Amiodaron là thuốc chống loạn nhịp tim có tác dụng làm tăng thời gian điện thế hoạt động ở tâm thất, tâm nhĩ, đồng thời thuốc còn làm tăng thời gian tái phân cực. Thuốc có tên chung quốc tế là Amiodarone, một số biệt dược có tên thương mại là Cordarone, Nexterone.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Amiodaron được nghiên cứu ra vào năm 1961, bắt đầu đưa vào trong ngành y năm 1962 để điều trị các vấn đề đau ngực có liên quan đến tim. Do các tác dụng phụ của Amiodaron mà nó không được sử dụng nữa vào năm 1967.
Năm 1974 thuốc được nghiên cứu là có tác dụng chống loạn nhịp nên đã được sử dụng trở lại. Amiodaron là một trong các thuốc thuộc danh mục thiết yếu của WHO, đây là các thuốc cần thiết nhất trong hệ thống y tế của các nước.
Dược lực học và cơ chế tác dụng
Thuốc giúp chống loạn nhịp tim nhóm III (theo Vaughan Williams), làm tăng thời gian điện thế hoạt động ở tâm thất và tâm nhĩ, làm thời gian tái phân cực lâu hơn. Thuốc còn khiến thời gian trơ trong cơ tim lâu hơn, tác động đến tất cả hệ thống dẫn truyền xung động thần kinh.
Thuốc làm cho tần số xoang thấp hơn. Lúc tần số nhĩ lớn, Amiodaron sẽ khiến cho thời gian A-H kéo dài ra thông qua việc tăng thời gian qua nút nhĩ-thất.
Sau khi bệnh nhân uống Amiodaron thì thuốc thường không ảnh hưởng xấu đến chức năng của thất trái . Còn sau khi tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch thì thuốc có thể gây giãn mạch vành và làm cho mạch ngoại vi nặng hơn.
Dược động học
Hấp thu
Đường uống thì thuốc chậm hấp thu, sinh khả dụng thường đạt được 50%, chênh lệch sinh khả dụng giữa các bệnh nhân khác nhau là tương đối lớn. Sau khi uống thuốc vào thì thuốc sẽ đạt nồng độ tối đa trong máu sau 3-7 giờ. Tác dụng xảy ra sau 1-3 tuần.
Đường tiêm tĩnh mạch thì sinh khả dụng của thuốc là 100%, thuốc được hấp thu ngay, tác dụng tối đa có được sau 1-30 phút, duy trì trong 1-3 giờ.
Phân bố
Thuốc được phân bố nhiều vào trong các mô.
Thuốc qua được nhau thai và vào được sữa mẹ với lượng nhiều, nồng độ thuốc trong sữa còn cao hơn nồng độ thuốc trong máu của mẹ.
Chuyển hóa
Thời gian nồng độ thuốc trong máu còn lại ½ là khoảng 50 ngày, dao động 10-100 ngày. Một chất chuyển hóa của Amiodarone là N-desmethyl amiodarone cũng có tác dụng chống loạn nhịp tim.
Thải trừ
- Thuốc được thải trừ chủ yếu qua mật, sau đó được thải ra cùng với phân.
- Thuốc rất ít được bài tiết qua thận.
- Thuốc thải trừ rất chậm.
Chỉ định của Amiodaron
Phòng và điều trị cho bệnh nhân có rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bệnh nhân bị ngừng tim do rung thất đã kháng lại với biện pháp shock điện ngoài lồng ngực.
Liều dùng và cách dùng của Amiodarone
Người lớn:
- Đường tiêm truyền tĩnh mạch: Liều khởi đầu: 1000mg/24 giờ đầu, thuốc được truyền tĩnh mạch: 15mg/phút trong 10 phút đầu, 1mg/ phút trong 6 giờ tiếp, 0,5mg/phút trong 18 giờ còn lại.
- Đường uống: Liều khởi đầu: Nạp liều 800-1600 mg/ ngày, 1-3 tuần đến khi xuất hiện đáp ứng điều trị. Khi có các dấu hiệu cụ thể của tác dụng không mong muốn, giảm liều xuống 600-800 mg/ngày trong một tháng, liều duy trì tiếp theo 400 mg/ngày, có những trường hợp liều duy trì phải tăng lên đến 600 mg/ngày.
- Thường Amiodaron dùng 1 lần/liều/ngày, nhưng đối với các bệnh nhân khó hấp thu qua đường tiêu hóa thì Amiodaron dùng 2 lần/liều/ngày.
Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi:
- Liều khởi đầu: 600-800 mg/1.73 m2/ngày, 4-14 ngày, chia 1 liều làm 1-2 lần/ngày.
- Liều duy trì: 200-400 mg/1.73 m2/ngày, 1 lần/ngày.
Trẻ em lớn hơn 1 tuổi:
- Liều khởi đầu: 10-15 mg/kg/ngày, 4-14 ngày, chia 1 liều làm 1-2 lần/ngày.
- Liều duy trì: 5-10 mg/kg/ngày, 1 lần/ngày.
Cách dùng
- Thuốc có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống, thường 1-2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ.
- Dùng kèm hoặc không dùng kèm với bữa ăn. Dùng thuốc theo cùng một cách cho mỗi liều.
- Không ăn hoặc uống những loại thực phẩm liên quan đến bưởi chùm trong thời gian dùng thuốc.
Hiệu chỉnh liều:
- Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận: không cần hiệu chỉnh liều, nhưng bệnh nhân có thể bị tích lũy iod.
- Bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan: có thể giảm liều hoặc không sử dụng thuốc nữa khi có triệu chứng ngộ độc gan trong quá trình điều trị.
Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc trong các trường hợp bệnh nhân:
- Bị sốc do các nguyên nhân liên quan đến tim.
- Suy nút xoang nghiêm trọng khiến nhịp xoang bị chậm và block xoang nhĩ.
- Bệnh nhân Block nhĩ thất độ II-III.
- Block nhánh hoặc bệnh nút xoang.
- Chậm nhịp tim từng cơn một gây ngất.
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh tuyến giáp hoặc nghi ngờ bị mắc phải.
- Huyết áp thấp động mạch.
- Những bệnh nhân bị suy giảm chức năng tuần hoàn, hô hấp, tim thì không dùng thuốc đường tiêm tĩnh mạch.
Tác dụng phụ của Amiodarone
Amiodaron dùng đường uống thì tác dụng phụ xuất hiện chậm.
Các tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều và thời gian dùng thuốc.
Các tác dụng không mong muốn hay gặp là: bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong người, mệt mỏi toàn thân, run, tê hoặc đau ngón tay chân, cơ thể mất điều hòa, chóng mặt, cảm giác nôn nao, nôn mửa, không muốn ăn, khó khăn trong việc đi đại tiện, huyết áp thấp, loạn nhịp tim, tim đập chậm, block nhĩ thất, suy tim, viêm phế nang, viêm phổi kẽ, xơ phổi, dị ứng khi tiếp xúc với ánh sáng, rối loạn thị giác, suy giáp, cường giáp, vị giác và khứu giác không bình thường, rối loạn đông máu.
Ngoài ra, Amiodaron còn gây ra các tác dụng phụ: đầu đau nhức, rối loạn giấc ngủ, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh cơ, tim đập nhanh hoặc không đều, nhịp xoang bị chậm, suy tim ứ huyết, số lượng tiểu cầu suy giảm, tăng áp lực nội sọ, ban da, viêm da, suy giảm chức năng gan, viêm thần kinh thị giác, các phản ứng dị ứng.
Thông báo cho bác sĩ biết nếu gặp các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.
Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc
- Chú ý khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân bị suy tim sung huyết, chức năng gan suy giảm, giảm nồng độ kali trong máu, chức năng tuyến giáp không bình thường, suy giảm thị lực, những bệnh nhân phải phẫu thuật.
- Sử dụng Amiodaron liều cao có thể khiến tim đập chậm hơn, rối loạn dẫn truyền với nhịp tự thất. Tác dụng không mong muốn này có thể nghiêm trọng hơn với người cao tuổi đang sử dụng digitalis.
- Chú ý khi phối hợp Amiodaron với thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi do có thể gây tác dụng phụ: làm tim đập chậm và block nhĩ thất.
- Những bệnh nhân đang bị suy tim mà được tiêm tĩnh mạch Amiodaron thì có thể bị suy tim nặng hơn.
- Dùng đồng thời Amiodaron với Digitalis hoặc các thuốc điều trị loạn nhịp tim khác có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân như: rối loạn điện giải, giảm nồng độ kali trong máu.
- Cần chú ý sử dụng thuốc cho các bệnh nhân dị ứng với iod.
Ảnh hưởng trên phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai
- Amiodarone và chất chuyển hóa của nó là Desethylamiodarone qua được hàng rào nhau thai và vào trẻ sơ sinh.
- Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau đó là làm tim trẻ sơ sinh đập chậm hơn, ảnh hưởng đến tuyến giáp khiến thai nhi bị nhiễm độc và chậm phát triển.
- Không sử dụng Amiodarone cho phụ nữ đang mang thai.
Phụ nữ cho con bú
Amiodarone và chất chuyển hóa của nó là Desethylamiodaron được bài tiết nhiều vào sữa mẹ, nồng độ thuốc trong sữa còn cao hơn nồng độ thuốc trong huyết tương người mẹ. Thuốc sẽ làm cho trẻ kém phát triển.
Không sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu vẫn phải dùng thuốc thì các bà mẹ ngừng không cho con bú. Sau khi ngừng thuốc phải cần thêm một khoảng thời gian để thuốc thải trừ hết rồi mới cho trẻ bú mẹ trở lại.
Tương tác của Amiodaron với các thuốc khác
- Quinidin, Procainamid, Disopyramid: dùng đồng thời với Amiodaron sẽ là tăng nồng độ thuốc trong máu của các thuốc này và có thể làm tăng thời gian Q-T, gây xoắn đỉnh trong một số ít bệnh nhân.
- Flecainid, Phenytoin: dùng đồng thời với Amiodaron sẽ là tăng nồng độ thuốc trong máu của các thuốc này.
- Các thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi: dùng đồng thời với Amiodaron có thể khiến tim đập chậm hơn, ngừng xoang, block nhĩ thất.
- Digoxin, Glycosid và Digitalis khác: dùng đồng thời với Amiodaron sẽ là tăng nồng độ thuốc trong máu của các thuốc này, từ đó có thể khiến bệnh nhân bị ngộ độc.
- Các thuốc lợi tiểu thải kali: dùng đồng thời với Amiodaron có thể khiến bệnh nhân dễ bị loạn nhịp tim hơn, đồng thời làm giảm nồng độ kali trong máu.
- Các dẫn chất Coumarin: dùng đồng thời với Amiodaron sẽ làm tăng tác dụng chống đông của các thuốc này.
Một số biệt dược được cấp phép hiện nay
Amiodarone
Nhà sản xuất: Flamingo Pharmaceuticals Ltd. – India.
Hoạt chất – Hàm lượng: Amiodarone HCl – 200 mg Amiodarone.
Dạng bào chế: Viên nén.
SĐK: VN-12626-11.
Giá bán: 1 600 VND/viên.
Amiodarone Aguettant 50mg/ml
Nhà sản xuất: Laboratoire Aguettant S.A.S – France.
Hoạt chất – Hàm lượng: Amiodarone HCl – 50mg/ml.
Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.
SĐK: VN-12547-11.
Giá bán: 24 500 VND/ống.
Cordarone
Nhà sản xuất: Sanofi Winthrop Industrie – France.
Hoạt chất: Amiodarone HCl
Dạng bào chế:
- Viên nén hàm lượng 200mg
- Dung dịch tiêm 150mg/3ml
SĐK: VN-16722-13.
Giá bán: 6 753 VND/viên và 210.000 VND/lọ tiêm.
Zydarone 100
Nhà sản xuất: Cadila Healthcare Ltd. – India.
Hoạt chất – Hàm lượng: Amiodarone HCl – 100 mg.
Dạng bào chế: Viên nén không bao.
SĐK: VN-11552-10.
Miradone
Nhà sản xuất: Miracle Labs (P) Ltd. – India.
Hoạt chất – Hàm lượng: Amiodarone HCl – 200 mg Amiodarone.
Dạng bào chế: Viên nén.
SĐK: VN-12869-11.
Giá bán: 1 400 VND/viên.
Adatot-200
Nhà sản xuất: Synmedic Laboratories – India.
Hoạt chất – Hàm lượng: Amiodarone HCl – 200 mg Amiodarone.
Dạng bào chế: Viên nén.
SĐK: VN-11340-10.