Bệnh đau nửa đầu là bệnh gì?
Bệnh đau nửa đầu còn gọi là bệnh Migraine. Khi mắc phải bệnh này, người bệnh sẽ cảm thấy một nửa đầu bên trái hoặc bên phải bị đau hoặc đau cả đầu và kèm theo một vài triệu chứng khác nữa. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống và thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Nguyên nhân bệnh đau nửa đầu?
Bệnh Migraine là bệnh phổ biến nhưng căn nguyên của bệnh đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, người ta ghi nhận thấy một số yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân của bệnh:
- Hiện tượng các mạch máu của não bị giãn nở do sự phóng thích đột ngột và quá mức chất serotonin và dopamin. Các chất trên làm cho hệ tuần hoàn não bị rối loạn và gây cơn đau đầu dữ dội cho người bệnh.
- Các yếu tố có thể gây xuất hiện bệnh như: Tình trạng căng thẳng đầu óc, sự thay đổi nội tiết ở tuổi tiền mãn kinh, tiếng ồn, mùi nước hoa…
- Do di truyền qua các thế hệ: Có khoảng hơn 70% các trường hợp mắc bệnh nằm trong gia đình có người mắc bệnh đau nửa đầu.
Triệu chứng bệnh đau nửa đầu Migraine
Bệnh Migraine được phân chia thành nhiều thể khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của bệnh như: bệnh Migraine có triệu chứng báo trước, bệnh Migraine không có triệu chứng tiền triệu, bệnh Migraine có biến chứng liệt nửa người.
Tuy có nhiều thể khác nhau nhưng chúng có chung các triệu chứng sau:
- Vị trí: Khi mắc bệnh, người bệnh thường cảm thấy đau nửa đầu hoặc cả đầu. Đôi khi, cơn đau đầu chuyền từ đau bên này sang bên khác không cố định.
- Triệu chứng tiền triệu: Thường có trước cơn đau khoảng từ 10 phút đến 30 phút. Ở một số người bệnh, trước khi cơn đau đầu xuất hiện sẽ có cảm giác tăng mẫn cảm với ánh sáng và tiếng ồn, dễ nóng tính hoặc buồn chán vô cớ, xuất hiện các triệu chứng đột ngột như: Hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, ánh sáng chập chờn có thể nhìn một hình thành hai hình, trên da đầu cảm thấy tê buốt và nói khó mà không rõ căn nguyên. Các triệu chứng trên xuất hiện chiếm khoảng 40-60% các trường hợp bệnh. Vì thế, việc thấu hiểu bản thân mình là việc rất quan trọng, giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Tính chất cơn đau: Người bệnh bị đau nhói đầu từng cơn, cơn đau thường kéo dài từ nhiều giờ tới vài ngày sau. Người bệnh sẽ bị đau ở các mức độ khác nhau, có lúc đau dữ dội như búa bổ, từng cơn nhưng có lúc chỉ đau thoáng qua, âm ỉ. Cơn đau tăng lên khi bệnh nhân làm việc hoặc thay đổi tư thế khi nằm, khi có tiếng ồn hoặc ngửi thấy mùi của nước hoa, một vài loại phấn, xịt thơm phòng.
- Triệu chứng kèm theo: Khi mắc bệnh Migraine, người bệnh có cảm giác buồn ói, vị giác thay đổi nên ăn không ngon miệng, hai bên thái dương mạch đập rõ, dùng tay có thể sờ thấy được. Khi cơn đau đầu chấm dứt, người bệnh thường bị mệt mỏi và buồn ngủ, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, thiếu sức sống và giảm khả năng tập trung khi làm việc.
Xem thêm: Bệnh mất ngủ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách khắc phục & Điều trị
Ai thường mắc bệnh đau nửa đầu?
Theo nghiên cứu cho thấy, bệnh đau nửa đầu Migraine là một bệnh tự phát. Tuy nhiên, bệnh sẽ thường xuất hiện hơn ở những người có những yếu tố khởi phát sau đây:
- Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh Migraine: Những người con của họ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn các đối tượng khác cùng lứa tuổi. Đồng thời, có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa hai giới, nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới và tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 20 đến 45 tuổi.
- Những người thường xuyên làm việc trong môi trường căng thẳng, mệt mỏi và quá sức. Những người này thường không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, giải tỏa áp lực dẫn tới tình trạng stress kéo dài, cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh Migraine.
- Đối tượng có sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể như phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh hoặc đang mang thai, phụ nữ trong những ngày trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt, những người dùng thuốc tránh thai thường xuyên.
- Ở những người có tính nhạy cảm cao, cơn đau đầu Migraine có thể khởi phát khi gặp những yếu tố sau: Sự thay đổi thời tiết, cường độ ánh sáng mạnh vào buổi trưa, ô nhiễm tiếng ồn, mùi nồng nặc của nước hoa hoặc khói thuốc lá.
- Ngoài ra, việc ăn nhiều chất béo như socola, bột ngọt hoặc một số chất kích thích như rượu, bia, chất cay nóng cũng là yếu tố khởi phát cơn đau đầu.
Cách chữa trị bệnh đau nửa đầu?
Dùng thuốc chữa đau nửa đầu
Bệnh đau nửa đầu Migraine là bệnh chưa rõ căn nguyên gây bệnh, dễ tái phát nên việc điều trị sẽ được chú trọng vào điều trị triệu chứng như cắt cơn đau cấp tính và dự phòng căn bệnh quay trở lại. Người bệnh khi mắc bệnh nên đến khoa nội thần kinh để được các Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị dựa vào tình trạng của từng người. Thời gian điều trị bệnh có thể kéo dài trên 3 tháng.
Các nhóm thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc Migraine:
- Nhóm thuốc giảm đau là thuốc đầu tay của các bác sĩ khi điều trị bệnh Migraine. Thuốc có tác dụng cắt được cơn đau cấp tính chỉ sau ít phút dùng thuốc, giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, liều lượng và cách dùng thuốc sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân. Trên thực tế, bệnh đau nửa đầu là bệnh gặp phổ biến, người bệnh có thể tự dùng nhóm thuốc giảm đau như paracetamol để uống. Nhưng cách dùng thuốc đúng thì không phải ai cũng biết. Thuốc paracetamol có thể gây ngộ độc gan khi dùng quá liều và một số thuốc giảm đau khác có thể làm nặng lên tình trạng của bệnh. Vì vậy, người bệnh cần phải tới các cơ sở y tế uy tín, để được điều trị đúng cách và theo dõi bệnh thường xuyên vì bệnh Migraine là bệnh cần phải điều trị lâu dài.
- Một số nhóm thuốc phòng bệnh tái phát như: Thuốc ức chế kênh beta, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế canxi thường được khuyên dùng. Khi dùng thuốc những nhóm thuốc này cần phải thật cẩn thận, vì có một số thuốc gây biến chứng không mong muốn nghiêm trọng khi không dùng đúng cách, ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định điều trị của Bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị dự phòng
Bệnh đau nửa đầu Migraine có thể dự phòng bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh, phù hợp với sức khỏe của mỗi người như sau:
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mọi người vì khi ngủ đủ giấc, não bộ được nghỉ ngơi, cơ thể hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc mệt mỏi, tái sinh năng lượng cho một ngày mới.
Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, uể oải và làm việc không tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây ra nhiều bệnh như bệnh đau nửa đầu, suy nhược cơ thể gây gầy còm và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Mọi người nên cân bằng giữa chế độ làm việc và nghỉ ngơi, cố gắng tạo cho mình giấc ngủ sâu và chất lượng, để có một cơ thể luôn khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
Thay đổi lối sống có hại cho sức khỏe
Việc dùng các chất kích thích như rượu, bia và những chất cay nóng thường xuyên sẽ gây rối loạn hệ tiêu hóa như táo bón thường xuyên, hay các bệnh lý về gan mật cũng dẫn đến những stress khó chịu, đau đớn trong người, tinh thần không thoải mái. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý hơn đến việc thói quen ăn uống hàng ngày. Trong các bữa ăn không nên sử dụng quá nhiều các chất ngọt như socola hay bột ngọt, về lâu dài sẽ gây tác hại cho sức khỏe tim mạch mỗi người.
Với những người có cơ địa dễ mẫn cảm không nên ở những nơi quá lạnh hoặc quá nóng. Mọi người nên tìm cho mình không gian sống tốt, nơi có khí hậu thoáng mát, yên tĩnh và tránh ra ngoài đường lúc trời nắng gắt, vì nó có thể là yếu tố khởi phát cơn đau nửa đầu.
Với người bệnh, bên cạnh việc thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh, việc theo dõi sức khỏe định kỳ cũng là việc hết sức quan trọng. Bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên, tuân thủ đúng những y lệnh của bác sĩ, sẽ góp phần điều trị bệnh tốt và phòng bệnh tái phát.
Tập thể dục thể thao thường xuyên
Do ảnh hưởng của nền công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước mà nhiều ngành lao động trí óc dần thay thế cho lao động chân tay, giảm bớt sự vất vả trong cuộc sống. Nhưng cũng vì thế mà con người ngày càng mắc nhiều căn bệnh mà trước đây ít khi gặp phải.
Nguyên nhân là do mọi người thường không có chế độ tập luyện hợp lý. Tập thể dục thể thao là một hoạt động lành mạnh, dễ thực hiện, cần xen kẽ vào công việc đầu óc, giúp cơ thể tăng chuyển hóa và đào thải các chất độc, giải tỏa được áp lực gặp phải trong cuộc sống, giúp đầu óc thư thái khỏe mạnh.
Mẹo chữa bệnh đau nửa đầu Migraine
Khi cơn đau đầu xảy ra, ngoài việc dùng thuốc còn có một số mẹo khác giúp giảm cơn đau cho người bệnh:
- Người bệnh nên tìm một chỗ thật yên tĩnh, đầu kê gối độ cao phù hợp để nằm nghỉ ngơi, lấy lại sức lực cho cơ thể, thư giãn đầu óc.
- Khi gặp phải cơn đau, mọi người nên dùng khăn lạnh đắp vào bên nửa đầu bị đau trong ít phút.
- Tránh nơi có khói bụi, tiếng ồn và thuốc lá.
Mọi người nên dành ra trong quỹ thời gian của mình một vài giờ để tham gia các lớp học như yoga hay thiền. Vì các lớp học này có những bài tập điều hòa nhịp thở và thư giãn giúp cơ thể khỏe khoắn, tăng sức đề kháng và cân bằng lại tinh thần của mình, xả stress hiệu quả.
Tham khảo: Bệnh mất trí nhớ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị & Phòng ngừa
Đau nửa đầu có nguy hiểm không? Là dấu hiệu của bệnh gì?
Bệnh Migraine là bệnh đau nửa đầu dễ chẩn đoán nhưng điều trị dai dẳng và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của mọi người. Khi mắc bệnh, hệ thống mạch máu não của cơ thể bị rối loạn, gây triệu chứng như cơn đau chói dữ dội cho người bệnh, làm giảm tinh thần tập trung làm việc, mệt mỏi và gây mất ngủ.
Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy nhược cơ thể, giảm khả năng lao động. Ngoài ra, bệnh đau nửa đầu còn có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ nguy hiểm. Bệnh còn được coi là một vấn nạn vì quá trình điều trị mất nhiều công sức của các Bác sĩ cũng như tiền của của người bệnh. Theo thống kê của WHO, bệnh Migraine là bệnh nằm trong top 20 những căn bệnh có khả năng gây thương tật và làm giảm khả năng lao động của người bệnh.
Trên thực tế, triệu chứng đau đầu còn gặp ở có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh xuất huyết não, chảy máu não,cao huyết áp, viêm màng não mủ do não mô cầu, tăng áp lực nội sọ do khối máu tụ sau chấn thương…Vì vậy, khi bạn bị đau đầu thường xuyên, bạn nên tìm một cơ sở y tế uy tín để tới khám, để được điều trị kịp thời và theo dõi sức khỏe của mình để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.