Vaccine phòng virus viêm đường hô hấp dưới (RSV) cho trẻ sơ sinh khi tiêm cho phụ nữ có thai

5/5 - (1 bình chọn)

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trong đó các trường hợp nặng nhất tập trung ở trẻ sơ sinh (khoảng 44% số ca nhập viện và 46% số ca tử vong tại viện xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Hiện nay vẫn chưa có vaccine RSV nào được cấp phép. Từ những dữ liệu trước về an toàn và hiệu quả ban đầu của vaccine RSV F trên phụ nữ có thai, thử nghiệm lâm sàng pha III được tiến hành để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine này trên phụ nữ có thai và hiệu quả phòng nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến RSV ở trẻ sơ sinh của phụ nữ này trong 90 và 180 ngày đầu đời.

Vaccine phòng virus viêm đường hô hấp dưới

Phương pháp và kết quả nghiên cứu

Thử nghiệm ngẫu nhiên, làm mù người đánh giá, có đối chứng tại 87 trung tâm, bao gồm các phụ nữ có thai khỏe mạnh tuổi từ 18 tới 40, tuổi thai từ 28 tuần đến 36 tuần, với ngày sinh dự kiến gần thời điểm bắt đầu mùa dịch RSV, được phân ngẫu nhiên theo tỷ lệ 2: 1 để nhận một liều tiêm bắp RSV F hoặc giả dược. Trẻ mới sinh của các phụ nữ này được theo dõi trong 180 ngày để đánh giá kết cục liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp dưới và trong 364 ngày để đánh giá an toàn. Kết cục chính là nhiễm trùng đường hô hấp dưới có ý nghĩa về mặt y khoa và liên quan đến RSV từ lúc sinh tới 90 ngày đầu đời. Tiêu chí thành công được xác định là: giới hạn dưới của khoảng tin cậy 97,52% [CI] là ≥30%.

Tổng cộng có 4636 phụ nữ tham gia, và có 4579 trẻ được sinh ra. Trong 90 ngày đầu đời, tỷ lệ trẻ sơ sinh gặp kết cục chính là 1,5% trong nhóm vaccine và 2,4% trong nhóm giả dược (hiệu quả vaccin 39,4%; 97,52% CI từ −1,0 đến 63,7; 95% CI từ 5,3 đến 61,2).

Tỷ lệ phần trăm tương ứng cho nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến RSV có thiếu oxy nặng là 0,5% và 1,0% (hiệu quả vaccin 48,3%; CI 95% từ -8,2 đến 75,3) và tỷ lệ nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến RSV tương ứng là 2,1% và 3,7% (hiệu quả vắc-xin, 44,4%; 95% CI từ 19,6 đến 61,5). Phản ứng tại chỗ tiêm ở nhóm vaccine phổ biến hơn so với nhóm giả dược (40,7% so với 9,9%), nhưng tỷ lệ người tham gia có các tác dụng phụ khác ở hai nhóm là tương tự nhau.

Dù hiệu quả của vaccine trên tiêu chí chính chưa được chứng minh, các quan sát post hoc cho thấy trẻ có mẹ tiêm vaccine có thể giảm 50% nguy cơ mắc viêm phổi nghiêm trọng do mọi nguyên nhân trong 180 và 364 ngày đầu đời, Ngoài ra vaccine có thể có lợi ích trên thiếu oxy nặng và nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp dưới bất kể nguyên nhân. Các kết quả về hiệu quả của vaccine liên quan đến RSV cũng khả quan hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, so với các nước thu nhập cao.

Nghiên cứu này có một số hạn chế: thiếu lực thống kê (do đánh giá tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc kết cục chính quá cao so với thực tế và do nghiên cứu dừng sớm), đánh giá kháng thể trung hòa RSV A và B máu cuống rốn vẫn chưa được hoàn thành.

Kết luận

Vaccin RSV F ở phụ nữ mang thai không thỏa mãn tiêu chí chính về hiệu quả được đề ra trước đó (nhiễm trùng đường hô hấp dưới có ý nghĩa về mặt y khoa và liên quan đến RSV ở trẻ sơ sinh cho đến 90 ngày tuổi). Tuy nhiên, kết quả về các kết cục khác (liên quan đến RSV và bệnh hô hấp do mọi nguyên nhân) mở ra những lợi ích tiềm năng của việc tiêm vắc-xin RSV cho phụ nữ có thai, gợi ý làm thêm các nghiên cứu khác.

Tài liệu tham khảo

Fries et al. Respiratory Syncytial Virus Vaccination during Pregnancy and Effects in Infants. NEJM 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây