Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Famotidine tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Famotidine là gì? Famotidine có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Famotidine là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Famotidine là thuốc kháng histamine H2 được sử dụng trong các bệnh lý cần giảm tiết acid dạ dày. Nó thuộc cùng nhóm thuốc với cimetidine, nhưng có 2 điểm nổi bật hơn cimetidine, thứ nhất là nó hầu như không ảnh hưởng lên enzyme gan, điều này cho phép nó không có tương tác thuốc nhiều như cimetidine, và thứ hai là liều dùng của nỏ nhỏ hơn cimetidine cũng như các thuốc còn lại trong nhóm rất nhiều.
Famotidine được phát triển bởi Yamanouchi Pharmaceutical Co. Nó được cấp phép vào giữa những năm 1980 bởi Merck & Co. và được tiếp thị bởi một doanh nghiệp liên doanh giữa Merck và Johnson & Johnson. Vòng imidazole của cimetidine đã được thay thế bằng vòng 2-guanidinothiazole. Famotidine có hoạt tính mạnh hơn 9 lần so với ranitidine và mạnh hơn 32 lần so với cimetidine.
Nó được tiếp thị lần đầu năm 1981. Các viên nén rã Pepcid RPD được phát hành năm 1999. Các chế phẩm chung đã có sẵn vào năm 2001 như Fluxid (Schwarz) hoặc Quamatel (Gedeon Richter Ltd.).
Tại Hoa Kỳ và Canada, 1 sản phẩm có tên Pepcid Complete, kết hợp famotidine với thuốc kháng acid trong một viên nén nhai giúp nhanh chóng làm giảm các triệu chứng của thừa acid dạ dày. Tại Anh, sản phẩm này được biết đến với tên gọi Pepcidtwo trước khi nó bị ngừng sản xuất tháng 4/2015.
Famotidine có sinh khả dụng kém (50%) do thời gian lưu trong dạ dày thấp. Famotidine khó hòa tan hơn ở pH cao hơn, và khi được sử dụng kết hợp với thuốc kháng acid, thời gian lưu trong dạ dày tăng lên. Điều này thúc đẩy sự vận chuyển cục bộ các thuốc này đến các receptor thành tế bào và tăng sinh khả dụng. Các nhà nghiên cứu đang phát triển các công thức viên nén dựa vào các hệ thống vận chuyển thuốc như trên như viên nén nổi để tăng khả dụng sinh học.
Dược lực học
Famotidine là thuốc đối kháng thụ thể histamine H2 được sử dụng trong các trường hợp cần giảm tiết acid dạ dày.
Khi histamine kết hợp với các thụ thể H2, nó gây ra đáp ứng nội bào thông qua AMP vòng (cAMP), từ đó hoạt hóa bơm proton ở thành tế bào, tăng cường vận chuyển ion H+ từ nội bào vào trong lòng dạ dày, đổi lại ion K+ đi từ ngoài vào trong tế bào. Như vậy acid trong dạ dày sẽ tăng lên. Đây là cơ chế sinh acid bình thường của cơ thể.
Famotidine có cấu trúc tương tự histamine, tranh chấp với histamine trong gắn vào thụ thể H2, dẫn đến histamine không gắn được vào thụ thể H2 và mất tác dụng, bơm proton không được hoạt hóa và cuối cùng là acid không được tiết vào lòng dạ dày.
Famotidine có khả năng liên kết mạnh với các thụ thể H2 hơn nhiều các thuốc khác cùng nhóm nên liều cần dùng thấp hơn rất nhiều.
Một số thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm pha III, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược (FAMOUS) về famotidine để phòng ngừa loét dạ dày và viêm thực quản ở bệnh nhân dùng aspirin liều thấp.
Các tác giả: Taha AS, McCloskey C, Prasad R và Bezlyak V.
Phương pháp: Bệnh nhân trưởng thành (tuổi ≥ 18) từ các phòng khám tim mạch, mạch não và đái tháo đường tại Bệnh viện Crosshouse, Kilmarnock, Vương quốc Anh, đủ điều kiện đăng ký vào thử nghiệm pha III, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược này nếu họ đang dùng aspirin 75-325 mg mỗi ngày có hoặc không có thuốc bảo vệ tim mạch khác. Bệnh nhân không bị loét hoặc viêm thực quản bào mòn khi nội soi tại đường cơ sở được chỉ định ngẫu nhiên bằng máy tính nhận famotidine 20 mg 2 lần/ngày (n = 204) hoặc giả dược 2 lần/ngày (n = 200). Bệnh nhân đã được kiểm tra nội soi lần cuối sau 12 tuần. Điểm cuối chính là sự phát triển của các vết loét mới ở dạ dày hoặc tá tràng hoặc viêm thực quản bào mòn ở tuần thứ 12 sau khi ngẫu nhiên hóa. Phân tích là bởi ý định điều trị, bao gồm tất cả các bệnh nhân ngẫu nhiên đã nhận được ít nhất 1 liều thuốc nghiên cứu (famotidine hoặc giả dược). Thử nghiệm này là 1 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tiêu chuẩn quốc tế, số ISRCTN96975557.
Kết quả: Tất cả các bệnh nhân ngẫu nhiên đã nhận được ít nhất 1 liều. 82 bệnh nhân (famotidine n = 33, giả dược n = 49) không được kiểm tra nội soi lần cuối và được cho là đã có kết quả bình thường. Lý do chính khiến người tham gia rút lui là từ chối tiếp tục điều trị. Sau 12 tuần, so sánh bệnh nhân được chỉ định dùng famotidine với bệnh nhân được chỉ định dùng giả dược, loét dạ dày lần lượt đã phát triển ở 7 (3.4%) trong số 204 bệnh nhân so với 30 (15.0%) trong số 200 bệnh nhân (tỉ số chênh [OR] 0.20, 95% CI 0.09-0.47, P = 0.0002), loét tá tràng đã phát triển lần lượt ở 1 (0.5%) bệnh nhân so với 17 (8.5%, OR 0.05, 95% CI 0.01-0.40, P = 0.0045), và viêm thực quản bào mòn lần lượt ở 9 (4.4%) so với 38 (19.0%, OR 0.20, 95% CI 0.09-0.42, P < 0.0001). Nhóm famotidine có ít tác dụng phụ hơn nhóm giả dược (9 so với 15). 4 bệnh nhân trong nhóm giả dược phải nhập viện do xuất huyết tiêu hóa trên. Tác dụng phụ phổ biến nhất khác là đau thắt ngực (famotidine n = 2, giả dược n = 4).
Kết luận: Famotidine có hiệu quả trong việc ngăn ngừa loét dạ dày, loét tá tràng và viêm thực quản bào mòn ở bệnh nhân dùng aspirin liều thấp. Những phát hiện này mở rộng các lựa chọn điều trị để ngăn ngừa tổn thương đường tiêu hóa ở những bệnh nhân cần bảo vệ mạch máu.
Dược động học
Hấp thu:
Sinh khả dụng (F) là 40-45% (PO). Chuyển hóa bước 1 là tối thiểu. Thời gian khởi phát tác dụng là dưới 1 giờ (PO) và dưới 30 phút (IV). Thời gian tác dụng 10-12 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 20 phút (IV) hoặc 1-4 giờ (PO).
Phân bố:
Tỉ lệ gắn protein huyết tương là 15-20%. Thể tích phân bố (Vd) là 1.1-1.4 L/kg (người trưởng thành), 1.5-2.07 L/kg ở trẻ em, 1.4-1.8 L/kg (trẻ sơ sinh < 3 tháng) và 2.3 L/kg (trẻ 3-12 tháng).
Chuyển hóa:
Thuốc được chuyển hóa ở gan. Chất chuyển hóa không còn hoạt tính famotidine S-oxide.
Thải trừ:
Thời gian bán hủy (t1/2) là 2.5-4 giờ (người trưởng thành, có thể lên đến 20 giờ ở bệnh nhân suy thận có CrCl < 10 mL/phút), 3-4 giờ (trẻ em), 4.5 giờ (trẻ 3-12 tháng) và 8-10.5 giờ (trẻ < 3 tháng). Độ thanh thải thận (ClR) là 250-450 mL/phút, thanh thải toàn cơ thể (ClT) là 381-483 mL/phút. Bài xuất chủ yếu qua nước tiểu (25-30% dưới dạng không đổi khi dùng PO, 70% khi dùng IV).
Chú thích:
- PO: đường uống.
- IV: đường tĩnh mạch.
Chỉ định và liều dùng của Famotidine
Loét tá tràng:
Điều trị cấp tính:
20 mg PO/IV mỗi 12 giờ hoặc 40 mg PO trước khi đi ngủ trong 8 tuần.
Duy trì:
20 mg PO trước khi đi ngủ.
Giảm nguy cơ tái phát:
20 mg PO hàng ngày trong 1 năm hoặc theo chỉ định lâm sàng.
Loét dạ dày lành tính:
40 mg PO trước khi đi ngủ trong tối đa 8 tuần.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD):
Không bào mòn:
20 mg PO mỗi 12 giờ trong tối đa 6 tuần.
Bào mòn (Chẩn đoán bằng nội soi):
20-40 mg PO mỗi 12 giờ trong tối đa 12 tuần.
Tình trạng tăng tiết acid:
20 mg PO/IV mỗi 6 giờ, có thể tăng đến 160 mg mỗi 6 giờ.
Ợ nóng:
10-20 mg mỗi 12 giờ, có thể dùng vào 15-60 phút trước khi ăn thức ăn có thể gây ợ nóng.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:
CrCl < 50 mL/phút: Giảm 50% liều hoặc kéo dài thời gian dùng giữa các liều ra 36-48 giờ.
Tác dụng phụ của Famotidine
Thường gặp (1-10%):
- Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu (4.7%), chóng mặt (1.3%).
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy (1.7%), táo bón (1.2%).
Tỉ lệ không xác định:
- Toàn thân: Sốt, suy nhược, mệt mỏi.
- Rối loạn tim mạch: Loạn nhịp tim, block AV, đánh trống ngực, khoảng QT kéo dài ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận đã được báo cáo nhưng hiếm khi xảy ra.
- Rối loạn tiêu hóa:Vàng da ứ mật, viêm gan, men gan bất thường, buồn nôn, nôn, khó chịu ở bụng, chán ăn, khô miệng.
- Rối loạn huyết học: Giảm cả 3 dòng tế bào máu ngoại vi, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt hiếm gặp.
- Phản ứng quá mẫn: Sốc phản vệ, phù mạch, phù mặt hoặc ổ mắt, mày đay, phát ban, viêm kết mạc.
- Rối loạn cơ – xương – khớp: Tiêu cơ vân, đau cơ xương, chuột rút cơ, đau khớp.
- Rối loạn thần kinh / tâm thần: Động kinh cơn lớn, rối loạn tâm thần có thể đảo ngược bao gồm hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn, kích động, trầm cảm, lo lắng, giảm ham muốn tình dục, dị cảm, mất ngủ, buồn ngủ, co giật ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận được báo cáo rất hiếm.
- Rối loạn hô hấp: Co thắt phế quản, viêm phổi kẽ.
- Rối loạn da: Hoại tử thượng bì nhiễm độc / Hội chứng Stevens-Johnson rất hiếm, rụng tóc, mụn trứng cá, khô da, ngứa, đỏ.
- Các giác quan đặc biệt: Ù tai, rối loạn vị giác.
- Rối loạn tình dục: Bất lực, vú to ở nam giới hiếm gặp.
Lưu ý và thận trọng
Thận trọng với bệnh nhân suy thận. Chỉnh liều trong suy thận từ trung bình đến nặng (CrCl < 50 mL/phút).
Khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ (ECG) được báo cáo hiếm ở bệnh nhân suy thận mà liều hoặc khoảng cách liều không được điều chỉnh phù hợp.
Tác dụng phụ trên thần kinh trung ương (CNS) bao gồm lú lẫn, mê sảng, ảo giác, mất phương hướng, kích động, co giật và thờ ơ, được báo cáo với suy thận từ trung bình đến nặng.
Các triệu chứng giảm cũng không loại trừ khả năng của bệnh dạ dày ác tính. Xem xét đánh giá bệnh dạ dày ác tính ở bệnh nhân trưởng thành có đáp ứng dưới mức tối ưu hoặc tái phát triệu chứng sớm sau khi kết thúc điều trị.
Trạng thải lú lẫn được báo cáo khi sử dụng. Nguy cơ tăng ở người trên 50 tuổi và / hoặc suy thận hoặc gan.
Điều trị kéo dài (> 2 năm) có thể gây hấp thu kém vitamin B12, dẫn đến thiếu hụt loại vitamin này. Mức độ thiếu hụt liên quan đến liều dùng, thường xảy ra nhất ở nữ giới và những người trẻ dưới 30 tuổi.
Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) nếu thấy khó nuốt, nôn ra máu, đại tiện ra máu hoặc phân đen.
Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc khác, cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ liệu famotidine có thể được dùng đồng thời với nó hay không.
Phụ nữ có thai: Dữ liệu có sẵn trên phụ nữ mang thai không đủ để xác định nguy cơ liên quan đến dị tật bẩm sinh lớn, sảy thai hoặc kết quả bất lợi của mẹ hoặc thai nhi do thuốc. Không sử dụng trừ khi thật sự cần thiết.
Phụ nữ đang cho con bú: Dữ liệu hạn chế về sự hiện diện của thuốc trong sữa mẹ, ảnh hưởng của nó đến trẻ bú mẹ hoặc khả năng tiết sữa của mẹ. Thuốc được báo cáo có trong sữa của chuột cho con bú. Sử dụng thận trọng và chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết.
Tương tác thuốc
Dùng cùng atazanavir, bosutinib, dapsone, dasatinib, delavirdine, erlotinib, indinavir, kháng nấm azole, mesalamine, neratinib, pazopanib, ponatinib…: Giảm hấp thu các thuốc này do tăng pH dạ dày, dẫn đến giảm nồng độ thuốc trong huyết tương và giảm hiệu quả điều trị. Tránh các phối hợp này.
Dùng cùng digoxin, risedronate, pexidartinib…: Tăng nồng độ các thuốc này trong máu do tăng pH dạ dày, nguy cơ gặp tác dụng phụ và độc tính, đặc biệt là với các thuốc có khoảng điều trị hẹp như digoxin. Tránh các phối hợp này.
Dùng cùng mefloquine, pimozide, vandetanib: Tăng độc tính của famotidine. Nguy cơ kéo dài khoảng QT. Tránh các phối hợp này.
Dùng cùng pretomanid, tafenoquine: Tăng nồng độ và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ với famotidine do tafenoquine ức chế OCT-2 và MATE, còn pretomanid ức chế OAT-3. Tránh các phối hợp này.
Dùng cùng cyclosporin: Tăng nồng độ và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ với cyclosporin. Phối hợp thận trọng.
Dùng cùng các thuốc ức chế P-gp (erythromycin, amiodarone, quinidine…): Tăng nồng độ và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ với famotidine.
Dùng cùng các thuốc cảm ứng P-gp (carbamazepine, rifampin, St. John’s wort…): Giảm nồng độ và tác dụng của famotidine.
Mặc dù không được nghiên cứu lâm sàng, thuốc được coi là chất ức chế CYP1A2 yếu và có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể nồng độ tizanidine trong máu (cơ chất CYP1A2). Tránh phối hợp này. Nếu phải phối hợp, theo dõi các triệu chứng hạ huyết áp, nhịp tim chậm hoặc buồn ngủ quá mức.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với famotidine, các thuốc kháng histamine H2 khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534778/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC81382/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8261835
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4937634/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5637875/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1188579/