Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Benazepril tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Benazepril là gì? Benazepril có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Benazepril là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.
Lịch sử nghiên cứu và phát triển
Benazepril là thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors – ACEIs). Thuốc được dùng trong các trường hợp tăng huyết áp.
Benazepril được cấp bằng sáng chế năm 1981 và được đưa vào sử dụng trong y tế từ năm 1990. Biệt dược gốc là Lotensin, được nghiên cứu, phát triển và tiếp thị bởi Norvatis.
Dược lực học
Benazepril là 1 tiền thuốc (prodrug). Khi vào cơ thể, nó sẽ chuyển thành benazeprilat dưới tác dụng của esterase. Benazeprilat có cơ chế tác dụng tương tự như các ACEIs khác.
Benazeprilat ức chế men ACE theo cơ chế cạnh tranh với cơ chất. Cấu trúc bắt chước angiotensin I giúp nó liên kết được với trung tâm hoạt động của enzyme, ngăn cản angiotensin I đi vào đó. Khi angiotensin I không vào được trung tâm hoạt động của enzyme, nó không thể được cắt bớt acid amin để trở thành angiotensin II, và do đó no không thể hiện được hoạt tính sinh học của mình. Như vậy ACEIs gây ra các tác dụng:
Hạ huyết áp: Đây là kết quả của 3 cơ chế. Thứ nhất, angiotensin II hạn chế tạo thành nên ít liên kết được với thụ thể AT1 trên mạch máu, nên mạch máu ít co hơn, dẫn đến kết quả là giãn mạch, hạ huyết áp. Thứ hai, lượng angiotensin II ít nên vỏ thượng thận tiết aldosterone ít hơn và tuyến yên tiết ADH (hormon chống bài niệu) cũng ít hơn, dẫn đến kết quả là tăng thải natri và nước, gây giảm thể tích tuần hoàn và hạ huyết áp. Thứ ba, men ACE bị ức chế dẫn đến giảm giáng hóa bradykinin, tác nhân này lại kích thích giãn mạch qua trung gian NO, gây hạ huyết áp.
Giảm tăng sinh và phì đại thất: Do angiotensin II bị ức chế tạo thành nên yếu tố tăng trưởng cơ tim cũng bị ức chế, dẫn đến giảm phì đại thất (đặc biệt là thất trái). Điều này giúp giảm tiến triển suy tim.
Do ức chế tiết aldosterone nên thuốc gây tăng kali máu. Đồng thời, lượng bradykinin bị tích lũy sẽ gây ho.
Một số thử nghiệm lâm sàng
Nghiên cứu về tác dụng ngắn hạn và dài hạn của benazepril trên bệnh nhân tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình.
Các tác gỉả: Chen CH, Hsu TL, Lin SJ, Ting CT, Chou P, Wang SP, Yin FC và Chang MS tới từ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh – Đài Bắc, Đài Loan, R.O.C.
Phương pháp: Những đối tượng tăng huyết áp có huyết áp tâm trương 95-110 mmHg, sau 2 tuần dùng giả dược đầu tiên, bước vào giai đoạn mù đôi 4 tuần điều trị bằng benazepril 10 mg 1 lần/ngày hoặc captopril 25 mg 3 lần/ngày, sau đó được nhận 1 năm điều trị mở bằng benazepril 10 mg 1 lần/ngày có hoặc không có thuốc lợi tiểu. Theo dõi huyết áp cấp cứu được thực hiện khi hết giả dược, sau giai đoạn mù đôi 4 tuần và sau điều trị mở 1 năm.
Kết quả: Trong số 75 đối tượng (41 nam, 34 nữ, tuổi trung bình 57 ± 12 tuổi, phạm vi 34-88 tuổi) đã hoàn thành giai đoạn mù đôi, 42 đối tượng đã hoàn thành giai đoạn gia hạn thêm 1 năm. Lý do rút khỏi nghiên cứu bao gồm ho khó chịu (16, 21%), hạ huyết áp (1, 1%) và tuân thủ điều trị kém (16, 21%). Trong giai đoạn mù đôi ngắn hạn, benazepril giảm huyết áp phòng khám và huyết áp cấp cứu trung bình 24 giờ lần lượt là -21/-10 mmHg và -17/-10 mmHg, và captopril giảm -21/-13 mmHg và -17/-10 mmHg tương ứng. Sau khi điều trị mở 1 năm bằng benazepril cho 42 đối tượng, huyết áp phòng khám trung bình 1 năm là 134/88 mmHg (155/104 mmHg khi bắt đầu và 135/93 mmHg khi kết thúc giai đoạn mù đôi), và huyết áp cấp cứu trung bình 24 giờ là 137/87 mmHg (149/95 mmHg khi bắt đầu và 132/84 mmHg khi kết thúc giai đoạn mù đôi).
Kết luận: Tác dụng hạ huyết áp của benazepril 10 mg 1 lần/ngày có hoặc không có thuốc lợi tiểu không khác biệt đáng kể so với captopril 75 mg/ngày trong thời gian ngắn và có thể duy trì được trong 1 năm.
Dược động học
Hấp thu: Sinh khả dụng (F) đạt 37%. Thời gian khởi phát tác dụng là 1 giờ (tác dụng cực đại với liều 2-20 mg). Thời gian tác dụng là 24 giờ (với liều 5-20 mg). Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 0.5-1 giờ (thuốc mẹ).
Phân bố: Tỉ lệ liê kết protein huyết tương là 95-97%. Thể tích phân bố (Vd) là 8.7 L.
Chuyển hóa: Chất chuyển hóa hoạt động là benazeprilat.
Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) là 10-11 giờ. Bài xuất qua nước tiểu (chủ yếu) và mật (11-12%).
Chỉ định và liều dùng
Tăng huyết áp:
Bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu: 5 mg/ngày PO khởi đầu để tránh tụt huyết áp quá mức.
Bệnh nhân không dùng thuốc lợi tiểu: 10 mg/ngày PO.
Có thể tăng liều duy trì lên 20-40 mg/ngày PO hoặc chia mỗi 12 giờ.
Bệnh thận không đái tháo đường (Chỉ định ngoài nhãn):
10-20 mg/ngày PO.
Chú thích: PO: đường uống.
Cân nhắc dùng ở bệnh nhân có nguy cơ cao.
Lựa chọn tốt cho bệnh nhân mỡ máu cao.
Cần vài tuần để đạt hiệu quả tối đa, sử dụng liều thấp nhất chuẩn độ liều mỗi 1-2 tuần.
Ngừng thuốc đột ngột không liên quan đến tăng huyết áp nhanh.
Chỉnh liều:
Bệnh nhân suy thận:
CrCl < 30 mL/phút: 5 mg/ngày PO khởi đầu, không quá 40 mg/ngày.
Bệnh nhân suy gan:
Không có nghiên cứu.
Tác dụng phụ
Thường gặp (1-10%):
- Ho (1-10%).
- Rối loạn thần kinh trung ương: Nhức đầu (6%), chóng mặt (4%), mệt mỏi (2%), chóng mặt tư thế (2%), ngủ gà (2%).
- Creatinine huyết thanh tăng (2%).
- Buồn nôn (1%).
- Suy thận cấp nếu có hẹp động mạch thận (1%).
Tác dụng phụ < 1%:
- Phản ứng phản vệ, phù mạch, phát ban, hội chứng Stevens-Johnsons.
- Đau thắt ngực, thay đổi điện tâm đồ (ECG).
- Đỏ bừng mặt, hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế.
- Ngất.
- Mất ngủ.
- Rụng tóc, viêm da.
- Rối loạn chuyển hóa và điện giải: Tăng đường huyết, tăng kali máu, hạ natri máu, tăng transaminase, tăng acid uric máu.
- Rối loạn tiêu hóa: Viêm tụy, viêm dạ dày, nôn.
- Rối loạn huyết học: Mất bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu.
- Viêm khớp, đau khớp.
- Bất lực.
- Protein niệu.
- Rối loạn hô hấp: Hen phế quản, khó thở.
Báo cáo hậu mãi (Postmarketing Reports):
- Da liễu: Hội chứng Stevens-Johnson, bệnh bọng nước tự miễn pemphigus, phản ứng quá mẫn rõ ràng (viêm da, ngứa hoặc phát ban), nhạy cảm ánh sáng và đỏ bừng.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, viêm tụy, táo bón, viêm dạ dày, nôn mửa và đại tiện phân đen.
- Huyết học: Giảm tiểu cầu và thiếu máu tan huyết.
- Thần kinh và tâm thần: Lo lắng, hồi hộp, giảm ham muốn tình dục, tăng trương lực cơ, mất ngủ và dị cảm.
- Viêm phế quản, viêm xoang.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, đi tiểu thường xuyên.
- Nhiễm trùng.
- Đau cơ, nhược cơ.
- Đổ mồ hôi.
Lưu ý và thận trọng
Cảnh báo hộp đen:
Các ACEIs có thể gây dị tật hoặc tử vong cho thai nhi. Không dùng cho phụ nữ có thai.
Thận trọng:
Hạ huyết áp quá mức có hoặc không có ngất có thể xảy ra nếu giảm thể tích máu hoặc hạ natri máu hoặc nếu dùng chung với thuốc lợi tiểu.
ACEIs làm tăng nồng độ bradykinin, từ đó tăng nguy cơ phù mạch (đặc biệt trên người da đen).
Ho có thể xảy ra do nồng độ bradykinin tăng.
Vàng da ứ mật đã được báo cáo khi sử dụng ACEIs.
Tránh sử dụng benazepril trong hẹp động mạch thận hai bên.
ACEIs ít hiệu quả ở bệnh nhân da đen.
Suy thận và giảm chức năng thận có thể xảy ra. Có thể xem xét ngừng điều trị ở những bệnh nhân suy giảm tiến triển hoặc đáng kể chức năng thận.
Các trường hợp hiếm gặp của mất bạch cầu hạt đã được báo cáo khi điều trị bằng ACEIs.
Có thể gây hạ huyết áp trong phẫu thuật.
Theo dõi vàng da hoặc dấu hiệu suy gan.
Phụ nữ mang thai: Không dùng cho phụ nữ có thai (xem phần Cảnh báo hộp đen). Nếu phát hiện có thai, ngừng thuốc càng sớm càng tốt. Xem xét sử dụng các thuốc hạ huyết áp khác an toàn cho thai kì như methyldopa, hydralazin.
Phụ nữ đang cho con bú: Ít hơn 0.1% mg/kg liều qua được sữa mẹ dưới dạng benazepril và benazeprilat.
Tương tác thuốc
Phối hợp với thuốc hạ huyết áp khác (chẹn kênh calci, lợi tiểu, hydralazin, methyldopa…): Tăng tác dụng hạ huyết áp. Giảm liều mỗi thuốc. Phối hợp với lợi tiểu thiazide là ưu tiên do giảm bớt tác dụng phụ của nhau. Chú ý phối hợp với lợi tiểu thiazide cũng làm tăng độc tính trên thận.
Phối hợp với ACEIs, ARBs hoặc aliskiren: Tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali máu, suy thận. Theo dõi chặt chẽ huyết áp, chức năng thận và điện giải ở bệnh nhân dùng benazepril cùng các thuốc khác ảnh hưởng đến hệ RAA.
Dùng đồng thời với thuốc ức chế neprilysin (sacubitril), các thuốc ức chế mTOR (temsirolimus): Có thể làm tăng nguy cơ phù mạch. Ngưng dùng benazepril và điều trị thích hợp nếu xảy ra phù mạch.
Phối hợp với thuốc gây tăng kali máu (thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs, thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, kali chloride, kali citrate…): Tăng nguy cơ gây tăng kali máu nguy hiểm.
Phối hợp với NSAIDs: Giảm tác dụng hạ huyết áp của benazepril và tăng độc tính trên thận.
Phối hợp với thuốc hạ đường huyết (acarbose, dapagliflozin, metformin, insulin…): Tăng tác dụng hạ đường huyết. Sử dụng thận trọng.
Phối hợp với lithium: Tăng độc tính của lithium.
Dùng cùng allopurinol: Tăng nguy cơ dị ứng hoặc gặp các phản ứng quá mẫn.
Dùng cùng linagliptin, pregabalin: Tăng nguy cơ phù mạch.
Dùng cùng sodium phosphates, cyclosporine: Tăng tác dụng gây độc thận.
Dùng cùng azathioprine: Tăng nguy cơ giảm bạch cầu trung tính.
Dùng cùng kháng sinh quinolone: Tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Giám sát thận trọng.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với benazepril, ACEIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tiền sử phù mạch di truyền hoặc vô căn.
Phối hợp với các thuốc ức chế neprilysin (sacubitril).
Phối hợp với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4896331/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15233978
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11867951
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1893638
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11677377