Thuốc Ibuprofen: Tác dụng, chỉ định, tác dụng phụ, chống chỉ định

5/5 - (2 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc có hoạt chất là Ibuprofen tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Ibuprofen là gì? Ibuprofen có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Ibuprofen là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Ibuprofen là 1 thuốc thuộc nhóm hạ sốt, giảm đau và chống viêm không steroid (NSAIDs). Nó được phân vào nhóm dẫn xuất của acid propionic và được sử dụng nhiều ở châu Âu (giống như paracetamol ở Việt Nam).
Giai đoạn 1950-1960, người ta tập trung vào nghiên cứu và tìm những hoạt chất mới cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm như aspirin nhưng mong muốn cải thiện các tác dụng phụ của nó. Ibuprofen được khám phá bởi 1 nhóm của Stewart Adams và đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp năm 1961. Ban đầu ông thử dùng nó điều trị chứng nôn nao của mình. Sau đó thuốc được ra mắt ở Vương quốc Anh năm 1969 và Hoa Kỳ năm 1974 để điều trị viêm khớp dạng thấp. Sau đó tương ứng vào các năm 1983 và 1984, ibuprofen trở thành thuốc không kê đơn (OTC) đầu tiên ở 2 nước này chứ không phải aspirin. Adams sau đó được trao giải thưởng OBE năm 1987.

Công thức hóa học Ibuprofen
Hình ảnh: Công thức hóa học Ibuprofen

Hiện nay ibuprofen OTC có sẵn tại các hiệu thuốc trên toàn thế giới, cũng như trong các siêu thị và các nhà bán lẻ nói chung khác.

Dược lực học

Ibuprofen nói riêng và các NSAIDs nói chung đều có 4 tác dụng kinh điển: hạ sốt, giảm đau, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu.
Sinh lý:
Khi xảy ra quá trình viêm, phoospholipid màng tế bào dưới tác dụng của phospholipase A2, chuyển nó thành acid arachidonic. Từ đây, acid arachidonic đi theo các hướng khác nhau tạo ra các sản phẩm khác nhau:

  • COX-1 (cyclooxygenase-1): COX-1 có tác dụng chuyển acid arachidonic thành prostaglandin sinh lý (tăng bài tiết dịch vị dạ dày và tăng sức lọc cầu thận) và thromboxan A2 (đóng vai trò trong kết tập tiểu cầu).
  • COX-2 (cyclooxygenase-2): Chuyển acid arachidonic thành các prostaglandin gây viêm, tạo ra đáp ứng viêm.
  • LOX (lipoxygenase): Chuyển acid arachidonic thành leucotrien gây viêm và co thắt phế quản.

Sinh lý quá trình viêm
Hình ảnh: Sinh lý quá trình viêm

Hạ sốt:
Các yếu tố gây sốt ngoại sinh hoặc nội sinh tác dụng lên bạch cầu, làm chúng tiết ra chất gây sốt nội tại. Các chất gây sốt nội tại hoạt hóa prostaglandin synthetase làm tăng tổng hợp prostaglandin E1 và E2 từ acid arachidonic vùng dưới đồi gây mất cân bằng cơ chế điều nhiệt (tăng các quá trình sinh nhiệt, giảm các quá trình thải nhiệt) gây nên sốt.
Ibuprofen ức chế prostaglandin synthetase làm giảm prostaglandin E1 và E2 do đó ức chế sinh nhiệt, tăng thải nhiệt, tái lập cân bằng cho trung tâm điều nhiệt.
Giảm đau:
Thuốc làm giảm tổng hợp prostaglandin F2, gây giảm cảm thụ của ngọn dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau từ phản ứng viêm như bradykinin, serotonin…
Thuốc có tác dụng giảm đau nhẹ đến vừa, đặc biệt là đau do viêm.
Chống viêm:
Ibuprfen ức chế COX nên giảm tổng hợp prostaglandin là chát trung gian hóa học gây viêm, do đó giảm quá trình viêm. Tuy nhiên do ức chế cả COX-1 nên gây ra các tác dụng không mong muốn trên thận và tiêu hóa.
Ngoài ra thuốc còn ức chế với enzyme phân hủy protein, làm bền màng lysosome, đối kháng tác dụng của bradykinin, histamin, serotonin… ức chế khả năng di chuyển và tính hóa ứng động bạch cầu.
Ức chế kết tập tiểu cầu:
Thuốc ức chế thromboxan synthetase nên làm giảm tổng hợp thromboxan A2 gây chống kết tập tiểu cầu.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, đa trung tâm, mù đôi của ibuprofen so với acetaminophen (paracetamol) và giả dược trên triệu chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ em.

So sánh ibuprofen và paracetamol
Hình ảnh: So sánh ibuprofen và paracetamol

Các tác giả: Bertin L, Pons G, d’Athis P, Duhamel JF, Maudelonde C, Lasfargues G, Guillot M, Marsac A, Debregeas B và Olive G.
219 trẻ em (trai: 56%, gái: 44%) được đưa vào một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm (4 trung tâm) được thiết kế để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của ibuprofen (IBU) trong điều trị cho trẻ em 1-6 tuổi bị viêm tai giữa cấp tính (AOM) đã được chứng minh bằng soi tai, 1 bên hoặc 2 bên. Các em được nhận ngẫu nhiên 10 mg/kg IBU (n = 71) hoặc acetaminophen (PARA) (n = 73) hoặc giả dược (PLA) (n = 75), đường uống, 3 lần/ngày trong 48 giờ. Tất cả đều được nhận cefaclor đường uống (Alfatil, Lilly) trong 7 ngày. Các em đã được đánh giá trước (D0) và khi kết thúc điều trị (D2). Tiêu chí chính của đáp ứng là bề ngoài (ranh giới và màu sắc) của màng nhĩ được đánh giá theo thang điểm bán định lượng từ 0-6. Các tiêu chí khác được đánh giá theo thang điểm bán định lượng bao gồm giảm đau (0-1), nhiệt độ trực tràng (0-2) và đánh giá chung của cha mẹ về cải thiện chất lượng cuộc sống trên 3 mục: thèm ăn (0-2) , ngủ (0-2) và hoạt động chơi (0-2).
Kết quả tại D2 như sau: Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị về tiêu chí chính, chỉ có một xu hướng IBU và PARA tốt hơn PLA, nhưng IBU không tốt hơn PARA. Từ những dữ liệu này, không thể khẳng định công dụng của NSAIDs trong điều trị các triệu chứng viêm màng nhĩ trong viêm tai giữa. Khác biệt là có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm điều trị tại D2 về triệu chứng đau, IBU vượt trội hơn so với PLA (P < 0.01): 7%, 10% và 25% trẻ em vẫn còn đau ở D2 trong các nhóm điều trị bằng IBU, PARA và PLA tương ứng. Sự khác biệt giữa PARA và PLA cho triệu chứng đau là không có ý nghĩa thống kê. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị cho các tiêu chí khác. Tất cả các phương pháp điều trị đều dung nạp tốt như nhau.
Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy giữa các nhóm điều trị trên bề ngoài màng nhĩ, nhưng hiệu quả của IBU đã được chứng minh là giảm đau, triệu chứng khiến trẻ khó chịu nhất.

Dược động học

Hấp thu: Thuốc hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng (F) đường uống là 80-100%. Thời gian khởi phát tác dụng là 30-60 phút. Thời gian tác dụng 4-6 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) với viên thường là 120 phút, viên nhai là 62 phút ở người trưởng thành hoặc 86 phút ở trẻ em, hỗn dịch uống là 47 phút ở người trưởng thành hoặc 58 phút ở trẻ em. Nồng độ đỉnh trong huyết tương (C­max) là 20 µg/mL với viên thường, 15 µg/mL với viên nhai và 19 µg/mL với hỗn dịch uống.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 90-99%. Thể tích phân bố (Vd) là 0.12 L/kg (người trưởng thành) hoặc 0.164 L/kg (trẻ em).
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa nhanh ở gan (chủ yếu bởi CYP2C9, là cơ chất của CYP2C19) thông qua oxy hóa thành chất chuyển hóa không hoạt động. Các chất chuyển hóa là acid (+)-2-[4′-(2-hydroxy-2-methylpropyl) phenyl] propionic  và acid (+)-2-[4′-(2-carboxypropyl) phenyl] propionic.

Chuyển hóa ibuprofen
Hình ảnh: Chuyển hóa ibuprofen

Thải trừ: Thời gian bán thải là 2-4 giờ (người trưởng thành), 1.6 giờ (trẻ 3 tháng đến 1 năm tuổi), 20-33 giờ (trẻ 5 ngày tuổi) và 35-51 giờ (trẻ 3 ngày tuổi). Bài xuất qua nước tiểu (50-60%, dạng không đổi dưới 10%), phần còn lại qua phân trong 24 giờ.

Chỉ định và liều dùng

Đau, sốt hoặc đau bụng kinh:

  • Không kê đơn: 200-400 mg/lần PO mỗi 4-6 giờ. Không quá 1200 mg/ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Kê đơn: 400-800 mg/lần PO x 4 lần/ngày. Không quá 3200 mg/ngày.

Viêm xương khớp:

Bệnh viêm khớp
Hình ảnh: Bệnh viêm khớp

300 mg, 400 mg, 600 mg hoặc 800 mg/lần PO mỗi 6-8 giờ. Không quá 3200 mg/ngày.
Theo dõi nguy cơ trên đường tiêu hóa.
Viêm khớp dạng thấp:
Viêm khớp dạng thấp
Hình ảnh: Viêm khớp dạng thấp

300 mg, 400 mg, 600 mg hoặc 800 mg/lần PO mỗi 6-8 giờ. Không quá 3200 mg/ngày.
Theo dõi nguy cơ trên đường tiêu hóa.
Viêm thông thường:
400-800 mg/lần PO x 3-4 lần/ngày. Không quá 3200 mg/ngày.
Chú thích:   PO: đường uống.
Trẻ đẻ non: Dùng để đóng ống động mạch.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:
Nếu chức năng thận suy giảm đáng kể, theo dõi chặt chẽ, xem xét giảm liều.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan:
Tránh dùng thuốc ở bệnh nhân suy gan.

Tác dụng phụ

Thuốc Ibuprofen
Hình ảnh: Thuốc Ibuprofen

Thường gặp (1-10%):

  • Rối loạn tiêu hóa: Đau thượng vị (3-9%), ợ nóng (3-9%), táo bón (1-3%), buồn nôn (3-9%), nôn (1-3%).
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Chóng mặt (3-9%), ù tai (3-9%), đau đầu (1-3%).
  • Phát ban (3-9%), phù (1-3%), giữ nước (1-3%)

Tác dụng phụ < 1%:

  • Rối loạn chức năng thận: Suy thận cấp (có thể hoại tử ống thận cấp hoặc tăng kali máu, đa niệu, viêm bàng quang, đái máu, giảm thanh thải creatinine, tăng nito ure máu (BUN) hoặc creatinine mà không có biểu hiện khác của suy thận).
  • Rối loạn máu và hệ tạo máu: Mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu không tái tạo, thiếu máu tan máu (có hoặc không có kết quả xét nghiệm antiglobulin trực tiếp dương tính), giảm tiểu cầu (có hoặc không có ban xuất huyết).
  • Phản ứng dị ứng: Hồng ban đa dạng, viêm da tróc vảy, ban đỏ phẳng, hoại tử thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell) và phản ứng nhạy cảm ánh sáng.

Lưu ý và thận trọng

Cảnh báo hộp đen:
Nguy cơ tim mạch:

  • Các NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ huyết khối nghiêm trọng, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể tử vong, đặc biệt trên những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Rủi ro có thể tăng theo thời gian sử dụng.
  • Chống chỉ định: Đau do phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Nguy cơ đường tiêu hóa:

  • NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, loét, thủng dạ dày hoặc ruột, có thể tử vong, đặc biệt ở người già.
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra bất kì khi nào mà không có triệu chứng báo hiệu trước.

