Hội chứng Dressle: Nguyên nhân, Biến chứng, Biện pháp điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Khái quát hội chứng Dressler

Hội chứng Dressler là hiện tượng màng ngoài tim bị viêm sau một thương tổn tim nghiêm trọng như chấn thương tim, sau phẫu thuật, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Hội chứng sau tổn thương tim bao gồm hội chứng Dressler và một số thương tổn màng ngoài tim khác.

Đặc trưng của hội chứng này là các yếu tố khởi phát tình trạng viêm màng ngoài tim như viêm màng ngoài tim sau phẫu thuật tim, nhồi máu cơ tim do hoại tử cơ tim bị thiếu máu dẫn đến khởi phát viêm màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim do điều trị hoặc do tai nạn. Những tổn thương này hủy hoại mô, các mảnh vỡ tổ chức và máu bị tích tụ trong màng ngoài tim. Những yếu tố kích hoạt phản ứng viêm và hệ thống đáp ứng miễn dịch được huy động đến vị trí mô hủy hoại gây ra bệnh lý viêm màng ngoài tim.

Khái quát hội chứng Dressler
Khái quát hội chứng Dressler

Viêm không chỉ ảnh hưởng đến vị trí khu trú màng ngoài tim mà còn tác động đến các nơi khác như tràn dịch màng ngoài tim, viêm thượng tâm mạc, sốt. Hiếm khi dẫn đến những biến chứng nặng như rối loạn nhịp thất, suy tim hoặc các bất thường dẫn truyền.

Hội chứng sau tổn thương tim gây ra biến chứng rất phức tạp và đa dạng, đôi khi còn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Viêm màng ngoài tim co thắt hoặc chèn ép tim sẽ làm tăng chi phí điều trị và thời gian nằm viện.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Dressler

Hiện nay, các nhà y học vẫn chưa giải thích được hoàn toàn cơ chế bệnh sinh của hội chứng Dressler, tuy nhiên người ta phát hiện ra nhiều bằng chứng có liên quan đến cơ chế tự miễn dịch.

Thuật ngữ “viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim” được Dressler đưa ra vào năm 1950 dựa trên sự tăng nhạy cảm quá mức của cơ thể. Sự tăng nhạy cảm này phụ thuộc vào cơ địa từng người. Các tế bào cơ tim bị hoại tử sản xuất và phóng thích tự kháng nguyên. Các tự kháng nguyên này chính là yếu tố khởi phát hệ thống miễn dịch. Vì vậy, hội chứng Dressler được giải thích là do cơ chế tự miễn hình thành.

Hội chứng Dressler có đặc điểm lâm sàng là tự miễn với sốt, tăng bạch cầu và tăng nồng độ hoạt chất viêm trong máu (ví dụ CRP). Đa số bệnh nhân có đáp ứng với thuốc corticoid, thuốc kháng viêm, colchicine, tuy nhiên bệnh lại có khuynh hướng tái phát. Ngoài những người bệnh mắc bệnh tự miễn, hội chứng Dressler còn xảy ra ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch sau khi ghép tim.

Triệu chứng hội chứng Dressler

Lâm sàng: đa số người bệnh không có triệu chứng nếu bị viêm màng ngoài tim khởi phát sau cơn nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng thường gặp như:

Triệu chứng hội chứng Dressler
Triệu chứng hội chứng Dressler
  • Tiếng cọ màng ngoài tim: đây là một đặc điểm có giá trị củng cố chẩn đoán viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim không có tiếng cọ màng ngoài tim, hơn nữa dấu hiệu này còn biến mất từ sớm. Tiếng cọ màng ngoài tim còn bị ảnh hưởng bơir lượng dịch màng ngoài tim.
  • Đau ngực: bệnh nhân có cảm giác tức nặng, đau nhiều, đau tăng khi nằm ngửa, cơn đau kéo dài hàng giờ, đau kiểu màng phổi (tăng lên khi ho, hít sâu và nuốt), giảm khi cúi đầu ra trước hoặc ngồi. Cơn đau không thường xuyên.  Các vị trí xuất phát cơn đau có thể là từ tay, lưng, cổ và chóp cơ thang.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, trầm cảm, khó thở và chán ăn.

Cận lâm sàng: tình trạng viêm hệ thống được biểu hiện bởi các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Tăng bạch cầu trong máu.
  • Xquang ngực: có thể có hiện tượng tràn dịch màng phổi hoặc thâm nhiễm phổi.
  • Tốc độ lắng máu tăng, nồng độ CRP (74%).
  • Siêu âm tim: giúp đánh giá chức năng co bóp của cơ tim, kích thước buồng tim, tràn dịch màng ngoài tim và cấu trúc van tim.
  • Điện tâm đồ: đưa ra các bằng chứng điển hình của bệnh lý viêm màng ngoài tim kèm theo PR chênh xuống ở nhiều chuyển đạo (>20%), khoảng ST chênh lên lan tỏa.

Yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng Dressler

Hội chứng Dressler có rất nhiều yếu tố nguy cơ như:

  • Triệt đốt mô tim.
  • Phẫu thuật tim như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc phẫu thuật tim hở.
  • Tách tĩnh mạch phổi.
  • Nong mạch vành (can thiệp mạch vành qua da), đặt stent.
  • Chấn thương ngực.
  • Cấy máy tạo nhịp tim.

Biến chứng hội chứng Dressler

Tràn dịch màng phổi có thể gây ra bởi hội chứng Dressler.

Các biến chứng của hội chứng Dressler thường hiếm xảy ra nhưng nếu có sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:

  • Viêm màng ngoài tim co thắt: màng ngoài tim có thể hình thành sẹo hoặc dày lên do viêm mãn tính hoặc viêm tái phát. Các cấu trúc bất thường này sẽ co lại và bó chặt lấy tim khiến cho chức năng bơm máu của tim bị giảm hiệu quả.
  • Chèn ép tim: tràn dịch màng ngoài tim chính là hệ quả của viêm màng ngoài tim.

Những biện pháp chẩn đoán hội chứng Dressler

Chẩn đoán hội chứng Dressler dựa vào chỉ định xét nghiệm kết hợp với thăm khám lâm sàng.

  • Siêu âm tim: có thể thấy tràn dịch màng ngoài tim kèm khoảng trống siêu âm.
  • Điện tâm đồ: có thể tìm ra các bất thường trên ECG như sóng T đảo, ST hình vòm hoặc chênh lõm.
  • Xét nghiệm hóa sinh troponin có thể tăng.
  • CT Scan (chụp cắt lớp vi tính), MRI-chụp cộng hưởng từ có kết quả tương đương.

Những biện pháp điều trị hội chứng Dressler

Đối với bệnh nhân viêm màng ngoài tim khởi phát sau cơn nhồi máu cơ tim thì lựa chọn tối ưu nhất là điều trị aspirin 650mg/6h. Để bảo vệ dạ dày có thể dùng thêm thuốc kháng acid hoặc thuốc ức chế bơm proton. Nên hạn chế sử dụng corticoid hoặc NSAID.

Aspirin điều trị hội chứng Dressler
Aspirin điều trị hội chứng Dressler

Hai thuốc này có khả năng làm ổ nhồi máu lan rộng hơn và hạn chế sự lạnh sẹo ở cơ tim. Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cũng cần tránh sử dụng thuốc NSAID vì thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ gây ra các biến cố về tim mạch. Để giảm đau và giảm viêm có thể dùng thuốc chống viêm không steroid/NSAIDs hoặc acetaminophen. Thuốc colchicine được sử dụng cho bệnh nhân viêm màng ngoài tim mạn tính hoặc bệnh nhân đáp ứng không hiệu quả với đơn trị liệu aspirin.

Chức năng tim có thể bị suy yếu nếu lượng dịch ở khoang màng tim nhiều, lượng dịch này cần được loại bỏ bằng phương pháp chọc hút dịch. Một số trường hợp bệnh nặng thì cần thực hiện phẫu thuật để loại trừ một phần màng ngoài tim.

Biện pháp dự phòng hội chứng Dressler

Một số phương pháp dự phòng vô cùng hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

  • Không hút thuốc lá.
  • Nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tùy ý tự điều trị và không được bỏ thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Điều trị tốt những bệnh lý nên như đái tháo đường, tim mạch và rối loạn mỡ máu.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích và rượu bia.
  • Tích cực tham gia vào các hoạt động thể dục vừa sức.
  • Bổ sung đầy đủ chất xơ từ trái cây, rau và ngũ cốc. Sử dụng dầu thực vật thay thế cho chất béo từ động vật.
  • Tránh các loại đồ uống có ga, hạn chế đồ ăn chứa nhiều muối, gia vị, đồ ăn nhanh, nhiều giàu mỡ.

Tổng kết

Sau khi tim bị tổn thương có thể dẫn đến biến chứng hội chứng Dressler do nhiều nguyên nhân. Bệnh diễn ra một cách từ từ, tuy nhiên nguy cơ xảy ra tử vong do các biến chứng là khá cao. Tình trạng bệnh lzs của bệnh nhân có thể phức tạp hơn do sự xuất hiện của hội chứng Dressler.

Tuy nhiên tiên lượng của hội chứng Dressler khá tốt nếu được điều trị kịp thời. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được biến chứng và điều trị tốt bệnh nguyên. Phương pháp để có thể ngăn ngừa hội chứng Dressler là tối ưu hóa điều trị bệnh lý nền và kiểm soát lối sống.

Xem thêm:

Bệnh van tim: Nguyên nhân, Triệu chứng, Chấn đoán, Cách điều trị

Bệnh nhịp tim chậm: Triệu chứng, Xử trí và Chế độ ăn hàng ngày

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây