Cuộc sống ngày càng phát triển, con người được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hơn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Tuy nhiên, có một loại bệnh lại đang có tình trạng gia tăng, ngày càng trở nên phổ biến hơn cùng với sự phát triển ấy. Đó là bệnh trĩ.
Vậy thì bệnh trĩ là gì? Bệnh trĩ ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào? Trĩ có đáng sợ không, có thể chữa được không? Khi biết rõ nguyên nhân của bệnh, các bạn sẽ chuẩn bị được tâm lý tốt hơn để phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh trĩ.
Đầu tiên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bệnh trĩ là gì. Bệnh trĩ là một bệnh do sự rối loạn hay tổn thương ở ngay trong hậu môn. Trong hậu môn của cơ thể người có các đám rối tĩnh mạch ở ngay dưới lớp biểu mô. Bình thường, các mô xung quanh hậu môn có tác dụng kiểm soát, điều hòa phân ra ngoài. Tuy nhiên, khi có các rối loạn về mạch máu như tắc nghẽn mạch máu hay những hoạt động chèn ép lên mạch máu ở vùng này làm cho các búi tĩnh mạch giãn ra, điều đó sẽ tác động đến tế bào biểu mô xung quanh hậu môn, làm lớp tế bào biểu mô này sưng to lên tạo thành búi trĩ.
Trĩ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ đến già, gặp ở cả nam và nữ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh trĩ, bao gồm:
Chế độ sinh hoạt
Bệnh trĩ thường gặp ở những nhóm đối tượng thường ngồi nhiều, ít vận động như những nhân viên làm việc văn phòng, hay học sinh ngồi học quá lâu trong thời gian dài. Nhịn đi vệ sinh, quan hệ tình dục đường hậu môn cũng là một trong những nguyên nhân gây trĩ.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn ít rau, ít chất xơ, ít ăn hoa quả dẫn tới tình trạng táo bón thường xuyên
Các bệnh lý của đường tiêu hóa
Những người mắc các bệnh mạn tính mà không được điều trị sớm như táo bón mạn tính hay tiêu chảy mạn tính, hội chứng lỵ, hội chứng ruột kích thích,… là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc trĩ.
Phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị trĩ. Do trong quá trình mang thai, tử cung to ra chèn ép các bộ phận khác trong đó có các tĩnh mạch ở hậu môn, làm tĩnh mạch này giãn ra gây nên trĩ.
Tuổi già
Người già có nguy cơ mắc cao hơn do các mô, cơ quan ngày càng giảm chức năng, các mô nhão ra, giảm chức năng nâng đỡ làm trĩ càng to ra.
Vậy bị trĩ có các triệu chứng gì? bệnh trĩ có nguy hiểm hay không?
Khi bị trĩ sẽ có các biểu hiện là rất đau và rát vùng hậu môn. Có cảm giác khó khăn khi đứng lên ngồi xuống, bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt.
Nặng hơn là xuất hiện chảy máu hậu môn, thậm chí là sa búi trĩ. ban đầu búi trĩ chỉ bị sa ra ngoài khi ngồi lâu, đi vệ sinh có thể tự co lại sau đó, về sau búi trĩ không tự co lại được mà phải đẩy mới vào trong. Vô cùng khó chịu và bất tiện.
Bệnh trĩ có nhiều cấp độ, nhẹ là ngứa viêm, đau, lúc này bản thân chúng ta cần phải tự phát hiện sớm, để điều trị sớm để bệnh không nặng lên. Bệnh ở mức độ nặng thì chảy máu, sa búi trĩ, phải tác động đến phẫu thuật. Ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy mọi người cần biết được các triệu chứng của trĩ như trên để kịp thời phát hiện và điều trị để không xảy ra các biến chứng nặng.
Khi phát hiện ra mắc trĩ ở mức độ nhẹ, bạn có thể tự khắc phục làm bệnh trĩ thuyên giảm thậm chí biến mất bằng các cách đơn giản như thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với một số bài tập chữa trĩ. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách chi tiết cho các bạn về các bài tập chữa trĩ hiệu quả, được nhiều bác sĩ và bệnh viện khuyên nên tập luyện để điều trị bệnh trĩ.
Tham khảo thêm: Bệnh trĩ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách chữa bệnh
Ưu điểm của các bài tập chữa bệnh trĩ
Việc tập các bài tập chữa bệnh trĩ là một phương pháp cực kì hiệu quả, vừa hỗ trợ trong điều trị bệnh vừa giúp ngăn cản bệnh tái phát. Bởi vậy, nó đã được nhiều bác sĩ và bệnh viện khuyên nên sử dụng các bài tập này. Cơ chế làm giảm trĩ của các bài tập là trực tiếp làm cho các cơ hậu môn hoạt động, tăng cường co bóp và làm săn cơ, giúp cho máu được lưu thông giúp co các búi tĩnh mạch, từ đó làm nhỏ lại tổ chức trĩ.
Các bài tập chữa trĩ cũng khá đơn giản và dễ dàng thực hiện đối với nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ giảm trĩ các bài tập này còn giúp cho cả cơ thể được khỏe mạnh.
Việc tập các bài tập cũng là một phương pháp vô cùng an toàn và hiệu quả đem lại cũng vô cùng tốt.
Các bài tập chữa bệnh trĩ hiệu quả nhất hiện nay
Dưới đây là các bài tập trĩ đem lại hiệu quả cao nhất mà bạn có thể tập để giảm trĩ:
Bài tập co thắt hậu môn chữa bệnh trĩ
Bài tập co thắt hậu môn là một bài tập cơ bản, đơn giản và hiệu quả, bạn có thể tập ở mọi nơi, mọi lúc, trong tư thế đứng hay ngồi đều được. Khi thực hiện bài tập này, bạn sẽ giúp cơ hậu môn được vận động một cách thường xuyên, không bị trì trệ, từ đó giúp co nhỏ búi trĩ.
Bước 1: Ban đầu, cơ thể bạn ở tư thế thả lỏng, chân khép lại. Bạn bắt đầu hít vào một hơi thật sâu, mông và đùi kẹp chặt lại với nhau, lưu ý lưỡi của bạn cong lên, chạm vào hàm trên.
Bước 2: Bạn thực hiện việc co cơ hậu môn lại như lúc nhịn đại tiện. Giữ nguyên trạng thái này trong vòng 10 giây.
Bước 3: Thở ra một cách từ từ, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
Bước 4: Sau khi nghỉ khoảng 30 giây các bạn tiếp tục lặp lại động tác nhiều lần, kiên trì thực hiện động tác hằng ngày để đạt được hiệu quả.
Tập hít thở chữa bệnh trĩ
Bài tập này cũng vô cùng đơn giản và dễ tập, bạn có thể tập hàng ngày, mỗi khi chuẩn bị đi ngủ. Với bài tập này, tư thế tập là tư thế nằm. Bài tập này cũng giúp cho bạn co thắt cơ hậu môn, giảm kích thước trĩ.
Bước 1: Bạn ở tư thế nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Sau đó, hai chân thẳng khép vào nhau, tay dọc theo đùi.
Bước 2: Mắt nhắm lại, bạn tập trung vào vùng bụng của mình. Bạn bắt đầu hít vào từ từ, co bụng và co cơ hậu môn, hai bàn tay nắm chặt lại, ngón chân cong lên, hai hàm răng cắn chặt. Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây.
Bước 3: Từ từ thở ra và thả lỏng cơ thể.
Bài tập nâng hậu môn ngừa trĩ cho dân văn phòng
Những người làm việc văn phòng thường phải ngồi ghế trong một thời gian dài trong một ngày và lại trong nhiều ngày làm cơ hậu môn trì trệ. Bài tập này là một bài tập dễ dàng thực hiện mọi lúc mọi nơi.
Bước 1: Bạn đang ngồi ở trên ghế ở tư thế vắt chéo chân, hai tay chống hông.
Bước 2: Giữ tư thế chân vắt chéo, từ từ đứng lên. Giữ nguyên tư thế này trong vòng 5 phút. Thả lỏng toàn bộ cơ thể, tập khoảng 3 đến 4 lần trong ngày để có được hiệu quả tốt nhất.
Động tác nằm ngửa chống chân
Động tác này cũng là một động tác vô cùng đơn giản.
Bước 1: Bạn ở tư thế nằm thoải mái, hai chân, hai tay duỗi thẳng.
Bước 2: Lấy mũi chân làm trụ, từ từ nâng người lên cao, đầu và tay giữ nguyên tư thế. Giữ tư thế trong vòng 1 phút.
Lặp lại các bước trên nhiều lần. Bạn nên tập bài này vào mỗi buổi sáng thức dậy.
Đi bộ cải thiện bệnh trĩ
Đi bộ có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nó còn có tác dụng tốt trong bệnh trĩ. Bạn nên dành ra nửa tiếng để đi bộ nhẹ nhàng trong ngày. Để tư thế đi bộ đúng bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Bạn ở tư thế đứng thẳng, không gù cúi quá. Hai tay thả lỏng, áp sát với với thân người.
Bước 2: Bước đi đồng thời mỗi bước bạn thực hiện co cơ hậu môn, bước chân tiếp theo lên bạn thực hiện thả lỏng hậu môn, tay vung theo nhịp đi. Trong quá trình đi bộ lặp đi lặp lại như vậy.
Kiên trì tập luyện nửa tiếng mỗi ngày sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh.
Bài tập Handstand chữa trĩ
Bài tập Handstand hay còn gọi là trồng cây chuối. bài tập này khá khó nhưng bù lại nó lại có tác dụng cực tốt trong điều trị bệnh trĩ. Nếu thực hiện được, bạn có thể nhanh chóng đẩy lùi trĩ. Bài tập này giúp làm giảm áp lực vùng hố chậu, hậu môn, ngoài ra còn giúp lưu thông máu não tốt.
Để thực hiện được động tác này, bạn cần làm theo các bước sau:
Bước 1: Bạn ở tư thế ngồi quỳ gối. Bạn gập người về phía trước, đầu chạm sản, hai khuỷu tay chống xuống đất, hai bàn tay đan vào nhau, ôm lấy đầu.
Bước 2: Đặt trọng tâm vào đầu và hai tay, nâng chân và người lên cao, giữ lưng và người ở tư thế thẳng đứng. Giữ nguyên động tác này trong 5 giây kết hợp với hít thở đều.
Bước 3: Từ từ hạ người xuống trở về tư thế ban đầu.
Lặp lại các bước trên nhiều lần, tăng dần thời gian giữ người ở tư thế trồng cây chuối.
Lưu ý khi thực hiện các bài tập chữa trĩ
Sau đây là một số lưu ý trong quá trình tập các bài tập chữa bệnh trĩ:
Bạn nên vận động thường xuyên, không nên ngồi hay đứng quá lâu, hay giữ nguyên ở một tư thế trong thời gian quá dài.
Tập luyện kết hợp với chế độ ăn hợp lý, ăn bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, trái cây,… giúp cho ruột tiêu hóa tốt, tránh bị táo bón, tốt cho việc điều trị trĩ. Ngoài ra, bạn không nên ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều đạm, dầu mỡ, không nên uống nhiều rượu bia, chất kích thích,… vì chúng có tác động không tốt tới cơ thể cũng như quá trình điều trị bệnh.
Trĩ có thể chữa khỏi được nếu bạn kiên trì tập luyện và ăn uống khoa học, bạn không nên quá lo lắng, căng thẳng, không nên để bản thân bị stress. Một chế độ sinh hoạt ăn uống khoa học, làm việc hợp lý sẽ giúp bạn bớt căng thẳng lo âu.
Bạn nên kết hợp các bài tập với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất. Tập các bài thể dục nhẹ nhàng khác, vận động cơ thể thường xuyên bằng việc chơi một số môn thể thao sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn và giảm bớt căng thẳng.
Khi mắc trĩ, bạn không nên tập các bài tập cơ bụng nặng vì các bài tập này sẽ tạo áp lực lớn chèn ép các mạch máu, làm cho máu không được lưu thông tốt, làm nặng tiến triển bệnh.
Tham khảo thêm: [Sự thật] Lá bàng có tác dụng điều trị bênh trĩ hay không? Cách dùng?
Trên đây là những bài tập cơ bản, vừa đơn giản và hiệu quả, bạn có thể áp dụng được ở mọi lúc mọi nơi. Kiên trì tập luyện chúng sẽ giúp bạn đẩy lùi bệnh trĩ một cách nhanh chóng. Trong quá trình tập luyện bạn cũng nên lưu ý tới những chú ý ở phần trên của bài viết để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.