Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý khá phổ biến và thường gặp. Đây là một căn bệnh diễn biến thầm lặng và có thể kéo dài đến mãn tính. Nếu không được điều trị kịp thời, trào ngược dạ dày thực quản có thể để lại những tổn thương rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Hãy tìm hiểu thêm thông tin về căn bệnh này qua bài viết sau.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay còn được gọi là trào ngược acid dạ dày là tình trạng acid trong dạ dày hay đôi khi là mật trào ngược vào ống thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày). Các acid có thể làm kích thích lớp niêm mạc thực quản từ đó dẫn đến các biểu hiện và triệu chứng khó chịu của GERD.
Các chất và dịch trong dạ dày trào ngược lên thực quản thường được diễn biến theo các hoạt động sinh lý của con người. Trong trường hợp này, trào ngược dạ dày thực quản là một hiện tượng sinh lý, chức năng và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và thể chất của con người. GERD chỉ được coi một bệnh lý khi hiện tượng trào ngược lên thực quản gây ra các triệu chứng hoặc các tổn thương thực thể. Nếu để kéo dài, trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến suy dinh dưỡng (ở trẻ em), viêm loét thực quản, ảnh hướng đến chức năng hô hấp thậm chí là có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Nếu được chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị hợp lý, người bệnh có thể giảm thiểu các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng như cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Hình ảnh về một số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản
Biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản
Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể gặp phải một số biểu hiện triệu chứng như:
- Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua: Hầu hết chúng ta trong cuộc sống hằng ngày thường gặp phải các triệu chứng sinh lý của chứng trào ngược như ợ chua, ợ nóng. Tuy nhiên khi bị trào ngược dạ dày thực quản các triệu chứng này diễn ra thường xuyên hơn và đem lại cảm giác rất khó chịu cho bệnh nhân. Ợ hơi là hiện tượng không khí thừa nhiều trong dạ dày và sau đó thoát ra theo đường ống thực quản – miệng. Triệu chứng này thường gặp khi người bệnh bị đói, dạ dày rỗng. Ợ nóng là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát, khó chịu vùng thượng vị hay vừng ngực dưới, cơn nóng rát có thể lan ngược lên đến tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên khi người bệnh nằm xuống hoặc sau khi ăn xong. Ợ chua là hiện tượng do các thành phần có trong dịch vị từ dạ dày người bệnh trào ngược lên vùng hầu họng. Khi có hiện tượng ợ chua, người bệnh có cảm giác khó chịu kèm theo vị chua trong miệng. Ợ chua và ợ nóng thường hay đi cùng với nhau. Các triệu chứng kể trên thường xuất hiện và có thể tăng lên sau khi ăn no, khi đầy bụng khó tiêu, đặc biệt là xuất hiện nhiều vào ban đêm và lúc nằm nghỉ ngơi.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh ăn quá no hoặc nằm nghỉ ngơi ngay sau ăn xong. Các thành phần trong dịch vị từ dạ dày trào ngược vào họng hoặc miệng, kích thích niêm mạc ở các cơ quan này dẫn đến cảm giác buồn nôn hoặc có cảm giác như mắc nghẹn thức ăn, thậm chí là nôn ra dịch và thức ăn. Đặc biệt, những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng dễ nôn ói khi đi tàu xe hoặc trong thời kỳ thai nghén.
- Đau tức ngực thượng vị: Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân sẽ có cảm giác bị đè ép, đau thắt ở ngực, cảm giác đau xuyên ra sau lưng và cánh tay. Nguyên nhân là do acid từ dịch vị dạ dày trào ngược kích thích vào niêm mạc và các dây thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, làm cho các cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra cảm giác đau giống như đau ở ngực. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý tim mạch.
- Ăn không ngon, khó nuốt: Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân có triệu chứng trào ngược acid hoặc dịch mật vào họng miệng gây ra cảm giác đắng miệng. Điều này làm cho người bệnh có cảm giác chán ăn, dễ bỏ bữa từ đó dẫn đến tình trạng sụt cân, thiếu máu thậm chí là chảy máu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, lượng acid trào ngược với số lượng, tần suất lớn sẽ làm phù nề, viêm, sưng tấy niêm mạc thực quản, dẫn đến thu hẹp đường kính của thực quản. Do đó, ngoài cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, người bị trào ngược dạ dày thực quản còn có cảm giác khó nuốt, thức ăn vướng ở cổ khi ăn.
- Khàn giọng, ho: Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể bị khản giọng hoặc ho liên tục. Nguyên nhân là do dây thanh quản tiếp xúc với acid từ dạ dày trào ngược làm cho nó bị tổn thương, phù nề, sưng tấy. Dây thanh quản bị sưng làm cho người bệnh bị khàn giọng, khó nói, lâu ngày có thể chuyển thành ho do lúc này dịch rỉ viêm chảy từ ổ viêm xuống thanh phế quản.
- Miệng tiết nhiều nước bọt: Khi bị trào ngược, để thích nghi cơ thể sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn để trung hòa được lượng acid từ dạ dày. Đây là phản xạ của miệng khi gặp acid dịch vị trào lên sau khi ợ chua, ợ nóng.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: viêm họng kéo dài, viêm thanh quản, hôi miệng, răng xỉn màu.
Khi gặp các triệu chứng như trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh, từ đó phát hiện chẩn đoán bệnh và được điều trị sớm.
Những đối tượng dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt nam nữ hay tuổi tác. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, đó là:
- Những người thường ngồi lâu một chỗ: Nhóm người này và nhất là các nhân viên văn phòng phải làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều áp lực đồng thời họ còn có nhiều thói quen sinh hoạt ăn uống không điều độ như thức khuya, ngủ không đủ giấc, uống ít nước, uống nhiều bia rượu, bỏ ăn sáng hoặc thậm chí là ngủ ngay sau khi ăn. Những thói quen này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cơ thể mà còn là các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản.
- Người béo phì: Những người béo phì thường là đối tượng dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hơn bình thường vì lượng mỡ thừa của họ chủ yếu tập trung ở vùng bụng. Điều này làm cản trở hoạt động tiêu hóa, co bóp của dạ dày, đồng thời còn gây áp lực lên vùng bụng nên dễ có hiện tượng trào ngược lên thực quản. Bên cạnh đó, sự tiêu hóa ở những người béo phì chậm hơn nhiều so với người bình thường dẫn đến thức ăn ứ đọng lâu ngày trong dạ dày, từ đó gây ra các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng.
- Phụ nữ mang thai: Trong thời kỳ thai nghén, tử cung của thai phụ ngày càng to ra và đẩy lên cao hơn do sự phát triển của thai nhi. Điều này làm tăng áp lực ở cơ vòng dạ dày thực quản dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày. Mặt khác, các bà bầu cần phải ăn nhiều hơn để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi do đó mẹ bầu thường gặp các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua. Điều này cũng làm cho chứng trào ngược dạ dày ngày càng nặng hơn.
- Người lớn tuổi: Khi càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị suy yếu và không thực hiện được các chức năng như bình thường. Lúc này, cơ thắt thực quản cũng sẽ không còn co thắt một cách bình thường mà bị giãn ra khó co lại. Điều này làm cho các thành phần trong dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.
- Người có tiền sử bị bệnh dạ dày: Những người đã từng mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng, … thường có các triệu chứng ợ nóng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng. Đối với nhóm người này, niêm mạc dạ dày vốn đã bị tổn thương sẵn, nếu không biết cách ăn uống hoặc ăn uống không hợp lý sẽ gây tăng tiết acid dịch vị một cách tự nhiên, từ đó làm cho acid dạ dày dễ trào ngược lên thực quản.
- Người hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản cao. Bởi trong thuốc lá có chứa nhiều chất kích thích và chất gây nghiện cực độc. Nhiều chất trong số này sẽ làm tăng hủy hoại dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản, trong đó có thể chia thành các nhóm như: nguyên nhân do thực quản, do dạ dày và các nguyên nhân khác.
Nguyên nhân do thực quản
Do sự bất thường ở cơ thắt dưới thực quản: Cơ thắt dưới thực quản hay còn gọi là cơ tâm vị là cơ ở vị trí nối giữa dạ dày và thực quản, Thông thường, sự hoạt động của cơ thắt dưới này sẽ diễn ra theo một quy trình nhất định. Nó chỉ giãn mở ra khi chúng ta nuốt thức ăn và sau đó đóng kín lại, không cho các thành phần trong dạ dày trào ngược lên. Tuy nhiên, khi trương lực của cơ thắt dưới thực quản vì một lý do nào đó bị giảm sẽ làm cho các cơ này bị suy yếu. Điều này làm xuất hiện lỗ hổng giữa dạ dày và thực quản dẫn đến acid dịch vị và các thành phần trong dạ dày có cơ hội trào ngược từ dạ dày lên thực quản từ đó gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Một số yếu tố có thể gây suy cơ thắt thực quản: Rối loạn nhu động thực quản, các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, các thuốc kích thích thụ cảm Beta, ức chế alpha, các chất kích thích, cafein, thuốc lá, rượu bia.
