Bệnh tràn khí màng phổi là gì?
Bệnh tràn khí màng phổi là tình trạng có 1 hay cả 2 lá phổi bị xẹp hơn so với bình thường do hiện tượng tích tụ khí bên trong khoang màng phổi làm gián đoạn khả năng hô hấp của cơ thể.
Giữa 2 màng của mỗi phổi có 1 khoảng không gian mà tại đó có nhiều chất lỏng mỏng được gọi là khoang màng phổi và là nơi chứa đựng 2 lá phổi.
Phân loại bệnh tràn khí màng phổi
Bệnh tràn khí màng phổi được chia ra thành 2 nhóm là tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát và bệnh tràn khí màng phổi tự phát thứ phát.
- Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát là tình trạng phế nang bị tổn thương do nguyên nhân thoát khí từ nhu mô phổi ra ngoài rồi sau đó bị tích tụ lại trong khoang màng phổi. Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng thường xuất hiện ở người trẻ tuổi còn khỏe mạnh
- Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát phát là tình trạng tái phát lại hay có thể là biến chứng từ bệnh phổi ở 1 số bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về phổi. Bệnh này có mức độ nặng hơn so với tràn khí màng phổi tự phát và thường chỉ xuất hiện ở những người trên 30 tuổi.
Nguyên nhân gây ra bệnh tràn khí màng phổi
Dựa trên 2 nhóm bệnh tràn khí màng phổi chính, nguyên nhân gây bệnh cũng xuất phát từ 2 nhóm sau:
Nguyên nhân gây bệnh tràn khí màng phổi tự phát
Không bắt nguồn từ các chấn thương bên ngoài hay các vết thương:
- Để quá trình trao đổi khí diễn ra thuận lợi thì khoang màng phổi không được chứa khí và khi đó áp lực âm. Tuy nhiên khi bị tràn khí màng phổi thì kích thước phổi bị xẹp lại ngăn cản quá trình trao đổi khí của phổi.
- Đối tượng là những người còn trẻ tuổi (từ 20 tuổi đến 40 tuổi ), không có tiền sử mắc các bệnh về phổi và thường gặp ở nam giới.
- Người gầy còm, cao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do họ có áp lực đỉnh phổi thấp mà điều này dễ khiến các bóng khí trên bề mặt phổi bị vỡ.
- Người nghiện hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc nhất là hút cần sa.
- Quanh tiểu thùy phổi bị vỡ bóng khí.
- Do bẩm sinh hoặc bị nhiễm trùng phổi làm viêm và tắc nghẽn tiểu phế quản hay còn gọi là bệnh viêm tiểu phế quản.
- Tràn khí màng phổi liên quan đến kinh nguyệt. Bệnh có các triệu chứng tương tự triệu chứng của tràn khí màng phổi tự phát và thêm vào đó tính chu kỳ. Đối tượng mắc bệnh là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do có 1 phần mô tử cung di chuyển đến màng phổi và làm tổ ở đó.
- Có yếu tố di truyền
- Khả năng tái phát của bệnh tràn khí màng phổi tự phát này sau khi đã được điều trị khỏi à 30%.
Nguyên nhân gây bệnh tràn khí màng phổi tái phát
- Là biến chứng của một số căn bệnh khác về phổi như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lao phổi do các ổ lao nằm trên bề mặt phổi có thể bị vỡ rồi gây ra tràn khí màng phổi, bệnh viêm phổi mạn tính, hen phế quản, khối u, ung thư phổi và đặc biệt là ung thư phổi đã đến giai đoạn di căn, xơ phổi, bệnh bụi phổi amiang, xơ phổi kẽ lan tỏa, giãn phế quản.
- Người cao tuổi (trong khoảng 40 tuổi đến 75 tuổi).
- Vỡ khí.
- Phổi mắc dị tật bẩm sinh : Kén khí phổi hay còn gọi là nang kén khí.
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh tràn khí màng phổi như: chụp X – quang phổi, chụp cắt lớp CT scan, xét nghiệm máu, soi màng phổi hay do điện tâm đồ….ngoài ra với những bác sĩ có chuyên môn cao có thể chỉ cần nghe phổi cũng có thể đưa ra được chẩn đoán ban đầu.
Xem thêm: Sinh lí bệnh của hội chứng suy hô hấp cấp tính: Giới thiệu, Sinh lí bệnh
Các triệu chứng của bệnh tràn khí màng phổi
Bệnh có các triệu chứng lâm sàng xuất hiện dữ dội và đột ngột sau khi gắng sức, hiện tượng tràn khí càng tăng thì bệnh nhân càng khó thở, bệnh không thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi mà ngược lại là các triệu chứng tăng lên gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó ở 1 số bệnh nhân các triệu chứng lâm sàng không xuất hiện nhiều khiến người bệnh chủ quan dẫn đến bệnh không được chẩn đoán điều trị sớm.
Triệu chứng lâm sàng tiêu biểu
- Triệu chứng đặc trưng của loại bệnh này là đau ngực đột ngột, khi hít thở mức độ đau có thể tăng lên ngoài ra còn có 1 số bệnh nhân bị khó thở.
- Có các triệu chứng nhẹ và thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn rồi biến mất như ho, đau mỏi vai và đau nhói vùng giữa 2 bả vai.
- Choáng váng, đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, tụt huyết áp, tinh thần không ổn định, hốt hoảng, lạnh bàn tay, bàn chân, tái da
- Do hiện tượng xẹp phổi làm gián đoạn quá trình hô hấp, không cung cấp đủ không khí cho cơ thể làm cho người bệnh khó thở và sẽ rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Thay đổi kích thước lồng ngực: do bên phía phổi bị tràn khí phồng to hơn và kém linh động hơn dẫn đến mất cân đối lồng ngực.
- Có cảm giác rung thanh giảm khi sờ vào phổi
- Âm thanh phát ra khi gõ: vùng bị tràn khí có âm vang còn vùng bị tràn dịch, tràn máu thì âm thanh nghe đục.
- Giảm hoặc mất tiếng rì rào phế nang.
- Tức ngực, mệt mỏi đôi khi ho và khó thở nhẹ.
- Hay bị ngất xỉu.
- Khi bệnh đã vào giai đoạn nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm hơn như tụt huyết áp, vật vã tím tái, tim đập nhanh, loạn nhịp
Các triệu chứng cận lâm sàng
- Bên phổi xảy ra hiện tượng tràn khí cho hình ảnh sáng hơn khi chụp X – quang.
- Khoảng liên sườn giãn.
- Nhu mô phổi bị đẩy về phía rốn phổi.
Các phương pháp điều trị tràn khí màng phổi
Nguyên tắc điều trị: Hút hết khí bên trong khoang màng phổi ra ngoài đồng thời ngăn ngừa tái phát bệnh.
Một số phương pháp điều trị tràn khí màng phổi tự phát là:
- Đối với các trường hợp tràn khí nhẹ bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị hoặc có thể chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau trong vài ngày nếu bệnh nhân đau nhiều. Tuy nhiên vẫn cần đến bệnh viện chụp X – quang để kiểm tra tình hình.
- Chọc, hút khí màng phổi: Sử dụng trong cấp cứu đối với những bệnh nhân nặng mà khi đó không thể áp dụng biện pháp dẫn lưu để điều trị. Dụng cụ hút khí màng phổi là kim kích thước lớn và máy hút khí.
- Dẫn lưu màng phổi: Phương pháp này được chỉ định cho một số bệnh nhân có lượng khí tràn lớn hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý về phổi trước đó và nhất là đối với bệnh nhân tràn khí màng phổi áp lực. Đặt một ống dẫn lưu nhỏ chuyên dụng vào vùng giữa phổi và lồng ngực hay còn gọi là khoang màng phổi, đợi không khí đi vào ống tiêm rồi vặn van 3 chiều hút hết khí ra ngoài kết hợp với máy hút khí liên tục nhằm dẫn lưu khí ra ngoài. Đối với các bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát thứ phát mà có tiền sử mắc các bệnh về phổi thường phải dùng ống dẫn lưu có kích thước lớn hơn vì các trường hợp này thường có lượng không khí tràn ra lớn hơn. Đây là một quá trình đòi hỏi kỹ thuật cao và tuyệt đối như kín, 1 chiều và đặc biệt là phải hoàn toàn vô trùng. Quá trình này thường diễn ra trong một vài ngày để tạo điều kiện cho mô phổi lành lại.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này đem lại hiệu quả cao trong khi thời gian điều trị ngắn, hạn chế xâm lấn mà vẫn giải quyết được triệt để và tận gốc nguyên nhân gây bệnh tràn khí hơn nữa còn ngăn ngừa đáng kể nguy cơ tái phát. Kỹ thuật nội soi sẽ phát hiện được cả số lượng cũng như kích thước của các bóng khí và kén khí theo đó cũng xác định được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Đối với trường hợp tràn khí nặng và tái phát nhiều lần thì bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ thùy phổi. Sau ca phẫu thuật bệnh nhân hoàn toàn có thể có cuộc sống như người bình thường nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc điều trị, phục hồi và phòng chống tái phát bệnh như: thường xuyên tập thể dục rèn luyện sức khỏe nhưng cần tránh các bộ môn có cường độ mạnh như các môn thể thao mất sức, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, giữ ấm cho cơ thể, không để cơ thể bị nhiễm lạnh vào mùa đông, đặc biệt là phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị hậu phẫu thuật mà bác sĩ chuyên khoa chỉ định đồng thời tái khám định kỳ để kiểm tra sự hồi phục của sức khỏe và để ngăn ngừa nguy cơ tái phát kịp thời.
- Mở lồng ngực: Chỉ áp dụng khi đã thực hiện hết các biện pháp khác nhưng không đem lại kết quả khả quan hoặc không có điều kiện phẫu thuật nội soi. Mục đích là để giải quyết các bóng khí và các lỗ rò phế quản – màng phổi.
Biến chứng của tràn khí màng phổi
Tụ khí và rách màng phổi
Thông thường lượng khí tràn ra ngoài khá ít và không gây nhiều ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên khi lượng khí tràn quá nhiều mà bệnh nhân đang mắc thêm bệnh khác về phổi sẽ chèn ép dẫn đến xẹp phổi cản trở quá trình hô hấp của người mắc.
Bên cạnh đó các vết rách nhỏ ở màng phổi sẽ gây rò rỉ không khí ra khoang màng phổi tuy nhiên phần lớn các vết rách đó có thể tự lành lại sau vài ngày sau đó hiện tượng rò khí cũng chấm dứt.
Đối với các trường hợp tràn khí màng phổi nguyên phát, lượng không khí bị thoát ra sẽ được hấp thụ dần vào máu theo đó phổi cũng sẽ dần phục hồi phồng lên trở lại và hoạt động như ban đầu, quá trình này thường diễn ra trong khoảng từ 1 đến 3 ngày. Ngoài ra ở các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về phổi sẽ có triệu chứng và có thời gian phục hồi chậm hơn.
Tràn khí màng phổi áp lực
Tuy loại biến chứng này ít xảy ra nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng. Các cơn khó thở xảy ra nhanh chóng và ngày càng trầm trọng hơn nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Các vết rách màng phổi không lành lại mà hoạt động như van 1 chiều, người bệnh càng cố hít thở thì lượng không khí bị đẩy ra khỏi phổi càng lớn mà không có không khí đi vào. Dẫn đến sự chênh lệch áp suất không khí giữa phổi và môi trường theo đó lượng khí bị thoát ra khỏi phổi càng gia tăng gây ra áp lực không nhỏ cho phổi và tim. Và điều cần làm lúc này là nhanh chóng giải phóng không khí đang tích tụ trong khoang màng phổi.
Bệnh tràn khí màng phổi có thể chữa khỏi không?
Nếu tình trạng tràn khí nhẹ thì ở 1 số bệnh nhân bệnh có khả năng tự khỏi sau vài ngày (thường là sau khoảng 1 đến 3 ngày) mà không cần điều trị y tế. Trong trường hợp bệnh nhân đau nhiều có thể được bác sĩ cho sử dụng thuốc giảm đau.
Trong trường hợp các triệu chứng tương đối nặng khiến bệnh nhân cần can thiệp các biện pháp y tế thì vẫn có khả năng được trị khỏi chỉ cần được điều trị đúng phương pháp, kịp thời, đúng thời điểm kết hợp với các biện pháp chăm sóc khoa học. Điển hình là phương pháp phẫu thuật nội soi do nó điều trị từ nguyên nhân gây bệnh.
Tuy nhiên mặc dù đã được điều trị khỏi thì bệnh tràn khí màng phổi vẫn có khả năng tái phát lại khá cao do vậy bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp được khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ tái phát.
Nguy cơ tái phát sau khi đã được điều trị
Bệnh tràn khí màng phổi có nguy cơ tái phát tương đối cao. Theo 1 thống kê cho thấy trung bình cứ 10 bệnh nhân mắc tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát đã được điều trị sẽ có khoảng 3 người gặp lại triệu chứng bệnh ít nhất 1 lần.
Lúc đó các bệnh nhân này sẽ được bác sĩ đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Trong 1 số trường hợp sẽ cần phải phẫu thuật để đưa talc – 1 loại bột kích thích gây ra tình trạng viêm giúp thúc đẩy quá trình kết dính giữa thành ngực và bề mặt phổi.
Tràn khí màng phổi là 1 căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tái phát cao do đó những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ được chỉ định sau khi điều trị và hạn chế thay đổi áp suất. Hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi phát hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh hãy đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được phòng tránh và điều trị kịp thời.
Các biện pháp phòng tránh bệnh tràn khí màng phổi và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát
- Hạn chế thay đổi áp suất vì khi thay đổi áp suất sẽ dễ gây ra tình trạng khó thở do vậy hãy hạn chế lặn sâu hoặc đi máy bay. Trong trường hợp bắt buộc phải lặn, bay hãy sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để hỗ trợ.
- Không hút thuốc lá, cần sa, cai thuốc nếu nghiện, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Điều trị các bệnh về phổi đang mắc để hạn chế biến chứng.
- Tránh lao lực, gắng sức, hãy làm việc nhẹ nhàng vừa sức.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học đồng thời thường xuyên tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng. Không tập những môn thể thao có cường độ mạnh mà thay vào đó hãy tập 1 số môn như dưỡng sinh hay thái cực quyền và việc tập hít thở đều cũng rất quan trọng đối với các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về phổi.
- Hạn chế ăn, uống đồ lạnh và tránh tình trạng vừa ăn vừa uống, không nên sử dụng các loại nước kích thích, nước có cồn
- Tích cực bổ sung các chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm chứa nhiều protein, các loại vitamin, hoa quả tươi, nên ăn những thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa khi bệnh nhân mới ra viện.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, suy nghĩ lạc quan tích cực, hạn chế stress.
- Giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, phòng ở của bệnh nhân cần được thông thoáng, tránh tình trạng ẩm ướt.
- Tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ tư vấn sau điều trị để phòng tránh nguy cơ bệnh tái phát trở lại. Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng liều hay giảm bớt. Khi sử dụng thuốc nếu thất bất kỳ triệu chứng lạ nào hãy báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để các chuyên viên y tế điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác sao cho phù hợp với cơ địa của người bệnh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Khi ra đường hay đến những nơi nhiều khói bụi, ô nhiễm hay đeo khẩu trang
- Nếu thường xuyên phải làm việc tại nơi ô nhiễm hãy sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng để hạn chế thu nạp các chất độc hại vào cơ thể
- Giúp bệnh nhân có tư thế nằm thoải mái tránh khó thở.
- Vì đây là 1 căn bệnh gây cản trở đường hô hấp và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nên khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh tràn khí màng phổi hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa bệnh và nếu có thể tốt nhất nên gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện thay vì tự ý di chuyển bệnh nhân.