Thuốc Nizatidine: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Nizatidine tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Nizatidine là gì? Nizatidine có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Nizatidine là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Nizatidine là thuốc kháng histamin H2 được sử dụng trong các trường hợp cần giảm tiết acid dạ dày. Đây là thuốc cùng nhóm với cimetidine, nhưng không giống cimetidine, nizatidine hầu như không tác dụng lên enzyme gan và do đó, nó có ít tương tác thuốc hơn nhiều cimetidine.
Nizatidine được phát triển bởi Eli Lilly, và được tiếp thị lần đầu năm 1987. Nó khác biệt với ranitidine ở chỗ thay thế vòng furan bằng vòng thiazole trong cấu trúc.

Công thức hóa học Nizatidine
Hình ảnh: Công thức hóa học Nizatidine

Tháng 9 năm 2000, Eli Lilly tuyên bố họ sẽ bán quyền bán hàng và tiếp thị của Axid cho Reliant Pharmaceuticals. Sau đó, Reliant đã phát triển dung dịch uống Axid, tiếp thị sản phẩm này sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, họ đã bán quyền của dung dịch uống Axid (bao gồm cả bằng sáng chế đã được cấp để bảo vệ sản phẩm) cho Phòng thí nghiệm Braintree.
Thuốc Axid
Hình ảnh: Thuốc Axid

Nizatidine là chất kháng thụ thể histamine H2 mới cuối cùng được giới thiệu trước khi có mặt các chất ức chế bơm proton (PPI). Các thuốc này sau đó đã nhanh chóng thay thế dần các thuốc kháng histamine H2­­ trong các điều trị các bệnh lý cần giảm tiết acid.

Dược lực học

Nizatidine là thuốc kháng histamine H2. Cấu trúc gần giống histamine của nó giúp nó có khả năng ức chế cạnh tranh với histamine trên thụ thể H2 của tế bào viền dạ dày. Bình thường, khi histamine liên kết với thụ thể H2, nó sẽ kích hoạt con đường truyền tin nội bào qua cAMP để hoạt hóa bơm proton, tăng cường đẩy acid ra lòng dạ dày. Khi bị nizatidine chiếm chỗ trên thụ thể, histamine không thể hiện được tác dụng của mình, bơm proton không được hoạt hóa và do đó lượng acid tiết vào lòng dạ dày giảm đáng kể.

Vị trí tác dụng của một số thuốc: Kháng histamine H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI), misoprostol và sucralfate.
Hình ảnh: Vị trí tác dụng của một số thuốc: Kháng histamine H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI), misoprostol và sucralfate.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm đa trung tâm châu Âu so sánh nizaridine với ranitidine trong bệnh loét dạ dày.

So sánh Nizatidine và Ranitidine
Hình ảnh: So sánh Nizatidine và Ranitidine

Các tác giả: Naccaratto R, Cremer M, Dammann HG, Keohane PP, Mulder H, Sarles H và Simon B từ Đại học Padua, Ý.
275 bệnh nhân từ 6 quốc gia được chọn ngẫu nhiên vào 1 nghiên cứu đối chứng nội soi, mù đôi trong 8 tuần. Mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh hiệu quả và độ an toàn của nizatidine, dùng 1 liều duy nhất (300 mg mỗi tối trước khi đi ngủ) hoặc 150 mg 2 lần/ngày, với ranitidine 150 mg 2 lần/ngày, trong điều trị loét dạ dày lành tính.
252 bệnh nhân đã hoàn thành thử nghiệm (80 bệnh nhân dùng nizatidine 150 mg 2 lần/ngày, 89 bệnh nhân dùng nizatidine 300 mg mỗi tối trước khi đi ngủ, 83 bệnh nhân dùng ranitidine 150 mg 2 lần/ngày). Nội soi được thực hiện trước khi bắt đầu và trong khoảng thời gian 4 tuần cho đến khi vết loét đã lành. Chẩn đoán loét lành tính luôn được hỗ trợ bởi mô học nội soi và / hoặc tế bào học.
Khi tham gia vào nghiên cứu, cả 2 nhóm có vẻ phù hợp tốt (nhân khẩu học, tiền sử loét tá tràng, điều trị trước đó và triệu chứng trước nghiên cứu), ngoại trừ đau vùng thượng vị ít hơn đáng kể ở nhóm dùng ranitidine (P = 0.020).
Tỉ lệ chữa lành loét dạ dày nhìn chung là tương tự nhau ở cả 3 nhóm sau 4 tuần (nizatidine 2 lần/ngày 66.2%, nizatidine mỗi tối trước khi đi ngủ 65.2%, ranitidine 2 lần/ngày 63%) và ở 8 tuần (nizatidine 2 lần/ngày 90%, nizatidine mỗi tối trước khi đi ngủ 86.5%, ranitidine 2 lần/ngày 86.7%). Sự chữa lành không bị ảnh hưởng bởi quốc gia họ xuất xứ hoặc có hút thuốc hay không. Sau 4 tuần điều trị, 66% (liều mỗi tối trước khi đi ngủ) đến 68% (liều 2 lần/ngày) bệnh nhân được điều trị bằng nizatidine không có triệu chứng, trong khi 93% (liều mỗi tối trước khi đi ngủ) đến 95% (liều 2 lần/ngày) không bị đau đêm. Các sự kiện khác tương tự nhau trong cả 3 nhóm điều trị và phần lớn là ở dạ dày – ruột.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) là 48-50% (PO) và 90-100% (IM). Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 2-3 giờ (PO) và dưới 15 phút (IM).
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 15%. Thể tích phân bố (V­­d) là 0.8-1.5 L/kg.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa qua gan. Không giống cimetidine, nizatidine hầu như không ức chế enzyme gan. Các chất chuyển hóa N-desmethylnizatidine (hoạt động), nizatidine N-oxide (không hoạt động), nizatidine S-oxide (không hoạt động).

Chuyển hóa Nizatidine
Hình ảnh: Chuyển hóa Nizatidine

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) 2.5-3 giờ (PO) và 2-2.5 giờ (IV). Độ thanh thải toàn cơ thể (ClT) là 660-1000 mL/phút, thanh thải thận là 500 mL/phút. Bài xuất qua nước tiểu 30% (PO) hoặc 70% (IV) và phân < 6%.
Chú thích:

  • PO: đường uống.
  • IV: đường tĩnh mạch.
  • IM: tiêm bắp.

Chỉ định và liều dùng
Loét tá tràng hoạt động:
300 mg PO mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc 150 mg PO mỗi 12 giờ.
Loét tá tràng duy trì:
150 mg PO mỗi tối trước khi đi ngủ.
Loét dạ dày lành tính:
300 mg PO mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc 150 mg PO mỗi 12 giờ.

Bệnh loét dạ dày tá tràng
Hình ảnh: Bệnh loét dạ dày tá tràng

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD):
300 mg PO mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc 150 mg PO mỗi 12 giờ.
Trào ngược dạ dày thực quản
Hình ảnh: Trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng (OTC).
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:
Loét tá tràng hoạt động, loét dạ dày, GERD:

  • CrCl 20-50 mL/phút: 150 mg PO 1 ngày.
  • CrCl < 20 mL/phút: 150 mg PO mỗi 2 ngày.

Loét tá tràng duy trì:

  • CrCl 20-50 mL/phút: 150 mg PO mỗi 2 ngày.
  • CrCl < 20 mL/phút: 150 mg PO mỗi 3 ngày.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp (> 10%):

  • Đau đầu (17%).

Thường gặp (1-10%):

  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Lo lắng, chóng mặt, mất ngủ.
  • Phản ứng dị ứng: Ngứa.

Tác dụng phụ < 1%:

  • Thiếu máu.
  • Xét nghiệm chức năng gan bất thường.

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân suy thận. Cần chỉnh liều.
Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc khác ngoài thuốc kháng histamine H2, nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ liệu có thể dùng nizatidine cùng với thuốc đó được hay không.
Dùng kéo dài có thể gây giảm hấp thu vitamin B12 dẫn đến thiếu vitamin này. Xem xét bổ sung nếu cần thiết.
Sự giảm các triệu chứng không loại trừ được các bệnh dạ dày ác tính.
Tăng nguy cơ phát triển viêm dạ dày ruột cấp tính và viêm phổi mắc phải cộng đồng đã được báo cáo ở bệnh nhân nhi.
Có thể gây urobilinogen dương tính giả.
Phụ nữ có thai: Không có nghiên cứu đối chứng tốt và đầy đủ ở phụ nữ mang thai. Không sử dụng nếu không thật sự cần thiết.
Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu được thực hiện ở phụ nữ đang cho con bú cho thấy 0.1% liều nizatidine dùng đường uống được bài tiết trong sữa mẹ. Dựa trên những dữ liệu động vật, nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc, tính đến tầm quan trọng của thuốc với người mẹ.

Tương tác thuốc

Dùng cùng các thuốc mà hấp thu của nó bị ảnh hưởng bởi pH dạ dày:
Dùng cùng atazanavir, bosutinib, delavirdine, erlotinib, indinavir, kháng nấm azole, mesalamine, neratinib, pazopanib, ponatinib…: Giảm hấp thu các thuốc này do tăng pH dạ dày. Tránh các phối hợp này.
Dùng cùng digoxin, pexidartinib, risedronate…: Tăng nồng độ các thuốc này trong máu, nguy cơ gặp tác dụng phụ và độc tính, đặc biệt là digoxin có khoảng điều trị hẹp. Tránh các phối hợp này.

Tương tác thuốcnizatidine và digoxin
Hình ảnh: Tương tác thuốcnizatidine và digoxin

Dùng cùng pimozide: Tăng nồng độ thuốc này trong máu, nguy cơ gặp tác dụng phụ. Tránh phối hợp này.
Tương tác thuốc nizatidine và pimozide
Hình ảnh: Tương tác thuốc nizatidine và pimozide

Dùng cùng các thuốc ức chế P-gp (erythromycin, erdafitinib, ketoconazole, amiodarone, quinidine…): Làm tăng nồng độ và nguy cơ gặp tác dụng phụ với nizatidine.
Dùng cùng các thuốc cảm ứng P-gp (carbamazepine, rifampin, tipranavir…): Làm giảm nồng độ và tác dụng của nizatidine.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với nizatidine, các thuốc kháng histamine H2 khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2691456/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8099802
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15460209
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1381682/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2897890

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây