Hiện nay khi càng ngày xuất hiện càng nhiều thức ăn nhanh chứa đầy dầu mỡ thì bên cạnh đó tỷ lệ người dân Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến tim mạch ngày càng tăng cao. Một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch đó là rối loạn Lipoprotein – căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ các hợp chất bản chất là lipid. Bài viết này healcentral.org xin giới thiệu tới các bạn các thông tin tổng quan về bệnh rối loạn Lipoprotein.
Lipoprotein máu là gì?
Lipid là từ dùng để chỉ chung một nhóm các hợp chất kị nước (không tan trong nước), đóng vai trò quan trọng với cơ thể sống, trong đó bao gồm cả con người. Trong cơ thể sống, lipid tồn tại dưới các dạng như cholesterol, triglyceride, acid béo tự do và phospholipid.
Nguồn cung cấp lipid cho cơ thể chúng ta chủ yếu lấy từ thức ăn. Lipid cung cấp một lượng calories khoảng gấp đôi glucid và protid với cùng khối lượng. Tại ruột, chúng được nhũ hóa nhờ acid mật, thủy phân rồi sau đó được hấp thu và vận chuyển về gan theo đường tĩnh mạch cửa. Vì bản chất của lipid là kị nước, chúng được vận chuyển trong máu nhờ protein mang có tên là lipoprotein, đây là sự kết hợp giữa lipid và protein.
Phân loại các lipoprotein
Hiện nay lipoprotein được phân loại theo tỉ trọng tăng dần như sau:
- Chylomicron: Hạt vi dưỡng chấp, có kích thước lớn nhất và hàm lượng triglyceride cao. Chúng vận chuyển triglyceride ngoại sinh (chủ yếu) và cholesterol được hấp thu từ ruột về gan. Loại này ít được quan tâm vì cho dù nó có tăng cũng không có nguy cơ gây ra các biến cố bất lợi.
- Lipoprotein tỉ trọng rất thấp (VLDL): Kích thước nhỏ hơn chylomicron, chúng có tác dụng vận chuyển triglyceride nội sinh và cholesterol ester vào hệ tuần hoàn. VLDL đi từ gan đến mô mỡ và cơ, giải phóng acid béo nhờ lipoprotein lipase.
- Lipoprotein tỉ trọng trung gian (IDL): Tỉ trọng trung gian giữa VLDL và LDL. IDL thực chất là dạng trung gian trong sự chuyển VLDL thành LDL.
- Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL): Do VLDL thoái hóa thành. LDL vận chuyển cholesterol đến các mô trong cơ thể. Các tế bào nhập LDL vào trong bào tương nhờ LDL receptor. Cholesterol dư thừa được đưa ra ngoài và vận chuyển về gan nhờ HDL. LDL còn được gọi là cholesterol “xấu” vì sự gia tăng LDL trong máu làm tăng các nguy cơ nhồi máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên LDL chỉ trở thành tác nhân gây xơ vữa khi nó bị oxy hóa.
- Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL): Là dạng vận chuyển cholesterol dư thừa từ tế bào về gan. Ở đó cholesterol được chuyển thành acid mật. HDL còn được gọi là cholesterol “tốt” vì chúng “thu dọn” những mảng vữa xơ, bảo vệ thành mạch.
Lipoprotein | Chylomicron | VLDL | IDL | LDL | HDL |
Tỉ trọng | 0.94-0.96 | 0.96-1.006 | 1.006-1.019 | 1.019-1.063 | 1.063-1.210 |
Apo chính | B48, A1, C, E | B100, B48, C, E | B100, C, E | B100 | A1, A2 |
% cholesterol ester | 1-3 | 12-14 | 27-33 | 35-40 | 14-18 |
% triglyceride | 86-94 | 55-65 | 15-27 | 8-12 | 3-6 |
Vai trò vận chuyển lipid | Mang lipid từ ruột về mô ngoại biên và gan. | Mang lipid nội sinh từ gan đến mô ngoài gan. | Mang lipid từ lipoprotein khác và cholesterol từ mô ngoại biên về gan. |
Lượng LDL trong máu cao hay HDL trong máu thấp đều là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
Rối loạn lipoprotein máu là gì?
Rối loạn lipoprotein máu, hay rối loạn chuyển hóa lipid là một tình trạng bệnh lý mà trong đó một hay nhiều thông số lipid máu bị rối loạn. Thông thường các rối loạn này sẽ là tăng cholesterol toàn phần, tăng triglyceride huyết tương, tăng LDL hay giảm HDL huyết tương…
Rối loạn lipoprotein máu là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến nội tiết, tim mạch hoặc chuyển hóa.
Phân loại rối loạn lipoprotein máu
Tăng lipoprotein máu nguyên phát
Nguyên nhân thường là do đột biến gen tăng tổng hợp, giảm thoái hóa cholesterol, triglyceride, LDL hoặc gen giảm tổng hợp, tăng thoái hóa HDL. Loại này thường có tính chất di truyền. Một người có nguy cơ cao bị rối loạn lipoprotein máu nếu trong gia đình họ cũng có người bị bệnh này (như bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác…).
Ở bài viết này chúng ta sử dụng hệ thống phân loại của Frederickson 1956.
Tăng lipoprotein máu thứ phát
Nguyên nhân có thể là do:
- Lối sống lười vận động, sử dụng nhiều rượu bia (chủ yếu gây tăng triglyceride, gan nhiễm mỡ), đường tinh luyện, transfat (chất béo chuyển hóa), béo phì…
- Bệnh lý gan, thận mạn tính.
- Hormon giới tính: estrogen, progesterone.
- Các bệnh chuyển hóa: đái tháo đường (giảm hoạt tính lipoprotein lipase), thiểu năng tuyến giáp, hội chứng Cushing (giảm hoạt tính lipoprotein lipase)…
- Thuốc: ức chế miễn dịch, glucocorticoid, lợi tiểu thiazide, chẹn β giao cảm, thuốc kháng HIV…
Tham khảo: [MỚI] Bệnh tiểu đường là gì? Có nguy hiểm không?
Hậu quả của rối loạn lipoprotein máu
Các hậu quả nghiêm trọng của rối loạn lipoprotein máu được trình bày ở hình dưới.
Khi rối loạn chuyển hóa lipid mà cụ thể hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là LDL trong máu tăng và HDL trong máu giảm, nguy cơ hình thành mảng vữa xơ tăng lên rất nhiều. Nếu hình thành ở động mạch vành, nó sẽ gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Nếu hình thành ở động mạch não sẽ gây nhồi máu não, đột quỵ não. Nếu hình thành ở động mạch thận sẽ gây hẹp động mạch thận, suy thận…
Ngoài ra, trong trường hợp triglyceride tăng quá cao (> 700 mg/dL) thì sẽ vượt quá khả năng thải trừ của lipoprotein lipase, dẫn đến viêm tụy cấp (do tổn thương tuần hoàn máu tụy gây thiếu máu cục bộ, dẫn đến hoạt hóa lipase tụy và enzyme này phá hủy tuyến tụy). Viêm tụy cấp có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng rối loạn lipoprotein máu
Lâm sàng
Nhìn chung các triệu chứng lâm sàng của rối loạn lipoprotein máu không rõ ràng và hầu như không thể nhận thấy trong giai đoạn sớm. Đến khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng thì thường đó là giai đoạn muộn và đã xuất hiện những biến chứng.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu có một hoặc một vài thông số vượt quá mức bình thường. Các thông số được xác định trong bảng dưới.
Chẩn đoán rối loạn lipoprotein máu
Chẩn đoán xác định rối loạn lipoprotein máu khi có một hay một vài thông số nằm ngoài khoảng cho phép (Xem bảng trên). Xét nghiệm thực hiện sau khi nhịn ăn 10 giờ.
- Cholesterol toàn phần > 200 mg/dL.
- Triglyceride > 1.659 mmol/L.
- LDL > 100 mg/dL.
- HDL < 40 mg/dL.
Điều trị rối loạn lipoprotein máu
Nguyên tắc điều trị
Việc điều trị rối loạn lipoprotein máu nên được tiến hành sớm ngay từ khi phát hiện và duy trì điều trị lâu dài, thường là suốt đời.
Đánh giá nồng độ cholesterol máu (cholesterol toàn phần, LDL) để biết khi nào bắt đầu sử dụng thuốc.
Cần biết sự tăng lipid máu thuộc dạng nào: nguyên phát hay thứ phát, có tăng triglyceride máu hay không.
Lựa chọn thuốc căn cứ vào cơ chế tác dụng của thuốc phù hợp cho loại tăng lipid máu.
Phối hợp thuốc với chế độ ăn, điều trị duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu.
Tránh dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Trẻ em có tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử chỉ dùng resins khi đã được 6-8 tuổi, khi đó sự myelin hóa hệ thần kinh đã hoàn chỉnh.
Điều trị không dùng thuốc
Thay đổi lối sống là yêu cầu bắt buộc với bệnh nhân rối loạn lipoprotein máu, bao gồm:
- Tập thể dục: đặc biệt với những người lười vận động, thừa cân, béo phì, cường độ tập luyện phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại, duy trì sao cho chỉ số khối cơ thể (BMI) < 25.
- Điều chỉnh chế độ ăn: ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế tiêu thụ glucid, thịt lợn, thịt bò, lòng đỏ trứng…, tăng cường các loại cá, dầu ô liu, dầu dừa…, hạn chế bia rượu, thuốc lá… Khẩu phần ăn cân đối 3 thành phần…
Điều trị dùng thuốc
Thông thường thay đổi lối sống ít khi hiệu quả mà cần có sự can thiệp từ thuốc.
Các loại thuốc chính điều trị rối loạn lipoprotein máu:
- Statins: là thuốc ức chế HMG-CoA reductase tại gan, làm giảm tổng hợp cholesterol tại gan, do đó gan tăng cường bắt giữ LDL trong máu về gan, kết quả là LDL trong máu giảm. Thuốc cũng làm tăng nhẹ HDL trong máu.
Đây là nhóm thuốc chủ lực trong điều trị rối loạn lipoprotein máu cũng như dự phòng các biến cố tim mạch, đồng thời cũng là nhóm thuốc có doanh số cao nhất trong số các thuốc điều trị rối loạn lipoprotein máu.
Thuốc được chỉ định cho rối loạn lipoprotein máu type IIa và IIb theo phân loại của Frederickson (30%), dự phòng các biến cố tim mạch (70%).
Đại diện: rosuvastatin, atorvastatin, lovastatin, simvastatin…
- Fibrates: là nhóm thuốc chủ vận receptor nhân PPAR-α, từ đó hoạt hóa lipoprotein lipase, có tác dụng tăng cường thủy phân triglyceride trong chylomicron và VLDL nên làm giảm triglyceride và VLDL. Thuốc làm tăng Apo A-I, ApoA-II nên làm tăng HDL.
Đây là nhóm thuốc đặc biệt quan trọng khi điều trị rối loạn lipoprotein máu có triglyceride huyết tương tăng mạnh. Thuốc được chỉ định trong rối loạn lipoprotein máu type IIb, III và IV theo phân loại của Frederickson. Thuốc không có chỉ định cho dự phòng các biến cố tim mạch.
Đại diện: fenofibrate, bezafibrate, gemfibrozil…
- Resins: đây là các chất không hấp thu, có khả năng tạo phức hợp bền vững với acid mật hoặc muối mật, làm cho chúng không tái hấp thu trở lại được (làm mất chu kì gan ruột) và thải ra ngoài theo phân. Như vậy gan sẽ tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol để bù trừ (tăng thu hồi cholesterol từ máu về gan), làm hạ LDL trong máu. Thuốc cũng làm giảm hấp thu cholesterol từ thức ăn. Tuy nhiên do làm tăng triglyceride huyết tương nên nhóm thuốc này chỉ được chỉ định cho tăng lipoprotein máu type IIa theo phân loại của Frederickson.
Đại diện: cholestyramine, colestipol.
- Ezetimibe: thuốc ức chế hấp thu trực tiếp cholesterol từ thức ăn, dó đó gan tăng cường thu hồi LDL từ máu về để tổng hợp cholesterol, từ đó làm hạ LDL huyết tương. Thường được sử dụng phối hợp với statin.
- Khác: niacin (vitamin B3, PP, acid nicotinic), omega 3, avasimibe…
Niacin được chỉ định cho rối loạn lipoprotein máu type IIb, III, IV và V theo phân loại của Frederickson. Nó được sử dụng kết hợp với resin và các thuốc điều trị rối loạn lipoprotein máu khác làm giảm tiến triển của bệnh.
Với các biến chứng đã xảy ra do rối loạn lipoprotein máu, tùy vào biến chứng trên cơ quan nào mà ta điều trị trực tiếp trên cơ quan đó.
Ví dụ: Với nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên (STEMI), có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp động mạch vành qua da (đặt stent), phẫu thuật bắc cầu chủ – vành, dự phòng huyết khối động mạch bằng aspirin sau khi đã điều trị ổn định.
Tham khảo: FREMO – Giải pháp hạ mỡ máu hiệu quả
Dự phòng rối loạn lipoprotein máu
Duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và vừa sức, chế độ ăn uống cân đối và hợp lý giữa các thành phần, duy trì cân nặng vừa phải.
Với những người có yếu tố nguy cơ như béo phì, đái tháo đường…. nên xét nghiệm lipoprotein máu thường xuyên.
Điều trị sớm ngay khi phát hiện ra bệnh và sẵn sàng với tâm lý điều trị suốt đời.