Glucosamin là một sản phẩm rất nổi tiếng trong giới dược phẩm. Nó nổi tiếng không phải vì tác dụng tốt, cũng không phải vì những tác dụng phụ, mà sự nổi tiếng của nó đến từ sự hiểu lầm về tác dụng dược lý trên xương khớp trong hàng chục năm qua. Trước đây, Glucosamin là một sản phẩm được tiếp thị và quảng cáo cực kì rầm rộ về những tác dụng thần kì của nó trên xương khớp. Mà có lẽ bất cứ ai trong số chúng ta cũng biết, bệnh xương khớp thường liên quan nhiều đến tuổi già, đến sự lão hóa, đây là nhóm bệnh cực kỳ phổ biến ở người cao tuổi. Y học hiện đại vẫn đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự lão hóa này, hoặc ít ra là cố gắng nỗ lực cải thiện được những triệu chứng đau nhức xương khớp, vốn không hề dễ chịu chút nào.
Tuy nhiên, bất chấp những quảng cáo mang tính chất “thần kì” như vậy, thực sự tác dụng của Glucosamin có hiệu quả đến vậy hay không? Bài viết này Heal Central sẽ trả lời cho bạn câu hỏi đó.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Glucosamin là một phân tử đường amin, tức là phân tử đường có gắn nhóm amino (-NH2). Phân tử này lần đầu được điều chế năm 1876 bởi Georg Ledderhose nhờ thủy phân chitin bằng acid hydrochloric (HCl) đặc. Đến năm 1939, cấu trúc hóa học lập thể của Glucosamin được tìm ra bởi Walter Haworth.
Glucosamin tồn tại trong nhiều cơ thể sống, đặc biệt có nhiều trong thành phần của chitin (có trong vỏ các loại côn trùng). Glucosamin cũng góp phần tham gia vào cấu tạo của nhiều mô liên kết cũng như mô sụn trong cơ thể con người. Nó tham gia cấu tạo nên các sợi collagen ở mô trong ổ khớp. Sợi collagen chịu trách nhiệm cho sự đàn hồi và dẻo dai của khớp, giúp chúng ta vận động một cách trơn tru (cùng với vai trò giảm ma sát của dịch khớp).
Khi càng lớn tuổi, cơ thể chúng ta càng lão hóa, khả năng tổng hợp các sợi collagen và tổng hợp dịch khớp kém dần, điều này dẫn đến những tiếng lạo xạo, răng rắc mà bạn có thể nghe thấy khi nhiều người già vận động. Đi cùng với những tiếng động đó là sự đau đớn do mài mòn sụn khớp. Tình trạng này kéo dài đi cùng với sự phá hủy sụn đầu khớp, nặng có thể dẫn đến tàn phế.
Lợi dụng sự tồn tại với tỷ lệ lớn của Glucosamin trong các thành phần cấu tạo nên sợi collagen, cùng với sự suy giảm khả năng tổng hợp thành phần này ở người lớn tuổi, nhiều công ty dược phẩm đã sử dụng lý thuyết này làm công cụ lập luận để chứng minh cho tác dụng thần thánh của Glucosamin.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ở Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ cũng không công nhận Glucosamin là thuốc, mà chỉ là thực phẩm bổ sung cho chế độ ăn uống. Ở châu Âu, Glucosamin có được công nhận là thuốc, nhưng chỉ là dạng Glucosamin sulfat tinh thể mà thôi, còn tất cả các dạng bào chế khác không được chấp thuận làm thuốc. Và ở châu Âu, Glucosamin sulfat cũng chỉ được chấp thuận cho giảm đau khớp ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối, ngoài ra không được phê duyệt cho đau khớp ở bất kì vị trí khác. Còn tại Việt Nam thì sao? Hiện nay Cục Quản lý Dược Việt Nam vẫn chấp nhận Glucosamin là thuốc, kể cả là dưới dạng muối sulfat hay hydrochlorid. Bạn có thể tìm thấy thông tin về vô số sản phẩm chứa Glucosamin trên thị trường Việt Nam ở trang web drugbank.vn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa thuốc và thực phẩm chức năng là gì? Câu trả lời là các thử nghiệm lâm sàng. Y học hiện đại ngày nay là Y học dựa trên bằng chứng (Evidence-based Medicine), hay có thể gọi tắt là Y học bằng chứng. Các chỉ định mà bệnh nhân có thể đọc trong tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc, nó đều phải được chứng minh thông qua các thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ. Bất cứ một sản phẩm nào đó có cơ chế tác dụng hay, độc, lạ đến đâu, cho dù là đúng đi chăng nữa, nhưng nếu không thể chứng minh được tác dụng trong các thử nghiệm lâm sàng trên người, thì đều chỉ là vô nghĩa. Glucosamin trong trường hợp này chính là như vậy. Ngoại trừ Glucosamin sulfat tinh thể, tất cả các dạng bào chế khác như Glucosamin hydrochlorid, Acetylglucosamin… đều không chứng minh được tác dụng của nó trong các thử nghiệm lâm sàng. Ngay cả với Glucosamin sulfat tinh thể, mặc dù đã được công nhận là thuốc ở châu Âu (nhưng không phải tất cả các nước châu Âu) và cả Việt Nam, nhưng nó chỉ cho thấy tác dụng giảm đau trên thoái hóa khớp gối, và đồng thời thêm vào đó, phải dùng với liều 1500 mg/ngày trong thời gian tối thiểu là 6 tháng thì mới có hiệu quả rõ rệt. Do đó có thể thấy, tác dụng giảm đau của Glucosamin sulfat tinh thể phải mất quá lâu để có thể đạt được, so với tác dụng nhanh hơn nhiều của các loại thuốc giảm đau thông thường khác.
Như vậy, các bệnh nhân hiện tại đang dùng Glucosamin để giảm đau khớp, bất kể là dạng bào chế gì, nên xử trí như thế nào? Glucosamin là tuy rằng là thuốc kê đơn ở Việt Nam nhưng người bệnh lại có thể mua tự do tại các nhà thuốc và quầy thuốc. Thêm vào đó, nó hầu như không gây ra tác hại nào với cơ thể và khá lành tính. Vì vậy, nếu bệnh nhân đang dùng sản phẩm chứa Glucosamin mà thấy có hiệu quả trong giảm đau do thoái hóa khớp, họ có thể tiếp tục dùng (mặc dù đây nhiều khả năng không phải tác dụng của Glucosamin mà là tác dụng của hiệu ứng giả dược [placebo effect]). Còn nếu không nhận thấy có hiệu quả, đặc biệt là khi đã dùng trong tối thiểu 6 tháng, họ nên sử dụng thuốc giảm đau thay thế chứ không nên tiếp tục dùng Glucosamin, vì lúc này tiếp tục dùng Glucosamin chỉ làm bệnh nhân tốn tiền hơn mà thôi.
Bài viết này sẽ chủ yếu tập trung vào Glucosamin sulfat tinh thể.
Dược lực học của Glucosamin Sulfat tinh thể
Như đã nói ở trên, ngoại trừ Glucosamin sulfat tinh thể, tất cả các dạng bào chế khác của Glucosamin đều không chứng minh được tác dụng của chúng trên giảm đau khớp. Và Glucosamin sulfat tinh thể cũng chỉ được chứng minh tác dụng của chúng trên khớp gối mà thôi.
Viêm khớp, thoái hóa khớp là một tình trạng thường gặp ở người già, thường là hậu quả của sự lão hóa. Tình trạng này trên lý thuyết có thể gặp ở tất cả các khớp, nhưng trên thực tế, ta sẽ gặp chúng nhiều ở khớp gối và khớp cột sống. Đây là các khớp chịu lực nhiều cho cơ thể, đặc biệt là khớp gối, do vậy việc chúng dễ bị thoái hóa hơn các khớp khác cũng là điều dễ hiểu.
Glucosamin là một amino monosacchrarid (đường đơn có chứa nhóm amino –NH2) tự nhiên. Nó là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc của các glycosaminoglycans ở ma trận sụn và dịch khớp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bổ sung Glucosamin sẽ giúp tăng cường phát triển sụn và tổng hợp dịch khớp in vivo (trong cơ thể), mặc dù đúng là các nghiên cứu in vitro (trong ống nghiệm) cho thấy Glucosamin kích thích tổng hợp các glycosaminoglycans rất mạnh. Điều này một lần nữa khẳng định không phải một chất cứ có tác dụng in vitro thì sẽ có tác dụng in vivo tương ứng.
Cơ chế tác dụng trên giảm đau trong thoái hóa khớp của Glucosamin sulfat tinh thể không thật sự rõ ràng, nhưng có thể là do Glucosamin sulfat tinh thể làm đảo ngược tác dụng gây thoái hóa khớp và tác dụng tiền viêm của interleukin-1 (IL-1), đồng thời ức chế sự hoạt hóa con đường yếu tố nhân-kappa B (NF-κB). Tuy nhiên đây cũng chỉ là những thí nghiệm in vitro, đồng thời lại sử dụng nồng độ Glucosamin trong ống nghiệm cao hơn nồng độ Glucosamin trong máu sau khi uống khoảng 10 µM, nên cơ chế tác dụng này của Glucosamin in vivo là không chắc chắn.
Thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Glucosamine
Thử nghiệm lâm sàng đăng tải online trên tạp chí NEJM (The New England Journal of Medicine) ngày 23/02/1006 với tiêu đề: “Glucosamine, Chondroitin Sulfate, and the Two in Combination for Painful Knee Osteoarthritis”, hay Glucosamin, Chondroitin sulfat hoặc sự kết hợp cả hai trong đau do viêm xương khớp ở gối.
Thử nghiệm can thiệp viêm khớp Glucosamin/Chondroitin (Glucosamine/chondroitin Arthritis Intervention Trial [GAIT]) đa trung tâm, mù đôi, đối chứng giả dược và đối chứng Celecoxib đã đánh giá hiệu lực và độ an toàn của Glucosamin/Chondroitin khi xem xét chúng như một phương pháp điều trị đau đầu gối do viêm xương khớp.
Phương pháp: 1583 bệnh nhân có viêm xương khớp ở đầu gối có triệu chứng được lựa chọn ngẫu nhiên vào thử nghiệm. Mỗi bệnh nhân sẽ được nhân Glucosamine 1500 mg/ngày, hoặc Chondroitin sulfat 1200 mg/ngày, hoặc cả Glucosamine và Chondroitin sulfat, hoặc Celecoxib 200 mg/ngày, hoặc giả dược. Thời gian tiến hành thử nghiệm là 24 tuần. Bệnh nhân được phép sử dụng Paracetamol (Acetaminophen) để giảm đau, có thể sử dụng đến liều tối đa 4000 mg/ngày. 1583 bệnh nhân này được phân tầng theo mức độ đau, với đau nhẹ (có 1229 bệnh nhân) và đau từ trung bình đến nặng (có 354 bệnh nhân). Kết quả nguyên phát được sử dụng trong đánh giá là giảm được 20% mức độ đau đầu gối so với mức ban đầu sau 24 tuần.
Kết quả: Số tuổi trung bình của tất cả các bệnh nhân tham gia thử nghiệm là 59, trong đó có tới 64% là nữ giới. Nhìn chung, xét về kết quả nguyên phát, Glucosamin và Chondroitin sulfat không tốt hơn đáng kể so với giả dược. Cụ thể, tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng Glucosamine là 64.0%, tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng Chondroitin sulfat là 65.4%, tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng cả Glucosamin và Chondroitin sulfat là 66.6%, trong khi đó tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng giả dược là 60.1%, thấp hơn cả 3 nhóm trên một chút, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (các giá trị P cho các nhóm chỉ dùng Glucosamin, nhóm chỉ dùng Chondroitin sulfat và nhóm dùng cả Glucosamin và Chondroitin sulfat so với nhóm dùng giả dược lần lượt là 0.30, 0.17 và 0.09, tất cả đều lớn hơn 0.05). Tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng Celecoxib là 70.1%, có nghĩa là cao hơn nhóm giả dược 10%, và quan trọng hơn là, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P = 0.008 < 0.05). Nếu chỉ xét riêng phân nhóm gồm 354 bệnh nhân bị đau từ trung bình đến nặng, tỷ suất đáp ứng của nhóm dùng cả Glucosamin và Chondroitin sulfat cao hơn đáng kể so với giả dược (tương ứng là 79.2% và 54.3%, P = 0.002 < 0.05).
Kết luận: Như vậy thử nghiệm này cho thấy Glucosamin, Chondroitin và Glucosamin kết hợp với Chondroitin đều không không có tác dụng giảm đau hiệu quả ở bệnh nhân đau đầu gối do viêm xương khớp. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Glucosamin và Chondroitin có thể hiệu quả ở những bệnh nhân có đau khớp gối từ trung bình đến nặng.
Dược động học của Glucosamine
Glucosamin sulfat tinh thể hấp thu nhanh qua đường uống, sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 25%. Nồng độ tối đa trong huyết tương (Cmax) trung bình là 10 µM, đạt được sau 3 giờ (Tmax). Phân bố ở cả khoang mạch máu cũng như ngoại mạch. Thời gian bán thải (t1/2) khoảng 15 giờ, thích hợp cho việc dùng 1 lần/ngày.
Dược động học của nó tuyến tính trong khoảng liều 750-1500 mg, tuy nhiên liều cao hơn không còn tuyến tính nữa.
Tác dụng của Glucosamin
Glucosamin sulfat tinh thể có tác dụng làm giảm triệu chứng đau do thoái hóa khớp gối và viêm khớp gối. Các dạng bào chế còn lại của Glucosamin không chứng minh được tác dụng của chúng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Chỉ định của Glucosamin
Glucosamin sulfat tinh thể được chỉ định cho thoái hóa khớp gối hoặc viêm khớp gối ở một số nước châu Âu, nhưng nó không phải là thuốc mà chỉ là thực phẩm chức năng ở Hoa Kỳ. Các Glucosamin ở dạng bào chế khác không chứng minh được tác dụng và hiệu quả trên người, và cũng hầu như ít được chấp thuận để làm thuốc ở nhiều quốc gia trên thế giới (trừ Việt Nam vẫn có một vài chế phẩm sử dụng dạng muối hydrochlorid, nhưng đa phần vẫn sử dụng dạng muối sulfat).
Uống Glucosamin như thế nào?
Liều dùng với Glucosamin (bất kể là dạng muối sulfat tinh thể hay các dạng bào chế khác) thường được đề xuất là 1500 mg 1 lần/ngày trong tối thiểu 6 tháng.
Không có thông tin về thời điểm dùng thích hợp.
Tác dụng không mong muốn của Glucosamin
Nhìn chung thì các tác dụng bất lợi của Glucosamin (bất kể là dạng muối sulfat tinh thể hay các dạng bào chế khác) là hiếm gặp và tương đương với giả dược trong các thử nghiệm lâm sàng. Nó cũng cho thấy khả năng dung nạp tốt hơn các thuốc NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) truyền thống khác.
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải là:
- Rối loạn tiêu hóa nhẹ: Buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón.
- Rối loạn thần kinh: Mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, ngủ gà.
- Dị ứng: Ngứa, phát ban, đỏ da không phổ biến.
Một số tác dụng không mong muốn khác cũng được ghi nhận:
- Tăng men gan.
- Rối loạn dung nạp glucose.
- Tăng cholesterol máu.
- Tăng áp lực nội nhãn.
- Phù, rối loạn nhịp nhanh.
- Xuất huyết dưới da.
Các sản phẩm Glucosamin không tinh khiết có thể làm cho bệnh nhân dị ứng nếu họ có tiền sử dị ứng hải sản trước đó.
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng Glucosamin Sulfat tinh thể
Sản phẩm Glucosamin sulfat tinh thể có chứa một lượng nhỏ muối ăn (NaCl) để ổn định cấu trúc, thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân cần ăn chế độ ăn giảm muối như bệnh nhân có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận mạn… Các sản phẩm chứa KCl cần thận trọng cho bệnh nhân có bệnh thận mạn tính.
Ảnh hưởng của Glucosamin lên độ nhạy cảm insulin là không chắc chắn. Vì vậy, nên thận trọng khi sử dụng Glucosamin cho các bệnh nhân bị rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường), đồng thời ở những bệnh nhân đái tháo đường, cần theo dõi nồng độ đường huyết thường xuyên, bao gồm cả khi trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên điều này thực sự rất khó thực hiện vì ở Việt Nam hiện nay chúng ta có thể sử dụng Glucosamin một cách tự do mà không có sự giám sát thích hợp.
Đã có báo cáo về độc tính trên gan và tăng men gan của Glucosamin. Nếu bệnh nhân có tăng men gan khi đang dùng Glucosamin, nên dừng sử dụng ngay.
Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Đã có báo cáo về Glucosamin sulfat tinh thể làm tăng tác dụng chống đông máu của thuốc chống đông máu nhóm coumarin. Nên thận trọng ở những người đang dùng các thuốc chống đông máu loại này (như Warrfarin) cũng như thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel, Prasugrel…).
Tương tác của Glucosamin với các thuốc khác
Tương tác của Glucosamin sulfat tinh thể chưa được nghiên cứu nhiều.
Đã có báo cáo về Glucosamin sulfat tinh thể làm tăng tác dụng chống đông máu của thuốc chống đông máu nhóm coumarin.
Không nên phối hợp Glucosamin với Etoposid hoặc Doxorubicin mặc dù nguy cơ tương tác chỉ mang tính lý thuyết.
Chống chỉ định của Glucosamin
Quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Không nên sử dụng cho các đối tượng sau: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú do thiếu dữ liệu lâm sàng.
Một số chế phẩm trên thị trường – Giá bán
Glucosamine Sulfate 1000mg (Spring Valley) của Mỹ
Hàm lượng: Mỗi viên chứa Glucosamin sulfat 1000 mg.
Giá bán: 680,000 VNĐ/hộp 200 viên nén 1000 mg.
Glucosamin Việt Nam
Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây.
Hàm lượng: Mỗi viên chứa Glucosamin sulfat 250 mg, tương đương Glucosamin 196.5 mg.
Giá bán: 70,000 VNĐ/hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng.
Viên Uống Glucosamine Orihiro 1500mg Của Nhật, 900 viên
Thuốc được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản.
Hàm lượng: Glucosamin 1500mg
Giá bán: 590.000 VNĐ/ Hộp
Viên uống Bổ Xương Khớp Blackmores Glucosamine 1500mg của Úc
Thuốc Blackmores Glucosamine 1500mg được nhập khẩu trực tiếp từ Úc.
Hàm lượng hoạt chất: Glucosamine 1500mg
Giá bán: 620.000 VNĐ/ Hộp.
Ceteco Glucosamin 250mg
Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương III.
Hàm lượng: Mỗi viên chứa 250 mg Glucosamin sulfat.
Glucosamin 250 Glomed
Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Glomed.
Hàm lượng: Mỗi viên chứa 250 mg Glucosamin sulfat.
Giá bán: 100,000 VNĐ/hộp 10 vỉ x 10 viên nang.
AtiGluco 500
Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên.
Hàm lượng: Mỗi viên chứa Glucosamin hydrochlorid 500 mg.
Số đăng kí: VD-24735-16.
Giá bán buôn kê khai: 1,440 VNĐ/viên.
Aussamin
Nhà sản xuất: Probiotec Pharma Pty., Ltd.
Hàm lượng: Mỗi viên chứa Glucosamin 295 mg (dưới dạng Glucosamin sulfat kali chlorid).
Số đăng kí: VN-20995-18.
Bone-Glu
Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây.
Hàm lượng: Mỗi gói 2.7 g chứa Glucosamin sulfat (dưới dạng Glucosamin sulfat natri chlorid) 1500 mg.
Số đăng kí: VD-26142-17.
Giá bán buôn kê khai: 6,800 VNĐ/gói.
Glucosamine Orihiro
Nhà sản xuất: Hãng dược phẩm Orihiro – NHẬT BẢN.
Hàm lượng: 1500mg mỗi viên.
Số đăng ký: VD-2411-07.
Giá bán: Dao động từ 590.000-650.000 đồng.
Blackmores Glucosamine
Nhà sản xuất: Blackmores – Australia.
Hàm lượng: 1500mg mỗi viên.
Giá bán: từ 500.000 – 848.000 tùy loại.
Tài liệu tham khảo
Lucio C. Rovati, Federica Girolami, and Stefano Persiani, Crystalline glucosamine sulfate in the management of knee osteoarthritis: efficacy, safety, and pharmacokinetic properties,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3400104/
Daniel O. Clegg, M.D., Domenic J. Reda, Ph.D., Crystal L. Harris, Pharm.D., Marguerite A. Klein, M.S., James R. O’Dell, M.D., Michele M. Hooper, M.D., John D. Bradley, M.D., Clifton O. Bingham, III, M.D., Michael H. Weisman, M.D., Christopher G. Jackson, M.D., Nancy E. Lane, M.D., John J. Cush, M.D., et al., Glucosamine, Chondroitin Sulfate, and the Two in Combination for Painful Knee Osteoarthritis,
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa052771
Trung tâm DI & ADR Quốc gia: PHẢN ỨNG CÓ HẠI CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG GLUCOSAMIN
http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/222