Do sự bất thường ở cơ hoành – thoát vị cơ hoành: Cơ hoành là một cơ dẹt có chức năng phân chia khoang bụng – khoang ngực và được coi như là một cánh cổng thành của vùng bụng. Khi cơ hoành co sẽ tăng động lực cho cơ thắt dưới thực quản để ngăn chặn sự trào ngược của các chất từ dạ dày lên thực quản. Khi bị thoát vị, cơ hoành và cơ thắt dưới thực quản lúc này sẽ không ở cùng một mức do đó không có không có sự thống nhất trong hoạt động của cơ hoành và cơ thắt dưới. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng trào ngược.
Nguyên nhân do dạ dày
Thức ăn không được tiêu hóa, ứ đọng lại trong dạ dày: Một số bệnh lý liên quan như: Viêm loét dạ dày, đau dạ dày, hẹp môn vị, … làm cho các chất trong dạ dày chậm tiêu hóa và chậm lưu thông xuống phần ruột. Do đó làm chúng ứ đọng lại và tăng áp lực trong dạ dày. Điều này có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Do lực tác động đến ổ bụng tăng đột ngột: Các tình trạng như ho lâu ngày, hắt hơi, gập bụng thường xuyên cũng có thể gây áp lực cho ổ bụng. Đây cũng là nguyên nhân gây nên chứng trào ngược dạ dày.
Tham khảo thêm: Co thắt dạ dày có nguy hiểm không? Nguyên nhân & cách điều trị hiệu quả
Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân chính trên, sau đây là một số yếu tố tác nhân khác cũng gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Stress: Khi bị stress, cơ thể con người sẽ tiết ra một lượng lớn hormone cortisol. Hormon này làm tăng tiết acid trong dạ dày, đồng thời làm tăng trương lực của dạ dày khiến cơ tâm vị bị giãn mở rộng từ đó dẫn đến tình trạng acid từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Bên cạnh đó, stress – căng thẳng thần kinh kéo dài còn làm rối loạn nhu động thực quản và rối loạn chức năng tiêu hóa. Điều này dẫn đến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Tham khảo thêm: Stress là gì? Nguyên nhân gây stress và cách điều trị hiệu quả
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Các thói quen sinh hoạt hoặc ăn uống không hợp lý là một trong các nguyên nhân chính gây nên chứng trào ngược dạ dày. Các thói quen như ăn quá no, ăn quá nhanh; ăn đêm, ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến sắn, đồ xào rán nhiều dầu mỡ, ít ăn các loại rau xanh; ăn các loại hoa quả có tính acid như cam chanh lúc đói là nguyên nhân làm cho dạ dày bị kích thích, từ đó dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
Thừa cân, béo phì: Cân nặng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên vùng bụng. Khi bị thừa cân, dạ dày và cơ thắt thực quản sẽ phải chịu một áp lực lớn hơn bình thường, do đó acid dịch vị và các chất trong dạ dày cũng dễ bị trào ngược hơn.
Lạm dụng thuốc Tây: Các thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh có thể để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột. Do đó, khi sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, chướng bụng đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, …
Những yếu tố bẩm sinh: Các yếu tố bẩm sinh như bệnh nhân bị sa dạ dày, có cơ thắt thực quản dưới yếu, cơ hoành không đúng vị trí, … cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Kiểm tra lâm sàng
Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, trước tiên bác sĩ hoặc các nhân viên ý tế sẽ kiểm tra sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, sau đó sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, biểu hiện của chứng trào ngược mà người bệnh có thể bị mắc phải. Các triệu chứng điển hình của chứng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đau tức ngực, buồn nôn, nôn mửa, miệng đắng tiết nhiều nước bọt, chán ăn, ăn không ngon.
Các bác sĩ có thể khám lâm sàng qua bộ câu hỏi GerdQ. Đây là một bộ câu hỏi đáng tin cậy và thuận tiện có thể giúp bác sĩ thu thập được các thông tin về biểu hiện triệu chứng của bệnh nhân từ đó đưa ra chẩn đoán và khuyến cáo điều trị.
Trong trường hợp chỉ là các chứng trào ngược nhẹ, thì có thể điều trị thử trước mà không cần làm các phương pháp xét nghiệm thăm dò khác. Nếu điều trị thử mà không thuyên giảm hoặc các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản đã có các tổn thương, biến chứng thì cần phải thực hiện các biện pháp thăm dò để chẩn đoán bệnh.
Nội soi dạ dày – thực quản
Nội soi được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một ống soi mềm có gắn đèn và camera vào trong cơ thể người bệnh để kiểm tra và thăm khám thực quản và dạ dày. Các hình ảnh từ camera có thể cho bác sĩ thấy được các tổn thương viêm loét trong phần dạ dày và thực quản, từ đó đưa ra các chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý nhất. Các bác sĩ cũng có thể lấy mẫu sinh thiết bằng nội soi để thực hiện các thử nghiệm khác.
Có hai phương pháp nội soi dạ dày – thực quản là nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Phương pháp nội soi không gây mê thường làm cho người bệnh có cảm giác đau đớn bởi ống soi khi đưa vào hoặc rút ra. Do đó, rất nhiều người lo ngại khi được chỉ định phải tiến hành phương pháp này. Phương pháp nội soi gây mê là phương pháp có sử dụng thuốc mê trong quá trình nội soi. Điều này làm giảm thiểu đáng kể cảm giác đau đớn khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phương pháp này, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có của thuốc gây mê.
Phương pháp nội soi không chỉ giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà còn có thể chỉ ra các tổn thương trong dạ dày – thực quản như: viêm loét dạ dày, thực quản, nhiễm trùng thực quản, …
Tham khảo thêm: [Review] Những địa chỉ nội soi dạ dày uy tín, tốt nhất tại Hà Nội & TPHCM
Kiểm tra nồng độ acid dạ dày
Việc kiểm tra xét nghiệm nồng độ acid dạ dày cũng là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Việc này được thực hiện thông qua đầu dò Axit Ambulatory, thiết bị này sẽ đo đạc các chỉ số của acid dịch vị dạ dày trong 24h vừa qua. Từ đó, các nhân viên y tế, người khám bệnh sẽ thu được các thông tin cần thiết về sự tăng giảm của nồng độ acid và đưa ra các chẩn đoán cùng phương pháp điều trị phù hợp.
Chụp X- Quang
Chụp X – Quang để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản cho độ nhạy và độ đặc hiệu không cao nên thường được sử dụng để đánh giá các biến chứng liên quan như viêm loét, hẹp dạ dày, chứng khó nuốt. Đây là phương pháp được sử dụng rất nhiều trong chẩn đoán cho những bệnh nhân có triệu chứng khó nuốt nặng, do thực quản bị chít hẹp, đồng thời để giúp xác định vị trí bị chít hẹp. Do không có hiệu quả trong việc đánh giá mức độ của trào ngược dạ dày thực quản cũng như phát hiện các tổn thương trên lớp niêm mạc nên bệnh nhân vẫn cần phải thực hiện nội soi. Có thể xem chụp X – quang như là một phương pháp hỗ trợ để các kết quả của nội soi được chính xác hơn.
Khi thực hiện chụp X – quang, người bệnh sẽ được uống chất lỏng BaSO4 có tính cản quang. Khi đi vào cơ thể, chất lỏng này sẽ bao phủ lấy phần cổ họng, thực quản, dạ dày, từ đó các bác sĩ có thể thấy được các tổn thương bên trong thông qua film X – quang.
Đo áp lực thực quản
Đo áp lực thực quản là một phương pháp được sử dụng nhiều trong chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa. Trong đó, khi bệnh nhân có các triệu chứng như ợ chua, đau tức ngực, bụng, khó nuốt thì đây là biện pháp được lựa chọn ưu tiên. Biện pháp này được thực hiện nhằm xác định áp lực của cơ thắt nối giữa thực quản và dạ dày với sự có mặt của nhu động thực quản thích hợp.
Qui trình thực hiện khá đơn giản, bằng cách gây mê mũi, bệnh nhân được tiến hành đưa một ống nhỏ từ mũi xuống tới thực quản và dạ dày. Khi cho chạy thiết bị, các chỉ số về áp lực của thực quản và sự co giãn cơ bắp khi nuốt sẽ được đưa ra, nhờ các thông số này bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.
Xét nghiệm trào ngược dạ dày thông qua hình học thực quản
Đây cũng là một xét nghiệm tương tự như các phương pháp khác ở trên. Đối với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản, các bác sĩ cũng sẽ luồn một ống dây dài và nhỏ vào trong thực quản của người bệnh. Các cảm biến được gắn trên ống này sẽ có nhiệm vụ kiểm tra và ghi lại hình ảnh của thực quản và các vận động của nó như thế nào để đẩy acid trào ngược lên trên. Các kết quả được hiển thị ra bên ngoài, từ các hình ảnh trực quan này các bác sĩ xem xét các tổn thương có thể có của thực quản, từ đó đưa ra chẩn đoán phù hợp.
Các xét nghiệm thường kéo dài 20 đến 30 phút, sau khi tiến hành xong, bệnh nhân có thể có các cảm giác đau nhẹ ở vùng cổ họng xuống vùng ngực dưới.
Phương pháp ghi điện trở kháng trong lòng thực quản
Đây là một trong những phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản cho kết quả chính xác và cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng của bệnh lý nhất. Biện pháp ghi điện trở kháng trong lòng thực quản có thể phát hiện dễ dàng luồng hơi trào ngược từ dạ dày lên thực quản dù nguyên nhân là do acid hay không do acid. Biện pháp này có thể đo đạc được tất cả các trào ngược trong thực quản với mức độ tin cậy cao.
Ngoài ra để kết quả của xét nghiệm được chính xác và đầy đủ hơn, các bác sĩ cũng thường chỉ định kết hợp giữa ghi điện trở kháng đa kênh trong lòng thực quản và phương pháp đo độ pH thực quản trong 24h.
Theo dõi pH thực quản trong 24h
Bằng cách theo dõi pH của thực quản trong vòng 24h liên tiếp, phương pháp này được dùng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thông qua xác định dòng acid trào ngược từ dạ dày. Biện pháp này được sử dụng để kiểm tra các triệu chứng có liên quan hay không đến trào ngược và thường được dùng trong các trường hợp chẩn đoán không rõ sau điều trị thử hoặc nội soi.
Song song với quá trình kiểm tra và đo đạc về nồng độ của pH trong thực quản, người bệnh cũng cần phải ghi chép lại quá trình ăn uống của mình hằng ngày. Điều này có thể giúp cho việc phát hiện được các thực phẩm làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày mà người bệnh đang ăn uống hằng ngày.
Hậu quả – biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Nếu không phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị tiến triển sang giai đoạn mãn tính, gây nên các biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng phổ biến có thể kể đến đó là:
- Viêm, loét thực quản: Acid từ dịch vị của dạ dày trào lên thực quản thường xuyên có thể làm xói mòn các mô ở thực quản dẫn đến các tổn thương dạng viêm loét ở niêm mạc thực quản. Theo các thống kê, biến chứng này có thể xảy ra với hơn 50 % trường hợp bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Các vết loét ở thực quản có thể gây xuất huyết trong hoặc sưng nề làm người bệnh có cảm giác đau, nuốt khó, đau ngực.
- Hẹp thực quản: Các acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản có thể làm hủy hoại các tế bào ở mô thực quản hoặc các ổ viêm tác động vào các mô thực quản, dẫn đến hiện tượng xơ hóa mô và hình thành các mô sẹo. Các mô sẹo làm co rút, thu hẹp thực quản.
- Tiền ung thư trong thực quản (Barrett thực quản): Theo thống kê, có khoảng 8 đến 15 % bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản mắc phải biến chứng này. Đây là tình trạng mà màu sắc và các thành phần của các tế bào lót nơi thấp nhất trong thực quản bị biến đổi tính chất, do phải tiếp xúc thường xuyên với acid dạ dày. Những thay đổi này có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư thực quản. Mặc dù là tỷ lệ tương đối thấp, nhưng người bệnh nên thường xuyên thăm khám để có thể nhận biến các dấu hiệu giúp chẩn đoán sớm bệnh loại ung thư này.
- Ung thư thực quản: Đây là một biến chứng nghiêm trọng nhưng khá hiếm gặp trong lâm sàng. Ung thư thực quản thường đi kèm với các triệu chứng khác như bị trớ, nôn, nghẹn khi ăn; đau vùng ngực xương ức, cơn đau thường kéo dài dai dẳng; ho, khàn giọng và có các nhiễm trùng khác.
Ngoài ra, một lượng nhỏ acid từ dịch vị dạ dày trào ngược lên miệng họng cũng có thể gây ra một số tình trạng như: viêm họng, viêm mũi, ho, viêm phế quản, răng xỉn màu, viêm tai, …
Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh mà có những biện pháp điều trị riêng. Nhưng nhìn chung, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và chỉ định các phương pháp sau.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Xây dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh là điều mà ai cũng phải làm, đặc biệt là người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải: Thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lên cơ bụng, làm kích thích dạ dày và thúc đẩy quá trình trào ngược dịch vị lên thực quản. Việc duy trì được cân nặng ở mức độ vừa phải, có thể giúp người bệnh đạt được hiệu quả nhiều hơn trong quá trình điều trị. Nếu bạn đang bị béo phì hoặc thừa cân, hãy thử tham khảo các ý kiến của bác sĩ để áp dụng các biện pháp giảm cân hợp lý.
Tránh mặc các loại quần áo chật, quần áo bó sát: Các loại quần áo ôm sát, đặc biệt là tại vùng eo có thể gây áp lực lên vùng bụng và cơ thắt tâm vị, dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
Không nằm xuống sau bữa ăn: Người bệnh chỉ nằm xuống hay đi ngủ sau khi ăn ít nhất là 2 đến 3 giờ. Bởi nằm ngủ sau khi ăn sẽ khiến cho dạ dày rơi vào tình trạng nghỉ ngơi, không hoạt động dẫn đến quá trình tiêu hóa bị ứ trệ. Thức ăn không được tiêu hóa sẽ đọng lại trong dạ dày từ đó dẫn đến các hiện tượng như đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua và cũng có thể làm thức ăn cùng dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Đồng thời, người bệnh cũng nên tăng cường vận động luyện tập thể dục thể thao để có thể giảm thiểu các triệu chứng của bệnh và phòng ngừa bệnh tái phát. Đi bộ nhẹ sau khi ăn khoảng 30 phút có thể giúp cho cơ thể tiêu hóa thức ăn một cách tốt hơn, từ đó làm giảm các nguy cơ trào ngược dạ dày.
Thay đổi thói quen ăn uống
Bên cạnh việc xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý thì việc thay đổi thói quen ăn uống và xây dựng một thực đơn ăn uống lành mạnh cũng là một biện pháp rất quan trọng trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, người bệnh nên ăn và không nên ăn những thực phẩm như sau.
Các loại thực phẩm nên sử dụng:
- Bạn nên sử dụng các loại thực phẩm có tính kiềm, có thể trung hòa được lượng acid dư thừa: các sản phẩm có nguồn gốc từ tinh bột như bột ngũ cốc, bánh mì, bột yến mạch, … Các loại thực phẩm này có thể góp phần hạn chế được tác động bào mòn của acid trong dạ dày và thực quản, đồng thời hạn chế sự co thắt có acid trào ngược lên.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm, rau xanh có chứa nhiều chất xơ như: Đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan, đậu đỏ. Các loại thực phẩm này không chỉ chứa lượng chất xơ cao mà còn cung cấp đa dạng các loại acid amin.
- Bạn nên ăn các loại đạm dễ tiêu như: Thịt vịt, thịt ngan, thịt lợn nạc, thịt lợn thăn. Các loại thực phẩm này giúp cho quá trình tiêu hóa được diễn ra nhanh hơn, từ đó hạn chế các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.
- Sử dụng sữa chua sau khi ăn: Sữa chua không chỉ giúp cho quá trình tiêu hóa được diễn ra nhanh hơn mà còn chưa nhiều lợi khuẩn có ích cho đường tiêu hóa, giúp tạo cảm giác ngon miệng hơn. Người bị trào ngược dạ dày thực quản được khuyên nên sử dụng sữa chua mỗi ngày để góp phần cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng không nên sử dụng sữa chua khi đói.
- Sử dụng các thực phẩm điều trị chứng trào ngược dạ dày có nguồn gốc từ các bài thuốc dân gian như mật ong, nghệ, …
Các loại thực phẩm không nên sử dụng:
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều acid hoặc kích thích tiết acid trong dạ dày như hoa quả có hàm lượng acid cao (cam, chanh, quất), thức ăn cay nóng (thức ăn có nhiều ớt, hạt tiêu, nước sốt vay, tỏi, hạt tiêu), chocolate, …
- Không sử dụng các loại nước ngọt có ga, các chất gây nghiện, kích thích như rượu, bia, thuốc lá, café.
- Không sử dụng các loại thức ăn nhanh, đã được chế biến sẵn, các loại đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Ngoài ra, người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn đủ bữa đúng giờ và chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ. Cách làm này sẽ giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu các tác động lên dạ dày và duy trì được sự điều tiết acid ổn định, từ đó ngăn chặn được chứng trào ngược dạ dày.
Tham khảo thêm: [GIẢI ĐÁP] Bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì? Kiêng gì?
Điều trị bằng thuốc tây y
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý không dễ dàng để chữa khỏi và rất dễ bị tái phát. Do đó, người bệnh cần kiên trì tuân thủ điều trị về sử dụng thuốc và thay đổi các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hơn trong một thời gian dài. Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị là:
- Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày: Các loại thuốc này có thể giúp giảm các triệu chứng đau do trào ngược dạ dày thực quản một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khi sử dụng nên lưu ý các tác dụng có thể có của thuốc, từ đó không nên lạm dụng thuốc quá mức.
- Thuốc làm giảm sản xuất axit: Các loại thuốc này hay còn được gọi là các loại thuốc chẹn thụ thể H2, một số loại thuốc thường được chỉ định như cimetidine, famotidine và nizatidine. Các thuốc kháng H2 không cho tác dụng nhanh như thuốc kháng acid nhưng chúng có tác dụng kéo dài hơn, và có thể kéo dài tác dụng lên đến 12 tiếng.
- Thuốc ức chế bơm proton dạng mạnh: các thuốc thường được chỉ định bao gồm: esomeprazole, lansoprazole, omeprazole và dexlansoprazole.
- Thuốc tăng cường cơ vòng dưới của thực quản: Các thuốc trong nhóm thuốc này có thể làm giảm trào ngược dạ dày bằng cách tăng cường sức co của cơ thắt dưới thực quản.
Tham khảo thêm: Thuốc Omeprazole: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng
Bệnh nhân nên đến các cơ sở ý tế để thăm khám để biết được tình trạng bệnh lý của mình. Tuyệt đối, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Điều trị bằng đông y
Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân cũng có thể sử dụng các phương pháp Đông y để điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh. Người bệnh có thể sử dụng các loại thảo dược từ thiên nhiên để khắc phục các triệu chứng của chứng trào ngược như nghệ, mật ong, cam thảo, hoa cúc, …
Bên cạnh đó, người bệnh có thể áp dụng các liệu pháp thư giãn để làm dịu căng thẳng mệt mỏi cũng như các lo lắng khác. Từ đó có thể giảm thiểu các triệu chứng của chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn châm cứu để điều trị các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, người bệnh nên tìm đến cơ sở uy tín và có chuyên môn để thực hiện chấm cứu nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
Phẫu thuật
Chứng trào ngược dạ dày thực quản thường có thể được điều trị bằng thuốc và các biện pháp điều trị nội khoa khác. Trong trường hợp nếu thuốc và các biện pháp nội khoa không cho tác dụng hoặc người bệnh không muốn sử dụng thuốc lâu dài, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về phẫu thuật ngoại khoa. Hai biện pháp phẫu thuật thường được chỉ định là:
- Phẫu thuật Nissen
- Phẫu thuật LINX
Điều trị tại nhà
Ngoài việc điều trị bằng thuốc và các phương pháp ngoại khoa, nội khoa thì bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà để cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản như:
- Giảm cân nếu thừa cân
- Nhai kẹo cao su sau khi ăn
- Đi bộ hoặc tập luyện nhẹ sau khi ăn ít nhất 30 phút
- Chia nhỏ các bữa ăn
- Nói không với thuốc lá, tuyệt đối không hút thuốc lá chủ động cũng như thụ động
- Thử các phương pháp thư giãn
Các cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản trên sẽ phù hợp với từng nhóm đối tượng với tình trạng bệnh lý khác nhau. Do đó, tốt nhất người bệnh nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm nếu cần từ đó nắm rõ tình trạng bệnh của mình. Và trước khi sử dụng bất kỳ một phương pháp điều trị nào, bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ để biết được biện pháp điều trị phù hợp với mình nhất.
Trào ngược dạ dày thực quản khám ở đâu tốt?
Nếu mắc phải chứng trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên đến các bệnh viện hoặc tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa Dạ Dày có uy tín để thực hiện thăm khám, chẩn đoán và tham khảo điều trị có hiệu quả. Mặc dù, các bệnh viện ở tuyến tỉnh có thể kiểm tra và chẩn đoán được nhưng để được khám bệnh và điều trị chính xác và hiệu quả nhất, người bệnh nên đến các bệnh viện tuyến trên hoặc các phòng khám tư nhân uy tín chất lượng và có trang thiết bị hiện đại. Một số địa chỉ người bệnh có thể tham khảo như:
Ở Hà Nội:
- Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai: Tầng 5 nhà P – Bệnh viện Bạch Mai – Số 78 đường Giải Phóng – quận Đống Đa
- Trung tâm Tiêu hóa – Bệnh viện E: Số 89 đường Trần Cung – Nghĩa Tân – quận Cầu Giấy
- Khoa phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Việt Đức: Số 40 phố Tràng Thi – quận Hoàn Kiếm
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Số 1 đường Tôn Thất Tùng – quận Đống Đa
- Phòng khám đa khoa Hoàng Long: Tầng 10, tòa VCCI, số 9 Đào Duy Anh
- Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn: Số 52 Nguyễn Chí Thanh – quận Đống Đa
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 1 Trần Hưng Đạo – quận Hai Bà Trưng
Ở thành phố Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Số 201B đường Nguyễn Chí Thanh – quận 5
- Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh:
Cơ sở 1: Số 215 Hồng Bàng – phường 11 – quận 5
Cơ sở 2: Số 201 Nguyễn Chí Thanh – phường 12 – quận 5
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park: Số 208 Nguyễn Hữu Cảnh – phường 22 – quận Bình Thạnh
- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Số 468 Nguyễn Trãi – phường 8 – quận 5
- Bệnh viện nhân dân 115: Số 527 Sư Vạn Hạnh – phường 12 – quận 10
Một số lưu ý khi bị trào ngược dạ dày thực quản
Như đã nói ở trên, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể chữa được nhưng người bệnh cần tuân thủ điều trị và kiên trì thực hiện các biện pháp điều trị trong một thời gian dài để tránh bệnh tái phát. Bên cạnh sử dụng thuốc thì duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cũng góp phần rất quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản sẽ gây ra các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tiêu hóa khác. Do đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám bệnh và kết quả được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Một số câu hỏi thường gặp
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày thực quản có thể chữa được khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Lúc này, bệnh chưa có các biến chứng nguy hiểm, do đó bệnh nhân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh lâu mà không chữa trị hoặc chữa trị nhưng không triệt để, người bệnh không tuân thủ đầy đủ liệu pháp điều trị cũng như không có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý thì bệnh lý có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn, khó điều trị hơn và tốn kém hơn.
Mức độ nguy hiểm khi bị đồng thời cả 2 bệnh trào ngược dạ dày thực quản và loét dạ dày?
Trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày là hai bệnh lý có mối liên hệ với nhau. Do đó, nếu mắc đồng thời cả hai bệnh có thể khiến tình trạng của người bệnh diễn biến xấu đi nhanh hơn. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác liên quan đến hệ tiêu hóa nguy hiểm như: ung thư dạ dày, xuất huyết dạ dày, …
Tham khảo thêm: Viêm Loét dạ dày – Tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản hết bao nhiêu tiền?
Để thực hiện một case phẫu thuật sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng bệnh lý, hình thức phẫu thuật, địa điểm phẫu thuật là tuyến trên hay tuyến dưới, các trang thiết bị có hiện đại hay không, chi phí ăn uống đi lại … Tuy nhiên, trung bình bạn nên chuẩn bị trước từ 20 đến 40 triệu đồng cho một case phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản.
Bên cạnh đó, nếu muốn thực hiện thêm các phương pháp điều trị hậu phẫu khác thì chi phí có thể sẽ cao hơn.
Trào ngược dạ dày thực quản bị hôi miệng không?
Hôi miệng là một triệu chứng phổ biến thường gặp ở những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị trào ngược dạ dày, thức ăn ở trong dạ dày chưa được tiêu hóa hết cùng với acid từ dịch vị sẽ trào ngược lên thực quản, vòm hầu họng và miệng sẽ làm cho người bệnh bị hôi miệng. Đồng thời, lượng acid này cũng có thể kích thích vào lớp niêm mạc, răng lưỡi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh mùi có trong miệng phát triển, từ đó dẫn đến chứng hôi miệng.
Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Khoảng hơn 60 % trẻ sơ sinh thường có dấu hiệu của chứng trào ngược dạ dày thực quản, 10 % trẻ ở độ tuổi 1 tuổi cũng có các dấu hiệu của bệnh trào ngược. Đôi khi, trẻ có thể bị nôn ói thức ăn hoặc có dấu hiệu nuốt khó. Điều này lúc bình thường là tình trạng vô hại. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn nhiều, nghẹt thở, hay nấc cụt và có các hệ quả như chậm tăng cân, chậm phát triển, ho hoặc viêm phổi thì trẻ đã mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 % số trẻ gặp phải các biến chứng này. Nếu trẻ của bạn có các dấu hiệu trên, các phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ có chuyên môn để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời cho trẻ.