Đuối nước là gì? Biện pháp phòng tránh và xử trí khi đuối nước

4.8/5 - (27 bình chọn)

Đuối nước là tình trạng vẫn luôn phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Do đó, việc trang bị cho bản thân mình những kiến thức cơ bản về đuối nước và cách sơ cứu khi gặp phải các trường hợp bị đuối nước là điều vô cùng cần thiết.Bài viết dưới đây là những kiến thức về đuối nước và cách sơ cứu đuối nước đúng cách cũng như những lỗi sai thường gặp khi thực hiện sơ cứu mà có thể bạn đang quan tâm.

Đuối nước (chết đuối) là gì?

  • Hàng năm, nhất là trong mùa hè, tình trạng đuối nước, đặc biệt là ở người trẻ và trẻ em vẫn luôn nằm trong những con số đáng báo động. Ở Việt Nam, cứ mỗi năm có khoảng hơn 2000 trẻ em bị chết đuối. Điều này gây ra những lo ngại và đòi hỏi tất cả mọi người phải trang bị cho mình những kiến thức về tình trạng đuối nước cũng như những biện pháp để phòng trừ đuối nước và cách sơ cứu khi đuối nước xảy ra.
  • Vậy đuối nước là gì? Đuối nước, được hiểu theo nghĩa đơn giản, là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng. Khi đuối nước xảy ra, dòng nước tràn vào đường hô hấp khiến cơ quan hô hấp bị tắc nghẽn, nạn nhân không thở được dẫn đến tình trạng thiếu oxy của các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan sống còn. Thiếu oxy trong một thời gian ngắn sau, chức năng sống của cơ thể sẽ dừng hoạt động, ngừng tim, các cơ quan tổn thương không hồi phục dẫn đến tử vong.
  • Khi gặp đuối nước, có 2 trường hợp thường xảy ra, đó là: chết đuối trong tình trạng phổi có nước và chết đuối mà trong phổi không có nước (hay còn được gọi là “chết đuối khô”). Theo các trường hợp đã được ghi nhận, cứ 5 người đuối nước thì có 4 người chết đuối mà trong phổi có nước, còn 1 người bị “chết đuối khô”.
Đuối nước (chết đuối) là gì?
Đuối nước (chết đuối) là gì?
  • Hiện tượng chết đuối khô thường xảy ra ở những người không biết bơi mà bất ngờ bị chìm xuống nước. Khi đó, sự bất ngờ và hoảng sợ khiến nạn nhân bị mất bình tĩnh và khiến các phản xạ của cơ thể bị rối loạn. Cơ thể xuất hiện phản xạ co cơ nắp thanh quản và sau đó là sự đóng khí quản lại. Điều này khiến nước không đi vào phổi được nhưng cũng đồng thời làm nạn nhân không thở được, chỉ một thời gian ngắn sau sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và gây ra tử vong.
  • Tình trạng đuối nước thường xảy ra khá nhanh. Tỷ lệ sống sót của nạn nhân khi bị đuối nước phụ thuộc lớn vào thời gian bị ngập và thời điểm cấp cứu, cách cấp cứu có đúng cách hay không. Nếu nạn nhân được cấp cứu trước hoặc khi ngừng tim vừa xảy ra thì vẫn có cơ hội sống sót cao.

Các bước sơ cứu đuối nước đúng cách

Có nhiều người khi gặp phải tình trạng đuối nước xảy ra xung quanh mình đã thực hiện các sơ cứu với mong muốn có thể cứu được nạn nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được cách cấp cứu đuối nước thế nào cho đúng. Việc trang bị cho mình những kĩ năng sơ cứu đuối nước khẩn cấp là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Nguyên tắc đầu tiên khi gặp một nạn nhân đuối nước là phải cấp cứu tại chỗ với mục đích là giải phóng đường thở và cung cấp oxy trở lại cho bệnh nhân càng sớm càng tốt. Việc này phải được thực hiện một cách khẩn trương kịp thời để tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân.

Trước tiên, cần khẩn cấp đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước. Thực hiện điều này như sau:

  • Nếu nạn nhân bị đuối nước còn ý thức, đang giãy giụa dưới nước thì hãy sử dụng các vật dụng nổi trên nước như phao, thùng, khúc gỗ ném về phía nạn nhân để nạn nhân có thể bám vào chúng, tránh bị chìm xuống. Nếu vị trí người gặp nạn không quá xa bờ, bạn có thể sử dụng một cây gậy dài hoặc phao có gắn dây đưa về phía nạn nhân rồi kéo nạn nhân vào bờ
  • Tuyệt đối không tự ý nhảy xuống cứu nạn nhân nếu kĩ năng bơi của bạn chưa thực sự tốt vì trong lúc hoảng loạn, người bị đuối nước thường có xu hướng níu chặt và kéo xuống tất cả những gì họ bám vào được, kể cả người cứu hộ. Do đó, bạn rất có thể sẽ bị kéo chìm xuống theo nếu sức khỏe và kĩ năng bơi của bạn chưa đủ. Hãy hô hoán để những người xung quanh cùng tập trung tham gia cứu trợ.
  • Trong trường hợp người cứu hộ có khả năng bơi tốt và có thể nhảy xuống nước để cứu nạn nhân, để tránh tình trạng bị người đuối nước kéo chìm, người giải cứu nên bơi vòng ra phía sau nạn nhân khoảng 2 – 3m, sau đó lặn xuống nước và tìm cách xoay lưng của nạn nhân về phía mình. Sau đó, thực hiện kéo lê nạn nhân vào bờ bằng cách dùng tay xốc nách nạn nhân, bơi bằng chân. Hoặc cũng có thể dùng một tay giữ tóc nạn nhân để kéo, bơi bằng tay còn lại và hai chân. Lưu ý trong quá trình đưa nạn nhân vào bờ, phải luôn tìm cách giữ cho mũi và miệng của nạn nhân nổi trên mặt nước để người bị đuối nước có thể tự thở lại
  • Nếu nạn nhân đã bị bất tỉnh trong nước, người cứu chỉ nên nhảy xuống cứu nếu khả năng bơi tốt. Đợi người cứu hộ hoặc sử dụng thuyền cứu hộ (nếu có) để đưa nạn nhân vào bờ

Sau khi đưa nạn nhân đuối nước ra khỏi nước, tiến hành sơ cứu cho nạn nhân theo các bước sau:

Đối với nạn nhân là trẻ lớn và người lớn

Sơ cứu đuối nước với nạn nhân là người lớn
Sơ cứu đuối nước với nạn nhân là người lớn
  • Đặt người bị đuối nước nằm thẳng ở tư thế ngửa trên mặt phẳng cứng (như nền đất, sàn nhà). Sau đó nâng cằm của nạn nhân kết hợp đẩy đầu về phía sau sao cho 2 hàm răng gần như chạm vào nhau, giữ nguyên và lắng nghe nhịp thở của nạn nhân.
  • Khi không nghe thấy nhịp thở của nạn nhân, kết hợp với các biểu hiện người tím tái, mất phản xạ, không sờ thấy mạch thì phải ngay lập tức tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực kết hợp với hà hơi thổi ngạt để khai thông đường thở cho nạn nhân.
  • Động tác ấn tim ngoài lồng ngực tiêu chuẩn như sau: dùng hai tay đặt chồng lên nhau và đặt tay ngay giữa lồng ngực nạn nhân (vị trí đặt tay đúng là ở một nửa dưới xương ức, giữa 2 núm ). Ấn tay mạnh xuống lồng ngực và thực hiện ép tim. Sau khoảng 15 – 30 nhịp ép tim, tiến hành hà hơi thổi ngạt 2 lần. Động tác hà hơi thổi ngạt như sau: bịt chặt mũi nạn nhân, dùng miệng ngậm kín miệng của nạn nhân sau đó thổi liên tiếp 2 hơi (chú ý thổi hơi hết sức – hơi đầy phổi). Duy trì tần suất 15 – 30 nhịp ép tim / 2 lần thổi ngạt cho đến khi bệnh nhân thở lại được hoặc khi có sự trợ giúp y tế khác
  • Nếu có 2 người cùng cấp cứu cho nạn nhân, tiến hành một người thổi ngạt, một người ép tim, liên tục kiên trì đến khi người bị đuối nước hồi tỉnh lại.

Đối với trẻ em khi bị đuối nước

Sau khi đưa trẻ lên bờ, nếu trẻ đã bất tỉnh, đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo rồi quan sát sự di động của lồng ngực để xác định xem trẻ có còn thở không. Trẻ đã ngừng thở khi lồng ngực không còn di động, khi đó, cần ngay lập tức cấp cứu bằng cách thổi ngạt bằng miệng qua miệng (không thổi mạnh hết sức mà thổi 2 hơi chậm).

Sau khi thổi ngạt, nếu trẻ không có dấu hiệu thở lại, cần tiến hành ép tim để cấp cứu cho trẻ. Phương pháp ép tim đối với trẻ em bị đuối nước khác so với người lớn:

  • Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thực hiện ép lồng ngực bằng cách: dùng 2 ngón taycái, lấy đường nối 2 núm vú làm mốc, ấn lồng ngực trẻ ở vị trí giữa ngực, dưới đường nối khoảng 1 đốt ngón tay. Thực hiện liên tục đến khi trẻ có thể thở lại
  • Đối với trẻ từ 1 – 8 tuổi, dùng 1 bàn tay ấn vào vị trí phía trên cảu mỏm ức khoảng 2 đốt ngón tay kết hợp với động tác thổi ngạt. Thực hiện liên tục với tần suất 5 lần ép tim / 1 lần thổi ngạt
  • Đối với trẻ trên 8 tuổi, thực hiện phương pháp ép tim và hà hơi thổi ngạt như người lớn

Kiên trì thực hiện cấp cứu đến khi nạn nhân có thể tự thở được hoặc khi có sự hỗ trợ của các bác sĩ. Trong quá trình di chuyển đến các cơ sở y tế, cần tiếp túc duy trì việc cấp cứu và lưu ý giữ ấm cho nạn nhân, không để thân nhiệt của bệnh nhân giảm đột ngột, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Cởi quần áo ướt và giữa ấm cho trẻ bằng chăn mềm, khăn và quần áo khô.

Việc cấp cứu này có thể mất hàng giờ, cần kiên trì hết sức để cứu bệnh nhân. Chỉ từ bỏ việc cấp cứu khi đã thực hiện ép tim và thổi ngạt cho nạn nhân hơn 2 tiếng mà không xuất hiện bất kì dấu hiệu phục hồi nào.

Trong trường hợp sẽ còn tỉnh táo và chỉ bị sặc nước, nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để nước tự chảy ra ngoài, sau đó trẻ có thể tự thở trở lại được.

Cách sơ cứu đuối nước với đối tượng là trẻ em
Cách sơ cứu đuối nước với đối tượng là trẻ em

Những lỗi sai thường gặp khi sơ cứu đuối nước ở trẻ em

So với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ xảy ra đuối nước hơn (do nhiều trẻ tinh nghịch xảy chân ngã xuống nước và trẻ chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc bị đuối nước). Trẻ em cũng dễ rơi vào tình trạng nguy kịch hơn người lớn khi xảy ra đuối nước, vì cơ thể trẻ yếu ớt hơn người lớn rất nhiều. Vì vậy, việc am hiểu các phương pháp sơ cứu đuối nước cho trẻ và hạn chế các lỗi sai là kiến thức mà các ông bố bà mẹ cần phải trang bị kĩ càng.

Một số lỗi sai thường gặp khi sơ cứu đuối nước cho trẻ em là:

Nhảy xuống nước để cứu trẻ khi kĩ năng bơi chưa đủ tốt hoặc thậm chí là không biết bơi. Điều này thường xảy ra khi các bố mẹ lo lắng cho con nên không suy nghĩ kĩ càng mà đã nóng vội nhảy xuống cứu trẻ. Nếu bạn không biết bơi, hành động này vừa gây nguy hại đến cho bản thân mình vừa khiến trẻ không được cứu lên bờ kịp thời. Bình tĩnh suy nghĩ các phương pháp xử lý khác (như dùng phao kéo trẻ lên) hoặc hô hoán để kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh mới là cách xử lý đúng đắn.

Dốc ngược trẻ để nước chảy ra bằng cách vác trẻ lên vai chạy vài vòng: đây là một cách sơ cứu cực kỳ sai lầm. Điều này không hề giúp ích cho trẻ khôi phục hô hấp mà ngược lại còn làm chậm trễ thời điểm vàng để hồi sức tim phổi cho trẻ. Trong khi đó, não là cơ quan bị tổn thương không phục hồi nếu thiếu oxy, nên nếu xử lý chậm trễ, ngoài các tổn thương cơ quan, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chết não ở trẻ. Vì vậy, điều cần làm đầu tiên là tiến hành ép tim và thổi ngạt cho nạn nhân, trong quá trình thực hiện các bước này thì nước cũng sẽ tự động được ép ra ngoài.

Khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, việc ấn tim với lực quá mạnh có thể dẫn đến nguy cơ gây gãy xương sườn của trẻ, do xương của trẻ chưa được rắn chắc như người lớn. Do vậy, cần tiến hành với một lực vừa phải và đều đặn khi sơ cứu cho trẻ

Tụ tập đông người: khi xảy ra một vụ đuối nước, thường có rất nhiều người xung quanh quan tâm đến tình trạng của trẻ, dẫn đến tình trạng mọi người đều vây quanh trẻ. Tuy nhiên việc này có thể làm giảm không khí lưu thông quanh trẻ, khiến trẻ thiếu oxy trong khi một đứa trẻ bị đuối nước lại cần nhiều oxy để có thể thở lại bình thường. Vì vậy nên tránh việc tụ tập đông người để tạo không khí thông thoáng, giúp trẻ mau hồi phục.

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây