Đau dạ dày là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến và nhiều người gặp phải. Đau dạ dày có nhiều mức độ và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Ở mức độ nhẹ, bạn có thể dùng các loại dược liệu giúp chữa đau dạ dày. Đây là một cách chữa bệnh hiệu quả mà lại an toàn cho những người bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ và vừa, không lo các tác dụng phụ của thuốc. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin về một loại thảo dược giúp chữa đau dạ dày rất gần gũi, phổ biến và dễ tìm ở nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình vùng nông thôn. Đó là cây cỏ nhọ nồi có tác dụng trong chữa bệnh đau dạ dày
Tham khảo thêm: Co thắt dạ dày có nguy hiểm không? Nguyên nhân & cách điều trị hiệu quả
Cây nhọ nồi là một loại cây thân thảo (cây cỏ), nó còn có tên gọi khác là cây cỏ mực. Cây nhọ nồi mọc dại ở nhiều vùng đồng cỏ trên khắp cả nước. Đây là một loại cây thuộc họ Cúc, với nhiều đặc điểm dễ dàng nhận biết. Bởi vậy, không quá khó để có thể tìm thấy cây nhọ nồi.
Cây nhọ nồi có tác dụng gì trong chữa đau dạ dày?
Với nhiều thành phần hoạt chất có tác dụng trong chữa bệnh, cây nhọ nồi được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh như sởi, ho, nấm da, lao phổi,… trong đó có tác dụng chữa đau dạ dày.
Cây nhọ nồi có vị ngọt, chua và tính hàn. Cây nhọ nồi đã được nghiên cứu khoa học từ rất lâu, từ năm 1961, do Trường đại học Y Dược Hà Nội nghiên cứu, người ta đã sớm tìm ra các thành phần hóa học cũng như những hoạt chất có trong cây nhọ nồi có tác dụng chữa bệnh, các nghiên cứu khoa học này cũng đã được đem thử nghiệm lâm sàng về tác dụng cũng như độc tính. Qua đó, cây nhọ nồi chứa tinh dầu, các alcaloid, các saponin, flavonoid, terpenoid, tanin, carotene, coumestan, terthienyl, orobol, wedelolactone.
Các hoạt chất terthienyl, orobol, wedelolactone trong cây nhọ nồi có tác dụng chống viêm theo cơ chế ức chế NO, ức chế prostaglandin, ức chế enzym COX 2 từ đó ức chế leukotriene, đây là chất gây ra các phản ứng viêm trong cơ thể, từ đó hạn chế viêm nhiễm, tổn thương khi bị đau dạ dày. Viêm là một phản ứng bảo vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân như vi khuẩn, vi rút. Tuy nhiên, tình trạng viêm nặng sẽ làm cho người bệnh bị đau nhức, khó chịu, gây khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt khi dạ dày bị viêm kéo dài sẽ dẫn tới tổn thương lan rộng thành các vết loét to, thủng dạ dày gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu với cơ chế chống đông máu giống vitamin K. Cỏ nhọ nồi giúp cơ thể tăng sinh prothrombin, prothrombin là một yếu tố đông máu, giúp tạo nên lưới bảo vệ, vá lỗ hỏng, làm máu không chảy ra. Chính vì vậy, cỏ nhọ nồi được dùng làm thuốc đau dạ dày cho các trường hợp viêm, có xuất huyết dạ dày.
Cỏ nhọ nồi còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp kháng lại các cầu khuẩn như tụ cầu, liên cầu hay các trực khuẩn, từ đó chống nhiễm khuẩn dạ dày, đặc biệt là khi dạ dày đã bị các tổn thương viêm loét thì sẽ rất dễ dẫn đến những nhiễm khuẩn thứ phát.
Cỏ nhọ nồi có các flavonoid có tác dụng làm chậm quá trình oxy hóa, giúp thành mạch bền hơn, chống tắc vỡ mạch giúp cải thiện tuần hoàn máu, lưu thông mạch máu, chống tình trạng thiểu dưỡng khi viêm loét dạ dày. Đồng thời cỏ nhọ nồi có tính hàn nên giúp thanh nhiệt, giải độc, chống nóng trong người có tác dụng tốt trong chữa đau dạ dày.
Tanin có trong cỏ nhọ nồi, khi vào trong dạ dày sẽ kết tủa tại đây, tạo ra một lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp niêm mạc dạ dày tránh khỏi các viêm nhiễm, đặc biệt vị trí bị tổn thương sẽ được bao phủ giúp ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn trong thức ăn, sự tiếp xúc với acid niêm mạc dạ dày giúp tổn thương nhanh lành hơn.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn sử dụng lá trầu không chữa bệnh dạ dày an toàn & hiệu quả
Các phương pháp chữa đau dạ dày bằng cây nhọ nồi
Sử dụng nước cây nhọ nồi nguyên chất
Sử dụng nước cây nhọ nồi nguyên chất là phương pháp đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian mà sử dụng được toàn bộ hoạt chất có trong cây nhọ nồi.
Với cách sử dụng này, bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Bạn cần lấy phần trên mặt đất của cây nhọ nồi đem rửa sạch bụi bẩn, loại bỏ những lá héo úa. Ngâm nước muối để diệt vi khuẩn, sau 5 phút vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Đem phần cây đã làm sạch đi giã nhuyễn hoặc xay nhuyễn. Dùng một ít nước lọc thêm vào để vắt lấy phần nước, bỏ phần bã đi. Lọc sao cho phần nước ít mà phần bã vẫn được vắt kiệt để hoạt chất hòa vào nước, đồng thời lượng ít nước ép cây nhọ nồi cùng sẽ dễ uống hơn, do nước ép cây nhọ nồi khá khó uống.
Để có hiệu quả, bạn cần kiên trì sử dụng trong một thời gian dài thì mới có tác dụng.
Cây nhọ nồi và lá trắc bá diệp
Trắc bá diệp là một loại cây tương tự cây thông, lá có hình vảy dẹp, khá mịn, tán lá mọc lên trông giống hình san hô. Cây trắc bá diệp thường được trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nó cũng là một cây thuốc có tác dụng cầm máu rất tốt. Lá trắc bá diệp có vị đắng, tính hàn chứa các hoạt chất flavonoid giúp tăng khả năng đông máu, làm mát máu, ngoài ra lá trắc bách diệp còn có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Vì thế sử dụng lá trắc bá diệp kết hợp với cây nhọ nồi sẽ giúp bổ sung cho nhau, tăng tác dụng chữa đau dạ dày.
Với cách sử dụng này bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu gồm có phần trên mặt đất của cây nhọ nồi, lá trắc bá diệp, hương phụ (thân rễ đã phơi của cây củ gấu), nụ hoa hòe, gạo nếp.
Bước 2: Rửa sạch các nguyên liệu trên sau đó đem sắc với 1 lít nước. Đậy nắp kín, đun với lửa nhỏ đến khi còn 2 bát nước.
Bước 3: Chia phần nước sắc được thành 2 phần, chia làm 2 lần uống vào bữa sáng và bữa tối.
Kiên trì uống hằng ngày sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng của bệnh đau dạ dày.
Cây nhọ nồi và bạch cập
Thân củ của cây bạch cập có tác dụng cầm máu, rút ngắn thời gian đông máu, đồng thời không gây bít tắc mạch lớn khi tạo cục máu đông ở mạch máu nhỏ, sau khoảng 5 ngày cục máu đông sẽ được tiêu biến. Sử dụng bạch cập có tác dụng tốt trong các trường hợp xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày nhờ cơ chế làm đông máu nhanh chóng của bạch cấp, từ đó nhanh chóng bít ổ tổn thương. Do đó, người ta sử dụng bạch cập kết hợp với nhọ nồi trong trường hợp bệnh dạ dày ở mức độ nặng như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày. Ngoài ra, bạch cập cũng có tính hàn, vị đắng, không độc nên giúp kháng khuẩn, chống viêm, mát máu.
Với cách sử dụng này, bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị khoảng 50 gam phần trên mặt đất cây nhọ nồi, 20 gam bạch cập, thêm 15 gam cam thảo và 4 quả đại táo làm thuốc dẫn.
Bước 2: Rửa sạch nguyên liệu rồi đem sắc với 1 lít nước.
Bước 3: Đậy nắp kín, đun nhỏ lửa đến khi còn 2 bát nước.
Bước 4: Lấy phần nước sắc thu được chia làm 2 phần, uống vào buổi trưa và buổi tối, sau các bữa ăn 30 phút.
Kiên trì dùng đều đặn, liên tục hằng ngày trong hai tuần sẽ giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày.
Cây nhọ nồi và rễ cây đậu ván
Cây đậu ván là một loại đậu thường lấy phần quả để nấu ăn trong các bữa cơm bình thường nhờ có vị ngọt và hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Ngoài ra, các bộ phận của cây đậu ván còn được dùng làm thuốc giải độc, điều trị các bệnh đường tiêu hóa. Đặc biệt, rễ cây đậu ván có chứa asparaginase chữa viêm đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, trị lở loét.
Với phương pháp này, bạn cần thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị phần trên mặt đất của cây nhọ nồi, rễ cây đậu ván, kinh giới, hương phụ.
Bước 2: Rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước, đem sao khô cùng bột sừng trâu.
Bước 3: Đem sắc với 1 lít nước. Đậy nắp kín, đun sôi nhỏ lửa đến khi còn 2 bát nước.
Bước 4: Đem phần nước sắc được chia thành hai phần, uống vào buổi sáng và buổi tối.
Tương tự như các bài thuốc trên, uống đều đặn liên tục trong 2 tuần để thấy được hiệu quả giảm đau dạ dày.
Kết hợp nhọ nồi và 6 vị thảo dược quý trong dân gian
Sử dụng nhọ nồi cùng 6 vị thuốc là hương phụ, bột sừng trâu, đậu ván, a giao, rễ cây hoa trang đỏ. Các vị thuốc này sẽ giúp tăng hiệu quả thuốc, đồng thời bổ trợ nhau, giảm độc tính của bài thuốc, dẫn thuốc.
Cách tiến hành: Đem các vị thuốc trên sắc với 4 bát nước, đun sôi nhỏ lửa đến khi còn 2 bát nước. Chia ra thành 2 phần uống sau bữa ăn trưa và bữa tối.
Cây nhọ nồi và táo đỏ
Bạn cần chuẩn bị 20 gam cây nhọ nồi, 4 quả táo đỏ và 15 gam cam thảo dùng để dẫn thuốc. Cũng tương tự các bài thuốc trên, đem thuốc sắc với 1 lít nước, đun sôi, nhỏ lửa đến khi còn 2 bát nước. Chia làm 2 phần, uống 2 lần vào sau bữa trưa và bữa tối.
Bài thuốc này cũng khá đơn giản và dễ uống hơn.
Một số lưu ý khi chữa đau dạ dày bằng cây nhọ nồi
Tuy là một thảo dược dễ sử dụng và dễ kiếm, tuy nhiên bạn cần phải lưu ý một số điều sau đây khi dùng cây nhọ nồi:
Những người có rối loạn đông máu, bị đông máu, phụ nữ có thai, trẻ em, người bị huyết áp thấp, bệnh nhân đau đại tràng, viêm đại tràng mạn, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, bụng sôi không nên dùng cây nhọ nồi, nếu muốn dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Không dùng cho những người cơ địa dị ứng với cây nhọ nồi.
Tương tác thuốc : những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu, chống đông máu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Ngoài ra, còn có sự tương tác với một số loại thuốc tân dược khác dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng kết hợp với thuốc khác.
Cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá ảnh hưởng xấu tới việc điều trị bệnh đau dạ dày. Ăn nhiều rau xanh, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress.
Sử dụng cây nhọ nồi lâu có nguy hiểm đến sức khỏe không?
Cây nhọ nồi tuy là một thảo dược, tuy nhiên hoạt tính của nó khá mạnh, nếu sử dụng không đúng liều, không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới buồn nôn, ngộ độc nếu dùng quá nhiều lần một ngày. Vì thế, khi sử dụng bạn cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ cũng như dùng đúng liều, đúng cách.
Ngoài ra, cây nhọ nồi sử dụng đúng cách sẽ không gây tác hại nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng.
Trên đây là toàn bộ bài viết về các cách sử dụng cây nhọ nồi. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thêm hiểu biết và lựa chọn được cách sử dụng cây nhọ nồi thích hợp nhất. Đồng thời, khi sử dụng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày, bạn cần lưu ý một số điểm và kết hợp với chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt để có hiệu quả tốt nhất.
Tham khảo thêm: [Chia sẻ] Bị đau dạ dày nên ăn gì? kiêng gì? Để nhanh khỏi nhất