Thuốc Guaifenesin: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Guaifenesin tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Guaifenesin là gì? Guaifenesin có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Guaifenesin là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Các loại thuốc tương tự có nguồn gốc từ cây guaiac đã được sử dụng làm phương thuốc chung của người dân bản địa Mỹ khi các nhà thám hiểm đặt chân tới Bắc Mỹ vào đầu thế kỉ XVI. Người Tây Ban Nha bắt gặp gỗ guaiac “khi họ chinh phục Santo Domingo, nó đã nhanh chóng được mang đến châu Âu và trở nên cực kì nổi tiếng trong thế kỷ XVI như là một phương thuốc chữa bệnh giang mai và một số bệnh cụ thể khác…”
Phiên bản năm 1955 của Sách giáo khoa Dược liệu học nói rõ: “Guaiac có tác dụng kích thích cục bộ, đôi khi rất hữu ích trong điều trị viêm họng. Nhựa cây được sử dụng trong bệnh gout mạn tính và thấp khớp, trong khi gỗ là một thành phần trong dung dịch hỗn hợp sarsaparilla, trước đây được sử dụng nhiều như là một liệu pháp thay thế trong bệnh giang mai.”

Hoa của loài Guaiacum officinale.
Hình ảnh: Hoa của loài Guaiacum officinale.

Tại Hoa Kỳ, guaifenesin lần đầu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 1952. Mặc dù trước đây nó được coi như “nhìn chung là an toàn” trong phê duyệt ban đầu, thuốc đã được nhận Đơn đăng ký thuốc mới cho công thức giải phóng kéo dài, được phê duyệt vào ngày 12/7/2002. Vì lí do này, FDA sau đó đã gửi thư cho các nhà sản xuất khác có sản phẩm guaifenesin giải phóng theo thời gian để ngừng tiếp thị các sản phẩm chưa được phê duyệt, cho phép Adams Respiratory Therapeutics kiểm soát thị trường. Adams sau đó đã bị mua lại bởi Reckitt Benckiser, dựa trên sức mạnh của tiếp thị được tạo ra bởi thương hiệu Mucinex của Adams.
Công thức hóa học Guaifenesin
Hình ảnh: Công thức hóa học Guaifenesin

Thuốc Mucinex
Hình ảnh: Thuốc Mucinex

Dược lực học

Guaifenesin là 1 thuốc long đờm có tác dụng tăng lượng dịch tiết khí – phế quản, đồng thời giảm độ bám dính và sức căng bề mặt cũng như độ nhớt của đờm. Kết quả là đờm dễ dàng được loại bỏ hơn nhờ phản xạ ho của cơ thể.
Cơ chế hoạt động của guaifenesin vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Người ta tin rằng guaifenesin kích thích tăng cường tiết dịch khí – phế quản. Ngoài ra, người ta cũng đề xuất thêm rằng guaifenesin kích thích receptor thần kinh phế vị dạ dày, và phục hồi các phản xạ đối giao cảm ly tâm có thể làm phát sinh quá trình xuất bào của các tuyến, làm cho đờm ít nhớt hơn. Đờm sau đó được tống ra ngoài nhờ phản xạ ho của cơ thể, giúp cải thiện tạm thời các triệu chứng cho bệnh nhân.
Có những nghiên cứu cho thấy thuốc có tác dụng chống co giật và giãn cơ ở một mức độ nào đó bằng cách hoạt động như 1 chất đối kháng thụ thể NMDA.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Nghiên cứu lâm sàng theo thời gian đối chứng ngẫu nhiên, đa trung tâm về hiệu quả và độ an toàn của dung dịch uống kết hợp pseudoephedrine hydrochloride với guaifenesin.

Kết hợp pseudoephedrine hydrochloride với guaifenesin
Hình ảnh: Kết hợp pseudoephedrine hydrochloride với guaifenesin

Các tác giả: Nhóm phối hợp nghiên cứu lâm sàng dung dịch uống kết hợp guaifenesin với pseudoephedrine hydrochloride, Lu Q.
Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của dung dịch uống kết hợp pseudoephedrine hydrochloride với guaifenesin trong điều trị ho, có đờm, nghẹt mũi và sổ mũi ở trẻ em.
Phương pháp: Đây là 1 nghiên cứu lâm sàng theo thời gian đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đơn và đối chứng song song. Tổng cộng có 10 trung tâm tham gia vào nghiên cứu này, số trường hợp thực tế phù hợp với chương trình này là 412, trong đó 205 bệnh nhân trong nhóm thử nghiệm được điều trị bằng dung dịch uống kết hợp pseudoephedrine hydrochloride với guaifenesin và 207 bệnh nhân trong nhóm đối chứng được điều trị bằng dung dịch uống ambroxol hydrochloride, điều trị ở cả 2 nhóm kéo dài trong 7 ngày. Tỉ lệ cải thiện của từng triệu chứng đơn lẻ, các triệu chứng kết hợp và tỉ lệ hiệu quả tổng thể được so sánh giữa 2 nhóm. Các phản ứng bất lợi và tuân thủ điều trị cũng được đánh giá.
Kết quả: Việc điều trị của cả 2 nhóm cho thấy hiệu quả. Ngoại trừ tính dính nhớt của đờm, sự cải thiện tất cả các triệu chứng ở nhóm thử nghiệm vượt trội hơn so với nhóm đối chứng vào ngày thứ 3 sau điều trị (P < 0.05) và ngoại trừ nghẹt mũi, hiệu quả trên tất cả các triệu chứng khác của nhóm thử nghiệm cũng tốt hơn nhóm đối chứng vào ngày thứ 7 (P < 0.01). Tỉ lệ cải thiện các triệu chứng kết hợp của dung dịch uống pseudoephedrine hydrochloride cộng với guaifenesin là 82.9% và tỉ lệ hiệu quả tổng thể là 89.3%. Dung dịch uống guaifenesin kết hợp với pseudoephedrine hydrochloride có tuân thủ điều trị tốt hơn và tỉ lệ các tác dụng bất lợi của nó chỉ là 0.92%.
Kết luận: Dung dịch uống guaifenesin kết hợp với pseudoephedrine hydrochloride cho thấy hiệu quả và an toàn đáng kể ở trẻ em trong điều trị ho, có đờm, nghẹt mũi và sổ mũi do viêm khí – phế quản cấp tính hoặc cảm lạnh thông thường.

Dược động học

Hấp thu: Thời gian khởi phát tác dụng là 30 phút và thời gian tác dụng là 4-6 giờ. Sau khi uống 1 liều 400 mg, thuốc bị thủy phân nhanh (hơn 60% liều được thủy phân trong khoảng 7 giờ).
Phân bố: Thể tích phân bố (Vd) trung bình ở người trưởng thành là 116 L.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa ở gan và chất chuyển hóa là acid β-(2-methoxyphenoxy) lactic. Chất này được tìm thấy trong nước tiểu. Người ta đã quan sát thấy guaifenesin cũng trải qua cả quá trình oxy hóa và demethyl hóa (bởi O-demethylase trong các microsome của gan).

Chuyển hóa Guaifenesin
Hình ảnh: Chuyển hóa Guaifenesin

Thải trừ: Thời gian bản thải (t1/2) khoảng 1 giờ. Bài xuất chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa (không tìm thấy chất mẹ). Thanh thải trung bình là 94.8 L/h.

Chỉ định và liều dùng

Ho có đờm, sổ mũi, nghẹt mũi, sung huyết mũi…:
100-400 mg PO mỗi 4 giờ, không quá 2.4 g/ngày.

Sổ mũi, nghẹt mũi
Hình ảnh: Sổ mũi, nghẹt mũi

Viên giải phóng kéo dài:
600-1200 mg PO mỗi 12 giờ, không quá 2.4 g/ngày.
Với viên giải phóng kéo dài, nuốt nguyên viên, không nhai hoặc nghiền.
Không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi.
Thường phối hợp với thuốc kháng sinh, kháng histamine H1…

Tác dụng phụ

Tỉ lệ không xác định:

  • Rối loạn thần kinh trung ương: Chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau dạ dày.
  • Giảm nồng độ acid uric huyết thanh.
  • Phản ứng dị ứng: Phát ban.

Báo cáo hậu mãi:

  • Sỏi thận.

Thuốc được đánh giá là lành tính và ít tác dụng phụ. Liều LD50 (liều gây chết 50% động vật thí nghiệm) được báo cáo trên chuột khi sử dụng đường uống là 1510 mg/kg.

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân có bệnh gan, thận do ảnh hưởng đến dược động học (chuyển hóa và thanh thải) của guaifenesin.
Thận trọng với bệnh nhân có loét dạ dày – tá tràng do thuốc làm suy yếu yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày (lớp chất nhầy).

Bệnh loét dạ dày tá tràng
Hình ảnh: Bệnh loét dạ dày tá tràng

Thận trọng trên bệnh nhân có co thắt phế quản (như hen phế quản): Đờm loãng và ít nhớt hơn có thể gây bít tắc đường hô hấp, cản trở thông khí do ở những bệnh nhân này, đường kính phế quản bị thu hẹp.
Thuốc thường sử dụng phối hợp với các thuốc khác. Kiểm tra thành phần còn lại cẩn thận.
Một số sản phẩm có thể chứa phenylalanine: Thận trọng với bệnh nhân phenylketone niệu.
Nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng 7 ngày, nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng khi lợi ích là vượt trội hơn so với nguy cơ. Phân loại thai kì: C.
Phụ nữ đang cho con bú: Không rõ thuốc có bài tiết vào sữa hay không. Sử dụng thận trọng.

Tương tác thuốc

Phối hợp với thuốc kháng cholinergic (thuốc hủy phó giao cảm như atropin): Làm giảm hoạt tính phó giao cảm nên giảm tiết dịch hô hấp, dẫn đến giảm tác dụng của guaifenesin.

Tương tác thuốcguaifenesin và atropin
Hình ảnh: Tương tác thuốcguaifenesin và atropin

Phối hợp với thuốc giảm ho: Thường không nên do guaifenesin được sử dụng với mục đích tống đờm ra khỏi đường hô hấp. Để làm được điều này cần phản xạ ho của cơ thể. Nếu ức chế phản xạ ho sẽ gây ứ đọng đờm trong đường hô hấp.
Tương tác thuốc guaifenesin và dextromethorphan
Hình ảnh: Tương tác thuốc guaifenesin và dextromethorphan

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với guaifenesin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Đang lên cơn hen cấp tính.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5724298/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5925951/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5367561/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6115534/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6109196/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây