khả năng chữa rôm sảy bằng lá tía tô thì không phải ai cũng biết. Theo Đông Y, lá tía tô có tác dụng thanh nhiệt cho trẻ, làm mát cơ thể nên dùng để điều trị rôm sảy rất hiệu quả.
Chỉ cần mẹ tắm cho trẻ bằng lá tía tô đúng cách thì tình trạng rôm sảy của bé sẽ nhanh chóng được cải thiện. Mẹ có thể tắm cho trẻ theo các bước sau đây:
- Bước 1: Lựa chọn lá tía tô tươi, sạch, tốt nhất lựa chọn lá tía tô rõ nguồn gốc không bị phun thuốc trừ sâu để tránh trường hợp gây dị ứng cho trẻ. Rửa sạch lá tía tô bằng nước muối và để ráo nước.
- Bước 2: Cho lá vào máy xay cùng với 100ml nước sạch. Lọc bỏ bã, lấy nước.
- Bước 3: Lấy lượng nước được lọc ở trên pha cùng với nước ấm để tắm cho trẻ. Chú ý nhiệt độ của nước, không quá lạnh cũng không quá nóng để tránh làm ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.
- Bước 4: Dùng khăn mềm thấm nước và xoa nhẹ nhàng lên da trẻ trong vòng 4-5 phút. Sau đó tắm lại một lần nữa bằng sữa tắm. Lau khô, mặc quần áo cho trẻ.
Cỏ mần trầu
- Cỏ mần trầu là loại cây mọc dại ở nhiều vùng miền đất nước. Trong cỏ mần trầu chứa một lượng lớn các chất như: tanin, saponin, flavonoid,… Loại cây này được sử dụng nhiều trong đông ý vì nó lành tính, có khả năng kháng khuẩn cao, giúp nâng cao sức đề kháng, có tác dụng trong điều trị nhiều loại bệnh như bệnh đái dầm ở trẻ nhỏ, bệnh vàng da, các loại bệnh ngoài da như viêm da, mụn nhọt… Đây cũng là loài cây được dùng để điều trị bệnh rôm sảy cho trẻ đem lại hiệu quả rất tốt.
- Để tắm cho trẻ bằng cỏ mần trầu bạn nên kết hợp 100g cỏ tươi và 20g cỏ khô. Đảm bảo rửa thật sạch, nên rửa cỏ bằng nước muối để loại bỏ bụi bẩn, các loại vi khuẩn. Sau khi đã sơ chế xong thì cho toàn bộ cỏ vào ấm đun sôi cùng với 2 lít nước. Khi ấm đã sôi thì hạ nhỏ lửa đun tiếp trong 5-7 phút. Để nước đến nhiệt độ vừa phải và tắm cho trẻ.
Lá trầu không
Trị rôm sảy bằng lá trầu không là bài thuốc dân gian được nhiều người biết đến và lựa chọn để chăm sóc cho bé con của mình. Khoa học đã chứng minh rằng trong lá trầu không chứa nhiều loại protein, chất béo, muối khoáng, chất xơ và một số loại carbohydrate. Đặc biệt hơn, trong các hoạt chất chứa trong lá trầu không có một loại phenol là chavicol có khả năng kháng khuẩn, khử trùng rất tốt, chính vì vậy lá trầu không thường được dùng để điều trị rôm sảy. Đó là lý do vì sao trong nhiều loại sữa tắm hầu như đều có thành phần chiết suất từ lá trầu không.
Để có một nồi nước trầu không mẹ chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản như sau:
- Chọn lá trầu không: lưu ý lá không nên quá non hay quá già, không bị sâu.
- Rửa lá bằng nước muối pha ở nồng độ loãng, rửa lại thật sạch.
- Thái nhỏ lá và cho vào ấm đun với 1-1,5 lít nước.
- Nên ngâm lá trong ấm khoảng 10-15 phút để các hoạt chất trong lá được hòa tan hoàn toàn vào nước.
- Để nước nguội đến nhiệt độ vừa phải và tắm cho bé. Để trị rôm sảy tận gốc thì nên duy trì tắm cho bé đều đặn đến khi khỏi hẳn.
Bôi kem trị rôm sảy
- Bôi Kem trị rôm sảy cũng là một trong những phương pháp được nhiều chị em lựa chọn. Nhu cầu sử dụng ngày càng cao cùng với đó là sự phát triển của công nghệ hiện đại dẫn đến sự xuất hiện nhiều dòng sản phẩm kem trị rôm sảy thuộc nhiều thương hiệu khác nhau.
- Kem trị rôm sảy thường có thành phần chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp loại bỏ những thành phần không có lợi hay thậm chí là có hại đối với sức khỏe của trẻ và chọn lọc những thành phần có tác dụng có lợi trong điều trị. Tuy nhiên, nhiều loại kem trị rôm sảy chứa các thành phần hóa học ví dụ như chất bảo quản có thể gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của trẻ.
- Mẹ nên chú ý đọc thành phần của các loại kem trị rôm sảy trước khi mua và dùng cho trẻ xem bé có bị dị ứng với bất kì thành phần nào không. Nếu trong quá trình sử dụng bé có dấu hiệu bị kích ứng thì nên dừng lại ngay, trường hợp bé bị kích ứng mạnh nên đưa đi bác sĩ để được thăm khám. Trước khi bôi kem cho trẻ nên tắm sạch sẽ cho trẻ, lau khô trẻ trước khi bôi và sau khi bôi nên mặc quần áo thoáng mát cho trẻ để không bị phản tác dụng.
- Bên cạnh đó, mẹ cũng nên ưu tiên chọn những sản phẩm của các hãng nổi tiếng hoặc các hãng nhận được nhiều phản hồi tốt. Nên tìm mua kem tại các địa chỉ uy tín như hiệu thuốc hay các cửa hàng lớn để tránh trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái vừa mất tiền, vừa có hại cho trẻ.
- Một số sản phẩm kem trị rôm sảy mẹ có thể tham khảo như kem trị rôm sảy dành cho trẻ sơ sinh Skina Babe của Nhật Bản, kem Em Bé, kem trị hăm ngứa, rôm sảy Kowa Nhật Bản, Yoosun rau má… Đây đều là những sản phẩm được nhiều mẹ tin dùng vì công dụng tuyệt vời mà nó mang lại đồng thời ít gây kích ứng cho trẻ.
Cho trẻ ăn và uống đồ mát
Đây là phương pháp được các bác sĩ khuyên mẹ nên duy trì hàng ngày, ngay cả khi bé không bị rôm sảy. Việc cho bé ăn và uống đồ mát giúp trẻ tăng sức đề kháng để chống chọi với mọi nguy cơ gây hại từ bên ngoài.
Uống các loại nước được nấu từ rau củ có nguồn gốc tự nhiên không những có khả năng hạ nhiệt cực tốt, làm mát cơ thể mà còn bù nước và điện giải cho bé. Nếu mẹ đang phân vân không biết nên cho bé uống nước gì thì có thể tham khảo một số loại nước được nêu ra dưới đây:
- Nước rau ngô: Đây là loại nước dễ uống, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Nước rau ngô vừa thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, cung cấp nước vừa có tác dụng trong điều trị các loại mụn nhọt, mẩn ngứa, phát ban, làm dịu đi cảm giác đau tại các vết côn trùng cắn.
- Nước rau má: Rau má là loại cây khá phổ biến ở Việt Nam, được dùng phổ biến trong dân gian. Rau má vừa có tác dụng lợi tiểu, mát gan, giải độc gan vừa có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh ngoài da đặc biệt là mụn nhọt, rôm sảy. Tuy nhiên nước rau má chỉ nên dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và cũng không nên dùng quá 35g/ngày.
- Bột sắn dây: Đây là thức uống được yêu thích đặc biệt là vào mùa hè nóng nực. Sắn dây có tính mát, thanh nhiệt tốt. Uống nước sắn dây hàng ngày không chỉ giúp trẻ trị rôm sảy mà còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Chú ý không nên dùng ở dạng pha với nước lạnh mà phải pha với nước ấm. Đối với trẻ chỉ nên dùng một hàm lượng nhỏ để tránh trường hợp bị đi ngoài hay đau bụng.
Ngoài việc cho trẻ uống nước thì việc thường xuyên cung cấp các loại vitamin và dưỡng chất cho trẻ qua các loại hoa quả là điều mẹ cũng nên làm. Một số loại trái cây tốt cho trị rôm sảy như dâu tây, dưa leo, lê…
Một số lưu ý cần nhớ khi dùng lá chữa rôm sảy cho bé
Dùng lá chữa rôm sảy cho trẻ là một trong những phương pháp được dùng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm thì trong quá trình thực hiện có thể bé của bạn sẽ bị dị ứng hoặc không có hiệu quả điều trị tốt. Để chăm sóc cho bé tốt nhất khi bị rôm sảy, mẹ nên lưu ý một số điều sau đây:
- Kiểm tra da trẻ để biết da thuộc loại nào và nên lựa chọn loại lá nào để không gây dị ứng cho trẻ.
- Dù là mẹ sử dụng loại lá nào thì cũng phải đảm báo khâu chế biến phải sạch để loại bỏ các loại bụi bẩn, vi khuẩn hay thậm chí là các loại thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình chăm sóc cây.
- Nên tắm cho bé bằng các loại sữa tắm trước rồi mới tắm nước nấu từ lá, vì các loại nước này không có khả năng loại bỏ chất nhờn được tiết ra trên da trẻ.
- Sau khi tắm bằng nước lá thì nên tắm lại một lần nữa bằng nước ấm để rửa trôi các chất tồn dư trên da bé.
- Không nên cho quá nhiều muối hay chanh vào nước vì dễ gây kích ứng cho da trẻ.
- Không tắm cho trẻ bằng nước nấu quá đặc.
Trên đây là một số phương pháp thường xuyên được áp dụng để điều trị rôm sảy cho trẻ. Mẹ hãy cân nhắc thật kĩ để lựa chọn được phù hợp với con mình nhé.