Xuất huyết não: nguyên nhân, biến chứng nguy hiểm & chi phí mổ

Đánh giá post

Xuất huyết não có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và để lại di chứng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.Qua bài viết dưới đây, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về bệnh xuất huyết não.

Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết là chảy máu. Xuất huyết não là hiện tượng máu từ các mạch máu vỡ ra tràn ra các mô não. Não là một cơ quan quan trọng nhất của con người, nhưng đồng thời nó cũng dễ bị tổn thương nhất. Bình thường, các mô não không có máu mà có dịch não, giúp trao đổi O2, khi máu tràn vào mô, sẽ làm các mô não nhanh chóng bị tổn thương. Máu tràn vào mô não cũng gây phù não, làm cho các tế bào não ngập trong môi trường ưu trương dẫn tới nước bị kéo ra ngoài dẫn tới phù não, máu tụ lại thành khối gọi là tụ máu. Phù làm tăng áp lực đến các vùng khác của não, làm cho vùng xung quanh tổn thương và dẫn tới chết các tế bào não.

Bệnh xuất huyết não có nguy hiểm không?

Xuất huyết não là một bệnh vô cùng nguy hiểm. Hay nó còn được gọi là đột quỵ. Nghiêm trọng hơn, đây là loại đột quỵ nguy hiểm nhất do có tỉ lệ tử vong rất cao hoặc để lại di chứng nghiêm trọng, nặng nề.

Tình trạng của bệnh xuất huyết não phụ thuộc vào vị trí, kích thước của khối máu tụ.

Xuất huyết não ở thể nhẹ sẽ có biểu hiện rối loạn ngôn ngữ. Rối loạn ngôn ngữ thường gặp là giảm các khả năng nghe, nói, viết, đọc, hiểu. Triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Nhưng nếu phát hiện ra dấu hiệu này, bạn cần phải thật chú ý và đi khám bác sĩ ngay để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Xuất huyết não ở thể nặng thường làm cho người bệnh tử vong nhanh chóng, không kịp cứu chữa hoặc sẽ gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng không hồi phục như mất khả năng nhận thức, giao tiếp, thậm chí trở thành người thực vật suốt đời.

Như vậy, xuất huyết não vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, mọi người cần phải nhận thức rõ bệnh để có thể phòng tránh nó.

Nguyên nhân gây xuất huyết não

Xuất huyết não là sự chảy máu từ các mạch máu ra mô não. Như vậy, mọi nguyên nhân dẫn tới những tổn thương cho mạch máu não làm cho mạch máu não vỡ ra đều là nguyên nhân gây xuất huyết não.

Mạch máu não vỡ ra là nguyên nhân gây xuất huyết não
Mạch máu não vỡ ra là nguyên nhân gây xuất huyết não

Thứ nhất, do phần đầu gặp chấn thương nghiêm trọng ví dụ như tai nạn xe, ngã cầu thang, đầu bị va đập mạnh. Vì vậy, xuất huyết não không chỉ gặp ở những người già mà đây còn là nguyên nhân dẫn tới nhiều người trẻ bị xuất huyết não.

Thứ hai, do tăng huyết áp. Tăng huyết áp là tình trạng tăng áp lực của dòng máu lên thành mạch. Ở mạch máu não, tăng huyết áp làm cho áp lực trong dòng máu lớn, tác động lên thành mạch làm thành mạch dẫn ra, phải chịu lực lớn hơn, thành mạch mỏng đi nên dễ có nguy cơ bị vỡ mạch, làm máu tràn ra ngoài dẫn tới xuất huyết não.

Tham khảo thêm: Bệnh tăng huyết áp: Nguyên nhân, Triệu chứng, Điều trị và Phòng tránh

Thứ ba, do có những bất thường về cấu trúc của mạch máu não do bẩm sinh, hay còn gọi là dị dạng mạch não. Dị dạng mạch máu làm mạch máu có cấu trúc bất thường, không trơn nhẵn, co dãn như bình thường, mạch máu dễ biến dạng và dễ vỡ hơn. Do đây là yếu tố bẩm sinh nên trẻ nhỏ cũng có nguy cơ xuất huyết não, nhưng bệnh bẩm sinh này chỉ có thể phát hiện khi có những triệu chứng biểu hiện.

Thứ tư, các rối loạn đông máu. Các rối loạn đông máu làm cho số lượng tiểu cầu cũng như yếu tố đông máu giảm thấp hơn người bình thường. Vì vậy, ở những người có rối loạn đông máu sẽ dễ bị chảy máu, nếu bị nặng xuất huyết xảy ra khắp cơ thể máu từ mạch máu sẽ dễ rò rỉ ra ngoài qua thành mạch, làm máu chảy ra mô não, dẫn tới xuất huyết não. Các rối loạn đông máu có thể bẩm sinh hay mắc phải, các bệnh rối loạn đông máu như Hemophilia.

Tham khảo thêm: Quá trình hình thành huyết khối và sự thuyên tắc – BS Lê Bảo Trung

Thứ năm, các bệnh về gan như suy gan xơ gan. Do gan là nơi sản xuất, tổng hợp ra các yếu tố đông máu. Khi gan có những tổn thương các chức năng này sẽ suy giảm, dẫn tới giảm yếu tố đông máu, máu dễ bị chảy ra khỏi lòng mạch dẫn tới xuất huyết não. Vì vậy, những người mắc bệnh gan cũng cần lưu ý.

Thứ sáu, bệnh phình động mạch. Phình động mạch làm động mạch dãn rộng ra và dễ vỡ hơn.

Thứ bảy, u não. U não làm chiếm chỗ, chèn ép lên các mạch máu não làm mạch máu não tắc nghẽn và dễ bị vỡ ra.

Thứ tám, bệnh xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm cho mạch máu trở nên xơ cứng, tắc hẹp lại, kém co giãn đàn hồi dẫn đến vỡ mạch máu.

Đối tượng nguy cơ của bệnh xuất huyết não

Đối tượng nguy cơ của bệnh xuất huyết não
Đối tượng nguy cơ của bệnh xuất huyết não

Nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết não rất nhiều nên đối tượng nguy cơ của bệnh xuất huyết não cũng rất rộng, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Xuất huyết não thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới.

Những người ăn nhiều đồ dầu mỡ, nhiều cholesterol, người béo phì có nguy cơ xơ vữa động mạch nên có nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não.

Người già thành mạch bào mòn, suy yếu nên mạch máu dễ vỡ cùng với nhiều bệnh lý nền nên là đối tượng có nguy cơ xuất huyết não cao.

Người có huyết áp cao.

Người có những dấu hiệu xuất huyết toàn thân, xuất hiện các vết đỏ trên da, mắc các rối loạn đông máu.

Người có bệnh gan như suy gan, xơ gan,…

Người phải làm việc dưới trời nắng trong thời gian dài.

Người có các vấn đề về tim mạch.

Người trẻ tuổi hoặc ở độ tuổi trung niên cũng là đối tượng mắc cao.

Triệu chứng của xuất huyết não

Xuất huyết não có thể không có triệu chứng gì, xảy ra đột ngột và vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, đôi khi cũng có những dấu hiệu báo trước nên mọi người cần chú ý những triệu chứng này:

  • Đau đầu dữ dội và đột ngột, có thể ngã khụy xuống, mất phương hướng.
  • Dấu hiệu yếu một bên cơ thể như tê yếu một bên tay hoặc một bên chân, hoặc liệt nửa người.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn vận động như mất thăng bằng, khó đi lại, khó phối hợp nhiều động tác, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.
  • Rối loạn ý thức như chóng mặt, lơ mơ, mê sảng, lú lẫn, hôn mê.
  • Rối loạn ngôn ngữ như khó khăn trong giao tiếp nói chuyện, khó nói ra, khó hiểu lời nói, khó viết,…
  • Rối loạn thị giác, giảm tầm nhìn của một hoặc cả hai mắt.
  • Cơ thể vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở nhanh, loạn nhịp, chân tay run.

Khi có những dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề.

Biến chứng thường gặp của xuất huyết não

Xuất huyết não để lại nhiều biến chứng khác nhau từ mức độ nhẹ đến nặng, các rối loạn về các chức năng của cơ thể sau khi bị xuất huyết não như:

Biến chứng liệt nửa người

Biến chứng liệt nửa người
Biến chứng liệt nửa người

Do não bị tổn thương dẫn tới tổn thương thần kinh cũng như dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Làm cho não mất khả năng điều khiển thu nhận tín hiệu của một nửa cơ thể. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh, làm người bệnh khó làm chủ cuộc sống của mình.

Biến chứng rối loạn ngôn ngữ

Vùng điều khiển nhận thức về ngôn ngữ nằm ở vỏ não, và rất dễ bị tổn thương. Khi vùng này tổn thương sẽ làm giảm hoặc mất khả năng ngôn ngữ của con người như nghe, nói, đọc, viết, người bệnh khó hiểu được lời nói của người khác, cũng như khó nói ra, khó viết thành chữ.

Biến chứng về tâm lý

Do gặp những chấn động mạnh về tinh thần nên người bệnh có cảm xúc tiêu cực, thường xuyên cảm thấy buồn bã, cô đơn, cảm thấy bản thân vô dụng hay phải dựa dẫm vào người khác.

Biến chứng rối loạn nhận thức

Trí nhớ bệnh nhân giảm sút, khả năng nhận thức phản ứng với các vấn đề xung quanh giảm, mơ hồ, lú lẫn và có thể hôn mê.

Biến chứng về hô hấp

Biến chứng về hô hấp
Biến chứng về hô hấp

chức năng hô hấp bị rối loạn, rối loạn các động tác thở ra hít vào mà bình thường là tự nhiên, người bệnh có thể bị sặc, tụt lưỡi, khó thở, suy hô hấp.

Biến chứng rối loạn động tác nuốt

Người bệnh bị khó nhai, khó nuốt thức ăn hay nước uống dẫn tới dễ sặc.

Rối loạn vận động

Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ, khó giữ thăng bằng, chóng mặt hoa mặt, khó đi lại được.

Chẩn đoán xuất huyết não

Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng dựa vào các biểu hiện triệu chứng như đau đầu dữ dội đột ngột, buồn nôn, nôn, suy giảm ý thức, co giật, hôn mê.

Trạng thái ý thức, kiểu thở là một trong những dấu hiệu chẩn đoán quan trọng. Tùy thuộc vị trí não bị tổn thương mà bệnh nhân có biểu hiện cũng như kiểu thở khác nhau. Bệnh nhân có thể có kiểu thở Cheyne-Stokes, có lúc thở nhanh và nông, có lúc lại thở rất sâu và ngừng thở khi bị xuất huyết não lớn, làm tổn thương trung tâm hô hấp. Kiểu thở sâu, loạn nhịp khi xuất huyết não ở các thể nhân, hoặc bệnh nhân có thể thở bình thường khi tổn thương não ở vùng tiểu não.

Khám đồng tử

Để kiểm tra ý thức cũng như các phản xạ của cơ thể bằng việc khám đồng tử về sự co giãn đồng tử cũng như màu sắc. Từ đó, giúp xác định được mức độ cũng như vị trí tổn thương ở não. Nếu khám thấy đồng tử cố định có thể xác định vùng tổn thương xuất huyết ở cầu não.

Xuất huyết ở các thể nhân sẽ khám thấy đồng tử giãn. Đồng tử co, không đều giữa hai bên hoặc đáp ứng chậm với kích thích có thể chẩn đoán vị trí tổn thương ở vùng dưới đồi.

Tuy nhiên các chẩn đoán trên không thể phân biệt xuất huyết não và thiếu máu não cục bộ nên cần làm thêm chẩn đoán xác định bằng hình ảnh phim chụp.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm các xét nghiệm như:

Chụp cắt lớp sọ não
Chụp cắt lớp sọ não
  • Chụp cắt lớp sọ não
  • Xét nghiệm máu, công thức máu
  • Xét nghiệm đánh giá nồng độ các yếu tố đông máu, tiểu cầu để xác định nguyên nhân có phải do các rối loạn đông máu hay không.
  • Xét nghiệm nồng độ thuốc kích thích giao cảm để xác định bệnh nhân có sử dụng các chất kích thích hay thuốc cường giao cảm hay không. Do thuốc cường giao cảm làm tim đập nhanh hơn, tăng huyết áp, đồng thời trong xuất huyết não nó còn làm rối loạn nhịp tim.

Chẩn đoán này có độ chính xác cao, cho thấy hình ảnh các tổn thương dù là rất nhỏ.

Chẩn đoán xác định

Làm chẩn đoán xác định giúp xác định chính xác bệnh có phải là xuất huyết não hay không, loại bỏ các trường hợp có dấu hiệu triệu chứng tương tự mà các chẩn đoán trên không phân biệt được như đột quỵ nhồi máu não, đột quỵ do thiếu máu cục bộ,…

Chẩn đoán xác định cần thiết là chụp CT và MRI. Đây là các công nghệ hiện đại với độ chính xác cao, cho hình ảnh tổn thương và xác định được vị trí tổn thương.

Điều trị xuất huyết não

Xuất huyết não rất nguy hiểm nên cần được xác định sớm điều trị đúng cách và kịp thời.

Cách tiến hành điều trị đối với mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau phụ thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, sức khỏe thể trạng của bệnh nhân.

Điều trị xuất huyết não cũng rất phức tạp, có thể cần phối hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa, tức là điều trị bằng thuốc kết hợp với can thiệp phẫu thuật.

Mục tiêu điều trị hướng đến là kiểm soát đường thở, đường máu, triệu chứng sốt, vận động phục hồi chức năng, kiểm soát đông máu, áp lực nội sọ, huyết áp, nhịp tim.

Các thuốc có thể được dùng như thuốc ổn định huyết áp, ổn định nhịp tim, ngăn chảy máu não, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau,… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không được tùy tiện mà phải sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

Các phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định với từng trường hợp cụ thể như bệnh nhân xuất huyết nặng cần hút máu cầm máu cấp cứu khẩn cấp.

Điều trị vật lý trị liệu
Điều trị vật lý trị liệu

Ngoài ra, còn có điều trị lâu dài như vật lý trị liệu giúp hồi phục chức năng sau tổn thương não như tập đi lại, nói chuyện,…

Phòng tránh xuất huyết não

Để phòng tránh xuất huyết não, bạn cần bảo vệ hệ mạch máu của cơ thể để chúng không bị xơ hóa, tắc nghẽn hay sớm lão hóa. Biết được cơ chế bạn có thể tự mình phòng tránh bệnh xuất huyết não qua việc thay đổi chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống hợp lý và khoa học như sau:

Bạn cần ăn nhiều hoa quả, rau xanh, ăn đủ chất dinh dưỡng. Bạn nên hạn chế ăn đồ ăn nhiều chất béo, nhiều cholesterol vì nó sẽ khiến mạch máu của bạn dễ bị xơ vữa.

Hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá cũng như các chất kích thích khác.

Chế độ ăn ít muối sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tăng huyết áp.

Bạn cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn để cơ thể khỏe mạnh và có một trái tim khỏe cũng như một trí não tốt.

Đi ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng stress sẽ giúp não bạn hoạt động tốt hơn.

Tham khảo thêm: Stress là gì? Nguyên nhân gây stress và cách điều trị hiệu quả

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra những bất thường trong cơ thể.

Bạn nên giữ an toàn, bảo vệ cho đầu khi tham gia giao thông bằng việc tự giác đội mũ bảo hiểm hay thắt dây an toàn.

Cách chăm sóc bệnh nhân sau xuất huyết não

Đi ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng stress
Đi ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng stress

Khi chăm sóc bệnh nhân sau xuất huyết não, cần chú ý những điểm sau:

Vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh, tránh để nhiễm trùng, nấm dẫn tới lở loét và nhiễm trùng thứ phát khác.

DO sau xuất huyết não, bệnh nhân đi lại khó khăn, ít vận động nên cần xoa bóp thường xuyên để giúp bệnh nhân lưu thông máu tốt.

Nói chuyện với bệnh nhân để giúp bệnh nhân hồi phục ý thức tốt hơn cũng như phục hồi các chức năng ngôn ngữ, tránh những suy nghĩ tiêu cực cho bệnh nhân.

Đảm bảo bệnh nhân uống thuốc đúng liều, đúng giờ.

Chú ý chế độ ăn của bệnh nhân, chế độ ăn nhạt ít muối để tránh tăng huyết áp, chế độ ăn ít chất béo, cholesterol tránh mỡ máu, ăn nhiều rau xanh để tránh bị táo bón.

Giữ ấm cho bệnh nhân trong thời tiết trở lạnh, hay chú ý lúc thời tiết trở trời.

Tránh những va chạm, chấn động mạnh với bệnh nhân.

Một số câu hỏi thường gặp

Xuất huyết não khi nào cần gặp bác sĩ?

Xuất huyết não khi nào cần gặp bác sĩ?
Xuất huyết não khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có các biểu hiện như đau đầu dữ dội, nói không rõ ràng, khó nói, các rối loạn vận động như mất tự chủ trong đại tiện, tiểu tiện, khó đi lại, mất thăng bằng; các rối loạn về ý thức như hay quên, lơ mơ, chóng mặt, không tỉnh táo, mê sảng, hôn mê; tay chân tê bì một bên; buồn nôn, nôn bạn cần ngay lập tức tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xuất huyết não có tự khỏi được không?

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nhân. Nếu xuất huyết nhẹ, sau điều trị bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp xuất huyết não có nguy cơ tử vong cao hoặc chịu những tổn thương không phục hồi. Vì vậy, có thể nói xuất huyết não là một bệnh nguy hiểm, không tự hồi phục được. Nên nếu phát hiện ra những dấu hiệu xuất huyết não, bạn cần đặc biệt lưu ý để tới thăm khám bác sĩ.

Chi phí mổ xuất huyết não

Mổ xuất huyết não được thực hiện trong một số trường hợp chỉ định của bác sĩ tùy thuộc mức độ tổn thương và vị trí tổn thương. Hầu như, các trường hợp cần mổ đều là những trường hợp nặng, có nguy cơ tử vong cao nếu không mổ. Tuy nhiên việc phẫu thuật này đòi hiểu kĩ thuật cùng độ chính xác cao nên chi phí phẫu thuật rất đắt.

Xuất huyết não có tái phát không?

Xuất huyết não có tái phát không?
Xuất huyết não có tái phát không?

Xuất huyết não có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu không được điều trị đúng cách, không giữ gìn chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ cũng như không sử dụng thuốc đúng theo đơn kê của bác sĩ. Hoặc có thể tái phát nếu gặp chuyện quá xúc động hoặc chấn thương mạnh.

Qua bài viết trên chúng tôi hi vọng bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn về xuất huyết não, đây là một bệnh nguy hiểm và khi đã xảy ra sẽ để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, hi vọng các bạn sẽ giữ cho mình một thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ để có một sức khỏe tốt, phòng ngừa nguy cơ xuất huyết não.

Ngày viết:
Tôi là Dược sĩ Lộc, tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội (Hanoi University of Pharmacy) - Một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành Y tế Việt Nam. Với sứ mệnh đem đến những thông tin sức khỏe khoa học nhất, thông qua những bài viết được đăng trên Tạp chí sức khỏe Heal Central (Health Education Assets Library) tôi mong muốn tất cả mọi người đều có thể trang bị những kiến thức cơ bản về y học - cách sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây