Loratadine được biết đến là thuốc kháng histamine H1 tuy nhiên không phải ai cũng biết đến các cơ chế tác dụng của Loratadine. Bài viết này https://www.healcentral.org xin được giới thiệu tới các bạn thông tin chuẩn chuyên ngành liên quan đến thuốc Loratadine. Dưới đây là thông tin chi tiết.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Loratadine là một thuốc kháng histamine H1. Các thuốc kháng histamine H1 là các thuốc dùng để điều trị dị ứng, thông thường được chia thành 3 thế hệ:
- Thế hệ một: Đặc trưng nổi bật là tác dụng trên thần kinh trung ương gây an thần và thời gian tác dụng ngắn (trừ một số trường hợp).
Ví dụ: Chlopheniramine, promethazine, diphenhydramine…
- Thế hệ hai: Thuốc ít gây tác dụng an thần hơn nhưng một số thuốc có thể gây ra các biến chứng trên tim mạch. Đồng thời thời gian tác dụng dài hơn thế hệ đầu.
Ví dụ: Loratadine, cetirizine…
- Thế hệ ba: Thuốc ít gây tác dụng an thần và ít gây biến cố trên tim mạch. Thường là chất chuyển hóa hoặc đồng phân quang học của thuốc thế hệ hai.
Ví dụ: Desloratadine, levocetirizine…
Loratadine đã được phát triển bởi Schering-Plough để phát triển thuốc bom tấn tiềm năng: 1 thuốc kháng histamine không an thần. Tuy nhiên, vào thời điểm Schering đệ trình lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để phê duyệt thuốc, cơ quan này đã phê duyệt thuốc kháng histamine không an thần của đối thủ cạnh tranh là terfenadine (tên thương mại Seldane), và do đó đặt loratadine ở mức độ ưu tiên thấp hơn.
Loratadine đã được FDA chấp thuận năm 1993. Thuốc chỉ tiếp tục được sử dụng như thuốc kê đơn tại Hoa Kỳ cho đến khi hết hạn bằng sáng chế năm 2002. Sau đó, nó đã được phê duyệt trở thành thuốc không kê đơn (OTC). Một khi đã trở thành thuốc OTC không còn bản quyền, giá thuốc đã giảm đáng kể.
Schering cũng đã phát triển desloratadine (Clarinex / Aerius), một chất chuyển hóa hoạt động của loratadine. Sau này nó trở thành thuốc kháng histamine thế hệ ba.
Dược lực học
Histamine là một chất trung gian hóa học trong cơ thể. Nó chịu trách nhiệm cho nhiều quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể chúng ta hàng ngày: viêm, dị ứng, tiết acid dạ dày… Để tạo ra đáp ứng sinh học, histamine phải tương tác với các thụ thể histamine của nó. Đến nay người ta đã tìm ra 4 thụ thể của histamine: H1, H2, H3 và H4. Trong đó 2 thụ thể H1 và H2 là được nghiên cứ cứu kĩ hơn cả và có 2 nhóm thuốc lớn ức chế 2 thụ thể này trên lâm sàng: Thuốc kháng histamine H1 được dùng trong chống dị ứng và thuốc kháng histamine H2 được dùng để giảm tiết acid dạ dày trong viêm loét dạ dày.
Loratadine là một thuốc kháng thụ thể H1 dùng trong điều trị dị ứng. Và như đã nói ở bài viết về thuốc kháng histamine H1, các thuốc này không phải là chất ức chế, mà là chất chủ vận ngược receptor H1.
Bình thường khi histamine liên kết với các thụ thể H1, nó gây ra đáp ứng ngứa, giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, co thắt cơ trơn hô hấp… Đôi lúc các tác dụng này gây phiền toái và khó chịu cho bệnh nhân. Thuốc kháng histamine H1 nhờ hoạt tính chủ vận ngược thụ thể H1 sẽ giúp giảm các triệu chứng này, giảm khó chịu cho người bệnh. Thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Loratadine là thuốc thế hệ hai, ít qua hàng rào máu não hơn thế hệ một, do đó ít gây an thần và các tác dụng khác trên thần kinh trung ương. Thuốc ít kháng cholinergic nên ít gây các tác dụng phụ liên quan, đó là khô miệng, nhìn mờ, táo bón, bí tiểu.
Một số thử nghiệm lâm sàng
Một nghiên cứu lâm sàng mù quan sát được thực hiện trên 64 bệnh nhân da đen bị viêm mũi dị ứng để đánh giá hiệu quả và khả năng dung nạp của loratadine.
Tác giả: Nwawolo CC, Olusesi AD.
Các bệnh nhân được phân bổ ngẫu nhiên để được điều trị trong 1 tuần với loratadine + vitamin C (nhóm A), chlorpheniramine + vitamin C (nhóm B), hoặc vitamin C đơn độc (nhóm C). Đánh giá bằng điểm số triệu chứng chủ quan: hắt hơi, chảy nước mũi và tắc mũi. Sự khác biệt giữa điểm số triệu chứng trung bình trước sau khi điều trị được sử dụng như mức độ cải thiện để phân tích số liệu và điều này hình thành nên thông số hiệu quả chính. Các tác dụng phụ là tác dụng kháng cholinergic, tác dụng trên hệ tiêu hóa và buồn ngủ được đánh giá sau điều trị.
Kết quả: Loratadine tốt hơn đáng kể so với vitamin C đơn độc (P = 0.0002) và chlorpheniramine cũng tốt hơn đáng kể so với vitamin C đơn độc (P = 0.039). Tuy nhiên, loratadine tốt hơn đáng kể so với chlorpheniramine (P = 0.046). Buồn ngủ đã được ghi nhận ở 19.2% bệnh nhân dùng loratadine so với 57.1% bệnh nhân dùng chlorpheniramine.
Kết luận: Mặc dù cả loratadine và chlorpheniramine đều có hiệu quả trong giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở bệnh nhân da đen, loratadine có hiệu quả rõ rệt hơn với tác dụng an thần tối thiểu.
Dược động học
Hấp thu: Thuốc hấp thu tốt qua đường uống và có sinh khả dụng (F) gần 100%. Thời gian khởi phát tác dụng 1-3 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) 1-2 giờ. Thời gian tác dụng khoảng 24 giờ.
Phân bố: Loratadine liên kết với protein huyết tương rất cao (97-99%). Thể tích phân bố (Vd) 120 L/kg. Chất chuyển hóa desloratadine có tỉ lệ liên kết protein huyết tương 73-76%.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzyme gan CYP450, chủ yếu là CYP3A4 và một phần nhỏ là CYP2D6, các isozyme khác chuyển hóa không đáng kể. Chất chuyển hóa chịu trách nhiệm chính cho tác dụng của thuốc là desloratadine.
Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) trung bình 8 giờ (phạm vi 3-20 giờ). Thời gian bán thải trung bình của desloratadine là 27 giờ (phạm vi 9-92 giờ). Thuốc bài xuất qua nước tiểu (40%) và phân (40%).
Chỉ định và liều dùng
Mày đay:
Uống 10 mg/ngày. Không quá 10 mg/ngày.
Viêm mũi dị ứng:
Uống 10 mg/ngày hoặc 5 mg/lần x 2 lần/ngày. Không quá 10 mg/ngày.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan:
Uống 10 mg mỗi 2 ngày.
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:
Áp dụng khi GFR < 30 mL/phút.
Uống 10 mg mỗi 2 ngày.
Tác dụng phụ
Rất thường gặp (> 10%):
Đau đầu (12%).
Thường gặp (1-10%):
- Rối loạn thần kinh trung ương: Ngủ gà (8%), lo âu (4%), mệt mỏi (3-4%), chứng tăng động (3%), khó chịu (2%).
- Khô miệng (3%).
- Viêm kết mạc (2%).
- Khó phát âm (2%).
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên (2%).
- Đau bụng (2%).
Tần số không xác định:
- Rối loạn thàn kinh thực vật: Nước mắt, nước bọt thay đổi, đỏ bừng, giảm cảm giác, bất lực, tăng tiết mồ hôi, khát nước.
- Rối loạn tim mạch: Tăng hoặc hạ huyết áp, đánh trống ngực, nhịp nhanh trên thất, ngất, nhịp tim nhanh.
- Rối loạn thần kinh trung ương: Co thắt cơ mí mắt, chóng mặt, khó phát âm, tăng trương lực cơ, đau nửa đầu, dị cảm, run.
- Rối loạn tiêu hóa: Thay đổi vị giác, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, viêm dạ dày, nấc cụt, tăng thèm ăn, phân lỏng, buồn nôn, nôn.
- Cơ – xương – khớp: Đau cơ, đau khớp.
- Rối loạn tâm thần: Xúc động, lo lắng, mất trí nhớ, lú lẫn, giảm ham muốn, trầm cảm, giảm khả năng tập trung, mất ngủ, dễ bị kích thích, gặp ác mộng.
- Rối loạn sinh dục nữ: Đau vú, đau bụng kinh, rong kinh, viêm âm đạo.
- Rối loạn hô hấp: Viêm phế quản, co thắt phế quản, ho, khó thở, ho ra máu, viêm thanh quản, khô mũi, viêm xoang, hắt hơi.
- Rối loạn da: Viêm da, khô tóc, khô da, phản ứng nhạy cảm ánh sáng, ngứa, ban xuất huyết, mày đay.
- Rối loạn tiết niệu: Thay đổi tiểu tiện, đổi màu nước tiểu, tiểu không tự chủ, bí tiểu.
Khác:
- Suy nhược.
- Phù mạch.
- Đau lưng, đau ngực, đau mắt, nhìn mờ, đau tai, ù tai.
- Sốt, rùng mình.
- Chuột rút chân.
- Tăng cân.
Lưu ý và thận trọng
Thận trọng với bệnh nhân suy gan, suy thận.
Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh đi kèm liên quan đến tác dụng kháng cholinergic.
Rượu benzyl có liên quan đến độc tính gây tử vong, hội chứng thở gấp ở trẻ sơ sinh. Sử dụng thận trọng.
Một số sản phẩm có thể chứa phenylalanine: Tránh dùng cho bệnh nhân phenylketone niệu.
Thận trọng với người phải lái xe và vận hành máy móc.
Phụ nữ mang thai: Có thể chấp nhận được.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc được bài tiết qua sữa mẹ. Tránh dùng nếu không thật sự cần thiết.
Tương tác thuốc
Dùng cùng rượu bia và các thuốc an thần khác: Tác dụng an thần có thể được tăng cường.
Dùng cùng các thuốc cảm ứng enzym gan, đặc biệt là CYP3A4 (phenytoin, các barbiturate, sulfonylurea điều trị đái tháo đường, rifampicin…): Làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương, giảm tác dụng của thuốc.
Dùng cùng các thuốc ức chế enzym gan, đặc biệt là CYP3A4 (kháng nấm azole, thuốc ức chế protease HIV, kháng sinh macrolide erythromycin, clarithromycin…): Làm tăng nồng độ thuốc huyết tương, kéo dài tác dụng và đi cùng là nguy cơ ngộ độc thuốc tăng lên.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với loratadine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5771028/
https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT00762983
https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT00730912
https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT01469234
https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03376594