Thuốc Folacid: Công dụng, cách dùng, liều dùng và giá bán

5/5 - (8 bình chọn)

Folacid là thuốc gì?

Folacid là một chế phẩm thuốc dùng đường uống chứa thành phần hoạt chất chính là Acid folic với hàm lượng 5mg và một số tá dược như lactose, tinh bột ngô, magie stearate, povidon, … trong một viên nén. Thuốc được đóng gói trong hộp chứa 4 vỉ thuốc, số viên trong mỗi vỉ là 20 viên. Folacid là sản phẩm thuốc được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Pharmedic của Việt Nam.

Tham khảo thêm: Thuốc Tardyferon B9 của Pháp: Hướng dẫn sử dụng hiệu quả

Số đăng ký thuốc Folacid

Folacid 5mg được cấp số đăng ký lưu hành lần đầu vào ngày 08 tháng 12 năm 2011 với SĐK là VD-16015-11. Ngày 27 tháng 02 năm 2019, Folacid được cấp lại số đăng ký lưu hành là VD-31642-19.

Thuốc Folacid có tác dụng gì?

Acid folic là một tiền chất của acid tetrahydrofolic, đóng vai trò như một đồng yếu tố trong các phản ứng chuyển hóa của quá trình sinh tổng hợp purin và thymidylat của acid nucleic. Khi được đưa vào cơ thể, đầu tiên acid folic sẽ được khử bởi enzyme dihydrofolate reductase thành cofactors dihydrofolate và tetrahydrofolate trở thành dạng có hoạt tính. Acid folic đóng vai trò là một yếu tố không thể thiếu trong cơ thể con người. Acid folic đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn phân chia mạnh của tế bào cơ thể như giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh, của thai nhi trong thai kỳ, quá trình tạo hồng cầu đồng thời cũng đóng vai trò là một yếu tố bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của bệnh ung thư. Thiếu hụt acid folic có thể dẫn đến hình thành nguyên hồng cầu khổng lồ, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và đại hồng cầu ngoài ra còn gây chậm lớn ở trẻ sơ sinh, dị tật bẩm sinh ở thai nhi, … Cơ thể người không tự tổng hợp được acid folic do đó cần bổ sung acid folic qua chế độ ăn uống hàng ngày trong các loại thức ăn như gan, các loại rau xanh, … Việc bổ sung qua chế độ ăn nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, vì thế người bệnh trong nhiều trường hợp cần sử dụng các chế phẩm thuốc có tác dụng cung cấp acid folic như Folacid.

Chỉ định của thuốc Folacid

Chế phẩm thuốc Folacid được sử dụng để bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai mà trước đó đã từng xảy ra dị tật ống thần kinh tủy sống ở thai nhi do thiếu acid folic.

Ngoài ra sự phối hợp của chế phẩm thuốc này cùng với với vitamin B12 đem đến hiệu quả cao cho bệnh nhân bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

Thuốc Folacid uống như thế nào?

Cách sử dụng thuốc Folacid
Cách sử dụng thuốc Folacid

Cách dùng

Viên nén Folacid nên được uống cả viên nguyên vẹn với một ly nước lọc, không nên tác động làm nhỏ thuốc nếu như không thực sự cần thiết hoặc không có sự chỉ định của bác sĩ. Không nên dùng Folacid cùng với các đồ uống khác như rượu, cà phê, sữa, … đặc biệt trong sữa có nhiều nguyên tố kim loại có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của acid folic.

Liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng mà liều dùng thuốc có sự khác biệt.

Liều dùng khuyến cáo cho phụ nữ mang thai mà trước đó đã từng xảy ra dị tật ống thần kinh tủy sống ở thai nhi do thiếu acid folic là 4 đến 5mg acid folic (tương đương khoảng 1 viên nén) mỗi ngày, thời gian dùng thuốc được khuyến cáo là từ 1 tháng trước khi có thai và duy trì đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ.

Liều dùng khuyến cáo cho bệnh nhân bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ như sau:

Chế độ liều cho người trưởng thành và trẻ trên 1 tuổi và người lớn là bắt đầu với 5mg đến 15mg acid folic (tương đương với 1 đến 3 viên) hàng ngày tùy theo khả năng hấp thu của từng đối tượng cụ thể và dùng liên tục 4 tháng. Sau 4 tháng, liều duy trì là 5mg acid folic (tương đương 1 viên nén) với tần suất 1 đến 7 ngày mỗi lần tùy thuộc vào từng đối tượng và mức độ nặng của bệnh.

Liều dùng cho trẻ sơ sinh nhỏ hơn 1 tuổi được xác định theo cân nặng của trẻ, cụ thể là 0,5mg/kg mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc Folacid

Hình ảnh bao bì thuốc Folacid
Hình ảnh bao bì thuốc Folacid

Acid folic thường được dung nạp tốt và tương đối an toàn đối với người sử dụng. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa trong thời gian dùng thuốc như buồn nôn, đầy bụng, chán ăn hay đầy hơi. Ngoài ra cũng đã có báo cáo về một số tác dụng không mong muốn trên hệ miễn dịch ở người dùng acid folic như các phản ứng dị ứng (ngứa, nổi mề đay, phát ban, ban đỏ, …) với tần suất hiếm gặp hoặc sốc phản vệ với tần suất rất hiếm gặp.

Acid folic là yếu tố cần thiết đối với cơ thể con người tuy nhiên việc gặp phải các tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc không thể dự đoán trước được. Do đó nếu  như bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn để được hướng dẫn xử trí thích hợp.

Chống chỉ định của thuốc Folacid

Tuyệt đối không dùng Folacid cho những người có tiền sử dị ứng với hoạt chất hoặc tá dược có trong thành phần công thức thuốc.

Chống chỉ định sử dụng Folacid riêng lẻ cho các bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin B12

Trong trường hợp bệnh nhân mới chỉ nghi ngờ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ mà chưa có chẩn đoán hay xét nghiệm xác thực thì không được dùng Folacid chưa đạt liều khuyến cáo dù đơn hay kết hợp với vitamin B12 để điều trị cho bệnh nhân này.

Tương tác của Folacid với các thuốc khác

Hình ảnh hộp thuốc Folacid
Hình ảnh hộp thuốc Folacid

Tương tác nghiêm trọng giữa acid folic với fluorouracil có thể dẫn đến làm tăng tác dụng của fluorouracil, đồng thời bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phải các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng hay tổn thương thần kinh. Một số triệu chứng cụ thể mà bạn có thể gặp phải như buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy, mệt mỏi, chóng mặt, bầm tím bất thường, đi ngoài ra máu, sốt , ớn lạnh, đau nhức, loét miệng, bỏng rát hoặc ngứa ở các chi. Khi gặp phải các dấu hiệu này, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn.

Sử dụng đồng thời chế phẩm thuốc chứa một số thuốc chống co giật như phenytoin, natri valproate, primidone, carbamazepin với chế phẩm thuốc chứa acid folic như Folacid có thể xảy ra tương tác qua lại làm giảm nồng độ trong huyết tương của cả hai loại thuốc này dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị. Trong trường hợp cần thiết phải dùng đồng thời hai loại thuốc này, có thể cân nhắc hiệu chỉnh liều và bệnh nhân nên được theo dõi thường xuyên đề phòng trường hợp bị mất kiểm soát các cơn động kinh.

Các chế phẩm thuốc chứa acid folic có thể tương tác trung bình với chế phẩm thuốc chứa methotrexate dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị của methotrexate. Vì vậy, cần thận trọng khi bổ sung acid folic nếu như bạn đang điều trị viêm khớp với methotrexate.

Dùng đồng thời Folacid với cholestyramine có thể xảy ra tương tác làm cản trở sự hấp thu của acid folic. Do đó nếu như cần thiết phải phối hợp hai thuốc này thì thời điểm dùng hai thuốc nên cách nhau một khoảng thời gian, cụ thể nên dùng acid folic vào thời điểm 1 giờ trước hoặc 4- 6 giờ sau khi dùng cholestyramine để tránh tương tác thuốc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Aspirin có thể tương tác dược động học dẫn đến làm giảm thải trừ acid folic khi sử dụng đồng thời các chế phẩm chứa hai loại thuốc này. Điều này có thể làm tăng tích lũy acid folic trong máu dẫn đến tăng tác dụng và cả tác dụng không mong muốn của thuốc.

Một số kháng sinh có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nồng độ acid folic trong huyết thanh và hồng cầu dẫn đến làm sai lệch kết quả và ảnh hưởng đến định hướng điều trị.

Trimethoprim, sulfamethoxazole đơn độc hoặc dạng phối hợp như co-trimoxazole khi dùng đồng thời với Folacid có thể tương tác mức độ trung bình dẫn đến làm giảm sinh khả dụng của acid folic làm giảm hiệu quả điều trị. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bệnh nhân bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Do đó cần cân nhắc cẩn thận khi kết hợp sử dụng các loại thuốc này với nhau.

Uống quá nhiều rượu có thể tương tác dược động học dẫn đến làm giảm hấp thu và tăng thải trừ acid folic khi sử dụng đồng thời các chế phẩm chứa hai chất này. Điều này có thể làm giảm nồng độ acid folic trong máu dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

Khi dùng đồng thời các thuốc antacid có chứa nhôm hoặc magiê có thể làm giảm hấp thu acid folic làm giảm hiệu quả của thuốc. Do đó khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc kháng antacid ít nhất hai giờ sau khi dùng acid folic trong trường hợp cần thiết dùng hai thuốc cùng nhau.

Phụ nữ có thai, cho con bú sử dụng Folacid được không?

Phụ nữ có thai có thể sử dụng thuốc Folacid
Phụ nữ có thai có thể sử dụng thuốc Folacid

Việc bổ sung acid folic trong thai kỳ thường đem đến lợi ích hơn là nguy cơ. Thực tế thiếu hụt acid folic hay chuyển hóa bất thường có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh trên thai nhi, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến chậm phát triển thai trong tử cung, bong nhau thai hoặc sảy thai. Mặc dù nghiên cứu trên chuột cho thấy acid folic liều rất cao có thể gây bất lợi đến bào thai nhưng chưa có báo cáo nào về tác dụng bất lợi của thuốc trên phụ nữ mang thai và thai nhi. Do đó phụ nữ có thai hoàn toàn có thể sử dụng Folacid để bổ sung acid folic trong thai kỳ với liều khuyến cáo hoặc theo sự kê đơn của bác sĩ.

Acid folic được bài tiết tích cực qua sữa mẹ và đi vào tuần hoàn chung của trẻ bú mẹ giúp cung cấp acid folic cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Hiện không có tác dụng không mong muốn nào được ghi nhận trên trẻ bú mẹ và bà mẹ cho con bú khi bổ sung acid folic bằng chế phẩm thuốc trong thời gian cho con bú. Vì thế phụ nữ cho con bú có thể dùng Folacid với liều thông thường.

Giá thuốc Folacid 5mg?

Hiện nay Folacid 5mg được bán với giá trên thị trường là 32.000 VNĐ/ hộp chứa 4 vỉ thuốc, mỗi vỉ chứa 20 viên nén.

Thuốc Folacid mua ở đâu?

Để mua được thuốc Folacid 5mg đảm bảo chất lượng cao và cho hiệu quả điều trị tốt với cả cả hợp lý, bạn nên tìm đến mua ở các nhà thuốc uy tín như nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc bệnh viện Bạch Mai, nhà thuốc bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, … Đặc biệt tại nhà thuốc Lưu Anh, Ngọc Anh, bạn sẽ được tận tình hướng dẫn, hỗ trợ và cung cấp các thông tin cần thiết về các loại thuốc bạn cần. Hoặc bạn có thể nhắn tin trực tiếp với page để biết thêm thông tin chi tiết.

 

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây