Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều có ít nhất 1 lần trải qua cảm giác đau bất kể đau nặng hay đau nhẹ. Đó có thể là những cơn đau bụng, đau đầu, đau chân, đau cơ khớp,… Đau là những cảm giác cơ bản của con người trước những tác động gây tổn hại cho bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Đau là một quá trình sinh lí bình thường cho biết bệnh lý hay một tình trạng bất thường nên đau được đánh giá là có lợi để phát hiện sớm tình trạng bệnh lí hay những tổn thương trên cơ thể.
Tuy nhiên không phải đau lúc nào cũng có lợi. Bởi vì khi đau mức độ nặng, kéo dài và không được kiểm soát thì có thể ảnh hưởng gây hại tới sức khỏe. Hơn nữa đau sẽ gây ra một cảm giác khó chịu cho con người, khiến người đó không thể yên vì liên tục tác động vào các dây thần kinh gây đau và mệt mỏi. Do đó rất nhiều người đã và đang tìm tới các giải pháp giảm đau bởi cơn đau là xảy ra rất thường xuyên trong cuộc sống của mỗi người. Biện pháp giảm đau hiện nay được áp dụng nhiều nhất và được đánh giá là có hiệu quả nhất là dùng các thuốc giảm đau.
Trên thị trường phát triển rất nhiều những hoạt chất giảm đau, phối hợp chúng theo những tỉ lệ phù hợp. Trước rất nhiều lựa chọn như vậy, chắc hẳn người dùng sẽ có cảm giác lúng túng bởi không biết lựa chọn loại nào cho phù hợp. Có một chế phẩm giảm đau trên thị trường hiện nay có tên là Bostacet. Vậy Bostacet phù hợp để giảm đau trong những trường hợp nào? Bostacet giá bao nhiêu? Sau đây Heal Central xin cung cấp cho bạn đọc những thông tin đầy đủ và chi tiết liên quan tới thuốc Bostacet.
Bostacet là thuốc gì?
Bostacet là một loại thuốc giảm đau cho các trường hợp đau từ nhẹ đến trung bình, được bán theo đơn. Người bệnh muốn mua thuốc này cần phải được bác sĩ kê đơn.
Bostacet được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.
Số đăng kí của Bostacet là VD-30311-18.
Bostacet có sự phối hợp của 2 hoạt chất chính là:
- Paracetamol (Aceataminophen) hàm lượng 325mg
- Tramadol hydroclorid (Tramadol HCl) hàm lượng 37.5mg
- Cùng với tá dược vừa đủ 1 viên.
Bostacet được đóng gói trong hộp 2 vỉ x 10 viên nén bao phim.
Bostacet được sản xuất bởi Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Boston Việt Nam.
Tham khảo: Thuốc hạ sốt giảm đau Efferalgan 500mg – Cách sử dụng hiệu quả
Tổng quan về đau
Đau là gì?
Đau là một cảm giác khó chịu theo kinh nghiệm giác quan có liên quan đến một hay nhiều tổn thương thực thể hoặc một bất thường tiềm tàng. Đau là cảm giác mà bệnh nhân mô tả hoặc là những gì mà bệnh nhân nói.
Phân loại đau
Có nhiều cách phân loại đau
Theo thời gian đau và mức độ đau:
- Đau cấp tính.
- Đau mạn tính.
- Đau ung thư.
Theo nguyên nhân gây đau:
- Đau cảm thụ: Là những tổn thương thực tế tại các mô cơ quan trong cơ thể. Bao gồm đau do cơ quan ngoại vi và đau nội tạng.
- Đau thần kinh: Là những bất thường ở hệ thống thần kinh (có thể là một hay nhiều tế bào thần kinh, một hoặc nhiều vị trí đau khác nhau) do tác động từ bên ngoài hoặc ngay từ chính bên trong hệ thống thần kinh.
Cơ sở của cảm giác đau
Đau chính là sự tương tác phức tạp giữa hệ thống thần kinh và hệ thống miễn dịch ở cả thần kinh trung ương và ngoại vi khi có những kích thích những tế bào cảm giác. Sự kích thích này có thể tạo nên một cảm giác mang tính kinh nghiệm được gọi là cảm giác đau. Đó có thể là một cơ chế sinh lí bình thường mang tính chất bảo vệ đối với những cơn đau thích nghi. Tuy nhiên có những cơn đau lại gây hại và là một loại sinh lí bệnh cần phải điều trị.
Đau theo sinh lí bình thường (thường gặp trong cơn đau cấp tính)
Đau chính là một cảm giác được gây ra bởi bất cứ điều gì như quá nóng, quá lạnh, vật sắc nhọn. Kiểu đau này còn được gọi là đau cảm thụ. Có thể nói đau chính là cơ chế tiến hóa cơ bản để bảo vệ chính cơ thể chúng ta từ những tổn thương mô mềm thực thể hoặc tiềm tàng từ những kích thích độc hại bên ngoài. Đau không chỉ tác động vào hệ thống thần kinh mà cả hệ thống miễn dịch cũng tham gia vào phản ứng đau, đó là những phản ứng viêm. Tuy cảm giác đau đến với chúng ta rất nhanh ngay từ khi có sự tác động bất thường ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng đó là cả một quá trình dẫn truyền gồm nhiều bước như các đường truyền về, phân tích và đường truyền ra đáp ứng với các kích thích gây đau đó.
Bước đầu tiên mở đầu cho một cảm giác đau đó là những kích thích lên các thụ cảm thể thần kinh nằm chủ yếu ở da và niêm mạc đối với những bộ phận ngoại vi, hoặc ở trong các nội tạng đối với trường hợp đau nội tạng. Những thụ thể này sẽ cố gắng để phân biệt các kích thích độc hại hay kích thích không độc hại. Các kích thích độc hại có thể dẫn tới quá trình hoạt hóa giải phóng lượng lớn các cytokine – chất gây độc tế bào, và các chất trung gian hóa học để hoạt hóa những thụ cảm thể này.
Sự hoạt hóa của những thụ thể thần kinh này thực chất là sự tác động lên những kênh ion trên màng những tế bào thần kinh gồm kênh Na+, kênh K+ và kênh Ca2+. Sự hoạt hóa những kệnh ion này sẽ dẫn tới sự dịch chuyển vị trí của những ion trên qua các kênh, gia tăng nồng độ của các ion Na+ bên trong màng tế bào thần kinh nên tạo điện thế hoạt động màng tế bào. Chính điện thế hoạt động này mới có thể tạo được các dẫn truyền thần kinh dọc theo trục của các sơi dây thần kinh. Thông thường, những cảm giác đau ngoại vi được cảm nhận nhanh chóng và rõ rệt hơn so với những cơn đau nội tạng bởi những sợi dây dẫn truyền thần kinh ở hai vị trí này có sự khác nhau cơ bản về cấu trúc. Với những sợi thần kinh đi tới ngoại vi, các bao myelin bao xung quanh thân của tế bào thần kinh là những lipid cách điện, do đó những xung động thần kinh không truyền thẳng dọc trục một cách lần lượt mà có khả năng nhảy cóc nên bớt được một đoạn đường đi khá lớn. Do đó các dẫn truyền cảm giác đau từ những cơ quan ngoại vi như da và niêm mạc thường đến được thần kinh trung ương nhanh hơn so với cơ quan nội tạng – nơi mà những tế bào thần kinh hầu như không có bao myelin.
Các dẫn truyền hướng tâm sẽ được truyền một cách liên tục đến trung tâm đầu tiên của thần kinh, đó là tủy sống. Nơi tiếp nhận những đường truyền về hướng tâm chính là sừng sau tủy sống. Một thành phần không thể thiếu tham gia vào các dẫn truyền thần kinh là những chất dẫn truyền thần kinh. Đặc trưng cho cảm giác đau chính là các chất dẫn truyền P và glutamate. Sự hoạt hóa các tế bào thần kinh này sẽ hoạt hóa mở kênh canxi ở những cúc tận cùng – nơi chứa nhưng bọc chất dẫn truyền thần kinh, đầu nối giữa những tế bào thần kinh. Việc mở kênh Ca2+ typ N ở các cúc tận cùng sẽ dẫn đến kết quả là ion Ca2+ khuếch tán vào bên trong cúc tận cùng làm gia tăng đột ngột Ca2+ tự do tại đây. Những ion này liên tục kéo những bọc chứa chất dẫn truyền thần kinh về phía màng trước synap (đầu nối giữa 2 tế bào thần kinh), hòa màng và giải phóng những chất này ở khe synap. Sau khi được giải phóng, các chất P và glutamate nhanh chóng gắn lên các thụ thể nằm ở màng sau synap, hoạt hóa những thụ thể này và lại tiếp tục tạo ra sự hoạt hóa tế bào thần kinh mới. Sự dẫn truyền của những tế bào thần kinh cứ liên tục như thế cho tận đến khi cảm giác này được dẫn truyền tới đích – thần kinh trung ương, gồm tủy sống, não bộ và cao hơn nữa là vỏ não. Tại đây, là lúc chúng ta có cảm giác ý thức được cơn đau từ vị trí trên cơ thể. Trung tâm thần kinh sẽ phân tích sự kích thích này và đưa ra những đáp ứng nếu có thể bằng cách đưa ra những đường truyền xuống tương tự như cách thức dẫn truyền của đường truyền lên, để loại bỏ những tác nhân gây hại đối với cơ thể. Trong trường hợp không thể can thiệp thì cơ thể của chúng ta có thể tự giải quyết bằng cách chống đau nhờ một loạt cơ chế chống đau khác nhau. Các tín hiệu đau có thể được suy yếu hoặc ức chế bởi giảm dần bằng sự can thiệp của các opioid nội sinh (ví dụ, enkephalins, và β-endorphin) γ-aminobutyric acid (GABA), norepinephrine, hoặc serotonin.
Một số những chất phụ khác tham gia vào phản ứng đau như Histamin, Bradykinin, Serotonin, Prostaglandin và Leucotrien. Chúng tham gia trực tiếp vào việc kích thích các thụ cảm thể tại chỗ. Những chất này được giải phóng bởi chính hệ thống miễn dịch, thể hiện sự tương tác giữa hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh trung ương. Điều này cũng giải thích vì sao khi có bất kì những tác động xấu đến cơ thể, tại chỗ đó thường xuất hiện sưng viêm (vai trò của hệ thống miễn dịch) và cảm giác đau.
Cơn đau mang tính chất bệnh lí (thường gặp trong đau mạn tính, đau do tình trạng bất thường ở bản thân các tế bào thần kinh)
Đau sinh lý bệnh là khác biệt rõ rệt với đau cảm thụ ở chỗ không hề có liên quan tới các kích thích độc hại. Đây thực chất là kết quả của sự tổn hại cơ quan hoặc hoạt động bất thường của hệ thống thần kinh ngoại biên hoặc thần kinh trung ương.
Cơ chế của tình trạng đau này có thể là bất thường nội sinh của hệ thống thần kinh. Cơ chế đề xuất có thể là sự không tương quan giữa những kích thích ngoại sinh và đường dẫn truyền thần kinh. Từ đó gây nên những cơn đau mạn tính.
Tuy cơ thể có những cơ chế chống đau, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp đau đều khiến cho người bệnh trở nên mệt mỏi và không thể chịu đựng được cơn đau. Họ thường tìm đến các thuốc giảm đau.
Tham khảo: Thuốc hạ sốt Tatanol 500mg có dùng được cho bà bầu không?
Thuốc Bostacet có tác dụng gì?
Bostacet chứa hai thành phần chính là Paracetamol và Tramadol, trong đó:
Paracetamol là một chất giảm đau ngoại vi, không thuộc nhóm giảm đau chống viêm NSAID. Cơ chế chống đau của Paracetamol ngày nay còn chưa được biết rõ. Paracetamol hay Acetaminophen được biết đến là thuốc hạ sốt giảm đau đầu tay trên thế giới. Đây là hoạt chất thường là giải pháp thay thế ở những bệnh nhân bị đau nhưng không thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Mặc dù được nghiên cứu và phát triển thành thuốc điều trị hơn 100 năm nay nhưng cơ chế thực sự của Paracetamol lại chưa thể hiểu rõ. Paracetamol chỉ có tác dụng giảm đau và hạ sốt mà hoàn toàn không có tác dụng chống viêm. Đây chính là lí do vì sao Paracetamol lại không được xếp vào nhóm thuốc NSAID. Tuy nhiên khi nhắc đến và bàn luận về NSAID, người ta thường kèm thêm Paracetamol vào nhóm thuốc này. Những cơ chế tác động của Paracetamol cũng được giải thích tương tự dựa trên cơ chế hoạt động của các thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
Tác dụng hạ sốt: Cơ thể của chúng ta có rất nhiều cơ chế bảo vệ khác nhau, một trong những cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể là phản ứng sốt. Sốt là sự gia tăng nhiệt độ của toàn cơ thể để huy động một loạt những yếu tố bảo vệ nhằm bất hoạt tác nhân gây bệnh bên trong cơ thể. Cơ chế của phản ứng sốt được mô tả thông qua những chất gây sốt. Chất gây sốt thường bao gồm chất gây sốt ngoại sinh và chất gây sốt nội sinh. Chất gây sốt ngoại lại thường là những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, độc tố giải phóng từ vi khuẩn khi chúng đã kịp xâm nhập vào cơ thể. Bạch cầu – những tế bào làm nhiệm vụ nhận diện những tác nhân lạ xâm nhập sẽ phát hiện sự có mặt của vi khuẩn, sau đó giải phóng các chất gây sốt nội sinh. Điều này làm hoạt hóa enzyme Prostaglandin (PG) Synthetase, tăng cường tổng hợp PG E1 và PG E2 từ các acid arachidonic ở trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi. Sự rối loạn hoạt động của trung tâm này sẽ gây ra tình trạng mất điều hòa nhiệt độ, gia tăng quá trình sinh nhiệt và giảm quá trình thải nhiệt. Do đó nhiệt độ của cơ thể sẽ cao hơn bình thường khoảng 1 đến 3 độ C. Paracetamol có khả năng hạ sốt bằng cách tác động trực tiếp vào enzyme Prostaglamdin (PG) Synthetase nên ức chế được hoạt tính của enzyme này. Quá trình sản sinh PG E1 và PG E2 từ các acid arachidonic ở trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi bị dừng lại. Từ đó lấy lại được hoạt động bình thường của trung tâm này, làm gia tăng quá trình thải nhiệt và hạn chế quá trình sinh nhiệt cho đến khi hai quá trình này cân bằng và giữ cho nhiệt độ cơ thể ổn định ở mức 36.5 độ C đến 37 độ C. Paracetamol chỉ có tác dụng hạ sốt ở những người bị sốt. Còn ở những người không có sốt, Paracetamol lại không hề làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của cơ thể. Tuy nhiên việc hạ sốt của Paracetamol chỉ có ý nghĩa trong những trường hợp sốt cao ác tính, bởi Paracetamol chỉ làm thuyên giảm triệu chứng chứ không điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
Paracetamol là chất giảm đau ngoại vi, có khả năng giảm đau trong các cơn đau nhẹ đến vừa. Cơ chế giảm đau của Paracetamol cũng được giải thích là sự ức chế enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp PG từ acid arachidonic ở lớp phospholipid màng tế bào. Từ đó giảm sản sinh PG và các chất trung gian hóa học nội sinh từ bạch cầu – đây là những chất tác động trực tiếp vào những thụ cảm thể đau ở ngoại vi. Do đó có tác dụng giảm đau tương đương với các Nsaid.
Tramadol: Đây là một thuốc giảm đau trung ương yếu. Cơ chế tác dụng của Tramadol tương tự như các opioid cùng nhóm khác. Sở dĩ gọi Tramadol là thuốc giảm đau trung ương bởi cơ chế của nó tập trung chủ yếu vào sự dẫn truyền cảm giác đau giữa thần kinh trung ương và ngoại biên. Tramadol sau khi đi vào trong máu sẽ có khả năng gắn với các thụ thể opioid của hệ thống thần kinh và hoạt hóa các thụ thể này. Tại đường truyền lên, sự hoạt hóa receptor opioid sẽ gây ra kết quả ức chế enzyme AC nên ức chế tiếp tục kênh Canxi trên bề mặt màng của cúc tận cùng. Do đó làm bền màng của những bọc chứa chất dẫn truyền thần kinh, giảm giải phóng chất P và glutamate – những chất dẫn truyền cảm giác đau. Do đó Tramadol có thể làm gián đoạn đường dẫn truyền thần kinh. Ở receptor phía sau synap, Tramadol lại hoạt hóa kênh Kali, K+ từ bên trong màng tế bào sẽ gia tăng đi ra bên ngoài màng làm cho điện thế trong màng càng âm hơn, làm giảm Kali bên trong tế bào nên gây ra hiện tượng ưu phân cực màng. Hiện tượng này làm gia tăng ngưỡng kích thích của neuron thần kinh nên hạn chế được việc dẫn truyền các xung động thần kinh. Ngoài ra Tramadol còn hoạt háo đường truyền xuống chống đau bằng cách ức chế Receptor GABA. Tramadol có khả năng giảm đau tốt hơn các chất giảm đau ngoại vi. Tuy nhiên Tramadol cũng là một dẫn chất của Morphin, nên cũng được xếp vào nhóm chất gây nghiện. Việc sử dụng Tramadol để giảm đau là rất hạn chế bởi Tramadol được quản lí rất nghiêm ngặt. Tramadol chỉ áp dụng kết hợp với các chất giảm đau ngoại vi trong các trường hợp đau trung bình. Tramadol giảm đau mạnh, chọn lọc và sâu trong nội tạng.
Sự kết hợp của Tramadol và Paracetamol sẽ làm tăng khả năng giảm đau của Paracetamol trong các trường hợp không thể giảm đau hoặc giảm đau không đủ đối với các cơn đau nhẹ và vừa khi chỉ sử dụng Paracetamol.
Tham khảo: Thuốc Decogen: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng
Công dụng của thuốc Bostacet
Như vậy sự phối hợp giữa Paracetamol và Tramadol với tỉ lệ như trên đã làm tăng khả năng giảm đau trong những cơn đau nhẹ và vừa. Sự kết hợp khác nhau về cơ chế giảm đau giữa hai hoạt chất trên làm gia tăng đánh kể tác dụng của thuốc. Trong đó Paracetamol còn có cả tác dụng hạ sốt nên phù hợp với các trường hợp đau có kèm theo sốt.
Hơn nữa, khi kết hơp giữa hai thành phần sẽ làm giảm lượng của mỗi hoạt chất, nên hạn chế được các tác dụng không mong muốn khi sử dụng ở liều cao hơn, đặc biệt là Tramadol – thuốc giảm đau trung ương có nhiều tác dụng phụ.
Chỉ định của thuốc Bostacet
Sử dụng trong tất cả các trường hợp có đau từ nhẹ đến trung bình như đau răng, đau sau phẫu thuật, đau cơ, đau nội tạng, đau nền ung thư ở giai đoạn sớm.
Cách sử dụng thuốc Bostacet
Cách dùng thuốc Bostacet
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên được chỉ định dùng bằng cách uống nguyên viên với nước. Bệnh nhân có thể dùng thuốc này theo liều cố định trong các trường hợp đau nặng hoặc chỉ dùng khi đau ở những cơn đau vừa và nhẹ.
Liều dùng thuốc Bostacet
Liều cho người từ 16 tuổi trở lên: Uống 1 viên đến 2 viên mỗi lần (đặc biệt là khi đau), các lần uống cách nhau ít nhất 4 giờ đến 6 giờ. Không uống quá 8 viên trong vòng 24 giờ.
Đối với người dưới 16 tuổi: Tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
Đối với bệnh nhân có suy thận, giảm mức lọc cầu thận, bác sĩ cần cân nhắc điều chỉnh mức liều theo mức độ suy thận để tránh tình trạng tăng độc tính của thuốc ở những bệnh nhân này.
Tác dụng phụ của thuốc Bostacet
Bên cạnh tác dụng giảm đau hạ sốt khá hiệu quả của thuốc, thì thuốc này còn có những tác dụng phụ đáng lưu tâm như:
Phản ứng dị ứng: Tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra ở những lần đầu tiên bệnh nhân sử dụng thuốc đối với cơ địa mẫn cảm dị ứng. Những biểu hiện có thể là dị ứng nhẹ như mẩn đỏ trên da, ngứa.
Tiêu hóa: Buồn nôn và nôn hay xảy ra trong tuần đầu sử dụng thuốc. Cơ chế của tác dụng phụ này có thể là do sự kích thích trung tâm nôn ở sàn não thất IV. Khả năng dung nạp tác dụng phụ này cũng khá tốt. Sau 1 tuần sử dụng, cảm giác buồn nôn này sẽ biến mất.
Táo bón cũng là tác dụng không mong muốn điển hình trên đường tiêu hóa do thuốc làm giảm nhu động ruột. Táo bón sẽ phụ thuộc vào liều sử dụng của Tramadol. Tác dụng gây ra táo bón sẽ không giảm theo thời gian do đó người bệnh nếu sử dụng thuốc liên tục và kéo dài có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để tránh táo bón như vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, uống bổ sung đủ nước, bổ sung chất xơ trong bữa ăn.
Thần kinh:
- Buồn ngủ: Tác dụng phụ này thường nhẹ và gặp ở người già.
- Ức chế hô hấp: Đây là tác dụng phụ phổ biến, thường có dấu hiệu ban đầu là bệnh nhân rất buồn ngủ. Ức chế hô hấp có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu như ức chế ở mức độ nặng.
Tiết niệu: Bệnh nhân thường xuyên bị bí tiểu do co cơ vòng bàng quang.
Dùng lâu có thể gây phụ thuộc và gây nghiện.
Gan: Trường hợp dùng quá liều thuốc trong vòng 24 giờ sẽ gây ra hoại tử gan cấp tính, do đó bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc sử dụng thuốc này để tránh tác dụng phụ rất nặng này.
Chống chỉ định của thuốc Bostacet
- Đối với người có những phản ứng dị ứng đáng kể với các thành phần của thuốc và tá dược. Trong trường hợp này có thể cân nhắc về mức liều, thay thế các thuốc khác để đạt tác dụng điều trị cho người bệnh.
- Đối với người đang có suy hô hấp, người bị hen phế quản
- Đối với các trường hợp hậu phẫu ở trẻ em dưới 18 tuổi.
- Đối với người bị chấn thương sọ não hoặc bất cứ nguyên nhân gì gây tăng áp lực nội sọ
- Đối với người đang có suy gan nặng
- Đối với các trường hợp đau bụng cấp tính, dữ dội mà chưa rõ nguyên nhân gây đau
- Đối với trẻ em dưới 30 tháng tuổi
- Đối với người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm IMAO.
- Đối với người đang có triệu chứng của ngộ độc rượu cấp.
Chú ý và thận trọng khi dùng thuốc Bostacet
Thuốc này là thuốc giảm đau, thuốc không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây bệnh mà chỉ làm giảm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy người bệnh không nên quá lạm dụng thuốc vì trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc có thể che đi những dấu hiệu báo trước một tình trạng tổn thương nguy hiểm và cấp tính.
Tác dụng không mong muốn ở trên gan là rất nghiêm trọng nếu như dùng quá liều thuốc này. Vậy nên người bệnh cần tuân thủ mức liều và chế độ liều được khuyến cáo ở trên.
Thuốc có chứa thành phần giảm đau trung ương nên thuộc vào mục danh sách thuốc gây nghiện cần phải quản lí chặt chẽ. Vậy nên người bệnh sẽ không thể tự ý sử dụng thuốc nếu như không có chỉ định của bác sĩ phù hợp với tình trạng bệnh và mức độ đau hiện tại.
Tương tác với các thuốc và sản phẩm khác
Chống chỉ định dùng cùng với thuốc chống trầm cảm IMAO và trong vòng 14 ngày sau khi ngừng sử dụng IMAO, bởi có thể gây ra tương tác dược lực học: trụy tim mạch, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong.
Không dùng cùng với các chế phẩm có chứa Paracetamol và Tramadol khác trên thị trường vì nguy cơ chồng liều làm gia tăng độc tính của thuốc.
Không sử dụng cùng với các thuốc chẹn beta để điều trị các bệnh tim mạch do tương tác dược lực học trên hệ hô hấp, ức chế hô hấp mạnh, đặc biệt ở những người bị hen, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Không sử dụng cùng với các thuốc ức chế hoạt tính enzyme gan làm giảm khả năng chuyển hóa thuốc, làm tăng tác dụng cũng như độc tính thuốc, bao gồm các Macrolid (Clarihromycin, Azithromycin, Erythromycin), kháng nấm như Ketoconazol, Voriconazol, Itraconazol, các thuốc chống động kinh (Phenytoin, Carbamazepin), thuốc chống lao (Rifampicin, Isoniazid),…
Các loại thuốc thư giãn cơ: sẽ làm giảm trương lực cơ trơn gây ức chế hô hấp nặng hơn ở những bệnh nhân đang dùng opioid
Không dùng cùng với các thuốc giảm đau trung ương khác như Morphin, Methadon,..
Không dùng cùng thuốc lợi tiểu vì làm giảm tác dụng của thuốc này.
Không dùng cùng với rượu và đồ uống có cồn bởi gia tăng phản ứng gây độc trên gan và tăng nguy cơ ngộ độc.
Ảnh hưởng lên phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú
Đối với phụ nữ có thai: thuốc được khuyến cáo không dùng trên đối tượng phụ nữ có thai do những ảnh hưởng đáng kể lên sức khỏe của thuốc lên thai nhi
Đối với phụ nữ cho con bú: khi dùng thuốc, người mẹ có thể ngưng cho con bú nếu dùng thuốc liên tục. Nếu chỉ dùng thuốc khi đau, người mẹ có thể khắc phục bằng cách uống ngay sau khi cho con bú và uống trước khi cho con bú lần kế tiếp từ 6 giờ đến 8 giờ.
Thuốc Bostacet giá bao nhiêu?
Bostacet hiện có bán ở các nhà thuốc với giá 50.000 đồng / hộp 2 vỉ x 10 viên nén bao phim.
Giá bán có thể dao động khác nhau ở những nhà thuốc khác nhau.
Thuốc Bostacet bán ở đâu Hà Nội và Tp HCM?
Thuốc Bostacet được bán ở nhiều nhà thuốc và trung tâm thuốc lớn và uy tín như nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Bimufa. Người mua có thể mua thuốc tại những nhà thuốc này, khi mua người mua nên cầm theo đơn thuốc để mua thuốc được dễ dàng hơn. Người mua có thể mua thuốc trực tiếp tại nhà thuốc hoặc mua thuốc trực tuyến bằng cách liên hệ trực tiếp qua số hotline hiển thị trên trang web của nhà thuốc để được tư vấn miễn phí và giao hàng tận nơi.
Một số câu hỏi thường gặp
Thuốc Effer Bostacet là thuốc gì?
Effer Bostacet là một chế phẩm thuốc sản xuất tại Việt Nam có số đăng kí là VD-18258-13, thuộc nhóm thuốc kê đơn. Thuốc Effer Bostacet có các thành phần tương tự như thuốc Bostacet. Do đó tác dụng của thuốc này cũng tương tự như Bostacet. Nhưng có điểm khác biệt giữa hai thuốc chính là dạng bào chế. Thuốc Bostacet có dạng bào chế viên nén bao phim, còn thuốc Effer Bostacet có dạng bào chế viên sủi bọt. Đây cũng là một trong những ưu điểm của thuốc Effer Bostacet bởi chúng có cách dùng khác biệt hoàn toàn, đó là thả viên sủi vào nước cho đến khi viên sủi tan hoàn toàn tạo thành dung dịch trong suốt. Người bệnh cần sử dụng ngay bằng cách uống trực tiếp toàn bộ dung dịch đó. Uống thuốc dạng viên sủi thường chứa một nồng độ khí CO2 rất cao trong dung dịch. Chính khí CO2 này sau khi đi vào đường tiêu hóa sẽ kích thích nhu động đường tiêu hóa, gia tăng khả năng hấp thu thuốc, đẩy nhanh tốc độ hấp thu. Vậy nên người bệnh sẽ được thuốc tác dụng nhanh hơn, giảm đau nhanh trong các trường hợp đau nặng, đau cấp tính.
Thuốc Ultracet là thuốc gì?
Đây cũng là một thuốc tương tự như Bostacet ở các thành phần của thuốc và hàm lượng của chúng. Tuy nhiên dạng bào chế của thuốc là dạng viên nén nên có những cách dùng và tác dụng tương tự như Bostacet.
Cách xử trí khi quá liều, quên liều
Quá liều thuốc Bostacet
Quá liều thuốc Bostacet thường gắn liền với việc gia tăng các nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn mức độ từ trung bình đến nặng, nghiêm trọng. Tùy thuộc vào mức độ quá liều, người bệnh có thể bị các phản ứng quá mẫn, ức chế hô hấp, suy gan nặng,… Qúa liều thuốc này là rất nguy hiểm đặc biệt là đối với những đối tượng nhạy cảm như người già và trẻ em. Khi quá liều nhẹ, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để xử trí phù hợp. Khi đã có những triệu chứng của quá liều như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, đau tức hạ sườn phải sau khi quá liều từ 12 giờ đến 24 giờ, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Quên liều thuốc Bostacet
Quên liều thuốc này thường xảy ra đối với những bệnh nhân có đau nhẹ, thỉnh thoảng có cơn đau. Thuốc cũng có chỉ định sử dụng khi đau đối với bệnh nhân đau nhẹ và vừa. Do đó khi phát hiện quên liều, bệnh nhân không nên lo lắng, mà có thể bỏ liều đó và uống những liều kế tiếp như bình thường. Bệnh nhân tuyệt đối không uống chồng liều cùng lúc để tránh tình trạng quá liều.