Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Không chỉ gây đau đớn cho người bệnh mà khớp gối thoái hóa còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Thoái hóa khớp thường diễn biến âm thầm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh này qua bài viết sau đây.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối là vị trí tiếp giáp giữa ba xương bao gồm: đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và mặt bên của xương bánh chè, được cố định bằng các dây chằng và bao bọc bởi các lớp sụn. Khớp gối có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gánh toàn bộ trọng lượng của cơ thể, đây được coi là khớp vận động nhiều nhất của cơ thể đảm nhiệm các hoạt động chính của chân. Do đó, khớp gối rất dễ bị tổn thương và thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của các quá trình cơ sinh học diễn ra trong cơ thể con người, làm mất đi tính cân bằng giữa sự sản sinh và phá hủy của lớp sụn và xương dưới sụn. Thoái hóa khớp gối được chia thành hai loại (theo nguyên nhân) như sau:
- Thoái hóa nguyên phát: Sự mất cân bằng là do các yếu tố như di truyền, quá trình lão hóa, nội tiết và chuyển hóa.
- Thoái hóa thứ phát: khởi phát sau chấn thương, các dị dạng bẩm sinh của khớp gối hoặc các rối loạn phát triển, bệnh lý về xương. Thoái hóa khớp gối còn có thể gặp ở các bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật, sau bệnh lý nội tiết hoặc rối loạn chuyển hóa.
Thoái hóa khớp gối là tình trạng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối mà biểu hiện cuối cùng là các thay đổi về hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của các tế bào lớp sụn và xương dưới sụn. Thoái hóa khớp gối bắt đầu bằng sự tổn thương ở bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp dần bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất đi tính đàn hồi dẫn đến không thể bảo vệ được đầu xương. Tiếp theo đó là những biến đổi ở bề mặt khớp xương, sụn thoái hóa làm cho các xương cọ xát vào nhau dẫn đến xơ hóa xương dưới sụn, cùng với sự lắng đọng canxi tạo thành các gai xương, hốc xương. Kết quả là khớp bị biến dạng, gây đau, cứng khớp, vận động khó khăn.
Cũng giống như các bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối thường diễn biến thầm lặng trong một khoảng thời gian dài, có thể lên đến từ 10 đến 15 năm. Bệnh thường gặp đa số ở nữ giới hơn là nam giới với tỷ lệ lên đến 80 % và thường tăng dần theo độ tuổi.
Tìm hiểu thêm: Thoái hóa khớp: Nguyên nhân, triệu chứng & các phương pháp điều trị
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối có thể xảy đến tại một số thời điểm nào đó trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng nhìn chung, bệnh thường gặp chủ yếu ở người cao tuổi. Mặc dù vậy, nhưng trong những năm gần đây, căn bệnh đang dần trẻ hóa, chủ yếu là do thói quen và lối sống không lành mạnh của người trẻ tuổi. Bệnh thoái hóa khớp gối là hệ quả của sự kết hợp đồng thời nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau, đó là:
Tuổi tác của con người
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về xương khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng. Quá trình thoái hóa khớp gối tăng dần theo tuổi tác, tuổi càng cao, quá trình tổng hợp sụn ngày càng suy giảm dẫn đến quá trình thoái hóa xương càng diễn ra mạnh mẽ. Theo thời gian, lớp sụn và xương khớp ở đầu gối đều trở nên yếu và kém linh hoạt dẫn đến khớp gối dễ bị tổn thương hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến các chức năng vận động và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Theo một nghiên cứu, ở độ tuổi dưới 26, chỉ khoảng 4,6 % nam và 4,9 % nữ mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Đến độ tuổi từ 26 đến 45, tỷ lệ này tăng lên thành 18,6 % ở nam và 9,3 % ở nữ. Và đến độ tuổi từ 46 cho đến 60, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 50 %.
Chấn thương khớp gối
Các chấn thương gây ra do chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn trong quá trình làm việc, … làm tổn thương ở khớp gối, gãy xương bánh chè, giãn hoặc đứt dây chằng, … là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thương ở sụn khớp. Nếu không chú ý và không điều trị kịp thời, dứt điểm thì sẽ dẫn đến thoái hóa khớp cùng với các di chứng khác.
Thừa cân
Khớp gối là vị trí chịu áp lực lớn từ trọng lượng của cơ thể, do đó khi cân nặng tăng sẽ làm tăng áp lực mà hai khớp gối phải chịu đựng, dẫn đến sụn khớp bị bào mòn và khớp gối thoái hóa nhanh hơn. Theo một số báo cáo, nếu trọng lượng cơ thể tăng lên 450 g thì khớp gối sẽ phải chịu thêm một trọng lượng là 1,5 kg khi đi và 4,5 kg khi chạy. Chính vì vậy, người bệnh nên chú ý trọng lượng của cơ thể để kiểm soát bệnh cũng như ngăn chặn các biến chứng có thể đi kèm với bệnh.
Lười vận động, tập thể dục không thường xuyên hoặc vận động, tập thể dục với cường độ cao quá mức
Lười vận động, ít tập luyện thể dục thể thao là một trong những nguyên nhân chính tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi. Thói quen ngồi nhiều, ít vận động làm cho các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương kém linh hoạt, dây chằng chùng nhão, cấu trúc xương, gân dễ bị sai lệch. Từ đó giảm chức năng của xương và sụn khớp. Theo các chuyên gia, nếu tăng vận động sẽ giảm đi 30 % nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối, bởi vận động làm tăng tuần hoàn máu và dinh dưỡng đến khớp và sụn, từ đó giúp hỗ trợ quá trình sản xuất và tái tạo lớp sụn khớp.
Tuy nhiên, nếu vận động quá mức, hoặc tập luyện với cường độ cao kéo dài cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối. Các vận động viên thể thao thường xuyên phải tập luyện như bóng đá, điền kinh, … hoặc những người phải thực hiện công việc nặng lặp đi lặp lại với cường độ cao thường có khả năng mắc bệnh cao hơn bình thường. Do đó, chúng ta nhất là giới trẻ hiện nay cần phải duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý, không nên tập luyện quá sức để hạn chế quá trình thoái hóa của khớp gối.
Tìm hiểu thêm: Viêm khớp gối: Dấu hiệu nhận biết, triệu chứng & các phương pháp điều trị
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống không lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống không lành mạnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có thể làm giảm khả năng tiết dịch của bao hoạt dịch, tăng nguy cơ bào mòn và xơ hóa sụn khớp. Một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp gối và giảm nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ tuổi.
Giới tính
Phụ nữ từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối nhiều hơn nam giới. Do ở người phụ nữ, cấu trúc dây chằng trước khớp gối thường yếu hơn cộng với việc nhiều người phải tiếp xúc với giày cao gót thường xuyên làm tăng áp lực lên lớp sụn khớp. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương và thoái hóa của khớp gối ở phụ nữ.
Di truyền
Theo một số nghiên cứu, di truyền cũng là một trong số nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp gối. Theo các chuyên gia, có khoảng từ 40 đến 65 % các trường hợp mắc bệnh đều có liên quan đến tiền sử của gia đình.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, thoái hóa khớp gối còn do một số nguyên nhân khác như người bệnh bị khuyết tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về xương khớp, các bệnh ảnh hưởng xấu đến xương khớp như béo phì, gút, rối loạn chuyển hóa, viêm khớp, suy giảm hệ miễn dịch, …
Các giai đoạn và triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối được chia thành các giai đoạn bệnh từ nhẹ đến nặng, các triệu chứng cũng thay đổi tương ứng với từng giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 1 – Thoái hóa khớp gối độ 1
Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân vẫn chưa cảm nhận được các dấu hiệu của bệnh, khớp gối chưa có dấu hiệu hư, tổn thương nhiều. Bệnh nhân vẫn đi lại bình thường, chưa có các cơn đau khớp hoặc có các cơn đau khớp nhẹ ở đầu gối. Cơn đau thoáng qua, biểu hiện mơ hồ, đau khi đứng lên ngồi xuống, khi ngồi xổm hoặc sáng ngủ dậy thấy đau. Lúc này, khớp gối chưa bị sưng và biến dạng, nếu chụp MRI thì có thể thấy khớp gối hầu như bình thường. Thông thường, các triệu chứng đau đều tự biến mất nên đa số người bệnh không để ý.
Giai đoạn 2 – Thoái hóa khớp gối độ 2
Đây vẫn được coi là giai đoạn bệnh tiến triển ở mức độ nhẹ. Ở giai đoạn này, bao hoạt dịch khớp vẫn hoạt động bình thường, lớp sụn khớp vẫn được cung cấp đủ lượng dịch đồng thời ổ khớp vẫn được bôi trơn, làm cho các đầu xương được hoạt động một cách trơn tru, linh hoạt.
Tuy nhiên, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng đau mỏi rõ rệt ở khớp gối khi vận động đi lại hoặc chuyển từ tư thế ngồi sang đứng. Cơn đau thường có dấu hiệu tăng khi bệnh nhân leo cầu thang, mang vác vật nặng hoặc làm việc quá sức. Cơn đau thường giảm dần về đêm hoặc mỗi khi người bệnh nghỉ ngơi. Bên cạnh đau, bệnh nhân còn có triệu chứng co cứng khớp khi trời trở lạnh hoặc do ít vận động khớp. Biểu hiện này thường xuất hiện vào mỗi buổi sáng và thường kéo dài trong khoảng 30 phút.
Giai đoạn 3 – Thoái hóa khớp độ 3
Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã cảm nhận rõ được các cơn đau ở khớp gối, cơn đau ngày càng gia tăng khiến cho người bệnh bị hạn chế vận động ở chi dưới. Lúc này, khớp gối bị tổn thương nhiều, dịch khớp bị khô không đủ để thực hiện chức năng bôi trơn và cung cấp lượng dịch nuôi dưỡng các sụn khớp. Các lớp sụn bao bọc xương bị bào mòn dần và khoảng cách giữa các đầu xương bị thu hẹp thấy rõ. Bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại, các động tác như co, duỗi, gập, nhấc chân cũng trở nên hạn chế. Thậm chí, ngay cả khi không vận động hoặc lúc nghỉ ngơi, cơn đau vẫn sẽ xuất hiện khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Bên cạnh đó, tính trạng cứng khớp vào mỗi buổi sáng ở người bệnh cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Giai đoạn 4 – Thoái hóa khớp gối độ 4
Lúc này, khớp gối đã bước vào giai đoạn thoái hóa nặng, các lớp sụn và khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Biểu hiện là lớp sụn khớp bị bào mòn, bong tróc để lộ rõ đầu xương; khoảng không gian chung giữa hai đầu xương bị thu hẹp ngày càng nhiều; các gai xương xuất hiện ngày càng lớn; dịch khớp bên trong bị hao mòn quá nhiều, từ đó dẫn đến sự cọ xát của các đầu xương ở đầu gối mỗi khi chịu lực gây ra đau đớn nghiêm trọng.
Chính vì vậy, người bệnh xuất hiện các cơn đau nhức liên tục, đau dữ dội kèm theo tình trạng co cứng khớp, khó khăn trong việc vận động, đi lại, sinh hoạt hằng ngày. Không những thế, đầu gối có thể xuất hiện các tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp mỗi khi vận động, tiếng kêu phát ra càng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, đầu gối còn bị sưng một phần hoặc toàn bộ khớp gối; hoặc xuất hiện khối u vùng khoeo ở mặt sau khớp của bệnh nhân. Theo thời gian, thoái hóa khớp gối có thể gây biến dạng trục chi, gây lệch trục khớp, … Do đó, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, nếu không sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị teo cơ hoặc tàn phế.
Tìm hiểu thêm: Thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ tốt nhất hiện nay [Bác sĩ khuyên dùng]
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Chẩn đoán lâm sàng
Người bệnh thường có các triệu chứng như:
- Đau khớp gối mang tính chất cơ học, thường liên quan đến vận động: đau âm ỉ, cơn đau tăng hơn khi người bệnh vận động hoặc thay đổi tư thế, giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc lúc về đêm. Cơn đau có thể diễn biến theo từng đợt, mức độ đau nhức tăng dần trong những cơn đau tái phát lần sau.
- Vận động khó khăn, hạn chế: xuất hiện cơn đau khi bước lên hoặc xuống cầu thang, khi đang ngồi đứng dậy, ngồi xổm, đi bộ lâu, …
- Biến dạng khớp: có thể nhận thấy khi quan sát, sờ nắn vào chỗ khớp bị đau. Bệnh nhân bị cứng khớp vào buổi sáng và thường kéo dài không quá 30 phút, xuất hiện các tiếng lục khục khi vận động khớp, hoặc có thể sờ được các “chồi khớp” ở xung quanh khớp, …
Chẩn đoán cận lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp gối rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác. Chính vì vậy, ngoài việc dựa vào tình trạng hàng ngày của bệnh nhân, để có kết quả chẩn đoán chính xác, người bác sĩ chữa bệnh còn chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm
Chụp X-Quang
Theo các chuyên gia, chụp X-Quang là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence. Dựa và các hình ảnh trên phim X-Quang, bác sĩ sẽ phát hiện dấu hiệu cho thấy thoái hóa khớp gối đang ở giai đoạn nào. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1: Khe khớp gần như bình thường, xuất hiện một số biểu hiện nghi ngờ có gai xương hoặc có gai xương nhỏ ở thân xương hay xương bánh chè.
- Giai đoạn 2: Khe khớp hẹp nhẹ, các gai xương mọc rõ.
- Giai đoạn 3: Khe khớp hẹp vừa, xuất hiện nhiều gai xương có kích thước tương đối ở xương dưới sụn, đầu xương có thể bị biến dạng.
- Giai đoạn 4: Khe khớp hẹp nhiều, các gai xương với kích thước lớn xuất hiện gây hiện tượng xơ ở xương dưới sụn.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Phương pháp này được áp dụng để quan sát một cách đầy đủ và rõ ràng hình ảnh của khớp trong không gian ba chiều. Từ đó, phát hiện được các tổn thương ở lớp sụn khớp, màng bao hoạt dịch hay dây chằng xung quanh khớp gối, …
Siêu âm khớp
Hình ảnh trên film siêu âm sẽ cho biết tình trạng của khớp gối mà bệnh nhân đang gặp phải như: hẹp khe khớp, tràn dịch màng khớp, xuất hiện các mảnh sụn thoái hóa vào trong ổ khớp, … Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp nhân viên y tế đánh giá được độ dày của sụn khớp, tình trạng thoái hóa, bong tróc của khớp xương.
Nội soi khớp
Đây là phương pháp giúp bác sĩ có thể quan sát một cách trực tiếp các tổn thương thoái hóa của sụn khớp ở các mức độ khác nhau. Cùng với nội soi khớp, người khám bệnh có thể sẽ yêu cầu lấy mẫu sinh thiết ở màng tế bào hoạt dịch của bệnh nhân để làm xét nghiệm tế bào; qua đó kiểm tra, phân tích để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý xương khớp khác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị hợp lý để cắt lọc, hạn chế các tổ chức thoái hóa trong ổ khớp.
Các xét nghiệm khác
Ngoài các phương pháp kể trên, người khám bệnh có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán khác như: xét nghiệm máu và sinh hóa để xem tốc độ lắng máu bình thường, số lượng bạch cầu, CRP bình thường … Hoặc thực hiện xét nghiệm dịch khớp bình thường hoặc bị viêm với mức độ ít trong các đợt tiến triển, dịch khớp lúc này thường có màu vàng, độ nhớt bình thường hoặc giảm nhẹ, đếm tế bào dịch khớp thì có khoảng < 1000 tế bào /1 mm3 .
Các biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối
Khớp gối có vai trò rất quan trọng trong chức năng vận động của cơ thể. Đây là khớp có mối liên hệ mật thiết với các khớp khác trong cơ thể, do đó tổn thương, thoái hóa khớp gối thường gây ảnh hưởng hoặc đi kèm với những tổn thương của những bộ phận khác trong cơ thể bệnh nhân. Nếu không có phương án điều trị, ngăn chặn kịp thời thì thoái hóa khớp gối có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tàn phế.
Các biến chứng thường gặp trong thoái hóa khớp gối là:
- Đau nhức dai dẳng, khó chịu và các hệ quả kèm theo: Trong suốt quá trình tiến triển của bệnh, đau nhức là triệu chứng diễn ra sớm nhất và cũng là triệu chứng kéo dài dai dẳng suốt quá trình bệnh. Theo thời gian, các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ đau đớn ngày càng cao hơn, … Những cơn đau này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, chất lượng đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
- Bệnh nhân không chỉ khó khăn trong việc đi lại, làm việc và lao động mà còn lười vận động. Việc thiếu vận động thường dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng khác như tích đọng canxi trong sụn dẫn đến viêm khớp, sưng khớp; hoặc có thể gây tăng cân, béo phì,… từ đó làm cho tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các cơn đau nhức còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, quá trình nghỉ ngơi và hồi phục bình thường của cơ thể. Thiếu ngủ có thể gây cứng khớp, tăng quá trình thoái hóa khớp của người bệnh. Và đặc biệt là ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Đầu gối bị biến dạng: Tình trạng thoái hóa khớp gối diễn biến trong một thời gian dài làm cho khớp và các lớp sụn bị xơ vữa, dẫn đến đầu gối thường bị sưng to, biến dạng. Ngoài ra, tình trạng viêm của khớp gối có thể dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng bên trong hoặc xung quanh khớp, làm cho khớp sưng nề, đau nhức.
- Không thể đi lại bình thường: Thoái hóa khớp gối làm cho bệnh nhân khó khăn trong vận động, không thể đi lại một cách bình thường, thậm chí có thể làm bệnh nhân đi tập tễnh. Ngoài ra, khi khớp gối bị thoái hóa, xương, sụn tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến các dây thần kinh hoạt động không bình thường. Điều này làm cho bệnh nhân cảm giác tê, ngứa ran, yếu khớp khi đi lại.
- Teo cơ, liệt, thậm chí là tàn phế: Các cơ từ đầu gối trở xuống sẽ yếu hơn bình thường, người bệnh có cảm giác run chân mỗi khi đi lại, dần dần sẽ mất đi chức năng đi lại; cơ có hiện teo, gân và dây chằng xung quanh khớp gối có nguy cơ đứt cao hơn, bệnh nhân rơi vào trạng thái liệt hoặc thậm chí là tàn phế.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối, bệnh nhân thường sẽ sử dụng các loại thuốc chống viêm, chủ yếu là các thuốc phi Steroid. Điều này có thể dẫn đến một số hệ quả xấu như đau dạ dày, xuất huyết, viêm loét dạ dày hoặc rối loạn tim mạch, thiếu máu, tổn thương các chức năng gan, thận, …
Thoái hóa khớp gối có chữa khỏi được không?
Như đã nói ở trên, thoái hóa khớp gối là một căn bệnh diễn ra thầm lặng, kéo dài trong nhiều năm rồi mới khởi phát các triệu chứng mức độ nặng, ở giai đoạn mức độ nhẹ, người bệnh đa số bỏ qua hoặc không chú ý đến. Do đó, đa số bệnh nhân khám chữa bệnh khi thoái hóa khớp gối đã bắt đầu trở nặng. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời hoặc phát hiện sớm thì càng tốt, bệnh nhân có thể điều trị và kiểm soát được bệnh thoái hóa của mình. Mặc dù vậy, để chữa khỏi hoàn toàn 100 % là điều không thể.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, triệt để nhất có thể sẽ giúp cho bệnh nhân giảm đáng kể được các cơn đau, duy trì được chức năng vận động và hạn chế các ảnh hưởng của bệnh thoái hóa khớp gối đến chất lượng đời sống, chế độ sinh hoạt hàng ngày. Để đạt được hiệu quả cao và tránh được các biến chứng về sau, bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Hiện nay, để điều trị thoái hóa khớp gối, bệnh nhân có thể tìm đến các phương pháp chữa khác nhau; đó có thể là dùng thuốc hoặc không dùng thuốc; cũng có thể là dựa và biện pháp y học hiện đại hoặc sử dụng các liệu pháp từ y học cổ truyền. Mặc dù cách thức khác nhau nhưng các phương pháp này đều có chung một mục đích đó là giảm đau cho bệnh nhân; duy trì và tăng khả năng vận động; hạn chế, ngăn ngừa biến dạng khớp, tránh các biến chứng nguy hiểm; đối với phương pháp dùng thuốc thì hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc; đồng thời nâng cao chất lượng đời sống cho người bệnh. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà người bệnh được chỉ định sử dụng những phương pháp điều trị phù hợp nhất định.
Các biện pháp y học hiện đại
Sử dụng thuốc Tây
Với các trường hợp đau nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm để giảm bớt các cơn đau nhức, viêm sưng, giúp kiểm soát được tình trạng thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Tây, người bệnh tốt nhất vẫn nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc những người có kiến thức chuyên môn. Những loại thuốc hiện có trên thị trường có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ. Phổ biến nhất là đường uống, một số thuốc được dùng bôi ngoài da hoặc dán trực tiếp lên vị trí đau nhức, hoặc tiêm trực tiếp và ổ khớp. Sau đây là một số loại thuốc Tây có thể được dùng để điều trị thoái hóa khớp gối:
- Thuốc dùng giảm đau nhẹ: Paracetamol (Acetaminophen) là loại thuốc thường được sử dụng phổ biến với tác dụng hỗ trợ giảm đau nhanh chóng. Tùy vào độ tuổi, triệu chứng bệnh và tình trạng sức khỏe người bệnh mà có liều dùng phù hợp.
- Thuốc giảm đau phi Steroid (NSAIDs): Được sử dụng khi bệnh nhân đau nhiều với tác dụng giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng. Có thể sử dụng một trong số các thuốc như: Diclofenac (Voltaren), Meloxicam (Mobic), Piroxicam (Felden), Aspirin, … với liều dùng phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng phối hợp các thuốc trong nhóm vì không những không tăng tác dụng điều trị mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
- Thuốc bôi ngoài da hoặc dán trực tiếp: Thường được sử dụng để bôi hoặc dán trực tiếp lên vị trí khớp tổn thương với tác dụng giảm đau đáng kể và ít gây ra tác dụng phụ so với thuốc uống. Một số loại thuốc thường được sử dụng như: Voltaren Emugel, Profenid gel, … Trong quá trình sử dụng, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn đã được in trên bao bì hoặc tờ hướng dẫn sử dụng chứa bên trong hộp sản phẩm.
- Thuốc tiêm đầu gối nội khớp: Phương pháp này có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh đồng thời có thể ngăn ngừa được sự tái phát của bệnh trong một khoảng thời gian dài. Đặc biệt, nguy cơ tổn thương hoặc gây các tác dụng phụ ở khớp thấp. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc tiêm Corticosteroid, thuốc tiêm Acid Hyaluronic (HA) hoặc có thể tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), … Mặc dù có hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng vận động cho người bị thoái hóa khớp gối, tuy nhiên chỉ sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn, tránh tiêm quá nhiều hoặc liều cao dẫn đến mỏng lớp sụn khớp hoặc yếu dây chằng.
- Ngoài ra, bệnh nhân nên sử dụng các loại vitamin nhóm B như B1, B6, B12 để bồi bổ cơ thể, hỗ trợ tăng cường chức năng hồi phục.
Mặc dù đem lại hiệu quả tốt khi sử dụng, tuy nhiên bệnh nhân nên thận trọng và sử dụng đúng cách, không nên quá lạm dụng dẫn đến nhờn thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn.
Phẫu thuật
Trong các trường hợp khớp gối đã bị tổn thương thoái hóa nặng như: khớp biến dạng, cứng khớp không thể cử động, thoái hóa khớp gối có kèm viêm bao hoạt dịch, … mà không thể đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp thông thường khác thì người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn hoặc chỉ định làm phẫu thuật. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp khác nhau, một số phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối là:
- Phẫu thuật ghép tế bào sụn tự thân.
- Phẫu thuật nội soi làm sạch.
- Phẫu thuật ghép xương sụn.
- Phẫu thuật đục sửa xương trục.
Đối với trường hợp khớp gối bị tổn thương nặng không thể hồi phục, người bệnh sẽ được chỉ định thay khớp nhân tạo. Mặc dù các phương pháp phẫu thuật có thể can thiệp được vào ổ khớp, giúp bệnh nhân có thể hồi phục chức năng vận động như trước nhưng thường tiềm ẩn rủi ro rất lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Do đó, người bệnh phải thực sự cân nhắc thật kỹ và bàn bạc cẩn trọng với bác sĩ trước khi làm phẫu thuật.
Liệu pháp Tế bào gốc
Hiện nay, đây là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối đang được quan tâm và áp dụng. Tế bào gốc có thể được nuôi cấy từ mô mỡ tự thân của người bệnh hoặc có nguồn gốc là các tế bào tự thân từ tủy xương. Sau khi được tiêm vào khớp gối, các tế bào gốc có vai trò hoạt hóa, hỗ trợ các tế bào khác trong ổ khớp hoạt động trở lại. Dù an toàn hơn so với phẫu thuật thay khớp gối nhưng phương pháp này vẫn có nhiều mặt hạn chế. So với phẫu thuật, hiệu quả tiêm tế bào gốc chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn từ 3 đến 4 năm. Tùy trường hợp, tế bào gốc được tiêm vào không đáp ứng điều trị, ngược lại còn sinh ra các phản ứng kháng lại cơ thể. Mặt khác, chi phí cho phương pháp này thường cao, cơ sở vật chất kỹ thuật đủ chuyên môn ít, … nên đa số người bệnh ít có khả năng tiếp cận được.
Y học cổ truyền
Áp dụng các bài thuốc Đông Y
Đông Y chữa thoái hóa khớp gối bằng những bài thuốc dân gian kết hợp với các liệu pháp như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu, … mà không xâm lấn, phẫu thuật. Theo Y học cổ truyền, căn nguyên của thoái hóa khớp gối gồm 2 yếu tố: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Yếu tố bên trong có thể là phủ tạng suy yếu, suy nhược cơ thể hoặc khí huyết không thông; yếu tố bên ngoài có thể là phong, hàn, thấp, … xâm nhập vào cơ thể.
Các bài thuốc được sử dụng trong Đông Y có nguồn gốc từ các dược liệu thiên nhiên, có tác dụng chống viêm, giảm các triệu chứng sưng, đau đồng thời thông kinh lạc, nâng cao chức năng lục phủ ngũ tạng. Các bài thuốc này tác động vào sâu trong gốc rễ của căn nguyên đồng thời tăng cường sức khỏe cho người bệnh, do vậy thường có hiệu quả tốt và tương đối an toàn cho người sử dụng. Thuốc thường được cắt liều tùy theo cơ địa, tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân.
Mặc dù phương pháp điều trị này khá an toàn cho người bệnh nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần kiên trì và lựa chọn được địa chỉ, cơ sở uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải cẩn trọng trong việc sử dụng các sản phẩm Đông Y bởi các sản phẩm này thường dễ làm giả nhái hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tránh tiền mất tật mang và đảm bảo đến sức khỏe, an toàn cho bản thân mình.
Sử dụng các bài thuốc Nam
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc từ Tây Y và Đông Y, người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng các cây thuốc Nam dễ kiếm, có sẵn xung quanh nhà để điều trị các triệu chứng do thoái hóa khớp gối gây ra. Một số bài thuốc Nam thường được sử dụng như: ngải cứu sao với muối hạt rồi đắp lên chỗ đau hoặc đắp thuốc từ lá lốt phơi khô, nước sắc từ rễ đinh lăng phơi khô, … Tuy nhiên, các bài thuốc này thường chỉ giảm được các triệu chứng tạm thời mà không thực sự cho hiệu quả cao.
Các bài vật lý trị liệu
Các bài vật liệu trị liệu thường được áp dụng trong những trường hợp thoái hóa khớp gối nhẹ và trong các giai đoạn sớm. Bệnh nhân thường sử dụng phương pháp này để điều trị kết hợp với các phương pháp khác hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp song song với điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc. Phương pháp này hỗ trợ trong việc phục hồi sụn khớp, giúp giảm các triệu chứng sưng và đau cho người bệnh. Các kỹ thuật vật lý trị liệu thường được sử dụng như: siêu âm, chiếu hồng ngoại, chườm nóng; sóng cao tầng, thủy châm, nhiệt điện; luyện tập cơ khớp, kéo căng, vận động khớp như xoa bóp, co – gập, đi bộ nhẹ, tập bước lên xuống cầu thang, đi xe đạp; hoặc các liệu pháp suối khoáng, bùn.
Bệnh nhân chỉ áp dụng vật lý trị liệu khi mới bị thoái hóa nhẹ, không có các triệu chứng tổn thương nặng. Đồng thời, người bệnh cần thực hiện dưới sự theo dõi của người có chuyên môn, tuyệt đối không được tự tập luyện, tránh viêm đau, sai phương pháp, … từ đó dẫn đến các biến chứng khác.
Kết hợp đồng thời sử dụng thuốc và luyện tập
Như đã trình bày ở trên, hiện nay có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối. Để đạt được hiệu quả tốt nhất đồng thời tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bệnh nhân thường áp dụng kết hợp đồng thời giữa sử dụng thuốc và luyện tập điều độ. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo sự tư vấn và ý kiến của bác sĩ, những người có chuyên môn trước khi sử dụng bất kỳ một phương pháp nào hoặc kết hợp các phương pháp lại với nhau.
Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối cũng như các bệnh lý thoái hóa về xương khớp khác, thường diễn biến thầm lặng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, mọi người, nhất là những người ở độ tuổi trung niên nên có cho mình ý thức chủ động tự phòng ngừa bệnh. Một số cách phòng ngừa thường được khuyên thực hiện như:
Duy trì cân nặng
Để tránh áp lực gây thêm trên đầu gối, người bệnh cần duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh thừa cân, béo phì. Do trọng lượng cơ thể lớn có thể dẫn đến suy mòn sụn khớp, ảnh hưởng đến khớp gối và khó khăn trong việc đi lại. Người bệnh nên hạn chế ăn thức ăn có nhiều chất béo, các loại thức ăn nhanh hoặc các loại nước ngọt có ga,… Bên cạnh đó, bệnh nhân nên xây dựng một chế độ ăn hợp lý kết hợp với lối sống lành mạnh để kiểm soát được tốt cân nặng của cơ thể.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Cấu trúc và chức năng của sụn có thể bị ảnh hưởng bởi lượng đường trong máu, khi nồng độ của chúng ở mức cao. Những người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị tổn thương hoặc mất sụn cao hơn. Ở người bình thường, chỉ số đường huyết an toàn gồm:
- Chỉ số đo ngẫu nhiên: < 140 mg/dL (7,8 mmol/l).
- Chỉ số đo lúc đói: < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l).
- Chỉ số đo sau khi ăn: <140 mg/dl (7,8 mmol/l).
Người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu ở mức độ ổn định đồng thời hạn chế việc ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm có chứa hàm lượng đường cao.
Tránh làm việc nặng
Công việc nặng nhọc chính là một trong số các nguyên nhân làm cho bệnh thoái hóa khớp gối diễn biến trầm trọng hơn. Người bệnh nên tránh làm việc quá sức, khuân vác các vật nặng quá 3kg đồng thời nên bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc, hạn chế những va đập hay tổn thương tác động lên khớp gối. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với các công việc nặng nhọc hoặc yêu cầu khớp gối vận động quá nhiều, người bệnh nên đi khám định kỳ để có hướng điều trị tốt nhất song song với công việc cần làm. Nếu có thể, bệnh nhân nên chọn cho mình một công việc phù hợp để có thể thích nghi được với tình trạng bệnh, giúp cho khớp tổn thương không bị quá tải.
Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên vận động hoặc chơi các môn thể thao mạnh như leo núi, bóng đá, bóng chuyền, tennis, … để tránh các động tác quá mạnh hoặc quá đột ngột, từ đó tác động xấu đến xương khớp, đặc biệt là khớp gối.
Ngoài ra, bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nên tránh ngồi gập đầu gối hoặc ngồi lâu một chỗ mà không thay đổi tư thế vì điều này có thể khiến tình trạng viêm, tê, sưng khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn.
Duy trì chế độ tập luyện
Duy trì tập luyện thể thao hàng ngày là một cách quan trọng để giúp cho xương khớp trở nên dẻo dai, linh hoạt, tránh được các tình trạng cứng khớp, viêm khớp hoặc thoái hóa khớp sớm. Các bài tập như bơi lội, đạp xe, chạy bộ, tập yoga, … sẽ giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn đối với các tác nhân gây bệnh. Theo các chuyên gia, việc tập luyện đều đặn với một mức độ hợp lý không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp cơ thể dẻo dai hơn đồng thời tăng cường được sức mạnh của cơ khớp gối.
Tuy nhiên, đối với những người đã bị bệnh thì câu hỏi đặt ra là liệu tập luyện có tốt không? Có ảnh hưởng gì đến tình trạng bệnh không? Theo các nhà khoa học, việc tập luyện các bài tập như yoga, đạp xe, đi bộ, các động tác thể dục, … có thể giúp làm chậm được quá trình thoái hóa của khớp gối. Tuy nhiên, người bệnh cần tập luyện nhẹ nhàng, vừa phải, tránh tập luyện quá sức hoặc các động tác mạnh. Trong trường hợp cảm thấy cơn đau khớp trầm trọng hơn thì cần giảm thời gian tập luyện hoặc ngừng hẳn các bài tập.
Như vậy, mỗi chúng ta cần xây dựng cho mình một chế độ luyện tập hợp lý, một mặt để nâng cao sức khỏe cho bản thân, một mặt giúp phòng ngừa các bệnh về cơ xương khớp, đặc biệt là bệnh thoái hóa khớp gối.
Một số câu hỏi liên quan đến thoái hóa khớp gối
Người thoái hóa khớp gối có nên tập thể thao không? Có nên chạy bộ không? Có nên đạp xe không?
Tập luyện được xem như là một hình thức cải thiện sức khỏe và các bệnh lý về xương khớp hiệu quả nhất. Chế độ tập luyện đều đặn mỗi ngày giúp cho ổ khớp dẻo dai, linh hoạt đồng thời nâng cao sức đề kháng và làm chậm quá trình lão hóa. Tuy nhiên, khi bị thoái hóa khớp gối, nhiều người lo ngại tập luyện sẽ làm khớp gối bị tổn thương, trở nên sưng tấy hoặc bệnh thoái hóa sẽ diễn biến xấu hơn. Theo các chuyên gia, hoạt động thể chất vừa phải với mức độ hợp lý có thể giúp người thoái hóa khớp gối cải thiện tình trạng bệnh. Do đó, khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể tập luyện thể dục bình thường. Và nên tập các bài tập nhẹ nhàng đều đặn, tránh các động tác mạnh.
Tuy nhiên, các bài tập thể dục đặc biệt là chạy bộ và đạp xe – hai bộ môn đòi hỏi xương đầu gối phải hoạt động liên tục, liệu có làm cho tình trạng bệnh trở nên xấu hơn nếu bệnh nhân thoái hóa khớp gối áp dụng luyện tập? Theo các chuyên gia về Cơ xương khớp, chạy bộ và đạp xe là hai bộ môn thể thao phổ biến, dễ thực hiện đối với tất cả mọi người, đặc biệt là có thể dễ dàng điều chỉnh cường độ theo tình trạng sức khỏe của mỗi người. Do đó, người có khớp gối bị thoái hóa vẫn có thể chọn chạy bộ hoặc đạp xe với mức độ nhẹ, cường độ vừa phải để cải thiện tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên chạy bộ hoặc đạp xe khi ổ khớp đã trở nên ổn định, không luyện tập bất kỳ bài tập nào kể cả chạy bộ hoặc đạp xe trong tình trạng khớp gối vẫn còn hiện tượng sưng, viêm, đau nhức. Trong trường hợp này, tốt nhất bệnh nhân nên nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian, sau khi các tình trạng của thoái hóa khớp đã thuyên giảm thì mới nên bắt đầu luyện tập lại.
Người bị thoái hóa khớp gối có nên tập yoga không?
Cũng giống như chạy bộ và đạp xe, Yoga là một bộ môn có tác dụng tốt cho sức khỏe, tăng tính dẻo dai, linh hoạt cho cơ thể. Yoga là một bộ môn tập luyện nhẹ nhàng đem lại nhiều tác dụng tốt cho người tập luyện, đặc biệt thích hợp với các bệnh nhân thoái hóa khớp gối – là đối tượng cần hạn chế các vận động và động tác mạnh. Mặc dù Yoga cũng có một số động tác sử dụng cơ, dây chằng và khớp rất căng, rất mạnh nhưng người bệnh hoàn toàn có thể chọn cho mình một hệ thống bài tập phù hợp nhất với tình trạng bệnh hiện có.
Như vậy, bệnh nhân có thể lựa chọn Yoga như là một phương pháp tăng cường sự dẻo dai, hạn chế sự lão hóa của khớp gối mà không cần quá lo lắng về việc nó có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, trước khi tập luyện, người bệnh vẫn nên tham khảo trước ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Không nên tự ý tập luyện mà không có sự chỉ dẫn vì có thể tập sai động tác, tư thế dẫn đến tình trạng bệnh có thể trở nên xấu đi.
Người trẻ tuổi có thể bị thoái hóa khớp gối không? Các biện pháp phòng ngừa là gì?
Thoái hóa khớp gối được coi như là một căn bệnh của tuổi già. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do các dị dạng bẩm sinh hoặc các chấn thương ở khớp gối. Nhiều người trẻ tuổi phải vận động nhiều và mạnh hoặc không may gặp phải tai nạn trong quá trình sinh sống và làm việc đã dẫn đến những tổn thương liên quan đến khớp gối. Đây được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi.
Mặt khác, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều công việc đã thay dần sức lao động của con người bằng máy móc, điều này trở thành một cơ sở để giới trẻ ngày càng vận động ít hơn, nhất là những người làm công việc văn phòng. Những người này thường giữ nguyên một tư thế trong quá trình làm việc hoặc hành động mang tính lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Điều này cộng với thói quen lười vận động của người trẻ tuổi không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ cơ xương khớp, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình lão hóa ở các ổ khớp. Trong đó, thoái hóa ở ổ khớp gối thường rất phổ biến vì ổ khớp này luôn phải chịu căng một tư thế trong thời gian dài.
Việc lười vận động cộng với chế độ ăn uống không hợp lý đã tăng tỷ lệ người mắc bệnh béo phì ở giới trẻ hiện nay. Thói quen ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp hoặc uống nhiều loại nước ngọt có ga đã làm cho nhiều người trẻ tuổi không thể kiểm soát được cân nặng mà ngày càng béo lên. Việc trọng lượng cơ thể đặc biệt là tỷ lệ mỡ tăng lên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn gây thêm áp lực cho đầu gối. Điều này nếu duy trì trong thời gian dài sẽ làm cho khớp gối của con người dù là người trẻ tuổi bị thoái hóa nhanh chóng, bởi lớp sụn bị bào mòn nhanh mà khả năng hồi phục lại bị giảm đi. Đây chính là nguyên nhân quan trọng trong việc khởi động tình trạng thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, chế độ ăn không hợp lý và lối sống không lành mạnh cũng là những nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi. Đa số người trẻ tuổi thường ăn uống rất cẩu thả, thiếu chất kết hợp với việc thường thức khuya, ngủ không đủ giấc, lạm dụng rượu bia, nước ngọt có ga. Trong khi đó, để đảm bảo cho sự tái tạo và hồi phục của sụn và cơ xương khớp, thì chúng ta phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất là vitamin D và canxi. Do đó, sự thoái hóa ở khớp gối có cơ hội phát triển nhanh chóng hơn bình thường ở những người trẻ tuổi có lối sống không lành mạnh.
Ngoài ra, sự thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi còn được kích hoạt bởi sự vận động sai cách. Nhiều người trẻ tuổi vì một lý do nào đó mà rèn luyện thể thao quá thường xuyên với cường độ lớn. Điều này làm cho lớp sụn bị bào mòn nhanh hơn, lớp sụn tái tạo không kịp bổ sung, hỗ trợ dẫn đến khớp gối dễ bị tổn thương hơn.
Vậy cần làm gì để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối đối với người trẻ tuổi? Ở giới trẻ, quá trình tái tạo sụn và xương khớp thường diễn ra nhanh, do đó chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng việc nâng cao nhận thức hơn về căn bệnh thoái hóa khớp gối. Cùng với đó là quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống và chế độ sinh hoạt hằng ngày. Người trẻ tuổi cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, bữa ăn hằng ngày nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhất là bổ sung vitamin D và canxi; đồng thời xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, không nên thức quá khuya, hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Rèn luyện thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày với cường độ hợp lý nhưng cần cẩn trọng hơn trong lao động, rèn luyện hay tham gia giao thông để tránh nguy cơ bị tai nạn, gây tổn thương đến cơ khớp. Giới trẻ cần kiểm soát cân nặng ở mức độ vừa phải, nếu bị thừa cân hoặc béo phì thì nên thực hiện các liệu pháp để giảm cân.
Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý xương khớp xảy ra âm thầm và diễn biến trong một khoảng thời gian dài. Bạn sẽ không thể biết được mình có bị bệnh hay không cho đến khi có những triệu chứng rõ rệt. Do đó, chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi cần nâng cao hiểu biết hơn về căn bệnh và thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc bệnh.
thoai hoa khop goi tu chua o nha co khoi khong vay?