Thuốc Levofloxacin: Tác dụng, chỉ định, lưu ý tác dụng phụ khi sử dụng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Levofloxacin tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Levofloxacin là gì? Levofloxacin có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Levofloxacin là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Levofloxacin là 1 kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh quinolone thế hệ thứ ba. Thuốc là đồng phân tả tuyền của ofloxacin. Cả levofloxacin và ofloxacin đều được tổng hợp và phát triển bởi các nhà khoa học tại Daiichi Seiyaku. Các nhà khoa học tại Daiichi đều biết rằng ofloxacin là 1 hỗn hợp racemic (tỉ lệ 50:50 của 2 đồng phân R và S), họ đã cố gắng để tách hai đồng phân nhưng không thành công. Năm 1985, họ đã thành công trong việc tổng hợp riêng 1 mẫu levofloxacin tinh khiết và thấy rằng nó ít độc tính hơn và mạnh hơn so với dạng racemic.

 Cấu trúc hóa học của levofloxacin.
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của levofloxacin.

Nó được chấp thuận lần đầu cho tiếp thị tại Nhật Bản năm 1993 ở dạng đường miệng dưới tên thương mại Cravit. Daiichi đã làm việc với Johnson & Johnson như với ofloxacin, và levofloxacin đã được FDA phê duyệt năm 1996 dưới tên thương mại Levaquin để điều trị viêm xoang do vi khuẩn, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, nhiễm trùng da không biến chứng, nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng và viêm thận – bể thận cấp tính.
Thuốc Levaquin
Hình ảnh: Thuốc Levaquin

Levofloxacin được tiếp thị bởi Sanofi-Aventis trên thị trường theo thỏa thuận cấp phép đã kí với Daiichi năm 1993 dưới tên thương mại Tavanic. Levofloxacin đã là 1 thuốc bom tấn cho đến thời điểm này. Doanh số bán hàng trên toàn thế giới của levofloxacin và ofloxacin của riêng Johnson & Johnson là 1.6 tỷ USD trong năm 2009.
Thuốc Tavanic
Hình ảnh: Thuốc Tavanic

Thời hạn của bằng sáng chế levofloxacin ở Hoa Kỳ đã được Cục thương hiệu và bản quyền sáng chế Hoa Kỳ kéo dài thêm 810 ngày theo các điều khoản của Hatch Waxman Amendment. Do vậy bằng sáng chế hết hạn vào năm 2010 thay vì năm 2008. Sự mở rộng này đã bị thách thức bởi nhà sản xuất thuốc generic Lupin Pharmaceuticals, họ cho rằng bằng sáng chế không bao gồm 1 “sản phẩm” và vì vậy, Hatch-Waxman không được phép kéo dài. Tuy nhiên, tòa án bằng sáng chế liên bang đã phán quyết ủng hộ Johnson & Johnson và Daiichi, và các phiên bản generic của levofloxacin không tham gia vào thị trường Hoa Kỳ cho đến năm 2009.

Dược lực học

Levofloxacin là 1 quinolone thế hệ thứ ba. Thế hệ này đặc trưng bởi phổ tác dụng của chúng đã vượt qua các quinolone 2 thế hệ trước đó. Trong khi 2 thế hệ trước đó phổ tác dụng chỉ tập trung vào vi khuẩn gram âm, thì đến thế hệ thứ ba này các kháng sinh quinolone đã có thể mở rộng phổ trên vi khuẩn gram dương. Đặc biệt chúng tác dụng rất tốt trên phế cầu nên có thể dùng thay thế trong các trường hợp viêm đường hô hấp mà người bệnh không thể dùng các kháng sinh khác mà ở đây chủ yếu là nhóm β-lactam.
Levofloxacin hoạt động theo cơ chế ức chế 2 enzyme rất quan trọng trong quá trình nhân lên của vi khuẩn, đó là DNA gyrase và Topoisomerase IV. Khi 2 enzyme này bị ức chế, quá trình nhân lên của vi khuẩn bị rối loạn, vi khuẩn không thể nhân lên rồi vỡ ra và chết. Đây là nhóm kháng sinh diệt khuẩn.
Do ức chế cả 2 enzyme nên khả năng vi khuẩn đề kháng được với kháng sinh khó hơn so với các nhóm kháng sinh khác – hầu như chỉ có 1 đích tác dụng. Không quan sát thấy sự đề kháng chéo giữa các quinolones.
Thuốc cũng có 2 cơ chế khác ức chế vi khuẩn, tuy nhiên chỉ đóng vai trò thứ yếu: Thứ nhất là tạo phức chelate với các ion kim loại trong các protein của vi khuẩn, làm bất hoạt protein đó, thứ hai là tạo ra các gốc tự do làm tổn thương DNA của tế bào vi khuẩn.
Các vi khuẩn nhạy cảm với levofloxacin:
Aeromonas hydrophila, Campylobacter jejuni, Citrobacter diversus, C.freundii, Chlamydia pneumoniae, Enterococcus faecalis, Enterobacter cloacae, E.coli, Haemophilus influenzae, H.parainfluenzae, Klebsiella pneumoniae, Legionella pneumophila, Morganella morganii, Moraxella catarrhalis, Proteus mirabilis, Providencia spp, Pseudomonas aeruginosa, Serratia spp., Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, S.pyogenes, Ureaplasma urealyticum
Chỉ định đầu tay:
C.jejuni, C.freundii, Enterobacter spp..
Kháng sinh quionolone là nhóm kháng sinh dự trữ, thường chỉ được mang ra sử dụng khi thật sự cần thiết để giảm sự đề kháng và tiết kiệm kháng sinh. Hơn nữa các tác dụng phụ của quinolone là không hề ít nếu so với các nhóm kháng sinh khác.
Tuy nhiên với tình trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lí cùng với cơ chế quản lí không tốt, mua kháng sinh quá dễ dàng đã dẫn đến hệ lụy nguy hiểm đó là tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng cao tại Việt Nam, kể cả nhóm quinolone. Để tìm hiểu kĩ hơn về dự đề kháng quinolone, bạn đọc có thể tham khảo bài viết về kháng sinh Ciprofloxacin.

Tóm tắt cơ chế đề kháng của vi khuẩn với quinolone. (1) Đột biến đích tác dụng của kháng sinh là DNA gyrase và Topoisomerase IV. (2) Kháng qua trung gian plasmide. (2a) Protein Qnr (vàng) bảo vệ phức hợp enzyme và giảm khả năng gắn của các quinolones. (2b) Biến đổi cấu trúc (acetyl hóa) chính kháng sinh. (2c) Hoạt hóa bơm tống thuốc làm giảm nồng độ các quinolone trong tế bào. (3) Kháng qua trung gian nhiễm sắc thể. (3a) Sự thiếu sót ở các kênh porin làm giảm hấp thu thuốc. (3b) Sự biểu hiện quá mức của các bơm tống thuốc.
Hình ảnh:Tóm tắt cơ chế đề kháng của vi khuẩn với quinolone. (1) Đột biến đích tác dụng của kháng sinh là DNA gyrase và Topoisomerase IV. (2) Kháng qua trung gian plasmide. (2a) Protein Qnr (vàng) bảo vệ phức hợp enzyme và giảm khả năng gắn của các quinolones. (2b) Biến đổi cấu trúc (acetyl hóa) chính kháng sinh. (2c) Hoạt hóa bơm tống thuốc làm giảm nồng độ các quinolone trong tế bào. (3) Kháng qua trung gian nhiễm sắc thể. (3a) Sự thiếu sót ở các kênh porin làm giảm hấp thu thuốc. (3b) Sự biểu hiện quá mức của các bơm tống thuốc.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm so sánh levofloxacin 750 mg 1 lần/ngày trong 5 ngày với ciprofloxacin 400 và / hoặc 500 mg 2 lần/ngày trong 10 ngày trong điều trị viêm thận – bể thận cấp tính.

So sánh levofloxacin và ciprofloxacin
Hình ảnh: So sánh levofloxacin và ciprofloxacin

Các tác giả: Klausner HA, Brown P, Peterson J, Kaul S, Khashab M, Fisher AC và Kahn JB từ Bệnh viện Henry Ford, Detroit, MI, Hoa Kỳ.
Mục tiêu: 1 thử nghiệm mù đôi, không kém hơn đã được thực hiện để xác định tính an toàn và hiệu quả của levofloxacin 750 mg 1 lần/ngày x 5 ngày với ciprofloxacin 400 và / hoặc 500 mg 2 lần/ngày x 10 ngày trong nhiễm trùng tiết niệu có biến chứng (cUTI) và viêm thận – bể thận cấp tính (AP). Báo cáo này tập trung vào các đối tượng AP.
Thiết kế nghiên cứu và phương pháp: Các đối tượng nam và nữ trưởng thành có dấu hiệu lâm sàng và triệu chứng của AP và có xác nhận của phòng thí nghiệm về chẩn đoán của họ đã được chọn ngẫu nhiên để nhận 1 liều levofloxacin 750 mg mỗi ngày tĩnh mạch (IV) hoặc uống (PO) và 1 liều giả dược trong 5 ngày, sau đó dùng giả dược; hoặc ciprofloxacin 400 mg IV và / hoặc 500 mg PO 2 lần/ngày trong 10 ngày.
Thang đo kết quả chính: Điểm cuối chính là sự loại trừ vi khuẩn sau điều trị (ngày nghiên cứu 15-22). Kết quả thứ cấp bao gồm đáp ứng lâm sàng, an toàn và độ dung nạp.
Kết quả: Trong những người có ý định điều trị đã sửa đổi(mITT) (levofloxacin 94, ciprofloxacin 98), 83% các đối tượng được điều trị bằng levofloxacin và 79.6% các đối tượng được điều trị bằng ciprofloxacin đã đạt được loại trừ vi khuẩn (chênh lệch -3.4, 95% CI -14.4%, 7.6%). Trong những người có thể đánh giá vi khuẩn (ME) (levofloxacin 80, ciprofloxacin 76), 92.5% các đối tượng được điều trị bằng levofloxacin so với 93.4% các đối tượng được điều trị bằng ciprofloxacin (chênh lệch -0.9, 95% CI -7.1%, 8.9%) đạt được sự loại bỏ vi khuẩn. Thành công lâm sàng đã đạt được ở 86.2% so với 80.6% (mITT) và 92.5% so với 89.5% (ME) tương ứng ở các đối tượng được điều trị bằng levofloxacin và ciprofloxacin. Escherichia coli là vi khuẩn gây bệnh đường niệu được phân lập thường xuyên nhất. Rất ít (2.1%) mầm bệnh kháng fluoroquinolone. Các phản ứng bất lợi (AE) tương tự như các phản ứng đã thấy trước đây với cả 2 thuốc. Những hạn chế tiềm năng là phân tích này dựa trên một tập hợp các đối tượng từ một nghiên cứu lớn hơn và do thời gian điều trị khác nhau, các kết quả có thể có thiên hướng chống lại levofloxacin.
Kết luận: Điều trị với liều cao, trong ngắn hạn bằng levofloxacin ở những người bị AP có hiệu quả tương đương ít nhất bằng liệu pháp 10 ngày tiêu chuẩn sử dụng ciprofloxacin.

Dược động học

Hấp thu: Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng (F) đạt 99%. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1-2 giờ.
Phân bố: Thuốc qua được hàng rào máu não. Nồng độ thuốc trong dịch não tủy bằng 15% nồng độ thuốc trong huyết thanh. Thuốc tập trung cao trong tiền liệt tuyến, mô phụ khoa, xoang, sữa mẹ, nước bọt. Thể tích phân bố (Vd) là 74-112 L.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa hạn chế ở người.
Thải trừ: Thời gian bán thải 6-8 giờ. Bài xuất qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng không đổi. Sau khi uống, 87% lượng thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi trong vòng 48 giờ và dưới 4% trong phân trong vòng 72 giờ.

Chỉ định và liều dùng

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng:
500 mg PO/IV 1 lần/ngày x 7-14 ngày hoặc 750 mg PO/IV 1 lần/ngày x 5 ngày.

Viêm phổi mắc phải tại công đồng
Hình ảnh: Viêm phổi mắc phải tại công đồng

Viêm phổi bệnh viện:
750 mg PO/IV 1 lần/ngày x 7-14 ngày.
Viêm xoang cấp do vi khuẩn:
500 mg PO/IV 1 lần/ngày x 7-14 ngày hoặc 750 mg PO/IV 1 lần/ngày x 5 ngày.
Chỉ sử dụng fluoroquinolones trong trường hợp không còn lựa chọn khác cho viêm xoang cấp.
Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính do vi khuẩn:
500 mg PO/IV 1 lần/ngày x tối thiểu 7 ngày.
Chỉ sử dụng fluoroquinolones trong trường hợp không còn lựa chọn khác cho đợt cấp của viêm phế quản mạn tính do vi khuẩn.
Bệnh than do hít phải:
Điều trị sau phơi nhiễm.
500 mg PO 1 lần/ngày x 60 ngày, bắt đầu sau phõi nhiễm càng sớm càng tốt.
Nhiễm trùng da và cấu trúc da:
Không biến chứng: 500 mg PO/IV 1 lần/ngày x 7-10 ngày.
Biến chứng: 750 mg PO/IV 1 lần/ngày x 7-14 ngày.
Viêm tiền liệt tuyến mạn tính do vi khuẩn:
500 mg PO/IV 1 lần/ngày x 28 ngày.
Nhiễm trùng tiết niệu biến chứng và viêm thận – bể thận cấp tính:
250 mg PO/IV 1 lần/ngày x 10 ngày hoặc 750 mg PO/IV 1 lần/ngày x 5 ngày.
Viêm bể thận
Hình ảnh: Viêm bể thận

Nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng:
250 mg PO/IV 1 lần/ngày x 3 ngày.
Chỉ sử dụng fluoroquinolones trong trường hợp không còn lựa chọn khác cho nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng.
Dịch hạch:
Điều trị và dự phòng dịch hạch, bao gồm cả viêm phổi và nhiễm trùng huyết, gây ra do Yersinia pestis ở người trưởng thành và bệnh nhân nhi từ 6 tháng tuổi trở lên.
Mụn trứng cá (Chỉ định ngoài nhãn):
100 mg PO 3 lần/ngày x 28 ngày.
Viêm mào tinh hoàn (Chỉ định ngoài nhãn):
500 mg PO 1 lần/ngày x 10 ngày.
Nhiễm trùng phổi do Pseudomonas aeruginosa (Chỉ định mồ côi).
Điều trị nhiễm trùng phổi do Pseudomonas aeruginosa hoặc các vi khuẩn khác ở bệnh nhân xơ nang.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:
Liều bình thường 750 mg/ngày:

  • CrCL 20-49 mL/phút: 750 mg mỗi 2 ngày.
  • CrCl 10-19 mL/phút hoặc thẩm tách máu/thẩm phân phúc mạc (HD/PD): Liều khởi đầu 750 mg, sau đó 500 mg mỗi 2 ngày.

Liều bình thường 500 mg/ngày:

  • CrCl 20-49 mL/phút: Liều khởi đầu 500 mg, sau đó 250 mg/ngày.
  • CrCl 10-19 mL/phút hoặc HD/PD: Liều khởi đầu 500 mg, sau đó 250 mg mỗi 2 ngày.

Liều bình thường 250 mg/ngày:

  • CrCL 20-49 mL/phút: Không cần chỉnh liều.
  • CrCl 10-19 mL/phút: 250 mg mỗi 2 ngày, không cần chỉnh liều trong nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng.
  • HD/PD: Không có dữ liệu.

Tác dụng phụ

Thường gặp (1-10%):

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn (7%), tiêu chảy (5%), táo bón (3%), khó tiêu (2%), nôn (2%).
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu (6%), mất ngủ (4%), chóng mặt (3%), mệt mỏi (1%),
  • Phản ứng trên da: Phát ban (2%), phản ứng tại vị trí tiêm (1%), phù (1%), ngứa (1%).
  • Đau ngực (1%), đau (1%), khó thở (1%).
  • Nhiễm nấm Candida (1%), viêm âm đạo (1%).

Tác dụng phụ < 1%:

  • Rối loạn tim: Ngừng tim, đánh trống ngực, nhịp nhanh thất, rối loạn nhịp tim.
  • Rối loạn thần kinh: Run rẩy, co giật, dị cảm, chóng mặt, tăng trương lực cơ, tăng động, dáng đi bất thường, buồn ngủ, ngất.
  • Rối loạn chuyển hóa: Hạ đường huyết, tăng đường huyết, tăng kali máu.
  • Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Đau khớp, viêm gân, đau cơ, đau xương.
  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm dạ dày, viêm miệng, viêm tụy, viêm thực quản, viêm dạ dày – ruột, viêm lưỡi, viêm đại tràng giả mạc do C.difficile.
  • Rối loạn chức năng gan mật: Chức năng gan bất thường, tăng men gan, tăng phosphatase kiềm.
  • Rối loạn tâm thần: Lo lắng, kích động, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác, ác mộng, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, giấc mơ bất thường.
  • Rối loạn khác: Phản ứng quá mẫn miễn dịch, suy thận cấp, mày đay, viêm tĩnh mạch, chảy máu cam.

Báo cáo hậu mãi (Postmarketing Reports):

  • Rối loạn tim: Khoảng QT kéo dài, xoắn đỉnh, nhịp tim nhanh.
  • Rối loạn mạch máu: Phình tách động mạch chủ.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Đứt gân, chấn thương cơ, tiêu cơ vân.
  • Rối loạn da và mô dưới da: Hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng, nhạy cảm ánh sáng / quang độc tính, viêm mạch máu quá mẫn.
  • Rối loạn thận và tiết niệu: Viêm thận kẽ.
  • Rối loạn mạch máu: Giãn mạch, tăng nguy cơ phình tách động mạch chủ.
  • Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết: Giảm 3 dòng tế  bào máu ngoại vi, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu, thiếu máu tan huyết, tăng bạch cầu ái toan.
  • Rối loạn chức năng gan mật: Suy gan, viêm gan, vàng da.
  • Rối loạn tâm thần: Tâm thần, hoang tưởng ảo giác, có ý định tự tử, lo lắng, trầm cảm.
  • Rối loạn thần kinh: Làm trầm trọng thêm nhược cơ, rối loạn khứ giác, mất khứu giác, rối loạn vị giác, mất vị giác, bệnh lý thần kinh ngoại biên, điện não đồ bất thường, khó phát âm, giả u não, nhức đầu dữ dội, lú lẫn.
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Các báo cáo riêng về viêm phổi dị ứng.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Phản ứng quá mẫn, có thể gây tử vong: phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, phù mạch, bệnh huyết thanh.
  • Rối loạn mắt: Viêm màng bồ đào, rối loạn thị lực (bao gồm chứng song thị), thị lực giảm, nhìn mờ.
  • Rối loạn thính giác: Giảm thính lực, ù tai.
  • Rối loạn khác: Sốt, suy đa tạng.

Lưu ý và thận trọng

Thuốc Levofloxacin
Hình ảnh: Thuốc Levofloxacin

Cảnh báo hộp đen:
Cả fluoroquinolones đường uống và đường tiêm đều gây ra các tác dụng phụ liên quan đến gân, cơ, khớp, dây thần kinh và hệ thần kinh trung ương: Viêm gân, đứt gân, bệnh thần kinh ngoại biên và ảnh hưởng trên thần kinh trung ương. Các phản ứng có hại nghiêm trọng này có thể không đảo ngược được và tổn tại vĩnh viễn.
Ngừng thuốc ngay lập tức ở những bệnh nhân gặp phải bất kì phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào trong số này.
Tránh sử dụng fluoroquinolones ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh nhược cơ do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Chỉ sử dụng fluoroquinolones cho những bệnh nhân mắc các bệnh: viêm xoang cấp tính, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính và nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng khi không còn lựa chọn điều trị thay thế nào khác.
Với một số nhiễm khuẩn nghiêm trọng như bệnh than, dịch hạch và viêm phổi do vi khuẩn, lợi ích của fluoroquinolones vượt trội hơn rủi ro và là một lựa chọn điều trị phù hợp.
Thận trọng:
Phản ứng phản vệ và dị ứng da nghiêm trọng (có thể tử vong) có thể xảy ra ngay sau liều đầu tiên.
Thận trọng với độc tính trên máu và thận.
Nhiễm độc gan đã được báo cáo.
Tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá mức có thể dẫn đến nhiễm độc quang từ trung bình đến nặng.
Hạ đường huyết gây tử vong đã được báo cáo ở bệnh nhân cao tuổi có hoặc không có bệnh tiểu đường.
Có thể gây viêm đại tràng liên quan đến C.difficile.
Sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn.
Kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh đã được báo cáo. Tránh sử dụng ở những bệnh nhân đã biết có kéo dài khoảng QT, người hạ kali máu và người dùng thuốc gây kéo dài khoảng QT khác.
Trong điều trị kéo dài, thực hiện đánh giá định kì chức năng các hệ thống cơ quan (thận, gan, hệ tạo máu), chỉnh liều trong suy thận.
Bệnh nhân nhi có thể tăng tỉ lệ mắc các bệnh cơ xương khớp (ví dụ: đau khớp, viêm khớp, viêm gân, dáng đi bất thường).
Khởi phát cấp tính của bong võng mạc tăng gấp 4.5 lần với fluoroquinolones đường uống trong một nghiên cứu bệnh-chứng đơn – JAMA 2012;307(13):1414-1419. Một nghiên cứu khác chống lại những phát hiện này (nguy cơ tương đối, 1.29) – JAMA 2013;310(20):2184-2190.
Tiêu chảy liên quan đến C.difficile (CDAD) đã được báo cáo. Nếu nghi ngờ hoặc xác nhận CDAD, cần dừng thuốc và điều trị CDAD bằng kháng sinh nhạy với C.difficile (vancomycin hoặc metronidazole), bù nước và điện giải thích hợp.
Kê kháng sinh khi không nhiễm khuẩn đã được chứng minh không mang lại lợi ích cho bệnh nhân và làm tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn kháng thuốc.
Tăng nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, bao gồm: co giật, tăng áp lực nội sọ, giả u não và rối loạn tâm thần nhiễm độc; hồi hộp, kích động, lo lắng, mất ngủ, ác mộng, hoang tưởng, ảo giác, chóng mặt, lú lẫn, run, trầm cảm, ý định tự tử. Khi gặp những triệu chứng này, ngừng điều trị và chăm sóc thích hợp.
Thuốc kích hoạt cơn động kinh hoặc hạ thấp ngưỡng động kinh. Thận trọng với bệnh nhân động kinh, rối loạn thần kinh trung ương có thể dẫn đến co giật hoặc hạ thấp ngưỡng động kinh hoặc có các yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến co giật hoặc hạ thấp ngưỡng động kinh.
Cảnh báo của FDA ngày 10/7/2018:
Hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân đái tháo đường đang dùng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin. Thận trọng với những bệnh nhân này.
Rối loạn tâm thần như rối loạn chú ý, mất phương hướng, hồi hộp, kích động, giảm trí nhớ và mê sảng. Nếu các triệu chứng này xảy ra, ngừng thuốc và chuyển nhóm kháng sinh khác nếu được.
Cảnh báo của FDA ngày 20/12/2018:
Tăng tỉ lệ phình tách động mạch chủ, đặc biệt ở người già, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu ngoại biên, hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan. Đổi kháng sinh nếu được. Nếu không thể, theo dõi các triệu chứng và nếu có dấu hiệu của phình tách động mạch chủ, ngừng thuốc ngay lập tức.
Phụ nữ mang thai: Levofloxacin không được chứng minh là làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh lớn, sảy thai hoặc gây ra các tác dụng bất lợi cho mẹ hoặc thai nhi.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc bài tiết qua sữa mẹ. Không có thông tin thuốc có liên quan đến ảnh hưởng trên sản xuất sữa hoặc ảnh hưởng trên trẻ bú mẹ. Không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc và trong 2 ngày kể từ liều cuối cùng (5.t­1/2).

Tương tác thuốc

Dùng cùng các thuốc, sản phẩm chứa ion kim loại nặng (multivitamin, viên bổ sung sắt, thuốc kháng acid dạ dày…): Giảm hấp thu levofloxacin do tạo phức chelate với ion kim loại nặng. Dùng cách nhau ít nhất 3 giờ.
Dùng cùng các thuốc gây kéo dài khoảng QT (các thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I và IIIA, cisapride, entrectinib, glasdegib, indapamide, inotuzumab…): Nguy cơ gây kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, rung thất.

Tương tác thuốc levofloxacin và cisaprida
Hình ảnh: Tương tác thuốc levofloxacin và cisaprida

Dùng cùng các kháng sinh kìm khuẩn (tetracycline, macrolide…): Gây giảm tác dụng của levofloxacin.
Dùng cùng các kháng sinh diệt khuẩn (β-lactam, aminoside…): Có thể phối hợp tạo ra tác dụng hiệp đồng.
Dùng cùng các NSAIDs: Tăng tác dụng phụ trên thần kinh trung ương.
Dùng cùng vaccin BCG sống, vaccin tả, vaccin thương hàn sống: Giảm tác dụng của vaccin.
Dùng cùng methyl aminolevulinate: Tăng độc tính của thuốc dùng cùng.
Dùng cùng tretinoin: Tăng quang độc tính.
Dùng cùng acarbose: Tăng tác dụng hạ đường huyết của acarbose.
Dùng cùng thuốc tránh thai đường uống: Có thể giảm tác dụng tránh thai.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với levofloxacin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4053061/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3215342/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5328580/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1479115/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC89869/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây