Glipizide (Biệt dược gốc là Glucotrol) là một loại thuốc chống tiểu đường được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2. Glipizid là thuốc hạ đường huyết thuộc nhóm sulfonylurea. Cũng như các sulfonylurea khác, thuốc hạ đường huyết do tăng bài tiết insulin từ các tế bào beta của đảo tụy. Các tác dụng không mong muốn của thuốc như hạ đường huyết, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt…. Glipizid được phát hiện vào những năm 60 và hiện nay, nó trở thành thuốc được sử dụng rộng khắp trên thế giới để điều trị bệnh tiểu đường typ 2. Bài này Heal Central xin giới thiệu tới các bạn thông tin cơ bản về thuốc Glipizid.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Các sulfonylurea lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1942 bởi nhà hóa học Marcek janbon. Ông đã phát hiện ra tác dụng hạ đường huyết của các chất này trên cơ thể động vật khi đang nghiên cứu về kháng sinh sulfonylurea. Hiện nay, các sulfonylurea được chia làm 3 thế hệ và glipizid nằm trong thế hệ thứ 2.
Glipizid được cấp bằng sáng chế vào năm 1969. Thuốc lần đầu tiên được cấp phép trong điều trị năm 1971 và tại Mỹ vào năm 1984. Hiện tại glipizid đã hết hạn bản quyền và nó tồn tại trong nhiều thuốc generic. Năm 2018, ở Mỹ giá mỗi liều điều trị của thuốc ít hơn 0.05 $, còn tại Anh giá của nó là 0.05 bảng. Năm 2016, Glipizid là một trong 44 thuốc được kể đơn nhiều nhất tại Mỹ với hơn 17 triệu đơn.
Dược lực học
Đái thóa đường typ 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính với đặc trưng nồng độ đường huyết cao hơn bình thường. Đái tháo đường là một rối loạn sinh lý phức tạp phát sinh từ nhiều yếu tố rủi ro như môi trường, di truyền, các yếu tố lối sống. Insulin là một hormone peptide đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa đường huyết. Bình thường, khi nồng độ đường trong máu cao, insulin thúc đẩy sự hấp thu glucose vào tế bào gan, cơ và các tế bào mô mỡ dự trữ. Hai rối loạn liên quan đến cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường là tình trạng kháng insulin (mất nhạy cảm của tế bào với insulin) và rối loạn bài tiết insulin dẫn đến giảm sản xuất insulin và suy tế bào beta đảo tụy.
Glipizide, cũng như các thuốc sulfonylurea khác, làm tăng bài tiết insulin bằng cách kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta đảo tụy làm tăng nồng độ insulin trong máu. Do đó, tác dụng điều trị của glipizid phụ thuộc vào chức năng của tế bào beta.
Sulfonylurea gắn với receptor của sulfonylurea (SUR) trên màng tế bào beta đảo tụy, làm đóng kênh k+ nhạy cảm ATP và giảm K+ ra ngoài tế bào. Dẫn đến, khử cực tế bào beta và mở kênh Ca2+ phụ thuộc điện thế làm tăng ion Ca2+ di chuyển vào tế bào. Nồng độ Ca2+ nội bào tăng làm kích thích bài tiết và giải phóng insulin trong các bọc dự trữ của tế bào beta.
Ngoài cơ chế chính trên, tác dụng hạ đường huyết của Glipizid còn do khả năng tăng sử dụng glucose ở ngoại bào bằng việc kích thích đồng hóa glucose và tăng số lượng, độ nhạy cảm của receptor insulin.
Thử nghiệm lâm sàng
Tên thử nghiệm lâm sàng: Dapagliflozin so với glipizide khi phối hợp điều trị với metformin trong điêu trị đái tháo đường typ 2 ở những bệnh nhân không được kiểm soát đường huyết đầy đủ khi sử dụng đơn độc metformin.
Tác giả: Nauck M1, del Prato S, Meier JJ, Durán-García S, Rohwedder K, Elze M, Parikh SJ.
Mục tiêu nghiên cứu: mặc dù có tác dụng ban đầu, sulfonylurea được cho là có liên quan đến hạ đường huyết kéo dài, tăng cân và kiểm soát đường huyết kém. Dapagliflozin, một chất ức chế chọn lọc hệ đồng vận chuyển natri- glucose (SGLT2), làm giảm nguy cơ tăng đường huyết bằng cách tăng bài tiết glucose qua nước tiểu không phụ thuộc insulin và có thể có ít các phản ứng có hại hơn. Nghiên cứu này so sánh hiệu quả, an toàn và khả năng dung nạp của dapagliflozin so với sulfonylurea Glipizide ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đáp ứng không dủ với đơn trị liệu metformin.
Thiết kế và phương pháp nghiên cứu: thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng, đa trung tâm, mù đôi, kéo dài 52 tuần. Chia ngẫu nhân bệnh nhân đái tháo đường typ 2 (có nồng độ trung bình HbA1c, 7.7%) đang điều trị bằng metformin đơn trị liệu thành 2 nhóm: một nhóm sử dụng thêm dapagliflozin (n=406) hoặc glipizide (n=408). Hiệu chỉnh liều trong 18 tuần dựa trên đáp đứng và dung nạp của thuốc, tối đa 10mg/ ngày với dapagliflozin và 20 mg/ ngày với glipizide.
Kết quả: kết quả sơ cấp là giảm nồng độ HbA1c trung bình với dapagliflozin (-0.52%) so với glipizide (-0.52%), được thống kê trong 52 tuần. Kết quả thứ cấp: nhóm sử dụng dapagliflozin giảm 3.2 kg so với tăng 1.2 kg ở nhóm sử dụng glipizide (P<0.0001); tăng đáng kể tỉ lệ bệnh nhân giảm được 5 % trọng lượng cơ thể (33.3%) so với glipizide (2.5%, P<0.0001); giảm đáng kể tỷ lệ hạ đường huyết quá mức (3.5 %) so với glipizide (40,8%; P< 0.0001). Các biến có nhiễm trùng sinh dục hay tiết niệu được báo cáo nhiều hơn ở nhóm sử dụng dapagliflozin so với glipizide, tuy nhiên các trường hợp này đáp ứng tốt với điều trị và không phải ngừng nghiên cứu.
Kết luận: mặc dù hiệu quả hạ đường huyết trong 52 tuần là giống nhau, dapagliflozin làm giảm cân nặng và ít hạ đường huyết nặng hơn so với glipizide ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 không được kiểm soát đầy đủ bởi metformin. Các nghiên cứu dài hạn được yêu cầu đo lường nhiều hơn với nhiễm trùng đường sinh dục và đường tiết niệu khi dùng các chất ức chế SGLT2.
Dược động học
Hấp thu
Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa
- Sinh khả dụng 100%
- Thời gian bắt đầu tác dụng: sau 30 phút; tác dụng tối đa sau 2-3 giờ
- Khoảng thời gian tác dụng 12-24 giờ
- Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1-3 giờ (dạng giải phóng ngay) và 6-12 giờ (dạng giải phóng kéo dài).
Phân bố
- Liên kết protein huyết tương: 99 %
- Thể tích phân bố: từ 10 đến 11 L
Chuyển hóa
- Phần lớn chuyển hóa tại gan thành dạng không có hoạt tính
- Chất chuyển hóa: Hydroxycyclohexyl derivatives (mất hoạt tính)
Thải trừ
- thời gian bán thải từ 2 đến 5 giờ
- thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (63-90%), phân (10%)
Tác dụng không mong muốn
- Hạ đường huyết quá mức
- Phản ứng dị ứng trên da
- Bệnh tiêu chảy
- Táo bón
- Đầy hơi
- Chóng mặt
- Suy nhược thần kinh
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Viêm tai
- Ợ nóng
- Buồn nôn và nôn
- Mề đay
- Viêm gan hiếm khi xảy ra nhưng có thể tiến triển thành suy gan
Một số dạng chế phẩm bán trên thị trường – Giá bán
Viên nén: 5mg và 10 mg
Viến nén giải phóng kéo dài: 2.5 mg, 5 mg, 10 mg
Biệt dược gốc Glucotrol
Các thuốc generic trên thị trường:
Glipizid 5mg
- Giá bán 88,000 VND
- Nhà sản xuất: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco – VIỆT NAM
- Số đăng kí: VD-10704-10
- Hàm lượng: 5 mg
Stadpizide 5
- Giá bán: 98,000 VND
- Nhà sản xuất: Công ty liên doanh TNHH Stada-Việt Nam – VIỆT NAM
- Số đăng kí: VD-2647-07
- Hàm lượng 5 mg
Stadpizide 10
- Nhà sản xuất: Công ty liên doanh TNHH Stada-Việt Nam – VIỆT NAM
- Số đăng kí: VD-2646-07
- Hàm lượng 50 mg
- Giá bán 105,000 VND
Glipizide- AQP
- Dạng bào chế: viên nén không bao
- Nhà sản xuất: Affordable Quality Pharmaceuticals Inc (AQP) – MỸ
- Số đăng kí: VN-6527-08
- Hàm lượng: 5 mg
- Giá bán: 155,000 VND
Savi Glipizide 5
- Hàm lượng 5mg
- Dạng bào chế: viên nén
- Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm SaVi – VIỆT NAM
- Số đăng kí: VD-29120-18
- Giá bán 88,000 VND
Gliptis 5
- Hàm lượng 5mg
- Dạng bào chế: viên nén
- Nhà sản xuất: Zim Laboratories Ltd. – ẤN ĐỘ
- Số đăng kí: VN-21805-19
- Giá bán: 115,000 VND
Vantef
- Hàm lượng 5mg
- Dạng bào chế: viên nén
- Nhà sản xuất: Unison Laboratories Co., Ltd – THÁI LAN
- Số đăng kí: VN-6867-08
- Giá bán: 135,000 VND
Chỉ định
Điều trị đái tháo đường typ 2
Cách dùng và liều dùng
Người trưởng thành:
Điều trị đái tháo đường typ 2
Viên nén giải phóng ngay:
- Liều ban đầu: đường uống 5 mg/ ngày; tăng liều từ 2.5 đến 5 mg trong khoảng nhiều ngày dựa vào nồng độ glucose máu.
- Liều duy trì: đường uống 2.5 đến 20 mg/ ngày hoặc mỗi 12 giờ; không được quá 40 mg/ ngày.
Viên nén giải phóng kéo dài:
- Liều ban đầu: đường uống 5mg/ ngày cùng với bữa sáng; điều chỉnh liều dựa trên nồng độ glucose máu không nên thực hiện thường xuyên hơn 7 ngày.
- Liều duy trì: đường uống từ 5 đến 10 mg/ ngày; không vượt quá 20 mg/ ngày
Cân nhắc liều: khuyến cáo thuốc đường uống nên được chia mỗi 12 giờ.
Chuyển đổi từ dạng giải phóng ngay sang dạng giải phóng kéo dài: dùng liều hàng ngày tương đương gần nhất với dạng giải phóng ngay khi dạng giải phóng kéo dài dùng một lần một ngày. Thay thế, chỉ định ban đầu đường uống 5mg; hiệu chỉnh liều khi cần thiết.
Chuyển đổi từ các thuốc thời gian bán thải kéo dài: giám sát bệnh nhân cẩn thận trong vòng 1-2 tuần khi đang chuyển đổi từ các sulfonylurea có T1/2 kéo dài sang glipizid; do tăng nguy cơ chồng lấn của tác dụng hạ đường huyết.
Chuyển đổi từ liệu pháp insulin thành Glipizid (giải phóng ngay hoặc giải phóng kéo dài)
- Liều insulin hiện tại <20 đơn vị: ngừng insulin và bắt đầu liệu pháp Glipizide tại liều khuyến cáo.
- Liều insulin hiện tại >20 đơn vị: giảm liều insulin 50% và bắt đầu điều trị bằng glipizid tại liều khuyến cáo; giảm liều insulin từ từ dựa trên đáp ứng của bệnh nhân.
Hiệu chỉnh liều:
- Suy gan: liều đường uống ban đầu 2.5 mg/ ngày (dạng giải phóng trực tiếp); dạng giải phóng kéo dài chưa được nghiên cứu.
- Suy thận: chưa được nghiên cứu; nếu GFR < 50 ml/ phút; có thể giảm liều 50 %.
Trẻ em: an toàn và hiệu quả chưa được thiết lập
Người cao tuổi:
Tiểu đường: liều ban đầu uống 2.5 mg/ ngày; tăng liều từ 2.5 đến 5 mg/ngày trong khoảng 1-2 tuần dựa trên đáp ứng glucose máu trong khoảng thời gian nhiều ngày. Có thể chuyển sang viên nén giải phóng kéo dài 1 lần 1 ngày với tổng liều hàng ngày tương đương gần nhất hoặc mức thấp nhất trong khuyến cáo; không được vượt quá 20 mg/ ngày.
Cân nhắc liều dùng:
- Do người cao tuổi rất nhạy cảm với tác dụng hạ đường huyết của các thuốc tiểu đường. Do đó nồng độ glucose hợp lý ở người già vẫn còn đang tranh cãi.
- Xác định hạ đường huyết ở người giá có nhiều khó khan
- Giám sát các thông số khác liên quan đến các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, có thể quan trọng hơn việc kiểm soát đường huyết.
- Liều ban đầu và liều duy trì nên thận trọng.
Lưu ý và thận trọng
Các tác dụng phụ trên tim mạch: có thể tăng tỉ lệ tử vong do các biến chứng tim mạch với các thuốc sulfonylurea (như tolbutamin hoặc phenformin). Tuy nhiên, hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo cần cân nhắc lợi ích kiểm soát đường huyết sulfonylurea so với nguy cơ các tác dụng không mong muốn.
Nguy cơ hạ đường huyết: đã được báo cáo không thường xuyên, thông thường nhẹ. Tuy nhiên, có thể có hạ glucose máu nặng, đặc biệt ở người cao tuổi, bệnh nhân suy dinh dưỡng và những người suy tuyến thượng thận, tuyến yên, gan hoặc suy thận. Ở những người vận động thể lực mạnh, uống rượu, ăn uống không đủ calo hoặc sử dụng kết hợp với các thuốc hạ đường huyết khác có thể làm tăng nguy cơ của tác dụng phụ này. Lựa chọn bệnh nhân cẩn thận và sử dụng liều thích hợp là quan trọng để tránh tăng nguy cơ hạ đường huyết liên quan glipizid.
Các bệnh đồng thời: có thể làm mất kiểm soát nồng độ glucose máu như sốt do bất kì nguyên nhân nào, chấn thường, nhiễm trùng, phẫu thuật. Có thể tạm ngừng sử dụng glipizid và thay thế bằng insulin.
Bệnh đường tiêu hóa: sử dụng dạng giải phóng kéo dài cần thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử hẹp đường tiêu hóa nghiêm trọng vì có thể xảy ra tắc nghẽn.
Phối hợp thuốc: khi sử dụng phối hợp với Metformin hydroclorid, cần cân nhắc một cách thận trọng, biên pháp phòng ngừa và chống chỉ định liên quan với Metfotmin.
Ảnh hưởng tới phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú
Phụ nữ có thai: cảnh báo mức độ C, nhiều chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng insulin trong thời kì này.
Phụ nữ cho con bú: chưa có đầy đủ thông tin liệu glipizide được phân bố qua sữa mẹ; ngừng cho trẻ bú hoặc ngừng thuốc.
Trẻ em: độ an toàn và hiệu quả chưa được xác định. Tuy nhiên, hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo rằng có thể cân nhắc sử dụng ở trẻ em có đái tháo đường typ 2. Bởi vì khả năng kiểm soát tốt hơn, thuận tiện của glipizid và thiếu các bằng chứng chứng minh hiệu quả của insulin trong điều trị đái tháo đường typ 2.
Người già: tăng nguy cơ hạ đường huyết ở những bệnh nhân này. Sử dụng liều thận trọng được khuyến cáo.
Suy gan: tăng nguy cơ hạ đường huyết. Sử dung liều thận trọng được khuyến cáo. Thông thường, không khuyến cáo ở những bệnh nhân suy gan nặng.
Suy thận: tăng nguy cơ hạ đường huyết. Sử dụng liều thận trọng được khuyến cáo. Thống thường, ở những bệnh nhân suy thận nặng không được khuyến cáo sử dụng.
Tương tác thuốc
Các tương tác dược động học:
- Quá trình phân bố: tương tác với các thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương, đẩy glipizid thành dạng tự do và tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Quá trình chuyển hóa: thuốc chuyển hóa qua enzyme cyp 2C9. Các thuốc ức chế enzyme này có thể làm giảm chuyển hóa thuốc và tăng nguy cơ tích và độc tính của glipizid.
Các tương tác dược lực: tương tác với các thuốc hạ đuồng huyết khác, khi dùng cùng các thuốc này với nhau làm tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức.
Các thuốc điển hình:
- Các thuốc chống nấm: làm tăng nồng độ trong máu của Glipizide và tác dụng hạ đường huyết.
- Các thuốc chống đông đường uống: Glipizid có thể đẩy hoặc bị đẩy bửi các thuốc chống đông đường uống khỏi liên kết với protein huyết tương. Sử dụng thận trọng với các thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương
- Các thuốc chẹn beta giao cảm: làm giảm dung nạp glucose; tăng tần xuất hoặc nặng thêm tình trạng hạ đường huyết và tăng các biến chứng hạ đường huyết.
- Các thuốc chẹn kênh canxi: có thể làm trầm trọng đái tháo đường. Giám sát chặt chẽ bệnh nhân khi đồng thời điều trị này bắt đầu hoặc ngừng lại.
- Chloramphenicol: tăng tác dụng hạ đường huyết của thuốc, cần quan sát chặt chẽ khi bắt đầu hoặc ngừng phối hợp 2 thuốc này.
- Cimetidine: ức chế chuyển hóa của glipizid tại gan và tăng nguy cơ hạ đường huyết của thuốc. Hiệu chỉnh liều Glipizid có lẽ là cần thiết khi cimetidine bắt đầu hoặc ngừng sử dụng.
- Các thuốc tránh thai đường uống: có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Cần giám sát bệnh nhân kĩ lưỡng khi bắt đầu hoặc ngừng sử dụng đồng thời 2 thuốc này.
- Dicumarol: không thay thế dicumarol khỏi vị trí liên kết với protein huyết tương, cần sử dụng thận trọng với các thuốc liên kết mạnh protein huyết tương.
- Các corticoid: làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Khi bắt đâu hoặc ngừng phối hợp cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân.
- Thuốc lợi tiểu, không thiazide: có thể làm trầm trọng tình trạng của bệnh.
- Thuốc lợi tiểu thiazide: có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Cần tăng liều glipizid trong trường hợp này.
- Hydatoin: glipizid có thể đẩy hoặc bị đẩy bởi hydantoin khỏi vị trí liên kết với protein huyết tương. Sử dụng thận trọng với các thuốc liên kết manh với protein huyết tương.
- Isoniazid: làm trầm trọng thêm tình trạng đái tháo đường. Cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân khi bắt đầu hoặc kết thúc sử dụng đồng thời 2 thuốc này.
- Các thuốc ức chế men MAO: tăng tác dụng hạ đường huyết.
- Nsaid: glipizide có thể thay thế hoặc bị thay thế bởi các Nsaid khỏi vị trí liên kết với protein huyết tương. Sử dụng thận trọng với các thuốc Nsaid.
- Probenecid: tăng tác dụng hạ đường huyết. Cần giám sắt chặt chẽ bệnh nhân khi bắt đầu hoặc ngừng điều trị đồng thời 2 thuốc này.
- Rifampicine: làm tăng chuyển hóa của thuốc, làm mất khả năng kiểm soát đường huyết của Glipizid.
- Các sulfonamide: Glipizid có thể thay thế hoặc bị thay thế bởi các sulfonamide khỏi vị trí liên kết protein huyết tương. Sử dụng thận trọng với các thuốc sulfonamide.
- 2,4- Thiazolidindion: tăng nguy cơ hường huyết khi phối hợp 2 thuốc này với nhau.
- Abacarvir: làm giảm tốc độ thải trừ của glipizide dẫn đến tăng nồng độ và tác dụng không mong muốn của glipizid.
Tương tác thức ăn:
- Rượu bia: hiếm, phản ứng giống disulfiram có thể xảy ra.
- Tránh các thức ăn có chứa nhiều đường.
Chống chỉ định
- Nhạy cảm với bất kì thành phần nào của thuốc
- Nhạy cảm với các sulfonamid
- Đái tháo đường typ 1
- Nhiễm toan keton tiểu đường có hoặc không có hôn mê
Tài liệu tham khảo
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23529570
https://www.drugbank.ca/drugs/DB01067
https://reference.medscape.com/drug/glucotrol-glipizide-342708
https://www.drugs.com/monograph/glipizide.html