Hội chứng đông đặc phổi là một tình trạng bất thường hay gặp trong các bệnh đường hô hấp. Để hiểu thêm về hội chứng này, hãy cùng Heal Central tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hội chứng đông đặc phổi là gì?
Ở một người trưởng thành bình thường, phổi là một tạng chứa các túi không khí giúp cơ thể trao đổi khí với môi trường để duy trì sự sống. Hai phổi có trọng lượng trung bình khoảng 300- 475g. Tổ chức phổi chứa các túi rỗng động không khí còn được gọi là phế nang, tổng số phế nang của hai phổi khoảng 300 triệu phế nang. Phế nang sinh lí chỉ chứa một ít dịch là Sulfatan để duy trì sức căng bề mặt, giúp phổi không bị xẹp và cũng đảm bảo chức năng chứa đựng không khí.
Trong hội chứng đông đặc phổi, nhu mô phổi nơi chứa các phế nang bị viêm hay tổn thương gây phù nề, tăng tiết dịch phế nang làm cho lượng dịch và tỷ trọng phổi tăng cao, không còn đảm bảo tốt chức năng chứa đựng và trao đổi không khí.
Nguyên nhân của hội chứng đông đặc phổi
Hội chứng đông đặc phổi là một tình trạng rất phổ biến, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bình thường chỉ cần có tổn thương ở phổi cũng có nguy cơ gây nên hội chứng này. Dưới đây là một số nguyên nhân hay gặp nhất hiện nay:
- Lao phổi: đây là nguyên nhân rất hay gặp và chiếm tỷ lệ cao trong số những nguyên nhân gây nên hội chứng đông đặc phổi. Đặc trưng mà các tổn thương lao phổi gây ra là tăng tiết dịch và gây xơ hóa. Các tình trạng này sẽ gây nên biểu hiện là đông đặc phổi. Bệnh lao phổi hay có các triệu chứng để nhận biết như cơ thể suy mòn, sốt nhẹ về chiều, ho và khạc đờm dai dẳng.
- Viêm phổi: đây cũng là một bệnh rất hay gặp ở đường hô hấp. Viêm phổi cũng làm tăng lượng dịch trong các phế nang gây đông đặc phổi. Các triệu chứng của viêm phổi có thể là: ho có đờm, sốt( nếu viêm phổi do virus thì bệnh nhân có thẻ đột ngột sốt cao, nếu nguyên nhân do vi khuẩn thì bệnh nhân có thể sốt nhẹ hơn). Đa số viêm phổi thường có các dấu hiệu báo trước như đau họng, hắt hơi sổ mũi.
- Áp xe phổi: áp xe là tình trạng viêm hóa mủ một vòng thành khối. Cùng với sự tiết dịch như mủ đặc càng làm cho phổi trở nên đông đặc hơn. Khi bị áp xe phổi, bệnh nhân thường đau nhiều, có thể có sốt, khi ổ áp xe vỡ có thể làm cho hơi thở của bệnh nhân hôi, thối.
- Xẹp phổi: xẹp phổi do chấn thương, do viêm mạn tính, … làm cho các phế nang bị xẹp, tạo nên những chùm phế nang không chứa khí, chỉ còn lớp vỏ xếp chồng lên nhau tạo nên hình ảnh phổi bị đông đặc.
- Nhồi máu động mạch phổi: bệnh này gây nên thể không điển hình của hội chứng đông đặc phổi. có thể bệnh nhân có can thiệp các bệnh về mạch máu hay tim mạch trước đó như phẫu phẫu thuật van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi, …
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng đông đặc phổi
Người ta chia hội chứng đông đặc phổi thành hai nhóm chính như sau:
Hội chứng đông đặc phổi điển hình
- Quan sát lồng ngực bệnh nhân thấy khả năng di động của lồng ngực theo nhịp thở kém hơn so với bình thường. Nếu tổn thương ở một bên phổi thì khi so sánh 2 bên sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt hơn.
- Khám thực thể phổi thấy ba dấu hiệu chính bao gồm: rung thanh tăng, giảm hoặc mất tiếng rì rào phế nang, gõ phổi thấy tiếng đục.
- Rung thanh tăng: rung thanh là âm sắc của tiếng nói khi bệnh nhân nói chuyện. Âm sắc này sẽ tác động vào thành ngực tạo nên cảm giác lên tay người thầy thuốc khi khám bệnh. Trong trường hợp có hội chứng đông đặc phổi thì các nhu mô phổi không còn rỗng mà thay vào đó là tổ chức dày hơn, do đó khả năng tác động và truyền âm thanh lên tay người thầy thuốc sẽ mạnh hơn, làm cho thầy thuốc cảm giác được âm thanh có độ rung mạnh và truyền âm xa hơn. Khi đó gọi là dấu hiệu rung thanh tăng.
- Giảm hoặc mất tiếng rì rào phế nang: đây là một loại tiếng được tạo ra bởi không khí chạy qua lớp dịch trong các phế nang ở phổi. Bình thường lượng dịch ít, không khí di chuyển qua tạo nên tiếng rì rào như sóng biển, tiếng này có tính chất liên tục, êm dịu và rõ nhất trong thì hít vào và lúc mới bắt đầu thở ra. Trong các trường hợp bệnh lý trong đó có hội chứng đông đặc thì tiếng rì rào phế nang này không còn rõ như bình thường. Nguyên do gây ra tình trạng này chính là vì các phế nang không còn chỗ trống để cho không khí đi qua hoặc khoảng trống còn quá ít không đủ để tạo nên tiếng rì rào phế nang. Tình trạng viêm, xơ hóa gây đông đặc càng nhiều thì tiếng rì rào phế nang càng nhỏ dần, thậm chí mất hẳn.
- Gõ phổi có tiếng đục: theo nguyên tắc vật lý học thì đối với phổi bình thường là một tạng rỗng, khi gõ sẽ nghe thấy tiếng trong. Nhưng ở hội chứng đông đặc thì phổi trở thành một tạng đặc nên gõ sẽ nghe thấy tiếng đục mà không còn phải là tiếng trong nữa.
- Trong nhiều trường hợp còn có thể phát hiện tiếng rales nổ khi nghe phổi của bệnh nhân qua ống nghe. Không phải trường hợp đông đặc nào cũng nghe thấy tiếng rales nổ nhưng khi nghe thấy tiếng này thì có giá trị chẩn đoán xác định hội chứng đông đặc.
Hội chứng đông đặc thể không điển hình
Gọi là thể không điển hình nhưng đây lại là thể đông đặc phổi hay gặp hơn trên lâm sàng. Phải tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương đông đặc ở các vị trí của phổi mới có các dấu hiệu khác nhau. Hay nói cách khác, thể đông đặc phổi không điển hình có thể không có đầy đủ ba dấu hiệu như đã nêu ở thể điển hình hoặc các dấu hiệu không rõ, ở một hay nhiều vị trí khác nhau ở phổi.
Dấu hiệu cận lâm sàng của hội chứng đông đặc phổi
- Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng có giá trị thì các phương pháp cận lâm sàng, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh cũng rất có giá trị trong việc chẩn đoán hội chứng đông đặc phổi. Một số cận lâm sàng thường được chỉ định khi có nghi ngờ hội chứng đông đặc phổi là:
- Chụp X- quang ngực thẳng, nghiêng: phim chụp X- quang là một loại phim thường quy nhưng rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh hô hấp nói chung cũng như hội chứng đông đặc phổi nói riêng. Hình ảnh đông đặc trên phim có thể biểu hiện là những tổn thương mờ đậm nhạt không đều, có ranh giới rõ hoặc không rõ ràng. Hình mờ có thể có kích thước khác nhau, từng đám nhỏ hoặc chiếm cả phân thùy phổi nào đó, hoặc cả phổi. Trong nhiều trường hợp nếu tổ chức bị xơ hóa thì có thể thấy hình ảnh co kéo các tổ chức xung quanh như cơ hoành, nhu mô phổi lân cận, trong thất, … nếu tổn thương có diện tích nhỏ ở các phân thùy sau, trên phim X- quang chụp thẳng không thể phát hiện thì phải tìm tổn thương qua phim chụp nghiêng mới có giá trị. Do đó người ta thường chỉ định cho bệnh nhân chụp đồng thời cả hai loại phim này.
- Chụp phim CT Scanner: chỉ định chụp phim CT Scanner khi dấu hiệu tổn thương trên phim X- quang không rõ nhưng thấy có nhiều triệu chứng lâm sàng nghi ngờ. Phim chụp CT sẽ cho hình ảnh ở mức độ rõ hơn và chi tiết hơn. Thường phát hiện các tổn thương mới hoặc tổn thương nhỏ khó phát hiện.
- Các xét nghiệm thăm dò khác: ngoài các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thì có thể làm các xét nghiệm thăm dò cho bệnh nhân để kiểm tra một cách tổng quát và toàn diện hơn như: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu, đo chức năng hô hấp.
Chẩn đoán hội chứng đông đặc phổi
Trên thực tế để chẩn đoán được một bệnh nhân có hội chứng đông đặc phổi không hề khó khăn. Người ta quy định được phép chẩn đoán xác định hội chứng đông đặc phổi khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Rung thanh tăng.
- Rì rào phế nang giảm hoặc mất.
- Gõ đục.
- Phát hiện hình ảnh tổn thương đông đặc trên phim chụp X- quang thẳng hoặc nghiêng.
Các phương pháp điều trị hội chứng đông đặc phổi
Không có một phương pháp chứng nào để điều trị hội chứng đông đặc phổi cho bệnh nhân. Trên thực tế cần phải căn cứ vào từng trường hợp khác nhau, các bệnh lý khác nhau cũng như khả năng điều trị của bệnh nhân mà lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp và tối ưu nhất.
Mục đích của việc điều trị hội chứng đông đặc phổi chính là điều trị dứt điểm hoặc loại bỏ tối đa nguy cơ của các bệnh lý nền gây ra hội chứng đông đặc. Sau đây là một số bệnh có hội chứng đông đặc thường gặp và cách điều trị các bệnh lý đó:
- Viêm phổi: trong trường hợp này thì chỉ cần điều trị dứt điểm bệnh viêm phổi thì sẽ loại bỏ hoàn toàn được hội chứng đông đặc. Cách điều trị viêm phổi lại phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm phổi do virus thì dùng kháng sinh phổ rộng hoặc kết hợp 2 loại kháng sinh, dùng cùng liều trong 5- 7 ngày thì dừng. Nếu do virus gây viêm phổi thì nếu không có yếu tố nguy cơ bội nhiễm thì không cần phải dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị các triệu chứng như: giảm ho, long đờm, hạ sốt.
- Lao phổi: trong lao phổi có hội chứng đông đặc thường là ở giai đoạn lao xơ hóa hoặc thâm nhiễm lan tỏa rộng. Khi đó cần điều trị lao theo phác đồ điều trị chung của WHO. Tuy nhiên điều trị lao là cả một quá trình dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm nên hội chứng đông đặc phổi cũng không thể hết nhanh. Nhiều trường hợp nặng lao gây nên biến chứng thì có thể gây nên tình trạng phổi đông đặc mạn tính khó điều trị.
- Bệnh xuất huyết phổi: trong bệnh này thì phương pháp điều trị chính là chống viêm cho bệnh nhân. Người ta thường ưu tiên sử dụng nhóm thuốc chống viêm Steroid để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Ngoài ra một khi tình trạng xuất huyết phổi đã xảy ra thì phải dự phòng chảy máu cho bệnh nhân bằng các loại thuốc chống đông, bảo vệ và nâng cao sức bền thành mạch và chức năng tim mạch cho bệnh nhân tránh xuất huyết tái phát.
- Tình trạng phù phổi: có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng phù phổi cho bệnh nhân. Những nguyên tắc điều trị chung ở những bệnh nhân này đều là làm giảm lượng dịch trong phổi giúp phổi cải thiện chức năng hô hấp. Các phương pháp loại bỏ lượng dịch trong phổi có thể là hút đờm dãi, loãng đờm, giảm tiết, … tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.
- Áp xe phổi: trong đa số trường hợp áp xe phổi thì phương pháp điều trị chính là chọc hút mủ và dịch trong ổ áp xe. Nếu ổ áp xe bị đông đặc quá mức thì có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ ổ áp xe. Khi điều trị hết tình trạng áp xe phổi thì cũng điều trị hết hội chứng đông đặc phổi.
- Xẹp phổi: một khi phổi bị xẹp thì hội chứng đông đặc sẽ xuất hiện và tồn tại mãi mãi. Cách duy nhất để điều trị chính là loại bỏ phần tổ chức phổi bị xẹp mất chức năng. Có thể phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc thậm chí cắt một bên phổi nếu xẹp phổi hoàn toàn một bên.
- Bệnh viêm phổi hít: trong viêm phổi hít hội chứng đông đặc phổi thường không điển hình. Cách điều trị của bệnh này là việc kết hợp sử dụng kháng sinh mạnh phổ rộng liều cao với điều trị chống viêm cho bệnh nhân. Tuy nhiên nếu bệnh viêm phổi hít nhẹ không gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân thì có thể không cần điều trị bệnh cũng tự khỏi theo thời gian.
- Ung thư phổi: đây là bệnh nặng và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh đường hô hấp. Một khi bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là ung thư phổi thì thường đã là những giai đoạn muộn của bệnh. Khi đó việc điều trị ung thư chỉ còn là điều trị các triệu chứng để bệnh tiến triển chậm hơn và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Có nhiều cách điều trị ung thư khác nhau như: nếu khối u cần khả năng phẫu thuật thì nên tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u, đâu là phương pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên với những trường hợp khối u quá to, khối u ở vị trí nguy hiểm hay đã di căn nhiều nơi khác thì việc phẫu thuật sẽ khó khăn và ít hiệu quả hơn, khi đó có thể chỉ định các phương pháp xạ trị hay truyền hóa chất cho bệnh nhân.
Như vậy, với mỗi bệnh lý và mức độ bệnh khác nhau sẽ có những hướng xử trí hội chứng đông đặc phổi khác nhau. Để đảm bảo hiệu quả điều trị là tốt nhất thì bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Các phương pháp trong bài viết này chỉ có giá trị tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý mua và dùng thuốc tại nhà.
Chế độ sinh hoạt của những bệnh nhân có hội chứng đông đặc phổi
Hiện nay chưa có chế độ sinh hoạt dành riêng cho những bệnh nhân bị đông đặc phổi. Chế độ sinh hoạt tối ưu vẫn dựa trên cơ sở các chế độ sinh hoạt cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý hệ hô hấp, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Cụ thể như:
- Tránh lao động gắng sức: gắng sức là một yếu tố làm cho nhiều bệnh hô hấp nặng thêm. Khi phổi bị đông đặc sẽ làm cho chứng năng thông khí của hệ hô hấp giảm. Mà gắng sức lại đồi hỏi phổi phải hoạt động năng suất hơn. Hai điểm này trái ngược nhau, nhu cầu thông khí vượt quá khả năng thực hiện của phổi sẽ làm cho phổi yếu hơn, tình trạng bệnh nặng nề hơn. Nếu bệnh nhân có các công việc quá nặng nhọc phải gắng sức nhiều thì nên thay đổi công việc của mình là tốt nhất.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên: hiện nay có rất nhiều bài tập dành cho những người bị bệnh phổi. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả của việc tập thể dục đối với bệnh hô hấp rất tốt. Do đó bệnh nhân có thể luyện tâm các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Đều đặc mỗi ngày khoảng 20- 30 phút để phổi khỏe mạnh hơn.
- Tránh sử dụng các chất kích thích: khi sử dụng chất kích thích, hệ thần kinh bị tăng mẫn cảm, trong đó có thần kinh chi phối vùng ngực phổi cũng bị mẫn cảm theo, làm cho bệnh nhân thở mạnh, nhanh và lao lực hơn, khiến phổi mệt mỏi hơn. Ngoài ra nhiều chất như rượu, bia, … còn làm ảnh hưởng tới hệ mạch của cơ thể, dễ gây tổn thương hay xơ hóa thành mạch, từ đó gây ra các bệnh lý về mạch máu phổi, là căn nguyên gây nên hội chứng đông đặc phổi.
- Tập ngồi thiền, tập thở: cũng như việc tập thể dục, thiền và thở đúng cách cũng rất tốt cho phổi. Tuy nhiên để biết thiền và thở hiệu quả thì bệnh nhân nên có người chỉ dẫn, tránh tình trạng tự luyện tập nhưng sai sẽ không có hiệu quả.
- Chế độ ăn phù hợp: đừng lầm tưởng chế độ dinh dưỡng không liên quan tới dự phòng bệnh phổi. trên thực tế nếu chế độ ăn đầy đủ các chất dung dưỡng và cung cấp đủ năng lượng, giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn cũng sẽ gián tiếp làm cho hệ thống hô hấp khỏe mạnh hơn, tránh nguy cơ mắc các bệnh hô hấp và hội chứng đông đặc phổi.
Trên đây là một số thông tin về hội chứng đông đặc phổi. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn tổng quan và đúng đắn hơn về hội chứng này. Từ đó có các cách xử trí và phòng tránh phù hợp nhất.