Thận trọng:
Thận trọng với bệnh nhân hen phế quản, suy tim sung huyết, bệnh tim khác, suy gan hoặc thận, tăng huyết áp, rối loạn chảy máu, đột quỵ, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, glaucom, loét dạ dày – tá tràng, viêm miệng, lupus ban đỏ hệ thống, viêm loét đại tràng, phí đại tiền liệt tuyến, phụ nữ mang thai muộn (có thể gây đóng ống động mạch sớm).
Sử dụng NSAIDs kéo dài có thể dẫn đến hoại tử nhú thận và các tổn thương thận khác. Bệnh nhân có nguy cơ cao là người già, người suy giảm chức năng thận, giảm thế tích tuần hoàn, suy tim, rối loạn chức năng gan, giảm muối, dùng lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEIs) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs).
-nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson đã được báo cáo.
Sốt, phát ban, đau bụng, buồn nôn, rối loạn chức năng gan và viêm màng não đã xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch máu dạng tự miễn, đặc biệt là lupus ban đỏ hệ thống.
Có thể giảm kết tập tiểu cầu. Theo dõi bệnh nhân rối loạn đông máu đang được điều trị.
Nguy cơ tăng kali máu có thể tăng ở bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi, mắc bệnh thận hoặc sử dụng cùng các thuốc gây tăng kali máu như ACEIs và ARBs. Theo dõi chặt chẽ kali máu.
Thận trọng với bệnh nhân cần lái xe và vận hành máy móc do có thể gây ngủ gà, chóng mặt.
NSAIDs (ngoại trừ aspirin) làm tăng nguy cơ đau tim, suy tim và đột quỵ, có thể tử vong. Nguy cơ tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng lâu hơn chỉ định của bác sĩ.
Không sử dụng ngay trước hoặc sau phẫu thuật tim.
Nguy cơ suy tim:

  • NSAIDs có khả năng kích hoạt suy tim do ức chế prostaglandin gây giữ muối và nước, tăng sức cản mạch máu toàn thân.
  • Tránh sử dụng hoặc rút khỏi điều trị bất cứ khi nào có thể.

Phụ nữ mang thai: Khi thời gian mang thai ≥ 30 tuần, thuốc có thể gây đóng ống động mạch sớm. Tránh sử dụng trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc bài tiết vào sữa mẹ rất ít. Ibuprofen có thời gian bán hủy ngắn và được coi là an toàn ở trẻ sơ sinh với liều rất cao. Thuốc lựa chọn ưu tiên để giảm đau hoặc viêm ở phụ nữ đang cho con bú.

Tương tác thuốc

Dùng cùng aspirin: Tăng nguy cơ chảu máu, tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

Tương tác thuốc Ibuprofen và Aspirin
Hình ảnh: Tương tác thuốc Ibuprofen và Aspirin

Dùng cùng các thuốc chống đông máu, ức chế kết tập tiểu cầu khác: Tăng nguy cơ chảy máu.
Dùng cùng duloxetine, escitalopram, sertraline: Tăng nguy cơ chảy máu.
Tương tác thuốc Ibuprofen và Sertraline
Hình ảnh: Tương tác thuốc Ibuprofen và Sertraline

Dùng cùng các NSAIDs khác, corticoid toàn thân: Tăng nguy cơ cao loét đường tiêu hóa. Tăng các độc tính của NSAIDs trên thận, tim mạch…
Dùng cùng các thuốc cũng có độc tính trên thận (cyclosporine, foscarnet, amphotericin B, kháng sinh aminoside…): Tăng độc tính trên thận.
Dùng cùng mifamurtide: Ibuprofen có thể ngăn chặn tác dụng kích thích miễn dịch của thuốc này.
Dùng cùng các thuốc ức chế CYP2C9: Làm tăng nồng độ ibuprofen huyết tương, nguy cơ tăng độc tính trên thận, tim, tiêu hóa…
Dùng cùng các thuốc cảm ứng CYP2C9: Làm giảm nồng độ ibuprofen huyết tương, giảm tác dụng của thuốc.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với ibuprofen, các NSAIDs khác, aspirin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Đau do phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3191627/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5306275/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526078/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4355401/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5529476/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5789927/

Hướng dẫn sử dụng thuốc Ibuprofen minh họa bằng hình ảnh

ibuprofen ibuprofen ibuprofen
ibuprofenibuprofen ibuprofen
Hình ảnh hướng dẫn sử dụng thuốc Ibuprofen của nhóm tác giả Cách Dùng Thuốc.
 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây