Củ bình vôi là một vị thuốc đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết hết công dụng của củ bình vôi, cách trồng cây, nhận biết cây cũng như cách sử dụng củ bình vôi sao cho đúng. Qua bài viết này, chúng tôi cung cấp các thông tin chi tiết cần biết và nên biết về củ bình vôi giúp cho bạn có thể sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Tổng quan về cây bình vôi
Cây bình vôi có tên khoa học là Stephania Glabra (Roxb.) Miers. thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae. Tên dân gian còn gọi là cây củ một, tử nhiên, cây gà ấp. Cây bình vôi được biết đến nhiều là một loại thảo dược có nhiều công dụng chữa bệnh như chữa bệnh mất ngủ, giúp an thần, chữa các bệnh về đường tiêu hóa, hỗ trợ trong chữa bệnh gút, tác dụng hạ huyết áp và nhiều các công dụng tốt khác.
Hoạt chất có tác dụng làm thuốc trong cây bình vôi trường tập trung trong phần rễ củ phình to ra nên người ta thường lấy phần rễ củ bình vôi chế biến thành dược liệu.
Đặc điểm hình thái cây bình vôi
- Cây bình vôi là một loại cây dây leo có rễ củ.
- Rễ cây bình vôi thuộc loại rễ củ, trong quá trình phát triển, rễ củ phát triển nhiều về chiều ngang, phình to ra thâm chí chồi phần lớn lớn trên mặt đất, phần này cũng chính là phần lấy và chế biến thành thuốc do tập trung hàm lượng dược chất cao. Phần rễ củ lồi lên trên mặt đất có hình dạng đặc biệt, trông giống một cái bình, bên ngoài có lớp vỏ màu nâu, bề mặt xù xì, có nhiều nốt sần, bên trong có màu trắng, vị đắng. Rễ củ ở trên mặt đất có khả năng phát triển to ra nhiều hơn là rễ củ dưới mặt đất do có diện tích, không gian phát triển, nó có thể nặng tới 50 cân.
- Từ phần rễ củ, mọc lên phần thân xanh dạng dây leo mềm. Trên phần thân leo, mọc lên các lá, lá đơn, lá màu xanh, hình trái tim, có cuống dài, gân lá hình mạng, lá mọc so le. Lá cây bình vôi có phiến lá mỏng, lá có kích thước nhỏ hơn bàn tay một chút, mép lá nguyên, không có lông. thân và lá có nhựa không màu.
- Hoa của cây bình vôi thuộc loại tán kép, hoa nhỏ, màu xanh, hoa đơn tính khác gốc, có hoa đực hoa cái, hoa đực có cuống dài hơn hoa cái.
- Quả của cây bình vôi có hình hơi cầu, khi quả chín có màu đỏ, hạt hình móng ngựa, đặc trưng của họ tiết dê.
Đặc điểm phân bố của cây bình vôi
Bình vôi thích hợp với khí hậu nhiệt đới, nên phân bố rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, cây bình vôi có thể tìm thấy ở trên khắp đất nước, tuy nhiên có nhiều và tập trung chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa,…
Cây bình vôi thường mọc hoang ở những vùng núi đá vôi ẩm, các khu rừng cây bụi, là loại cây ưa ánh sáng nên thường leo đến vị trí nhiều ánh sáng. Khi cây mọc trên các mỏm đá thường sẽ để lộ phần lớn rễ củ lên trên, rất dễ phát hiện và thu hái.
Thành phần của cây bình vôi
Phần rễ củ của cây bình vôi chứa hàm lượng hoạt chất cao nên được thu hái và chế biến thành dược liệu làm thuốc. Rễ củ cần phải được cạo sạch vỏ nâu bên ngoài.
Thành phần hoạt chất chính của rễ củ là các alcaloid, trong đó chứa chủ yếu là rotundin. Ngoài ra, còn có nhiều alcaloid có hoạt tính khác như roemerin, palmatin, stepharin, cycleanin, tetrahydrocolumbamin, cepharanthine, tetrahydro protoberberine, stepholidine.
Ngoài thành phần dược chất, rễ củ cây bình vôi còn chứa tinh bột, đường cùng một số acid hữu cơ.
Trong các thành phần trên, Rotundin là hoạt chất chiếm tỷ lệ cao nhất và được chiết xuất làm thuốc.
Rotundin có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương làm ức chế giúp an thần, gây ngủ, điều trị mất ngủ, hạ nhiệt, giãn mạch giúp hạ huyết áp, và được sử dụng kèm với các thuốc tây y làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc. Liều cao có tác dụng chống co giật.
Roemerin có tác dụng trên tim làm ức chế, giảm nhịp tim, giảm biên độ cũng như tần số co bóp của tim. Liều cao, gây ngừng tim.
Cepharanthin có tác dụng lên mạch làm giãn mạch, hạ huyết áp, giãn nhẹ mạch ngoại vi giúp lưu thông tuần hoàn máu, tăng cường sản xuất kháng thể, tăng khả năng miễn dịch.
Củ bình vôi có tác dụng gì?
Do chứa nhiều hoạt chất alcaloid nên củ bình vôi có nhiều công dụng trong chữa bệnh như tác dụng an thần, gây ngủ, điều trị mất ngủ, tác dụng trong chữa bệnh đường tiêu hóa, tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Gout, chữa bệnh đường hô hấp và dùng trong điều trị bệnh động kinh.
Tác dụng an thần
Tác dụng an thần, gây ngủ của củ bình vôi đến từ hoạt chất Rotundin. Hoạt chất Rotundin được phát hiện, tìm thấy bời nhà khoa học Bùi Đình Sang vào năm 1941. DỰa trên thử nghiệm lâm sàng và trải qua nhiều lần nghiên cứu, trong thời gian dài, đã kiểm chứng được tác dụng an thần của củ bình vôi. Do Rotundin có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, vì vậy có tác dụng an thần, gây ngủ. Tác dụng này được dùng trong các trường hợp cần giảm đau như đau đầu, đau dây thần kinh, điều trị mất ngủ trong tình trạng lo âu, căng thẳng thần kinh, stress. Rotundin có tác dụng hạ nhiệt nên còn được dùng trong hạ sốt.
Ngoài ra, hoạt chất Cepharanthin trong củ bình vôi cũng có tác dụng giúp giấc ngủ ngon hơn nhờ cơ chế giãn nhẹ mạch máu ngoại vi, giúp lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể.
Tác dụng an thần, gây ngủ của củ bình vôi rất tốt, điều này đã được kiểm chứng trên lâm sàng và được công nhận, hơn nữa các thành phần cũng rất an toàn, ít có tác dụng phụ như các thuốc tây y nên hiện nay, củ bình vôi không chỉ là một vị thuốc được sử dụng trong dân gian mà nó được trồng trên diện tích lớn nhằm mục đích sản xuất thuốc, mở ra một hướng phát triển rộng rãi cho phát triển thuốc Việt Nam.
Tác dụng chữa bệnh đường tiêu hóa
Hoạt chất rotundin cũng có tác dụng giảm đau bụng trong trường hợp loét dạ dày tá tràng.
Hoạt chất Cepharanthin có tác dụng tăng cường tuần hoàn giúp nhanh chóng phục hồi vùng tổn thương ở đường tiêu hóa, đặc biệt trong xuất huyết trong viêm dạ dày. Đồng thời giúp tăng sản xuất bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nên có tác dụng tốt trong các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, trình trạng viêm đường ruột, điều trị lỵ tả, các tổn thương do các loại vi khuẩn đường ruột gây nên.
Củ bình vôi cũng có tác dụng điều hòa nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm tình trạng táo bón, đầy hơi, khó tiêu.
Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Gout
Củ bình vôi từ lâu đã được đưa vào các bài thuốc dân gian chữa trị phong thấp, đau lưng. Thành phần Cepharanthin có tác dụng làm giảm tình trạng viêm khớp nhờ tăng cường bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nên tác dụng như một kháng sinh cùng với tác dụng giảm đau của rotundin giúp giảm đau nhức xương khớp. Chính vì vậy, củ bình vôi được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh Gout.
Bài thuốc trị các bệnh đường hô hấp
Hoạt chất Rotundin trong củ bình vôi giúp điều trị trong các trường hợp ho hen, hen co thắt phế quản theo cơ chế ức chế hệ thần kinh, giảm sự co thắt trong cơn hen.
Hoạt chất Cepharanthin có tác dụng tăng sinh tế bào bạch cầu, đại thực bào, tăng sức đề kháng của cơ thể nên có tác dụng tốt trong điều trị viêm phổi cũng như bệnh hô hấp khác do các loại vi khuẩn gây ra.
Cải thiện bệnh động kinh
Rotundin còn có tác dụng chống co giật khi dùng ở liều cao cùng với tác dụng an thần, giảm đau nên có thể được dùng điều trị bệnh động kinh, do ở người bị bệnh động kinh thường lên cơn co giật cấp tính.
Hỗ trợ điều trị ung thư
Ngoài ra, củ bình vôi còn được sử dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, điều trị ung thư bằng xạ trị, thuốc do khi điều trị ung thư, các phương pháp điều trị có tác dụng phụ là làm giảm bạch cầu ở người dẫn tới giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể. Hoạt chất Cepharanthin có tác dụng tăng sinh bạch cầu, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Sử dụng vi khuẩn và virus để chống ung thư
Cách trồng củ bình vôi
Là một dược liệu quý với nhiều công dụng, tuy nhiên củ bình vôi không quá khó sống và khó trồng. Cây bình vôi khá dễ sống, nó có thể mọc lớn chỉ trên vách đá, chính vì thế nó phân bố ở nhiều vùng ở trên nước ta. Trồng cây bình vôi cũng rất đơn giản. Tuy nhiên nếu muốn trồng bình vôi với mục đích làm cảnh hay làm thuốc chất lượng thì bạn cũng nên chăm chút cho cây một chút bằng cách sau:
- Bước 1: Chuẩn bị
Dùng hạt hoặc rễ củ còn tươi hoặc cây con để trồng cây. Nếu muốn cây đẹp, bạn cần chú ý chọn giống tốt. Đối với cây con, bạn nên lựa chọn cây đã phát triển lên vài lá, không bị sâu bệnh. Thu hái quả chín của cây bình vôi, sau đó đem phơi quả trong nơi thoáng mát, râm tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Sau khi quả đã khô, đem tách vỏ lấy phần hạt, đem hạt ngâm trong nước ấm khoảng nửa tiếng đem gieo trồng.
Đất trồng cần chuẩn bị đất ẩm, tơi xốp, chọn loại đất có tính kiềm, ít tính acid do cây bình vôi ưa sống ở môi trường núi đá vôi.
Có thể trồng bình vôi vào chậu hay trên đất đều được, không nên để hạt hay củ chìm quá sâu trên mặt đất, củ bình vôi ngay cả khi để trên mặt đất vẫn có khả năng sống tiếp được nên bạn không cần để quá sâu, hơn nữa phần rễ củ trên mặt đất sẽ phát triển to hơn là phát triển dưới mặt đất. Đối với rễ củ, bạn chỉ nên đặt vào một cái hồ đã được đào đặt một nửa củ ở dưới đất, phần còn lại phủ lớp lá lên trên.
- Bước 2: Chăm sóc
Trong thời gian đầu ủ giống, bạn nên che chắn ánh nắng cho cây bằng cách phủ rơm lên trên mặt đất.
Bạn cần tưới nước cho cây mỗi ngày, tuy nhiên chỉ làm cho đất ẩm thôi chứ không nên tưới ướt đẫm.
Đối với dùng củ, dây hay cây con để trồng thì cây sẽ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, để cây bén rễ cũng cần thời gian khá lâu khoảng vài tuần cho tới một tháng, vì thế bạn cũng đừng lo lắng khi trồng mãi mà không thấy cây có dấu hiệu phát triển lớn lên.
Khi cây mọc dây leo thì bạn cần làm giàn để cây leo lên.
Sau một thời gian bạn cần làm cỏ, xới tơi đất.
Lưu ý, trồng vào mùa có mưa phùn sẽ giúp cây phát triển tốt hơn do luôn giữ được độ ẩm thích hợp cho cây.
Cách chế biến củ bình vôi làm thuốc
Cách chế biến củ bình vôi làm thuốc rất đa dạng.
- Bước đầu tiên là thu hái, sơ chế củ bình vôi. Củ bình vôi có thể dễ dàng thu được bằng cách đào lên khỏi mặt đất, củ bình vôi có thể thu được quanh năm nhưng theo các kinh nghiệm dân gian, củ bình vôi được thu hái vào mùa thu đông sẽ cho hiệu quả tốt nhất do hàm lượng hoạt chất có trong củ ở thời gian này là cao nhất.
- Sau đó, mang củ bình vôi đem rửa sạch, bạn cần phải gọt sạch lớp vỏ nâu đen phía ngoài của củ.
- Sau đó, thực hiện việc sơ chế, có thể dùng nhiều cách để chế biến củ bình vôi.
Thứ nhất, có thể mang thái củ bình vôi ra thành các lát mỏng, sau đó đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô, đảm bảo khô để củ bình vôi không bị nấm mốc làm hỏng.
Sau khi phơi khô có thể đem nghiền thành dạng bột mịn làm thuốc, bảo quản thuốc ở nơi khô, thoáng mát, tránh mối mọt.
Cách thứ hai, đem bình vôi đã được rửa sạch và gọt sạch vỏ ngoài ngâm rượu để chiết hoạt chất ra rượu.
Cách thứ ba, có thể dùng trực tiếp củ bình vôi còn tươi này, đem giã nhỏ ép lấy phần nước. Cách này tách được ít hoạt chất chơn các cách trên, tuy nhiên đơn giản và nhanh hơn.
Khi sử dụng bình vôi, tùy vào công dụng mong muốn mà bạn có thể kết hợp với một số vị thuốc khác và thường sử dụng bằng cách sắc thành nước uống.
Lưu ý khi sử dụng củ bình vôi làm thuốc
Tuy bình vôi là một dược liệu tự nhiên, lành tính nhưng bạn cũng cần chú ý một số điểm để sử dụng đúng cách, không lãng phí và vẫn cho được hiệu quả tốt nhất.
- Thứ nhất, bạn không nên sử dụng quá nhiều bình vôi một lúc, do có thể dẫn tới trường hợp quá liều, khi đó các hoạt chất trong củ bình vôi sẽ gây ra tác dụng không tốt dẫn tới say thuốc, thậm chí gây ngộ độc ở liều cao, hoạt chất Cepharanthin nồng độ cao có thể gây ngừng tim, hoạt chất rotundin gây ức chế não nên ở liều cao có thể gây tử vong như dùng thuốc ngủ. Liều khuyên dùng là dưới 30g một ngày.
- Thứ hai, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ không nên sử dụng củ bình vôi.
- Thứ ba, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng củ bình vôi do đây cũng là một loại thuốc có hoạt tính, ở liều cao có thể gây độc, ngoài ra có thể gây tương tác thuốc nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc hay đang bị bệnh nào đó không nên sử dụng củ bình vôi.
Do đây là một thảo dược tự nhiên, nên nó không có tác dụng nhanh như các loại thuốc tây y, vì thế bạn cần phải kiên trì dùng trong một thời gian dài.
Cách xử lý khi bị ngộ độc củ bình vôi
Khi có các biểu hiện ngộ độc bình vôi như say thuốc, hôn mê, người bị ngộ độc cần được đưa đến ngay tới cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời, hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, cần dùng các biện pháp như gây nôn, hồi sức cấp cứu tùy theo từng tình trạng bệnh nhân.
Tuy nhiên, do củ bình vôi không phải là chiết xuất tinh khiết của các hoạt chất nên khả năng quá liều dẫn đến ngộ độc rất thấp.
Tìm hiểu thêm: BỆNH GOUT có chữa khỏi được không? Nguyên nhân và cách điều trị
Mua củ bình vôi ở đâu?
Củ bình vôi khá dễ để mua được. Lượng bình vôi thu hái nhiều ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Bình,… Nhưng có thể được vận chuyển sang nhiều tỉnh để thực hiện mua bán dễ dàng. Tuy nhiên, để mua được củ bình vôi thật, không bị làm giả, bạn có thể tìm mua từ những người quen biết, tin tưởng được giới thiệu, hoặc bạn có thể mua ở các cơ sở bán dược liệu chất lượng, uy tín trên toàn quốc, nếu ở gần vùng trồng, bạn có thể đến nơi trồng để mua được củ bình vôi chất lượng.
Củ bình vôi giá bao nhiêu?
Củ bình vôi tươi được bán với giá khá bình dân khoảng từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng / 1kg tùy vào nơi bán, người bán.
Củ bình vôi đã được phơi khô bán với giá khoảng 170.000 đồng đến 200.000 đồng/ 1kg.
Củ bình vôi là một dược liệu quý nhưng không hiếm, có rất nhiều tác dụng tốt và an toàn khi sử dụng nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, để sử dụng đúng cách và tốt nhất bạn cần phải lưu ý một số điểm để tránh trường hợp ngộ độc khi quá liều hoặc do yếu tố cơ địa. Củ bình vôi rất dễ trồng nên bạn có thể thử trồng nó ở nhà vừa có tác dụng làm cảnh, vừa có thể đem ra sử dụng khi cần thiết.
Tìm hiểu thêm: 10 THUỐC TRỊ GOUT NHANH VÀ HIỆU QUẢ NHẤT – BÁC SĨ KHUYÊN DÙNG
Có công ty nào chuyên phân phối bình vôi không?