Bài viết CASE LÂM SÀNG : NGỘ ĐỘC OXYTOCIN TRONG SẢN KHOA được biên dịch bởi BS Vũ Tài.
1. Case lâm sàng
Một phụ nữ 27 tuổi, mang thai 2 lần, sinh 2 lần, được đánh giá ở phòng hậu sản vì co giật tăng trương lực cơ toàn thân xảy ra 30 giờ sau khi sinh ngả âm đạo. Bệnh nhân được khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin truyền tĩnh mạch lúc 38 tuần tuổi vì tiền sản giật với các đặc điểm nặng. Cô được truyền magiê để điều trị dự phòng co giật và đã ngừng 24 giờ sau khi sinh. Thai kỳ của cô rất phức tạp do bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin và truyền nhỏ giọt insulin đã được sử dụng trong khi chuyển dạ. Bệnh nhân sinh tự nhiên qua đường âm đạo, sau đó bị biến chứng chảy máu sau sinh, được điều trị bằng xoa bóp hai tay, tiêm bolus oxytocin và truyền dịch. Nhiệt độ là 37,1 độ C (98,7 độ F), huyết áp 128/82 mm Hg, mạch 78 lần/ phút và hô hấp 18 lần/phút. Khám thực thể thấy bệnh nhân ngủ gà, không có biểu hiện thiếu hụt thần kinh khu trú. Các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện ngay sau cơn co giật bao gồm:
Hemoglobin 10 g/dl
Tiểu cầu 160.000 /^L
Natri 112 mEq/L
Kali 3,6 mEq/L
Clorua 100 mEq/L
Glucose 78 mg/dl
Canxi 9,6 mg/dl
Magiê 6,3 mg/dl
Điều nào sau đây là nguyên nhân có khả năng nhất khiến bệnh nhân này bị co giật?
A. Thiếu máu do mất máu cấp
B. Cai rượu
C. Hạ đường huyết
D. Xuất huyết nội sọ
E. Ngộ độc magiê
F. Ngộ độc oxytocin
Bệnh nhân này có biểu hiện co giật tăng trương lực cơ toàn thân khởi phát mới trong bệnh cảnh hạ natri máu nặng. Cơn co giật của cô là do ngộ độc nước từ việc dùng oxytocin quá mức vì chảy máu sau sinh sau khi khởi phát chuyển dạ kéo dài. Oxytocin là hormone do thùy sau tuyến yên bài tiết có tác dụng kích thích các cơn co tử cung. Oxytocin có cấu trúc tương tự như hormone chống bài niệu. Do đó, khi dùng oxytocin liều cao kéo dài có thể gây giữ nước và hạ natri máu. Hạ natri máu có thể có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, ngủ gà và co giật tăng trương lực cơ. Xử trí hạ natri máu bao gồm sử dụng từ từ nước muối ưu trương (ví dụ, nước muối 3%) để bình thường hóa nồng độ natri.
(Đáp án A) Thiếu máu do mất máu cấp tính nặng có thể gây sốc (hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thay đổi ý thức); nó thường không gây co giật.
(Đáp án B) Cai rượu có thể gây co giật tăng trương lực cơ. Co giật do cai rượu thường xảy ra 12-48 giờ sau lần uống rượu cuối cùng và không liên quan đến hạ natri máu.
(Đáp án C) Hạ đường huyết có thể gây co giật. Mặc dù truyền nhỏ giọt insulin được sử dụng trong quá trình chuyển dạ có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và các biến chứng do nó gây ra, bệnh nhân này có đường huyết bình thường ở thời điểm lên cơn co giật.
(Đáp án D) Xuất huyết nội sọ có thể là hậu quả của cơn tăng huyết áp (ví dụ, tiền sản giật không kiểm soát được). Biểu hiện ban đầu của xuất huyết nội sọ là đau đầu, nôn, ngủ gà và thiếu hụt thần kinh khu trú; co giật thường xảy ra ở giai đoạn sau trong tiến trình của bệnh. Bệnh nhân này có huyết áp bình thường và không có thiếu hụt thần kinh khu trú.
(Đáp án E) Ngộ độc magiê thường biểu hiện bằng tình trạng giảm phản xạ, ngủ gà, đau đầu, suy hô hấp và cuối cùng là ngừng tim, không kèm theo co giật. Nồng độ magiê của bệnh nhân này nằm trong khoảng điều trị để kiểm soát tiền sản giật (khoảng 5-8 mg/dl). Ngộ độc magiê có thể xảy ra ở nồng độ > 8 mg/dl
Mục tiêu giáo dục: Bởi oxytocin tương tự như hormone chống bài niệu, vì vậy dùng oxytocin liều cao kéo dài có thể gây giữ nước, hạ natri máu và dẫn đến co giật.
2. References
Oxytocin infusion: acute hyponatraemia, seizures and coma.