Dung dịch khí dung Combivent 0.5mg/2.5 ml: Tác dụng, Liều dùng, Tác dụng phụ

5/5 - (1 bình chọn)

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chế phẩm điều trị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với thành phần, dạng bào chế, đóng gói đa dạng với nhiều loại dụng cụ sử dụng khác nhau cũng như cách sử dụng khác nhau: bình xịt định liều (MDI) có hoặc không có buồng đệm, ống hít bột khô, thiết bị khí dung, … Trong đó Combivent dạng dung dịch khí dung với hiệu quả và dễ sử dụng được sử dụng rất phổ biến tại nước ta.

Combivent là thuốc gì?

Combivent là một chế phẩm thuốc dạng khí dung được sử dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hen phế quản, COPD). Combivent chứa thành phần hoạt chất chính là Ipratropium  bromide và Salbutamol sulfate. Thuốc được sản xuất bởi công ty Công ty TNHH Boehringer Ingelheim.

Hiện nay trên thị trường Combivent được lưu hành dưới các dạng bào chế là dung dịch khí dung với hàm lượng hoạt chất chính là 0.5 mg Ipratropium bromide khan và 2,5 mg Salbutamol sulfate trong ống 2,5ml trong các chế phẩm sau:

  • Combivent hộp 10 ống x 2.5ml mỗi ống
  • Combivent hộp 20 ống x 2.5ml mỗi ống
  • Combivent UDV nebulizer 2.5ml hộp 60 ống.

Số đăng ký thuốc Combivent

  • Năm 2011, Combivent được cấp giấy phép lưu hành với số đăng ký thuốc VN-10786-10. Năm 2016-2017, Combivent lưu hành với số đăng ký thay đổi là
  • VN-19797-16 (theo thông tin của Cục quản lý dược)

Combivent có tác dụng gì?

Combivent UDV nebulizer 2.5ml hộp 60 ống
Combivent UDV nebulizer 2.5ml hộp 60 ống

Thuốc Combivent có tác dụng làm giảm co thắt phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ tác dụng hiệp đồng của một thuốc kích thích adrenergics (Salbutamol) kết hợp với một thuốc kháng cholinergic (Ipratropium)

Ipratropium bromide có tác dụng kháng cholinergic, ức chế các phản xạ qua trung gian thần kinh mê tẩu (dây thần kinh X) bằng cách đối kháng với hoạt động của acetylcholine được giải phóng từ dây thần kinh phế vị. Sự ức chế phản xạ dây thần kinh X dẫn đến giãn đường dẫn khí trung tâm lớn do đó làm giãn phế quản. Tác dụng giãn phế quản gây ra bởi Ipratropium bromide chủ yếu là cục bộ và vị trí đặc hiệu ở phổi.

Salbutamol kích thích thụ thể β2-adrenergic trong phổi, do đó kích hoạt enzyme adenylate cyclase (AC)  xúc tác sự chuyển đổi adenosine triphosphate (ATP) thành cyclic-3 ‘, 5’-adenosine monophosphate (cAMP). Nồng độ cAMP tăng làm giãn cơ trơn phế quản, làm giảm co thắt phế quản và giảm giải phóng các chất trung gian hóa học gây viêm như histamin, bradykinin, …  đặc biệt là từ các tế bào mast. Sabutamol cũng có thể gây kích thích không chọn lọc thụ thể β1-adrenergic , do đó làm tăng tốc độ và tăng lực co bóp cơ tim (chủ yếu liên quan đến các tác dụng không mong muốn).

Combivent chứa đồng thời Ipratropium bromide và Salbutamol sulfate do đó cho tác dụng lên cả thụ thể muscarinic và β2-adrenergic trong phổi dẫn đến giãn cơ trơn phế quản.

Chỉ định của Combivent

Combivent được chỉ định cho kiểm soát co thắt phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần điều trị thường xuyên và thường được dùng kết hợp với một thuốc giãn phế quản khác.

Cách sử dụng thuốc Combivent

Cách dùng

Cách sử dụng thuốc Combivent       
Cách sử dụng thuốc Combivent

Combivent chỉ có thể được sử dụng theo đường hít bằng một thiết bị thích hợp như  máy phun sương phù hợp hoặc máy thở áp lực dương ngắt quãng. Không được dùng thuốc bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Bệnh nhân nên được điều trị và quản lý ban đầu dưới sự giám sát y tế, ví dụ như trong bệnh viện. Trong những trường hợp đặc biệt ( triệu chứng nặng hoặc bệnh nhân có kinh nghiệm cần liều cao hơn) bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cách dùng thiết bị một cách chính xác để đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất.

Hướng dẫn sử dụng:

  • Chuẩn bị dụng cụ khí dung theo hướng dẫn
  • Lấy ra một đơn vị phân liều (1 ống), mở ống bằng cách vặn mạnh đầu trên
  • Đổ thuốc vào bộ phận chứa thuốc của thiết bị
  • Lắp dụng cụ khí dung và tiến hành sử dụng
  • Khi dùng xong, đổ phần thuốc còn thừa và vệ sinh dụng cụ.

Cách chuẩn bị và vận hành máy xông mũi họng nén khí (máy phun sương)

  • Chắc chắn máy đang ở chế độ tắt rồi cắm phích điện vào ổ điện.
  • Tháo ống ngậm và nắp trên ra khỏi bộ phận phun khí
  • Tháo phần trên của bộ phận phun khí ra khỏi cốc thuốc và tháo van đổi chiều.
  • Cho đúng lượng thuốc cần dùng vào cốc thuốc.
  • Lắp lại lần lượt theo thứ tự: van đổi chiều, phần trên của bộ phận phun khí, bộ phun khí.
  • Gắn ống dẫn khí (một đầu gắn với cốc thuốc, 1 đầu gắn với máy xông)
  • Xông thuốc: Giữ bộ phun khí, không cầm nghiêng quá một góc 45° rồi ấn công tắc điện. Kiểm tra xem máy có tạo ra dịch phun không.
  • Hít thuốc: Đạt ống ngậm vào miệng và hít thở bình thường. Trường hợp dùng mặt nạ, gắn mặt nạ choán lên cả mũi và miệng, hít thở bình thường.
  • Kết thúc xông thuốc, tắt máy nén khí, rút ống dẫn khí rồi vệ sinh dụng cụ.
Hình ảnh: Hộp thuốc Combivent 20 ống x 2.5ml
Hình ảnh: Hộp thuốc Combivent 20 ống x 2.5ml
  • Lưu ý: không trộn Combivent với thuốc nào khác trong thiết bị.
  • Combivent chứa chất bảo quản do đó cần thiết phải được sử dụng ngay sau khi mở và mỗi lần sử dụng một ống mới để tránh việc thuốc bị hỏng do nhiễm vi khuẩn.

Liều dùng

Điều trị phải luôn được bắt đầu với liều khuyến cáo thấp nhất. Trong trường hợp rất nặng, có thể dùng 2 đơn vị liều để giảm triệu chứng.

Điều trị cắt cơn: dùng 1 đơn vị liều (ống)

  • Trong trường hợp sau khi dùng 1 ống vẫn không cắt cơn (một số trường hợp nặng) có thể dùng thêm 1 ống nữa. Khi đó bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ để được xử lý kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp hơn.

Điều trị duy trì:

  • Với người lớn (bao gồm cả bệnh nhân lớn tuổi và trẻ em trên 12 tuổi):
  • 1 đơn vị liều duy nhất 3 đến 4 lần mỗi ngày.
  • Không có khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Tham khảo thêm: Thuốc xịt khí dung Berodual MDI 10ml và 20ml: Tác dụng, Cách sử dụng hiệu quả

Tác dụng phụ của thuốc Combivent

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Combivent là ho, khô miệng, rối loạn nhu động dạ dày-ruột, buồn nôn, chóng mặt.

  • Rối loạn mắt: Phù giác mạc, tăng nhãn áp, đau mắt , tăng áp lực nội nhãn, nhìn mờ (hiếm gặp).
  • Rối loạn miễn dịch: sốc phản vệ, quá mẫn (mày đay, phát ban), phù mạch, lưỡi, môi và mặt (hiếm gặp)
  • Rối loạn hệ thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, run (ít gặp)
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: gây hạ kali máu, nhiễm axit lactic (hiếm gặp)
  • Rối loạn da và mô dưới da: phản ứng da (ít gặp), tăng tiết mồ hôi, phát ban, mề đay, ngứa (hiếm gặp)
  • Rối loạn tim mạch: đánh trống ngực, nhịp tim nhanh (ít gặp); loạn nhịp tim, rung tâm nhĩ, thiếu máu cơ tim, nhịp tim nhanh thất (hiếm gặp).
  • Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: ho, khó thở, viêm họng (ít gặp), co thắt phế quản, co thắt thanh quản, phù họng (hiếm gặp)
  • Rối loạn tiêu hóa: khô miệng, buồn nôn (ít gặp), tiêu chảy, táo bón, nôn, phù miệng, viêm miệng (hiếm gặp)
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: co thắt cơ, yếu cơ, đau cơ (hiếm gặp)
  • Rối loạn thận và tiết niệu: hiếm gặp bí tiểu
  • Rối loạn chung: Suy nhược (hiếm gặp)
  • Huyết áp: huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương giảm.
Tác dụng phụ của thuốc Combivent
Tác dụng phụ của thuốc Combivent

Nếu như trong quá trình sử dụng Combivent gặp phải một trong các tác dụng không mong muốn này hoặc một triệu chứng bất thường khác, hãy lập tức thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.

Chống chỉ định của thuốc Combivent

  • Chống chỉ định Combivent với những bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, đặc biệt là với Ipratropium bromide, Salbutamol sulfate hoặc atropine hoặc các dẫn xuất của nó.
  • Chống chỉ định Combivent ở những bệnh nhân mắc bệnh tim tắc nghẽn phì đại – bệnh cơ hoặc nhịp tim nhanh.

Tham khảo thêm: Thuốc Ventolin Inhaler (bình xịt), Nebules (khí dung): Cách dùng, Công dụng

Tương tác của Combivent với các thuốc khác

Sử dụng đồng thời Combivent với các chất chủ vận beta (epinephrine, dobutamine, terbutalin, …), dẫn xuất xanthine( cafein, theophylline, …) và corticosteroid (prednisolone, methylprednisolone, …) có thể làm tăng tác dụng của Combivent, đồng thời cũng có thể làm tăng tác dụng phụ và độc tính của thuốc nên cần thận trọng khi sử dụng.

Combivent và các thuốc adrenergic khác nên được dùng thận trọng cho bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ức chế monoamine oxidase hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng do có thể làm giảm chuyển hóa, tăng nồng độ thuốc trong huyết tương dẫn đến tăng tác dụng và cả tác dụng phụ của thuốc.

Chưa có nghiên cứu về việc sử dụng đồng thời kéo dài Combivent với các thuốc kháng cholinergic khác. Vì vậy, không nên dùng đồng thời các thuốc này.

Các thuốc gây mê đường hít nhóm hydrocarbon halogen  như halothane, trichloroethylen và enflurane có thể làm tăng tính nhạy cảm với tác dụng tim mạch của Combivent, do đó có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn trên tim mạch.

Phụ nữ có thai, cho con bú sử dụng Combivent được không?

Phụ nữ có thai sử dụng Combivent được không?    
Phụ nữ có thai sử dụng Combivent được không?

Với phụ nữ có thai: chưa có nghiên cứu đầy đủ chứng minh tính an toàn của Combivent trên thai nhi. Do đó cần sử dụng thận trọng trên phụ nữ có thai. Chỉ sử dụng khi mà lợi ích vượt trội so với nguy cơ và không sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Cần chú ý đến tác dụng ức chế co thắt tử cung của thuốc, đặc biệt trong tháng cuối thai kỳ. Nghiên cứu về sử dụng Ipratropium bromide cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về tác dụng gây hại trên phụ nữ có thai, nghiên cứu trên động vật đã cho thấy Ipratropim không có nguy hiểm với thai nhi. Với Salbutamol dữ liệu ghi nhận trong nhiều năm cho thấy không có hậu quả rõ rệt trong thai kỳ. Có nhiều bằng chứng được công bố về sự an toàn của Salbutamol trong giai đoạn đầu của thai kỳ tuy nhiên trong các nghiên cứu trên động vật đã có bằng chứng về một số tác động bất đối với thai nhi ở mức liều rất cao.

Với phụ nữ cho con bú: vẫn chưa chắc chắn được rằng Salbutamol và Ipratropium có bài tiết vào sữa mẹ được hay không. Do đó không thể loại trừ hoàn toàn được nguy cơ gây hại cho trẻ bú mẹ. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc. Nếu như bắt buộc phải dùng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ về chế độ liều phù hợp và ngừng cho bú nếu cần thiết.

Thuốc Combivent giá bao nhiêu?

Giá bán của Combivent trên thị trường hiện nay là

325.000VNĐ/ hộp 10 ống 2,5ml.

Thuốc Combivent mua ở đâu?

Combivent hiện có mặt tại rất nhiều nhà thuốc trên khắp cả nước. Để mua được Combivent đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, bạn có thể tìm đến các nhà thuốc lớn như nhà thuốc Lưu Anh, Ngọc Anh, nhà thuốc bệnh viện Bạch Mai, … tại Hà Nội hay nhà thuốc bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết về các sản phẩm mà bạn quan tâm. Bạn cũng có thể nhắn tin trực tiếp với page để có thêm thông tin  chi tiết hơn.

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây