Bệnh nhịp tim chậm: Triệu chứng, Xử trí và Chế độ ăn hàng ngày

5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh nhịp tim chậm là gì?

Bệnh nhịp tim chậm là hiện tượng nhịp tim trong một phút dưới 60 lần, có thể do tình trạng sinh lý và bệnh lý của bệnh nhân. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ có nhịp tim nhanh hơn bình thường, khoảng 120 cho đến 160 lần trên phút. Trường hợp nhịp tim của trẻ dưới 100 lần trên phút cũng được coi là chậm nhịp tim ở trẻ.

Bộ phận tim trong cơ thể người được hoạt động nhờ có hệ thống phát nhịp và dẫn nhịp bao gồm nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, thân bó His, nhánh His trái và phải, mạng Purkinje. Ngoài ra, nhịp tim còn được kích hoạt nhờ các xung điện được lan truyền qua sợi gửi. Một người trưởng thành khỏe mạnh có nhịp tim khoảng 60 cho đến 100 lần trên phút.

Bệnh nhịp tim chậm gây nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động sinh lý trong cơ thể: giảm lưu lượng máu tới tim, giảm khả năng tưới máu tới các cơ quan, giảm khả năng đưa máu lên não, gây tình trạng mệt mỏi kéo dài, gây suy tim, và có thể dẫn tới tử vong. Do vậy hiểu rõ về bệnh nhịp tim chậm là lợi thế của mỗi bệnh nhân để bảo vệ tính mạng của chính mình.

Nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm

Qua nghiên cứu, các y bác sĩ nhận thấy rằng bệnh nhịp tim chậm có nhiều nguyên nhân phức tạp đan xen lẫn nhau, chủ yếu gồm hai vấn đề là do sinh lý của bệnh nhân hoặc bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải.

  • Nguyên nhân do sinh lý: nhịp tim chậm thường được ghi nhận ở những vận động viên hoặc những người tập luyện thể thao cường độ cao để thi đấu.
  • Nguyên nhân do bệnh lý: Bệnh nhân mắc một số bệnh lý sau có thể dẫn tới nhịp tim chậm: thiếu máu cục bộ, bệnh tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, suy cơ tim, viêm cơ tim, rối loạn tim mạch, thoái hóa bao myelin ở sợi thần kinh, cường phế vị, rối loạn chuyển hóa, suy tuyến giáp, thoái hóa mô tim, đái tháo đường, cao huyết áp, biến chứng sau phẫu thuật tim.
Nhịp tim chậm có thể do sinh lý hay bệnh lý
Nhịp tim chậm có thể do sinh lý hay bệnh lý

Một số nguyên nhân khác cũng dẫn tới chậm nhịp tim: giảm thân nhiệt đột ngột; giảm lượng oxy trong máu, dẫn tới không cung cấp đủ oxy cho tim; người gặp tình trạng ngộ độc thức ăn, thảo dược; sử dụng các thuốc điều trị bệnh tim.

Xem thêm: Bệnh suy tim: Nguyên nhân, Triệu chứng, Biến chứng, Cách điều trị

Cơ chế làm chậm nhịp tim

  • Thứ nhất, nút xoang gặp vấn đề (rối loạn chức năng nút xoang) và phóng ra các xung động điện chậm hơn so với mức bình thường hoặc không tạo ra được các xung động đó, từ đó không tạo được nhịp đập của tim.
  • Thứ hai, các tín hiệu điện từ tâm nhĩ không truyền tới tâm thất cũng là một trong những cơ chế dẫn tới tình trạng chậm nhịp tim, hiện tượng này hay còn gọi là block nhĩ thất. Block nhĩ thất hiện này được phân loại thành 3 mức khác nhau dựa trên tình trạng tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn: Block nhĩ thất độ 1 ( ắc nghẽn một phần nhỏ, xung điện vẫn có khả năng truyền qua để tới tâm thất nhưng với vận tốc chậm), block nhĩ thất độ 2, block nhĩ thất độ 3 (tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, tín hiệu điện không thể được truyền tới tâm thất).
  • Thứ ba, một số rối loạn chuyển hóa gây chậm nhịp tim: rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa kali trong cơ thể, tình trạng toan máu.
  • Thứ tư, các bệnh lý tim mạch gây tổn thương tới các cơ tim và các mô tim, làm suy giảm chức năng của tim, từ đó tim không còn đủ khả năng đề kháng với các tác nhân khác. Sự tổn thương tim sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm hệ thống phát nhịp và dẫn nhịp, giảm lưu lượng máu tới tim, giảm lưu lượng máu tới các cơ quan.

Thứ năm, các thuốc tim mạch ảnh hưởng trực tiếp trên các thụ thể, ức chế hoặc kích thích sự hoạt động của cơ tim.

Triệu chứng

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị nhịp tim chậm:

  • Mệt mỏi toàn thân, đặc biệt khi gắng sức.
  • Tác động xấu tới hệ thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, ngất, bất tỉnh, yếu sức, suy giảm trí nhớ, mất ý thức, đau mỏi toàn thân, suy giảm thị lực, da niêm mạc xanh nhợt nhạt.
  • Khó thở, đau ngực, khó ngủ.
  • Trong trường hợp bạn gặp phải các triệu chứng trên thì nên tới các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị kịp thời.
Nhịp tim chậm gây ra mệt mỏi toàn thân
Nhịp tim chậm gây ra mệt mỏi toàn thân

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhịp tim chậm

  • Người cao tuổi (đối tượng trên 65 tuổi) là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhịp tim chậm do chức năng của tim tại thời điểm này đã suy yếu.
  • Người mắc bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp mạn tính, tăng nồng độ cholesterol trong máu.
  • Người thường xuyên sử dụng các thuốc tim mạch digoxin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc điều trị cao huyết áp.
  • Người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng các chất kích thích.
  • Người thường xuyên bị stress, căng thẳng lo âu kéo dài.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh nhịp tim chậm

Nền y học hiện nay ngày càng phát triển, càng có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán bệnh chậm nhịp tim:

  • Phương pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất hiện nay là điện tâm đồ. Đây gần như là một phương pháp bắt buộc làm đối với mọi bệnh nhân bị bệnh tim. Qua điện tâm đồ có thể xác định được sự hoạt động của tim, tần số tim, phát hiện các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ, dấu hiệu ngộ độc khi sử dụng thuốc digoxin.
  • Holter điện tim: phương pháp này được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán vấn đề rối loạn tim mạch. Holter điện tim là phương pháp theo dõi tim trong một khoảng thời gian nhất định, từ 24 cho đến 48 giờ, cho biết các thông số tần số tim, mức độ nhanh chậm tần số, số lượng các rối loạn nhịp tim trong 1 đơn vị thời gian.
  • Siêu âm tim: đây là phương pháp dùng để theo dõi nhịp tim, cấu trúc tim, kích thước tim và phát hiện các bệnh lý liên quan tới tim. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để đánh giá bệnh nhân có bị bệnh tim thiếu máu cục bộ hay không.
Siêu âm tim chẩn đoán nhịp tim chậm
Siêu âm tim chẩn đoán nhịp tim chậm
  • Máy ghi nhận triệu chứng: phát hiện triệu chứng bất thường trong quá trình hoạt động của tim, sử dụng từ 3 cho đến 4 tuần liên tục.
  • Ngoài ra có thể thực hiện một số thực nghiệm và xét nghiệm khác: thực nghiệm bàn nghiêng, thực nghiệm gắng sức, xét nghiệm máu.
  • Thực nghiệm bàn nghiêng: bệnh nhân được cố định nằm ngửa trên một thiết bị có thể thay đổi độ dốc và tư thế, mục đích nhằm xác định hoạt động của tim có bị ảnh hưởng nhiều khi thay đổi tư thế hay không.
  • Thực nghiệm gắng sức: bệnh nhân được vận động theo yêu cầu của bác sĩ (đi bộ, đạp xe) để xác định hoạt động của tim có đáp ứng được nhu cầu của cơ thể khi vận động không.
  • Xét nghiệm máu: phát hiện các chỉ số bất thường nếu có.

Các biện pháp điều trị bệnh nhịp tim chậm

Tùy thuộc vào mức độ bệnh nhịp tim chậm và đề kháng của bệnh nhân mà lựa chọn một phương pháp điều trị thích hợp:

Phương pháp điều trị dùng thuốc:

  • Sử dụng các thuốc phối hợp điều trị triệu chứng.
  • Kiểm tra các thuốc đã và đang sử dụng (thuốc tim mạch, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc điều trị cao huyết áp). Thay thế hoặc điều chỉnh liều thuốc để cải thiện tình trạng chậm nhịp tim.

Điều trị các bệnh lý nền của bệnh nhân: Các bệnh lý là nguyên nhân gây chậm nhịp tim cần được điều trị để tránh gây tổn thương tới tim, đồng thời cải thiện nhịp tim.

Sử dụng máy tạo nhịp nhân tạo:  Đối với bệnh nhân chậm nhịp tim mức độ nghiêm trọng cần phối hợp sử dụng máy tạo nhịp nhân tạo để hoạt động của tim đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cơ thể và duy trì nhịp tim thích hợp.

Bên cạnh các phương pháp trên, cần phối hợp chặt chẽ với phương pháp điều trị không dùng thuốc để nâng cao sức khỏe của bản thân: duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng rượu bia thuốc lá.

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Nhịp tim chậm gây ra tình trạng suy giảm lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, gây tác động sống tới chất lượng cuộc sống như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ngất. Căn bệnh này kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy tim, ở mức độ nặng có thể khiến tim ngừng đập và đe dọa tới tính mạng. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nên cần được chú ý để phát hiện và theo dõi kịp thời.

Bệnh nhịp tim chậm có thể điều trị khỏi không?

Biến chứng của nhịp tim chậm gây ra ở từng bệnh nhân là khác nhau, có thể có hoặc không có, một số biến chứng đã được ghi nhận gồm có thường xuyên ngất xỉu, suy tim mức độ nặng, đột tử.

Do vậy vấn đề điều trị bệnh nhịp tim chậm cần thực hiện càng sớm càng tốt, để tránh các biến chứng xấu xảy ra. Bệnh nhịp tim chậm hiện nay có thể kiểm soát và chữa trị được. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có chữa được hoàn toàn hay không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia điều trị, tình trạng nghiêm trọng của bệnh lý, sức đề kháng của bệnh nhân.

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, bệnh nhân có thể yên tâm về việc kiểm soát bệnh chậm nhịp tim, giảm thiểu mức ảnh hưởng đến các hoạt động sống, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham khảo: Bệnh tăng huyết áp: Nguyên nhân, Triệu chứng, Điều trị và Phòng tránh

Phòng ngừa bệnh nhịp tim chậm

  • Nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của bản thân và duy trì các thói quen tốt trong cuộc sống là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh nhịp tim chậm:
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng, hạn chế sử dụng nhiều muối, hạn chế sử dụng mỡ động vật (nên thay thế bằng mỡ thực vật), bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho tim mạch và hoa quả, ăn nhiều rau xanh và trái cây, sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt, không sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ (để tránh tình trạng cholesterol máu tăng cao); kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe, cường độ tập luyện phù hợp với sức khỏe của bản thân, mỗi ngày 30 phút, mỗi tuần ít nhất 5 buổi. Tránh vận động gắng sức, khi có dấu hiệu mệt mỏi thì nên lập tức nghỉ ngơi.
Bệnh nhân nhịp tim chậm cần tập luyện với cường độ phù hợp
Bệnh nhân nhịp tim chậm cần tập luyện với cường độ phù hợp
  • Duy trì thói quen tốt trong cuộc sống: không hút thuốc lá, không uống bia, uống rượu; không sử dụng các chất kích thích, không sử dụng các loại thuốc cấm.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở bệnh viện, kiểm soát chỉ số đường huyết và chỉ số huyết áp, nồng độ cholesterol máu thường xuyên, nhằm phát hiện dấu hiện bệnh sớm nhất để có thể tiến hành điều trị.
  • Ngăn ngừa các bệnh tim, điều trị bệnh tim hoàn toàn (nếu có), sử dụng thuốc tuân theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ điều trị, không được tự ý thay đổi liệu trình khi chưa có sự cho phép của bác sĩ điều trị.
  • Thông báo với bác sĩ khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan tới bệnh nhịp tim chậm.

Bệnh nhân nhịp tim chậm nên ăn gì?

bệnh nhân mắc bệnh nhịp tim chậm nên xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng nhằm cải thiện tình trạng bệnh lý:

  • Bổ sung nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc, các thực phẩm nhiều dinh dưỡng như cá, thịt đỏ, sử dụng các sản phẩm bơ sữa ít béo hoặc không béo.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Không sử dụng đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây