Cuộc sống ngày càng trở nên phát triển hơn, nhu cầu của con người cũng ngày một tăng theo. Để đáp ứng được nhu cầu đó đòi hỏi khoa học phải không ngừng tiến bộ để tạo ra các sản phẩm ứng dụng cho các nhu cầu thực tế đề ra đó. Một trong số những nhu cầu đó là nhu cầu về làm đẹp. Điểm tôn lên vẻ đẹp của con người trước hết phải nói đến chính là làn da. Một làn da đẹp là một làn da mịn màng, hồng hào, trắng trẻo mà hơn cả là không có mụn. Có thể nói, hiện nay, một trong những hợp chất hóa học được coi như cuộc cách mạng trong làm đẹp da đó là Azelaic Acid. Để hiểu rõ về bản chất của việc sử dụng hợp chất này trong điều trị da mụn, viêm da Heal Central xin được giới thiệu đến bạn đọc một vài thông tin cơ bản về Azelaic Acid một cách tóm lược nhất.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển Azelaic Acid
Azelaic Acid là một hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là HOOC-(CH2)7-COOH. Đây là một dicarboxylic acid bão hòa. Chất hóa học này được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Nó là tiền chất của các sản phẩm công nghiệp đa dạng bao gồm các polymer và chất hóa dẻo, cũng như là thành phần của một số chất dưỡng tóc và da. Trong y học, nó được ứng dụng nhờ đặc tính kháng khuẩn, ảnh hưởng đến sự sản xuất keratin và giảm viêm.
Azelaic Acid được sản xuất trong công nghiệp bằng cách dùng ozon (O3) oxy hóa oleic acid, sản phẩm phụ là nonanoic acid. Trong tự nhiên nó được sản xuất bởi Malassezia furfur (còn được biết đến với tên gọi Pityrosporum ovale), một loài nấm tự nhiên được tìm thấy trên bề mặt da người bình thường.
Azelaic Acid lần đầu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 1995 dưới dạng kem bôi tại chỗ (20%) được sản xuất bởi Allergan (Azelex, NDA 020428).
Azelex được FDA phê chuẩn cho chỉ định sau: Điều trị tại chỗ mụn trứng cá viêm nhẹ đến trung bình. Các thử nghiệm lâm sàng về Azelex đã được thực hiện để phê duyệt, mặc dù chi tiết không được ghi trong nhãn sản phẩm. Các tác dụng bất lợi liên quan đến việc sử dụng Azelex thường nhẹ và thoáng qua, với các tác dụng phổ biến nhất xảy ra cục bộ tại vị trí bôi.
Sự phê duyệt Azelex không cần xét nghiệm khả năng gây ung thư. Theo nhãn của sản phẩm được phê duyệt: “Azelaic Acid là một thành phần trong chế độ ăn uống của con người có cấu trúc phân tử đơn giản, không gợi ý đến khả năng gây ung thư và nó không thuộc nhóm thuốc có mối lo ngại về khả năng gây ung thư. Do đó, các nghiên cứu trên động vật để đánh giá khả năng gây ung thư với Azelex Cream được coi là không cần thiết. Trong một loạt các xét nghiệm (thử nghiệm Ames, xét nghiệm HGPRT trên tế bào buồng trứng của chuột hamster Trung Quốc, xét nghiệm tế bào lympho ở người, xét nghiệm gen gây chết trội ở chuột), Azelaic Acid không cho thấy khả năng gây đột biến.”
Azelaic acid đã được phê duyệt dưới dạng bào chế mới vào năm 2002 – sản phẩm gel bôi tại chỗ (15%) (Finacea, NDA 021470, Bayer Healthcare) – bởi Dermatologic and Dental Drug Products Division (DDDP) để điều trị tại chỗ các sẩn viêm và mụn mủ của đỏ da có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Từ quan điểm dược động học, nồng độ Azelaic Acid trong huyết tương ở các bệnh nhân được chứng minh là tương đương với những người được điều trị bằng tác dược lỏng đơn độc.
Mặc dù thành phần hoạt chất trong Finacea giống như của Azelex (Azelaic Acid) và có nồng độ thấp hơn (15% so với 20%), và trong khi cả hai sản phẩm đều có sự hấp thu Azelaic acid toàn thân thấp, sự phê duyệt của gel Finacea tùy thuộc vào cam kết hậu mãi cho một nghiên cứu nhằm xác định khả năng gây ung thư của sản phẩm, với một nghiên cứu xác định khả năng gây ung thư da sau đó được yêu cầu. Trong phần Pharmacology Reviews để phê duyệt gel Finacea (15%), nhà đánh giá lưu ý sự khác biệt giữa nhãn được phê duyệt của Azelex, không yêu cầu thử nghiệm khả năng gây ung thư, và của Finacea tuyên bố rằng nhãn Azelex “không kết hợp kiến thức hiện tại” và “đó không phải là chính sách hiện tại của chúng tôi”. Một khi dữ liệu từ các nghiên cứu hậu mãi có sẵn, nhãn sản phẩm được phê duyệt cho gel Finacea đã được cập nhật để bao gồm thông tin dưới đây:
“Trong một nghiên cứu xác định khả năng gây ung thư da kéo dài 26 tuần trên chuột biến đổi gen (Tg.AC), gel Finacea và gel tá dược lỏng, khi sử dụng một hoặc hai lần mỗi ngày, không làm tăng số lượng chuột Tg.AC cái có u nhú ở vị trí điều trị. Không có sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê số lượng chuột có u nhú tại vị trí điều trị được quan sát thấy ở chuột Tg.AC đực sau sử dụng một lần mỗi ngày. Sau sử dụng hai lần mỗi ngày, gel Finacea và gel tá dược lỏng gây ra sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê số lượng con đực có u nhú tại vị trí điều trị khi so sánh với con đực không được điều trị. Điều này cho thấy tác dụng tích cực có thể liên quan đến tá dược lỏng. Sự liên quan lâm sàng của những phát hiện ở động vật với con người là không rõ ràng.”
Một sản phẩm Azelaic acid khác đã được phê duyệt vào tháng trước bởi DDDP, bọt aerosol nhũ tương Finacea (15%, NDA 207071, Bayer Healthcare Pharmaceuticals Inc.), sử dụng cùng chỉ định như gel Finacea (điều trị tại chỗ các sẩn viêm và mụn mủ của đỏ da có mức độ từ nhẹ đến trung bình). Tuy nhiên, thư chấp thuận cho bọt Finacea tuyên bố yêu cầu phê duyệt hậu mãi là một nghiên cứu đánh giá khả năng gây ung thư da trong 104 tuần trên chuột CD-1. Thông tin thêm về việc đánh giá sử dụng bọt Finacea vẫn chưa có sẵn, mặc dù có khả năng là Bayer Healthcare Pharms đã sử dụng dữ liệu không thuộc lâm sàng từ việc sử dụng gel Finacea (được tài trợ bởi Bayer Healthcare) vì thông tin không thuộc lâm sàng trong nhãn sản phẩm được phê duyệt bọt Finacea giống như của sản phẩm gel.
Vì các đánh giá về bọt Finacea không có sẵn, người ta chỉ có thể suy đoán về lý do đằng sau yêu cầu nghiêm ngặt hơn này đối với thử nghiệm về khả năng gây ung thư da của sản phẩm có chứa hoạt chất đã được phê duyệt để sử dụng tại chỗ trong 20 năm, và xem xét thêm rằng hoạt chất đã không được liên kết công khai với khả năng gây ung thư trong các tài liệu được công bố. Trên thực tế, một tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu PubMed cho thấy Azelaic Acid có hoạt tính chống ung thư, ít nhất là in vitro. Có thể các kết quả về thử nghiệm khả năng gây ung thư trước đó được yêu cầu như là một cam kết hậu mãi đối với gel Finacea đã góp phần vào sự thay đổi giả định trong yêu cầu thử nghiệm, tăng u nhú ở con đực (không phải con cái) sau khi dùng liều gel Finacea hai lần mỗi ngày có thể góp phần vào yêu cầu DDDP về nghiên cứu khả năng gây ung thư da kéo dài 104 tuần cho sản phẩm này. Tuy nhiên, sự liên quan lâm sàng của những phát hiện này chưa được thiết lập và các báo cáo về u nhú ở người không được mô tả trong tài liệu được công bố hoặc trong nhãn sản phẩm được phê duyệt cho Finacea hoặc Azelex như các biến cố bất lợi hoặc phát hiện hậu mãi.
Lịch sử quản lý 20 năm của Azelaic Acid, một thành phần trong chế độ ăn và là chất hình thành nội sinh được hấp thu tối thiểu khi được sử dụng làm hoạt chất trong các công thức thuốc bôi, là một ví dụ rõ ràng cho thấy các yêu cầu phê duyệt sản phẩm có thể thay đổi theo thời gian, với thông tin mới liên quan đến khoa học về thuốc, tình trạng bệnh lý hoặc với thái độ thay đổi tại cơ quan quản lý liên quan đến yêu cầu quan trọng về đánh giá sản phẩm thực sự.
Tham khảo: [Review] Megaduo Gel trị mụn giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Dược lực học
Cơ chế tác dụng chưa thực sự rõ ràng.
- Mụn trứng cá
Hoạt động kháng khuẩn và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng sừng nang được coi là cơ sở cho hiệu quả điều trị của Azelaic Acid trong mụn trứng cá.
Cả in vitro và in vivo, thuốc ức chế sự tăng sinh các tế bào sừng và bình thường hóa các quá trình biệt hóa biểu bì giai đoạn cuối bị rối loạn trong mụn trứng cá.
Trên lâm sàng, đã quan sát thấy sự giảm đáng kể mật độ khuẩn lạc của Propionibacterium acnes và giảm đáng kể tỷ lệ acid béo tự do trong lipid bề mặt da.
Trong hai nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, Finacea Gel vượt trội hơn đáng kể so với tá dược lỏng của nó trong việc giảm trung vị tổng số sần và mụn mủ, và hiệu quả thấp hơn 6% so với Benzoyl peroxide 5% (P = 0.056).
Trong các nghiên cứu này, hiệu quả của Finacea Gel trên các nhân mụn đã được đánh giá là một thông số thứ cấp. Finacea Gel có hiệu quả hơn tá dược lỏng của nó trong việc giảm tương đối trung vị các nhân mụn, và kém hiệu quả hơn so với Benzoyl peroxide 5%.
- Đỏ da
Mặc dù sinh lý bệnh học của bệnh đỏ da không hoàn toàn được hiểu rõ, nhưng có sự đồng thuận ngày càng tăng rằng tình trạng viêm liên quan đến sự gia tăng của một số phân tử tác nhân tiền viêm như kallikrein-5 và cathelicidin cũng như các loại oxy phản ứng (ROS), là quá trình trung tâm của bệnh này.
Azelaic Acid đã được chứng minh điều biến đáp ứng viêm trong các tế bào sừng của người bình thường bằng cách: a) hoạt hóa thụ thể hoạt hóa tăng sinh peroxisome γ (PPARγ), b) ức chế sự tăng tốc độ biểu – hiện gen của yếu tố nhân – kB (NF-kB), c) ức chế sản xuất các cytokines tiền viêm và d) ức chế sự giải phóng ROS từ bạch cầu trung tính, cũng như tác dụng thu dọn các ROS hiện có trực tiếp.
Ngoài ra, Azelaic acid đã được chứng minh là có tác dụng ức chế trực tiếp biểu hiện kallikrein-5 và cathelicidin trong ba mô hình: in vitro (các tế bào sừng ở người), trên da chuột và trên da mặt của bệnh nhân bị bệnh đỏ da.
Những đặc tính chống viêm của Azelaic Acid có thể đóng vai trò trong điều trị bệnh đỏ da.
Trong khi ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện này liên quan đến kallikrein-5 và cathelicidin và tác động của chúng đối với sinh lý bệnh học của bệnh đỏ da vẫn chưa được chứng minh đầy đủ trong một nghiên cứu lâm sàng lớn, các nghiên cứu ban đầu trên da mặt người đã xác nhận kết quả in vitro và trên da chuột.
Trong hai nghiên cứu lâm sàng đối chứng tá dược lỏng kéo dài 12 tuần về bệnh đỏ da có sẩn mụn mủ, Finacea Gel vượt trội đáng kể về mặt thống kê so với tá dược lỏng của nó liên quan đến giảm các tổn thương viêm, Investigator’s Global Assessment, đánh giá tổng thể về cải thiện và liên quan đến cải thiện ban đỏ.
Trong nghiên cứu lâm sàng với hoạt chất so sánh gel Metronidazole 0.75% trong bệnh đỏ da có sẩn mụn mủ, Finacea Gel cho thấy sự vượt trội đáng kể liên quan đến việc giảm số lượng tổn thương (72.7% so với 55.8%), đánh giá tổng thể về cải thiện và liên quan đến cải thiện ban đỏ (56% so với 42%). Tỷ suất các biến cố bất lợi ở da, trong hầu hết các trường hợp là nhẹ đến trung bình, là 25.8% với Finacea Gel và 7.1% với gel Metronidazole 0.75%.
Không có tác dụng đáng chú ý nào trên giãn mao mạch trong ba nghiên cứu lâm sàng.
Tham khảo: [Review] Thuốc trị mụn Anzela Cream có tác dụng gì? Bán ở đâu
Thử nghiệm lâm sàng
Hiệu lực và an toàn của bọt Azelaic Acid 15% trong điều trị mụn trứng cá trên mặt
Azelaic Acid thể hiện tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, kháng mụn và kháng khuẩn. Kem Azelaic acid 20% hiện đang được phê duyệt để điều trị mụn trứng cá và bọt Azelaic Acid 15% gần đây đã được phê duyệt cho bệnh đỏ da. Với hồ sơ dung nạp thuận lợi của các chế phẩm bọt, thật hợp lý khi giả định rằng bọt Azelaic Acid 15% có thể là lựa chọn điều trị khả thi cho mụn trứng cá trên mặt.
- Mục tiêu: Kiểm tra hiệu lực và an toàn của bọt Azelaic Acid 15% trong điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng.
- Phương pháp: 20 đối tượng bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng đã được ghi danh vào nghiên cứu pilot hai trung tâm, nhãn mở này. Tất cả các đối tượng nghiên cứu được điều trị bằng bọt Azelaic Acid 15% trong 16 tuần. Các phân tích hiệu quả được dựa trên sự thay đổi FIGA (Facial Investigator Global Assessment) và thay đổi về tổng số tổn thương viêm, không viêm giữa ban đầu và tuần 16.
- Kết quả: Có sự giảm đáng kể điểm FIGA từ ban đầu đến tuần 16 (P = 0.0004), với 84% đối tượng trải qua ít nhất một cải thiện cấp độ 1, và 63% đối tượng đạt cấp độ kết thúc rõ ràng hoặc gần như rõ ràng. Tất cả các đối tượng đều có giảm viêm và tổng số tổn thương vào tuần 16 và 89% đối tượng có giảm các tổn thương không viêm. Azelaic Acid 15% được dung nạp tốt, với hầu hết tất cả các tác dụng phụ ban đỏ, khô da, bong tróc, tiết dầu, ngứa và nóng rát ở mức độ nhẹ hoặc rất nhẹ, và hầu hết chúng được giải quyết vào cuối nghiên cứu.
- Kết luận: Bọt Azelaic Acid 15% hiệu quả và an toàn trong điều trị mụn trứng cá trên mặt. Với sự tiện lợi của tá dược bọt, bọt Azelaic acid 15% nên được coi là một lựa chọn điều trị khả thi cho tình trạng này.
Dược động học
- Hấp thu: Azelaic Acid được dùng tại chỗ nên hấp thu vào tuần hoàn hệ thống ít (khoảng 4% liều dùng tại chỗ). Thuốc thâm nhập vào tất cả các lớp của da. Thâm nhập vào da tổn thương nhanh hơn da nguyên vẹn.
- Phân bố: Không rõ.
- Chuyển hóa: Một phần Azelaic Acid hấp thu qua da bị phá hủy bởi quá trình β-oxy hóa thành các dicarboxylic acids có độ dài chuỗi ngắn hơn (C7, C5).
- Thải trừ: Một phần Azelaic Acid hấp thu qua da được bài tiết vào nước tiểu dưới dạng không đổi.
Tác dụng của Azelaic Acid
Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và ức chế sự tăng sinh lớp sừng.
Chỉ định của Azelaic Acid
Thuốc được chỉ định cho:
- Mụn trứng cá.
- Sẩn và mụn mủ viêm của đỏ da mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Cách dùng và liều dùng Azelaic Acid
Người trưởng thành
+ Mụn trứng cá
Massage một lớp mỏng lên khu vực bị ảnh hưởng trên mặt mỗi 12 giờ.
+ Điều trị sẩn và mụn mủ viêm của đỏ da mức độ từ nhẹ đến trung bình
Massage một lớp mỏng lên khu vực bị ảnh hưởng trên mặt mỗi 12 giờ.
+ Sử dụng
- Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng bằng xà phòng nhẹ hoặc sữa rửa mặt không xà phòng và vỗ nhẹ cho khô trước khi thoa.
- Đánh giá lại nếu không cải thiện sau 12 tuần điều trị.
Trẻ em
+ Mụn trứng cá
- < 12 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được xác lập.
- ≥ 12 tuổi: Massage một lớp mỏng lên khu vực bị ảnh hưởng trên mặt mỗi 12 giờ.
Tác dụng không mong muốn
Rất thường gặp (> 10%)
- Cảm giác châm chích, ngứa ran, nóng như lửa đốt.
Thường gặp (1-10%)
- Ngứa.
- Tróc vảy, khô da.
- Hồng ban, kích ứng.
Ít gặp (< 1%)
- Viêm da tiếp xúc.
- Phù.
- Mụn trứng cá.
Báo cáo hậu mãi
- Cảm giác như lửa đốt trên mặt.
- Kích ứng.
- Viêm mống mắt – thể mi sau khi vô tình tiếp xúc.
- Phản ứng quá mẫn bao gồm phù mạch, sưng mắt, sưng mặt, nổi mày đay.
- Làm trầm trọng hơn hen phế quản, khó thở, khò khè.
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng Azelaic Acid
- Nếu quá mẫn phát triển, ngừng thuốc và điều trị thích hợp.
- Chỉ dùng cho da liễu.
- Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt và màng nhầy do báo cáo kích ứng mắt.
- Các trường hợp giảm sắc tố da riêng biệt đã được báo cáo. Theo dõi bệnh nhân có nước da sẫm màu để phát hiện sớm các dấu hiệu giảm sắc tố.
- Kích ứng da (ngứa, nóng rát hoặc châm chích) có thể xảy ra, thường là trong vài tuần đầu điều trị. Nếu sự nhạy cảm hoặc kích ứng nghiêm trọng phát triển và tồn tại, ngừng điều trị và đưa ra liệu pháp thích hợp.
- Không bôi các sản phẩm dùng ngoài da có thể gây kích ứng lên vùng da đang được điều trị (ví dụ: chất làm se da, xà phòng và chất tẩy rửa, chất tẩy da chết).
- Tránh bất kỳ thực phẩm và đồ uống nào gây ra ban đỏ và đỏ mặt (ví dụ: đồ uống có cồn, thức ăn cay, đồ uống nóng như cà phê và trà nóng).
- Báo cáo bất kỳ thay đổi bất thường nào màu da cho bác sĩ.
- Tránh băng kín.
- Rửa tay sau khi thoa kem.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu hen phế quản nặng hơn khi điều trị.
- Phụ nữ có thai: Phân loại thai kỳ: B.
- Phụ nữ đang cho con bú: Sử dụng thận trọng do có thấy thuốc được bài xuất vào sữa mẹ.
Tương tác thuốc
Chưa có tương tác thuốc được ghi nhận.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với Azelaic Acid, propylene glycol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Một số chế phẩm trên thị trường – Giá bán
Azelex
Nhà sản xuất: Allergan.
Các dạng hàm lượng: Kem 20%.
Finacea
Nhà sản xuất: BAYER.
Các dạng hàm lượng: Gel 15%, bọt 15%.
Giá bán: 555,000 VNĐ/hộp (Gel).
Anzela
Nhà sản xuất: SCHNELL.
Các dạng hàm lượng: 200 mg (kem).
SĐK: VN-20454-17.
Giá bán: 75,000 VNĐ/hộp.
Aziderm
Nhà sản xuất: Micro Labs.
Các dạng hàm lượng: Kem 20%.
Azeclear
Nhà sản xuất: United Pharma.
Các dạng hàm lượng: Kem 20%.
MedSkin Zela
Nhà sản xuất: DHG Pharma.
Các dạng hàm lượng: Kem 20%.
SĐK: VD-26707-17.
Giá bán: 55,000 VNĐ/hộp.
Megaduo
Nhà sản xuất: Gamma Chemicals.
Các dạng hàm lượng: 200 mg Azelaic acid + 10 mg AHA.
Giá bán: 120,000 VNĐ/hộp.
Ordinary Azelaic Acid Suspension 10%
Đây là một sản phẩm cream gel được sản xuất tại Canada.
Thành phần chính: Azelaic Acid 10%
Đóng gói: Cream 30ml.
Giá bán: 289.000 VNĐ/ Hộp.
Tài liệu tham khảo
Hashim PW, Chen T, Harper JC, Kircik LH, The Efficacy and Safety of Azelaic Acid 15% Foam in the Treatment of Facial Acne Vulgaris,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29879251